NSƯT Hồ Kiểng: Nghề ngỗng tôi gieo nhiều mộng quá...

Thứ Năm, 08/03/2012, 08:00

Nhắc đến NSƯT Hồ Kiểng là người ta nhớ đến ông lão chuyên vào các vai già dê, bợm nhậu, ăn mày. Sinh năm 1926 tại Bến Tre, tới nay Hồ Kiểng đã đóng hơn 200 bộ phim, gần 50 vở kịch nói, hơn 300 kịch truyền thanh, 12 vở cải lương. Thế nhưng, đời nghệ sĩ của ông sau ánh hào quang lại buồn hiu trong góc nhỏ mà ông quen miệng gọi là… nhà.

Ngoài làm nghề diễn viên, Hồ Kiểng còn đeo nặng nghiệp chữ nghĩa. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 25 tuổi và đến nay vẫn không ngừng say đắm. Trong một bài giống như tuyên ngôn nghệ thuật của riêng mình, Hồ Kiểng viết: "Nghệ thuật nuôi cuộc đời/ Bầu trời thay nhà ở/ Trần gian chưa hết nợ/ Ngang trái hóa sân chơi". Rõ ràng là vậy, cuộc đời vốn có nhiều chuyện trái ngang, nhưng nếu xem đời như một cuộc chơi thì mọi sự sẽ nhẹ nhàng.

Với những thành công từng đạt được do lao động nghề nghiệp mang đến, rất nhiều người nghĩ rằng Hồ Kiểng đã có nhà cao cửa rộng, an phận tuổi già hoặc chí ít cũng là một mái ấm khiêm tốn nhưng rộn rã tiếng cười. Thế nhưng cái gọi là nhà của ông chỉ là một cái nhà kho cũ rộng chừng 15m2 trong khuôn viên một chung cư xập xệ dùng chứa máy phát điện trên đường Cao Thắng, quận 3, Tp HCM. Cái chung cư này thuộc sự quản lý của Đài Truyền hình Tp HCM dành cho cán bộ, nhân viên và Hồ Kiểng về hưu nhận lương của nhà đài. Lương hưu của ông hiện khoảng 2 triệu đồng/tháng, không thể nào đủ chi tiêu giữa một đô thị có mức sống thuộc loại cao nhất nước. Trong khi bản thân ông đang sống chung với nhiều thứ bệnh tật khắc nghiệt của tuổi già. Ấy là góc nhìn của những người nặng nợ áo cơm như tôi khi đến chơi nhà Hồ Kiểng, chứ bản thân ông thì mọi sự có gì đâu mà quan trọng, mà day dứt.

Trong căn nhà của mình, Hồ Kiểng tiếp khách trên chiếc giường cũ nát với bừa bộn sách báo nằm lẫn quần áo, chăn mền. Bên ngoài căn nhà này, đường Cao Thắng luôn đông nghịt tiếng còi xe ầm ào như vỡ chợ. Ấy vậy mà Hồ Kiểng vẫn yêu đời một cách thiết tha, hồn nhiên bằng những câu thơ, bài vọng cổ chưa bao giờ oán than số phận. Nói đến vọng cổ, một thể loại ưa thích của người dân miền Tây sông nước, Hồ Kiểng đã sáng tác được khoảng 200 bài để ngồi hát một mình hoặc chạy show đi diễn.

Ở tuổi gần 90, niềm vui của Hồ Kiểng là khi chiếc điện thoại di động "cùi bắp" của ông đổ chuông và đầu dây bên kia mời ông lên sân khấu hoặc đóng phim. Trong lĩnh vực diễn xuất, gần như Hồ Kiểng là người dễ tính. Ông ít khi từ chối lời mời nào và cũng không kì kèo tiền thù lao với đối tác. Hồ Kiểng diễn trên phim, trên sân khấu và kể cả ở các đám tiệc, miễn là góp vui với đời chứ không đặt nặng chuyện áo cơm. Có lẽ vì vậy mà ông luôn là nghệ sĩ nghèo về bạc tiền cho dù đời sống tinh thần của ông giàu sang hơn triệu triệu người.

