Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu:

Đề tài chiến tranh vẫn cần tiếp tục được khám phá

Thứ Năm, 23/11/2017, 11:42
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948, quê Nam Định, những năm chiến tranh chống Mỹ ở sư đoàn 312 tham gia chiến đấu ở Lào và chiến trường phía Nam, về học Trường viết văn Nguyễn Du, công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Hội Nhà văn Việt Nam. Với Nguyễn Đức Mậu, dòng thơ trận mạc là dòng chủ lưu trong sáng tác của anh với nhiều tập thơ và trường ca được in trong mấy chục năm qua.


Có lẽ Nguyễn Đức Mậu nằm trong số ít nhà thơ viết khá nhiều về người lính và chiến tranh trong những năm tháng trận mạc mà người lính và nhà thơ có chung một chân dung, một khát vọng và những ước mơ. Trong số những bài thơ hay còn lại đến hôm nay, khi nói về những hy sinh mất mát trong chiến tranh, người yêu thơ thường nhắc tới bài thơ "Nấm mộ và cây trầm" của Nguyễn Đức Mậu. Không chỉ riêng với anh mà đối với mọi người, những kỷ niệm thiêng liêng và xót xa về những mất mát trong cuộc chiến tranh này vẫn là những dự cảm lớn lao và xúc động khi hồi tưởng lại như mấy trích đoạn thơ dưới đây:

    I. Tưởng nhớ

Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn
Cây trầm cháy dở thay nén nhang
Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm

Hùng ơi, mai gió mùa đông bắc
Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng
Những đêm hai đứa xong phiên gác
Bao gạo gối đầu chăn đắp chung.

Nhớ khi mình ốm giữa rừng
Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi
Quả khế rừng nấu con cá suối
Thương mình Hùng hoá trẻ đi câu.

Chúng mình có ở cách xa nhau
Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi…?
Một thước đất hoá khoảng trời vời vợi
Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa

Những lá thư Hùng chưa kịp đọc mình nghe
Thơ đánh giặc Hùng còn viết dở
Vết máu đỏ nhoà đi không rõ chữ
Mình đọc bao điều xúc động sâu xa.
 

    II. Hy sinh

Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù
Nhận cái chết cho đồng đội sống
Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng
Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi.

"Chết - Hy sinh cho Tổ quốc" Hùng ơi
Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng.

Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng
Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước
Những đoàn quân đi đánh giặc
Có hoa rừng mang đến từ xa.

Đất Hùng nằm bom đạn đào trơ
Ngày hoa nở, đêm ngời sao tỏ
Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ
Thành bàn tay chỉ hướng quân thù.

    III. Ra đi

Cây trầm thơm từ gốc thơm ra
Như nhắc nhở với người đang sống
Thù riêng lớn, thù chung càng lớn
Hờn căm này nhân tiếp những hờn căm

Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm
Trận đánh đêm nay vắng Hùng gài bộc phá
Trận đánh trường kỳ vắng Hùng tham dự
Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta
Anh trinh sát hy sinh trao lại tấm bản đồ
Anh xung kích hy sinh phất cao cờ chuẩn
Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng
Trận đánh vẫn còn tiếp diễn. Hùng ơi! …

Quân mình đang pháo kích nơi nơi
Hùng có thấy đất rùng rùng sấm dậy
Mặt trận chuyển vào sâu rồi đấy
Thôi mình đi, Hùng nhé! Hãy yên nằm

Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm
Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ
Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị
Thân hy sinh thơm đất, thơm trời.

Khi tôi hỏi nhà thơ về những kỷ niệm của người lính trong thơ anh và ở bài thơ "Nấm mộ và cây trầm", Nguyễn Đức Mậu kể lại bài thơ ấy anh viết năm 1969 khi 21 tuổi và đã gửi cho một biên tập viên ở một tờ báo thì bị biên tập viên chê là "tư tưởng yếu". Hồi ấy cả nước đang chiến tranh, thơ mà nhắc tới sự hy sinh mất mát là biên tập viên sợ "không an toàn".

