Vị của khởi nguyên

Thứ Năm, 28/12/2023, 22:27

Sau tiếng “dẹp” là hành động. Bữa đó ba Nguyên không say rượu, ông say thứ khác. Men của giận dữ và oán thù quá khứ. Ông gom hết tập sách của Nguyên lại, những cuốn sách đã cũ mềm và tập thì ghép bằng đủ loại giấy tạp nham, châm mồi đốt. Tất cả bén lửa vô cùng, chúng cháy phừng phừng hơn cả lá dừa khô. Nguyên nhìn đám cháy, ngổn ngang suy nghĩ. Anh ồ lên, ra chữ cũng biết cháy, lửa có tha cho chữ đâu.

Nguyên chạy không kịp. Tự tin vô đôi chân mình bao nhiêu, anh ê chề bấy nhiêu. Đôi chân này, ngày trước chạy cời cời trong xóm, dẫn đầu đám con nít. Lớn lên, nó cứu anh khỏi những trận đòn. Có lẽ đã quá mỏi mệt suốt những chuỗi ngày cứ chạy và chạy, hoặc vì anh đã không đủ khả năng nuôi dưỡng nó đàng hoàng, đôi chân anh khuỵu trên đường trốn thoát.

Không kịp về gặp má, Nguyên đã tự đấm vô chân mình mấy cái. Tại sao nó không thể cố thêm một chút, tại sao nó không đáp ứng nguyện vọng cuối cùng của anh. Người ta đã báo cho má hay chưa. Chắc má khóc dữ lắm. Lạy trời má đừng buồn nhiều, lỡ lên máu có bề chi Nguyên sao chịu thấu. Lạy trời người đưa tin về là một người biết lựa lời, nói sao cho nhẹ nhàng nhất. Kể cả đâm kim vô da thịt người ta còn học được cách đâm sao cho bớt đau mà. Huống chi lời nói.

64e35b6281e829b670f93.jpg -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng 

Nhưng lỡ đó là chòm xóm? Lỡ là ai đó đã ngứa mắt Nguyên từ lâu, hớn hở chớp lấy thời cơ tới xát muối vô trái tim già nua của bà má khô quắt queo mòn mỏi đợi tin thằng con. Họ có hềnh hệch cười khi nhấn trái tim ấy trong dòng nước mắt, thỏa mãn nhìn nó giẫy giụa ngộp thở? Họ sẽ đay nghiến, phải. Hả hê, đúng.

Nguyên biết mình sai, nhưng anh vẫn xin trời sự thương xót, như đôi lần ông đã cứu vớt anh. Như lúc gặp trước phòng tạm giam, bên báo án đã thương hại hoàn cảnh hứa không bắt gia đình anh bồi thường thiệt hại, chỉ cần trả lại tài sản. Xin hãy tiếp nối sự cao thượng đó, không phải cho anh, mà cho bà má già tội nghiệp của anh. Ở cái tuổi tóc bạc giòn như nắm lá khô, má còn phải đi bán vé số để khỏi làm gánh nặng cho con. Thì hỡi ơi, đừng để má gẫy đôi bởi những lời cay nghiệt.

Nước mắt Nguyên chảy thành dòng, lăn xuống cằm nóng hổi. Ở trong phòng tạm giam nhìn ra, bầu trời bị cắt bởi những chỗ hở vuông vức và nhỏ xíu. Én đã bay về, rợp đầy tiếng gọi nhau. Vẫn như mọi năm, gió bấc tràn vô khắp nơi, tê tái thăm hỏi những kẻ lầm lạc ủ rũ sau song sắt. Tết này chắc má phải ăn cơm một mình. Và nhiều Tết sau đó nữa. Nghe đâu phải năm bảy năm, má có chờ nổi không hay lịm dần đi giữa vũng mỏi mòn ngày một đầy thêm…

- Đói bụng chưa? - Thiện, tên anh Công an xã, ngó qua song sắt hỏi - Nể tình biết má anh, muốn ăn gì tôi mua. Coi như trả ơn lần đó tôi đi kiếm xin cây thuốc, bà lặn lội hỏi giùm khắp xóm.

Nguyên vồ lấy song sắt, miệng mở ra định nói gì đó, nhưng lại thôi. Anh biến thành một con chim non chưa biết hót, những lời cất ra toàn là vô nghĩa, chỉ có mong muốn tồn tại hiển hiện. Những mong muốn như được sống, được trở về. Đâu có được. Anh phải ở đây. Rồi mai người ta áp giải anh lên huyện xét xử, lúc đó anh sẽ biết bản án chính thức của mình.

