Về phía sương bay

Thứ Năm, 14/10/2021, 16:02

Trăng lấp ló như bầu ngực thiếu nữ xuân thì nửa kín, nửa hở sau những xiêm mây xám xịt. Không chịu nổi tấm áo chật chội ấy, thi thoảng, trăng lại tìm cách cứa rách thớ mây chui tuột ra ngoài, hiện nguyên khuôn tròn căng đầy, mọng mẩy. Ánh trăng nhờ nhợ chảy xiên qua cửa sổ ngập tràn, mê mị. Mỷ cảm tưởng cơ thể chồng giống như bờ ruộng bậc thang chia chiếc giường thành hai nửa. Nửa phía trước, ánh trăng đọng lại như mật ong pha loãng. Nửa sau lưng, bóng tối ken dày nhấn chìm tiếng thạch sùng lắc tắc.

Chút rượu ngô Mỷ trót uống khi đi cưới bản bên làm những mạch máu như hóa thành dòng lũ cuồn cuộn vỡ bung. Chua vẫn nằm im. Mỷ choàng dậy, ngồi vào khung cửi, lọc cọc, lạch cạch như giằng, như xé, như cấu, như cào.

Một đêm… Hai đêm... Ba đêm… Mỷ giờ như thửa ruộng bậc thang cằn cỗi nằm ngay bên dòng suối ăm ắp mà không cách nào dẫn nước vào làm đầy sự khát khao lên được. Mình thương thằng Chua mà thằng Chua không thương mình sao? Hay nó chê cái thân thể mình đã bị thằng Lử bôi bẩn? Da thịt mình là cái gai, mũi kim sao mà mỗi lần chạm vào thằng Chua đều giật nảy? Gục đầu bên khung cửi, những ngón tay Mỷ cứ đan vào nhau, dằn vặt nghĩ về Chua, về mình, về những câu chuyện hiện tại. Đói hạt ngô, hạt lúa cũng không khổ sở thế này? Mình phải làm gì đây? Câu hỏi ấy cứ quấn riết trong tâm trí Mỷ, cắn rứt. Không kìm nổi lòng, Mỷ bật khóc rưng rức…

Chua ngày càng lạnh nhạt với Mỷ. Chua luôn kiếm cớ gắt gỏng Mỷ mọi lúc, mọi nơi. Tâm hồn Mỷ héo dần, héo mòn nhưng chẳng hiểu sao tóc cứ xanh tràn ra và vầng ngực thì đầy lên mây mẩy. Dạo gần đây, mấy lần ngồi nhặt rau trong gian bếp, Mỷ bắt gặp ánh mắt thằng Dơ, em trai Chua cứ chòng chọc nhìn trộm ngần cổ Mỷ. Khi Mỷ bối rối kéo cái khăn che kín cổ, nó liền quay mặt về nơi khác.

Có những đêm rất khuya, Mỷ vẫn nghe thấy tiếng cựa mình và tiếng thở bứt rứt từ gian buồng của em chồng, có lúc rền rền như tiếng mối mọt ăn tường, có khi hừng hực như tiếng thác xa đang thét gào, đè đầu những nhấp nhô mô đá. Gộc củi trong gian bếp nhỏ cháy gần hết mà Mỷ chẳng dám trở dậy thay. Những lúc Chua đi vắng, ở nhà chăm con trong gian buồng ngàn ngạt mùi gỗ cà chắc, lòng Mỷ ngùn ngùn dâng lên nỗi lo sợ. Cái ánh mắt chòng chọc và hơi thở, tiếng trở mình của Dơ cứ lởn vởn trong từng nếp nghĩ của Mỷ, không tài nào ngắt ra được.

