Họa sĩ Đặng Tin Tưởng: Người vẽ Sa Pa bằng tâm cảm

Thứ Sáu, 02/11/2018, 08:55
Vừa qua, triển lãm "Sa Pa bốn mùa mây núi" của họa sĩ Đặng Tin Tưởng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới họa sĩ và những người yêu hội họa.


Chỉ với 12 bức tranh chất liệu Acrylic đều là khổ lớn,  "Sa Pa bốn mùa mây núi" của Đặng Tin Tưởng đã khiến nhiều người trong giới phải ngạc nhiên thán phục sức sáng tạo mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng của người nghệ sĩ trước sự hùng vĩ và đầy bí ẩn của thiên nhiên - con người Sa Pa...

"Sa Pa bốn mùa mây núi" của Đặng Tin Tưởng không phải là bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông theo lẽ thông thường mà là những mùa hoàn toàn khác. Đó là sự trở đi trở lại của "Sa Pa mùa hoa", "Sa Pa mùa nước", "Sa Pa mùa mây", "Sa Pa mùa lúa chín"...

Quả thật, đó cũng là những mùa Sa Pa đẹp nhất, quyến rũ nhất, nên thơ nhất đến mức ám ảnh người nghệ sĩ, khiến ông phải "trút" tâm cảm của mình vào nhiều bức vẽ. Nói về triển lãm "Sa Pa bốn mùa mây núi" của Đặng Tin Tưởng, họa sĩ Mai Hiên cho biết: "Đã có rất nhiều họa sĩ vẽ về Sa Pa rồi, nhưng có thể nói đến giờ này Đặng Tin Tưởng là người thành công nhất.

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng tại xưởng họa được ông thuê ở Sa Pa.

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng đã nhiều năm "ném" mình vào Sa Pa, ăn - ngủ - nghỉ cùng Sa Pa, hít thở bầu không khí trong lành, đắm mình trong mây trời, gió núi cùng với sức sáng tạo bền bỉ đã đưa được vào tác phẩm sự hùng vĩ, khoáng đạt và đầy lãng mạn của thiên nhiên - con người Sa Pa. Vì thế, triển lãm lần này của họa sĩ Đặng Tin Tưởng được những người trong giới mỹ thuật đánh giá cao, coi đó là một dấu mốc quan trọng không chỉ đối với gia tài sáng tác riêng của họa sĩ Đặng Tin Tưởng"...

Với họa sĩ Đặng Tin Tưởng, đây không phải là triển lãm đầu tiên của ông về đề tài Sa Pa mà là triển lãm thứ 3. Đó là sự tiếp nối của những đam mê với mây núi, hoa ngàn, những gương mặt, màu áo thổ cẩm của tác giả, để "Sa Pa bốn mùa mây núi" hôm nay ra mắt thực sự đem đến cảm giác "mãn nhãn" cho người thưởng thức hội họa, những người luôn dành cho Sa Pa sự trìu mến.

Còn đối với người sáng tạo - họa sĩ Đặng Tin Tưởng - sau nhiều năm làm "đấu sĩ hội họa" ở Sa Pa, ông cũng cảm thấy sức lực, tâm huyết của ông đổ vào những bức tranh đã được đền đáp. Cho dù trong tâm tưởng của ông, việc vẽ đề tài Sa Pa của ông sẽ không dừng lại. Ông sẽ tiếp tục theo đuổi con đường này, cho dù mấy năm trở lại đây, việc thị lực giảm sút đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc sáng tác.

Vào những năm 2000, họa sĩ Đặng Tin Tưởng đột nhiên mắc phải căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc, thị lực giảm sút đột ngột và đã qua nhiều đợt điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Đối với một người họa sĩ, đối mặt với nguy cơ không thể làm việc được nữa quả thực là một chuyện khó chấp nhận. Đó là chưa kể mỗi khi mùa hè đến, nhiệt độ cao khiến nước mắt cứ thế chảy ra.

Vì thế, từ năm 2002, cứ mỗi khi mùa hè đến, ông lại một mình khăn gói lên Sa Pa thuê nhà ở 3-4 tháng để "lánh bệnh", đến khi trời đổi lạnh mới trở về Hà Nội. Thế nhưng, đúng như họa sĩ Đặng Tin Tưởng chia sẻ: "Trong họa lại có phúc, nhờ có bệnh mà tôi được sống những tháng ngày thong rong với gió núi, mây ngàn, với những triền ruộng bậc thang khi xanh thắm, khi nhuộm màu vàng óng. Nhờ có bệnh mà tôi được đắm mình trong những phiên chợ vùng cao chìm trong sương sớm, ngấm từng gương mặt, màu áo của người dân bản địa, được ăn những món ăn đậm hương sắc núi rừng... Dần dà, tất cả những thứ hương vị ấy đã ngấm vào tôi và nó lại đi vào tác phẩm một cách khá tự nhiên...".

"Quăng" mình vào Sa Pa, lặn lội đi vào các bản, hít thở bầu không khí trong lành của núi rừng, phần thưởng ông nhận lại đó chính là những tác phẩm đi ra từ miền tâm tưởng về vùng đất mà ông coi như quê hương thứ 2 của mình. Ông vốn là họa sĩ nổi tiếng bậc nhất với tranh khắc gỗ, nhưng vì mắt kém đi, nên ông buộc phải chuyển hướng sang vẽ Acrylic khổ lớn, với những nét vẽ mạnh mẽ, khoáng đạt, ít đi vào chi tiết. Và ông đã thực sự thành công.

