Mưa ở phía chân trời

Thứ Sáu, 15/12/2023, 09:24

Anh thợ mộc có cô như người làng có khúc gỗ quý mà họ dày công tìm kiếm, rồi thuê anh chạm trổ những linh vật. Chỉ khác, họ sẵn sàng để người khác sờ nắn lên khúc gỗ và trả giá nếu muốn. Còn anh thì không. Anh muốn chém tất cả những thằng đàn ông hau háu nhìn cô. Khao khát của anh là bỏ Miên vào một cái tủ, khóa lại. Tưởng đâu đó là hạnh phúc, ai ngờ càng ngày, sự ghen tuông của chồng càng trở nên cao độ. Miên sợ hãi trước cách yêu vợ của anh.

Bước ra từ cổng Tòa án huyện, chân Miên khựng lại. Trong phút chốc, cô không định hình được mình rẽ lối nào. Bước chân vô định, cô thả mình đi theo dòng người vội vã trong mưa. Xứ Huế năm nay mùa mưa đến sớm. Mưa xối xả vắt chéo nơi ngã tư con phố. Chiếc xe taxi chạy như gió thốc trên đường, hắt nước vào mặt cô. Vũng nước bên đường vàng nhạt, lợn cợn như là phân trâu, phân chó nổi bập bềnh. Khuôn mặt cô ướt nhèm.

Trong đầu cô quay cuồng câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa:

- Anh chị nghĩ kĩ chưa?

Cô đã suy nghĩ mười lăm năm nay. Nghĩ trong những sáng tinh sương. Nghĩ trong những đêm dài không ngủ. Nghĩ trong những lần ân ái với chồng. Nghĩ cả thanh xuân. Nghĩ đến khi cô con gái tròn 18 tuổi.

*

Căn phòng trọ nằm trong khu tập thể dành cho người có thu nhập thấp ở thị trấn. Mưa như trút nước từ hôm qua, giờ đây bị nước bủa vây tứ phía. Những công nhân vùng khác đến thuê trọ, họ vội vã chuyền đồ lên cao vì sợ lụt. Ghế chồng bàn, bàn chồng giường. Mọi thứ ngổn ngang như ma trận. Họ sợ lụt ở Huế hơn bất kì nỗi sợ hãi nào. Mưa đen trời. Dòng người nhốn nháo. Kẻ ôm két mì tôm, người cầm gói muối. Tiếng mấy người phụ nữ giục con dọn đồ át cả tiếng mưa rơi vào thinh không.

Cứ thế cả khu trọ dành cho người ngoại tỉnh quay cuồng trong mưa. Miên ngồi trước bàn làm việc, bên chồng bài chưa chấm. Những con chữ sấp ngửa của học trò gửi gắm bao hi vọng vẫn nằm yên. Cô soi mặt trong gương, lấm tấm vệt đen bám đầy mặt. Cô lấy tay phủi những bụi bẩn rồi đưa tay lên mũi, có mùi thum thủm, rất hôi, Miên tỉnh hẳn. Cô không phân biệt được đó là mùi bùn đất hay mùi phân trâu, phân chó.

edd3e6cb0591adcff4801.jpg -0
Minh họa: Đặng Tiến

- Cô không dọn đồ chạy lũ à? Cô hàng xóm người Bắc sát cạnh phòng Miên chĩa vào hỏi.

Cô chưa kịp trả lời, người phụ nữ đã chạy như bay ra đường. Dáng người bé nhỏ vội vã mất hút dưới mưa. Mưa gió não nuột như cuộc đời cô và những người đàn bà ở xóm trọ này.

Mọi người tưởng cô mới dọn đến thị trấn này. Thực ra, Miên quen với sông nước mùa lũ vùng này đã gần hai mươi năm. Chỉ khác là trước đây cô không ở trong căn trọ chật chội, ẩm mốc. Thời gian chạy qua in hằn lên khuôn mặt gầy gò, khắc khổ của người đàn bà trung niên những vết chân chim ngang dọc. Với Miên, thời gian cũng như nước lũ, nó cuốn trôi tất cả. Hoa đồng cỏ nội, thanh sắc, rác rưởi, và sức lực của con người. Cô biết rõ, nước khu vực cô ở chỉ là vùng nước đọng, không phải nước nguồn về. Sau cơn mưa, nước sẽ rút. Nếu ngập, cũng ngập thấp.

