Đời sống văn học Nga qua các “tạp chí dày”

Thứ Ba, 27/12/2016, 08:05
Phải nói rằng năm nay có 5 tác giả của chúng tôi lọt vào danh sách giải thưởng “Yasnaya Polyana”. Ngoài Grigorenko nói trên, lọt vào vòng chung khảo còn có Leonid Yuzefovich với tác phẩm “Con đường mùa đông”, Boris Minaev, Sukhbat Aflatuni ở hạng mục “Tuổi thơ, tuổi thiếu niên và thanh niên”, và Aleksandr Bushkovsky lọt vào vòng sơ khảo. Chúng tôi tự hào về họ...


Tổng kết năm 2016, chào đón năm 2017, báo “Nước Nga văn học” đã tổ chức một cuộc phỏng vấn các Tổng biên tập một số tạp chí văn học lớn (còn gọi là “tạp chí dày”) với hai câu hỏi:

1. Tác phẩm nổi bật nhất đã được đăng tải trên tạp chí của ông /bà trong năm 2016? 2. Năm 2017, trên tạp chí của ông/bà có xuất hiện những tác phẩm gây ấn tượng và được chuyển thể điện ảnh không?

Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến của các Tổng biên tập.

Andrey Vasilevsky, Tổng biên tập Tạp chí “Thế giới mới”:

Năm qua, theo tôi, tác phẩm nổi bật nhất trong số những tác phẩm đã đăng trên tạp chí của chúng tôi… có lẽ là các chương trong cuốn sách của Lev Danilkin “Vladimir Lenin” (tủ sách “Cuộc đời danh nhân”). Trong năm tới, lưu ý năm vừa qua được gọi là Năm Điện ảnh, nhiều nhà văn kỳ vọng tác phẩm của họ được chuyển thể thành phim, tôi thấy có nhiều tiềm năng nhất là vở kịch đầu tay của Dmitry Danilov “Người đến từ Podolsk”. Trước mắt, nhìn chung không thấy những tác phẩm lớn kỳ vọng được chuyển thể điện ảnh trên bàn biên tập của chúng tôi.

Irina Barmetova, Tổng biên tập Tạp chí “Tháng Mười”:

Phải nói rằng năm nay có 5 tác giả của chúng tôi lọt vào danh sách giải thưởng “Yasnaya Polyana”. Ngoài Grigorenko nói trên, lọt vào vòng chung khảo còn có Leonid Yuzefovich với tác phẩm “Con đường mùa đông”, Boris Minaev, Sukhbat Aflatuni ở hạng mục “Tuổi thơ, tuổi thiếu niên và thanh niên”, và Aleksandr Bushkovsky lọt vào vòng sơ khảo. Chúng tôi tự hào về họ. Nhưng nếu cần lựa chọn thì tôi cũng chọn Grigorenko, vì anh ấy đã phát hiện ra một phong cách rất chính xác của văn xuôi Nga. Phong cách đó có thể đóng vai trò chủ đạo trong nền văn xuôi đương đại.

Năm 2017, tôi không muốn nói trước, nhưng trong số bài vở hiện đang nằm trên bàn biên tập có một trong những tác phẩm nổi bật là truyện vừa mới của Ksenya Dragunskaya. Một truyện vừa tuyệt vời! Nó sẽ được đăng trong số 1. Sau đó sẽ là văn học dịch…

Valery Khatyushin, Tổng biên tập Tạp chí “Cận vệ trẻ”:

Trong số những tác phẩm văn xuôi đặc sắc đã được công bố năm qua, tôi ghi nhận tiểu thuyết của Viktor Manuilov “Thang gác”, viết về thực tại của chúng ta hôm nay… Bản thân tôi đã đọc tác phẩm này một cách hào hứng - tiểu thuyết được đăng trong các số từ tháng 9 đến tháng 12 và nhận được những nhận xét tốt. Ngoài ra, chúng tôi đã đăng truyện vừa của một cây bút còn ít nổi tiếng ở thành phố Nizhegorod Vladimir Vechshunov. Truyện vừa “Zarevna” viết về vùng Viễn Đông, nơi tác giả dạy học một thời gian. Zarevna là tên của một trong những nữ sinh.

