Khánh Ly – Tùng Dương: Hai thế hệ hát nhạc Trịnh

Thứ Năm, 09/05/2019, 08:19
Ở tuổi 75, Khánh Ly không nhớ mình đã đứng trên sân khấu bao nhiêu lần, nhưng với bà, hát ở Hà Nội vẫn là cảm xúc tuyệt vời nhất. Hà Nội chính là nơi bà sinh ra, là quê cha của Khánh Ly. Chính vì thế, 3 đêm diễn tưởng niệm Trịnh Công Sơn mang tên “Người về bỗng nhớ” từ Bắc đến Nam, bà diễn ở Hà Nội đầu tiên, hai đêm mùng 4 và mùng 5 tháng 5 này. Tham gia đêm nhạc còn có ca sĩ Tùng Dương và nhạc sĩ Saxsophone Trần Mạnh Tuấn.


Trong buổi gặp gỡ báo chí trước show diễn, Khánh Ly đã chia sẻ rất nhiều. Bà dường như không có gì để ngại ngần, không có gì để né tránh trước mọi câu hỏi. Đối với bà, sống đến tuổi này, vẫn được hát trên sân khấu, được công chúng yêu mến là quá “lãi” rồi. Xung quanh “nữ hoàng chân đất” có rất nhiều lời đồn đại, bà nhẩn nha lý giải tất cả, với một thái độ bình tĩnh.

Khi phóng viên hỏi về tin đồn nhiều nhà tổ chức không mời được Khánh Ly biểu diễn trong các đêm nhạc vì bà đòi cát-xê cao quá, bà bảo, nhiều năm nay bà vẫn đi về giữa Mỹ và Việt Nam, tham gia các đêm nhạc. Phần lớn số tiền có được bà đều dành để giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi, giúp người khốn khó, xây chùa, xây nhà thờ.

Bà muốn nhường lời cho người đại diện của mình, ca sĩ Quang Thành giải thích một lần để khán giả hiểu rõ câu chuyện:  “Cô Khánh Ly nhận được rất nhiều lời mời đi hát, nhưng thực tế là có nhiều nơi “đánh tiếng” mời xong rồi lại không liên hệ lại. Sau đó, tôi được biết rằng họ nghe nói cô đòi cát-xê cao nên thôi. Nhưng tôi khẳng định rằng chưa bao giờ cô Khánh Ly đặt ra một con số.

Khánh Ly không đặt nặng vấn đề tiền bạc, nhưng không có nghĩa là bà không cần tiền, bởi cùng với việc thiện nguyện thì còn phải tính toán sao để có kinh phí cho các nghệ sĩ khách mời, rồi làm sao để Khánh Ly lên sân khấu được chỉn chu nữa, thì việc có cát-xê cho bà là đương nhiên. Tôi cảm thấy không vui là có những nhà tổ chức mời ca sĩ Khánh Ly rồi dùng tên cô để đi kêu gọi tài trợ, nhưng sau đó lại bỏ bẵng không gọi lại và đưa ra lý do không đủ kinh phí để mời danh ca”.

Ca sĩ Khánh Ly và Tùng Dương tại buổi họp báo giới thiệu live show “Người về bỗng nhớ”.

Sau 19 năm Trịnh Công Sơn ra đi, lần đầu tiên Khánh Ly chia sẻ câu chuyện vì sao mình không về nước, có mặt trong đám tang của người nhạc sĩ tài hoa. “Khi ấy tôi đã đặt vé máy bay về đưa tiễn ông Sơn, nhưng phút chót tôi lại hủy vé không về. Tôi không về vì nhiều lẽ lắm, sẽ có nhiều người đến dự tang lễ chỉ để xem mặt tôi thế nào, sau mấy chục năm trông ra sao. Nếu cảnh đó xảy ra, tôi tin rằng gia đình nhạc sĩ cũng sẽ cảm thấy phiền lòng không đáng có.

Trong khi những gì hào quang, tinh túy nhất phải là dành cho ông, không phải cho tôi. Bởi suy cho cùng, tôi chỉ là cái bóng nhỏ nhoi, còn ông là cây to phủ bóng khắp nơi. Nếu sự có mặt của mình chỉ gây thêm sự rộn ràng trong một cuộc tiễn đưa cần đến sự trang trọng, thì thực sự không nên.

