Trở về

Thứ Hai, 21/08/2023, 09:02

Đêm rằm mười lăm, mùa đông miền Trung lạnh buốt, những cơn mưa phùn khiến không gian càng như thẳm sâu hơn, người làng Thiết đã cửa đóng then cài từ sớm. Gã chọn cho mình một tán cây ngồi ngụy trang và đợi. Những cơn gió thổi ngang qua, ngọn cây bị gió xô vút lên âm thanh vù vù. Tiếp theo sau đó là tiếng hú, những tiếng hú dài của sinh vật rừng, cứ mênh mang, dằng dặc, rùng rợn, rồi tiếng nước khua. Chẳng lẽ nơi đây có ma thật.

Gã châm thuốc. Khói thuốc mỏng tang bay vắn víu lẫn trong màn mưa như rây bột. Đóm đỏ nhỏ xíu nơi đầu môi ấy sẽ làm cho gã tỉnh táo, dù nó khiến cho lá phổi vốn không khỏe mạnh của gã trở nên tồi tệ hơn. Mỗi lần hít vào rồi nhả khói thuốc ra, cổ họng gã cũng phát ra những tiếng rin rít, đau rát đến khó chịu.

Gã về sống ở Làng Thiết cũng ngót năm bằng nghề xe ôm, đó là một buổi sáng khi chuyến xe khách gặp sự cố lúc ôm cua đoạn bùng binh đường tránh lũ, gã bị thương ở đầu phải nằm lại bệnh viện để chữa trị. Sau chữa trị gã bị mất trí nhớ không rõ nguyên nhân, ai hỏi gì cũng không biết, chỉ ngớ người ra một lúc rồi ôm đầu kêu đau. Lâu ngày như thế người làng Thiết chẳng ai buồn gặng hỏi gã điều gì về quá khứ, họ bàn nhau để gã ở tạm nhà của bà Niếc vừa mới qua đời, bà Niếc chẳng có con cái, cháu chắt gì, có gã đi về hương khói cho bà Niếc cũng đỡ lạnh nhà. Thế rồi gã ở luôn đấy, thành một phần của làng Thiết.

Mỗi sáng gã dắt chiếc xe máy dream cũ của bà Niếc để lại ra gốc cây đa làng cạnh bến sông đợi người làng Thiết sau buổi quăng lưới về bến thuê gã chở cá xuống chợ, hoặc đi giao cá cho các nhà hàng dưới huyện. Mỗi chiều gã đậu xe trước cổng quán bà Mận đợi đám thanh niên nhậu say thuê chở xuống huyện hát hò hoặc chở họ về nhà theo yêu cầu. Những hôm vắng khách gã lại móc mồi đi giăng câu cùng những người đàn ông làng. Đàn ông làng Thiết bảo gã hâm hấp không bình thường, chẳng có vợ con gì nên cũng không phải lo toan lắm. Vừa làm vừa chơi, không thích làm thì ngủ. Ai đời già cái đầu rồi có hôm còn cởi trần đu theo đám nhỏ tắm sông, lặn bùn. Mà gã lặn rất giỏi, mỗi lần lặn là ngụp sâu dưới đó hàng phút khiến bọn trẻ nháo nhác chờ, mỗi khi ngoi lên khỏi mặt nước đầu gã bao giờ tóc cũng lẫn bết bùn đất, rong cỏ.

0b9272ba27b5f5ebaca41.jpg -0
Minh họa: Hà Huy Chương

- Thằng ấy sống bẩn bỏ bà!

Đàn ông xóm Thiết vẫn thường nói thế mỗi khi cùng nhau chén chú chén anh ở quán thịt chó bà Mận. Những lời ấy gã đều nghe hết, bởi mỗi chiều khi những người đàn ông rảnh rỗi hẹn nhau ở quán bà Mận chó thì gã cũng đã đậu xe chờ khách ở gốc cây trước của quán nhưng gã chẳng bao giờ để ý vì gã biết dính vào mấy người có rượu chỉ có thiệt thân, hơn nữa người làng Thiết rất thật thà tốt bụng, họ nói thế nhưng không như thế, họ sẵn sàng cưu mang, chở che những ai yếu đuối như gã năm năm về trước.