- Thịt kho hột vịt đi… - Nguyên ngập ngừng nói.

- Muốn ăn Tết sớm ha? - Thiện cười ngượng, gật đầu rồi bước đi.

*

Nguyên chầm chậm ăn cơm với thịt kho, cổ họng anh đau rát không nuốt nổi. Bây giờ những chỗ sưng phồng trên mặt trong cuộc chạy trốn đã bắt đầu biểu tình. Ê ẩm đau. Chát ngầm hối hận.

Cơm nấu gạo ngon, nghe đâu loại gạo xuất khẩu ngon nhất thế giới gì đó. Ba rọi được cắt cẩn thận, thịt mỡ vừa phải, tẩm ướp đậm đà. Có cả dưa chua ăn kèm, và một chén canh khổ qua còn nóng, dồn đầy thịt băm, tới mức trồi hẳn ra ngoài. Bữa cơm tươm tất mà Nguyên từng mơ ước, từng muốn được cùng má ăn mỗi ngày. Cớ sao bây giờ nó như trộn đầy cát và mùn cưa, khiến mỗi lần nhai đau đến tận từng chân răng một. Húp một muỗng canh, anh thấy mặn đắng như uống một biển nước mắt.

- Ngon không? - Thiện hỏi, bắc ghế ngồi trước phòng tạm giam, mở phần cơm của mình ra ăn - Quán mắc nhất xã mình đó.

- Dở! - Nguyên nghẹn ngào - Dở ẹc!

- Có lộn không đó? - Thiện nhăn nhó. Anh đã cất công kiếm mua ở chỗ nổi tiếng nhất vậy mà…

- Dở hơn má tui nấu - Nguyên bắt đầu nức nở - Má tui nấu ngon dữ dằn. Những món này không giống…

- Sao mà không giống? - Thiện tò mò.

- Thịt má tui làm toàn là mỡ… Má già nên mắt yếu, nhổ không sạch lông heo, ăn cộm cổ họng nhột gần chết… - Nước mắt Nguyên lã chã rớt xuống trong lúc miệng anh méo xẹo cố nặn nụ cười, nước mắt tròn vo những hột nặng, nghe như một trận mưa nứt vỡ - Anh biết heo nái không? Heo đẻ đó, vừa dai vừa hôi… Hai má con tui chỉ đủ tiền mua thịt đó.

Thiện lặng người đi. Ngay từ lúc bắt được người này, Thiện đã đọc được trong mắt anh ta nỗi buồn ngầm nén tới mức đã hóa thành cát. Tức là, đôi mắt anh ta lúc nào cũng như có cát, đỏ hoe và liên tục chới với. Tức là một người lầm lũi, nhưng hiền lành. Cớ gì ra nông nỗi này chớ.

- Kể tôi nghe đi - Thiện ân cần hỏi. Anh không biết phải làm gì cho người này, ngoài chuyện lắng nghe - Bữa cơm như vậy có gì mà anh thấy ngon tới mức nhớ hoài?

*

Nguyên đã bắt đầu chạy từ khi nhận thức được là mình phải chạy. Cơn say biến ba anh thành một gã hung thần, nếu chậm chân anh sẽ bị một trận nhừ tử. Anh luôn thắng trong những cuộc đua đó, mà phần thưởng là sự lành lặn cho mình.

Nguyên của lúc đó không biết rằng khi anh đã bỏ xa một quãng và ba đuối sức bỏ về, anh đã thất bại trong trận đua. Mãi những năm sau, thất thểu đói lả mò về nhà sớm hơn bình thường, anh mới hay anh là người về chót. Ba anh chạm đích đầu tiên, cái giải ông tự trao cho bản thân là một trận đòn trút lên người má. Không đánh được thằng con, ba anh chọn người đàn bà tội nghiệp mà ông kêu là vợ…

Má hay mặc quần áo dài tay, dặm phấn dày để che những vết bầm. Tóc má là tóc mượn, ở cái tuổi lẽ ra nên còn dày và mượt. Những mớ tóc đen non đã theo từng cú nắm giật của ba, rụng như cây gặp cơn giông dữ. Má giấu sự tả tơi để cho Nguyên yên lòng.

