Tiếng trúc

Thứ Bảy, 30/11/2024, 11:19

Mỵ Nương đã nghe rõ hơn tiếng sáo. Không hiểu vì nàng chú tâm lắng nghe hay người thổi sáo đó cố ý hướng tiếng sáo về phía ngôi nhà chênh chếch sườn núi. Không hiểu vì đêm trăng thanh vắng hay tiếng sáo đơn khuya khiến nàng chú ý. Trong lòng chợt thấy bồi hồi, Mỵ Nương đã nghe thấy tiếng sáo vọng lên tựa như câu hát: “Lưng trời tiếng sáo trúc bay/ Ngân nga trầm bổng đắm say lòng người/ Thiên nhiên, cảnh sắc mây trời/ Hòa trong tiếng sáo trên môi ngọt ngào”.

Sông Tương chảy như nép vào chân núi Tiêu tạo nên vành sông hình bán nguyệt, vành sông hình bán nguyệt đó cũng đồng thời là một bến sông. Thường ngày bến sông Tương khá vắng vẻ. Chỉ khi chiều về mới thấy vài ba con đò vội vã rời bến. Con đò đưa những người dân mấy làng bên kia cánh đồng lên núi Tiêu đốn củi, những người đốn củi mãi chiều tối mới xuống bến trở về nhà, trên lưng họ là những bó củi to dài che khuất lưng người.

Tiếng sáo từ bến sông vẳng lên. Nhưng Mỵ Nương không bận tâm. Nàng không ngủ được cũng còn bởi đêm nay ánh trăng rất lạ. Ánh sáng huyền ảo của trăng soi qua song cửa loáng bạc tận giường ngủ.

Mỵ Nương giật mình nhỏm dậy, nàng đứng lên và đi ra cửa. Cứ lặng lẽ bước đi như vô định, Mỵ Nương đã đi tới lầu đón gió. Nàng kiễng chân rướn người nhìn xuống bến sông, Mỵ Nương đã thấy tuy mờ mờ nhưng cũng ra hình hài của một người. Người này đứng giữa lòng thuyền chứ không ngồi cuối thuyền như người ta hay ngồi vậy. Chiếc thuyền nhỏ nín lặng neo vào bến. Dáng người đứng giữa lòng thuyền đang cất lên tiếng sáo.

z6079999296921_d5b24051b0e02cc31fb1c5bc1f303d5f.jpg -0
Minh họa: Hà Huy Chương

Mỵ Nương đã nghe rõ hơn tiếng sáo. Không hiểu vì nàng chú tâm lắng nghe hay người thổi sáo đó cố ý hướng tiếng sáo về phía ngôi nhà chênh chếch sườn núi. Không hiểu vì đêm trăng thanh vắng hay tiếng sáo đơn khuya khiến nàng chú ý. Trong lòng chợt thấy bồi hồi, Mỵ Nương đã nghe thấy tiếng sáo vọng lên tựa như câu hát: “Lưng trời tiếng sáo trúc bay/ Ngân nga trầm bổng đắm say lòng người/ Thiên nhiên, cảnh sắc mây trời/ Hòa trong tiếng sáo trên môi ngọt ngào”.

Bóng người đứng giữa lòng thuyền vẫn đang say sưa thổi sáo. Người ấy cứ đứng như vậy không hề nghiêng ngả mà thổi sáo. Mỵ Nương bỗng thấy trong lòng rộn ràng. Nàng đưa tay lên ngực giữ chặt tim mình. Tiếng sáo da diết, tiếng sáo dịu dàng, tiếng sáo như lời tâm tình thủ thỉ, như gieo vào lòng làm Mỵ Nương càng thấy bồi hồi, nàng cảm thấy như: “Khi lắng đọng, lúc vút cao/ Mê ly tiếng sáo... đi sao đànhlòng/ Bờ tre nghiêng ngọn vút cành/ Vít cơn gió giữa thinh không quay về”.

