Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Người lành ở giữa phố đông

Thứ Ba, 25/02/2014, 08:00
Nói về cái sự hồn nhiên của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, tôi vẫn nghĩ hình như trời sinh ông ra là để làm thơ, chứ không để làm bất cứ việc gì khác...

Đến bây giờ tôi không còn nhớ lần đầu gặp nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong hoàn cảnh cụ thể nào, nhưng tôi nhớ nhất khoảng 1989-1990, khi tôi kết thúc chuyến công tác mấy năm ở các tỉnh miền Trung, có viết được một tập bản thảo thơ, trở về Hà Nội chọn một số bài đem đến gửi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Bấy giờ ông trực Ban thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhận bài xong ông bảo cứ để đấy để ông đọc. Khi ấy tôi rất hồi hộp. Mặc dù thơ tôi cũng đã được in ở một số nơi, nhưng với Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đây là lần đầu gửi bài.

Mấy tuần sau ông gọi tôi đến, bảo chỉ được vài ba bài tương đối hoàn chỉnh, còn lại phải chỉnh sửa mới in được. Từ cái cách ông cởi mở chân thành, đã góp ý rất thẳng thắn, tôi không cảm thấy tự ti chút nào, mà hoàn toàn tin tưởng. Từ sự góp ý đó, tôi đã hoàn thiện sửa chữa, để trong khoảng thời gian ba năm đã có gần chục bài thơ của tôi được in trên Tạp chí. Tính ông lành hiền chân thật, trân quý bạn bè, đôi khi lại hồn nhiên trước những cái thuộc về "cơm áo, gạo tiền", nhưng với thơ ông rất tinh tường, vì thế luôn có những đòi hỏi khắt khe ở người viết, nhất là trong vai trò một người biên tập. Có thể giữa tôi và ông có chút hợp tạng nhau, nên trở thành bạn vong niên với nhau từ những ngày đó.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948 tại Nam Trực, Nam Định. Năm 1966 ông vào bộ đội, đến năm 1969 sang chiến trường Lào, biên chế thuộc Sư đoàn 312, chiến đấu ở vùng Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, đến năm 1974 thì ông chuyển về làm phóng viên ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và ở đó cho đến lúc về hưu. Đến nay, ông đã xuất bản được 13 tập thơ và trường ca; 6 tập truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tiểu luận phê bình. Với thành tựu xuất sắc đóng góp vào mảng đề tài chiến tranh và cách mạng, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã vinh dự được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Giải thưởng văn học ASEAN, cùng nhiều phần thưởng văn chương cao quý khác.

Nhớ lại hơn hai chục năm trước, cái thời "ăn cơm tập thể, ở nhà cơ quan", nhà thơ Nguyễn Đức Mậu tá túc ở tầng 2 ngôi nhà cổ có cửa sổ nhìn ra đường Lý Nam Đế, làm việc, ngủ nghỉ luôn tại đó. Vợ ông ở quê, các con ông còn nhỏ ở với mẹ. Hàng tháng ông phải đi đi về về thăm gia đình. Đến mỗi dịp nghỉ hè ông lại đưa các con lên Hà Nội chơi. Nhà văn Đỗ Chu rất quý mấy đứa con của ông. Lúc chúng khoảng chín, mười tuổi, Đỗ Chu đã vẽ tặng mỗi đứa một bức chân dung. Nguyễn Đức Mậu rất thích, treo trong phòng làm việc.

Những năm đó tôi còn độc thân, hàng ngày thường lui tới chỗ ông chén rượu chén bia và bù khú đủ chuyện. Tôi nhớ mãi lần ông viết tác phẩm "Chí Phèo mất tích". Bản thảo mới được vài trang đầu ông đang rất phấn khích, khi tôi đến ông mang ra đọc cho nghe. Tôi rất nhớ cái đoạn ông tả một anh đi thồ phân, dọc đường vắng gặp con chó nhà ai, máu tham nổi lên, anh này liền vụt chết con chó, vừa lúc ấy loáng thoáng có bóng người đằng xa, sợ người ta phát hiện, bí quá anh này cầm con chó chết dìm chìm nghỉm vào sọt phân… Chi tiết này khiến cả ông và tôi cười ngất, vì chi tiết khi viết đã bất ngờ tự đến, chứ trước đó ông chưa hề nghĩ đến.

