Khi mùa thu tới...

Thứ Bảy, 24/06/2023, 22:27

Thơm bối rối. Mấy năm gần đây, hễ có cơ hội gặp Thơm là ông Kiên lại huyên thuyên đủ điều. Kỳ quặc nhất là ông hay nói đến quan hệ nam nữ, thậm chí công khai tán dương một bà bạn từng cùng đi nước ngoài với ông có lối sống rất hợp thời, biết hưởng thụ đặc ân của tạo hóa ban cho loài người là tình dục. Ông bóng gió rằng những phụ nữ "cổ xưa" như vợ ông thật dại dột và không biết sống, không biết hưởng thụ mật ngọt của đời.

Cơn mưa cuối hạ gõ rầm rập như vó ngựa trên mái nhà rồi mất hút, ngắn ngủi như niềm vui của người già. Qua hai lớp cửa kính và cửa chớp, bà Nụ cảm thấy hơi nóng từ mặt đường bốc lên ngột ngạt. Trong lòng bất an, bà xỏ dép, bước lần xuống cầu thang, vào phòng bếp, ngồi lên chiếc ghế dựa trong không gian tranh tối tranh sáng quen thuộc. Chồng bà đang lúi húi sau bếp. Tiếng máy bơm nước chạy ro ro. Ông vừa bơm nước, vừa trông chừng nồi áp xuất đang hầm món tỏi đen - thứ thuốc tăng cường thể lực cho bà Nụ.

Dạo này ông Kiên chẳng buồn cạo mặt, râu quai nón mọc lam nham như đám cỏ gà. Xong việc, ông ngồi xem ti vi, uống trà nhân trần. Nhìn ông cô đơn và u buồn. Trong góc bếp, một thùng các tông to đựng khoai tây, cà rốt và củ dền đỏ. Ngày nào ông Kiên cũng gọt vỏ, xay rồi ép mấy thứ củ quả ấy lấy chừng một ly nước cho vợ uống. Ông làm việc đó cần mẫn, cẩn thận, bằng bổn phận của người chồng hơn là tình thương đối với vợ. Trên tường bếp treo tờ giấy khổ lớn in 10 điều răn của Đức Phật. Ông Kiên chưa một lần đọc hết những điều răn ấy, dù tờ giấy treo tường đã vàng ố. Qua cánh cửa sổ mở hé, mùi hăng hắc thoảng vào từ miếng vườn lâu nay chỉ để cho chuột đào hang và cỏ dại tung hoành. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ quả lắc gợi lên không khí xa xưa và u tịch.

- Bà uống trà gừng nhé. Cho ấm phổi - Ông Kiên hỏi mà không nhìn vợ.

- Không. Ông pha cho tôi cốc trà chanh mật ong.

Ông Kiên đi pha trà. Những bước chân lệt sệt chậm rãi. Ngay từ thời trẻ ông đã không có thói quen đi nhanh, huống hồ là có tuổi.

Nhiều năm trước, ông Kiên từng đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Giai đoạn cả nước túng bấn, ông về nước. Năng lực, sự mẫn cán cùng cái mác Tây học giúp ông trụ vững ghế Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giống cây trồng đến tận lúc về hưu. Tuy chỉ kém vợ ba tuổi nhưng nhìn gương mặt phẳng phiu, làn da hồng hào và vóc dáng gọn gàng, ai cũng tưởng ông trẻ hơn vợ hàng chục tuổi. Ông không bạn bè, không trà rượu, không họp hành.

Về hưu, thấy ông khỏe trẻ, người ta mời ông tham gia công tác xã hội. Nhưng ông chối phắt. Về vườn rồi có họa là điên mới tham gia hò hét, í ố ở khu dân cư rặt người tứ xứ. Chỉ tổ tốn thời gian. Thi thoảng ông cũng ủng hộ đồng bào bị bão lụt, trẻ em đặc biệt khó khăn. Mà cũng chỉ góp ở mức hộ nghèo.

