Chuyện tình cổ tích của quái kiệt đánh đàn bằng răng
- “Quái kiệt guitar” Nguyễn Thế Vinh ra mắt tự truyện
- Quái kiệt sân khấu Sài Gòn
- “Quái kiệt” Lê Đình Quỳ với “Mật mã vũ trụ”
- Quái kiệt khiếm thị ở làng cát
"Quái kiệt" đánh đàn bằng răng Đoàn Dự bị sốt năm lên 6 tuổi, đôi chân teo tóp. Mặc cảm khiến ông thu mình vào thế giới của âm nhạc, của cây đàn. Khi những rung động đầu đời ghé thăm cũng là lúc ông nhốt chặt trái tim trong muôn vàn khổ lụy vì đôi chân tật nguyền.
Tuổi đôi mươi, Đoàn Dự ôm guitar gảy vụng về tình tang. Có nàng hàng xóm nhà bên thường hay sang ngồi nghe ông đàn. Nàng 17 tuổi, thơ ngây. Nàng hát trong đoàn ca nhạc nên cũng có chút ít kiến thức về âm nhạc. Mỗi lần sắp tập tiết mục mới, nàng lại sang nhờ Đoàn Dự đánh đàn để nàng ca. Cứ thế, "anh đánh đàn, em thì làm ca sĩ".
"Đó chính là người con gái khuyên tôi đi học đàn bài bản, thôi thúc tôi bước vào con đường nghệ thuật. Hằng ngày, cổ vẫn sang chơi, tôi đàn cổ hát. Mỗi lần ngắm cổ ca, tim tôi run lên nhảy nhót, điệu đàn đưa nhau bay bổng. Đôi lần tim tôi muốn vỡ ra, tôi muốn nói hết lòng mình với cổ nhưng nhìn xuống đôi chân mình… Lại thôi. Tôi biết cổ thương tôi, nhưng chờ hoài không thấy tôi ngỏ lời. Có lẽ vậy mà những buổi cổ sang nhà thưa dần".
Đoàn Dự buồn, đàn cũng buồn, tiếng thê thiết, u uẩn. Một tháng trời đằng đẵng, nàng bước sang nhà ông với ánh mắt buồn rười rượi. Thiệp hồng ngập ngừng trên tay. Nàng chỉ kịp đặt thiệp ngay dưới chân ông rồi chạy nhanh ra cửa. Ông nghe tiếng nức nở vẳng theo mái tóc thề.
Nghệ sĩ Đoàn Dự được mệnh danh là "quái kiệt" chơi đàn bằng răng. |
Ngày xác pháo hồng nhà bên đậu lại dưới chân mình, nước mắt ông ứa ra, lòng như dao cắt... Ông chỉ mơ hồ biết nàng bỏ nội thành về làm dâu ở Củ Chi hay Hóc Môn gì đó. Rồi chẳng biết có phải phận má hồng đa truân, mà chỉ mấy năm sau, tin nàng chết đột ngột bay về làm Đoàn Dự khụy ngã.
Có lần ngồi với tôi, ông ngậm ngùi bảo rằng: "Nhiều khi mới chớm yêu, tôi đã phải vội dập tắt. Vì lấy người ta về, người ta cũng khổ vì mình". Thế mà một bóng hồng đã vượt qua mọi lời chê bai, khích bác của các chàng cảnh sát, hải quân… điển trai trồng cây si trước cửa nhà mình để táo bạo ngỏ lời yêu với chàng Dự tàn tật. Đó là bà Lê Thị Thanh, ngày ấy là cô thiếu nữ miền Tây xinh đẹp, khéo ăn khéo nói nhất trong đám thợ hớt tóc. Nhiều anh chàng đến tiệm Huỳnh Hoa (quận 4), được Thanh cắt tóc một lần là mê cô như điếu đổ.
