Lỡ một chuyến đò

Thứ Ba, 05/11/2024, 11:38

Chị âm thầm chịu đựng. Bao uất ức đau khổ, chị nuốt ngược vào trong. Chị muốn dành thời gian, sức khỏe để lo lắng cho con. Với chị, cuộc hôn nhân này không còn nghĩa lý. Chị chung sống với chồng chỉ vì hai từ “trách nhiệm”. Chịu thương chịu khó bao nhiêu lâu, cũng chỉ đợi ngày ba đứa con trưởng thành. Khi nào chúng đủ tuổi tự lo cho bản thân, chị sẽ rời khỏi nơi này. Không một lời từ biệt.

Cái tin thằng Tam chết chẳng khiến ai ngạc nhiên.

Ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Sống vật vờ được dăm bữa rồi mất. Vợ con hắn mang khăn tang, sụp lạy trước di ảnh. Họ hàng đến viếng ngày đầu tiên, sau đó vắng hoe.

Trước đó không lâu, ai cũng đoán được chuyện này. Một số kẻ độc miệng còn kháo nhau. Chuyến này chồng mất thì dượng được nhờ. Tam nghe phong phanh, nhưng chẳng quan tâm. Nói đúng hơn, không còn sức để suy nghĩ nhiều. Hắn trưng ra một diện mạo kinh khủng. Đầu trọc lốc. Da bọc xương. Cái cổ gầy nhẳng, cạnh yết hầu, luôn yên vị một mảnh băng trắng toát cỡ góc tư bàn tay. Ngày nào cũng thế, hắn lững thững đi bộ ra quán cà phê đầu xóm, gọi một lon sữa đậu nành rồi ngồi hàng tiếng đồng hồ. Đôi mắt đờ đẫn nhìn xe cộ qua lại. Thi thoảng, hắn ngồi xem người ta chơi cờ tướng. Dân trong xóm dần quen với hình ảnh đó.

Dần dần, hắn cũng không còn đi bộ ra đầu xóm nữa. Nằm liệt giường, hơi thở nặng nhọc, không ăn uống được, phải truyền thực phẩm xay nhuyễn vào dạ dày thông qua một đường ống nhỏ gắn ở bụng. Vợ hắn - chị Hạ - bỏ việc buôn bán ở chợ, về túc trực chăm chồng. Ba đứa con ý thức được cảnh nhà. Mẹ nấu gì ăn đó, không dám đòi hỏi. Những lúc không đi học, chúng thay nhau chăm bố để mẹ làm việc.

Chị Hạ tảo tần, lam lũ kiếm tiền. Tờ mờ sáng, chị thức dậy dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ phơi phóng áo quần rồi đi buôn tôm cá ở chợ Đông Ba. Chiều tối chị bán trái cây dạo ở những quán nhậu khu vực bờ Bắc sông Hương. Chị kể. Những hôm bán ế, chị còn qua bên kia bờ Nam sông Hương để bán tiếp. Con xe Wave cà tàng theo chị trên mọi nẻo đường mưu sinh. Giữa thành phố Huế mộng mơ, đa sắc màu, chị như một dấu chấm nhỏ gieo mình vào đám đông. Mất hút.

Về làm dâu xóm này đã hai mươi mốt năm, chưa ngày nào chị cảm thấy hạnh phúc. Chồng chị làm nghề đóng tàu thuyền. Dân lao động tay chân. Sức vóc có thừa. Trí óc giới hạn. Đã thế, hắn có tính gia trưởng. Vũ phu và độc đoán. Mỗi chiều, sau khi xong việc, hắn thường ngồi uống rượu cùng đám thợ thuyền. Chè chén say sưa, buôn chuyện đấu láo. Ngày nào cũng vậy. Một tuần bảy ngày, tháng ba mươi ngày. Đôi khi, hắn chuyển từ rượu sang bia. Tuy nhiên, mọi sự vẫn thế. Đêm về, hắn say xỉn chửi vợ mắng con thậm tệ. Cứ vài ngày, hắn lại đập phá đồ đạc. Nhiều lúc, đến tận giữa khuya, hắn vẫn oang oang chửi. Không ít lần, Tam đánh vợ. Sáng ngày ra, người trong xóm thấy chị Hạ chạy xe đi làm với một mắt thâm tím, môi dập tứa máu.