Mỗi ngày, niềm vui của ông là đưa đón hai thằng cháu ngoại đi học, lo cho chúng ăn, ngủ. Hai thằng cháu thấp lùn chắc nịch như nắm cơm, chạy huỳnh huỵch lên lầu, vào phòng ông ngoại nghịch máy tính. Từ lâu mọi việc chợ búa, nấu nướng, sắc thuốc, đi mua thuốc cho vợ… một tay ông Kiên lo. Ban đầu có hơi lọng cọng. Vì chưa quen. Sau cũng ổn. Ai khen đảm đang, ông cười tuế tóa. Bà ấy phục vụ chồng, con cả đời, nay tôi chăm lại mới vài năm, thấm gì.

Ông Kiên đặt trước mặt vợ cốc trà bốc khói. Bà Nụ ngả đầu trên lưng ghế tựa, chiếc đai dành cho những người thoát vị đĩa đệm khiến người bà cứng đơ. Từ lâu, đôi lúc bà Nụ có cảm giác chồng chịu đựng mình như con ngựa già chịu đựng cái hàm thiếc. Nhưng không phải vì hàm ơn chồng mà bà dễ dàng chịu thua trong các cuộc tranh cãi với ông Kiên. Họ thường tranh cãi về tất thảy mọi thứ. Bà Nụ thu nhận tin tức chủ yếu qua ti vi, vì trong nhà không có sách, báo, bà cũng không kết nối với thế giới bằng máy tính và Facebook. Ông Kiên luôn lắc đầu, nhường phần thắng cho vợ, dù ông bảo bà "ếch ngồi đáy giếng". Câu chuyện của hai người thường kết thúc trong nỗi hậm hực của bà vợ và sự im lặng đầy bao dung, nhẫn nhịn của ông chồng.

Khi mùa thu tới... -0
Minh họa: Bùi Quang Đức

Buổi chiều dưới sông bảng lảng một lớp sương mờ. Ánh mặt trời rọi xuống làn nước có màu vàng đồng, ngả dần sang màu xanh xám, bóng tối phủ nhanh trên vạn vật. Gió sông lồng lộng thổi vào, len lách đuổi nhau trong các khu vườn tạp bị mắc kẹt giữa những bức tường. Thơm, em gái út của bà Nụ vừa điện báo chiều sẽ bay ra Hà Nội. Để dự một lớp tập huấn. Hai năm rồi chị em chưa gặp nhau, việc Thơm ra Hà Nội thật sự là tin tốt lành.

Thơm dáng cao, môi đỏ như san hô, thân hình đầy đặn, mê văn học đến độ từng nằm trong giường đọc sách và làm đổ cây đèn dầu, lửa phừng lên, xuýt cháy nhà. Bố mẹ muốn Thơm an phận, nhưng nàng chỉ theo ý mình. Có trình độ đại học, độc lập, mạnh mẽ, lại ham làm việc nhưng Thơm cũng xốc nổi và cảm tính. Đang ở Hà Nội, nàng leo tuốt lên miền ngược dạy học, được vài năm lại bỏ, làm chuyên viên hướng dẫn du lịch tay ngang. Rồi đột ngột chuyển vào Đông Nam bộ, làm việc ở trung tâm tư vấn cộng đồng.

Cả ngày Thơm bận rộn. Công việc của nàng là can thiệp những vụ đàn ông bạo hành vợ, trẻ em bị xâm hại, đứng ra tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về gia đình, thành lập và duy trì các tổ chức mang những cái tên đậm tính phong trào: "Câu lạc bộ đàn ông giúp việc nhà", "Phụ nữ không sinh con thứ ba". ..  Thơm đi nhiều, quan hệ rộng, đám hiếu hỷ nào cũng có mặt. Nàng có thể ngồi trong cuộc nhậu, giữa đám đàn ông râu ria, cùng" zô zô" một cách phấn khích. Nàng cũng có thể thức rất khuya để viết báo nếu bị ám ảnh chuyện gì đó.