*

Sau đợt mưa phùn lây rây cả tuần liền, tháng Chạp đến, cái rét đã thấm vào từng nếp nhà nhỏ. Bao nhiêu củi cái, củi đực chất vào bếp lửa cũng không đủ hơi ấm đẩy cái rét ra ngoài bậc cửa. Trời rét khiến trẻ con dễ bị ốm. Thằng con Mỷ ho lục khục từ đầu tháng đến giờ, uống cả chục thang lá thuốc mua của lão lang y già vẫn chưa khỏi. Da dẻ nó vàng như bôi nghệ. Cục bướu ở cổ ban đầu chỉ nhỏ như quả cà pháo rồi to dần, to dần bằng quả trứng gà, giần giật đỏ.

- Đến lá thuốc còn chịu thì phải mời thầy mo thôi! - Trưởng bản bảo.

Chua cãi:

- Phải đưa nó xuống bệnh viện dưới thành phố xem sao, trưởng bản à.

- Đầy người học đòi xuống bệnh viện dưới thành phố, tốn cả con trâu cũng có ích gì đâu à? Đến người dưới xuôi còn phải lên đây xin lá thuốc chữa bệnh cơ mà. Thầy lang không chữa được thì chỉ có nước gọi thầy mo đến thôi.

Mời thầy mo cũng tốn cả con lợn đen béo nhất chuồng rồi. Thầy mo bảo, có con ma nữ thắt cổ chết ở đây mấy trăm năm trước đã đẻ một quả trứng vào cổ họng thằng bé. Nghe vậy, Mỷ lạnh cả sống lưng. Thầy mo chuẩn bị đồ nghề, sắp xếp theo thứ tự rồi hít một hơi thật sâu bắt đầu làm lễ. Sau khi tung nắm gạo nếp lên trời kết thúc bài cúng trừ tà, thầy mo đưa cho Chua cái ống nứa đựng một thứ phẩm đen sền sệt, dặn đêm đêm, khi con chim cú lợn cất tiếng gáy đầu tiên thì bôi vào cổ đứa bé, ngày chẵn hai vết, ngày lẻ một vết, đến lúc cái cục bướu lặn hẳn thì đốt ống nứa kia lên, pha với phân chó rồi tắm cho đứa bé.

Về phía sương bay -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Sắp tàn mùa hoa lềnh si, cục bướu ở cổ họng thằng bé chẳng những không xẹp xuống mà cứ sưng to thêm. Quả trứng gà đã hóa thành trứng vịt. Mỗi lần ho, cái quả trứng ấy lại chuyển động lên xuống một cách khó nhọc. Đêm nào, lúc con chim cú lợn gọi, thằng bé cũng khóc lẹt rẹt trong cuống họng. Ruột gan Mỷ nóng bừng như nồi cơm rượu ủ men lá. Mấy lần Mỷ hỏi Chua, có bôi cho con tiếp không? Chua gắt, thầy mo bảo sao thì cứ thế mà làm. Mỷ chưa bao giờ đi qua khỏi những sóng núi mù sương vây riết lấy cái bản làng heo hút này. Mỷ chẳng biết gì ngoài cây ngô, cây lúa trên nương. Mỷ cứ ngồi nhìn con không chợp mắt. Con khóc, Mỷ cũng khóc. Con đau, Mỷ cũng đau.

Bỗng một buổi sáng, nhân lúc hai anh em Chua đi vắng, thằng Lử rón rén chui qua rào dã quỳ vào nhà, đưa cho Mỷ nắm hạt màu trắng lẫn đỏ đựng trong chiếc túi bóng vuông vuông:

- Thuốc Tây tao mua dưới thành phố lên đấy. Giã ra, pha với nước sôi ấm cho con uống đi!

Run run cầm lấy túi thuốc, Mỷ ngỡ ngàng chưa biết phải nói gì thì Lử thao thao giải thích:

- Con gái tao cũng bị ho, nhờ uống thuốc này mà đỡ rồi à. Thằng bé cũng là con của tao mà. Tao cũng thương nó chứ!