Má có lý do của má. Hay đúng hơn là nỗi sợ. Má mấy lần nói giỡn, lưng má cong vầy là tại hồi xưa đi học phải khòm xuống tránh cái nhìn soi mói của người ta. Đứa con không cha, mùi cá bám đầy mỗi ngày rời ghe tới trường lon ton đi học. Má từng mạnh mẽ bàn chân trần đạp trên những mai mỉa mà bước, kệ ai có cười nói con nhỏ nghèo mà học đòi mê chữ. Nhưng khi người ta đá vô vết thương không cha, má chịu đâu có nổi. Không biết là xui hay hên, mới học được có một năm, má phải bỏ trường về phụ bà ngoại nuôi mấy đứa em. Chữ chưa kịp nhớ đã bay sạch, hệt như một cơn nắng đẹp hiếm hoi giữa mùa mịt mùng mưa, khiến người ta mấy tháng ròng tiêng tiếc. Với má là cả đời.

Nên má không muốn Nguyên khổ như má. Thiếu cha cực lắm. Thân đàn bà con cái nheo nhóc bơi ghe chài lưới, khác chi con cò bị kẻ đi săn nhòm ngó. Má muốn Nguyên có cha. Dù tính ổng cục cằn vậy chứ cũng biết lo, tỉnh rượu ra còn nhớ đi làm đong gạo về đầy hũ.

Nguyên sống trong mong ước của má và cắn rứt của mình, cho tới khi mày mò làm quen con chữ. Ba không thích điều đó. Ông muốn Nguyên ở nhà coi phụ công chuyện, chớ không phải cắm mặt mài đít quần trong mấy lớp học tình thương.

- Chữ không có ăn được - Ba nói như vậy - Thằng chú mày ăn học ngốn hết tiền bạc ông bà nội mày nên tao mới nghèo xác, rồi sao đó? Nó phủi tay bỏ đi cái một. Học chi rồi bội bạc, dẹp!

Sau tiếng “dẹp” là hành động. Bữa đó ba Nguyên không say rượu, ông say thứ khác. Men của giận dữ và oán thù quá khứ. Ông gom hết tập sách của Nguyên lại, những cuốn sách đã cũ mềm và tập thì ghép bằng đủ loại giấy tạp nham, châm mồi đốt. Tất cả bén lửa vô cùng, chúng cháy phừng phừng hơn cả lá dừa khô. Nguyên nhìn đám cháy, ngổn ngang suy nghĩ. Anh ồ lên, ra chữ cũng biết cháy, lửa có tha cho chữ đâu. Và nghĩ vẩn vơ, giấy tập này để mồi bếp thì ngon. Một chút đau đớn nữa, vậy là mình hết được đi học.

Má nổi điên, lần đầu tiên, lúc đó. Bà lao tới dập lửa, cố cứu lấy từng thứ sót lại, ngón tay lem nhem tro và tàn lửa. Bà đã quên cơn nóng. Bà chỉ thấy hình ảnh mình trong đó, đứa con gái ham chữ bị cuộc sống chối từ. Và tương lai con trai bà, đã biến thành một mớ tàn đen gió đang hềnh hệch cuốn lấy, thổi tung.

Má đã gào lên, xô té ba, liên tục cào cấu ông. Má đã quyết định điều mà Nguyên muốn, bà cự tuyệt cái kết nối tạm bợ mà anh biết sớm muộn cũng sẽ sụp đổ. Má dẫn anh đi, đi khỏi ngôi nhà phụ thuộc vào người đàn ông có định nghĩa độc quyền về đúng và sai. Tất cả những gì ông ta không thích, đều là sai. Nghĩa là một ngày nào đó, kể cả má, kể cả anh, cũng sẽ thành sai. Khi ông ấy đã không còn chịu được nữa và dứt bỏ cái ông ta gọi là “gánh nặng”. Má đã tự dứt mình rời đi trước, anh nghĩ là đúng lúc.

*

- Anh biết không? - Nguyên lim dim mắt nhớ lại ngày hôm sau, cái ngày có bữa cơm trọn đời anh không thể quên đi được - Đó là ngày đầu tiên má con tui có một bữa cơm tự do!