Nói về tác phẩm gây ấn tượng trong năm tới thì chúng tôi đang có dự định đăng truyện vừa “Thuốc độc” của cây bút khá nổi tiếng Vladimir Pronsky viết về tình yêu, trên số 3 của tạp chí chúng tôi.

Từ trái qua: Barmetova, Dudarev và Vasilevsky.

Valery Dudarev, Tổng biên tập tạp chí “Tuổi trẻ”:

Năm qua, tôi rất khó bình chọn tác phẩm xuất sắc nhất vì tất cả đều tuyệt vời. Khỏi cần giới thiệu Mikhail Zadornov, người đã đăng trên tạp chí chúng tôi truyện vừa “Nụ hôn của phù thủy”, như anh nói, đã thai nghén cả cuộc đời; Stepan Myannik đăng “Đảo băng trôi”. Nhà thơ Yura Yurchenko đã từng chiến đấu ở nước cộng hòa Donetsk và bị bắt làm tù binh, trở về nước Nga, ngay khi đang nằm bó bột trên giường bệnh đã viết truyện vừa, dần dần chuyển thành tiểu thuyết, thực chất đó là kịch bản điện ảnh “Nhân chứng”, kể lại tất cả những điều mắt thấy tai nghe ngoài mặt trận.

Tập hồi ký của Lev Anninsky – làm sao không nhận ra trên tạp chí chúng tôi? Năm nay chúng tôi đã bắt đầu, và sang năm sẽ đăng tiếp hồi ức về chiến tranh của Alla Marchenko. Bút ký của Stas Kunyaev về những số phận của nước Nga cũng là một công bố rất quan trọng năm nay. Về thơ tôi cũng muốn nêu một số tên tuổi xuất sắc: Igor Volgin, Lyudmila Klochko, Valery Lobanov, Tatyana Shishkina.

Năm tới, chúng tôi sẽ đăng truyện vừa của Trofimov, tác giả do nhà văn Sergey Esin giới thiệu. Ngoài ra, còn một tác giả nữa người Petersburg tôi muốn nhắc tới, đó là nhà văn trẻ Ermichev, tất cả họ đều là sinh viên Trường viết văn.

Natalya Grantseva, Tổng biên tập Tạp chí “Neva” (SaintPetersburg):

 Nổi bật nhất năm 2016 là các cuốn tiểu thuyết “Mọi người ở đâu?” của Igor Shumeiko, “Trên tấm lưng đầy lông” của Vyacheslav Rybakov, “Người lính và ông vua” của Elena Kryukova, “Thủ trưởng đủ thứ” của Natalya Galkina; “Andante maestoso” của Stanislav Shulyak, “Áo rách” của Anton Zankovsky, các truyện vừa “Con sói Chechnya” của Evgeny Lukin, “Hằng hà” của Mikhail Rodionov, “Người được giải phóng” của Dmitry Kolisnichenko...

Đầu năm 2017, độc giả sẽ được đọc trên tạp chí “Neva” tiểu thuyết của Anton Ratnikov “Tuổi thơ”, truyện vừa “Ký tự Boustrophedon” của Marina Kudimova, tiểu thuyết tư liệu “Trumpeldor” của Aleksandr Laskin và vở kịch “Hai câu chuyện từ khe cửa” của Vladimir Arro. Liệu chúng có gây ấn tượng và được chuyển thể không? – độc giả và các nhà điện ảnh sẽ quyết định. 

Sergey Chrednichenko, Tổng biên tập Tạp chí “Những vấn đề văn học”:

Cũng như các năm trước, năm qua, có nhiều bài viết thú vị về đời sống văn  học đương đại. Trên số 2, Artyom Skvortsov giải thích cho độc giả vì sao Yuly Kim xứng đáng được nhận giải “Thi sĩ”, số 3 đăng biên bản tốc ký “Hội nghị của giải Booker” năm 2015 và cuộc tranh luận của Elena Pogorela và Valerya Pustova về cuốn sách của Guzel Yakhina “Zuleyka mở mắt”, cũng như bài trả lời phỏng vấn của G. Yakhina do Alyona Karimova thực hiện.      