Lần đầu tiên trong đời cô gái vừa tuổi trăng tròn được nghe tiếng sáo vẳng vang giữa vùng quê sông nước. Những năm tháng sống nơi kinh thành, Mỵ Nương chẳng bao giờ có thể nghe được tiếng sáo hay đến thế. Cũng tại bởi lần đầu được nghe. Cũng tại bởi trong khung cảnh mơ màng trong đêm trăng thanh giữa ruộng đồng sông núi, giữa núi với sông, mà Mỵ Nương cảm thấy tiếng sáo đang dành cho mình: “Duyên kia ai đợi mà chờ/ Tình này ai tưởng mà tơ tưởng tình”.

Nàng cứ đứng đó mà nghe. Tiếng sáo dường như cảm thấy có người đang lắng nghe thì như da diết hơn, dường như tâm tình hơn. Tiếng sáo như gọi mời. Tiếng sáo như gần lại khiến Mỵ Nương chợt bối rối. Nàng bỗng thấy sờ sợ khi trái tim mình đập rộn rã. “Chắc là do mình mải nghe đó thôi” Mỵ Nương tự trấn an mình, nàng bước lùi lại và ngồi xuống ghế toan cất ý nghĩ nghe tiếp tiếng sáo: “Nâng tiếng sáo trúc nơi quê/ Gọi người thiếu nữ gác khuê dịu dàng”.

Không hiểu sao, tiếng sáo cũng chợt im bặt. Mỵ Nương ngơ ngác rướn mắt nhìn xuống bến sông. Dưới chân núi vọng lên tiếng gà gáy sang canh. Phía đằng đông, mờ nhạt chút ráng vàng nhạt. Trời sắp sáng. Dòng sông vắng lặng. Ánh trăng như xa dần, xa dần.

Một ngày trôi qua chậm như trăm năm. Tiểu thư Mỵ Nương thấy thời gian sao mà ác độc. Đêm qua sau khi quay về phòng mình, Mỵ Nương vẫn không sao nhắm nổi mắt. Mỗi khi nàng nhắm mắt lại là thấy văng vẳng tiếng sáo từ dưới bến sông vọng lên. Nàng mở mắt ra thì tiếng sáo ấy biến mất. Vậy nên cả đêm qua Mỵ Nương lãng đãng giấc không ra giấc trong tiếng sáo thiết tha. Nàng không dám cựa mình hay thay đổi tư thế nằm. Nàng sợ tiếng sáo bay mất.

Đêm nay, cũng phải chờ tới lúc trăng lên thì tiểu thư Mỵ Nương mới lặng lẽ rời phòng mình để bước ra lầu đón gió. Nàng nhẹ nhàng ngồi xuống ghế. Mắt hướng xuống bến sông. Con sông Tương đêm nay bỗng thấy như chảy sát hơn vào chân núi Tiêu. Mỵ Nương đã nhận ra một bóng thuyền đang chầm chậm tới. Nàng nín thở như chỉ sợ nếu mình thở mạnh thì con thuyền nhỏ ấy sẽ giật mình quay đi mất. Rồi từ dưới bến sông lại vẳng lên tiếng sáo. Mỵ Nương nhắm mắt lại để lắng nghe. Nàng đang cố hình dung ra hình hài người thổi sáo.

Là một chàng trai, đúng rồi, là một chàng trai trẻ? Mỵ Nương nghĩ thế bởi chỉ có một chàng trai trẻ mới một mình đứng dưới ánh trăng mà thổi sáo. Là một chàng trai dũng cảm? Mỵ Nương nghĩ thế bởi chỉ có người dũng cảm mới chèo thuyền tới đây giữa đêm khuya khoắt. Là một người trai đang yêu? Mỵ Nương nghĩ thế bởi chỉ có những chàng trai đang yêu mới có được tiếng sáo da diết, tiếng sáo tâm tình như vậy. Là một chàng trai mạnh mẽ? Mỵ Nương nghĩ thế bởi chỉ có những người mạnh mẽ mới có những hành động khiến người khác phải nể phục. Là một chàng trai? Dĩ nhiên rồi, đó là một chàng trai. Mỵ Nương nghĩ thế, chàng trai đó đang cất lên tiếng sáo nghe như một tiếng lòng chan chứa. Mỵ Nương nhắm mắt chặt hơn. Trước mắt nàng là một chàng trai xa lạ đang lặng lẽ bước đến gần. Chàng trai ấy đến sát chỗ nàng ngồi và đem dâng tặng nàng một nụ hoa đồng nội.