Nhưng thật trớ trêu, dù người thầm mê Thơm không ít, chuyện tình duyên của nàng vẫn trắc trở. Thơm yêu ai cũng gây cho người thân cảm giác chông chênh như nàng đang đi xiếc dây. Nàng kết hôn nhưng chẳng bao lâu lại ly dị, sống độc thân. Ai hỏi chuyện vợ chồng, Thơm nửa đùa nửa thật bảo nàng có số làm… gái già, nên đã từ bỏ tham vọng lấy chồng. Bà Nụ rất thương em gái, nhưng hai chị em khác "kênh" nên khó chia sẻ. Bà Nụ không hình dung được phụ nữ có thể hạnh phúc chỉ với việc lo toan cho thiên hạ và thoát ly hoàn toàn chuyện chồng con. Ngược lại, Thơm yêu sự bận rộn và thấy cuộc sống của chị gái như bị giam cầm.

*

Con chó Phú Quốc to lớn, lông vàng bật đứng dậy, hầm hừ khe khẽ khi thấy chủ mở cổng cho người lạ. Ông Kiên xách chiếc va li to kềnh của Thơm vào nhà. Bà Nụ chưa kịp nhìn kỹ em gái đã thấy mình lọt thỏm trong vòng tay ấm áp của Thơm. Để giấu nỗi xúc động, bà gỡ tay nàng ra nói:

- Dì đi dép vào cho ấm chân. Nhà này bây giờ có ai lau đâu.

Thơm nhìn chiếc xương quai xanh hằn lên sau lớp áo mỏng và sắc mặt nhợt nhạt của chị gái, tim se lại. Nàng tự giận mình quá ham công việc, chểnh mảng việc thăm hỏi chị gái. Ông Kiên ân cần hỏi han em vợ. Mặt ông bình thản như mặt hồ buổi sớm, dù dưới đáy hồ sóng đang cuộn.

Trong số các em vợ, Ông Kiên thiện cảm nhất với Thơm. Những người khác ông cho là đầu óc chậm lụt, trừ cậu em là doanh nhân khá thành đạt khiến ông hơi gờm. Anh ta luôn chọc thẳng vào "chỗ hiểm" của ông, xấc xược cạnh khóe rằng đám công chức như ông chỉ giỏi dựa hơi nhà nước, có chút tài sản cũng là nhờ láu cá, biển thủ của công. Sự thiếu lễ độ của em vợ khiến ông khó chịu nhưng chả lẽ mắng lại, hơn nữa anh ta nói đúng.

So với anh em nhà vợ, ông tự thấy mình cao hơn một bậc. Chỉ vì kém ngoại giao mà ông cả đời lẹt đẹt chức Giám đốc cái trung tâm nhỏ như móng tay. Sự thua thiệt khiến ông nhiều lúc giận thân giận đời. Cũng vì vụng giao tiếp, luôn có xu hướng co cụm mà thời trẻ, ông nhìn Thơm với con mắt phê phán. Đối với ông, Thơm là mẫu phụ nữ hấp dẫn nhưng đa đoan, bao đồng và dễ lạc lòng. Nói trắng ra, những phụ nữ mà đàn ông khó độc chiếm như nàng, ông không mấy tin tưởng.

Vậy mà không biết từ lúc nào, tình cảm của ông Kiên cứ nghiêng dần về phía cô em út của vợ. Ông khát thèm sức sống, vẻ linh hoạt và cả tật ồn ào, nói nhiều của Thơm, nó làm cho cuộc sống như bị côi cút, chìm đắm trong nỗi buồn dai dẳng sắp lên rêu mốc của ông rộn lên và lung linh màu sắc. Nhưng vị thế anh rể, thêm bà vợ đau ốm khiến ông phải rào dậu, che chắn kỹ lưỡng tình cảm của mình.

