Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ: “Chai rượu thì vơi, nỗi nhớ thì đầy”

Thứ Hai, 30/07/2018, 08:06
Chẳng biết là thật hay đùa, nhưng Vỹ thường nói với tôi rằng làm thằng nghệ sĩ thì cần có chút “hư hỏng” và sám hối.


Tất nhiên Vỹ quá thông minh, thông minh hơn nhiều người để có thể nói như đùa về một điều có thật hoặc nói như thật về một thứ đùa giễu như vậy. Vỹ luôn quá thông minh, ngay cả khi chọn sự bấp bênh, khắc nghiệt và phù phiếm của nghệ thuật thay vì một con đường bình yên rải sẵn thảm đỏ. Ngay cả khi chọn sự “hư hỏng” như một trò đùa và sau đó chọn sự sám hối như nỗi đau thật nhất của cuộc đời nghệ sĩ.

Đã từ lâu tôi nói với Hoàng Phượng Vỹ rằng, có mối liên hệ nào đó giữa con người đầy giằng xé là anh với những bức tranh lúc nào cũng rực rỡ hồn nhiên kia. Kỳ thực tôi không coi đó là một bất ngờ tương phản, chỉ là tôi chưa tìm ra được tên gọi cho mối liên quan đó thôi. Và năm này đến năm khác trôi qua, giữa muôn vàn hỗn độn của những níu giữ và tuột trôi, vẫn còn đó trong tôi như một câu hỏi, về con người và những bức tranh của Vỹ.

Đành rằng, như Vỹ nói, mỗi người đều là một khối mâu thuẫn lớn. Chính bởi vậy mà sự mâu thuẫn của Vỹ, những bấp bênh và sự kiên định, đam mê và phù phiếm, trăn trở và bông đùa…, lại trở thành điều hợp lý hiển nhiên.

Ai từng trò chuyện với Vỹ cũng phải thừa nhận rằng Vỹ rất thông minh. Vỹ nhớ đủ các bài thơ, các câu nói của nhà văn nọ nhà thơ kia. Vỹ luôn tự lôi mình vào mọi sự giễu cợt không phải vì hợm hĩnh mà vì Vỹ thừa thông minh để phơi bày nội giới trong một sự hài hước bông đùa. Khả năng sử dụng ngôn từ của Vỹ cũng rất đáng nể.

Đôi khi ngôn ngữ của Vỹ trơn tru và diêm dúa đến mức người nghe phải ngưng lại để đoán hiểu, nhưng rồi chính giọng nói, chính ngôn từ tinh tế, chính đôi mắt nâu trong thăm thẳm đã ngay lập tức thuyết phục người ta rằng, ở đó, dẫu là chuyện quan trọng hay chuyện bông lơn, thì sự trơn tru và diêm dúa ấy hẳn phải đồng nghĩa với trí tuệ và sự hài hước.

Vậy nên tranh Vỹ cũng thế, là thứ nhịp điệu của chính cơ thể, tâm hồn, ngôn ngữ Vỹ. Hình thể và màu sắc chuyển động theo giai điệu tiết tấu nhịp nhàng trong tranh, vừa mang vẻ ngộ nghĩnh Việt, vẻ tinh giản lắng đọng phương Đông lẫn rành mạch khúc chiết phương Tây. Ngay cả những bức tranh vẽ trẻ thơ trong vắt hồn nhiên cũng vẫn man mác u ẩn nội tâm.

Điều tôi thích nhất ở tranh của Vỹ là, bất kể vẽ gì, khi nhìn vào đấy ta sẽ thấy một thế giới dường như nhẹ bẫng, vô trọng lượng, ở đó con người, con vật, đồ vật đều hiện hữu bình đẳng trên bề mặt tranh. Vỹ không kể một câu chuyện, không vẽ nỗi buồn hay niềm vui. Mối quan hệ giữa các nhân vật cũng có vẻ rời rạc, lỏng lẻo, nhưng chính sự nhẹ tênh đó lại khơi gợi lên đủ điều về vũ trụ và nhân sinh. Chính sự lặng tiếng đó lại cất lời về minh triết.