Cô với tay bật cassette. Cái máy nghe nhạc theo Miên từ thời còn sinh viên Văn khoa. Một bản nhạc Huế da diết cất lên trộn lẫn tiếng mưa sầm sập trên mái tôn chẳng ăn nhập gì với nhau. Căn cớ níu giữ cô ở lại trên mảnh đất này phải chăng là những cơn mưa Huế. Buồn. Trầm tư. Sâu lắng. Tiếng hát của ca sĩ như cứa vào tâm can Miên: “Chiều nay mưa trên phố Huế…Ngày xưa mưa rơi thì sao, bây chừ nghe mưa lại buồn, vì tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn". Cô có một thói quen, lúc buồn nhất, cô đơn nhất, hoặc là cô trồng cây, hoặc là nghe nhạc. Ít khi người khác nắm bắt được suy nghĩ của Miên.

*

Chạy xe hơn 20km từ nhà đến trường, Miên cảm nhận mọi thứ xung quanh tiêu điều xơ xác quá. Con đường phủ lên lớp bùn non đặc quánh. Miên cố chạy vào giữa lằn xe đi trước. Nhiều lúc, bánh xe sau trượt dài, khiến cô suýt ngã. Dẫu biết rằng, đi theo con đường người khác là bất tài, nhưng để tránh phải úp mặt xuống lòng đường, cô liều mình nhắm thẳng lối mòn mà chạy.

Sáng nay bước vào lớp, cô nhận ra không khí lớp học khác hẳn. Những khuôn mặt rạng rỡ, nhanh nhảu ngày thường giờ cũng chùng xuống mệt mỏi. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, Miên phải nắm bắt tình hình các em sau thiên tai để báo cáo nhanh lên nhà trường. Lớp trưởng điểm danh:

- Dạ thưa cô, lớp hôm nay vắng 2. Bạn Nam nhà còn ngập sâu, chưa đi được. Bạn Nhi bận chăm mẹ trong viện.

- Nhà bạn Nam vùng trũng, cô biết rồi. Còn bạn Nhi, các em biết mẹ bạn ấy ốm sao không?

Nhi mất cha từ lúc lên năm, mẹ một mình gồng gánh nuôi em. Trận lũ vừa qua, nhà Nhi bị nước cô lập, mẹ em trèo lên mái tôn kêu cứu, vì mưa lâu ngày nên tấm fibro bị thủng mục nên ngã từ trên mái nhà xuống, gãy xương sống.

Hoàn cảnh học sinh trong lớp Miên nắm rất rõ. Các em là con em nông dân, vùng trũng. Mùa mưa, nước trắng đồng. Một vùng quê nghèo độc canh cây lúa. Cô gắn bó với vùng chiêm trũng đã gần hai mươi năm. Hai mươi năm cho cô thấu rõ cuộc sống con người nơi đây. Một năm có bốn mùa, ba mùa cặm cụi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Và một mùa chạy lũ. Học sinh của cô chăm chỉ và hiền lành, cứ như những hạt phù sa lắng dần rồi tích tụ lại màu mỡ cho đất quê.

Giữa những đảo điên lật lọng của nhân tình thế thái, Miên tìm được yêu thương trong công việc của mình. Cô tận tụy trong từng bài dạy, cô khơi dậy ngọn lửa đam mê trong thẳm sâu những đứa học trò nghèo nơi đây. Nhi là cô học trò cô rất quan tâm. Cô bé đen nhẻm, chân tay khẳng khiu như nhành tre non. Trong lúc bạn bè cùng trang lứa bắt đầu dậy thì, trổ mã hình hài thiếu nữ, thì Nhi vẫn gầy quắt queo như nhánh lúa đồng cao. Chỉ có đôi mắt đen láy toát lên vẻ thông minh, cứng cỏi.

- Tiết sinh hoạt lớp, chúng ta mổ heo để ủng hộ gia đình bạn Nhi các em nhé!