Lử vừa chui khỏi rào dã quỳ, Mỷ liền đặt cái ấm nước lên gộc củi đang liu riu lửa. Theo lời Lử dặn, Mỷ nhặt mỗi loại một viên, giã nhuyễn như bột làm bánh. Nước sôi, Mỷ đổ vào chiếc bát nhỏ, pha bột thuốc rồi thổi nguội. Khi Mỷ vừa bưng bát thuốc đến bên chiếc nôi thì đột nhiên, đứa con ho khùng khục rồi nôn trào ra thứ cháo nhầy nhẫy Mỷ mới đút cho ăn lúc nãy quyện với những cục máu nhỏ đỏ bầm, cằn cặn. Rồi toàn thân thằng bé căng cứng và bần bật lên cơn co giật. Mỷ gào lên:

- Cứu con tôi!

Sau này, dù Mỷ phân trần rằng Mỷ chưa kịp bón thuốc cho con, Chua vẫn khăng khăng thằng bé chết do bát nước nhao nhão ấy. Người bản đồn thổi nhiều điều về Mỷ và Lử. Ngày xưa, họ yêu nhau nhưng không thành vợ chồng do mối thù truyền kiếp của hai gia tộc. Nhà nghèo, không đủ tiền thách cưới nên Chua mới phải chấp nhận làm cha đứa con hoang trong bụng Mỷ. Chua hắt hủi Mỷ như thứ dịch bệnh truyền nhiễm. Mỷ lầm lũi trên nương từ khi con gà rừng gọi sáng le te cho đến lúc con cú lợn khàn khàn kêu tối. Mỷ là con trâu. Mỷ là con ngựa. Mỷ làm việc quần quật mà đôi tay không biết nhức, đôi chân không biết mỏi. Đêm về, khi chân tay được ngơi nghỉ, lồng ngực Mỷ lại quằn quại nhớ con. Hai hốc mắt đong đầy nước.

Sau ngày mất đứa con, hai vợ chồng không còn chung giường với nhau. Mỷ cắt thân cỏ lau, đan thành một tấm chiếu, rải lên cái ổ rơm bên cạnh chuồng trâu. Ở đây, Mỷ khóc mà không sợ ai nghe thấy tiếng thút thít. Ở đây, Mỷ nói chuyện với con trong tưởng tượng mà không lo ai bảo Mỷ bị điên. Sáng nào dậy, đôi mắt Mỷ cũng đều sưng mọng, thâm quầng.

*

Mấy tháng sau, điện về bản. Hình như, bản này là nơi cuối cùng biết đến sự tồn tại một thứ ánh đèn sáng trưng không cần dầu, mỡ. Thứ ánh đèn không sợ gió, cũng chẳng sợ mưa. Rồi có quạt máy. Rồi có tivi. Cái ti vi nhà ông trưởng bản như cánh cửa mở ra trước mắt người dân một thế giới đầy khác biệt. Nơi cánh đồng rộng mênh mông gấp trăm lần những nấc ruộng bậc thang bản mình. Nơi cái chợ sầm uất mặt hàng gì cũng xếp đầy ngồn ngộn. Nơi san sát nhà cao tầng nhọn hoắt như mũi kim khổng lồ chọc thủng tầng mây. Nơi xe máy, ô tô còn chạy nhanh hơn con ngựa mờm khỏe nhất… Bao điều lạ lẫm đằng sau những sóng núi mù sương kia cứ choán lấy sự tò mò của Mỷ. Cái gùi trên lưng mình đựng một bó cỏ đã đầy, cái tivi đựng nhiều thứ thế mà không bị no, nhỉ? Đã thành lệ, những chiều đi làm về, Mỷ đều dừng lại bên gốc lềnh si, đôi mắt len lén xem tivi nhà ông trưởng bản mà như bị hút cả hồn vía vào đó, chẳng muốn dứt ra.