Bà Mận chủ quán thịt chó mê gã, nhất là những lúc gã vác cây ghi ta lên vai, lênh khênh chỉ phía đồi phi lao cách giữa sông và làng Thiết phía sau quán bà để đàn hát. Tiếng đàn gã ngọt. Tiếng hát cũng ngọt. Chẳng biết gã có mê bà Mận như bà mê gã, nhưng gã vẫn thường vào nhà Mận chó chơi những ngày quán không khách, con trai bà xuống huyện cùng đám bạn. Quán nhà Mận chó có cả kho chứa rượu mà ở làng Thiết chẳng ai biết, mấy lần gã lân lê ngỏ ý được vào chiêm ngưỡng nhưng bà Mận đều lắc đầu, “kho rượu ấy chỉ thằng Thắng mới vào được!”. Bà ghé tai gã thầm thì và không quên dặn gã đừng nói với bất cứ ai, để thằng Thắng biết được gã biết trong nhà bà có kho rượu thì chết bà, chết cả gã.

Biết bà Mận thích nghe tiếng đàn của gã nên gã vẫn dùng đó để lấy lòng bà Mận mỗi khi muốn vào nhà bà chơi, lấy cớ ăn ké thịt chó vì không có tiền rồi rửa bát, kì nhà vệ sinh để trừ. Bà Mận không đồng ý “Đằng ấy ăn thì cứ ăn việc gì phải đổi công!”, nhưng gã vẫn cứ sấn vào “Tôi muốn giúp!”. Gã đổi sang xin được đi thử cái nhà vệ sinh cao cấp luôn đóng cửa để biết cảm giác của đi xả của những kẻ có tiền sung sướng thế nào, ban đầu bà Mận không cho nhưng mãi sợ gã phật lòng đành cho gã thử với điều kiện gã phải hứa “sống để bụng chết mang theo! Cái phòng vệ sinh ấy lâu nay có ai vào đâu nhưng Thắng nó cấm, hỏi thì nó trừng mắt quát”.

Những hôm ế khách gã dong xe ra bến sông, rồi xuống mỏm đất choãi ra giữa sông như hình chiếc lưỡi lè ra liếm ngang đoạn sông để ngắm nhìn bọn trẻ chơi đùa. Trong cái dáng đứng của gã dong dỏng chẳng khác nào cái hình nộm đuổi côn trùng trên cánh đồng làng Thiết mùa lúa non. Lũ trẻ chạy chung quanh gã, vừa chạy vừa vọc đất ném vào đầu nhau, thi thoảng ném cả vào lưng gã, gã chỉ cười, chúng lại nhảy ùm xuống sông. Gã chau mày nhìn về phía sông, đăm chiêu như vẻ tìm kiếm thứ gì đó.

- Này, mấy cái đứa kia, có lên không thì bảo! Mẹ đã bảo chúng mày, có tắm thì lên phía trên mà tắm, chỗ ấy nước độc sông thiêng, hà bá nó lôi chân cả đám rồi cơ mà!

Tiếng mắng con của người đàn bà làm suy nghĩ gã dứt đoạn. Trong cái dáng bà ta mới tội nghiệp làm sao, chân dẫm đành đạch, giọng hoảng sợ, lo lắng pha lẫn bất lực vì cái tính ham chơi hay quên lời của bọn trẻ.