Câu chuyện về vòng chung kết giải Booker được tiếp tục ở số 4 trong một bài tổng quan dài và gay gắt của Oleg Kudrin. Số 5 đăng bài trả lời phỏng vấn súc tích của nhà phê bình văn học Aleksey Varlamov. Bên cạnh là bài viết về cuốn tiểu thuyết “Con sói tưởng tượng”.

Có rất nhiều bài viết lý thú về lịch sử văn học và nghiên cứu văn học. Số 3 đăng bài của Sergey Averintsev và Mikhail Gasparov về thế kỷ XIII. Số 2 công bố vụ án hình sự của Nikolai Erdman, Vladimir Mass và Emil Krotky do David Feldman và Oksana Kiyanskaya thực hiện. Còn số 4 đăng  bài báo của họ “Những lời khai của A.Garri về tình hình các phóng viên nước ngoài ở Liên Xô” (năm 1930). Số 4 công bố bài báo dài của Pavel Nerler “Osip Mandelshtam ở Voronezh. Những sự kiện trong thời gian 1935-1936”.  Vào nửa đầu năm 2017, Tạp chí “Những vấn đề văn học” dự định đăng bài báo của Elena Pogorelskaya “Isaak Babel: những vấn đề văn bản học và bình luận”, tuyển các bài báo về Evgeny Rein và nhiều tài liệu hấp dẫn khác.

Sergey Chuprinin, Tổng biên tập Tạp chí “Ngọn cờ”:

Chúng tôi phấn khởi vì năm qua được cộng tác với các tác giả: Leonid Zorin, Olesya Nikolaeva. Yury Buida, Aleksandr Kabakov, Ilya Kochergin, Roman Senchin, Mikhail Shishkin. Chúng tôi cũng vui mừng vì đã phát hiện ra những tên tuổi mới năm 2016, ví dụ, Vyacheslav Stavchuk, nhà văn trẻ ở Rostov, tác giả truyện vừa đặc sắc về trận Stalingrad. Cuốn tiểu thuyết của Sasha Filippenko “Cuộc truy lùng” và tập thơ “Mồi giả bằng vàng” của nhà thơ Nga Igor Shklyarevsky được giới phê bình đánh giá tốt. Mở đầu năm 2017 sẽ là cuốn tiểu thuyết của Timur Kibirov “Vị tướng và những đứa con của mình”. Ngoài ra, năm tới, tạp chí sẽ đăng cuốn tiểu thuyết mới-phản không tưởng của Anatoly Kurchatkin; nhà thơ và nhà triết học Olga Sedakova sẽ công bố những trang đầu bản dịch “Hài kịch thiên thần” của Dante.

Andrey Aryev, Tổng biên tập Tạp chí “Những ngôi sao” (SaintPetersburg):

 Trước hết là tập hồi ký của Bruno Meysner “Tôi không phải là gián điệp”, nơi lần đầu tiên mô tả các chế tài nhờ đó các cơ quan mật vụ khai thác những thông tin cần thiết của những người bình thường.

Sau đó là “Nhật ký Peredelkino” của Yury Karyakin – một bằng chứng rất quan trọng về những năm 90.

Tôi muốn lưu ý các bài viết của Igor Smirnov trong chuyên mục “Bình luận triết học” xuất hiện trên tạp chí chúng tôi hai tháng một lần. Trong đó có công trình nghiên cứu tiểu thuyết “Quà tặng” của Nabokov trên quan điểm triết học. Ngoài ra còn có hai chuyên mục mà chúng tôi tự hào “Những bài học văn chương” của Aleksandr Zholkovsky và “Những cuộc phiêu lưu tư tưởng” của Mikhail Epshtein.

Về văn xuôi, tôi muốn chọn truyện vừa “Thầy giáo” của Frida Vigdorova. Chị là nhà báo nổi tiếng, nhưng hóa ra, viết văn rất hay.

Nhà văn Andrey Ivanov năm nay giới thiệu tiểu thuyết trên tạp chí chúng tôi “Bóng in của Rasmus Hansen”. Tôi cũng xin lưu ý cuốn tiểu thuyết của Aleksandr Nezhnyi “Ô nhục” viết về đời sống đương đại, trong đó có đời sống giáo hội.

Chúng tôi chuẩn bị rất nhiều bài vở, chủ yếu là các tư liệu liên quan tới 100 năm Cách mạng Tháng Mười. 

Trần Hậu
.
.