Cả lớp quá bất ngờ với số tiền tiết kiệm được lấy từ heo đất ra. Nhìn những tờ tiền nhàu nhĩ xô lệch đè lên nhau mệnh giá từ 1 ngàn, 2 ngàn, nhiều nhất là 10 ngàn mà lòng Miên xúc động. Cô biết, sáng nay, có nhiều học sinh gom tất cả những đồng bạc trong cặp để bỏ vào heo. Người lớn có bao giờ hiểu được tấm lòng trong sáng, bản tính yêu thương ở những đứa trẻ. Đôi lúc, người lớn chúng ta cần phải nhìn lại chính mình và học cách yêu thương vạn vật từ con trẻ. Khi ở đâu đấy, kẻ chức quyền giàu sang vung vãi những đồng tiền bất chính để mua danh, rỉnh rang phô trương lòng nhân từ, bác ái. Thì trong lớp học của Miên, các em đã chắt chiu những đồng tiền ít ỏi và lặng lẽ đút vào ruột heo để giúp bạn trong lúc khó khăn.

*

Hơn hai mươi năm trước, Miên một mình chăm mẹ trong bệnh viện. Cô thuộc từng ngóc ngách, nhớ từng khuôn mặt của bác sĩ bệnh viện Đa khoa Phong Điền. Mẹ cô bị suy tim. Năm Miên lên lớp 12 thì mẹ đau nặng. Từng cơn đau của mẹ ám ảnh cô đến tận bây giờ. Mẹ bỏ Miên ở lại khi cô mới học được nửa kì 1. Đó là một ngày trời động bão, mẹ lên cơn, và đã ra đi mãi mãi.

Miên ngơ ngác. Tiền mua quan tài chôn mẹ, tiền mua đồ tang lễ, tiền làm cỗ cúng tiễn mẹ ra đồng… đành nhờ gia đình hàng xóm. Cô chết lặng bên linh cữu mẹ, đôi mắt ráo hoảnh, mở to trân trân nhìn ra ngoài trời. Cô không khóc, chỉ thỉnh thoảng nấc lên mấy tiếng rồi lịm dần. Ngày ấy, mưa như trút. Bầu trời xám xịt. Cây thầu đâu trước nhà trơ lá. Mấy quả khô héo in hình lên trời như những dấu chấm than. Mấy bác hàng xóm nhắc Miên từng động tác, quỳ lạy, khấn vái khi cúng cơm cho mẹ. Người làng bảo nhau:

- Kiểu này không chừng con Miên phát điên mất.

Biết hoàn cảnh bi đát của cô, một thầy giáo trong trường đã kết nối để bảo trợ cho Miên tiếp tục ăn học. Miên học rất tốt, cuối năm cô thi đỗ Đại học Sư phạm.

Một năm sau, chưa mãn tang mẹ, gia đình hàng xóm đã đặt vấn đề với dì cậu họ hàng xa của Miên để xin dạm ngõ cô cho anh con trai làm thợ mộc. Năm đó Miên mười tám tuổi rưỡi. Nghĩ mình nợ gia đình nhà người ta nhiều quá. Ân tình ấy xin được đền đáp. Dù có phải làm trâu làm ngựa Miên cũng cam, chứ nói gì đến làm dâu. Bốn năm trôi qua kể từ ngày dạm ngõ, cô bằng lòng tổ chức đám cưới khi chuẩn bị làm lễ tốt nghiệp.

*

Dải đất ven sông Ô Lâu sau một tuần lũ quét như một bức vẽ lem luốc. Địa phương huy động các lực lượng giúp dân dọn lũ, tu sửa lại cửa nhà cho những gia đình neo đơn. Lũ chồng lũ, sau một tuần, còn lại trên mặt đất chỉ toàn là rác, bùn, xác động vật thối rữa. Vườn tược cây cối đứng rũ rượi. Bùn còn đọng trên lá. Bà con quây lúa khắp nhà. Lúa trữ để ăn cho đến vụ chiêm năm sau bây giờ lẫn trong mớ bùn nhão nhoét, nảy mầm từ trong cái bao tải lớn. Những hạt mầm không bao giờ được gieo xuống đất. Hạt đau hạt xót của người nông dân. Hạt mầm ám ảnh, bất lực.

- Chợ hết mì tôm rồi.

Tiếng anh công nhân trẻ oang oang cất lên như một thông báo khẩn cấp cho dãy trọ. Mọi người đổ xô ra chợ tích trữ đồ ăn, đèn nến, dầu hỏa. Miên vẫn ngồi đấy, như một cỗ máy cạn kiệt dầu mỡ, rã hết từng chi tiết máy, chuẩn bị được vứt ra bán phế liệu. Cô mới dọn đến khu trọ này, mọi thứ còn bừa bộn, thiếu trước hụt sau. Căn phòng bé tí, chẳng cần đèn lửa gì. Một gói mì tôm sống, uống vài ngụm nước cũng xong bữa ngày lụt. Không việc gì phải lặn lội trong mưa.

