Gặp lại nhà thơ Lê Va

Chủ Nhật, 21/06/2020, 08:46
Thơ Lê Va, theo tôi, là thơ từ quan sát và suy nghiệm. Mới đọc, ngỡ như “cũng như ai ai thôi”, nhưng thật ra, ông quan sát kĩ và tinh, ông suy nghiệm từ một vốn liếng văn hóa dày dặn ở một người có cốt cách văn nhân thuần hậu, nên mới viết ra được như thế...


Đã mấy lần tôi tự hỏi: Không biết nhà thơ Lê Va đã viết những câu, những dòng này vào khoảng thời gian nào?

1. “Người tù/ nháo nhác tìm hoa dại/ nâng niu chút xuân còn sót/ chuyền tay đến với bạn tù…/ Lần kẽ tường run run tay cắm/ hoa khôn từ gạch đá mọc ra/ hoa ơi thơm như không thể/ thơm hơn như thế bao giờ…”.

Đây là mấy dòng mấy câu tôi chép từ bài “Một cuộc sinh nhật”, nhà thơ viết/ kể/ tả về một cuộc sinh nhật do tù nhân tự tổ chức với nhau trong trại giam.

2. “Đàn chim/ Rủ nhau về lùm cây/ Không phải để che mưa/ Không phải để tránh nắng/ Cũng không phải để vạch lá tìm sâu/ Chúng dùng lá cây làm vở/ Mỏ làm bút/ Tiếng hót làm mực/ Vẽ sơ đồ của Tự do và Thanh bình.

Loài người/ Tranh nhau chạy vào lùm cây/ Để che mưa/ Để tránh nắng/ Để bới lông tìm vết/ Và dùng thân cây làm điểm tựa/ Giương súng bóp cò.

Tự do hoảng loạn bay đi/ Thanh bình tan trong khói súng”.

(Nghịch lý)

Đại tá, nhà thơ Lê Va.

3. Ở bài “Người vùng cao đón khách” Lê Va viết: “Khách đến/ Cứ làm bạn với ghế mây cái đã/ Chủ nhà lặng im/ Tiếp sức cho lửa/ Đón nước vào bếp/Lửa hát/ Nước reo…”. Rồi mới cất lời thăm hỏi cha mẹ, anh em… theo “nói lời dốc đứng, cử chỉ khúc khuỷu” mà “Tình đầy như mây trắng quanh năm/ bụng trong như mùa thu suối sớm…/ Chén rượu chao mang/ nhìn sâu mắt khách/ bắt tay nổ đốt/ người vùng cao cười/ nụ cười của em bé trong nôi”.

Thơ Lê Va, theo tôi, là thơ từ quan sát và suy nghiệm. Mới đọc, ngỡ như “cũng như ai ai thôi”, nhưng thật ra, ông quan sát kĩ và tinh, ông suy nghiệm từ một vốn liếng văn hóa dày dặn ở một người có cốt cách văn nhân thuần hậu, nên mới viết ra được như thế.

Vào một buổi tối cuối mùa thu năm trước, tôi dạo bước một mình dọc theo con đường cao cao chạy song song với sông Đà. Rì rào nước và thì thào gió, miên man lao xao tiếng nói từ đâu đó vọng lại… Thốt nhiên, tôi nhớ đến bài “Tản bước sông đêm” của Lê Va: “Tôi đi bộ/ dọc bờ sông/ ngay mép nước/ Một chiếc thuyền/ đỏ đèn dò la vượt cá/ vài người quăng câu/ dẻo tay cuộn cước/ chuyện đêm hay ngày/ hình như không đáng bàn ở đây…./ Tôi đi bộ dọc bờ sông đêm nay/ để mai còn đi đó đi đây/ và cố tránh cái điều/ cá không tránh được”.