Ba đứa con, hai gái một trai. Đứa lớn, chị cả, đang học cao đẳng. Hai đứa còn lại đều trung học. Sống trong nhà, chứng kiến cảnh bố mẹ như vậy nhưng chẳng đứa nào dám phản kháng. Chẳng đứa nào nói năng gì. Im lặng sống. Dường như cái sự nhẫn nhục, chịu đựng của mẹ đã lan sang chúng nó. Cũng có khi, chúng còn nhỏ, chưa hiểu hết thói đời, lẽ sống để mà can thiệp vào mỗi khi gia đình có sự cố.

Có một dạo, Tam đi làm xa. Nghe đâu có đơn hàng đóng thuyền ngoài Đồng Hới, Quảng Bình. Hắn rủ thêm hai gã thợ thuyền đi cùng. Hai tháng trời, hắn làm việc quần quật, chẳng quản nắng mưa. Làn da cháy sạm lại vì gió Lào khô nóng. Nhưng hắn kiếm bộn. Trừ hết công thợ và các khoản khác, một ngày hắn lãi gần ba triệu. Chị Hạ ở nhà, nghe tin vui mừng khôn xiết. Đợt ấy, chị buôn bán kém, thu nhập bấp bênh. Số tiền chồng kiếm được sẽ giúp trang trải, giúp cả gia đình vượt qua tao đoạn.

Nhưng thằng Tam không nghĩ như vợ.

Hắn kiếm nhiều mà tiêu xài hoang phí. Ngoài nhậu nhẹt, hắn còn mò đến các sòng bạc và rủ thợ thuyền đi nhà thổ. Ba tháng xa vợ, chuyện chăn gối bị kìm nén. Thú tính không có dịp bộc phát. Hắn tìm gái làng chơi để phục vụ nhu cầu bản năng, giải tỏa ẩn ức sinh lý. Lạy trời. Hắn làm việc bán mạng, bia rượu triền miên nhưng vẫn khỏe như trâu. Những lần mua vui, nhiều khi hắn gọi đến hai cô gái cùng một lúc. Mấy gã thợ thuyền đi cùng lắc đầu lè lưỡi. Ấy thế mà sáng ngày ra, hắn vẫn đi làm đúng giờ, mặt mày tươi tỉnh như không.

Cứ thế, thằng Tam nướng sạch số tiền kiếm được. Trở về nhà sau ba tháng đi xa, hắn chỉ còn dư hơn một triệu. Vẻ mặt háo hức của chị Hạ nhanh chóng bị dập tắt. Thất vọng tràn trề. Hụt hẫng nặng nề. Chị cay đắng nghĩ. Hay là cuốn gói bỏ đi quách cho xong. Sống làm gì với thứ chồng đã gia trưởng lại vô trách nhiệm như hắn. Nhưng còn ba đứa con? Con Bi, con Tép và thằng Hoàng. Bố chúng nó đã thế, mình không lo thì chúng chỉ còn nước chết đói. Đời mình đã khổ đau nhiều, đến đời con mình cũng thế thì mang tội lắm.

Lỡ một chuyến đò -0
Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Đêm ấy, lần đầu tiên thằng Tam không gây sự. Đúng ra, hắn chỉ chửi dăm ba câu lấy lệ rồi bỏ đi ngủ. Hay là hắn thấy hối hận vì đã tiêu hết số tiền kiếm được. Không ai biết. Chỉ thấy chị Hạ ngồi lặng yên bên cửa sổ. Mắt đăm đăm nhìn vào bóng tối.

Ngày mai, mặt trời sẽ mọc.

Nhưng chị không thấy ánh sáng. Chị không cảm nhận được gì. Bế tắc. Mông lung và nhọc nhằn.

*

Suốt thời gian bạo bệnh, Tam chẳng nói năng gì. Chỉ lừ mắt nhìn vợ mỗi khi chị Hạ đi làm về muộn. Trước đây, hắn hay chửi chị là đồ đĩ hoang. Mày buôn bán kiểu gì mà người ta đồn ầm lên là mày theo trai.