Tự do, tức là không phải nhìn mặt người bỏ tiền ra coi họ có cho phép ăn chưa, có cho ăn no không, cho gắp món này món kia. Tự do, tức là không phải oằn mình giấu những cơn đau, vừa ăn cơm vừa nghẹn lại vì vết bầm tấy lên thốn lồng ngực quá. Tự do còn có nghĩa là không phải trộn cơm với đá sỏi cố nuốt, nếu lỡ ba hất đổ và phải hốt lại ăn. Tự do không còn nhai những tiếng chửi có ngạnh, thồn những miếng nhục vô bụng.

Dù trong căn nhà trọ ọp ẹp giá rẻ mạt, mọi khổ cực đã lồ lộ bởi ánh sáng từ miếng tôn sáng hắt xuống. Nhà trọ là kho lúa bỏ hoang được cải tạo ngăn ra thành phòng, phòng má con Nguyên do đúng ngay chỗ tôn sáng nên thuộc loại rẻ nhất của rẻ nhất. Nguyên đã từng tự nói giỡn với bản thân, trời nắng gắt ở trong phòng cũng phơi cá thành khô được.

Nắng rọi xuống khiến má càng rõ rệt những vết tích thời gian. Người má cong quèo, nhiều chỗ móp lại vì chịu đựng. Ngó má y như cái nồi nhôm đã biến hình dị dạng, sắp biến thành cái chảo mà vẫn gắng sức chịu lửa - như cái nồi nhôm má tiếc của còn xài hoài chứ nhất định không bán ve chai kia. Mắt má hư một bên, bên còn lại yếu hẳn, không rõ di chứng từ trận đòn nào ba dành tặng.

Hai má con đã quyết định nấu một bữa cơm thịnh soạn để ăn mừng. Thịnh soạn trong mớ kí ức hiếm hoi về những bữa cơm no bụng của má, chỉ có cơm Tết. Là thịt kho riệu và canh khổ qua. Thịt heo nái, vừa dai vừa hôi, lông nhổ không hết. Mấy miếng mỏng teo, đầy mỡ, phải độn thêm củ cải trắng nhìn cho sướng con mắt, thay cho hột vịt. Khổ qua loại già, đắng nghét, ruột đã vàng khè, đem nấu suông chớ không có chi để giả làm nhân.

- Vậy mà ngon lắm anh! - Nguyên ngậm ngùi nhớ lại, liếm môi thòm thèm như thật sự anh đang ăn chúng - Bữa cơm của một sự bắt đầu mới. Như là cái tên tui vậy.

Khởi Nguyên, tên đầy đủ của anh. Hai chữ duy nhất mà má biết đọc và viết. Cái tên này, hồi đó má bán đôi bông tai bà ngoại để lại, lấy tiền đi mua từ một ông thầy giáo nhiều chữ. Ông thầy từ chối nhận, nhưng má kiên quyết trả. Với má, có trả mới là đáng quý, là xứng đáng. Có lẽ vậy mà ông đã ráng nghĩ ra một cái tên đàng hoàng, một cái tên ý nghĩa, cho báu vật của má.

- Sao lúc đó, cái lúc bị ba bạo hành, má con anh không báo Công an? - Thiện chậc lưỡi, anh không khỏi bực bội trước câu chuyện vừa nghe. Bực, vì anh đã không thể thay đổi nó, không thể làm ra một kết cục tốt hơn. Hay sớm hơn.

- Ba tui dạy Công an hung dữ lắm - Nguyên thật thà thú nhận - Nhiều người cũng nói vậy…

- Kì cục thiệt, lúc bình yên người ta cứ hay nghĩ xấu Công an đầu tiên - Thiện lắc đầu -  Nhưng khi khó khăn họ luôn nghĩ trách nhiệm thuộc về Công an. Thực ra chúng tôi luôn ở đó thôi, xung quanh mọi người, làm nhiệm vụ bảo vệ mọi người. Chúng tôi chẳng đi đâu cả…

- Ừ, phải chi tui biết điều đó… - Nguyên gượng cười.

Nguyên tiếc nuối những ngày tháng trước, nếu anh can đảm dám nhờ Công an, một ai đó như Thiện chẳng hạn, biết đâu đã không phải lầm đường. Anh đã có thể lấy lại khoản tiền mình bị gạt, thay vì gánh nợ nặng lãi tới mức liều mình đi ăn cắp, rồi bị tống vô đây chờ xét xử…

- Liệu, tui có còn cơ hội làm lại không anh? - Nguyên gục đầu xuống, giấu mặt giữa hai đầu gối. Lời anh yếu xìu, mỏng như một cánh én cô đơn tự tìm đường tránh rét.

