Danh ca Khánh Ly: Đến tuổi này tôi chỉ cần được bình an

Thứ Sáu, 07/02/2020, 08:08
Với bà, được trở về Việt Nam, hát cùng các nghệ sĩ trẻ là một niềm hạnh phúc. Trong cuộc trò chuyện đầu năm, bà gọi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là "ông Sơn", một người gần gũi, yêu thương mà bà luôn trân trọng, mang ơn cả cuộc đời.


- Gần đây, bà về Việt Nam rất nhiều. Hát với các bạn trẻ, bà có bị áp lực không?

+ Tôi có niềm vui là khi về Việt Nam được hát với những người trẻ. Lúc đầu tôi cũng sợ vì không biết mình làm được không. Tôi may mắn hát với Hồng Nhung, Quang Dũng và gần như ai cũng dành cho tôi những điều đặc biệt, chăm sóc tận tình, thành ra hát với những người giỏi hơn mình đỡ lo. Họ khiến mình trẻ lại. Đó là lý do mình không nên chơi với người già cả.

Đi với người trẻ mình học hỏi được rất nhiều điều. Tôi tin những người như Hồng Nhung, Quang Dũng, Trần Thu Hà, Mỹ Linh… là những người tử tế, những người có lòng yêu nhạc, yêu những người nhạc sĩ.

Có những người chỉ yêu bài hát vì bài hát mang đến cho họ tiền bạc và tên tuổi, họ không để ý tới người nhạc sĩ. Còn các nghệ sĩ tôi nói đến họ rất kính trọng những người nhạc sĩ. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ, giới ca sĩ có nhiều người có trái tim, họ yêu quý mình, đó hạnh phúc của người già, người già rất cô đơn nếu không nhận được tình yêu thương từ bạn bè.

Ca sỹ Khánh Ly hiện tại.

- Bà có cảm giác mình đã lạc thời, đã thuộc về một thế giới khác?

+Từ khi qua Mỹ, hơn 40 năm, chỉ 10 bài hát của ông Sơn tôi nuôi được mình, nuôi được con, có gia đình, nhà cửa đàng hoàng. Tôi đi hát "Hạ trắng", "Biển nhớ", "Như cánh vạc bay", "Diễm xưa"… Bây giờ mình thay đổi như thế nào? Mặc váy à? Như thế cũng không được. Hay hát như Trần Thu Hà, Tùng Dương? Làm sao địch nổi họ. Nên thôi, cái gì của mình thì mình giữ, nhưng tôi tin một điều là khi người ta yêu mình như thế nào và chấp nhận mình ngày trở về như thế thì đừng thay đổi nữa. Đôi khi thay đổi chỉ dở đi thôi, không hay hơn đâu.

- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bao giờ chia sẻ với bà về những "bóng hồng" trong âm nhạc của ông?

+ Trong cuộc điện thoại đầu tiên từ Việt Nam sang Mỹ sau nhiều năm xa cách, ông Sơn có nhắc tới Hồng Nhung. Ônh Sơn bảo: "Anh có một cô bé hát nhạc của anh hay lắm, giống Mai lắm". Tôi thấy mừng thực sự và không hề ghen tị vì tôi đâu có gần ông Sơn nữa đâu, phải có người nào đó hát bài của ông như ngày xưa tôi vẫn hát để những tác phẩm của ông được mọi người biết đến. Và quan trọng nhất là ông ấy sẽ vui.

Người ta không vui thì mau già, mau chết. Nhưng người ta yêu đời, vui thì cái gì cũng trở nên tốt đẹp. Cho nên khi ông Sơn kể chuyện vậy, tôi chỉ lắng nghe để ông nói. Tôi không biết giống như thế nào, cái gì giống, tiếng hát hay gương mặt giống? Nhưng khi nhìn hình của Hồng Nhung, tôi biết tại sao. Bởi vì hồi nhỏ tôi cũng cắt tóc ngắn, cũng ngổ ngáo, tính như đàn ông nên không ai mê.

Ông Sơn lúc nào cũng vui, không bao giờ có ý chê trách cả. Tôi hát lỡ sai một nốt ông cũng không la. Không bao giờ ông nói: "Mai phải thế này? Em phải thế kia". Cho nên khi nghe ông nói về Hồng Nhung tôi biết ông ấy đã tìm được niềm vui và tôi thầm cảm ơn người đã mang niềm vui đến cho ông Sơn. Bởi ông Sơn có ơn lớn với tôi, ông đã cho tôi cả đời sống vật chất chứ không chỉ là tinh thần.

-Vậy có điều gì "bí mật" giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn mà bà chưa từng kể?

+ Người ta nói không bao giờ có tình bạn giữa người đàn ông với người đàn bà, điều đó cũng đúng. Khó lắm. Nhưng tình yêu nếu có, nếu giữ kín cho riêng mình thì lúc nào cũng đẹp. Nói ra sẽ không còn đẹp nữa. "Khi mới yêu nhau, anh nói Trời, em nói Đất, nhưng khi xa nhau em hỏi Trời, em hỏi Đất thì mới biết anh yêu em nhường nào".

Một thi sĩ đã viết như thế. Còn với ông Trịnh Công Sơn, hỏi tôi có yêu ông không? Có yêu chứ, nói không yêu là không có lý đâu là bởi với một người tài hoa, đẹp trai, nho nhã, dáng cao gầy, cặp mắt kính, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, răng khểnh, tóc bồng bềnh như thế, không có lý do gì để không yêu.… Nhưng tôi biết một điều ông Sơn không phải của mình đâu.