Chị tuyệt nhiên không có cảm xúc. Buông một câu gọn lỏn.

- Ai nói mặc họ. Miệng lưỡi thiên hạ cũng chỉ đến thế.

Tam hằn học nhưng không làm gì. Chỉ biết mắng chửi vô cớ. Vì hắn không có bằng chứng cụ thể nào để buộc tội chị Hạ.

Chị âm thầm chịu đựng. Bao uất ức đau khổ, chị nuốt ngược vào trong. Chị muốn dành thời gian, sức khỏe để lo lắng cho con. Với chị, cuộc hôn nhân này không còn nghĩa lý. Chị chung sống với chồng chỉ vì hai từ “trách nhiệm”. Chịu thương chịu khó bao nhiêu lâu, cũng chỉ đợi ngày ba đứa con trưởng thành. Khi nào chúng đủ tuổi tự lo cho bản thân, chị sẽ rời khỏi nơi này. Không một lời từ biệt.

Tam mất, chị Hạ không hạnh phúc hơn chút nào. Chị thành góa phụ, một mình vò võ nuôi con. Cũng may ông trời thương, ba đứa con càng lớn càng hiểu chuyện. Chúng phụ mẹ việc nhà, để chị Hạ có thời gian ra ngoài buôn bán kiếm tiền. Nhưng thói đời, kể cả khi chị muốn ở vậy nuôi con mà cũng chẳng yên ổn. Từ thời con gái cho đến bây giờ, khi đã có ba đứa con, chị Hạ vẫn giữ được vẹn nguyên nét duyên dáng của mình. Bao lam lũ, tảo tần những năm qua không xóa mờ đi được nụ cười tươi và làn da trắng của chị. Những gã đàn ông quanh vùng, nhác thấy chị Hạ liền có ý mon men, gạ gẫm. Nhưng chị tuyệt đối không bao giờ ngó ngàng gì.

Bà Sứ - mẹ Tam - nhà ở cách đó không xa, thường xuyên qua lại nhà hai vợ chồng. Phần muốn thăm cháu, phần để hương hỏa thêm cho vong hồn Tam. Bà hay nói bóng gió, mỗi khi có chị Hạ ở nhà.

- Chồng mất chưa lâu, mày liệu đó mà ăn ở.

Chị Hạ cúi đầu vâng dạ. Mẹ chồng chị năm nay ngoài sáu mươi, tóc hoa râm, gương mặt khắc khổ. Chồng bà - bố của Tam - mất khi bà vừa cưới vợ cho Tam. Dáng người gầy, tuổi bà cao nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Tính bà cay độc, thương con trai đến mức mù quáng. Bao nhiêu năm chị Hạ làm dâu trong nhà, bà Sứ hiếm khi hỏi han thân tình gì. Lúc nào cũng một chữ chồng mày, hai chữ chồng mày. Mọi quan tâm lắng lo của bà đều hướng đến con trai. Bất chấp chị sống như thế nào.

Sinh được ba người con, nghĩa vụ làm vợ chị Hạ luôn cố gắng chu toàn. Chịu thương chịu khó vun vén cho gia đình, tránh xa thị phi và nhẫn nhịn mỗi khi có ai nói gì mình. Ấy thế mà, hạnh phúc như có mối thù với chị. Cứ lảng tránh hoài, chưa thấy tìm đến.

Dạo này chị Hạ bán thêm hàng nước giải khát trước chợ Đông Ba, khu chợ sầm uất nhất thành phố Huế. Chị lặng lẽ làm việc, siêng năng không quản ngày đêm. Con Bi sắp đi thực tập để tốt nghiệp cao đẳng. Nó cần nhiều khoản tiền để chi dùng cho việc học. Chị Hạ thương con, cố gắng kiếm thêm đồng ra đồng vào. Vừa chi dùng trong sinh hoạt hàng ngày của bốn mẹ con, vừa lo cho mấy đứa ăn học. Dẫu rất tằn tiện trong chi tiêu và khả dĩ tạm đủ, nhiều khi chị Hạ thấy kiệt sức vì gánh trên vai quá nhiều nghĩa vụ.

