Quái kiệt sân khấu Sài Gòn

Thứ Hai, 01/05/2017, 08:28
Trong làng kịch nghệ Việt Nam, nếu nhắc đến Thành Lộc có lẽ hầu hết giới mộ điệu đều biết. Thậm chí, có người chưa từng xem bất kỳ vai diễn nào của Thành Lộc trên sân khấu vẫn biết mặt, biết tên Thành Lộc một cách rõ ràng.


Không phải Thành Lộc sử dụng tuyệt chiêu PR gì, mà vì Thành Lộc đều đặn chiếm lĩnh sàn diễn suốt thập niên cuối cùng của thế kỷ XX và thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, trong bối cảnh bộ môn kịch nói càng ngày càng thiếu vắng ngôi sao.

Dư luận mải mê xưng tụng Thành Lộc bằng những ngôn từ mãnh liệt như “phù thủy” hoặc “quái kiệt” một cách không cần e dè, bởi theo phương pháp “so bó đũa lấy cột cờ” thì Thành Lộc vẫn là một gương mặt đáng để chọn lựa khi nói đến thành bại của nghệ sĩ bôn ba tồn tại giữa kinh tế thị trường để giữ nghề, giữ nghiệp!

Sở dĩ phải ca ngợi khả năng thích ứng của Thành Lộc với kinh tế thị trường, vì từ thập niên 80 của thế kỷ trước, lúc người người đều xem việc đứng trong biên chế như một sự an toàn tuyệt đối và như một niềm kiêu hãnh rạng ngời, thì Thành Lộc tự nguyện viết đơn xin làm nghệ sĩ tự do. Chuyện này từng gây xôn xao, kẻ giải thích do nguyên nhân nọ, kẻ khẳng định nguyên nhân kia.

Thế nhưng, những người cùng nhiệm sở đều cho rằng, đó là một hành động dũng cảm của Thành Lộc, bởi anh dùng chính “sổ gạo” của mình để phản đối một vị quan chức ngành văn hóa đã có cư xử kém tử tế với những nhân viên hậu đài. Hãy nhớ, những năm ấy đời sống nghệ thuật không sôi động như bây giờ, muốn sống được bằng lao động nghệ thuật không đơn giản.

Thái độ ngạo nghễ của Thành Lộc cũng khiến không ít người ái ngại, và cũng không ít người ngứa mắt bình luận “chỉ giỏi cậy cái bóng cha”! Đúng, Thành Lộc sinh ra trong một gia đình nghệ thuật vào hàng danh giá của Sài Gòn.

Người cha của Thành Lộc - Nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn có thể xem như một ông vua không ngai trong lĩnh vực hát bội, còn anh chị của Thành Lộc như Bạch Lê, Bạch Long đều có vị trí trong giới sân khấu. Tuy nhiên, sự tự tin của Thành Lộc có một chỗ dựa quan trọng hơn, đó là tài năng thiên bẩm. Từ thuở thơ ấu, Thành Lộc đã quen với sàn diễn.

NSƯT Thành Lộc.

Năm 1971, lúc tròn 10 tuổi, Thành Lộc đã được đạo diễn Hà Thúc Cần giao cho một vai trong bộ phim “Đất khổ”. Với tố chất riêng tư cộng với học hành bài bản tại Trường Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Thành Lộc hoàn toàn có quyền chọn một con đường sáng tạo cho bản thân. Vai Chu Xung trong vở kịch “Lôi Vũ” là minh chứng đầu tiên mà Thành Lộc phô diễn ở Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm TP Hồ Chí Minh.

Những năm từ 1990 đến 1996, Thành Lộc tỏa sáng như một gương mặt xuất sắc nhất của kịch nghệ Sài Gòn. Từ vai ông Tư trong vở kịch “Dạ cổ hoài lang” đến vai ông Thiện trong “Ngôi nhà không có đàn ông” cũng đủ để Thành Lộc tự hào về đẳng cấp một diễn viên chuyên nghiệp.

Như một cơ duyên đặc biệt, khi tài năng Thành Lộc chín muồi thì anh lại gặp người đồng chí hướng: ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Gắn bó với nhau chẳng khác gì hình với bóng, Huỳnh Anh Tuấn lo tiền bạc, còn Thành Lộc lo chuyên môn, cùng dựng lên sân khấu IDECAF lẫy lừng. Có thể nói, IDECAF là tụ điểm tư nhân hoạt động hiệu quả nhất trong lĩnh vực kịch nói.