Mỵ Nương đưa tay đón nhận bông hoa đồng nội. Nàng nhẹ nhàng đưa lên ngửi. Mùi thơm hoang dại của hoa đồng nội như ùa đến bao quanh lấy thân hình của nàng. Mỵ Nương ép chặt bông hoa vào ngực mình. Từ rất gần vẳng lên tiếng sáo. Tiếng sáo của một chàng trai trẻ, tiếng sáo của một người đang yêu thổi cho người mình thầm yêu nghe? Mỵ Nương nghĩ thế. Nàng không dám mở mắt ra để nhìn chàng trai được rõ hơn bởi nàng biết tất cả những điều nàng vừa nghĩ chỉ là ảo giác. Nếu như nàng mở mắt ra thì những ảo giác đó sẽ biến mất. Cứ để trạng thái mê mẩn đó, Mỵ Nương khẽ thốt lên câu nói “Chàng ơi!”.

Một đêm nặng nề trôi qua. Hai đêm rồi ba bốn năm đêm nặng nề trôi qua. Những đêm nặng nề ấy là những đêm Mỵ Nương không sao yên dạ. Nàng thấy bồn chồn. Nàng thấy nhớ nhung. Nàng thấy lòng mình trống vắng. Nàng nhớ tiếng sáo vẳng từ dưới bến sông lên. Nàng nhớ bóng hình chàng trai mà nàng đang ấp ủ trong trái tim mình. Nàng thấy nhớ tiếng sáo đến khắc khoải, nhất là khi tiếng sáo ấy vang lên giữa vẻ tĩnh mịch trong đêm trăng. Nàng thấy như tiếng sáo đang dồn dập những lời yêu thương, thấy có lúc lại ngập ngừng như muốn gửi gắm tình cảm. Đúng rồi, Mỵ Nương thầm nhắc trong lòng: Đó đúng là lời tâm sự của chàng trai với người mình yêu qua âm thanh thoát ra từ những nốt tròn trên thân sáo. Tiếng sáo thủ thỉ như lời hát ngọt ngào.

Năm đêm khắc nghiệt. Không hiểu vì lý do gì mà đã năm đêm Mỵ Nương không nghe được tiếng sáo. Có bao nhiêu câu hỏi được đặt ra trong suy nghĩ. Có bao nhiêu lo lắng chất chứa trong lòng. Mỵ Nương chợt lâm vào tình cảnh thẫn thờ. Nàng không thiết ăn. Nàng không thiết uống. Chẳng cần đợi tới lúc trăng lên mà ngày ngày Mỵ Nương đều ra lầu đón gió từ chập tối. Nàng ngồi đó hóng mắt nhìn xuống bến sông, chút nước mắt tủi thân chợt ứa ra “Nhớ ai đứng tủi ngồi sầu/ Mình về sương tuyết bao lâu mà mòn”.

Thanh vắng lại càng thêm thanh vắng. Bến sông mờ mờ nhòe khuất. Mỵ Nương lại rướn mắt nhìn thêm một lần nữa. Chỉ thấy những dáng người còng lưng cõng củi xuống thuyền. Ngó tít xa hơn, Mỵ Nương chỉ thấy cánh đồng lúa chín đang ngả thâm dưới bóng tối dần. Mỵ Nương mường tượng ra màu lúa chín vàng, óng như ánh trăng lấp loáng mặt sông. Chỉ thấy tiếng gió đồng thổi tới ào ào.

Mỵ Nương đổ bệnh, nàng không thiết ăn, nàng không thiết uống. Nàng nằm bệt trên giường mơ mơ màng màng hình bóng giai nhân. Đôi mắt nàng cũng có mở to, nàng nhìn trân trân lên đỉnh màn. Chỉ thấy một màu trắng đục như cố tình trêu người. Mỵ Nương nằm đó đã ba hôm. Ba hôm đó, cha nàng luôn ngồi bên cạnh giường nàng. Bóng ông như đổ sụp khi thấy cô con gái yêu của mình nằm đó. Bệt dính với giường. Đâu rồi cô con gái nhí nhảnh đáng yêu. Đâu rồi cô con gái với đôi mắt to tròn luôn hỏi cha những câu hỏi thơ ngây.