Bốn năm sau, bài thơ được in và được trao giải thưởng văn học 27-7 do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Thương binh - Xã hội tổ chức. Nguyễn Đức Mậu là một trong số ít nhà thơ có tác phẩm được in nhiều nhất thời bao cấp ở Việt Nam. Tác phẩm chính gồm có 15 tập thơ và trường ca, 5 tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn.

Khoảng năm 1980, trong dịp nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đi công tác ở Hải Phòng, nhà thơ Thanh Tùng có dẫn anh tới chơi nhà một bác công nhân già. Bác cũng có một người con tên là Hùng hy sinh trong chiến tranh (trùng với tên liệt sĩ trong bài thơ "Nấm mộ và cây trầm"), vì thế bác đã thuộc và cất giữ bài thơ này như một kỷ vật, một tiếng nói của người con. Trên những nẻo đường chiến tranh vừa đi qua, trong số những người lính ngã xuống, còn bao người tên là Hùng và bao người vô danh - kỷ niệm về họ đã hóa trầm trong lòng những người thân và mỗi người lính chúng ta.

Nguyễn Đức Mậu tâm sự: "Tôi là người lính nên có nhiều thơ viết về chiến tranh, viết về những điều mình quen thuộc nhất. Trộm nghĩ, kỵ nhất trong thơ là sự thương vay khóc mướn, nói thêu dệt, tô vẽ những gì không có, không phải của mình…".

Và đây là bài thơ "Sông Thạch Hãn" của anh: "Xin bạn cùng tôi đi dọc sông Thạch Hãn/ Con sông nóng như luồng xích đạo/ Qua nghìn lần pháo kích bom rơi/ Có con sông nào trên đất Việt Nam tôi/ Nhiều thương tích chiến tranh đến thế/ Hẳn mai sau các nhà khảo cổ/ Sẽ gặp dưới lòng đất sâu dấu vết bây giờ/ Mảnh sắt, mảnh gang lẫn cùng sỏi đá/ Vỏ đạn đồng có giống mũi tên xưa...?/ Những người lính Sư đoàn năm 72/ Ai đã một lần vượt sông Thạch Hãn/ ...Người đã khuất có nghe dòng sông hát/ Sông đưa người tới khoảng đất cỏ xanh/ Người bị thương có nghe sông hát/ Sông cho người gương mặt bình minh/ Bãi cát trắng ngổn ngang vỏ đạn/ Như bãi biển lô xô vỏ hến, vỏ hà/ Nhặt vỏ đạn mang về/ Sau trận đánh ta còn nghe tiếng nổ/ Khẩu đại liên trăm lần khạc lửa/ Đồng đội ta nhúng nước sông này/ Nòng thép bỏng xèo xèo bốc khói/ Súng cùng người khép tiếp vòng vây/ Cơn khát ta tìm đến nước sông này/ Người lính trườn qua cỏ gai, hốc đạn/ Làn môi khô áp xuống mặt sông đầy/ Lồng ngực trẻ tràn trề Thạch Hãn/ Những trận đánh áo xanh đất lấm/ Vết thương ta rửa nước sông này/ Sông gột sạch đất bùn, thuốc đạn/ Nước trong lành ta vốc đầy tay/ Dạy ta lối đánh thù gan góc/ Đây địa hình trơ trọi dọc triền sông/ Người lính sống cùng cây xương rồng/ Hoa cứ nở lúc ròng ròng nhựa xót...".

Nguyễn Đức Mậu là người được nhiều giải thưởng văn chương: Giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972 - 1973; Giải C cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1981; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng văn học ASEAN năm 2001; 3 giải thưởng Hội Nhà văn (1994, 1996, 1999); 3 giải Bộ Quốc phòng (1989, 1994, 2004), Giải thưởng văn học nghệ thuật của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2004.