Cô sực nhớ đến mấy chậu hoa hồng, sợ rằng nó sẽ bị ngập trong nước lũ. Miên từng có ý nghĩ, khi chia tay anh, cô sẽ đưa những chậu hoa ấy đi cùng. Nhưng dãy hành lang chật chội, ẩm ướt này làm sao có chỗ cho hơn hai mươi loài hồng của cô trú ngụ. Với lại, người ta ly hôn, chia con, chia của, chia nhà. Không lẽ Miên lại đi chia mấy chậu hoa hồng. Lòng dặn lòng, thôi đừng tiếc. Đóa hồng kiêu hãnh khi xưa, thanh xuân đời mình, cô đã chẳng tiếc, sá gì những cái lặt vặt cây cối. Một khi đã héo tàn thì bất luận là cỏ hay hoa đều như nhau. Có nhiều điều trong cuộc sống dẫu tiếc nuối rã rời, đau đớn tê dại, nhưng phải dũng cảm từ bỏ nó như cắt đi khối u nhọt.

*

Dãy hành lang bệnh viện sâu hun hút. Mùi nước sát khuẩn nồng nặc. Những bóng người tay xách tay bới, khuôn mặt lo âu vội vã lướt qua nhau. Cô tìm đúng số phòng bệnh nhân mà cô bé học trò đã nhắn. Miên ra hiệu cho Nhi không phải đứng lên để chào cô. Người đàn bà nằm đó, vấn quanh người một lớp bột trắng tinh. Miệng há ra, nhọc nhằn từng hơi thở. Nhận ra cô giáo của con mình đến thăm, người đàn bà quờ tay, thều thào mấy tiếng mà cô không nghe rõ. Mấy ngày chăm mẹ, Nhi xanh xao như tàu lá. Thịt da thiếu nữ hao mòn đâu hết, chỉ còn hốc mắt sâu hoắm. Người nhà bệnh nhân kế bên kể, con bé chăm mẹ khéo quá. Tội nghiệp, nhà neo đơn, mẹ góa con côi. Có đêm, mẹ nó đau nhiều, con bé hình như thức trắng. Mới tí tuổi đầu đã vất vả trăm bề.

Miên đưa mắt nhìn quanh phòng bệnh, những thân hình tiều tụy. Những tiếng rên khe khẽ rồi tắt lịm. Người nằm băng bó khắp cơ thể. Có cô gái trẻ bị mất một chân đang vịn vào thành giường để gắng ngồi dậy mà vết thương tươm máu đỏ bầm. Đã bao lần, Miên ước mình có phép màu để trở nên giàu có, quyền lực. Giờ đây, ngồi trong phòng bệnh, giữa những hình hài sứt mẻ, vá víu, cô chỉ ước một điều duy nhất là đừng đau ốm, bệnh tật. Tan vỡ. Nghèo khó. Cô đơn. Những thứ đó thật đáng sợ, nhưng sợ nhất vẫn là đau ốm. Miên thương đứa học trò bé bỏng tội nghiệp, mà cô không thể giúp được gì nhiều. Chỉ mong mẹ sớm bình phục để Nhi được tiếp tục đến trường.

Ra khỏi phòng bệnh, Miên như người mất hồn. Cô xuống dãy hành lang tầng 1, khu hành chính. Cuối giờ chiều, khu này vắng hoe. Mưa lại xối xả. Ánh đèn vàng yếu ớt bị cắt xé tứ tung bởi lưỡi mưa ngang dọc. Mấy bệnh nhân được người nhà dìu tập đi. Họ đau đớn nhấc từng bước. Mồ hôi ướt đẫm.

Miên ngồi lặng yên, bóng tối ở góc hẹp, nơi ánh đèn không chiếu được vào khuôn mặt cô. Hình ảnh người đàn bà nằm thoi thóp bên đứa con gái mới lớn ám ảnh cô không thôi. Cô nhận ra bóng mình ngày xưa trong thân phận em học trò đáng thương. Miên giơ tay có nhiều gân xanh chống đỡ khuôn mặt rũ rượi của mình. Răng cô chạm vào nhau. Hai gò má xô lại, ngăn không cho nước mắt trào ra.

