Đại tá, nhà thơ Lê Va: Duyên nghiệp văn chương

Thứ Sáu, 13/01/2017, 15:56
Tôi tình cờ được đọc bài thơ "Ông tôi" của Lê Va trên báo Văn Nghệ từ hồi 2001. Sau đó bài thơ đã được nhận giải thơ hay trong tháng. Tôi nhớ mãi câu: "Chập tối. Ông tôi lại hăm hở lau bóng đèn. Như chuẩn bị làm rạng rỡ thêm trái đất. Đổ thêm dầu vào đèn. Để kéo dài sự sống của lửa. Trước bình minh". Nghe nói Lê Va là người Mường. Hóa không phải, anh người gốc Hà Đông cũ, họ Nguyễn.


Trước khi đến với thơ, Lê Va khởi nghiệp Công an của mình bằng cuộc đi bộ gần 30 cây số từ thị xã Hòa Bình lên huyện Đà Bắc để nhận nhiệm vụ, từ năm 1977. Ngày ấy làm gì có đường bằng phẳng mà toàn sỏi đá lổn nhổn, nhưng với sự hăm hở đầy nhiệt huyết của tuổi 18, Lê Va đã cất lên tiếng ca đầu tiên trong đời mình trên miền sơn cước đầy rừng rậm, thú hoang.

Bố anh trước khi lên đường nhập ngũ cũng đã nhắc nhở con trai mình hãy tiếp bước những nhịp hành quân nếu "Tổ quốc gọi tên mình". Và thế là Lê Va tạm biệt quê hương lên đường, làm việc tại vùng núi gian khổ, xa nhất tỉnh Hòa Bình. Lê Va sống trong không khí hừng hực như những chiến binh thuở Tây Tiến, hành quân qua đây sang bến sông Đà vượt thác, tiến về phía Tây.

Thật tình cờ chỉ một năm sau, khi nghe tin một người đàn ông Mường cứu sống bốn em bé bị đắm đò trên sông Đà vào mùa nước lũ, Lê Va đã xúc động viết ngay một bài báo. Không ngờ bài được in trên báo Hà Sơn Bình (năm 1978) và được trao giải Nhất trong cuộc thi viết về "Gương người tốt việc tốt". Phần thưởng  là chiếc bút máy Kim Tinh.

Từ đó, Lê Va thường dùng chiếc bút này viết bài cho Đài Truyền thanh huyện Đà Bắc. Có thể nói, sự nghiệp làm báo của Lê Va bắt đầu từ đây. Những bài viết của Lê Va thường phản ánh hiện thực của những chuyến đi lên núi vào bản công tác. Đặc biệt là tình cảm của đồng bào dân tộc đã bao bọc yêu thương những chiến sĩ công an mỗi lần xuống địa bàn.

Lê Va nhớ lại, có những chuyến đi bộ xa hàng chục cây số, toàn đường rừng heo hút, dốc cao dựng đứng, đến với những bản nghèo xa nhất tỉnh. Anh đã phải ở lại hàng tuần để làm nhiệm vụ. Những câu thơ của thi sĩ Quang Dũng ngày nào hiện lên vời vợi nỗi nhớ thương: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Pha Luông nhà ai mưa xa khơi".

 Có thể nói Lê Va đã sống đúng với không khí của một thuở "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói" trong suốt 18 năm trên vùng cao. Nào là ký ức với Đồng Chum; nào những cuộc leo bộ lên đỉnh núi Mường Chiềng, Ca Lông; cùng với đó là những đêm trắng bên lửa bếp trên cánh rừng Phu Canh hun hút sương bay.

Mỗi khi đứng bên sông Đà, nơi tận cùng của huyện Đà Bắc tiếp giáp với Lai Châu, tâm hồn Lê Va lại rạo rực nỗi niềm của những chiến binh xưa ra đi không hẹn ước. Những vần thơ đâu đó ấp ủ trong lòng người chiến sĩ công an như muốn chia sẻ nỗi bâng khuâng khó tả theo đuổi anh suốt chặng đường đời cho đến sau này.

Lê Va không thể quên được những đêm cuối tháng, trời tối đen như mực, những người mẹ già ở bản lại đốt đuốc dẫn anh đi kiểm soát an ninh. Dựa vào dân. Sống với dân. Thương dân như thương chính bản thân mình. Hàng trăm chuyến đi bộ leo núi lên bản đã nuôi dưỡng một bản lĩnh chiến sĩ và là suối nguồn thơ ca của Lê Va sau này.

 Sau một thời gian lên chức Phó trưởng Công an huyện Đà Bắc, Lê Va được chuyển về làm Phó Giám thị trại giam tỉnh Hòa Bình, năm 1993. Lê Va mang theo những ký ức không thể nào quên trong suốt những tháng năm tuổi trẻ sống với bà con dân tộc miền núi cao.

Cùng với đó, vợ con anh vẫn còn ở lại trên đó, làm việc và học tập. Vợ anh là giáo viên bám bản, bám rừng cho đến khi về hưu. Vậy nên, tuy xa Đà Bắc nhưng tâm hồn Lê Va luôn tràn ngập những kỷ niệm chẳng bao giờ phai nhòa. Những vần thơ Lê Va đã lan tỏa với những hình ảnh gắn liên với những bản làng núi cao.

