Nơi cơn bão đi qua

Thứ Bảy, 22/07/2023, 09:47

Suốt đêm hôm ấy, dân làng Tam Rin không ai dám ngủ, người lớn gùi con nít, con nít cắp con gà, dẫn chó ra đứng ngoài đường. Bốn phương tám hướng thỉnh thoảng lại có tiếng ầm ầm hung dữ vọng lại. Chẳng biết chạy đi đâu, cuối cùng hơn ba trăm con người quyết định tập trung tại nhà rông lớn của làng. Tiếng người lớn cầu Giàng, tiếng trẻ con khóc, tiếng lợn kêu, tiếng la lối ầm ĩ.

5 giờ sáng…

Liêm trùm chặt ba lô giữa lớp áo mưa, dắt vội con Win ra khỏi dãy nhà để xe. Gió phần phật, gầm rú. Vài bận gió lồng lên, phạt ngang khiến cả người và xe chao đảo. Trời đất tối bưng, chỉ mỗi ánh đèn xe Win vẽ loằng ngoằng những luồng sáng giữa không gian đen đặc và tiếng xe máy lồng ga, át đi tiếng gió.

Liêm tạt vào lán tạm của tổ công tác liên ngành. Lán được dựng từ vài hôm trước tại địa bàn giáp ranh hai xã Ngọc Yêu và Văn Xuôi để chốt trực, ứng phó với bão theo chỉ đạo của huyện. A Vương, Phó Trưởng Công an xã Văn Xuôi trùm vội áo mưa chạy từ lán ra đỡ ba lô cho Liêm, người Vương nhỏ thó giữa mớ áo mưa, khẩu trang lùng nhùng, suýt nữa thì Liêm không nhận ra.

- Đồng chí Phó Trưởng Công an huyện đi một mình ạ? Anh cõng ba lô gì mà nặng?...

- Thuốc men, cá khô và nhiều thứ linh tinh nữa. Sao chỉ có một mình em ở lán, anh em đâu?

- Anh em đi hỗ trợ dọn đường phía bên kia dốc hết cả anh ạ, mình em trực đây để đón, hướng dẫn các đoàn. Đường tắc hết cả anh ạ! Anh bỏ xe ở đây thôi, đi thêm ba trăm mét nữa là phải đi bộ rồi, xe không vào được.

Vương một tay giữ vạt áo mưa cho khỏi bay lạch phạch theo gió, một tay chỉ về hai chiếc máy xúc đang rùng rùng, cần mẫn gạt bùn, múc đất dưới chân dốc:

“Hôm nay em đề xuất đồng chí Phó Trưởng huyện di chuyển bằng phương tiện giao thông mới nhé”.

Vương cười rồi vẫy vẫy cả hai tay ra hiệu, người lái máy múc từ xa lập tức hiểu ý, từ từ đưa xe lại gần, vươn gầu múc ngửa lên trời, trờ tới trước mặt Liêm chờ đợi. Vương giục:

- Anh lên đi, muốn qua được đám đất bùn này giờ chỉ còn cách này thôi.

Liêm cởi ba lô đặt lên gầu múc, quay lại hỏi Vương:

- Tiến độ dọn dẹp đường như này, em liệu xem mất bao lâu sẽ thông hết được?

- Đường tắc rất nhiều đoạn anh, cần phải có thêm lực lượng mới nhanh được.

5fd10aa6eeea3db464fb.jpg -0
Minh họa: Hà Huy Chương

Liêm vỗ vỗ vai Vương, quả quyết bước lên gầu múc. Đợi cho Liêm đứng vững, Vương ngoắt tay ra hiệu cho tài xế nâng gầu. Quả thật, đây là lần đầu tiên Liêm trải nghiệm việc di chuyển lạ thường như thế. Chiếc xe múc thứ nhất đưa Liêm vượt qua gần hai mươi mét bùn đất đã được gạt bớt trước đó thì chuyển giao cho xe thứ hai. Khi hai chiếc gầu múc xếp lại gần nhau, Liêm hiểu ý chật vật khiêng ba lô leo qua. Chiếc gầu múc thứ hai hạ xuống đất sau khi đi thêm hơn chục mét nữa. Nơi Liêm đặt chân xuống, bùn vẫn ngập qua mắt cá chân. Liêm nhanh chóng lội qua hết đám bùn, đánh mắt tìm hướng con đường trước mặt. Vẫn chỉ có một màu đỏ phía trước. Liêm nhẩm tính phải đi bộ hơn chục cây số nữa, nếu nhanh thì phải đến giữa giờ chiều may ra mới về được tới Tam Rin.