Hồ Kiểng yêu đời là thế vì ông đã suýt chết ít nhất ba lần theo nghĩa đen của từ này trong khi đóng phim. Nhiều người cho rằng, những người mà thần chết định bắt đi rồi tha mạng sẽ sống rất lâu vì cái chết không dám quấy rầy người ấy nữa. Lần thứ nhất khi ông vào vai đồn trưởng trong phim "Rừng xà nu" quay ở Cao Bằng thời chiến tranh chống Mỹ. Ông cưỡi ngựa bị ngựa quăng gãy xương sống nằm điều trị từ Bệnh viện Cao Bằng đến Bạch Mai - Hà Nội hơn một năm mới khỏi, tưởng đã thành người tàn phế. Lần thứ hai ông bị rắn cắn khi vào vai bắt rắn độc trong phim "Đêm săn tiền" quay ở Biên Hòa. Nọc độc của rắn đã khiến Hồ Kiểng chết lâm sàng 3 ngày trong Bệnh viện Sài Gòn. Gia đình ông lúc đó đã xin bác sĩ mang ông về lo hậu sự. Cũng may, bác sĩ của Bệnh viện Sài Gòn cứu sống ông vào giờ phút thân xác ông đã kề huyệt mộ. Lần thứ ba đóng phim "Cảnh sát hình sự", ông bị bạn diễn trong khi diễn say quá xô mạnh tay khiến ông già Hồ Kiểng ốm nhách đập đầu tụ máu ở hộp sọ, phải mổ.

Cả đời cống hiến cho nghệ thuật, Hồ Kiểng từng được một trung tâm kỷ lục công nhận là người đóng nhiều vai phụ nhất Việt Nam. Gần như cả đời Hồ Kiểng đóng vai phụ nhưng ông chưa bao giờ phụ các vai phụ của mình. Ít người biết được rằng, lão nghệ sĩ này có hơn 60 năm tuổi Đảng. Ông từng đi bộ đội tại miền Nam thời kháng Pháp trước khi tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 29 tuổi, Hồ Kiểng mới đi học nghề diễn viên ở Hà Nội. Năm 1962, ông đóng bộ phim đầu tiên là "Lửa trung tuyến" của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Có thể nói Hồ Kiểng là lớp diễn viên tham gia xây dựng nền móng cho ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Mê điện ảnh đến độ Hồ Kiểng có thể bỏ nhà đi đóng phim cả năm trời không về và cũng không thể liên lạc gì với vợ con. Ấy là những năm tháng phương tiện di chuyển còn khó khăn và điện thoại còn là của hiếm. Không có bà vợ nào trên đời này muốn xa chồng - lại là ông chồng nghệ sĩ ở xung quanh có rất nhiều bóng hồng, giai nhân - hàng tháng, hàng năm trời như vậy. Chính điều này đã khiến Hồ Kiểng có thêm một kỷ lục "nho nhỏ" mà mỗi khi nhắc đến ông đều ngậm ngùi: "Ba lần bị vợ… bỏ". Ông chân thành nói: "Gia đình không yên ấm là lỗi tại tôi. Tôi ham nghệ thuật quá, có năm đi đóng phim liền một lèo cả năm trời mới về nhà thì không có bà vợ nào chịu nổi. Số tôi không hợp với gia đình".

Trong ba lần cưới vợ, Hồ Kiểng sinh được bốn người con nhưng chết mất hai người. Giờ hai con của ông đều đã có cuộc sống riêng nên Hồ Kiểng tuổi già vẫn thui thủi cô đơn một mình trong cái nhà kho cũ vốn dùng để chứa máy phát điện nằm trên con đường không ngớt tiếng còi xe. Ông làm bài thơ "Chưa trọn cuộc tình" để nói về kiếp số long đong trong chuyện lấy vợ của mình: "Tạo hóa trớ trêu vẽ cuộc tình/ Cả đời chưa trọn nợ ba sinh/ Vợ chồng bao lượt đi rồi đến/ Rốt cuộc phòng đơn lẻ một mình".