Trong căn nhà cấp 4 ngổn ngang đồ đạc cũ kỹ trên đường Pasteur (quận 1, TP Hồ Chí Minh), ngồi xoa bóp chân cho chồng, bà Lê Thị Thanh kể: "Hồi đó, ổng dạy đàn cho con của bà chủ chỗ tôi làm thợ hớt tóc. Sáng thấy ổng đi xe lăn thui thủi đến, chiều thui thủi về cũng thấy tội. Mấy anh con trai tán tỉnh tôi, nhìn họ có vẻ hào hoa, phong nhã vậy chứ hở tí là nói tục chửi thề. Cho nên tôi thương anh chàng dạy đàn tật nguyền hiền lành, ít nói này khi nào không biết".
Có lần, ông dạy đàn về muộn, mệt nhọc quay bánh xe lăn. Bà thấy thương quá bèn ngỏ ý đẩy xe giúp ông về nhà. Nhiều bận như vậy, trò chuyện với ông, bà biết trong tâm hồn người nhạc sĩ tật nguyền này ẩn chứa một nỗi buồn nặng trĩu.
Từ đó, trên đường về, bà trở thành người bạn tâm tình với ông. Một hôm, bà bạo miệng hỏi: "Anh Dự nè, tôi hỏi thiệt nghe". "Có gì Thanh cứ nói". Bà ấp úng, lí nhí trong cổ họng: "Anh… anh có ưng… ưng… em về làm… vợ anh hông?". Nói xong câu, Thanh cúi gằm mặt, đôi má nóng ran khi ông nhìn mình sững sờ.
Bà cầu hôn ông khi ba mẹ và các chị ruột hết khóc lên khóc xuống rồi đe dọa: "Mày mà lấy thằng Dự là tụi tao từ mặt!". Nỗi mặc cảm cố hữu trong ông trỗi dậy. Nhưng tình yêu mãnh liệt của bà Thanh đã kéo ông ra khỏi nỗi mặc cảm, một phen làm liều.
Ngày cưới, chỉ duy nhất cô em út đại diện họ nhà gái. Không một đồng làm đám cưới, ông bà phải chạy vạy khắp nơi. May nhờ anh em văn nghệ sĩ góp tiền. Bà tủi đến phát khóc. Cưới nhau xong, để vun vén cho tổ ấm nhỏ, ông chạy show với các anh em nghệ sĩ liên tục để trang trải cho cuộc sống vợ chồng son.
Sau đám cưới không lâu, bà Thanh sinh hạ cậu con trai đầu lòng. Có cháu ngoại, lại thấy vợ chồng Đoàn Dự sống hạnh phúc, gia đình bên vợ cũng tạm chấp nhận ông con rể tật nguyền. Sống với nhau đã mấy chục năm trời nhưng ông bà chưa một lần to tiếng với nhau.
Tính ông hiền, lại chịu thương chịu khó bươn trải nuôi vợ, nuôi con, không rượu chè bài bạc nên cuộc sống dù hơi chật vật nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Bà Thanh bảo: "Những người đàn ông khuyết tật thường sống rất tình cảm. Đặc biệt, nếu đó là người nghệ sĩ như chồng tôi". Nghệ sĩ Đoàn Dự rất hiểu vợ mình, những nỗi buồn rất nhỏ bà giấu trong lòng ông cũng tinh tế nhận ra.
Vượt qua sự cấm cản quyết liệt của gia đình, vợ chồng nghệ sĩ khuyết tật Đoàn Dự có được hạnh phúc viên mãn. |
Rồi show biểu diễn cũng trở nên ế ẩm vì độ cạnh tranh khốc liệt. Ông ôm cây đàn ngồi buồn nhìn lá rơi ngoài hiên. Bà Thanh vốn mê tiếng đàn của chồng mình nên một lần ngồi bên ông, bà thủ thỉ: "Hay là anh chơi đàn bằng răng coi người ta có khoái không?". Hai mắt ông sáng rỡ. Vậy là ông hì hục tập đàn bằng răng hàm trên với guitar điện.