Người làng Thiết bao đời gắn liền với con sông làng, bao đời mưu sinh trên sông làng nhưng chẳng hiểu từ bao giờ tuyệt nhiên chưa thuyền cá nào dám buông lưới ở gần khu vực có hình cái lưỡi liếm ngang ấy. Cùng một nhánh sông nhưng từ doi đất choãi ra ấy ngược lên đầu nguồn thì dòng nước rất hiền, còn từ ấy trở xuống thì nước sông sâu và thường có những con sóng xiết cuộn tròn bất thình lình, người ta ví đoạn sông ấy không có đáy, trước đây có một thiếu nữ bị ngăn cấm chuyện yêu đương nên gieo mình xuống đó, hàng tháng cứ ngày rằm, mùng một là lại hiển linh kéo người khác xuống để thế chỗ cho mình, đêm khuya khoắt người ta nghe tiếng bước chân, tiếng phá nước, tiếng chim te hót lẫn trong tiếng người cười, cứ thế lời người này đồn sang tai người kia mà thành chuyện. Chẳng biết câu chuyện ấy có từ bao giờ, thật hư thế nào, nhưng đó là nỗi sợ hãi trong lòng của người dân làng Thiết và tuyệt nhiên những đêm rằm, đầu tháng nhà nào cũng cửa đóng then cài, trẻ con được khua đi ngủ từ rất sớm.

Bọn trẻ theo mẹ chúng trở về nhà, gã ngồi thần người nghĩ ngợi bên mép nước. Từ ngày gã đến làng Thiết gã chưa hề thấy con sóng nào cuộn xiết chảy ngược, cũng chưa thấy có ai đuối nước ở đoạn sông này, có điều gì đó bí ẩn dưới khúc sông kia, cũng có điều gì đó bí ẩn nơi gã.

Dấu chân của bọn trẻ sót lại bên mép nước làm mắt gã nhòe đi. Trong gã day dứt như đang nhớ về điều gì đó ở nơi xa xôi nhưng luôn canh cánh trong lòng. Gã cứ di đi di lại ngón tay trên dấu chân con trẻ ấy, từng con sóng lăn tăn choãi vào lấp liếm trọn dấu chân. Hoàng hôn ối đỏ trên mặt sông từ ánh nắng cuối ngày trên cao rọi xuống. Đâu đó mùi hương dũ dẻ thoảng qua thơm ngọt, những bông hoa vàng bọn trẻ thả xuống sông trôi càng lúc càng xa, trôi xuống cả phía khúc sông sâu hiểm mà người làng Thiết không ai dám đến. Mặt sông lăn tăn gợn sóng, thảm hoa cứ dềnh lên dềnh xuống nhẹ nhàng như thảm voan vàng đang bồng bềnh trên gió. Đôi mắt gã hoe đỏ. Tiếng cười con trẻ gợi cho gã một nỗi nhớ khắc khoải mà chỉ trong lòng gã mới biết được.

*

Mùa đông ở thành phố cao nguyên nắng nhẹ, những chùm hoa đậu anh đào màu hồng phớt thả vào chiều gam màu dịu dàng. Ngang qua cô lao công đang cần mẫn gom những cánh hoa rơi rớt dưới gốc cây rồi lại lầm lũi đẩy chiếc xe chuyên dụng để rác lên dốc, Thanh khựng lại chốc lát, mắt cô hoe đỏ, có một khoảng thời gian Trường cũng đi làm với bộ đồng phục của nhân viên vệ sinh môi trường như thế, con trai Thanh sáng nào cũng khóc ré lên vì không thích.

Đợi con ở cổng trường, vừa thấy Thanh thằng bé đã lao ra, ôm ghì lấy cô khóc nức nở, cô đoán chắc đã có chuyện gì kinh khủng xảy ra với thằng bé, chưa bao giờ thằng bé khóc và sợ hãi đến thế. Thanh siết chặt con vào lòng trấn an, thằng bé cứ dụi mặt vào mẹ không dám nhìn bạn bè, xung quanh nó đám bạn học cùng trường đang chờ bố mẹ đến đón chỉ trỏ xì xầm bàn tàn, Thanh nhanh chóng đưa con rời khỏi cổng trường, suốt đoạn đường về nhà, thằng bé không thôi nấc nghẹn, chắc hôm nay nó đã khóc rất nhiều.