Và đặc biệt là sự xuất hiện những chiếc điện thoại di động chỉ bé bằng bàn tay mà ngồi một chỗ đã nói chuyện được với những người nhà ở tít bên kia đồi và xa hơn nữa. Đêm đêm, trai gái chẳng cần hẹn hò bằng tiếng đàn môi. Họ chòng ghẹo, tán tỉnh nhau qua những cuộc gọi, tin nhắn chi chít chữ. Thích nhau thì rủ nhau đi tận đâu xa lắm. Mấy tháng sau khi trở về, bụng con gái thi nhau đầy lên chềnh ễnh, chẳng biết ai mà phạt vạ, bắt đền. Chua cũng thích cái điện thoại lắm. Trưa hôm ấy, trong bữa cơm, Chua ngỏ lời với Mỷ:

- Tao muốn mua điện thoại.

- Mày muốn cưới thêm vợ à?

- Tao sẽ bán con trâu lấy tiền.

- Cái lưng mày có còng xuống mà đeo cày thay con trâu được không?

- Chúng nó bảo trong cái điện thoại có cái trò chơi kiếm tiền dễ lắm. Ngồi một chỗ còn kiếm được nhiều tiền hơn mày gội sương làm mấy mùa ngô.

Từ ngày bán trâu mua điện thoại, mắt Chua chỉ còn biết dán vào những lá bài trong màn hình, ngón tay bấm bấm, gạt gạt liên hồi, chẳng chịu làm gì cả. Đàn lợn, bầy gà trong chuồng nối đuôi nhau xuống chợ phiên đổi lấy những tấm thẻ nhỏ như cánh hoa lềnh si để nuôi điện thoại. Nuôi một cái điện thoại tốn hơn nuôi ba cái miệng ăn. Chua là con thiêu thân bị hút vào ánh đèn ảo giác. Rồi đến lượt thằng Dơ cũng hóa thành con thiêu thân sau khi vay tiền mua một cái điện thoại gấp đôi cái của Chua. Mấy lần, Mỷ thấy em chồng cầm điện thoại chằm chặp xem gì đó, trong xó bếp, mắt đờ đẫn theo từng âm thanh đứt quãng. Con trâu đi rồi, cái cày bỏ không. Đất trên nương chỉ còn dấu chân Mỷ. Mờ sáng đến chiều tối, lưng Mỷ gập cong như lá ngô già rũ gió cuối đông…

Đêm ấy, Chua mang điện thoại sang nhà bạn ở bản bên chơi, không về. Bản mất điện. Đèn hết dầu. Mỷ nằm trơ trọi, đầu nghĩ vẩn vơ. Chợt, có tiếng bước chân trên sàn khe khẽ. Nỗi sợ khiến tim Mỷ đập nhanh dần. Mỷ kéo mảnh chăn ngang hõm cổ. Bất thình lình, một bóng đen đổ ập lên người Mỷ, nồng sặc mùi rượu. Nhanh như cắt, đôi tay của bóng đen giật lấy mảnh chăn rồi xé toạc áo Mỷ. Mỷ hét lên théo thắt. Mỷ càng hét đôi tay ấy càng mạnh bạo khua khoắng, nhào nặn. Mỷ vừa hét, vừa đấm lưng bóng đen thùm thụp. Rồi một bóng đen khác xuất hiện, soi cái đèn pin vào bóng đen đã hiện nguyên hình là em chồng Mỷ. Ngược ánh đèn pin, Mỷ vẫn nhìn ra gương mặt Lử. Lử lao đến, đấm một phát mạnh vào mặt thằng Dơ. Nó hét lên một tiếng rồi ôm mặt, oằn oại. Lử giật Mỷ dậy, giọng gấp gáp:

- Mày ở đây sẽ khổ suốt đời!

Mỷ nhìn em chồng, nhìn cái bàn thờ rồi lưỡng lự khựng lại, ngực vẫn bật lên những tiếng nấc nghẹn.

- Nhanh lên. - Lử gắt - Thằng Dơ hóa thành con quỷ rồi. Còn thằng Chua bị con ma điện thoại ám, nó chỉ mê những con nhái cởi truồng trong đấy thôi!