Quay về phòng, giở sách ra đọc lại, tôi tự trả lời câu hỏi trên của mình, rằng: Lê Va đã viết những câu, những bài đã tạo ra ấn tượng từ các lần đi bộ một mình trong đêm như thế thì phải? Lê Va đặt chân vào làng văn nghệ Việt Nam đương đại bằng thơ. Đến năm tròn sáu mươi tuổi đời, ông Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật  tỉnh Hòa Bình này đã có 7 tập thơ là: “Nắng giao thoa”, “Nhịp đập hai mùa”, “Chớp núi”, “Khúc thức”, “Tha thẩn xanh”, “Lên núi tìm trầm”, “Bức đại tự đỏ”; 3 tập bút ký là: “Làng rừng đang phố”, “Người không bị lãng quên”, “Về gần”.

Ta hãy thử dừng lại với thơ của Lê Va.

Tập đầu – “Nắng giao thoa”, xuất bản cuối năm 2000, tập gần đây nhất – “Bức đại tự đỏ”, xuất bản cuối năm 2018. Tôi không muốn nói rằng 18 năm, có mặt với thi đàn bằng 7 tập là nhiều hay ít, bởi trong sáng tác sáng tạo thơ ca, ít hay nhiều bài nhiều tập chưa nói được gì thật rõ về một tác giả, nhất là đối với những người đang viết, chưa có dấu hiệu của sự chững lại (có người còn nói: Lê Va là nhà thơ của vài chục năm đầu thế kỷ XXI này- ra ý rằng Lê Va là nhà thơ trẻ như một cách nói đã quen từ nửa thế kỷ nay).

Tôi muốn nói với bạn: Ngay từ đầu, thơ Lê Va đã là thơ già dặn, nhiều bài trong tập “Nắng giao thoa” là như vậy. Chẳng hạn, bài “Trách”, nhà thơ viết thế này: “Em cười/ đầy một giếng tươi/ lúng la lúng liếng/ Trăng phơi hoa cài…/ Thương sao hôm/ nhớ sao mai/ trời đêm xanh thế/ an bài sao đang”.

Hay ở một bài nữa, là bài “Buồn vắng”, xin được chép chọn ra đây để ta cùng thưởng thức: “Cái vắng thắt vào lưng/ cái buồn chui vào tóc/ ngổn ngang là cái nhọc/ tóc tách thời gian trôi…/ Thềm tôi chẳng phong rêu/ người ơi, người chẳng đến/ tôi con thuyền không bến/ ngậm nỗi buồn mênh mang…/ Sâu thẳm là đam mê/ tái tê là trống vắng/ và từ trong im lặng/ tiếng mọt gặm nỗi buồn”.

Thơ Lê Va ngay từ đầu đã rất hiện đại, mà có âm hưởng cổ truyền. Nếu nói ông là “nhà thơ của thế kỷ XXI”, là ở cái ý này, cái thành công này mới phải. Tìm đọc các tập thơ của Lê Va, ta nhận ra sự phong phú trong đề tài, sự chuyển đổi của cách viết. Khó mà nói cho ngay gọn là thơ ông thành đạt hơn cả là ở nội dung nào với cách cấu tứ nào. Riêng tôi thì thấy và cảm được nhiều hơn là một loạt bài ông viết về gia đình như: “Mẹ tôi”,“Bố tôi”, “Nhớ bà”, “Mẹ nói nhỏ”, “Nhớ mẹ”… mà nổi bật hơn cả, tiêu biểu hơn cả cho sự độc đáo của thơ ông, là bài “Ông tôi”.“Chập tối/ ông tôi lại lau bóng đèn/ hăm hở như chuẩn bị làm rạng rỡ thêm trái đất/ đổ thêm dầu vào đèn/ để kéo dài sự sống của lửa”. Và: “Trước bình minh/ ông tôi lại thánh thót thức gió/ và không biết giông tố bao giờ/ sự kiên trì không bao giờ vô ích/ là sự kiên trì rèn cặp một mầm sen…”.

Khoảng mươi năm trở lại đây, bên cạnh sáng tác thơ và điều hành hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình, Lê Va còn sưu tầm và nghiên cứu về văn học - văn hóa quá khứ ở Hòa Bình. Được sự cộng tác của nhiều người trong và ngoài tỉnh, hoạt động này của ông và của Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình đã gặt hái một số thành quả tốt đẹp.