Ông Trịnh Công Sơn và tôi có một tình yêu thương lẫn nhau, theo nhau từ lúc tóc còn xanh cho tới khi tóc bạc, từ tuổi trẻ đến khi qua đời. Tôi được gia đình ông Sơn từ lâu rồi xem như thành viên trong gia đình.Vì tất cả những gì ông Trịnh Công Sơn làm và cho tôi nhiều hơn tất cả những gì tôi mong đợi trong cuộc sống này nên tôi không có điều gì phải đòi hỏi, thắc mắc hay than thở nữa”.

Trải lòng về đêm nhạc sắp tới “Người về bỗng nhớ”, Khánh Ly  bảo: “Các bạn đến với tôi ngày hôm nay không phải tôi đẹp hơn như tuổi hai mươi, cũng không phải vì giọng hát tôi còn như thuở thanh xuân, mà vì những năm tháng cách xa, tôi đã trở thành kỷ niệm. Tôi về giữa mọi người vì luôn nhớ một người. Tôi sẽ rất hạnh phúc được gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những khoảnh khắc quý giá trên sân khấu quê nhà cùng các bạn tôi – hãy cùng tôi đi trọn vòng tay nhân ái”.

Những chuyến đi diễn của Khánh Ly giờ đây bao giờ cũng kèm theo công việc thiện nguyện. Bà muốn mang chút tình cảm, tấm lòng của mình đến với mọi người. Bà nói, ở tuổi gần đất xa trời, bà không còn muốn đến những nơi phồn hoa, thích những gì yên tĩnh, vắng vẻ. Đi hát cũng vậy, chỉ những nơi cảm thấy thực sự khán giả cần mình.

Ở Mỹ, thay  thay vì biểu diễn ở các thành phố có đông cộng đồng người Việt sinh sống, Khánh Ly lại thích tìm đến những nơi có ít người Việt sinh sống để hát cho họ nghe, có những nơi chỉ vài chục gia đình. Bà nghĩ đơn giản, ở những nơi này, người ta có lẽ cô đơn nên cần mình, còn những nơi đông đúc sầm uất, họ chắc có nhiều sự lựa chọn, nhiều loại âm nhạc để nghe.

Khánh Ly là một người giàu trải nghiệm và hài hước. Bà có cách nói chuyện hấp dẫn mọi người, ở chỗ luôn xem nhẹ mọi vấn đề. Bà làm khán phòng cười ồ khi nói về tuổi già, cái chết. Chẳng hạn như, thỉnh thoảng bà hay đứng trước gương và giật mình thảng thốt: “Thôi chết, mình đã gần 80 tuổi rồi cơ à”. Rồi bà lại trộm nghĩ, có ai tránh được tuổi già hay cái chết đâu, có sợ cũng chẳng tránh được, thế nên không việc gì phải sợ.

Từ suy nghĩ ấy, bà cảm thấy sống thêm một giờ cũng vui. Thậm chí bà còn chuẩn bị sẵn chuyện hậu sự cho mình sau khi nhắm mắt xuôi tay. Khánh Ly kể, bà dặn các con sau khi mình mất hãy hỏa thiêu chứ đừng chôn cất, lý do vì hỏa thiêu chỉ tốn khoảng 10.000 USD, trong khi nếu chôn cất thì còn nhiều chi phí khác vô cùng tốn kém. Vả lại, như lời nói vui của nữ danh ca nhạc Trịnh thì nếu chôn cất bà ở Mỹ (nơi bà và gia đình định cư - PV), xung quanh toàn người nước ngoài, ngộ nhỡ thác đi muốn nói chuyện với ai cũng khó vì… bất đồng ngôn ngữ.

Đêm nhạc “Người về bỗng nhớ” sẽ diễn ra tại Quảng Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, Khánh Ly biểu diễn với Tùng Dương, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ở TP. Hồ Chí Minh, Khánh Ly biểu diễn với ca sĩ Paolo và ca sĩ Quang Thành. Đây là chuỗi hoạt động kỷ niệm 19 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tôi biết Tùng Dương lâu rồi. Tôi biết cậu ấy nổi tiếng lắm. Cách đây khoảng 2 tháng, tôi vào Facebook của con gái thấy con post bài “Quê nhà” của Trần Tiến do Tùng Dương hát, tôi xúc động và nghe đi, nghe lại. Tôi ít nghe ai hát, vì rất bận, nhưng với Dương thì khác, tôi nghe xong tự nghĩ bụng: Sao lại có thằng bé nào hát hay như vậy? Với tôi, Tùng Dương còn nhỏ lắm, nhưng tôi lại yêu cậu ấy.

