Giấc mộng dị thường và lời cảnh tỉnh nghiêm khắc

Thứ Sáu, 21/12/2018, 08:11
Giấc ngủ của tôi có thể nông, hoặc sâu, nhưng rất hiếm khi xảy ra mộng mị. Dễ tới cả ngàn đêm có lẻ, mọi sự cứ là… trắng miên man như sa mạc. Không hề có lấy một "ốc đảo" nào nhô lên ở đây. Vậy mà hốt nhiên đêm qua, trong tôi bất thần nảy nòi một giấc mơ rất lạ. Có thể coi là "mộng dữ".


Trước mắt tôi là cái màn hình tivi, trên đó hiện rõ hình ảnh diễn viên Hồ Kiểng trong bộ dạng một nông dân nghèo tơi nghèo tả. Nghệ sĩ Hồ Kiểng gào lên với một phóng viên bên chân ruộng xâm xấp nước: "Tôi không phải một anh hề - hài".

Ngay tức thì, chạy ngang ngực ông là một dòng chữ - ghi lời phóng viên: "Bác là hề - hề". Nghệ sĩ Hồ Kiểng tiếp tục gào lên: "Không, tôi không là hề - hề. Không phải hề - hài; mà là hề - bi". Ngay sau tiếng gào của nghệ sĩ Hồ Kiểng, dòng chữ chạy lùi dần, lùi dần rồi biến mất.

Lúc này, trên màn hình tivi là cảnh ông diễn viên già Hồ Kiểng dáng xiêu vẹo, nước mắt giàn giụa, hai tay cầm tấm khăn xô quấn chặt đầu một con chó. Nói chính xác thì trên màn hình chỉ hiện lên phần trên của mặt con chó, từ mũi tới mắt. Nước mắt nó nhóng nhánh. Khói bốc nghi ngút. Con chó tuyệt nhiên không một tiếng kêu. Dường như nó quá buồn, chấp nhận không chống cự. Ánh mắt nó ẩn chứa sự thất vọng!

Rồi cảnh trên chạy vụt qua. Tiếp ngay đó là cảnh nhà văn Nguyễn Quang Lập cầm micro oang oang thuyết minh: "Thưa các bạn! Tất cả các bạn đều biết, chó là một loài vật rất đỗi trung thành. Phải nói là trung thành vô hạn với con người. Không một con chó nào bỏ chủ cả. Khi chủ mất liên lạc với gia đình, con chó đã cùng những người bạn của chủ bì bõm vượt qua bao chặng đường sình lầy, vất vả gió mưa để tìm chủ. Như con chó mà các bạn thấy trong bộ phim này.

NSƯT Hồ Kiểng trong một cảnh phim "Đất phương Nam".

 Vâng, không một con chó nào bỏ chủ. Chúng rất vui được tham gia chuyến đi tìm chủ và vô cùng mừng rỡ khi tìm thấy chủ. Vậy nhưng, nghịch cảnh thật đau xót, khi chó giúp người tìm thấy chủ thì đồng thời sự sống của nó bị tước đoạt. Nó bị người chủ đè ra làm thịt, hun nướng để đãi khách, đúng hơn là để liên hoan "cảm ơn" những người tham gia cuộc kiếm tìm mình. Khốn nạn vô cùng. Đó là điều cảnh báo về sự giúp vật, vật trả ơn - giúp người, người trả oán của bộ phim này".

Lại hiện ra hình ảnh nghệ sĩ Hồ Kiểng hai tay thít chặt cổ con chó (được tấm khăn trùm kín, chỉ để lộ ra nửa đầu con chó với đôi mắt mờ nước). Trong cảnh phim ngắn ngủi, nghệ sĩ Hồ Kiểng mặt nhăn nhúm đau khổ. Dường như đây là việc cực chẳng đã lão phải làm.

Có gì uẩn khúc trong câu chuyện này, như cực chẳng đã lão Hạc mới phải bán con Vàng cho bọn lái chó?

