92 tuổi vẫn yêu đắm đuối nghệ thuật chèo
- GS. NSND Trần Bảng: Tin có một ngày chèo sẽ hưng thịnh
- Giáo sư - NSND Trần Bảng: Người cha tinh thần của tôi
- GS. NSND Trần Bảng - Đạo diễn Trần Lực: “Vừa là cha con, vừa là đông nghiệp”
Cũng trong năm 2017, NSND Trần Bảng đón 2 tin vui lớn: Vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và vở Chèo "Quan Âm Thị Kính" - vở diễn kinh điển mà ông phục dựng từ những ngày đầu bén duyên với nghệ thuật Chèo được chọn giới thiệu trong chương trình hòa nhạc hòa giải thế giới. Lão nghệ sĩ chia sẻ rằng, đây là những hạnh phúc vô cùng lớn mà nghệ thuật Chèo đã mang về cho ông. Dù rằng, Chèo không phải là bộ môn nghệ thuật ông lựa chọn khi bước chân vào đời.
NSND Trần Bảng sinh năm 1926, ở vùng đất nổi tiếng truyền thống hiếu học - xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương (nay là Hải Phòng). Ông là con của nhà văn Trần Tiêu, cháu của nhà văn Khái Hưng. Từ nhỏ được ăn học trường Tây, sống trong môi trường của các trí thức cấp tiến, đặc biệt là đời sống văn chương mà cha và bác đang theo đuổi nên chưa bao giờ, cậu tú Trần Bảng từng nghĩ mình sẽ gắn bó với nghệ thuật truyền thống như Chèo. Nhưng nhìn lại từng chặng đường đời đã qua, NSND Trần Bảng không thể không thừa nhận, với ông, Chèo như là duyên phận. Một duyên phận đầy ắp những kết thúc có hậu.
Vào khoảng năm 1935 - 1940 của thế kỷ trước, Trần Bảng từng được nhà văn Khái Hưng đưa về sống chung ngay tại tòa soạn báo Ngày Nay - tờ báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nổi tiếng thời bấy giờ. Ảnh hưởng từ người cha và bác, từ nhỏ, ông đã rất thích văn chương. Học trường Pháp, bắt buộc học tiếng Pháp nên ông thông thạo ngoại ngữ này như tiếng mẹ đẻ.
Thế hệ tuổi trẻ của Trần Bảng ngày ấy không có các công cụ tra cứu tiện lợi như "cụ google" hiện nay, sách dịch không có nhiều, muốn tìm hiểu thế giới, không có cách nào khác là phải học ngoại ngữ. Học vì nhu cầu tự thân như thế nên đến nay, ngoài chữ Hán, Nôm, NSND Trần Bảng còn thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức… Trong số sách báo, tư liệu ông được tiếp cận có khá nhiều sách về sân khấu Kịch. Từ chỗ đọc vì tò mò, đọc cho biết, ông dần dành tình yêu cho bộ môn nghệ thuật phương Tây này.
GS.NSND Trần Bảng và con trai, đạo diễn, NSƯT Trần Lực trong ngôi nhà của Trần Gia. |
Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, thanh niên, học sinh bỏ học. Cổ Am quê ông là đất văn chương, yêu thích nghệ thuật. Sẵn có chút vốn liếng kiến thức sân khấu, ông lao vào viết, tổ chức diễn. Tuổi trẻ bồng bột, biết gì làm nấy nên ngoài viết tiểu phẩm, tập hợp các nhóm dàn dựng, theo đoàn đi diễn phục vụ nhân dân khắp các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Nam Định.
Diễn ở đâu dân ở đấy bao bọc. Những đêm ngủ tạm bợ ngoài đình làng lại ăm ắp niềm vui. Khi các tỉnh đều bị Pháp chiếm đóng, đoàn phải kéo nhau lên núi Yên Tử, Quảng Ninh. Nghe tin báo Chính phủ lâm thời đã chuyển hết lên Việt Bắc, ông cùng đoàn đi theo.