Ông chia sẻ rằng, căn nhà ông thuê luôn có tầm nhìn lên dãy Hoàng Liên, đỉnh Fanxipan để có thể theo dõi những biến thiên kỳ ảo ùa vào trong nhà mỗi khi mở cánh cửa. Hàng ngày, ông thường dậy rất sớm đun nước pha trà rồi mang đồ nghề lên sân thượng để bắt đầu một ngày làm việc của mình với những khung tranh lớn.

Tác phẩm "Sa Pa mùa mây" có kích thước lớn nhất trong triển lãm "Sa Pa bốn mùa mây núi" (165 x 800cm) mà họa sĩ Đặng Tin Tưởng đã mất 2 năm để hoàn thành.

Trước đây, ông có bạn đồng hành nhiều năm ăn ở trên Sa Pa là họa sĩ đàn anh Trần Lưu Hậu, nhưng mấy năm nay, họa sĩ Trần Lưu Hậu tuổi cao sức yếu đã không thể ngược xuôi lên miền núi nữa nên ông thường chỉ có một mình. Tuy thế, tiếng ông ở Sa Pa đã lâu, nên nhiều họa sĩ mỗi khi có dịp lên Sa Pa hay tìm đến chơi và xem tranh, đàm đạo về tranh hay nỗi lo về việc vẻ đẹp của Sa Pa đang mai một, đang bị tàn phá bởi nền công nghiệp du lịch và bàn tay con người.

Với những tác phẩm vẽ Sa Pa khổ lớn, có chiều dài 5-7 mét, cũng thật khó để tìm một "khách hàng" mua tranh bởi nó đòi hỏi một không gian trưng bày thực sự đủ lớn, vì thế hiện tại họa sĩ Đặng Tin Tưởng vẫn coi đây là những món quà ông dành cho riêng mình, làm giàu thêm gia tài hội họa của chính ông.

Cũng có nhiều họa sĩ khuyên ông rằng, đương nhiên một họa sĩ vẽ tranh ra là phải bán được mới vui, song cũng phải giữ lại một ít "của nả" cho riêng mình nữa. Có lẽ vì thế, hiện tại họa sĩ Đặng Tin Tưởng đang cảm thấy mình thật giàu có khi nắm trong tay một gia sản hội họa không hề nhỏ, một gia sản như cách nói của họa sĩ Bùi Mai Hiên rằng "Nhiều người vẽ ao ước có được một gia sản như thế!"...

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng năm nay đã bước qua tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng ông vốn được đánh giá là một họa sĩ có cái nhìn trẻ trung so với tuổi đời. Là một người sáng tác luôn tràn đầy năng lượng, tranh của họa sĩ Đặng Tin Tưởng dù với chất liệu sở trường là sơn khắc, sơn mài hay Acrylic, luôn có một điểm chung là chất chứa những tình cảm lớn về quê hương đất nước và sứ mệnh của người nghệ sĩ trước những giá trị truyền thống của dân tộc.

Những tác phẩm tranh sơn khắc nổi tiếng một thời của ông như "Đền thờ Nguyễn Trãi" (Sơn khắc, 1980), "Đền Ngọc Sơn trong ngày hội" (Sơn khắc, 1980), "Xuân đất Việt" (Sơn khắc, 1992-1995, hiện đang được treo tại phòng A nhà khách Chính phủ), "Non nước Hạ Long" (Sơn khắc, 2000)... đã làm nên vị thế của họa sĩ Đặng Tin Tưởng ở chất liệu sơn khắc. Ông cũng là họa sĩ có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại các bảo tàng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc ở Maiami (Mỹ) và có tranh trong bộ sưu tập cá nhân của nhiều nhà sưu tầm tranh danh tiếng.

Chuyển hướng sang chất liệu sơn dầu và giấy dó như một sự "cực chẳng đã" vì bệnh tật, nhưng theo tâm sự của ông, nó cũng là một sự tự giải phóng mình để đến với những cảm xúc sáng tạo mới mẻ, phóng khoáng hơn. Sự thay đổi phương pháp sáng tác và tư duy giống như một lần người nghệ sĩ được làm mới chính mình với những trải nghiệm và khám phá mới mẻ, đầy cảm hứng.

Vì thế, dù đã từng tham gia nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước và có đến hàng chục triển lãm cá nhân, mỗi triển lãm là sự khái quát của một thời gian sáng tạo, song triển lãm "Sa Pa bốn mùa mây núi" của Đặng Tin Tưởng đã thực sự đem đến cho ông nhiều cung bậc cảm xúc.

Sự phản hồi tích cực từ những bạn nghề, từ khán giả đã đem đến cho ông một nguồn động lực tinh thần đáng kể. Với hành trình sáng tạo không ngơi nghỉ, không ngừng học hỏi, không ngừng đổi mới, những gì họa sĩ Đặng Tin Tưởng đã làm được khiến cho nhiều người ngạc nhiên, khâm phục nghị lực và sức sáng tạo bền bỉ của ông.

Và điều khiến nhiều người cảm động nhất đó là: tình yêu và sự hi sinh vì nghệ thuật của ông cuối cùng đã được đền đáp. Ở một khía cạnh khác, họa sĩ Đặng Tin Tưởng có một tình yêu lớn, thuần khiết dành cho Sa Pa, và cuối cùng, mảnh đất này đã đền đáp cho ông những món quà nghệ thuật thật xứng đáng...

Nguyệt Hà
.
.