- Có bao giờ bà "ghen" với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi quanh ông luôn có những bóng hồng?

+ Yêu nhau đến độ ghen là đã gần gũi lắm rồi. Sự ghen đó hơi tầm thường một chút. Là bởi vì khi người ta yêu nhau, họ trân trọng nhau lắm, muốn những điều tốt đẹp cho người mình yêu, đứng xa nhìn thấy tình yêu đầy ắp. Ông Sơn mất khi 60 tuổi thì 1000 năm sau tôi vẫn thấy ông Sơn như vậy, không thấy ông ấy già và tình yêu cũng vậy.

Có thể ông Sơn cũng yêu tôi nhưng không nói được. Nhưng ông Sơn yêu nhiều người lắm. Có thể ông yêu Hồng Nhung, Hồng Nhung trẻ đẹp như vậy, không yêu là dại nên phải yêu thôi. Nhưng yêu là yêu thôi. Tình yêu có nhiều cách lắm chứ không phải yêu là vồ vập vào nhau đâu. Anh cứ ngồi yên đó, để em yêu anh. Tôi thích tình yêu như vậy.

- Âm nhạc của Trịnh Công Sơn viết cho từng đối tượng, từng thời kỳ, ví dụ như "Đóa hoa vô thường" sau này ông viết tặng Hồng Nhung... Khi hát những tác phẩm đó bà có sự liên hệ với tác phẩm của thời kỳ trước? Tâm thế của bà khi hát nhạc phẩm của Trịnh thời kỳ sau như thế nào?

+ Những bài hát của ông Sơn, đừng nghĩ ông viết riêng cho một mình ai, ông ấy viết cho tất cả những người đẹp mà ông gặp trong cuộc đời. Trong những tác phẩm của Trịnh Công Sơn, dù trước đó hay sau này đều rất đẹp, đó là những buổi chiều có nắng vàng, lá rơi, những bước chân trần đi qua suối... Ông ấy viết cho tất cả mọi người.

Ca sỹ Khánh Ly và cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. (Ảnh tư liệu)

Tôi cảm xúc khi hát vì thấy mình trong đó. Ông viết những bài như "Vườn xưa", có nỗi buồn nhưng nỗi buồn trong những tác phẩm của ông không khiến mình tuyệt vọng. Ông Sơn viết: "Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng"... Thực sự khi tôi buồn, bài hát như người bạn của mình vậy, mình hát 1.000 lần thì đều khác nhau, không thể giống được. Tuỳ cảm xúc của mình lúc đó, thời điểm đó.

- Nhìn lại cuộc đời mình, bà thấy nhiều nỗi buồn hay niềm vui hơn?

+ Thật ra trong cuộc đời tôi thấy không có ai toàn vẹn, không có ai vuông tròn cả. Ai cũng có nỗi niềm riêng nhưng mình chấp nhận vì nếu hiểu được đó là cuộc đời, cuộc đời phải như thế, phải lên thác xuống ghềnh, gian nan vất vả, chảy nước mắt mới là cuộc đời. Có thể tại tôi trải qua những điều đó rồi, nhờ những điều đó tôi vượt lên được, đạt được những thứ như bây giờ nên nói vậy hay không? Nhiều người khác không chịu đựng được thì sao?

Tôi thấy người đàn bà Việt Nam giờ họ chịu đựng nhiều lắm, không than thở, trách móc. Tôi luôn tự nhủ rằng mình được nhiều hơn mất, đó là cách để tự an ủi mình thôi. Thế nên mình sẽ sống bình an. Đến một độ tuổi nào đó mình không cần tiền, không cần đẹp nữa, mình chỉ cần bình an thôi. Để không phiền phức tới ai, không phiền con cái, bạn bè.

- Bà có tin vào số phận?

+ Một cuộc đời như tôi là được quá nhiều rồi đó chứ. Có người ở tuổi tôi bây giờ muốn ngồi đây với bạn cũng không được. Tôi sung sướng, hãnh diện lắm khi tầm tuổi tôi vẫn được gặp gỡ mọi người, vẫn được hát... Với tôi, đó là hạnh phúc, may mắn.

- Các con bà có theo nghiệp ca sĩ của mẹ?

+ Nghề này bạc bẽo lắm, có lúc được trọng vọng, có lúc lại bị quên lãng một cách tàn nhẫn. Tôi nghĩ tôi may mắn nhiều quá, sợ là con mình sẽ gặp trắc trở và mình không còn sức bảo vệ, giúp đỡ con nữa. Đưa con vào nghề này nhưng không đến đầu đến đũa sẽ làm tội con. Nghề này khắc nghiệt lắm, hoặc phải thực sự nổi tiếng, hoặc hát chơi, không cần danh không cần tiền, chỉ rong chơi thôi. Nổi tiếng thực sự cũng phải trả giá đắt lắm. Trải qua rất nhiều chuyện, đến lúc này tôi cảm nhận mọi thứ rất nhẹ nhàng, chuyện sinh tử cũng là quy luật, những mất mát không thể lấy lại, phải nghĩ nhẹ nhàng để tâm bình an mà sống tiếp cuộc đời.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của bà.

Phan Chi (thực hiện)
.
.