*

Tiếng nú(1) Cắm dỗ hai em từ bên kia vách vọng sang khiến cho cơn chập chờn của A Tú vừa liu thiu đã lại tỉnh hẳn. Tiếng mưa lớn hơn đầu hôm. Mưa quật rạt rạt trên mái tranh. Tiếng nước chảy không còn tóc tóc mà xối ào ào xuống cái lu đã tràn trề. Con Lu rên ử ử vì lạnh cuối góc bếp. Giờ này mà ông A Đáo, cha Tú vẫn chưa về. Đêm trước, Tú nghe cha và già làng A Min bàn bạc việc đưa dân làng Tam Rin di dời để tránh bão. Cha bảo già A Min phải đưa dân làng đến khu lánh tạm mà các cán bộ huyện, xã đã chọn sau nhiều ngày khảo sát, một vài dãy nhà tạm đã được dựng lên sẵn rồi.

Ầm… Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, ở đâu đó trên không trung, ngay trên đầu Tú. Tú có cảm giác mình được nâng lên, hất văng, đổ sập về phía trước. Có thứ gì đó đập vào đầu, đổ rầm vào lưng đau điếng. Xung quanh lỉnh kỉnh cây gỗ, xà nhà, đè cả hết nửa trên người Tú. Mẹ đâu, các em đâu? Xung quanh tối đen như mực. Tú dốc hết lực rút chân lên, lê thân bò ra khỏi đám bùn và cây gỗ. Nó lao ra ngoài gào thét, gọi dân làng tìm kiếm mẹ và các em rồi lại nhào trở lại, hai tay cào cấu, cật lực, miệng không ngừng hét gọi mẹ. Mẹ nó và các em chỉ nằm cách nó một bức vách. Nó biết mẹ nó ở đâu đó rất gần, nhưng trời tối quá, nó không nhìn thấy được gì.

Có tiếng chân người chạy sầm sập. “Phía nhà nú Cắm. Tú, thằng Tú hả?”. Ánh sáng leo lét rọi ngay trên đầu Tú. Lúc này mọi người mới nhận ra, toàn bộ gian nhà trên của gia đình Tú đã biến mất hoàn toàn trong đám bùn đất. Gian nhà sau, nơi mẹ con Tú ngủ bị bùn sạt đánh dạt trôi hẳn về phía sau cả chục mét. Tiếng con Lu sủa inh ỏi một góc trời. Mọi người soi đèn về phía có tiếng sủa. Nú Cắm và em lớn đang lóp ngóp bò dậy cách đó một đoạn, con Lu luýnh quýnh chạy quanh, riêng em nhỏ thì không thấy đâu. Nú Cắm yếu ớt chỉ vào chỗ chân tường vẫn còn lổn ngổn vài thanh nhà đổ, mọi người lao vào đào bới. Dỡ hết lớp thanh tre thì thằng út được lôi lên, người đầy bùn đất. Ông A Làng, cậu Tú và mấy người nữa xúm quanh, dốc ngược nó xuống, vỗ cho nó vừa nôn, vừa ho hết đám bùn trong miệng.

Bên ngoài vang lên tiếng hét thất thanh, tiếng chân nối nhau chạy rầm rập. Tú nghe loáng thoáng: “Nhà già Tong không thấy nhà đâu nữa rồi, ba bốn nhà gần nhau đều bị”, “Ba(2) Cắm cũng đang ở đó trước lúc núi sập”. Nú Cắm ngồi sụp xuống. Thằng Tú nghe thấy người ta nhắc đến cha thì bật dậy như lò xo. Ông A Làng quắp ngay lưng nó lôi lại. “Tú, mày điên hả, mày đi đâu”. Người Tú đầy bùn đất, nó trôi tuột khỏi tay ông A Làng như con cá chạch trơn tuột khỏi tay người. Hai cánh tay ông A Làng như hai gọng kìm nhanh chóng chồm lên, chộp nó lại. Ông ôm đứa cháu đang gào thét chống cự lao đi cùng dân làng.