Giấc mộng xuất hiện vào tầm nửa đêm về sáng, đúng ngày sinh nhật lần thứ 50 của tôi, khi tôi trở dậy mở cửa cho con Ki ra ngoài sân sau đi vệ sinh rồi vào ngủ tiếp. Trở dậy, tôi ngơ ngẩn mất một lúc, cứ ngỡ đấy là hình ảnh ở một bộ phim đã xem, hoặc một câu chuyện có thật đọc trên báo. Nhưng sau một hồi xác định đây chỉ là giấc mộng thì càng thấy lạ.

Tôi đã lấy giấy ghi vội những gì xảy ra trong giấc mộng, như lưu lại một sự ám ảnh.

Còn đây là phần "tái bút":

Chiều hôm ấy, đi làm về muộn, tôi thoáng chút lo lắng khi thấy lố nhố ở đầu con ngõ liền kề nhà tôi một tốp người đang miệng nói, tay chỉ…về phía dốc đê. Khi xe tiến gần, tôi nhận ra trong tốp người có bà H, chủ căn nhà đang xây sửa phía sau nhà tôi. Gương mặt nổi u nổi cục, người đàn bà ở tuổi ngoại "lục tuần" vừa nhai trầu vừa lầu bầu điều gì đó với vẻ khó chịu. Không vội dắt xe vào nhà, tôi dừng hỏi chuyện thì bà nhổ toẹt miếng bã trầu ngay dưới chân, chẹp miệng:

- Con Mít nhà bà (bà vẫn xưng hô với vợ chồng tôi như vậy) chẳng biết chạy đâu từ trưa tới giờ. Nhát gì nhát quá thể. Thấy bà thịt con Mực cho bọn thợ xây liên hoan đổ trần, thế là chạy biến. Nó đang chửa. Không chừng bị bọn xấu bắt rồi cũng nên.

Nói rồi bà quay sang giải thích:

- Bà tiếc là tiếc lũ chó con. Có người đặt mua hết rồi. Chứ con Mít này nuôi đã lâu, đẻ nhiều lứa rồi, giờ có bán cũng được bao nhiêu.

Tôi nghe mà… choáng. Phải cố lắm mới kìm được cảm xúc. Con Mực là "bạn thân" với con Ki nhà tôi. Tôi không rõ bà H… thịt nó kiểu gì. Và khi bị "hóa kiếp", nó có kịp tru gào, "loan báo" cho con Ki nhà tôi biết không? Nếu có thì chắc con Ki bị ám ảnh lắm.

- Con Mực khôn thế, sao bà lại thịt nó - Tôi buột miệng.

- Ừ, nó cũng khôn thật - Điều này thì bà H. thừa nhận - Sáng nay, cũng nhờ nó đánh động mà bà kịp trở dậy, nếu không là mất đứt mấy bao xi măng với bọn trộm rồi. Nghe tụi thợ kể, đã có hai thằng đưa được mấy bao lên yên xe, nhưng vì con Mực phát hiện, chạy ra chặn, sủa loạn nên bọn kia phải vứt lại.

Nói tới đây, bà ghé tai tôi như muốn nhắc nhở:

- Cứ nói khu mình an ninh tốt. Tốt gì? Nghiện hút, trộm cắp vặt cứ gọi là như… châu chấu!

Nói đoạn, bà quầy quả trở vào nhà, như muốn lảng tránh câu hỏi của tôi. Trước khi "lui", bà không quên dặn người thân chịu khó lên trên dầu dốc hỏi xem có ai thấy "tăm hơi" con Mít.

Chờ bà H. đi khỏi, ông anh hàng xóm bên tay trái nhà tôi mới lên tiếng "cải chính":

- Cứ nói bọn trộm. Bọn trộm nào? Chính mấy thằng thợ nhà bà ấy chứ ai. Thấy con chó sủa dữ, lại vừa đúng lúc bà ấy loẹt quoẹt đi ra, chúng nó sợ mới bỏ bao xi măng xuống, nói lái ra là bọn trộm không kịp tẩu tán, phải vứt lại… Thực ra chúng nó đã thông đồng với bọn trộm từ trước. Nhà này may nhờ có con chó như "thần giữ của", chứ không đến cả sắt thép cũng mất, đâu chỉ riêng xi măng. Ở đây, tôi quan sát nhiều tôi biết. Chẳng qua là không muốn nói ra, thêm thù thêm oán mà thôi.