Phía nhà chồng, mẹ Tam và chị gái Tam hiếm khi giúp đỡ. Lâu lâu có gặp cũng chỉ hỏi bâng quơ vài câu về chuyện học hành của mấy đứa nhỏ, chuyện buôn bán của chị. Chưa khi nào thấy dang tay ra hỗ trợ cuộc sống của mấy mẹ con. Chị chẳng buồn. Chỉ phiền phức, lắm khi nặng nề ở chỗ, nhà chồng luôn săm soi về chuyện tình cảm của chị Hạ. Với họ, lấy chồng theo chồng. Chồng mày có như thế nào cũng phải chịu. Giờ chồng mất rồi, mày phải ở vậy thờ chồng. Bao nhiêu oan khiên, ràng buộc về truyền thống gia đình chồng đè nén khiến chị thấy khó thở, bức bối.

Trước đây khi Tam còn sống, những lần đi bán dạo, chị từng gặp nhiều người đàn ông trêu ghẹo mình, cũng có những trường hợp muốn tìm hiểu mình. Thế nhưng, chị luôn từ chối một cách nhã nhặn. Đối với chị, dù chồng vũ phu và gia trưởng thế nào, mình vẫn chấp nhận được. Để nuôi con khôn lớn, để sống vẹn toàn nghĩa phu thê. Chị hiểu rằng, dù Tam tệ hại mức nào nhưng hắn vẫn là cha của mấy đứa con mình. Điều đó quan trọng trên hành trình trưởng thành của mấy đứa nhỏ. Hơn nữa, dù sao Tam vẫn kiếm được tiền nhờ nghề đóng tàu thuyền. Hắn phụ chị trang trải cuộc sống gia đình. Mùa mưa bão, lũ lụt dâng cao. Nhà chị thấp nên nước lũ tràn vào, ngập đến bụng, có khi đến ngực. Bốn mẹ con đành ngồi co ro, bó gối trên gác. Mỗi Tam dân tàu thuyền, quen sông nước nên ngâm mình trong dòng nước bạc dọn dẹp, kê cao đồ đạc, mua sắm nhu yếu phẩm gạo, mắm muối… cho cả nhà vượt qua đoạn thiên tai. Nghĩ đến đó, chị lắc đầu tặc lưỡi. Kệ. Vì con vì cái, mấy chuyện trước mắt cứ nhịn nhục cho qua. Biết đâu trời thương, ngày mai tươi sáng.

Nhưng, cuộc đời thường rẽ ngoặt theo những hướng khó lường. Hạnh phúc hay đau khổ, đôi khi chỉ là sự lựa chọn.

Cách đây dăm bữa, chị Hạ đi bán trái cây ở khu vực quán nhậu, nhà hàng ở đường Trịnh Công Sơn. Con đường nằm cạnh sông Hương, chạy dọc dưới chân cầu Gia Hội. Trời xui đất khiến, tình cờ run rủi thế nào mà hôm đó chị gặp anh.

Một người đàn ông trạc tứ tuần, dáng người thâm thấp với đôi mắt biết cười. Anh hỏi thăm chị khi vừa mua một gói xoài xanh, đặt trên bàn nhậu. Giọng điệu chân thành, lời lẽ lịch sự chứ không hề có ý đong đưa. Ban đầu chị thận trọng, từ chối khéo. Thế nhưng, chẳng hiểu sao sau đó chị lại kéo ghế ngồi xuống bên cạnh. Rổ trái cây chị đặt sang bên, rồi chậm rãi tâm sự hoàn cảnh của mình. Chồng mất, một mình lăn lộn kiếm sống nuôi ba đứa con, sống giữa bao lời ra tiếng vào từ phía nhà chồng. Và chị cũng biết được, qua lời anh kể. Vợ bỏ nhà ra đi theo người đàn ông khác, một mình anh ở vậy nuôi hai con trai đã lớn. Anh là chủ một cửa hàng chuyên mua bán xe đạp điện ở đường Mang Cá. Kinh tế ổn định nhưng phong cách anh giản dị, không bao giờ khoe mẽ. Lúc nào đi chơi cũng đạp xe đạp, trông bình yên và thanh thản. Mặc dù với khả năng của mình, anh có thể đi xe hơi như những người đàn ông thành đạt khác.

