Trong vòng tay của đất

Thứ Sáu, 28/07/2023, 11:04

Người ta vẫn nói, gái một con trông mòn con mắt. Bao ánh mắt thèm khát của đàn ông chiếu rọi vào chị. Những lời tán tỉnh suốt ngày lượn bay quanh cuộc sống của mẹ con chị. Nhưng, chị bị công việc cuốn đi mê mải ngày này sang tháng khác. Đêm về, ôm chặt con vào lòng, chị thao thức với nỗi nhớ chồng, nhớ đến những kỷ niệm yêu thương gắn bó.

1.

Đêm hành quân qua thị xã, gió Lào ràn rạt thổi, phố thị cong mình lặng lẽ trong cái nóng hầm hập. Anh được phép của thủ trưởng đơn vị ghé qua nhà trong vài tiếng đồng hồ. Ngày anh nhận lệnh đi B, con trai chỉ hai tháng tuổi. Giờ gặp lại, anh không nói được tiếng nào vì cảm xúc đã vắt thành dòng nước mắt trên nụ cười mừng mừng tủi tủi. Đôi vợ chồng trẻ ôm chặt lấy nhau, căng hết lồng ngực như muốn hít hết hơi thở, hết mùi hương của nhau, tưởng chừng như chỉ một lần này và mãi mãi.

Anh ôm con trai vào lòng, áp khuôn mặt non nớt của con vào mặt mình, hít mùi sữa thơm thơm của con, như cố nén xót xa, cố nén tình thương vợ con đang trào dâng trong lòng. Kìm nén những yếu đuối, mềm lòng, anh vỗ về chị:

- Em ráng nuôi con, đợi anh về.

Miệng dặn vợ mà lòng dạ quặn lên nỗi lo âu những suy nghĩ mông lung váng vất. Chị run rẩy ôm siết lấy chồng trong nỗi lo sợ mơ hồ. Nhưng rồi sợ anh lo lắng, chị trấn tĩnh và buông tiếng "dạ" thật bình thản. Hội ngộ và chia ly. Thổn thức và xót xa. Chỉ trong giờ phút này. Đời người đôi khi chỉ một giây khắc mà miên trường lưu dấu. Chị hiểu, chiến tranh không phải trò đùa, cuộc tao loạn dâu bể may rủi của sự sống và cái chết. Vĩ tuyến của sinh tử nó mỏng manh như một lằn ranh vô định. Chỉ trong giờ phút này, còn gặp được nhau là còn thấy mình hạnh phúc.

Hồi ấy, hai mươi tuổi, chị là hoa khôi một thị xã miền Trung. Nước da trắng hồng, dáng cao thon thả và mái tóc óng mượt bồng bềnh. Khi ấy, anh là cử nhân văn khoa, vừa ra trường đi dạy. Anh dạy Văn cấp ba, chị làm trong cơ quan bưu chính ở huyện. Tình yêu nồng cháy của đôi trai tài gái sắc mà bao nhiêu người ngưỡng mộ và ao ước.

Nhưng cuộc trăm năm êm đềm chưa được bao lâu, khi hai tình yêu đã ươm mầm trong chị thì anh có lệnh nhập ngũ. Nhưng ngày đầu xa nhau, chị quay quắt trong nhớ nhung. Hàng đêm, chị ôm chiếc gối còn ấm hơi chồng thì thầm trò chuyện với đứa con trong bụng.

32d2d73b5225817bd8344.jpg -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Chiến sự đang hồi ác liệt, anh ở quân trường tham dự lớp huấn luyện đặc biệt. Anh được học khóa sĩ quan cấp tốc, làm trợ lý tuyên huấn. Bom đạn xéo giày liên hồi. Thời gian như thoi quay nhanh bởi những trận càn, những lần quân hành. Anh không có nhiều thời gian để biên thư cho chị như đã hứa lúc lên đường. Ngay cả lúc tròn tháng, đủ ngày, chị sinh hạ được một bé trai khôi ngô tuấn tú, giống anh như đúc. Muốn kể cho hết những vui mừng trong lòng mình, nhưng cánh thư vẫn xa xăm dịu vợi. Nhớ thương anh bao nhiêu, chị dồn hết cho đứa con trai.