Những chiếc lá vàng rụng bay lất phất trong không gian, rồi rơi rớt xuống lòng đường, lại bị gió cuốn lại, vần vò đảo lộn cho tơi tả thêm lần nữa trước khi lạc vào góc nào đó trên mặt đường. Thường ngày, thằng bé rất thích đếm những chiếc lá rụng bay qua mặt hai mẹ con, rồi nó sẽ reo lên khi đến sạp hàng của cô bán bánh quẩy nơi gốc cây xà cừ, bao giờ nó cũng xin mẹ mua cho hai cái bánh trước khi về nhà. Phía trước, một tổ cảnh sát giao thông đang dừng xe bên đường, quét dọn, nhặt những viên đá chẻ do chiếc xe nào đó làm vương vãi cho vào bao. Ngang qua tòa nhà của đội trinh sát đặc nhiệm, thằng bé đứng lặng yên nhìn vào chặp lâu, Thanh phải giục mãi thằng bé mới chịu theo mẹ. Vừa về đến nhà, thằng bé đã lại nức nở:

- Các bạn bảo, bố theo người ta rồi, bố không về với mẹ và con nữa…!

Thanh ghì thằng bé vào lòng. Thì ra hôm nay ở trường nó đã bị bạn bè tẩy chay không chơi, nguyên nhân là từ bố. Trong thằng bé, bố luôn là thần tượng đáng kính nhất, đi đâu nó cũng tự hào khoe rằng bố nó là cảnh sát, bố rất giỏi, nó có thể ngồi mân mê ngôi sao trên vai áo bố chặp lâu mà không thấy chán, nó tự hào khoe những món đồ chơi bố mang về với các bạn hàng xóm, chỉ cần cuối tuần nào được vào đơn vị thăm bố là y như rằng hôm sau đến lớp nó như người hùng ngồi chính giữa chung quanh là bạn bè xúm lại nghe nó kể chuyện về nơi bố ở. Thằng bé luôn nói với Thanh rằng “sau này con cũng sẽ là cảnh sát như bố”. Phải làm sao để chị có thể giải thích cho con hiểu, chị không thể nói với thằng bé rằng những gì bạn nó nói ở trường chiều nay không phải sự thật. Nhìn những giọt nước mắt của con, chị chỉ biết ôm con vào lòng khẽ nói:

- Rồi bố sẽ về, con ạ!

- Những lời các bạn nói không đúng phải không mẹ, bố chỉ đi công tác xa…

Thanh gật đầu trả lời con, rồi chị cũng khóc, chị khóc vì thương con, thằng bé đã bị tổn thương vì các bạn ở lớp tuyên bố tẩy chay thì ít mà vì nhớ nhung thì nhiều. Chị khóc vì nhớ anh. Đã hơn năm nay anh không về nhà, điện thoại không liên lạc được. Đêm ấy, đã hai giờ sáng, sau cuộc điện thoại, anh trở dậy và thông báo với chị rằng đơn vị trưng dụng anh đi trực đột xuất. Bao giờ, khi phải đi làm nhiệm vụ vào giờ nghỉ anh đều giải thích với chị rằng anh “đi trực”. Có lẽ lí do ấy là hợp lý nhất để chị yên tâm, chỉ là đi trực thôi, hết buổi trực anh sẽ trở về, chị sẽ không phải lo lắng, thấp thỏm.

Chị định tiễn anh ra cổng nhưng anh kịp ngăn.

- Bên ngoài gió lạnh, em cứ ngủ đi!

Chị vén rèm, hé cửa sổ nhìn theo anh cho đến khi chiếc Honda khuất dần. Ánh đèn đường đỏ quạch trong đêm tối, mấy chị lao công vẫn lầm lũi làm công việc của mình cho kịp xong trước lúc trời sáng. Chẳng hiểu sao, đã bao lần chị dõi theo anh trong những lần anh “đi trực” như thế, nhưng lần này, trong lòng chị cảm thấy không yên, một nỗi bồn chồn, lo lắng cứ hiển hiện. Chị quay trở vào giường nằm xuống cạnh con mà chẳng thể nào chợp mắt. Từ ấy đến bây giờ, cũng ngót năm năm mà anh chưa về.