Gần đây, ông Kiên càng lúc càng cảm nhận rõ thời gian nghiệt ngã đang tước đi dần những gì khiến ông có thể cảm thấy vui. Hệt như những cơn gió thu thản nhiên dứt đi từng chiếc lá vàng trên cành. Đôi khi, ông hối tiếc về tất thảy mọi điều. Ăn học, đi nước ngoài nước trong, rốt cuộc cũng chỉ dùng mớ kiến thức của mình để đi chợ, nấu ăn và cãi lý với bà vợ già bảo thủ khó tính. Lâu nay, ông quen đổ hết trách nhiệm lên vợ, lơ đi sự thật cuộc sống sáng hay tối đều do chính ông chọn lựa.

Những người mới quen ông Kiên đều khen ông hiền hòa, tốt tính, đạo đức. Hiếm khi thấy ông cáu giận. Ông khôn khéo, biết cách kiếm tiền mà đường quan lộ không để lại điều tiếng. Chỉ những ai thật thân mới biết cả đời ông sống với thói tự mãn ngầm, những toan tính khô khan, tiết chế đến cả nụ cười, ngay vợ con cũng không soi được tâm can. Nhưng giờ đây nỗi cô đơn, sự trống rỗng, cảm giác vô vị ăn mòn tâm hồn, khiến ông buông bỏ hình ảnh mẫu mực. Mấy lần ông gọi điện thoại, lấp lửng với Thơm rằng bà Nụ chẳng còn bao nhiêu thời gian, rằng ông đã tính kỹ, nếu nàng chịu ra ngoài này, ông sẽ thu xếp tài chính để nàng sống thoải mái không phải lo gì. Đáp lại ông, Thơm chối phắt. Nhưng ông không nản. Trong thâm tâm, ông tin Thơm giàu lòng trắc ẩn. Nếu ông cứ gan lỳ thì sự cứng đầu của nàng đến lúc nào đó sẽ rã ra như bức tường vôi bị thấm nước…

Thơm đi tắm, rồi lên lầu, nhìn căn phòng quen thuộc của bà Nụ, lại xuống bếp, ra sau nhà, nhíu mày nhìn cây khế trong góc vườn chi chít những chùm hoa tím. Con chó vàng bám theo, đưa cái mũi ướt gại vào ống quần nàng làm Thơm giật mình. Lòng nàng nao nao vì bao năm qua, mọi thứ ở nhà chị gái vẫn vậy, chỉ cũ kỹ, rệu rã hơn và dường như bị bỏ quên.

Ba người ngồi bên bàn nước. Mùi trà thơm nhẹ lan tỏa trong căn bếp thoắt trở nên ấm cúng, đậm tình thân gia đình. Những câu chuyện dí dỏm, dở thật dở đùa của Thơm khiến bà Nụ bật cười. Chốc chốc nàng lại chạy ra ngoài nghe điện thoại và trở vào với vẻ áy náy vì làm câu chuyện gián đoạn.

- Dì chắc không có lúc nào rảnh nhỉ. Tôi nghĩ dì bận ngang với… Thủ tướng - Ông Kiên nói, nửa bông đùa, nửa trách móc.

Thật ra, sự có mặt của Thơm khiến cuộc sống của vợ chồng ông bỗng chốc bừng sáng. Bà Nụ trở nên hiền hòa và không cằn nhằn chồng mỗi khi trái ý. Bầu không khí tù đọng trong nhà ấm lên như được tiếp thêm năng lượng.

Trong lúc hai chị em gái ríu rít những câu chuyện muôn thuở của phụ nữ, ông Kiên đi chuẩn bị bữa chiều. Trong bụng ông nghĩ, tí nữa cơm xong, ông sẽ nhắc lại những dự liệu của ông với Thơm, lần này biết đâu, mọi chuyện sẽ ổn.