Mãi đến hôm nay, vài tiếng đồng hồ sum vầy vụt qua mau. Giá như chị có thể níu thời gian dừng lại. Nhưng cuộc đời làm gì có hai chữ giá như. Anh từ biệt chị trong tiếng thở kìm nén, cặp mắt đục ngầu hoe đỏ. Ôm vợ con lần cuối, anh vụt chạy. Chị ôm chặt con trai vào lòng, đứa bé như cảm nhận được sự bất an trong trái tim chị nên nó choàng thức giấc, khóc ré lên. Chị thấy mắt mình nhòe đi, môi mình mặn đắng.

Vầng trăng đêm ấy như cũng bàng hoàng sững lại giây lát rồi lặng lẽ theo bước chân anh. Bóng chị đổ dài trong đêm. Hun hút.

2.

Đất nước gần về cuối thập niên sáu mươi, cả miền Bắc hướng về chiến trường. Chị chuyển công tác ra Thủ đô. Hai mẹ con chị ở trong khu tập thể cơ quan. Một mình chị vừa đi làm vừa nuôi con, với muôn vàn cực khổ thời chiến. Con trai chị mảnh khảnh, ngoan, và theo mẹ như cái đuôi. Anh chị em của chị cũng đã ra Hà Nội công tác nên mẹ con chị cũng đỡ cô đơn.

Người ta vẫn nói, gái một con trông mòn con mắt. Bao ánh mắt thèm khát của đàn ông chiếu rọi vào chị. Những lời tán tỉnh suốt ngày lượn bay quanh cuộc sống của mẹ con chị. Nhưng, chị bị công việc cuốn đi mê mải ngày này sang tháng khác. Đêm về, ôm chặt con vào lòng, chị thao thức với nỗi nhớ chồng, nhớ đến những kỷ niệm yêu thương gắn bó. Nén chặt dòng máu thanh xuân đang chảy bổi hổi trong tim, nhiều lúc, chị tưởng mình không thể đứng vững. Nhiều lúc, chị ước chi mình khô héo đi, để không còn phô ra sự mơn mởn của gái một con, để những lời ong ve bàn tán buông tha chị.

Những ngày anh mới vào chiến trường, thỉnh thoảng chị có nhận được thư anh theo đường giao liên qua các binh trạm. Địa chỉ là những hòm thư số. Nhưng, anh càng vào sâu thì tin càng ít và tắt hẳn. Chị biết do mức độ ác liệt của cuộc chiến. Những người phụ nữ như chị cũng chỉ mong ngóng những tin tức đâu đó trên báo đài. Vậy thôi, cánh thư chẳng thể băng mình qua lửa đạn mà nối những tâm tình. Chỉ một thứ duy nhất nối liền được đó là tình yêu. Tình yêu chính là sợi chỉ vô hình nhưng bền bỉ trông chờ với người ở lại và thắp sáng niềm tin cho người ra chiến trận. Thứ tình yêu minh định ấy, nuôi nấng biết bao tảng đá vọng phu của thời cuộc khi ấy.

Có những đêm giao thừa, giữa thời khắc mùa nối mùa luân chuyển, giữa thời khắc thiêng liêng của sự đoàn viên, chị ôm con trai bé bỏng vào lòng, mơ hồ lóe lên hy vọng ngày kết thúc chiến tranh sắp cận kề, anh sẽ về với mẹ con chị. Đã bốn năm rồi, chị không nhận được tin chồng. Nhưng, chiến cuộc nào đâu đoán định được. Ngày cuộc chiến rơi vào khốc liệt nhất, chị phải gửi con về nơi sơ tán, còn mình ở lại Thủ đô để vừa công tác vừa tham gia trực chiến.

3.