Suốt đêm hôm ấy, dân làng Tam Rin không ai dám ngủ, người lớn gùi con nít, con nít cắp con gà, dẫn chó ra đứng ngoài đường. Bốn phương tám hướng thỉnh thoảng lại có tiếng ầm ầm hung dữ vọng lại. Chẳng biết chạy đi đâu, cuối cùng hơn ba trăm con người quyết định tập trung tại nhà rông lớn của làng. Tiếng người lớn cầu Giàng, tiếng trẻ con khóc, tiếng lợn kêu, tiếng la lối ầm ĩ. Già làng A Min và Công an xã quyết định đưa đoàn người đi khỏi Tam Rin ngay khi trời rạng sáng. Chỉ một vài trai tráng, cán bộ ở lại hỗ trợ tìm kiếm số người bị đất đá chôn vùi.

*

Liêm nhìn lên đỉnh Ngọc Linh, nhằm hướng Tam Rin mà bước. Càng lên cao mây mù càng nhiều. Con đường ngoằn ngoèo, mờ ảo giữa những tầng mây. Mưa vẫn lích rích, lộp bộp rơi trên đám lá rừng. Tam Rin nằm lưng chừng núi, quanh năm mây phủ. Làng chỉ có hơn sáu chục hộ người Xê Đăng với khoảng hơn ba trăm nhân khẩu. Giao thông đi lại khó khăn đã làm cho Tam Rin gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và vẫn giữ được gần như nguyên sơ nét đẹp hoang dã, yên bình vốn có của mình.

Hơn hai giờ chiều thì Liêm đến được khu sơ tán tạm thời của làng Tam Rin. Đàn ông, đàn bà, người già, con nít đều đang tập trung xẻ, đập lồ ô để dựng lán tạm. Cứ năm sáu nhà chung nhau một lán dài. Đã có hơn hai chục lán được dựng lên giữa khu đất bằng phẳng. Một vài lán đã nghi ngút khói bếp bốc lên. Già A Min cởi trần, đứng dưới mái lán. Dáng ông cao, gầy, chắc nịch. Hai cánh tay cuồn cuộn đang lái mũi rựa tách những thân cây lồ ô tươi, xanh biếc một cách thuần phục. Nhận ra Liêm đến, ông quăng con rựa xuống đất, đi như chạy. Hai tay ông nắm chặt hai bên khủy tay của Liêm lắc lắc. Bà con Tam Rin quanh đó nhận ra Liêm cũng xúm lại.

Lòng Liêm quặn thắt. Đã hơn chục năm nay, từ khi còn công tác ở Đội an ninh Công an huyện cũ, Liêm đã bao lần đi, về với Tam Rin. Già A Min và bà con ở đây đã gọi Liêm bằng cái tên ba Trinh thân thuộc, cách gọi theo tên con đầu của người Xê Đăng. Những đợt công tác dài ngày, Liêm cùng bà con phơi lưng trên rẫy, nhổ mì, chặt mì, phơi mì, sửa kho lúa, đi lùa trâu bò trên rừng về uống muối, tiêm phòng dịch bệnh. Có đợt Liêm mắc sốt rét rừng, ba bốn thanh niên làng khiêng anh đi suốt năm, sáu cây số mới có xe máy chở được về trạm xá xã. Tam Rin trong Liêm là ngôi nhà thứ hai với biết bao kỷ niệm.