Tôi vẫn thường hình dung Vỹ ngồi ở quán, bên ly rượu, mỗi chiều. Thả vào đó mọi nhớ nhung, thả vào đó mọi đau buồn. Mỗi lúc như vậy Vỹ lại nhấc điện thoại lên để gọi cho ai đó, không phải để bớt cô đơn mà có lẽ để càng chìm đắm vào cô đơn. Có lần Vỹ nói với tôi, rằng Vỹ vẫn coi nghệ thuật là cái gì đó linh thiêng.

Một lần khác Vỹ nói, chính nó, nghệ thuật dẫn lối cho đời sống chứ không phải ngược lại như người ta thường nghĩ. Và tôi hiểu, ngôi đền ấy trong mỗi người nghệ sĩ là một thế giới riêng biệt, và mặc dù họ bước đến để lễ bái trong sự cô đơn quạnh quẽ đến mấy thì đó vẫn là con đường duy nhất khiến họ hạnh phúc và hân hoan.

Tác phẩm “Thổi sáo” của họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ.

Vỹ luôn tự giễu cợt mình, như một sự sám hối. Tôi không biết có chút kiêu bạc nào khi Vỹ làm thế không, bởi cũng không ít người nghĩ Vỹ kiêu bạc, nhưng có một điều chắc chắn rằng Vỹ không quan tâm đến mọi thứ, Vỹ chỉ là một giai điệu cứ tung tẩy trên khuông nhạc của riêng mình. Tìm đến hội họa để say đắm, tìm đến rượu để bầu bạn, tìm đến những cơn say để… tỉnh táo. Vỹ là như vậy, Vỹ tỉnh táo khi say.

Có lần, vẽ xong một bức tranh, Vỹ đợi khô để xem lại. Một lúc sau khi rượu đã ngấm, Vỹ nhận ra rằng bức tranh đang ở trạng thái quá an toàn của sự thích. Vỹ vội vã quệt lên đó một mảng màu chói mắt. Tôi hiểu, Vỹ muốn phá tan sự êm đềm hài hòa, dễ chịu bắt mắt và cả sự an toàn của bức tranh.

“Ranh giới giữa cái đẹp và cái không đẹp đôi khi chỉ mỏng manh như một sợi tóc”, Vỹ nhắc lại lời của Thạch Lam. Và quả thực, sau khi Vỹ bôi quệt lên bức tranh những vệt màu chói lóa điên rồ, bức tranh trở nên ổn hơn trong sự bất thường và phi lý của nó. Say và điên rồ đôi khi lại chính là sự tỉnh táo của nghệ thuật. Phi lý và bất thường đôi khi lại chính là sự hợp lý tuyệt vời của một bức tranh.

Và sự ngây thơ, hồn nhiên trong tranh Vỹ đâu có gì khó hiểu ngay cả khi Vỹ vẽ trong cơn say và sự sám hối. Tất cả chỉ là một mà thôi. Là một Hoàng Phượng Vỹ đắm đuối điên cuồng với màu sắc. Là một Hoàng Phượng Vỹ đang ngây ngô tự vấn mình trong cơn say của rượu và của đời. Một Hoàng Phượng Vỹ chênh chao giữa tỉnh và say, giữa đùa và thật.

Một Hoàng Phượng Vỹ rất thản nhiên trong cái thế giới vừa chật chội vừa quá mênh mông của chính anh, nơi đôi khi có vẻ quá phức tạp nhưng thực ra lại trần trụi hoang sơ. Một Hoàng Phượng Vỹ như trong câu thơ của nhà thơ Ngô Thế Oanh viết về chính Vỹ: “Chai rượu thì vơi, nỗi nhớ thì đầy”.

Đăng Tiêu
.
.