Càng lớn, con trai chị càng giống anh. Mỗi khi ngắm con, chị bồi hồi như thấy hình bóng quen thuộc của anh. Như thấy anh đang nhắn nhủ với chị điều gì đó hệ trọng. Ngỡ cuộc sum vầy sẽ đong đầy niềm vui thì từ nơi sơ tán về, mẹ con chị nhận được giấy báo tử của anh. Chị ngơ ngác không tin. Chị không đời nào tin là anh đã chết. Anh đã hứa là anh sẽ trở về. Chị chỉ tin vào những lá thư anh gửi từ khói lửa đạn bom về cho chị.

Nhưng, những người quanh chị cứ nói với chị là anh không thể về nữa. Họ khuyên chị tin rằng anh đã hy sinh. Tình yêu đâu phải là một thứ quyền năng vô hạn để ban phép cho đôi lứa vĩnh hằng. Tình yêu không thể trả lại cho bất cứ người vợ nào sự trở về nguyên vẹn lành lặn của người chồng. Nhất là những cuộc chiến tang thương thế này. Sự nghiệt ngã của chiến tranh phủ lên số phận đàn bà sự cô đơn đến độc bước. Rất lâu sau, thời gian thổi tắt ngọn lửa hy vọng yếu ớt, chị mới tin là anh đã thật sự rời xa chị. Những tưởng, chị không còn sức mà đứng dậy. Nhưng rồi ánh mắt thơ ngây, tiếng thỏ thẻ của con trai đã khiến chị có thêm sức lực để đứng lên, lầm lụi, bấu víu vào nhau.

Phố vẫn đông vui dù có những người không trở về như anh. Nắng mưa vẫn vô tư cho mùa màng trổ hoa kết trái. Chỉ có đêm mới chứng kiến nỗi cô đơn vò võ của chị. Chỉ có chiếc gối mới đong đếm được nước mắt của chị. Chị vẫn yêu anh nhiều lắm. Tuổi thanh xuân của chị cứ thế trôi đi. Chừng ngoảnh lại, so vai gầy với heo may, chị thấy tóc mình bạc thếch theo vàng phai năm tháng tuổi đời. Chẳng ai có thể níu nổi gió. Gió cứ vậy mà ung dung thổi qua những mùa đàn bà vọng phu.

4.

Chị đi qua cuộc chiến, chị vui với ngày thống nhất, chị vẫn một mình. Và chị vẫn đẹp. Không ít lời đánh tiếng mai mối. Nhưng chị đều khước từ. Ngày con trai của chị được tiêu chuẩn sang nước ngoài du học theo diện ưu tiên con liệt sĩ là ngày chị thêm một lần cảm giác hẫng hụt, bơ vơ. Tiễn con đi, nỗi cô đơn cùng chị ở lại với hành trình đợi chờ ngày một thăm thẳm hun hút. Trước kia, chị xa anh, nhưng chị còn có con để nương tựa vào mà hy vọng ngày anh trở về, còn có động lực để đợi chờ. Giờ, con cũng rời xa chị. Chị như chim mẹ bơ vơ với cái tổ trống hoác của mình, cái tổ đã hai mươi năm luôn có tiếng mẹ tiếng con. Chị thấy mình như chim mẹ bất lực nhìn chim con vỗ cánh bay chấp chới trên trời xa. Giá như, chị có thể bay cùng con. Chị luôn ước được cùng con đi đến mọi chân trời. Nhưng rồi, lại thêm bao nhiêu năm trời vò võ, bao nhiêu bữa cơm vẫn chỉ mình chị với những tiếng thở dài.

Ngày con trai bảo sẽ lấy vợ, sinh con và định cư ở nước ngoài. Chị gật đầu nhẹ tênh. Nước mắt luôn chảy xuôi. Chị nhìn bóng câu gõ đều lên bước phố. Mùa nối mùa nối những cô đơn. Chị đi lững thững với chính mình.