Tôi tin rằng, Tùng Dương có trái tim nhân hậu, một người có trái tim đẹp thì mới hát hay đến thế. Tôi là người bị chê nhiều nhất khi hát với Chế Linh, Thanh Tuyền, Bằng Kiều... tôi bị ném đá rất nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn hát với Tùng Dương vì tôi yêu những người cùng sân khấu, người cùng được gọi là ca sĩ. Tôi tin rằng, sự kết hợp này sẽ rất thú vị và đặc biệt. Khi hát cùng với tôi, tôi tin rằng Tùng Dương đã phải hạ giọng xuống rất nhiều để nâng tôi lên. Tôi biết ơn những người trẻ như Dương, đã cho tôi được sống những giây phút hạnh phúc trên sân khấu để trả mọi người một món nợ mà tôi chắc không ai thèm đòi cả- món nợ ân tình.

Về việc các ca sĩ sau tôi hát nhạc Trịnh thì tôi nghĩ thế này, mỗi người có một cá tính riêng nên sẽ có cách thể hiện nhạc Trịnh khác nhau. Có người được công chúng ghi nhận nhưng cũng có người chưa thành công. Tôi nghĩ rằng, chỉ cần người hát đặt cái tâm của mình vào đó để tôn vinh các tác phẩm của Trịnh Công Sơn thì đều đáng được ghi nhận.

Ca sĩ Khánh Ly

Thật ra đây không phải lần đầu tiên tôi được mời hát nhạc Trịnh. Tôi đã hát đều đặn thường niên những chương trình gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mời nhân ngày giỗ của ông. Nhưng năm nay, ở show diễn này, tôi hát các ca khúc nhạc Trịnh nhiều hơn, lên đến hơn 10 bài. Tôi và cô Khánh Ly, mỗi người hát với một tâm thế khác nhau. Một người từ xa trở về quê hương, còn một người đang sống ở nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên, chứng kiến những thăng trầm, những thay đổi ở đây, so với một người đi rất lâu mới trở về.

Nhưng tôi nghĩ, chúng tôi luôn mang những dư vị, những cảm nhận đặc biệt nhất của chính mình. Tôi không thể hát với một tâm thế của một người có quá nhiều trải nghiệm với nhạc Trịnh, quá nhiều sự kết nối trực tiếp ở thời điểm lịch sử như của ông và cô Khánh Ly. Tôi sẽ hát với tâm thế con người của ngày hôm nay, của thời đại người nghệ sĩ, đương nhiên có chút phá cách.

Màu sắc trong âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi tôi hát sẽ vẫn giữ nguyên như vậy, vẫn đầy chất thơ, đầy chất văn. Cô Khánh Ly hay bất cứ nghệ sĩ nào khác cùng thời điểm mà được gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì đương nhiên sẽ hiểu nhạc sĩ hơn rất nhiều, vì họ được trò chuyện, thậm chí cô Khánh Ly còn là bóng hồng cũng như là người đã song hành, người có mối lương duyên tri kỷ trong âm nhạc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi cũng sẽ không hát theo lối mà các đàn anh, đàn chị đi trước đã hát về nhạc Trịnh. Tôi hát với sự khác biệt của riêng tôi.

Trong đêm nhạc Trịnh lần này, tôi sẽ mang những kỉ niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với cách nhìn nhận của mình. Còn chuyện lép vế hay không tôi không quan trọng. Có thể là tôi làm nền cho cô Khánh Ly cũng được, tôi nghĩ đó là điều rất đáng trân trọng.

Khi được cất tiếng hát trong không gian âm nhạc đặc biệt đó, tôi cảm thấy hạnh phúc, bởi mình đã góp phần tôn vinh, lưu giữ và tiếp quản những giá trị trong âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giống như những đồng nghiệp khác, tôi hát với một tâm thế kính trọng và ngưỡng vọng người nghệ sĩ đi trước.

Ca sĩ Tùng Dương
Hội Quân
.
.