Liêm cởi áo mưa, cài cây gậy chống đường lên vách lán tạm rồi hạ ba lô. Già A Min cơi lại bếp lửa, kéo Liêm ngồi xuống, giục anh hong khô quần áo. Giờ Liêm mới thấy thấm mệt. Đi bộ suốt nhiều giờ dưới mưa, vừa lạnh, giờ thì thêm cơn đói kéo về. Già A Min đem cá khô, mì tôm, thịt hộp của cán bộ ba Trinh chia cho vài hộ bà con quanh lán. Nghe Liêm thông báo có bộ đội, Công an và cán bộ huyện sẽ cõng lương thực, thực phẩm lên nhiều hơn, có thể tới ngay trong đêm nay, ai cũng phấn khởi. Liêm cũng tranh thủ ngồi ăn vội ít bánh mì, có thêm nồi củ sắn, ít cơm nóng của bà con lán bên cạnh mang sang, vừa ăn anh vừa giục già Min tóm tắt tình hình trong làng.

*

20 giờ đêm…

Ngôi nhà nhỏ bé, xập xệ của cha con ba Vân nằm gần cuối làng. Nó đã từng là một ngôi nhà sàn khang trang, hoặc ít nhất cũng vững chãi, tinh tươm như nhiều ngôi nhà khác ở Tam Rin. Nhưng giờ, Liêm có cảm giác nó như một con thuyền rách nát, rệu rạo giữa cơn bão dữ. Vách nhà chằng chịt những lỗ thủng, được vá víu cẩu thả bằng những thanh tre, thanh củi, bìa giấy. Già Min vừa vịn từng bước lên cầu thang kêu lạo xạo, vừa lầu bầu: Nhà này như cái răng sắp rụng rồi. Trong nhà tối om, ánh sáng yếu ớt từ bếp lửa đang cháy nơi góc sàn không đủ soi rõ hết từng ngóc ngách. Một thứ mùi hăng hắc của rượu, mùi ẩm mốc của cây, gỗ mục xộc lên khắp không gian. Chị em con bé Vân ngồi ôm nhau nơi góc bếp. Gần đó, cha nó ở trần, nằm lăn lóc giữa lổn nhổn can, lọ, cơm nguội vương vãi.

Liêm nhìn người thanh niên râu tóc um tùm trước mặt, lòng dâng lên nhiều cảm xúc lẫn lộn. Cách đây hơn hai năm, ba Vân hãy còn là một thanh niên Xê Đăng mạnh khỏe, năng động là thế, hết nuôi bò, làm rẫy, thu hái nấm lim rừng, hồng chi rừng bán cho thương lái, lại liên kết với các công ty dược liệu trồng đẳng sâm. Nú Vân lúc bấy giờ cũng là một cán bộ phụ nữ giỏi của xã. Nú Vân không đẹp sắc sảo, nhưng có một nét duyên dáng đặc trưng, duyên từ giọng hát, dáng người, đến cái cách giao tiếp, nói cười với mọi người xung quanh. Nhưng hôm Nú Vân chuyển dạ sinh đứa con thứ ba từ đêm hôm trước, ca sinh khó khiến nú Vân mất máu quá nhiều, khi được đưa đến trạm xá xã thì không cứu được nữa.

“Dân làng tập trung đông lắm, sắp sửa đưa mẹ con nú Vân ra rừng ma mà. Nhưng thằng ba Vân nó bị con ma nhập rồi. Nó không cho ai vào nhà cả. Tay nó giờ cầm con dao đi rừng, gặp ai đến gần cũng la hét đòi chém. Nó không cho ai đem nú Vân đi đâu. Hai đứa nhỏ cũng bị nhốt trong nhà. Làng hết cách rồi. Anh lên ngay đi”.

Liêm bàn giao công việc cho đồng đội rồi lập tức lên đường. Đêm ấy, người làng Tam Rin tập trung rất đông từ đầu nhà rông đến cổng nhà ba Vân. Giữa bập bùng ánh đuốc, Liêm rẽ dòng người tìm được ba Vân đang ngồi ở đầu sàn nhà, trên tay vẫn lăm lăm con dao sắc lẹm. Xung quanh đó, A Đáo, già Min và một vài cán bộ xã đang ra sức nói chuyện, giải thích với ba Vân để mong thay đổi được cục diện trước mắt. Thế nhưng ba Vân lúc này như con thú bị thương sợ bóng người. Y ngồi thất thểu, lầm lì, câm lặng, hễ phát hiện bóng người đến gần chân cầu thang lại lồng lên dữ tợn, la hét, xua đuổi khắp mọi người làng.