Thỉnh thoảng, con mới về thăm chị, ăn với chị bữa cơm. Nhưng rồi sau đó nó vẫn đưa vợ con ra khách sạn ngủ. Căn nhà nhỏ bé ngày xưa đủ ấm cho hai mẹ con, giờ đã chật chội, bức bối với gia đình nhỏ của con. Chị như thể con chim mẹ xơ xác đứng ngoài tổ ấm của con mà run rẩy, rồi đành trở về chiếc tổ cũ càng trống rỗng của mình và tự an ủi. Con chị vẫn rất thương mẹ, nhưng nó đã quen cuộc sống tiện nghi xứ người rồi. Thôi thì thương con phải thương cả lựa chọn của con, chị phải cười nói vui vẻ cho con an lòng. Chị khóc trong buồn tủi một mình những đêm con về thăm mẹ nhưng không ngủ trong căn nhà của mẹ. Rồi tự chị lại hong khô những giọt nước mắt của mình. Những đêm đó, bất giác chị nhớ lại đêm trăng ngày ấy, lần cuối anh về, dẫu gấp gáp nhưng ấm nồng hạnh phúc.

Giữa những khoảng đời trống trải ấy, chị bám víu vào hành trình tìm anh. Anh nằm lại đâu đó ở mảnh đất Tây Nam. Hành trình dài đằng đẵng với những hoài vọng thấp thỏm. Thoảng khi nghe tin nơi nào tìm được liệt sĩ chưa có tên tuổi, chị cũng đến, và rồi ra về với nỗi buồn ngày càng đậm sâu. Mãi cho tới tận những ngày Vĩ tuyến không còn, Nam Bắc nối liền một dải non sông, vẫn còn những người phụ nữ thắt thẻo ruột gan đi tìm xương cốt chồng con. Chị cứ đi và cầu nguyện. Dẫu xương cốt đã hòa cùng đất. Chị cũng phải biết nơi anh nằm xuống. Chẳng có đất nào bạc với người. Nên có ngày đất cũng hiểu lòng chị. Chị tin thế như tin vào đất trời đúng mùa, hoa trái xanh cành.

5.

Cao xanh run rủi, thế rồi chị đã tìm được nơi anh ngã xuống. Mảnh đất Long An đã ôm giữ máu xương của anh bao năm. Anh hy sinh trong một trận càn của địch ở Bến Lức. Nghĩa trang Đức Hòa giờ là điểm hẹn của anh với chị. Chị tìm đến bên anh những lúc chị cần tâm sự với anh, những lúc chị nhớ anh da diết. Anh vẫn đang quây quần bên đồng đội nơi đây, đông lắm, ấm lắm. Ấm như nắng vàng phương Nam.

Thấm thoắt, chị đã ngoài bảy mươi. Nhiều lúc cái chân đã không muốn chiều theo ý chị nữa. Con chị lo cho mẹ, muốn đón mẹ sang để tiện bề chăm sóc. Nhưng chị chỉ sang thăm con cháu một thời gian rồi quày quả trở về. Cuộc sống nơi xa lạ không phù hợp với người lớn tuổi như chị.

Nhưng sóng đời đâu bao giờ lặng yên, nó cứ chực chờ phủ lên thân phận con người những giông tố không báo trước. Tin buồn lại đến với chị, công việc làm ăn của con trai chị đổ bể, thất bại. Thương con thắt lòng, không kịp tính suy gì cả, chị vội bán căn nhà của mình lấy tiền gửi cho con. Con trai chị nhất quyết không nhận tiền của mẹ. Nhưng chị thuyết phục con rằng mình đã già rồi, không biết ngày mai như nào, tất cả cũng chỉ dành để con cháu mà thôi! Bán nhà, cũng là bán cái nơi để chị có thể trở về, chỉ có như thế, chị mới có thể toàn tâm toàn ý qua bên ấy ở được lâu bên cạnh con cháu. Con trai chị cũng xuôi lòng. Dẫu gì từ đây không còn nỗi lo đêm hôm mẹ già thui thủi một mình. Cũng không còn lo chuyện mẹ cứ lục đục đi về đôi nơi xa xôi nữa.

Chị từ biệt anh, bạn bè, họ hàng, cố hương để sang đoàn tụ với các con trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Biết đến khi nào chị mới lại được ngồi bên mộ anh, để rỉ rả những câu chuyện vui buồn. Biết bao giờ chị lại trở về quê quán, nơi miền Trung khúc ruột hẹp chịu nhiều đau thương chiến tranh, thiên tai lũ bão. Ngày chị đi, một ngày mưa dầm thấm đất quê.