Mô hình xã hội hóa giúp Thành Lộc trở thành một thế lực, mà tất cả các loại ngôi sao to lẫn ngôi sao nhỏ đều phải kiêng dè. Giới sân khấu rất ngại va chạm với Thành Lộc, vì miệng lưỡi của Thành Lộc rất đanh đá và chua ngoa, sẵn sàng đáp trả không khoan nhượng mọi thách thức: “Tôi độc mồm độc miệng nhưng không độc lòng, ác mồm ác miệng nhưng không ác lòng. Lương tâm tôi trong sạch, không chơi xấu hay ghét ai bao giờ. Tôi ngay thẳng, thấy sao nói vậy. Có lẽ vì thế mà nhiều người không thích tôi. Tôi cũng không biết phải nói đó là ưu hay khuyết điểm của mình nữa”.

Giới truyền thông cũng rất nể trọng Thành Lộc, cứ vở kịch nào liên quan đến Thành Lộc cũng khen nức nở, vở kịch đã xem cũng khen, mà vở kịch chưa xem cũng khen. Bỗng dưng Thành Lộc giống như một loại thiên thần bất khả xâm phạm. Vì sao? Vì các đoàn kịch có ngân sách tài trợ vẫn ngoi ngóp để tồn tại lay lắt, mà sân khấu IDECAF sáng đèn quanh năm.

Nỗ lực ấy, thành tựu ấy, khen cũng phải. Hơn nữa, dù chưa có tác phẩm đỉnh cao, song hầu hết kịch mục IDECAF đều bán vé vèo vèo, lại còn sản xuất thêm chương trình hài kịch “Ngày xửa ngày xưa” phục vụ thiếu nhi khiến phụ huynh rút ví liên tục vẫn không hề kêu than.

Tóm lại, ở IDECAF, Thành Lộc vừa là linh hồn vừa là thương hiệu. Tuy nhiên, khái niệm “anh hùng nhất khoảnh” có đồng nghĩa với tầm vóc nghệ sĩ lớn hay không, lại là chuyện khác!

Khi đã bước qua tuổi tri thiên mệnh, Thành Lộc vẫn biểu diễn mỗi đêm trên sân khấu, trực tiếp phát ra một tín hiệu vừa đáng mừng, vừa đáng lo. Đáng mừng vì ngọn lửa đam mê vẫn hừng hực cháy trong trái tim nghệ sĩ của Thành Lộc. Đáng lo vì Thành Lộc vẫn loay hoay mô hình sân khấu nhỏ, không những không phát huy hết chiều kích của Thành Lộc, mà còn triệt tiêu cơ hội cho những tài năng trẻ.

Khi còn là sinh viên nghệ thuật, Thành Lộc đã có một phản ứng cực kỳ nhanh nhạy và sắc sảo với bậc trưởng thượng, được rất nhiều người nức nở truyền tụng. Chuyện rằng, biết nghệ sĩ Văn Thành muốn trêu chọc, đã đưa chân ra để mình vấp ngã đi qua, Thành Lộc la toáng lên: “Bớ làng nước ơi, lớp già ngáng đường lớp trẻ đây nè!”.

Hình như năm ấy Thành Lộc hai mươi tuổi, hình như năm ấy Văn Thành bốn mươi tuổi. Nếu hôm nay, giai thoại xưa được tái diễn với Thành Lộc thì chắc cũng vui vẻ và lâm ly đấy nhỉ, vì chính Thành Lộc cũng đã kịp nhận ra: “Những lúc ngồi trước gương để hóa trang, tôi thảng thốt vì những vết chân chim, những quầng hiện ngày càng nhiều trên khoé mắt. Tôi thấy mình già và tàn tạ nhanh quá!”.

Thành Lộc sinh ra để đứng trên sân khấu. Ngoài vai trò diễn viên, Thành Lộc cũng từng đạo diễn các vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi”, “Những con ma nhà hát”, “Trắng xanh vàng đỏ”, “Ngôi nhà anh túc”, “Ngàn năm tình sử”… Thành Lộc quen thuộc sàn diễn đến mức khi đóng phim hay khi làm MC hoặc khi làm giám khảo “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” đều thấm đẫm tính chất kịch trường.