*

Đêm rằm mười lăm, mùa đông miền Trung lạnh buốt, những cơn mưa phùn khiến không gian càng như thẳm sâu hơn, người làng Thiết đã cửa đóng then cài từ sớm. Gã chọn cho mình một tán cây ngồi ngụy trang và đợi. Những cơn gió thổi ngang qua, ngọn cây bị gió xô vút lên âm thanh vù vù. Tiếp theo sau đó là tiếng hú, những tiếng hú dài của sinh vật rừng, cứ mênh mang, dằng dặc, rùng rợn, rồi tiếng nước khua. Chẳng lẽ nơi đây có ma thật.

Gã xoay người trong tán lá được ngụy trang kỹ từ trên tán cây, lắng nghe thật kĩ, pha lẫn trong âm thanh não nùng của loài chim te hót hình như là tiếng bước chân người. Gã phát hiện ra tiếng loài chim kia là giả, có thể được phát ra từ chiếc máy ghi âm nào đó. Sau chừng khoảng hai tiếng đồng hồ thì những âm thanh ấy tắt dần. Gã quan sát, từ trong những tán cây phía bên kia, bóng dáng vài người đàn ông từ từ tụt xuống.

Sau một hồi cố gắng quan sát, gã nhận ra giọng của Thắng sẹo, con trai nhà bà Mận, cũng vài lần gã chở Thắng hoặc vài người bạn của Thắng xuống huyện sau khi họ say sưa với rượu trắng thịt chó ở quán bà Mận. “2 giờ đêm nay, tao có đặt con cầy tơ!”. Tiếng Thắng sẹo nói chỉ đủ để đồng bọn nghe, rồi hắn ra hiệu cho đồng bọn đang khua khoắng trên mặt sông bằng một vệt lia chớp nhoáng nhỏ xíu của chiếc đèn pin, sau đó nhanh chóng rút lui. Thì ra là vậy, bọn chúng quả thật rất xảo quyệt, chúng đánh lạc hướng bằng cách tạo ra những câu chuyện ma mị để mọi sự nghi ngờ của lực lượng chức năng đổ dồn vào khúc sông phía hạ nguồn.

“Khoảng 2h đêm nay, quán cầy tơ bà Mận!”.

Đêm sâu hun hút. Tiếng côn trùng rả rích.

Quán thịt chó lọt thỏm dưới chân dốc, phía sau là dãy nhà dài chỉ có một lối dẫn đến nhà vệ sinh, còn một lối dẫn đến kho chứa rượu. Quán bà Mận nổi tiếng nhất làng với nhiều loại rượu ngâm thảo dược quý. Đúng như dự định của gã, kho rượu có chứa đường hầm bí mật dẫn ra đoạn sông phía thượng nguồn, một lối hướng về phía hạ nguồn. Gặp trường hợp cấp bách bị vây bắt, bọn chúng sẽ tẩu thoát bằng con đường đó nhưng sẽ chạy ngược lên phía thượng nguồn để trốn thoát. Hạ nguồn sông làng Thiết chỉ là cái bẫy chúng giăng ra để đánh lừa lực lượng chức năng. Điều này gã biết được trong một lần được bà Mận cho vào nhà và gã lừa bà đau bụng nhờ đi mua thuốc hộ.

Hai giờ ba mươi phút, khi ông trùm của hai bên mua bán đã có mặt, một tên đàn em mở nắp vung chiếc nồi, hắn nhẹ nhàng nhấc những chiếc dĩa xếp đầy thịt cầy hấp lên quá nửa để đối phương nhìn xuống kiểm tra, hai bên mua- bán thực hiện giao dịch giao tiền và hàng, khi chiếc vali vừa đưa sang phía bên kia thì tiếng còi hú vang lên bốn phía. Bọn chúng hoảng loạn quay sang chống trả, tên trùm của băng nhóm bị bao vây khi vừa chạy đến cuối con đường hầm giáp bờ sông.