6.

Con trai chị thương mẹ, đưa chị đi đây đi đó thăm thú. Chị thấy mình hạnh phúc. Nỗi buồn đất khách và rào cản ngôn ngữ giao tiếp như không còn gánh nặng đối với chị nữa. Chị sẽ sống bình an những ngày cuối đời bên con cháu chị như thế này. Càng về già, con người ta càng sợ cô đơn. Nhưng cũng tròn trịa thời gian đầu, con trai chị còn phải làm ăn, nó đi suốt, thỉnh thoảng mới về. Các cháu nội đã lớn, bận học hành. Một ngày chị ướm hỏi con dâu:

- Mẹ sang đây ở có làm phiền các con không?

Con dâu chị ngập ngừng một đỗi rồi thật thà:

- Mẹ sang chơi ít lâu thì được. Nhưng lâu dài thì không được, con còn phải nuôi các con con!

Chị choáng váng như nuốt phải mật cá trắm, hụt hẫng như người vừa sa xuống chiếc hố được ngụy trang bằng thảm lá vàng trên con đường mùa thu rực rỡ. Nhưng chị đã kịp bình tĩnh trở lại, để con dâu chị không thấy áy náy những lời nó vừa nói. Chị không giận con dâu. Chị thấy con dâu nói cũng có lý. Chỉ là, trước giờ, chị chưa lường đến chuyện này. Chị cứ nghĩ, vợ chồng con đã bàn luận thấu đáo trước khi đón mẹ sang rồi. Giờ thì đi mắc núi, ở lại mắc sông. Ở lại thì phiền đến các con, không chừng lại khiến hạnh phúc của con rạn nứt. Mà trở về, chị biết nói sao với bạn bè, anh em họ hàng? Chị không còn nhà nữa, thì chị về đâu?

Sau mấy ngày trăn trở, chị quyết định nói với con trai chị phải về quê. Xin con làm thủ tục cho chị hồi hương. Chị lại một lần nói dối con rằng chị ở đây chịu lạnh không quen, thiếu bạn bè, họ hàng, xa bố của con nữa, chị buồn lắm. Buộc phải thuyết phục con như thế. Cả một đời cặm cụi vắng chồng, thiếu hơi con chị đã đủ thấm thía những đơn côi vò võ rồi. Nhưng con có cuộc sống riêng tư của con. Chị không muốn sự có mặt của chị làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của con. Chị viện cớ bây giờ có Internet, mẹ con bà cháu gặp nhau hàng ngày trên sóng mạng cũng được, nếu nhớ quá thì con về thăm mẹ, hoặc mẹ sẽ sang thăm con.

7.

Cuối cùng, chị cũng đã trở về quê trong một chuyến bay mà trái tim chị đau như nó được làm bằng thủy tinh, tự vụn thành trăm mảnh sau những giằng xé va đập. Chị thuê một căn hộ nhỏ trong hẻm ở một quận ven đô. Chị sống bằng lương hưu và tiền tuất của anh. Thứ quý giá nhất trong nhà trọ là cái tủ thờ có di ảnh cha mẹ chị và bố của con chị. Chuyến đi quý giá nhất với chị chính là những chuyến về thăm ngôi mộ anh. Ở đó chị như tìm được hơi ấm của tình yêu.

Đôi lúc, chị phải cố tĩnh tâm để nhớ lại xem, chị còn đang chờ đợi điều gì nữa ngoài mong ước được sớm trở về bên anh? Chị mong chuyến về đó, sẽ được nằm cạnh anh, bên những người đồng đội của anh. Cùng họ hành quân. Cùng nghe trong đất rì rầm những yêu thương. Chị biết đất không bao giờ bạc với người. Ai rồi cũng sẽ nằm gọn trong vòng tay của đất. Nhất là đất quê.

Truyện ngắn của Hoa Mai
.
.