Thử nhìn lại các phim Thành Lộc đã tham gia mà xem. Vai chính trong bộ phim “Dòng sông thơ ấu”, hay vai thứ trong phim “2 trong 1” và cả vai phụ trong phim “Nụ hôn thần chết” đều mang lại cho khán giả một cảm nhận giống nhau về sở thích biến màn ảnh đa diện thành sàn diễn cố định.

Chân thành mà nói, nét mặt hơi điệu đà, dáng bộ hơi phô trương của Thành Lộc rất đắc địa trên sân khấu nhưng kém thuyết phục trước ống kính điện ảnh. Vai diễn trên phim của Thành Lộc, càng cận cảnh càng thấy phú quý giật lùi!

Trong đời sống showbiz khá bát nháo ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, nghệ sĩ chỉ săn đuổi danh lợi hơn tìm kiếm vai diễn, có được một người hết lòng với sân khấu như Thành Lộc không đơn giản. Bất cứ vở diễn nào Thành Lộc cũng đến rất sớm, chuẩn bị cẩn thận từ hóa trang đến sắc phục để xuất hiện trước công chúng. Kết thúc buổi diễn, Thành Lộc thường là người về muộn nhất. Đối với Thành Lộc, sân khấu vẫn còn là thánh đường.

Thành Lộc tôn trọng khán giả bao nhiêu thì ghét những nghệ sĩ hách dịch bấy nhiêu: “Tính tôi không ưa những người nổi tiếng mà chảnh, xem người khác không ra gì. Ai chảnh là tôi sẽ chảnh lại gấp đôi, cho biết thế nào là lễ độ. Nhưng đó cũng chỉ là quan điểm sống quá khứ, cách đây đã nhiều năm rồi. Bây giờ tôi cũng chẳng quan tâm đến điều đó, đời người hữu hạn, sao ta không tìm đến niềm vui an lạc để mà tận hưởng nó, mà lại rước thêm nghiệp vào mình để làm gì? Đối với những ai có cách sống không hòa hợp với mình thì tốt nhất là mình không thân cận, chỉ giữ lại ở mức độ cộng sự thôi, còn tình hình trở nên xấu hơn thì tôi chọn cách… rút lui!”.

Thành Lộc không có ý định lập gia đình. Thành Lộc sống với vai diễn. Thật khó tưởng tượng, nếu không có sân khấu thì Thành Lộc sẽ ra sao. Vậy mà, sau đợt đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đã lâu, Thành Lộc vẫn chưa trở thành Nghệ sĩ nhân dân. Lý do ư? Theo Thành Lộc thì rất nhẹ nhàng những cũng rất xót xa: “Tôi không thích làm đơn để “xin” được phong tặng!”.

Trở ngại thủ tục hành chính là một điều không may mắn cho Thành Lộc. Thế nhưng, cái không may đáng tiếc hơn là tài năng Thành Lộc rực rỡ trong giai đoạn sân khấu co cụm lại trước sự bung phá của các ngành nghệ thuật khác như điện ảnh, ca nhạc hay thời trang.

Tài năng của Thành Lộc hoàn toàn có thể đảm đương những vai diễn lớn có sức tác động sâu rộng vào đời sống xã hội, nhưng kịch bản đâu, kinh phí đâu, nhà hát đâu? Không dễ có nghệ sĩ khác đóng vai “giả gái” xuất sắc như Thành Lộc, ví dụ với vở kịch “12 bà mụ” hoặc vở kịch “Hợp đồng mãnh thú”, nhưng những vai “giả gái” ấy vẫn chênh chao giữa tính giải trí và tính hình tượng.

Sân khấu là thể loại xung kích nhất trong hoạt động văn hóa, nhân vật từ sàn diễn phải được bước vào cuộc sống, tương tác với cuộc sống trong từng cơn nóng lạnh thế thái nhân tình. Trọng Khôi có “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, Hoàng Dũng có “Tôi và chúng ta”, còn Thành Lộc chỉ có “Cậu đồng” thôi! Tiếc cho Thành Lộc cũng là tiếc cho sự phát triển của sân khấu Việt Nam!

Lê Thiếu Nhơn
.
.