Cha nàng vẫn đến ngồi bên giường con gái, ông thấy lo lắng thực sự vì không hiểu đứa con gái bé bỏng của mình mắc chứng bệnh gì. Lúc sáng thầy lang có tới. Ông lang sau khi sờ trán và bắt mạch cổ tay Mỵ Nương thì lắc đầu. Chính ông cũng không tài nào bắt được bệnh tình của cô.

Ra hiệu mời cha nàng bước ra ngoài cửa, ông lang nói rất khẽ vào tai vị Thừa tướng già, ông hỏi: “Tiểu thư nhà ta chắc không mắc bệnh gì. Bệnh từ tâm mà ra. Thưa đại quan. Tôi nghĩ ngài nên lựa lời hỏi cho ngọn nghẽ”. Cha nàng khẽ gật đầu rồi bước vào phòng. Ông lại ngồi bên giường con gái. Mấy lần ngập ngừng, cuối cùng cha nàng hỏi: “Con gái. Con không có bệnh gì”. Dừng lời phút chốc, cha nàng lại nói chậm khẽ: “Hình như con đang có tâm sự gì phải không? Hay là để cha đưa con về lại kinh thành?”.

Vừa nghe cha nói đến đưa trở lại kinh thành tức thì Mỵ Nương như bật người ngồi dậy, nàng yếu ớt van vỉ: “Đừng cha ơi. Cha đừng đưa con trở lại kinh thành”. “Nhưng con cứ không ăn không uống như thế này. Lòng cha nào an dạ được”. Mỵ Nương từ từ ngả người nằm xuống. Mới mấy hôm nàng nằm đây mà cha nàng sọp đi trông thấy. Gương mặt của ông trở nên thất sắc. Ánh mắt đượm âu lo. Mỵ Nương thấy thương cha vô cùng. Nàng thấy mình như vừa mắc trọng lỗi với đấng sinh thành nên đưa tay nắm lấy tay cha, nàng thều thào: “Cha ơi. Người ấy đâu rồi?”.

Nghe con gái hỏi vậy, cha nàng lộ vẻ thất kinh. Mới chỉ chuyển về đây ở chừng tuần trăng mà sao cô con gái dường như cả ngày quanh quẩn trong nhà lại có câu hỏi lạ lùng như vậy.

Thật đôn từ, cha nàng cúi xuống nói từ tốn: “Thì con cứ nói cho cha biết đi. Cha biết rồi cha sẽ giúp con... giúp con tìm... tìm người ấy”. Được lời như cởi lòng, Mỵ Nương níu tay cha để cha nàng sát gần hơn với mình. Giọng thổn thức, Mỵ Nương đã kể cho cha nàng nghe chuyện người thổi sáo đêm khuya cùng tiếng sáo hút lòng của người ấy. Cha nàng lại gật đầu, chừng như ông đã hiểu điều cô con gái muốn nhờ cậy, ông đặt tay lên trán Mỵ Nương nói an ủi: “Cha sẽ tìm cho con”.

Một đêm nữa lại trôi qua, đêm qua Mỵ Nương được thầy lang bốc cho thang thuốc tâm an. Nàng bưng bát thuốc lên uống một hơi vì nàng biết cha nàng sẽ tìm cho nàng điều mà nàng đã thổ lộ.

Ánh sáng sớm mai ùa vào trong phòng. Ánh nắng làm ấm lên. Mỵ Nương chợt thấy khuây khỏa phần nào. Nàng vừa toan ngồi dậy thì từ bên ngoài vẳng tới tiếng sáo thân quen. Tiếng sáo đã gần mười ngày nàng không được nghe.

Mỵ Nương ra hiệu cho gia nhân khoác áo cho mình. Nàng tính bước ra ngoài để được gặp chàng trai thổi sáo của mình. Nhưng người gia nhân vội giữ nàng lại, người ấy nói: “Thưa tiểu thư. Quan lớn nhắc chúng em là giữ tiểu thư ở lại trong phòng”.