Nghe anh hàng xóm nói vậy, tôi càng thương con Mực.

- Thiếu gì thứ cho đám thợ liên hoan mà bà ấy phải thịt đến con chó nhà nuôi. Làm vậy thất đức lắm!  

- "Đức đức" gì cái loại "ăn sắt ỉa ra xà beng" này - Anh hàng xóm bóc mẽ.

Theo lời anh kể, hôm nay nhà bà H. đổ trần. Lệ thường, những dịp thế này, bao giờ gia chủ cũng thưởng cho tốp thợ ít tiền, gọi là thêm bữa "ăn tươi". Vậy nhưng, mới nghe tay chủ tốp thợ đùa "Hôm nay cuối tháng, bọn con thèm thịt chó quá mợ ơi", bà H. nói ngay: "Thèm thịt chó à? Thế thì có con Mực kia, bà cho chúng mày đấy. Đủ cho chúng mày liên hoan mấy bữa".

Thoạt đầu, tưởng bà H. đùa, tay chủ tốp thợ cười cười. Bà H. kiên quyết: "Thật đấy! Bà cho đấy! Đứa nào thạo việc (chỉ việc thịt chó), vào mà làm. Bà xích nó cho mà làm". Đến nước này, tay chủ tốp thợ đành tìm cớ thoái thác, đại loại là trông con chó dữ lắm, con sợ nó cắn (thực tâm anh ta muốn bà H. cho tiền mặt để còn "tùy cơ ứng biến").

Tức thì người đàn bà (từng một thời làm cô giáo ở miền Trung, theo chồng ra Hà Nội "mất dạy" gần bốn mươi năm nay) bảo tốp thợ tìm cho cái xà cầy. Rồi, trong khi chưa ai kịp hình dung ra chuyện gì, bà đã… đập chết con chó! Con Mít thấy vậy quá khiếp hãi, lặc lè bê bụng lết bết bỏ trốn.

- Đang chửa kễnh vậy, không biết chạy thì chạy đi đâu - Anh hàng xóm thở dài - Rồi lại bị bọn cẩu tặc bắt, cho vào lò thôi.

Câu chuyện giữa tôi với anh hàng xóm (về số phận của hai con chó) những tưởng dừng ở đó. Và như vậy thiết nghĩ cũng là quá bi đát. Nhưng không. Mọi sự diễn ra trong thực tế còn đáng sợ hơn những gì con người tưởng tượng nhiều. Tối ấy, sau khi được bữa nhậu đẫy tễ, mấy người trong tốp thợ  trèo lên giàn giáo thu lượm dụng cụ bỏ quên.

Bất ngờ, cây thang bắc tạm đổ sập. Hai người thợ phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, trong đó gã trưởng tốp thợ, người nêu "sáng kiến" ăn thịt chó bị dập phổi, chấn thương sọ não, cột sống, sau khi ra viện phải chuyển về quê trong tình trạng liệt tứ chi.

Riêng với gia đình bà H., không biết có phải vì quá lo nghĩ, ông chồng bà ngay sau đận đó bị tai biến mạch máu não, cũng lại nằm liệt. Chưa hết, vì quá chắc lép, không chịu cho tốp thợ vay năm triệu để ứng tiền viện phí, bà H. bị tốp thợ tẩy chay. Ngôi nhà đang xây dở đành bỏ hoang từ bấy đến nay. Còn bà H. - ở tuổi gần đất xa trời - ngày ngày phải tự chăm lo cơm nước cho ông chồng nằm liệt.

Không biết có vấn đề "chó báo oán" trong câu chuyện nói trên? Song đây là câu chuyện có thực mà đến nay, bà con khu phố tôi vẫn kể, như thể lấy đó để răn những người sống bất chấp đạo lý ở đời.

Phạm Khải
.
.