Đã hơn 40 năm từ ngày chiến tranh giải phóng kết thúc (1975), tác phẩm về đề tài  chiến tranh trong thơ những năm gần đây có ít hơn so với các mảng đề tài khác. Liệu người làm thơ có cần trở lại nhìn nhận và hiểu biết thêm về chiến tranh ở những góc độ nhân sinh và góc khuất hiện thực khác như mảng tiểu thuyết vừa khai phá không? Với cách đặt vấn đề này, Nguyễn Đức Mậu giải đáp: "Đề tài chiến tranh không "lạc điệu" so với các đề tài trữ tình và các đề tài khác trong thời gian này, nói theo nhà thơ Mỹ Walt Whitman "Thơ hay có ở mọi nơi, chỉ trừ những bài thơ tồi".

Tôi cũng nghĩ như Nguyễn Đức Mậu, điều đáng nói trong thi ca không phải là đề tài mà là tài năng. Hãy thử dẫn chứng những bài thơ hay viết về chiến tranh như "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, "Tây Tiến" của Quang Dũng, "Núi đôi" của Vũ Cao, "Tình sông núi" của Trần Mai Ninh… người đọc vẫn không thấy "lạc điệu" so với dòng thơ hiện nay. Nhiều khi chúng ta đổ lỗi cho đề tài mà quên mất bản thân những người viết.

Nhưng rõ ràng, bây giờ viết về chiến tranh phải viết khác trước bởi ta đã có độ lùi sau mấy chục năm để nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn, sâu sắc hơn. Và khác với tiểu thuyết phải thông qua nhân vật, người làm thơ thường bắt đầu từ chính mình.

Mới đây, trong cuộc tọa đàm kỷ niệm 30 năm giao lưu văn Việt Mỹ với các nhà văn, nhà thơ Mỹ đến từ Trung tâm William Joiner, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận định: "Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại, để lại nhiều đau thương mất mát cho dân tộc Việt Nam.

Và rồi người dân Việt Nam đã vượt qua nỗi đau đó bằng nghị lực phi thường của mình, bằng sự giúp đỡ của bè bạn khắp năm châu, trong đó có cả những người bạn Mỹ để hàn gắn vết thương chiến tranh đó. Ở đây có sự mẫn cảm của những người cầm bút. Có thể nói các nhà văn Việt, Mỹ đã đi trước con đường ngoại giao một bước. Họ đã biết chọn con đường văn hóa là con đường ngắn nhất để làm công việc hàn gắn những đau thương của chiến tranh".

Và bài thơ "Với một nhà thơ Mỹ" gửi nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen của Nguyễn Đức Mậu là một dẫn chứng:

Thành phố Boston một chiều ngợp nắng
Một chiếc bàn con dưới bóng cây
Ồ cốc bia chúng ta cầm tay
Không phải là trái mìn chớp nổ

Và súc xích, khoai tây, đồ hộp trên bàn
Không phải là những cỡ đạn sát thương
Và không gian âm nhạc êm đềm
Không có tiếng rú gầm sắt thép

Chợt anh nhắc về 30 năm trước
Ngọn lửa cháy rừng bùng lên miệng cốc
Tôi nhớ đêm Trường Sơn mùa mưa
Từng mảng đêm ướt nhòa hốc mắt

Những tâm tình bao năm chiến tranh
Như hòa lẫn trong cốc bia sủi bọt
Tôi rót cho anh một cốc đầy mùa hạ
Mây trắng tràn miệng cốc, uống đi anh

Anh rót cho tôi một cốc buồn dĩ vãng
Một mảng chiều trong đáy cốc trời xanh
Thành phố Boston tôi và anh
Và mặt trời rót tràn men ánh sáng…

Bài thơ trên, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết trong chuyến đi thăm nước Mỹ của đoàn nhà văn Việt Nam nhằm tìm sự cảm thông và nối kết các nhà thơ cựu binh của hai nước sau cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam. Thơ Nguyễn Đức Mậu là vậy, hồn hậu, chân chất, giản dị, đẫm mùi bùn đất và mùi trận mạc, như những người lính đã hiến dâng toàn bộ tuổi thanh xuân của mình cho đất nước trong suốt mấy chục năm chiến tranh đau thương, khốc liệt đã qua. 
Nguyễn Việt Chiến
.
.