- Còn chớ - Thiện gật đầu lập tức - Ai biết hối lỗi đều có cơ hội sửa sai. Nếu anh cải tạo tốt trong tù, có khi còn được mãn hạn sớm.

Nguyên ngẩng lên, ánh mắt thoáng mừng. Sớm hơn một chút nào anh cảm tạ chút ấy. Má anh đâu có chờ hoài được.

- Anh biết cây gì đây không? - Thiện cầm cái lá xanh có răng cưa từ phần ăn của mình lên hỏi.

- Không - Nguyên lắc đầu. Anh chỉ biết nó quen quen - Chắc là rau hả, tui thấy anh ăn nãy giờ.

Thiện kể cho Nguyên nghe một câu chuyện. Cái lá Thiện đang cầm là lá cây đuôi chuột. Hồi nhỏ, anh cứ nghĩ nó chỉ là cây cảnh thôi. Anh tưởng ông nội anh trồng cho vui, nở bông tim tím nhìn đỡ hiu quạnh khu vườn nhỏ.

Một bữa dì Thiện ghé chơi nấu lẩu, anh hết hồn thấy dì bứt vô nguyên rổ lá đuôi chuột. Tưởng dì nhầm anh hỏi lại cho chắc, đó không phải là cây cảnh sao, ăn gì được. Dì vừa gật vừa lắc, hô ăn được. Dì kêu ở dưới quê ăn đầy, tại anh không biết đó thôi.

Hóa ra cái cây này còn là cây thuốc nữa. Vị đắng the của nó làm nên tính thuốc, chữa đủ thứ bệnh. Từ đó, Thiện mới tìm hiểu từng loại cây trong vườn của ông, anh dần dần hiểu đó đâu chỉ để ngắm chơi, đó là một vườn thuốc. Điều ấy thôi thúc anh dựng một vườn thuốc Nam cho xã, để phổ biến cho mọi người biết mà dùng, đặc biệt là những người gia cảnh khó khăn. Như đã kể, trong lúc đi kiếm cây thuốc về làm vườn, anh đã gặp má của Nguyên và được bà giúp đỡ. Khác với con trai, có lẽ bà đã hiểu ra sớm hơn. Khi Thiện cảm ơn, bà đã đáp rằng, ơn nghĩa gì, không phải cậu là Công an bảo vệ mọi người sao, tụi tui phải cảm ơn cậu mới đúng…

- Anh thấy chưa, cái cây nào cũng có giá trị, chỉ là ta biết hay chưa thôi - Thiện cười, ngắm nghía cái lá trong tay - Cũng như con người vậy đó. Anh ăn thử không?

Nguyên chìa tay ra xuyên qua song sắt. Thiện đưa cái lá cho anh. Anh chầm chậm bỏ vô miệng, thận trọng nhai. Đúng là nó đắng, đắng lắm. Nhưng từ sâu trong vị đắng đó, khi đã tan dần, thoảng lên hậu ngọt.

- Tôi thích hậu vị của nó. Có lẽ nó giống với tên anh - Thiện nói bâng quơ. Thấy Nguyên tròn mắt không hiểu, anh từ tốn giải thích - Ý tôi là vị của nó giống với Khởi Nguyên, một bắt đầu mới. Sau đắng là ngọt, phải không?

Mắt Nguyên không khép lại được, nó đỏ lựng lên, nước mắt chảy ròng ròng. Một cảm xúc dễ chịu nhen dậy trong lòng anh, dần lên ngực trái. Còn một khởi đầu chờ anh ở tương lai mà, phải không?

- Tui… tui có thể nhờ anh, khi nào… khi nào rảnh rỗi, thỉnh thoảng thôi, anh ghé coi giùm má tui? - Nguyên ấp úng nhờ. Đây là lần đầu anh nhờ một người Công an giúp đỡ mình.

- Được mà, nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ mọi người - Thiện khẳng khái đáp - Chắc tôi sẽ nhờ má anh phụ chăm sóc vườn thuốc Nam. Bà có lẽ rành nhiều loại thuốc cỏ cây lắm, một con người hiểu về đắng cay, hả?

Nguyên gật đầu. Anh biết má hiểu. Và má sẽ hiểu cuộc chờ đợi này, cho vị ngọt của một bắt đầu mới, về sau…

Truyện ngắn của Phát Dương
.
.