Nghe người gia nhân nói vậy thì Mỵ Nương không hài lòng. Nàng muốn ra ngoài để gặp người ta mà sao cha nàng không cho phép. Nhưng rồi Mỵ Nương nhớ ra rằng phép tắc gia giáo mà nàng được dạy bảo phải nên biết chừng mực. Người con gái đoan trang phải biết lễ nghĩa. Khi cha nàng chưa cho phép, có nghĩa là nàng chưa được phép.

Mỵ Nương ngả người nằm xuống, lòng buồn mênh mang, nhưng tiếng sáo da diết từ bên ngoài vọng vào cũng đủ cho nàng nguôi ngoai. Nàng chỉ mong mình mau khỏe để được cha mình cho phép ra gặp chàng trai ấy.

Đã ba ngày đều đặn, hễ sớm ra, khi Mỵ Nương tỉnh giấc là nàng đã nghe được tiếng sáo tâm tình. Sáng nay Mỵ Nương thấy vô cùng sảng khoái, nàng nhắc người gia nhân ra ngoài mời giúp cha nàng vào.

Cha nàng vội vã bước vào phòng. Ngài nở một nụ cười vui vẻ: “Con gái à. Con có ý gì đây?”. Mỵ Nương vội nói luôn, nàng nói luôn vì chỉ sợ chậm chút thôi là chàng trai kia sẽ đi mất, nàng nói nhỏ: “Cha cho mời chàng vào đây giúp con”. Cha nàng nghiêm sắc mặt, ngài nói giọng chắc nịch: “Không được đâu con gái. Con không thể nào gặp được người ấy”.

Mỵ Nương rơm rớm nước mắt, nàng van vỉ: “Cha cho phép con được gặp người ấy. Con chỉ gặp một lần thôi cha à”. Thấy cô con gái vừa mới ốm dậy, nước mắt đang chảy thành dòng thì cha nàng sợ hãi. Ông đứng lên đi đi lại mấy vòng trong phòng, đăm chiêu nghĩ ngợi rồi ông mới ngồi xuống bên giường Mỵ Nương: “Nhưng con phải hết sức giữ mình đấy nhé. Đấy là cha muốn nói con phải ráng tĩnh tâm”.

Chàng trai thổi sáo được phép bước vào thăm tiểu thư Mỵ Nương. Từ lúc nghe tiếng bước chân đi tới phòng, Mỵ Nương đã nhắm nghiền đôi mắt. Nàng muốn dành đến khi chàng trai tới sát giường mình thì mới mở mắt.

Tiếng bước chân tới gần hơn rồi dừng lại. Mỵ Nương đã nghe thấy tiếng thở dồn dập của chàng trai. Nàng biết chàng trai đã đến bên giường mình. Mỵ Nương từ từ mở mắt. Nàng chợt thét lên hoảng sợ. Trước mặt nàng là một người đen đúa, xấu xí chứ không phải là một chàng trai trẻ và mạnh mẽ như nàng tưởng tượng. Người trai ấy cũng bộc lộ vẻ hoảng sợ của mình trước tiếng thét của Mỵ Nương.

Phải đến tầm trưa, Mỵ Nương mới hoàn hồn được. Nàng ngồi thừ trên giường, tâm hồn đau đớn. Người thổi sáo dưới bến sông mà nàng từng đêm ao ước không ngờ lại là một chàng trai xấu đến thế. Cha nàng cho hay rằng: “Người trai đó tên là Trương Chi. Nhà bên kia sông”. Chàng Trương Chi mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên ngày ngày sống với con thuyền nhỏ. Chỉ vì hình dạng quá xấu nên ban ngày chàng ở dịt trong thuyền. Chỉ đợi đêm xuống mới dám dong thuyền đi đánh cá. Chàng đã chọn neo thuyền ở bến sông dưới chân núi vì nghĩ rằng chỗ ấy không có ai qua lại. Mấy đêm trước chàng Trương Chi mắc việc nên không đến bến sông đánh cá. Đó cũng là lý do vì sao Mỵ Nương không nghe được tiếng sáo đắm lòng.