Tại Việt Bắc, ông được phân về Đoàn Văn công trung ương. Đây là nơi tập hợp hầu hết những "cánh chim đầu đàn" của trí thức, văn nghệ sĩ thời ấy như nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ… Văn công Trung Ương được phân thành 3 tổ: Kịch, Ca múa và Tuồng, Chèo, trong đó, Tuồng Chèo là tổ chuyên khai thác vốn nghệ thuật cổ truyền. Ông có chút vốn liếng về kịch, được phân công làm tổ phó tổ Kịch, giúp cho nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Thế Lữ. Vì Chính phủ đề cao nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là Chèo nên sáng nào mọi người đều tập trung vào lán trong rừng để học hát.
Những buổi học này dần giúp ông nhận ra, nghệ thuật Chèo như viên ngọc quý của dân tộc. Thời thuộc Pháp, viên ngọc này bị lãng quên. Chèo lại phát triển mạnh ở các vùng nông thôn. Sau trận đói năm Ất Dậu 1945, làng quê tiêu điều, xơ xác cả. Chèo cũng theo đó lụi tàn. Mãi đến cuối kháng chiến chống Pháp, năm 1951, Đảng chủ trương đẩy mạnh khai thác lại văn hóa dân tộc, nghệ thuật Chèo mới được chú ý trở lại.
Cuối năm 1952, đầu 1953, Trung ương có một hội nghị lớn nên gửi 1 kịch bản cho văn công Trung ương dàn dựng biểu diễn, phục vụ đại biểu trong ATK (An toàn khu). Nhà thơ và cũng là nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Thế Lữ làm đạo diễn. Tổ Chèo "thất nghiệp".
Nhờ kiến thức sân khấu cũ và vốn Chèo ít ỏi được học trong những ngày ở đoàn, ông mạnh dạn viết và phối hợp với các nghệ nhân Chèo dàn dựng vở "Chị Trầm". Đây là vở diễn về một nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung. Giáp Tết năm 1953, đoàn vào phục vụ hội nghị Trung ương trong ATK. Đêm phục vụ hội nghị chỉ được diễn 1 vở.
Sau khi xem diễn cả 2 vở, ban tổ chức bất ngờ chọn "Chị Trầm". Buổi diễn được Bác Hồ khen thưởng. Bác còn cho gọi ông vào ăn cơm. Thấy ông còn trẻ lại đi làm về nghệ thuật Chèo, Bác rất quan tâm. Người còn khuyên ông nên gắn bó với nghệ thuật dân tộc và chăm chỉ học nghề từ các nghệ nhân.
Năm 1954, đoàn văn công Trung ương theo Chính phủ trở về Hà Nội, chia ra nhiều nhánh: âm nhạc, kịch, múa. Khi lãnh đạo tính đến đoàn Chèo thì nhân sự không còn ai. Thấy chỉ có Trần Bảng từng dựng vở Chèo được Bác Hồ khen nên "các cụ tóm mình thôi" - NSND Trần Bảng hóm hỉnh kể.
Lão nghệ sĩ còn nhấn mạnh là phải gọi chính xác rằng Trần Bảng bị nghệ thuật Chèo "tóm". Với ông, Chèo là cái duyên mà không thoát được. Hội yêu cầu ông phụ trách đoàn Chèo và Ban Nghiên cứu. Thời điểm ấy, ông vẫn chưa hiểu biết nhiều về Chèo. Nhà văn Hoài Thanh gọi ông lên và khuyên: "Chèo là của quý của dân tộc, cậu cứ làm đi, tôi tin cậu sẽ mê nó và nó sẽ mang lại sự nghiệp cho cậu". Ông vâng dạ nhưng vẫn nghĩ mình sẽ viết văn, viết kịch. Tuy nhiên, nhận việc rồi thì phải làm và làm Chèo phải biết về Chèo nên ông tìm đến các nghệ nhân.
Đang thời chiến, việc đi tìm nghệ nhân không dễ, ông tập hợp mãi mới được vài cụ. Chưa được xem vở Chèo hoàn chỉnh nào, khi biết tin Hà Nội có đoàn Chèo của cụ Nghị, ông đến tìm hiểu nhưng thất vọng vì đoàn còn quá đơn sơ. Ông mở rộng nghiên cứu tài liệu, tìm kiếm nghệ nhân khắp các các tỉnh phía Bắc cho đến tận Nghệ An. Cuối cùng, ông tập hợp được hơn 20 nghệ nhân, trong đó có hơn chục cụ thạo nghề.