Đêm hôm ấy, sau cuộc bàn bạc chớp nhoáng, cán bộ, Công an xã quyết định vận động dân làng ai về nhà nấy. Người lớn, người bé tắt đuốc, đi xa cầu thang nhà ba Vân. Các tổ cán bộ xã cũng rút hết về các nhà dân gần đó. Riêng Liêm, già A Min và A Đáo ở lại, bày rượu uống ngay dưới chân cầu thang ba Vân đang ngồi. Càng về khuya, sương xuống càng dày, trời càng trở lạnh. Dăm ba câu chuyện từ dưới sàn bay lên, cuối cùng thỉnh thoảng cũng đã có một câu trả lời từ trên sàn nhà vọng xuống. Câu chuyện ba người từ lúc nào đã trở thành chuyện bốn người không rõ.

Quá nửa đêm thì già Min mở được cửa nhà ba Vân để chêm thêm nước vào ghè rượu. A Đáo nhen lại bếp lửa, sưởi ấm cho mấy đứa nhỏ. Ba Vân vẫn tiếp tục gật gù hát cho Liêm nghe những bài hát nú Vân vẫn thường hay hát, kể lể về dự định mà cả hai vợ chồng cùng ấp ủ. Hai vai Liêm ướt sũng sương đêm, mi mắt dính ướt, nặng trĩu những hạt sương tròn, li ti như quả cầu nước. Ba Vân ngả lưng xuống sàn, kéo tay Liêm nằm xuống. Trong cái nhìn nghiêng nghiêng qua thềm cửa, Liêm thấy bóng dáng xiêu vẹo của già Min bên bếp lửa, hai tay đang xoa xoa con bé nhỏ, tiếng nó khóc quẫy vang cả trời đêm…

“Từ sau đó thì ba Vân thành ra như này, nó uống rượu suốt, hai đứa con gái bữa no, bữa đói, người làng cho gì ăn đó. Con Vân đáng lẽ được xuống Trường nội trú huyện học từ hè này, nhưng nó sợ nó đi thì em nó chết đói nên nó bỏ học. Thầy cô giáo cũng tới gặp ba Vân nhiều rồi. Nó cứ say suốt cũng không ai biết phải làm sao.”

“Tạm thời tối nay ta ở lại đây, già ạ. Sáng mai, nếu tình hình không được nữa thì phải cưỡng chế ba Vân ra khỏi làng thôi”.

Già Min gật đầu, bỏ thêm củi vào bếp lửa. Liêm lúc này mới sực nhớ, quay sang hỏi chị em con Vân đã ăn uống gì chưa. Nó lắc đầu, nước mắt chực trào ra. Liêm lục ba lô, già Min bắc nồi. Chẳng mấy chốc thì mùi mì gói ngào ngạt bay khắp nhà. Hai đứa nhỏ sì sụp húp, ăn no xong thì lăn ra ngủ luôn bên bếp. Liêm cũng ngả lưng xuống sàn, đầu gối lên ba lô. Gió ngoài cửa thốc vào từng cơn lạnh buốt. Từng mảng bìa vá lỗ chỗ trên vách tường rung lên bần bật. Già Min vẫn ngồi, lưng dựa vào cột nhà, mắt đăm đăm nhìn ra cửa. Bóng ông đổ dài trên sàn nhà, bập bùng theo ánh lửa.

Liêm nhẩm tính lại những công việc đã triển khai trong ngày. Chiều nay, những đoàn cán bộ đầu tiên và lực lượng bộ đội các Trung đoàn cũng đã về được Tam Rin. Toàn bộ hàng cứu trợ được tập kết tại khu sơ tán. Các lực lượng bắt tay ngay vào việc đào bới, tìm kiếm người mất tích, sơ tán gạo, của cải của bà con ra khỏi làng. Đến tám giờ đêm thì trời đổ mưa lớn nên việc tìm kiếm buộc phải ngừng lại. Các lực lượng thống nhất sẽ tiếp tục vào rạng sáng mai để đảm bảo an toàn. Riêng với gần chục hộ dân vẫn chưa chịu rời đi, Liêm và các tổ công tác phải đến từng nhà để vận động. Gia đình ba Vân là hộ cuối cùng.

