Người một mình gây dựng Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam

Thứ Tư, 15/07/2015, 08:10
Là một người may mắn được học tiếng Nga rất sớm ở Nga, lại là người say mê văn học Nga, đã dịch nhiều tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt, lại là người hoạt động văn hóa tích cực giữa hai nước Nga - Việt; vì thế, từ lâu dịch giả Thúy Toàn đã ôm ấp dự định xây dựng một Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam.

Phải mất mấy chục năm trời chuẩn bị, cho đến mùa hè này, Nhà lưu niệm văn học Nga của dịch giả Thúy Toàn mới được hoàn chỉnh và bắt đầu đi vào hoạt động.

Nhà lưu niệm văn học Nga này có mấy điểm đặc biệt riêng. Thứ nhất, đây là Nhà lưu niệm văn học Nga đầu tiên ở Việt Nam. Thứ hai, chủ đầu tư dự án này là cá nhân dịch giả Thúy Toàn. Thời gian dành cho công việc chuẩn bị trên ba mươi năm. Chỉ sau khi ông về hưu được gần hai mươi năm thì ông mới dồn công sức vào dự án này nhiều hơn.

Như một người năng nhặt chặt bị, Nhà lưu niệm văn học Nga của dịch giả Thúy Toàn nay đã có hàng vạn hiện vật. Từ sách, báo, tạp chí, bút tích, đến tranh ảnh, huy hiệu, kỷ niệm chương, tem thư, rất nhiều các đồ vật lưu niệm, như con lật đật, chiếc ấm sa-mô-va, cốc chén, lọ mực, chiếc bút, máy ảnh, ra-đi-ô Nga mà các nhà văn Nga, các nhà văn hóa Nga đã từng sử dụng và trao tặng. Có nhiều hiện vật trưng bày tại Nhà lưu niệm, xét về mặt văn hóa, đã trở thành vô giá. Nếu chỉ tính riêng tiền công đóng khung kính treo ảnh, đóng tủ bày đồ lưu niệm, tiền sửa sang ngôi nhà trưng bày cho khang trang, đã trên bảy trăm triệu đồng.

Dịch giả Thúy Toàn và một góc Nhà lưu niệm văn học Nga ở làng Phù Lưu, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.

Điều đáng ghi nhận là hoàn toàn từ tiền cá nhân của dịch giả Thúy Toàn bỏ ra, chưa có một cơ quan, tổ chức nào trong nước và ngoài nước hỗ trợ kinh phí. Nói về vấn đề này, dịch giả Thúy Toàn tâm sự, thực ra ông chưa muốn đặt vấn đề với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào hỗ trợ, tài trợ. Mà ông muốn tự mình cố gắng làm, làm hết tâm hết lực mình, để Nhà lưu niệm hoạt động; khi thấy có hiệu quả, thì tùy sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của các cơ quan, các tổ chức, để Nhà lưu niệm được phát triển, mở rộng cho xứng tầm của nó. Thứ ba, Nhà lưu niệm văn học này lại xây dựng tại một làng quê vùng Kinh Bắc. Đó là làng Phù Lưu (nay thuộc phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), một làng có truyền thống hiếu học.

Hỏi lý do sao không đặt Nhà lưu niệm văn học Nga ở tại thủ đô, hoặc một thành phố lớn? Dịch giả Thúy Toàn cho biết, Phù Lưu là một làng trung tâm văn hóa vùng Kinh Bắc, cách Hà Nội không xa, đường xá đi lại thuận tiện. Mặt khác, mảnh đất đã sinh ra nhiều nhà văn hóa của làng, của nước. Như nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhà báo Hoàng Tích Chu, họa sỹ Hoàng Tích Trù, nhạc sỹ Hồ Bắc, đạo diễn Hoàng Tích Chỉ, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy... Lý do riêng nữa, đây lại là quê hương của ông. 

Để hình thành một nhà lưu niệm văn học, không chỉ đơn thuần trưng bày hàng loạt các hiện vật, mà sự cần thiết là phải có sự bố cục, sắp xếp sao cho khoa học, để người đến tham quan dễ tiếp cận, mở rộng kiến thức. Dịch giả Thúy Toàn đã dụng công trong việc bố cục, sắp xếp hiện vật cho khoa học. Ở tầng một của tòa nhà, với chủ đề "Những trang tình nghĩa", đó là những hình ảnh và hiện vật phản ánh mối quan hệ văn học, văn hóa Việt Nam và Nga. Người tham quan hiểu thêm sự nhìn xa trông rộng của Bác Hồ và các nhà lãnh đạo, ngay khi đất nước mới hòa bình, đã sớm chọn và đưa những học sinh xuất sắc đưa sang Nga học tiếng Nga.

Trong số một trăm người của đợt đi học tiếng Nga đầu tiên, khi về nước, đã có nhiều người trở thành  những nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà quản lý chủ chốt trong nhiều ngành. Ở đây, rất nhiều bài báo, những thước phim tư liệu tiếng Nga chứa đựng nhiều tình cảm của các nghệ sỹ Nga phản ánh về đất nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, có trưng bày nhiều tư liệu, ảnh, hiện vật của các nhà văn Nga biểu tình ủng hộ nhân dân Việt Nam giai đoạn chống Mỹ.

Tầng hai của Nhà lưu niệm văn học Nga, dịch giả Thúy Toàn chủ trương sắp xếp giới thiệu năm giai đoạn văn học Nga vào Việt Nam.