Ai cũng nhớ đến bài thơ "Người vùng cao đón khách" của Lê Va đã được đưa vào sách giáo khoa, với mục "Hướng dẫn cảm thụ văn học". Bài thơ đã được in trên báo Văn Nghệ năm 2003, sau giải thưởng thơ của anh năm 2001. Người đọc đã yêu thơ Lê Va với ngôn cách của xứ Mường rõ nét.

Trong bài thơ, Lê Va gây ấn tượng với những hình ảnh độc đáo về tình cảm của người miền núi: "Nói lời dốc đứng/ Cử chỉ khúc khuỷu/ Tình đầy như mây trắng quanh năm/ Bụng trong như mùa thu suối sớm".

Hay như hình ảnh dễ thương, dễ nhớ trong câu kết: "Người vùng cao cười Nụ cười của em bé trong nôi". Ắt là phải trải nghiệm và sống với một tình thương yêu sâu sắc, Lê Va mới có được những câu thơ lạ như thế. Hay trong bài thơ nổi tiếng khác của anh là "Nhà sàn" cũng vậy. Lê Va đã có một giọng điệu "rất Mường" khi kể về ngôi nhà sàn thân thương mà anh đã sống với nó trong những đêm đông giá rét.

Một số tác phẩm của nhà thơ Lê Va.

Bài thơ dài như một câu chuyện kể, như một bài hát trong trường ca mới, khắc họa nét đẹp văn hóa của người Mường. Nhiều người đã học thuộc bài thơ "Nhà sàn" của anh để đi trò chuyện, nói về phong tục và nếp sống của người vùng cao, tựa như một bản đồng dao mới dễ thuộc, dễ gần.

Từ đó dường như thơ đã hút hồn Lê Va. Nhất là sau này được chuyển công tác về Phòng Công tác Chính trị Công An tỉnh Hòa Bình, anh càng say mê với nghiệp thơ. Ngoài mảng thơ về đề tài miền núi, Lê Va còn có phần hướng tới những suy tư về cuộc sống thực tại, với những nỗi niềm chia sẻ đầy tâm trạng. Đâu đó là tâm trạng nỗi đau với tệ nạn phá rừng một thời anh đã chứng kiến, nay đã bật lên trong thơ anh với những hình ảnh như khắc vào tâm trí người đọc: "Những cơn mơ rủ nhau về hội tụ trên cây lim già/Ngổn ngang đồi núi sẹo-thời gian". Chính vì thế Lê Va có những câu thơ hay trong bài như: "Có những cơn mơ hóa thạch còn tươi nỗi buồn/ Có những cơn mơ vừa nở đã tàn nỗi nhớ".

Hay đặc biệt, anh phát hiện tứ thơ, vận đúng vào trái tim mình. Đó là bài thơ "Nghĩ gì". Anh viết khi xem bức ảnh em bé đeo ống nghe bên cạnh quả địa cầu, trên bìa báo tết Sức khỏe và đời sống. Mở đầu với câu thơ: "Em bé đeo ống nghe/ Khám bệnh cho trái đất".

Từ đó những câu thơ mang tính hiện thực đau xót hiện ra: "Trái đất đang nhức đầu/ Bởi cây xanh bị đốn/ Trái đất đang đau mắt/ Do chất thải khói bom/ Trái đất đang gầy còm/ Do khắp nơi đào bới". Và cuối bài thơ Lê Va đã làm người đọc giật mình khi viết: "Tội làm trái đất ốm/ Do người lớn cả thôi/ Bé ước thế giới này/Không có người lớn nữa". Có lẽ những sự phát hiện này bật lên từ sự đau xót về tệ nạn làm tan nát môi trường mà Lê Va đã nặng trĩu tâm can, trong những năm tháng sống và làm việc trên miền núi.

Thơ cuốn hút tâm hồn Lê Va như dòng sông dậy sóng. Anh mơ những ngày tháng sống tự do với thơ và đã làm đơn xin nghỉ hưu sớm hơn 6 năm so với hàm Đại tá Công an do chính sách quy định. nhiều người cho là anh là phiêu lưu, thậm chí "dở người". Nhưng đó là câu chuyện rất "Mường" mang tên Lê Va năm 2011.

Lê Va có những bài thơ hay về người thân trong gia đình hay nhiều câu thơ độc đáo về đời sống của người vùng cao. Nhưng có lẽ, thơ Lê Va nổi bật ở những thi phẩm mang tính triết lý tinh tế, qua những câu chuyện xã hội. Đó chính là bản ngã của một thi sĩ, ẩn chứa trong trái tim người chiến sĩ công an có trách nhiệm với công việc mình làm. Người đọc có thể phát hiện ra mạch cảm xúc "công dân" đó trong thơ anh qua các tác phẩm như "Nhịp đập hai mùa"; "Chớp núi"; "Khúc thức" hay "Tha thẩn xanh"…

Cho đến nay Lê Va đã xuất bản 10 đầu sách, trong đó có 5 tập thơ. Anh đã đoạt được nhiều giải thưởng văn học của tỉnh Hòa Bình, giải của Bộ Văn hóa và Báo Văn nghệ…Với sự say mê sáng tạo và thiết tha với sự nghiệp phát triển văn nghệ của địa phương, Lê Va đã được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Hòa Bình  nhiệm kỳ 2012-2017.

Vương Tâm
.
.