Một tiếng “ầm” kinh thiên động địa vang lên, xé toạc bầu trời đêm tĩnh mịch. Con bé nhỏ giật mình khóc ré lên. Liêm choàng dậy lao về phía cửa. Già Min đã ngồi ở đó từ lúc nào. Mắt nhìn ra ngoài trời như đâm thấu cả màn đêm. “Phía giọt nước”. Tiếng già Min thì thầm. Ba Vân cũng đã bật dậy từ lúc nào. Liêm lao đến, nói như ra lệnh:

- Ba Vân, tỉnh rồi chứ? Đi ngay thôi.

Ba Vân vẫn ngơ ngác nhìn. Liêm ôm hai bên vai ba Vân siết mạnh:

- Ba Vân, thực sự phải đi rồi, có hiểu không?... Phải đi ngay bây giờ, núi lở, không ở lâu được nữa, ở lại là chết... Ba Vân, nhìn hai đứa nhỏ đi, con bé năm sau còn phải đi học trường nội trú, nó không thể bỏ học được, nú Vân muốn nó làm cán bộ, anh nhớ chứ?... Nhìn con bé xem, nó có đôi mắt giống nú Vân y hệt… Nhìn mấy đứa nhỏ xem… Ba Vân!

Một tràng tiếng ầm ầm nối tiếp nhau át cả tiếng Liêm đang hét bên tai ba Vân đến lạc cả giọng, kèm theo đó tiếng đất đá lăn lục ục, lần này rất gần. Ba Vân không nói không rằng, bất ngờ hất mạnh tay Liêm ra rồi quả quyết đứng dậy, hạ cái gùi trên vách xuống. Con bé Vân hiểu ý buông em nó ra, phụ cha gom những vật dụng cần thiết cho vào gùi. Liêm thở phào, quay sang già Min nói lớn:

- Di chuyển về khu sơ tán ngay bây giờ, già nhé.

Ngày thứ 5 ở Tam Rin…

Mưa đã tạnh hẳn từ đêm hôm trước. Trời ráo hoảnh, trong xanh như chưa từng trải qua những ngày mưa bão. Từng tán rừng chuyển mình, xanh rì và sạch sẽ sau bao ngày được gió mưa tắm gội. Khu lán tạm ồn ào, đông đúc, trập trùng bóng áo xanh. Từ xa đã nghe tiếng nói cười, tiếng đám con nít gọi nhau ríu rít. Khói bếp nghi ngút bốc lên xa gần, thơm lừng mùi hương của rừng núi.

Hôm nay, Liêm trở về dưới huyện. Trên đường Liêm trở ra, từng hàng, từng đoàn người cõng gạo, muối, thực phẩm, thuốc men vẫn cần mẫn ngược chiều tấp nập. Liêm nhận ra nhiều người quen, liên tục vẫy tay chào. Bên triền núi, một cụ già Xê Đăng ngực trần đang hứng nước từ máng vào can nhựa lớn. Dòng nước cách đây mấy hôm còn đỏ ngầu, hung dữ. Ấy mà giờ đây, nước từ thượng nguồn đổ về máng trong veo là thế. Những đoạn đường hôm Liêm đi vào phải vật lộn vì sạt lở, hàng ngàn tấn bùn đất, cây đổ nay đã được dọn thông gần hết. Bên vệ đường, giữa rẫy mì ngả nghiêng, bị vùi lấp trong bão lũ, vài ngọn non đã kịp tách mình, vươn lên xanh biếc…

--------

(1) Ba Cắm: Cha của thằng Cắm

(2)Nú Cắm: Mẹ của thằng Cắm

(Cách gọi tên người theo tên con lớn của người Xê Đăng vùng Ngọc Yêu, Tumơrông, Kon Tum).

Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Thúy
.
.