 Thằng Dơ gượng dậy, rút con dao Mỷ vẫn thường để dưới gối trừ tà, nhoài về phía Mỷ. Lử đã kịp giơ tay đỡ lấy nhát dao. Chiếc đèn pin rơi xuống sàn nhà. Mỷ co rúm lại trong vòng tay Lử. Lử nói như ra lệnh:

- Chạy!

*

Thành phố đẹp như trong tivi Mỷ vẫn lén xem nhà ông trưởng bản. Lử dẫn Mỷ vào một dãy phố huyên náo, mua cho Mỷ hai bộ quần áo mới thơm nức, mời Mỷ ăn một bát phở đầy thịt bò tái và thuê xe tắc - xi chở Mỷ đi chơi loanh quanh một vòng thành phố. Rồi chiếc xe dừng lại trước một ngôi nhà bảy tầng cao nghễu, sơn hồng. Một người đàn ông môi đỏ, mắt xanh, mi cong vút, bước ra, hoa hoa những ngón tay tỉa tót bóng bẩy, đon đả:

- Kính chào các Thượng đế! Mời vào! Mời vào!

Lử nháy mắt với người đàn ông kia:

- Gà đồi!

Người đàn ông đảo mắt nhìn nghiêng, nhìn dọc một lượt từ gương mặt xuống đến ngón chân rồi cầm cái điện thoại day day vào bầu ngực Mỷ, giọng lả lướt:

- Cũng OK đấy!

Đúng lúc ấy, Mỷ thấy một người con gái mặt búng ra sữa, tóc vàng, váy ngắn nửa đùi, áo hai dây nửa ngực đang bá vai một ông già đầu hói từ cầu thang bước xuống. Chợt lờ mờ vỡ ra, Mỷ hít một hơi thật sâu rồi quay lưng bỏ chạy. Lử và đàn em của người đàn ông ẻo lả liền hối hả đuổi theo. Con đường kìn kìn xe cộ. Mỷ chạy ngược chiều những chiếc xe tải, xe máy đang lao vun vút. Vừa chạy, vừa ngoảnh lại đằng sau, chân Mỷ va phải cái cột mốc trên vỉa hè, đau nhói lên tận óc. Bọn thằng Lử vẫn chưa chịu buông tha. Mỷ cắn răng, cắm đầu cắm cổ mà lết. Phía trước là khu chợ lớn ồn ã. Cứ thế, Mỷ chui rúc vào dòng người đông nghìn nghịt…

Trời hửng sáng, Mỷ mới tìm về đến bản. Rạc rài. Xơ xác. Trước mắt Mỷ là hai nhánh đường. Một nhánh dẫn về chỗ người sống. Nhánh còn lại đưa đến nơi người chết. Mỷ đứng lặng bên gốc lềnh si hồi lâu. Cây lềnh si thâm trầm rải xuống những đợt cánh hoa tầm tã, đỏ bầm như vết thương trúng độc. Mình chẳng còn nhà để về nữa. Đôi chân dắt Mỷ ra mộ đứa con ở bìa rừng. Phía ấy, sương bay bay thành từng vệt buồn lơ thơ trong gió. Cỏ ướt bên mộ lõm xuống thành hai hõm mờ sát nhau, còn mới. Mỷ nằm rạp lên nấm cỏ sương, nức nở. Bất giác, sau lưng Mỷ chợt vang lên tiếng bước chân lịch thịch. Mỷ quay đầu lại. Chua đang đứng đó, với đôi mắt ướt nước, lặng lẽ:

- Thằng Dơ bỏ vào rừng rồi. Về với tao đi, Mỷ ơi!

Rồi Chua sà đến ôm Mỷ thật chặt. Lần đầu tiên, Mỷ cảm thấy vầng ngực Chua ấm đến thế, ấm hơn những giọt nước mắt đang rơi trên má Mỷ...

Truyện ngắn của Phan Đức Lộc
.
.