*

Anh thợ mộc có cô như người làng có khúc gỗ quý mà họ dày công tìm kiếm, rồi thuê anh chạm trổ những linh vật. Chỉ khác, họ sẵn sàng để người khác sờ nắn lên khúc gỗ và trả giá nếu muốn. Còn anh thì không. Anh muốn chém tất cả những thằng đàn ông hau háu nhìn cô. Khao khát của anh là bỏ Miên vào một cái tủ, khóa lại. Tưởng đâu đó là hạnh phúc, ai ngờ càng ngày, sự ghen tuông của chồng càng trở nên cao độ. Miên sợ hãi trước cách yêu vợ của anh. Nếu anh yêu thật sự, cô đã cảm nhận được, đằng này như một sự chiếm đoạt, đúng hơn chỉ là sự thỏa mãn bản năng.

- Tôi hỏi cô, chiếc váy hai dây đĩ thỏa này cô cất để đi với thằng nào? Cô có cất giấu nó trên cung trăng, tôi cũng tìm ra. Gớm. Đồ đàn bà lăng loàn, đồ cô giáo trắc nết hư thân. Cô cặp bồ, cặp bịch, cô còn đủ tư cách dạy ai.

Với một người chồng gia trưởng, độc đoán như anh, Miên không thể giải thích, cũng không cần phải giải thích rằng chiếc váy đó là do mẹ anh mua cho cô, vì bà thấy tình cảm vợ chồng con trai ngày một nhạt dần. Miên luôn kín đáo trong những bộ đồ ngủ. Lòng người mẹ ấy còn hiểu ra bao nỗi khổ sở chất chứa trong lòng đứa con dâu tội nghiệp. Phận đàn bà, lấy chồng rồi sinh con. Chưa biết đến tình yêu là gì. Nhưng đã mấy năm trôi qua. Bà đã mất được hai cái giỗ thường, mà chiếc váy ngủ để hâm nóng tình cảm vợ chồng Miên chưa một lần mặc.

Miên có thể làm tất cả mọi việc, ngay cả phục tùng chồng như một con chó phục tùng chủ. Cô chấp nhận sự giày vò thân xác của chồng khi cơn ghen tuông lồng lộn và lấy việc hành hạ cô hằng đêm như một sự trả thù êm đềm mà đau đớn nhất.

Tất cả sự sỉ nhục ấy Miên đều chịu đựng. Sự chịu đựng của con người như lòng hồ không đáy. Mặt nước vẫn trong veo, cho dù vùi sâu dưới đáy bao nhiêu uế tạp. Cho đến khi chồng Miên yêu cầu cô nghỉ việc, điều này là giới hạn cuối cùng của Miên. Cô yêu nghề giáo. Yêu những đứa học trò vùng lũ. Giữa cuồng quay nhân tình thế thái, cô vẫn chọn nghề giáo. Cô không thể nghe theo lời anh. Vậy mà anh nhất quyết bắt cô phải chọn. Một là nghề, hai là anh.

- Cô nghỉ việc đi, ở nhà phụ giúp trông coi xưởng mộc với tôi. Nếu không, đường ai nấy đi.

Miên mơ hồ cảm nhận được, hơn một năm nay, anh đã thay đổi. Cô loáng thoáng nghe người ta đồn anh qua lại với một người đàn bà góa, nhỏ hơn Miên năm tuổi, ở nhà nội trợ. Lựa chọn nào cho Miên đây?

*

Phiên tòa xử chưa đầy một tiếng đồng hồ, không cần hòa giải, cũng không chia tài sản. Con gái đã 18 tuổi nên nó không phải ra tòa cùng ba mẹ. Một sự giải thoát dù muộn, nhưng rất nhẹ nhàng.

Chuông điện thoại reo, tiếng con gái cô lo lắng:

- Mẹ đi mô về muộn rứa. Mưa to kinh khủng mẹ hi!

- Ừ, mẹ có chút việc. Mẹ về chừ!

Cô vội vã phóng xe ra đường mà không để ý gì đến xung quanh. Trời mưa như trút. Giữa màn mưa đen kịt, giọng con gái dẫn lối cô về.

Bên dòng Ô Lâu, tháng 11/2023

Truyện ngắn của Lê Hải Yến
.
.