Trong lúc thoát chạy, hắn đã kéo theo bà Mận để làm con tin. Hắn yêu cầu lực lượng chức năng lùi lại, hắn kéo bà Mận cùng hắn lên chiếc thuyền đã chuẩn bị sẵn ở mạn sông, hòng sang qua bờ bên kia và theo đường rừng trốn thoát, nhưng khi vừa bước chân lên mui thuyền thì gã đã nấp sẵn ở dưới, gã nhanh chóng nhảy lên bật hắn ngã xuống từ phía sau, bà Mận thoát được khỏi tay hắn, hắn nhanh chóng quay tay cướp lại được khẩu súng vừa rơi xuống, liều mạng xả súng. Một viên đạn kịp xuyên vào lưng gã trước khi hắn bị lực lượng khống chế.

*

Trường tỉnh dậy khi nằm trong bệnh viện, xung quanh anh là đồng đội. Anh đảo mắt tìm, phía cửa, mẹ con Thanh bước vào. Thằng bé òa khóc nức nở rồi ôm chầm lấy anh. Thanh ngồi xuống cạnh Trường. Chị không giấu được những giọt nước mắt buồn tủi xen lẫn hạnh phúc. “Lần này anh đi trực lâu quá!”. Trường với tay lau những giọt nước mắt bên má Thanh “Em gầy đi nhiều quá!”.

Làng Thiết mấy hôm nay yên tĩnh hẳn, câu chuyện về đoạn sông sâu, hiểm, có ma đã được sáng tỏ. Quán thịt chó bà Mận đóng cửa, niêm phong để phục vụ điều tra. Trên mặt báo đầy rẫy tin tức về đường dây buôn bán ma túy bị công an tóm gọn sau hơn năm năm đấu tranh, điều tra. Đám trẻ có đứa nhắc đến gã xe thồ# lập dị, từ hôm ấy đến giờ mọi người chẳng còn thấy gã, người lớn xì xào, có người bảo gã là đồng bọn chuyên vận chuyển ma túy dưới danh nghĩa xe thồ, phần lớn mọi người lắc đầu “Không, gã tuy lập dị, sống bẩn nhưng gã rất tử tế, gã là công an”. Người làng Thiết tuyệt nhiên chẳng ai chắc chắn về thân phận của gã, nhớ lại họ cũng thấy làm lạ vì chuyến tai nạn xe khách năm đó, sao chỉ mỗi mình gã bị thương? Nhưng rồi, vốn dĩ là những người nông dân chân chất, họ nhớ đó, chất vấn nhau đó nhưng rồi lại quên đó, dần dần sẽ chẳng ai còn hỏi han đến gã.

*

Thành phố bắt đầu vào mùa sương, buổi sớm đầu tuần mờ ảo, những chòm sương chờn vờn như màu khói mùa đốt đồng bay trên mặt sông. Trường soi gương, sờ nắn khuôn mặt mình, đã quá lâu rồi anh mới lại có được cảm giác nhẹ nhàng khi cắt bỏ bớt râu tóc. Anh hít thở thật sâu. Trong căn nhà vắng bóng đàn ông đã lâu, thằng bé tíu tít quanh bố không rời. Thanh mở cửa sổ, cả gia đình tựa vào nhau ngắm nhìn phố phường buổi sớm mai. Anh mở chiếc ba lô, lấy chiếc hộp giấy đựng đầy những bông dũ dẻ được anh ép khô trong khoảng thời gian anh sống ở miền Trung tặng Thanh, anh đặt lên trán cô nụ hôn nhẹ, nhìn cô đầy yêu thương “Cảm ơn em đã luôn tin tưởng anh!”. Thanh tựa vào vai Trường, ngoài khung cửa, cánh chim đảo cánh bay vụt lên không trung, tiếng hót trong trẻo như còn đọng lại phía sương…

Truyện ngắn của Trương Thị Chung
.
.