Ngày đó bắt đầu có phong trào sắm xe máy. Ông cũng dành dụm mua được cái xe Cup "kim vàng giọt lệ". Mới có xe, một hôm ông bảo tôi với vẻ mãn nguyện: "Ông ạ, ngồi xe cứ lướt như bay trên đường nhựa, thích thật". Lại nói chuyện xe máy, với ông không phải là người mê xe. Có xe rồi ông lại rất ngại đi, hình như ông ngại chỗ đông người, nhất là ra đường phố Hà Nội những giờ tan tầm. Thỉnh thoảng gọi mời ông đi uống bia, ông bao giờ cũng hỏi cặn kẽ từ chỗ ông ra đấy đi đường nào, vòng tay phải hay tay trái. Đối với ông đi xe máy ra đường vòng tay phải mới là thuận, còn rẽ trái có vẻ ông ngại. Có lần nhà thơ người Chăm Inrasara từ Tp HCM ra Hà Nội, trước giờ ra sân bay, chúng tôi có tổ chức buổi tiếp tiễn bạn bè và gọi mời nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Ông bảo ông sẽ đến ngay. Chờ nửa tiếng sau vẫn chưa thấy ông đến. Điện thoại hỏi ông đang ở đâu để đón, hóa ra là ông đi bộ. Hỏi xe máy đâu mà đi bộ? Ông bảo đi bộ cho khỏe, còn xe máy bỏ hẳn rồi, cần thì đi xe buýt, đi taxi, cùng lắm thì xe ôm, chứ bây giờ ngồi lên xe máy ngại lắm.

Nói về cái sự hồn nhiên của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, tôi vẫn nghĩ hình như trời sinh ông ra là để làm thơ, chứ không để làm bất cứ việc gì khác. Thời kỳ cơ quan Tổng cục Chính trị quan tâm phân nhà cho cán bộ tạp chí. Nguyễn Đức Mậu được ưu tiên lựa chọn, hoặc nhà tập thể ở phố Lý Nam Đế, hoặc suất đất ở Mai Dịch. Nhiều lần ông tham khảo ý kiến tôi, tôi đều nói nên lấy đất làm nhà cho rộng rãi, cuối cùng ông lại chọn nhà tập thể ở Lý Nam Đế. Lý do đơn giản là cho tiện gần cơ quan. Sau này thấy giá trị đất gấp nhiều lần nhà tập thể, thỉnh thoảng ông lại nói với tôi: "Tiếc quá, ngày ấy giá mà nghe ông…". Tôi lại động viên: "Việc gì phải tiếc, các cháu nhà ông giờ trưởng thành cả rồi, có chỗ cả rồi, ông bà về già ở thế lại tiện".

Là người sinh ra ở quê, dù mấy chục năm sống ở thành phố, nhưng nhà thơ Nguyễn Đức Mậu vẫn giữ vẻ chân chất thôn làng. Sống giữa phố đông nhưng ông vẫn giữ một góc nhỏ cho mình, khó trộn lẫn. Tôi vẫn đùa: "Bác Mậu đi cũng phong thủy, ăn uống cũng phong thủy". Chả là đi xe máy chỉ thích rẽ phải, còn vào hàng quen chỉ chọn một bàn, một hướng ngồi. Thậm chí có lần vào hàng thấy chiếc bàn của mình chọn đã có người khác ngồi là ông chả thiết ăn uống gì nữa.