Thời gian lặng lẽ trôi qua. Một tuần trăng nữa trôi qua, rồi lại một tuần trăng nữa trôi qua, Mỵ Nương cũng đã phôi phai nỗi khắc khoải về tiếng sáo dưới bến sông. Sáng nay nàng thấy có gì như thúc giục, nàng thấy có gì như nhắc nhở. Mỵ Nương ra ngồi lầu đón gió. Đã giữa mùa đông, từng cơn gió bấc lạnh lùng ùa tới. Tiếng gió luồn qua mái nhà phát lên tiếng kêu u u. Một chút hoài niệm chợt tới. Mỵ Nương rướn mắt nhìn xuống bến sông, lòng nàng dâng nhẹ nỗi niềm khôn tả.

Bến sông tuyệt nhiên vắng lặng. Vẻ vắng lặng đến lạnh lùng khiến Mỵ Nương có chút chạnh lòng. Mỵ Nương cảm thấy chính mình cũng có lỗi với chàng trai xấu xí kia. Nàng vẫy tay gọi người gia nhân lại bên: “Chị hỏi giúp em chàng trai thổi sáo kia thế nào với nhé?”. Người gia nhân giật mình lùi lại, vẻ bối rối hiện rõ trên nét mặt. Người gia nhân xua tay liên tục và lắc đầu liên tục.

Thấy vậy nên Mỵ Nương càng tò mò. Nàng quyết hỏi cho bằng được. Cuối cùng vì quá nể cô chủ mà người gia nhân đành nói thật: “Chàng Trương Chi đã đi xa lắm rồi”.

Mỵ Nương vô cùng hốt hoảng: “Vậy là em không gặp lại được chàng ư?”. Người gia nhân càng tỏ ra lúng túng, cứ xua tay với lắc đầu liên tục. Thì ra, sau cái sáng được phép vào thăm Mỵ Nương ấy. Khi nghe Mỵ Nương thét lên thất thanh cũng là lúc chàng Trương Chí được ngắm dung nhan tuyệt mỹ của Mỵ Nương. Bỏ chạy ra về nhưng hình bóng nàng thiếu nữ kiều diễm ấy cứ ám ảnh mãi trong chàng.

Trương Chi không thiết làm gì nữa. Chàng suốt ngày ngồi bó gối trong lòng thuyền mà ủ rũ, mà tương tư sầu muộn. Hình bóng người con gái trong trắng cứ bám diết tâm hồn chàng. Nhưng Trương Chi không dám dù chỉ một lần quay trở lại ngôi nhà trên sườn núi để gặp Mỵ Nương vì chàng hiểu rằng thân phận của mình không được đón nhận.

Cả đến cây sáo mà chàng luôn mang theo bên người cũng bị bỏ bê một góc thuyền. Trương Chi suốt ngày tơ tưởng đến nàng Mỵ Nương kiều diễm. Từ sâuthẳm trong lòng, Trương Chi biết mình đã yêu nàng Mỵ Nương vô cùng. Rồi Trương Chi khe khẽ hát, câu hát đong đầy niềm đau, một niềm đau không biết chia sẻ cùng ai “Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ/ Buồn trông con nhện chăng tơ/ Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai/ Buồn trông chênh chếch sao mai/ Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ!”.

Cứ ngày qua ngày. Chàng Trương Chi sống với nỗi nhớ thương, ngày qua ngày chàng Trương Chi sống với hình bóng nàng Mỵ Nương, sống với nỗi buồn riêng của mình, sống với niềm cảm thán cho thân phận của mình.

Cho đến một ngày, chàng Trương Chi lấy hết can đảm để tìm gặp gia nhân nhà thừa tướng. Chàng nhờ người gia nhân cầm giúp và mang tặng nàng Mỵ Nương cây sáo trúc của mình.

Đưa tay đón nhận cây sáo trúc của chàng Trương Chi mà người gia nhân vừa đưa cho, Mỵ Nương ép chặt vào ngực mình.

Từ rất xa, rất xa, văng vẳng tiếng sáo tha thiết: “Chàng đang tấu khúc mơ mang/ Bàn em lướt nhẹ nhàng phím tơ/ Tấu lên khúc hát đợi chờ/ Tiếng lòng ngân mãi bao giờ quên đây?”.

18/10/2024

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn
.
.