Với thơ, Hồ Kiểng xem như được trải "tiếng lòng" của mình trên trang giấy trắng. Ông tự do vui buồn sống với những con chữ, những vần điệu không theo sự hướng dẫn của đạo diễn như trên phim trường. Ở Sài Gòn có hai ông nghệ sĩ già làm nghề diễn viên nặng nợ với nghiệp chữ. Một ông viết văn xuôi được gọi là "nhà văn trẻ" Mạc Can. Ông Mạc Can viết văn "nổi như cồn" và ông viết có nhuận bút đàng hoàng như một khoản thu nhập đáng kể. Ông còn lại là Hồ Kiểng mơ mộng thơ ca. Dù thơ ông không phải hạng xoàng nhưng vì là thơ nên không NXB nào chịu in để có cái gọi là nhuận bút. Có lẽ ở thời điểm đồng tiền lên ngôi, trở thành thước đo của nhiều giá trị, thì người mơ mộng đã là kẻ lạc lõng rồi, huống gì lại còn làm thơ. Hồ Kiểng có ba tập bản thảo thơ hoàn chỉnh, ông để trong cái tủ sắt nhỏ, khóa kỹ. Đây là thứ tài sản duy nhất có giá trị trong nhà ông. Còn việc in thơ hiện nay là một việc "tiêu xài" hết sức xa xỉ, bởi vừa tốn tiền in thơ lại tốn công đi tặng mà chưa chắc ai đó đã chịu dành chút thời gian đọc dăm lời "phi lộ".

Người ta làm thơ mơ mộng khi nào, Hồ Kiểng nói ông làm thơ khi nhớ về mẹ mình và những lời ru con ngọt ngào của bà. Nhớ về mẹ, ông viết: "Mẹ đem một nắng hai sương/ Đem ra chợ đổi làm đường con đi". Đường Hồ Kiểng đi lúc nhỏ có mẹ dắt tay đến trường, mẹ đưa qua những chiếc cầu khỉ đong đưa bắc ngang các dòng sông, kênh rạch chằng chịt khắp quê nhà. Phần còn lại của cuộc đời Hồ Kiểng tự đi và ông đã đi sắp hết hành trình của mình. Nói như thi nhân Việt Nam Yến Lan viết về tuổi già: "Thời gian còn trên những đốt tay". Thời gian của Hồ Kiểng cũng chỉ còn trên những đốt tay. Phải chăng, ngay lúc này đây ông đang suy ngẫm về chặng đường đời đã qua của mình để trải lòng trên trang giấy.

Thơ Hồ Kiểng có hai loại, một loại để suy tư và phần còn lại dùng để… tự trào. Ông đeo kính lão nhưng không có tròng vì khi diễn thường diễn bằng mắt nên có tròng kính bị lóa sáng. Chuyện kính không tròng của mình, Hồ Kiểng tự trào: "Hồng Kiểng đeo kiếng không tròng/ Nhưng anh vẫn thấy ngoài, trong cuộc đời". Trong bài tự bạch "Tôi là nghệ sĩ", Hồ Kiểng viết: "Tiền nhân người đã dạy dân mình/ Nhứt nghệ tinh thân mới hiển vinh/ Nghề ngỗng tôi gieo nhiều mộng quá/ Cho nên cuộc sống cứ lình bình".

Đời Hồ Kiểng thế nào cũng đã được tiếng lòng của ông cất lên thành vần điệu: "Bạc tiền quăng đáy giếng/ Của cải liệng lưng trời/ Con chim nào cất tiếng/ Gieo hồn thơ trong tôi".

Hồ Kiểng đã dám sống vì một niềm yêu thích, vì nghệ thuật và nhẹ nhàng rũ bỏ những ràng buộc của cõi trần, khi hàng ngày hàng triệu triệu con người nhọc nhằn tích cóp từng đồng giấy bạc để rồi tất cả cũng… phù du hết.

Tôi không thích hình ảnh hạt bụi mà các thi sĩ hay dùng để nói về sự nhỏ bé của kiếp  người trước vũ trụ. Chúng ta không là hạt bụi. Nói như thơ Hồ Kiểng "Hết kiếp xuống mồ trắng tay không", chúng ta là một màu trắng khôn cùng, tuy không có gì nhưng màu trắng bao trùm lên tất cả

Trần Hoàng Nhân
.
.