Mới được vài bữa, hai hàm răng của ông, nhất là hàm trên ê buốt, đau nhức kinh khủng, mồ hôi ròng ròng. Thêm một thời gian thì chân răng tứa máu. Bà Thanh thấy vậy thương quá, khuyên ông thôi, nhưng ông lắc đầu. Những buổi đánh đàn bằng răng không ngơi nghỉ. Có lúc đang tập, cây guitar điện làm ông giật tung người do hở điện, hàm răng đau đớn như muốn rụng.
Kiên trì cả năm trời, cuối cùng chuyện đánh đàn bằng răng trở thành tài nghệ lạ lùng mà chỉ ông mới có. Tài nghệ ấy đã được Sách Kỷ lục Guinness Việt Nam xác lập kỷ lục "Nghệ sĩ khuyết tật chơi đàn guitar bằng răng duy nhất tại Việt Nam" năm 2009.
Khi Đoàn Dự bắt đầu nổi tiếng, những bức thư tình của khán giả ái mộ ào ạt gửi về. Đọc xong bức thư nào ông đưa bức thư đó cho… vợ xem. Vợ đốt, xé hay làm gì với bức thư đó thì tùy. Bà Thanh xem xong, gấp lại ngay ngắn, cất cẩn thận, coi như đó là tấm lòng ái mộ của công chúng dành cho chồng mình. Bà cũng chẳng ghen, vì ông có làm gì đâu mà bà ghen. Có bận ông bị khán giả nữ đến tận nhà tìm, ông trốn êm.
Với những bức thư tình mùi mẫn kia, nhạc sĩ Đoàn Dự cũng không viết thư hồi đáp vì "giờ tôi chỉ có mỗi mình vợ thôi". Ấm ức vì chờ hoài không thấy thư của "thần tượng", nhiều nữ khán giả gửi liền tù tì mấy bức để … "chửi" ông vì tội "chảnh". Thấy ông im ỉm hoài, họ cũng thôi.
Nhưng có người đàn bà quý phái, giàu sang nọ, vì ấm ức quá thể khi bao nhiêu ruột gan mình dồn hết trong thư mà không được hồi đáp, đã lặn lội từ miền Tây lên Sài thành đòi gặp cho bằng được nghệ sĩ Đoàn Dự. Xui cho bà, hôm đó Đoàn Dự lại đi vắng, chỉ có bà Thanh ở nhà. Người đàn bà nọ lục túi xách rồi dúi vào tay bà Thanh vật gì đó mát lạnh.
Bà Thanh tái mặt khi đó là hai cây vàng. Với ngôi nhà tồi tàn của vợ chồng bà khi đó, hai cây vàng là cả một gia tài mà nằm mơ ông bà cũng không dám mơ tới. Người đàn bà nọ nắm tay bà Thanh sụt sùi, van lơn: "Chị nhường ảnh lại cho em, số vàng này coi như số vốn chị làm ăn. Rồi tụi em về lại Bạc Liêu, lâu lâu chị nhớ ảnh thì chị về thăm". Đặt lại hai cây vàng vào tay bà kia, lời bà Thanh nhẹ tênh: "Chị giữ lại vàng đi. Còn việc đó tùy vào chồng tôi. Ổng muốn sao tôi nghe vậy".
Ngồi nhớ lại kỷ niệm đó, nghệ sĩ Đoàn Dự tâm sự: "Tôi đã bị ông trời đối xử bạc bẽo, không dám yêu ai, luôn tự ti mặc cảm. Khó khăn lắm, tôi mới có được hạnh phúc, có được người vợ yêu thương mình hết lòng và ba đứa con ngoan như vậy, tôi còn đòi gì hơn nữa. Nên dù bị người đàn bà kia hậm hực chửi rủa khi bỏ ra khỏi nhà, tôi cũng vui. Nghĩa phu thê nó lớn lắm, ba sinh mới gặp được nhau".