Anh xin số điện thoại của chị, sau này tiện liên lạc.

Chị đồng ý, trong lòng dấy lên một nỗi hoài nghi, bất an. Phải chăng người đàn bà vừa trải qua một đời chồng, đã không còn dễ dàng trong việc bắt đầu một mối quan hệ mới? Rồi mấy đứa con, liệu chúng nghĩ gì về mẹ nó. Bao nhiêu câu hỏi xoay vần, vậy nhưng, từ sâu một góc nào đó trong tim, chị Hạ bỗng thấy nhẹ nhàng, một chút hạnh phúc len lỏi trong tâm khảm. Tối hôm ấy, chị bán hết hàng sớm. Ghé tiệm mì gõ ven đường, chị mua ít hủ tiếu mang về cho con.

*

- Bà là đồ rắn độc hai đầu.

Đó là câu nói của con Bi - con gái đầu của chị Hạ khi chứng kiến mẹ nó bị đánh.

Một buổi sáng như thường lệ, chị Hạ thức dậy sớm. Quét dọn nhà cửa xong xuôi, chị mang chậu áo quần ra bến sông. Bao năm rồi, dù con sông cạnh nhà ngày càng bẩn, đục ngầu nhưng chị vẫn giặt giũ áo quần ở đó. Phần để tiết kiệm tiền nước sinh hoạt, phần vì tiện. Giặt xong là chị phơi ngay ở con sào đóng cọc trên bờ.

Hôm ấy, khi đang gỡ từng chiếc áo để móc lên sào, chị Hạ nghe đâu đây có tiếng lao xao. Không quá chú tâm, chị vẫn mải miết làm cho xong việc. Cho đến khi thằng Hoàng, con trai út của chị hớt hải chạy xuống bến sông báo tin.

- Mẹ ơi, cô Bảy sang nhà mình. Đang mắng chị Bi ghê lắm.

Cô Bảy là chị gái ruột của Tam, con cả của bà Sứ - mẹ chồng chị Hạ. Bảy lỡ một đời chồng. Người chồng trước của cô ta nghe đâu dính HIV khi ngủ với gái bán hoa, rồi về lây cho vợ. Bảy giờ mang trong người căn bệnh thế kỉ, không thể chữa trị dứt điểm. Phải dùng thuốc kê đơn trường kì để kìm hãm tốc độ phát triển của virus. Tính tình cổ quái, ngang ngược. Người trong vùng thấy Bảy hay dẫn trai lạ về nhà. Cứ vài tháng lại có một gương mặt mới xuất hiện. Thường là mấy gã đàn ông xăm trổ đầy mình, người gầy gò và mắt lúc nào cũng đỏ ngầu.

Nghe thằng Hoàng báo tin, chị Hạ vụt luôn chiếc áo đang cầm trên tay. Tất tả chạy thẳng lên nhà, thấy con Bi đang cãi tay đôi với cô Bảy. Chị tiến lại gần. Thấy mẹ, con Bi như được tiếp thêm động lực. Chị Hạ hỏi con có chuyện gì. Bi kể đầu đuôi. Bảo mới sáng sớm, cô Bảy đã qua đập cửa. Nói mẹ là đồ lăng loàn, mèo mả gà đồng. Chồng mất chưa tròn năm đã đi theo thằng khác. Đồ thèm trai, đồ đĩ. Chị Hạ nghe con kể, chẳng thấy phản ứng gì. Chỉ quay sang hỏi cô Bảy, sao tự dưng chị sang đây kiếm chuyện. Vì mày theo trai. Em tao mất chưa bao lâu. Mày ngoáy mông đi theo thằng khác. Cả xóm đồn ầm lên.

Bà Sứ được dịp, vội góp giọng với con gái.

- Nhà tao không có thứ dâu như mày.

Chị Hạ không thể nhịn thêm được nữa.