Những tác phẩm của Đại tá, nhà thơ Lê Va.

Tháng 8 năm 2015, Lê Va đã công bố công trình “Truyện thơ Đinh Công Trinh - một văn bản văn học quý của người Mường ở Hòa Bình” (NXB Văn hóa dân tộc). Tham gia Hội thảo về công trình này, tôi có điều kiện để nói là: Lê Va và các cộng sự của ông đã có công đầu khi khẳng định rằng người Mường (ở Hòa Bình) đã có văn học viết khá sớm, đó là “Truyện thơ Đinh Công Trinh”, được hoàn thành vào ngày đầu tháng, đầu mùa thu năm 1832, đến năm 1885, truyện thơ này được Đinh Công Thái sao lục lại, rồi vào khoảng 1956 - 1962, Đinh Công Niết đã nhờ nhà Nho học Xuân Dương Nguyễn Văn Áng dịch từ chữ Nôm ra chữ Việt. Tác phẩm dịch ra thơ lục bát này có 358 câu.

Vậy là, từ vị trí một Đại tá Công an làm thơ mà thành một ông Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Lê Va đang trở thành một nhà nghiên cứu có thành quả đáng kể ở lĩnh vực mới này. “Tại sao ông làm được thế?”, trả lời câu hỏi này của bạn bè, nhà thơ - nhà nghiên cứu nhẹ nhàng cho hay: Ông đã sống ở Hòa Bình khoảng 60 năm và cùng tìm hiểu và sống với đồng bào Mường, đồng bào Thái, đồng bào các dân tộc khác ở đây, ông càng yêu quý họ, càng tin rằng họ dứt khoát đã có một kho tàng văn chương văn hóa được viết ra, chẳng qua là ta chưa tìm kiếm sưu tầm và chỉnh lý được mà thôi…

Lê Va chỉ nói thế, nhưng tôi hiểu là ông đã có quyết tâm lớn từ một tình yêu, từ một nhãn quan khoa học, và cả một khả năng tập hợp lực lượng nữa… Khi tôi viết những dòng này về Lê Va, thì cũng lại nhận được một tin vui: Trong dịp đón Xuân Canh Tý vừa qua, NXB Thanh niên đã cho ấn hành tập sách ảnh “Bờ xưa” do Lê Va làm.

Sách ảnh “Bờ xưa”, tác giả đã công bố 68 bức ảnh quý là: “Bản đồ tỉnh Bờ” (gồm một phần của tỉnh Hòa Bình ngày nay) do người Pháp vẽ và chụp cách nay chừng 130 năm; ảnh phong cảnh vùng chợ Bờ, Thác Bờ… ảnh sinh hoạt của cư dân vùng này được chụp từ cách đây khoảng nửa thế kỷ và trước ngày vùng thác Bờ, chợ Bờ, phà Bờ, phố Bờ, đền Bờ… chìm dần xuống đáy sông Đà để thành đập của hồ nước làm Thủy điện Sông Đà. Đi cùng các tấm ảnh này là 3 bài biên khảo về địa chí của tác giả và 1 bài hồi ức - kỷ niệm về vùng tỉnh Bờ xưa (do Bùi Văn Chức viết).

Với hai công trình trên, nhà thơ Lê Va đã có thêm đóng góp cho hoạt động nghiên cứu và sưu tầm văn chương - văn hóa Hòa Bình một cách cụ thể. Ta có thể tin là với một ít tư liệu quý này, những ai muốn tìm hiểu và xét đoán về đất và người Mường, người Thái, người Kinh… nhiều năm trước ở Hòa Bình, họ sẽ có thêm sở cứ đáng tin cậy.

Tôi đang định viết tiếp về Lê Va nhưng chợt nhớ là ông từng có mấy dòng “Vô đề IV” thế này: “Trước dòng sông lặng lẽ/ Khó biết biển hướng nào/ Trước những kẻ ồn ào/ Dễ nhận ra bức vách” thì tự bảo: Hãy tạm dừng bức phác họa này ở đây đã.

Nguyên An
.
.