Giai đoạn một, từ đầu thế kỷ 20 đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Người Việt Nam đã tiếp cận văn học Nga, với các tác giả Nga kiệt xuất, như L.Tolstoi, F.Dostoievski, A.Tsekhov... tiếp đó là các tác giả Xô Viết, như M.Gorki, M.Solokhov, V.Maiakovski... Năm 1942, NXB Đời Nay đã xuất bản tiểu thuyết "Anna Karenina" dưới tên sách "Anna Kha Lệ Ninh" của L.Tolstoi, bản dịch qua tiếng Pháp của nhà văn Vũ Ngọc Phan. Trước đó, năm 1937, nhà phê bình văn học Hải Triều đã in sách giới thiệu chân dung nhà văn M.Gorki.

Giai đoạn hai, từ Cách mạng Tháng Tám đến hòa bình trên miền Bắc - 1954. Một số tác phẩm văn học tiêu biểu của văn học Xô Viết được dịch giới thiệu. Đó là "Người mẹ" của M.Gorki; "Sông đông êm đềm" của M.Solokhov; "Đợi anh về" của K.Ximonov; "Một người chân chính" của Boris Polevoi; Thơ Maiakovski... do Thiếu Phụng, Hồng Hà, Tố Hữu, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Trung Thông dịch.

Giai đoạn ba, từ 1954 đến 1975, giới thiệu và phổ biến văn học Nga-Xô Viết có bài bản. Xuất hiện sách lịch sử văn học Nga của Hoàng Xuân Nhị, 5 tập. Các NXB có tủ sách Tinh hoa thế giới, hàng trăm đầu sách văn học Nga - Xô Viết được giới thiệu.

Giai đoạn bốn, từ 1975 đến 1990. Văn học Nga được giới thiệu theo tinh thần "cải tổ" và "công khai". Hàng loạt tác phẩm của F.Dostoievski, X.Exenin, V.Bunin, B.Pasternak, TS.Aitmatov... được dịch và giới thiệu.

Giai đoạn năm, từ 1990 đến nay. Tuy văn học Nga không còn là tâm điểm chú ý của đông đảo bạn đọc, song công tác quảng bá văn học Nga càng được coi trọng. Nhiều tác phẩm văn học Nga cổ điển được in lại. Dịch, giới thiệu các tác phẩm văn học Nga thời kỳ mới.

Tấm biển đá gắn trước cổng Nhà lưu niệm Văn học Nga.

Để phân định và sắp xếp từng giai đoạn văn học Nga - Xô Viết xuất hiện và ảnh hưởng đến nhận thức, thẩm mỹ người đọc Việt Nam, đó là công việc khoa học, mà chỉ có người trong cuộc như dịch giả Thúy Toàn mới làm được. Ngoài khái quát khoa học, đòi hỏi người sắp xếp, đánh giá, nhận định phải là người có tâm. Điều này càng khẳng định, con người dịch giả Thúy Toàn tận tâm tận lực cả đời với công việc giới thiệu, quảng bá văn học Nga - Xô Viết cho độc giả Việt Nam. Chính vì thế ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học về dịch thuật. Đặc biệt, năm 2010, dịch giả Thúy Toàn đã được Tổng thống Nga Dmitri Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị.

Tại Nhà lưu niệm văn học Nga này, tuy không có dòng nào nói về sự tận tâm tận lực với sự nghiệp dịch, quảng bá văn học Nga sang Việt Nam, nhưng người tới thăm Nhà lưu niệm đều khâm phục sự kiên trì, bền bỉ và dám hy sinh vì công việc của dịch giả Thúy Toàn.

Kể về quá trình đầu tư và triển khai dự án Nhà lưu niệm văn học Nga, dịch giả Thúy Toàn rất xúc động khi nhắc lại tấm lòng của các bạn, các người thầy, các nhà văn, các nhà văn hóa Nga cổ vũ khi biết tin dự án của ông. Đặc biệt trong chuyến sang Nga công tác, có bà giáo người Nga đã ngoài chín mươi tuổi tìm gặp ông người học trò cũ của bà. Bà thăm hỏi và động viên dịch giả Thúy Toàn cố gắng để dự án Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam được thực thi.

Trước khi ông về nước, bà giáo già có mang số tiền 1.000 đôla trao tặng Thúy Toàn. Bà muốn góp một chút nho nhỏ vào dự án Nhà lưu niệm văn học Nga. Dịch giả Thúy Toàn cảm tạ và từ chối, nhưng trước tấm lòng quý hóa của bà giáo, ông không khước từ được. Đây cũng là món tiền duy nhất mà dịch giả Thúy Toàn đã nhận trong quá trình xây dựng Nhà lưu niệm văn học Nga. Đến nay, dự án đã thành hiện thực.

Tuy bước đầu chưa phải đã hoàn chỉnh, nhưng từng bước, ông sẽ dành thời gian, dồn tâm lực và tiền bạc để củng cố Nhà lưu niệm văn học Nga ngày một hoàn chỉnh hơn, để nó trở thành địa chỉ văn hóa hữu ích, không thể thiếu đối với ai quan tâm đến văn học Nga, văn hóa Nga-Xô Viết. Đó cũng là tâm nguyện của ông đóng góp với quê hương.

Tháng 6/2015

Vũ Từ Trang
.
.