- Thế dâu thì phải làm sao? Chồng tôi mất, các người đâu thèm đếm xỉa gì đến cái gia đình này. Các người đã cho được mẹ con tôi bữa cơm bữa cháo nào chưa?

Cơn giận bộc phát, như đốm lửa lâu nay âm ỉ, gặp thời điểm thích hợp đã cháy bùng lên dữ dội. Thiêu rụi tất cả mọi thứ, cháy sạch bao uất ức dồn nén, đốt đến ra tro những bất công oan trái bao lâu chị Hạ phải chịu đựng. Bà Sứ sân hận sâu dày, mồm vẫn oang oang chửi. Nhưng Bảy thì không. Ả ta lao tới, túm tóc chị Hạ đánh tới tấp. Ả dúi đầu chị xuống đất, khom người nện vào mặt chị những thoi đấm, cú đá. Chị Hạ phản kháng dữ dội. Không phải dân đầu đường xó chợ như Bảy, nên chị chỉ biết quẫy đạp lung tung.

Thằng Hoàng thấy mẹ bị đánh, không suy nghĩ nhiều, lao tới lôi cô Bảy ra ngoài. Cô làm gì mà đánh mẹ tôi. Tao chưa giết nó đấy. Mày tránh ra, thằng cháu mất dạy. Thằng Hoàng bản lĩnh, mới lớp mười nhưng biết nghĩ suy. Nó điềm tĩnh, trợn mắt che chắn cho mẹ. Bảy thấy sức vóc thiếu niên, có phần rén nên thoái lui một chút. Con Bi vừa cãi nhau với bà nội, vừa đưa mắt nhìn trận hỗn chiến. Phần muốn tới giúp mẹ, phần muốn dùng lời lẽ chống lại những sỉ nhục khốn nạn mà bà Sứ đã dựng lên.

- Bao lâu nay mẹ tôi chịu khổ chịu nhục ở cái nhà này chưa đủ sao? Còn gì nữa mà mấy người tới gây khó dễ. Bà là đồ rắn độc hai đầu.

Nói đoạn, Bi và Hoàng dìu mẹ vào trong nhà rồi khóa chặt cửa lại.

Bên ngoài, bà Sứ và Bảy vẫn oang oang chửi, tay chống nạnh xỉ vả nặng nề. Cả xóm xúm lại, hiếu kì bàn ra tán vào. Kẻ cười nhạo. Người lặng im lắc đầu. Không gian cuồng loạn, xà quần.

Khuya hôm đó, khi cả xóm chìm trong giấc ngủ, bốn mẹ con chị Hạ lặng lẽ khăn gói, thu xếp đồ đạc. Chị Hạ thắp cho Tam một nén nhang, rồi cúi lạy. Trên gò má chảy dài một giọt nước mắt nóng hổi. Đoạn mấy mẹ con bỏ đi. Không một ai hay biết.

*

Ít lâu sau, người ta thấy chị Hạ quay về nhà. Đợt này, chị có phần mập hơn, hồng hào tươi tắn. Nghe đâu, chị đã dọn về ở tại khu nhà của nhân tình trên kia, trên tận cửa An Hòa. Làm quản lý nhà trọ, không còn buôn thúng bán bưng. Con Bi tốt nghiệp cao đẳng, hiện đi làm tại một công ty lữ hành du lịch. Con Tép vừa đậu Đại học Ngoại ngữ Huế. Thằng Hoàng được nhân tình của mẹ tặng một chiếc xe đạp điện, nay tự đi học một mình.

Chị Hạ quét tước, lau chùi ban thờ sạch sẽ rồi chưng mâm trái cây tươi trước di ảnh chồng. Đốt một nén nhang. Chị thắp lên bát hương. Khói nghi ngút tỏa hương trầm trong không gian thinh lặng.

Chị cúi đầu, khấn vái. Trong mắt chị, ánh lên tia sáng của sự thứ tha, bao dung và buông bỏ.

Từ đó, dân trong xóm vẫn thỉnh thoảng thấy chị trở về.

Không ai thấy bà Sứ và cô Bảy ở đâu.

Truyện ngắn của Kì Phong
.
.