Nhiều người còn bất ngờ khi thấy nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lại chơi thân với Đại tá Nguyễn Văn Hoắc, một giám thị trại giam nổi tiếng của Công an Hà Nội. Ông Hoắc rất thích văn chương và rất quý nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Tôi nhớ có lần ông mời nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhà báo Nguyễn Phúc Ấm và tôi đến thăm Trại giam Hỏa Lò - bấy giờ còn nằm trên phố Hỏa Lò, giữa phố Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt. Buổi chiều ông lại đưa chúng tôi vào thăm một phân trại ở Từ Liêm. Trên đường về, xe đang chạy bon bon, ông Hoắc ngồi ghế trước bỗng hô: "Dừng, dừng lại!". Mọi người ngạc nhiên chưa hiểu chuyện gì thì ông Hoắc liền chỉ tay ra chỗ mấy con trâu nhà ai đang ăn lúa, nói: "Lúa đang lên đẹp thế kia mà trâu vào phá, có chết không". Nói rồi ông hô chúng tôi chạy hàng trăm mét đuổi bằng được mấy con trâu ra khỏi ruộng lúa.

Nhìn cảnh ông Mậu, ông Hoắc bì bõm lội ruộng như những lão nông trở lại đồng, cử chỉ ấy đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên. Đặc biệt ông Mậu, ông Hoắc và ông Phúc Ấm rất quý Thiếu tướng Nguyễn Chuông, nguyên Sư trưởng 312. Hóa ra ông Chuông là thủ trưởng cũ của ba ông. Khi ông Chuông nghỉ hưu ở Hà Nội, sau mấy chục năm, giờ các ông mới có dịp đến thăm.

Sau lần gặp lại thủ trưởng Nguyễn Chuông, lúc ngồi với nhau, ông Hoắc nói với ông Mậu: "Gặp thủ trưởng Nguyễn Chuông tôi vẫn thấy sờ sợ thế nào ấy". Rồi ông kể thời kỳ chiến đấu ở Lào, trong một trận đánh, ông phụ trách một đại đội, ông Chuông chỉ huy trận đánh ấy. Vì có tin tình báo nghi ngờ mặt trận bị lọt tin mật, nên các kế hoạch triển khai của ta, địch đều biết. Đánh trận này là nhằm bắt sống cho được tù binh để khai thác làm rõ. Các đơn vị khác triển khai mũi đánh chính diện, còn đại đội ông Hoắc được bố trí đón địch rút chạy trong một hẻm núi. Quân ta đánh mạnh, địch vỡ trận liền tháo chạy. Khi giáp mặt đội quân mai phục của ông Hoắc, đường cùng chúng chống trả quyết liệt.

Mấy chiến sĩ của ta hy sinh, thấy vậy ông Hoắc quên khuấy lời dặn của chỉ huy là phải bắt sống địch, ông đã ra lệnh tiêu diệt chúng. Sau trận đánh, giữa trận địa còn vương mùi thuốc súng, ông Chuông chống gậy lên tìm ông Hoắc, hỏi tù binh đâu? Ông Hoắc luống cuống đáp: "Dạ, diệt hết rồi ạ". Ông Chuông giận dữ, không nói không rằng, liền thẳng tay cho ông Hoắc một cái tát… Cái tát ngày ấy còn khiến ông Hoắc sợ đến bây giờ.

Hiện ông Hoắc vào sinh sống ở Đà Nẵng, nhưng mỗi bận ra Hà Nội thăm con cháu, hay có việc là mấy anh em lại gặp nhau. Trong các buổi gặp không thể thiếu nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Số ông Hoắc lận đận đường vợ con. Cả mấy bà vợ trước của ông ngoài này tôi đều biết, nhưng đều lần lượt chia tay. Cách đây mấy năm, ông ra Hà Nội đi cùng một phụ nữ, ông giới thiệu với tôi: "Chị mày đấy, nhà ở ngay bên tường Thành Nội nhé". Thì ra giờ ông lại đi thêm bước nữa với một chị người Huế.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu giờ đã nghỉ hưu ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, các con ông đều đã trưởng thành, nhưng công việc sáng tác của ông vẫn không hề ngơi nghỉ. Ông vẫn tham gia công việc biên tập thơ ở Báo Văn nghệ và Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn. Thỉnh thoảng, theo yêu cầu ông vẫn đi giảng bài ở các lớp, trại tập huấn sáng tác. Niềm đam mê với nghề đã cho ông sức khỏe để ông tiếp tục đi, tiếp tục viết

Hà Văn Thể
.
.