Hà Nội ngày ấy tập hợp đông đảo giới trí thức nên sinh hoạt nghệ thuật rất lý thú. Người trong giới đều ít nhiều quen biết, gắn bó với nhau. Ai được giao việc gì là nhận, nghĩ cách xoay sở để hoàn thành, làm đến đâu hay đến đấy. Đoàn Chèo và Ban Nghiên cứu do ông phụ trách cũng thế.
Đầu tiên, mọi người làm các trích đoạn, dần dần đặt vấn đề phục hưng nghệ thuật Chèo. Nhưng, như thế thì người làm nghề không thể bê nguyên sân khấu sân đình vào Nhà hát Lớn. Ngày xưa các cụ diễn, đèn dầu lạc không có, phải đốt đuốc xem, bây giờ đèn điện sáng choang. Ngày xưa phục trang đơn giản, bây giờ quần áo cầu kỳ. Muốn phục hưng, phải đưa Chèo phát triển lên tầm cao mới.
Sau gần 3 năm "khai thác các cụ nghệ nhân" mà không phải lo lắng chuyện kinh phí, năm 1957, nghệ sĩ Trần Bảng đã có đủ điều kiện để phục hồi vở diễn "Quan Âm Thị Kính". Vở Chèo được đón nhận nồng nhiệt. Sau này, "Quan Âm Thị Kính" trở thành một trong những vở kinh điển của nghệ thuật Chèo truyền thống.
Kể về vở diễn đặc biệt này, NSND Trần Bảng cho biết, đây là vở Chèo cổ, sẽ rất bình thường nếu chỉ được phục hồi như cũ. Khi dựng "Quan Âm Thị Kính", ông không thêm lời nào vào vở nhưng dàn dựng thì mỗi lần mỗi khác. Năm 1957, vở dựng 3 lần thì 3 lần đều có những bước tiến khác nhau. Nhân vật Thị Kính trở thành biểu tượng của lòng vị tha, bao dung, tiêu biểu cho phẩm chất của dân tộc Việt Nam.
Vào những năm 1960 - 1962, sân khấu Chèo đặc biệt phát triển mạnh. Tính đến năm 1962, miền Bắc có khoảng 10 tỉnh có đoàn Chèo riêng. Đài phát thanh luôn dành 1 giờ buổi trưa để dạy hát Chèo. Từ 1975 trở lại đây, nghệ thuật Chèo dần mai một. Thế nhưng, người nghệ sĩ lão thành của sân khấu Chèo vẫn một mực tin tưởng rằng nghệ thuật Chèo mà ông và rất nhiều người đã dành cả đời để nghiên cứu, phục hưng sẽ không bao giờ biến mất vĩnh viễn. Niềm tin ấy của ông không phải không có cơ sở khi có những ngày đẹp trời, căn hộ chung cư mang tên Trần Gia nơi ông đang sống vẫn có những bạn trẻ rụt rè đến gõ cửa xin tìm hiểu về nghệ thuật Chèo. Họ không phải là nghệ sĩ.
Có nhiều bạn trẻ còn là học sinh, nhiều người là công chức, nhiều người làm du lịch. Ông cũng biết, rất nhiều học trò do mình đào tạo vẫn đang đắm đuối với Chèo. Sân khấu Chèo chốn đô thị đã không là điểm đến được quan tâm hàng đầu nhưng nghệ thuật Chèo vẫn ăn sâu bám rễ vào đời sống cộng đồng, đặc biệt là chốn thôn quê, những dịp hội hè, đình đám.
Nghệ sĩ học trò của ông, nhiều người đã về hưu, vẫn "sống khỏe" bằng thu nhập từ các hoạt động như thế. Ngày Nhà hát Chèo Việt Nam mừng ông tròn 90 tuổi, học trò các tỉnh vẫn đổ về chật kín rạp. Với ông, Chèo vẫn như là hoa của trời đất, bông này tàn, bông kia lại nở, nối tiếp nhau tô đẹp cho đời.