Bữa cơm kéo dài hơn thường lệ. Bóng tối làm cây cối trong vườn trở nên đen sẫm và nền trời đã hiện những vì sao lấp lánh. Trong khi Thơm rửa bát, cuộc trò chuyện của hai chị em gái vẫn tiếp tục. Một hồi, bà Nụ loẹt quẹt đôi dép cói đi lên lầu, không quên nhắc Thơm mau đi nghỉ. Thơm rửa bát xong, muốn đi theo chị gái để tránh phải nói chuyện với anh rể. Nhưng nàng chưa kịp bước theo bà Nụ thì ông Kiên đã ngăn lại:

- Dì ngồi lại đã. Tôi có chuyện muốn nói với dì - Ông nói, giọng lạc đi. Thơm cau mày, miễn cưỡng ngồi xuống ghế. Ông Kiên nhìn nàng, hạ giọng:

- Sáng mai tôi đưa Thơm ra siêu thị, Thơm muốn mua gì thì mua. Tôi … vẫn mong Thơm ra Hà Nội. Chuyện tài chính Thơm khỏi phải bận tâm. Tôi đủ sức lo cho Thơm đến hết đời. … Ý Thơm thế nào?

Thơm bối rối. Mấy năm gần đây, hễ có cơ hội gặp Thơm là ông Kiên lại huyên thuyên đủ điều. Kỳ quặc nhất là ông hay nói đến quan hệ nam nữ, thậm chí công khai tán dương một bà bạn từng cùng đi nước ngoài với ông có lối sống rất hợp thời, biết hưởng thụ đặc ân của tạo hóa ban cho loài người là tình dục. Ông bóng gió rằng những phụ nữ "cổ xưa" như vợ ông thật dại dột và không biết sống, không biết hưởng thụ mật ngọt của đời. Những chuyện giường chiếu trơn tuột qua miệng anh rể làm Thơm thấy bẽ bàng và bị tổn thương. Nàng nghĩ dường như ông cố ý đo lường cảm xúc của nàng. Hay là… người ta vẫn bảo, thiếu cái gì thì hay nói về cái đó? Nếu vậy… Có cái gì đó nứt vỡ trong tình cảm Thơm dành cho anh rể. Nhưng ý nghĩ cay đắng không thoát ra ngoài mà vón cục trong lòng nàng. Thơm buột miệng:

- Cảm ơn anh đã lo cho em. Nhưng em trả lời anh từ mấy năm trước rồi. Chết sống gì em cũng ở trong ấy. Anh không cần phải sắp đặt.

Một khoảng lặng trùm lên hai người. Dường như Thơm nghe được tiếng tim đập nặng nề và lỗi nhịp trong lồng ngực anh rể. Nàng thấy hơi hả dạ khi nhìn gương mặt chùng xuống vì thất vọng của ông. Đúng lúc đó, giọng bà Nụ từ trên tầng hai vọng xuống, nghe hơi gắt:

- Dì rửa bát xong chưa. Lên nghỉ đi.

Cả Thơm và ông Kiên đều giật mình, bất giác nhìn lên. Sự nín nhịn như sắp bục vỡ thoáng qua gương mặt ông Kiên. Nhưng ông bình thản lại ngay và cố vớt vát bằng câu đùa:

- Thì dì cứ thong thả uống hết cốc nước đã. Công tôi pha trà phục vụ dì…

Thơm uống cạn cốc trà nhân trần. Vẫn tránh cái nhìn của anh rể. Tuy nhiên, Thơm biết rõ cặp mắt sâu thời trẻ có màu hổ phách rất đẹp giờ đã hẹp lại vì tuổi tác đang xoáy vào nàng. Cái nhìn vừa cầu khẩn, van lơn, lại vừa lì lợm riết róng.

Bà Nụ lại gọi Thơm, rõ là bà đang sốt ruột. Thơm vụt đứng lên. Ông Kiên cũng đứng lên theo, đột ngột nắm cánh tay nàng, kéo giật lại. Trong khoảnh khắc, người Thơm dúi vào ngực ông. Sự đụng chạm lần đầu tiên giữa Thơm và anh rể khiến nàng hoảng hốt. Theo phản xạ, Thơm đẩy ông Kiên bật ra. Cú đẩy khá mạnh, khiến ông hơi loạng choạng, va phải bàn bếp, làm chiếc ly thủy tinh rơi xuống sàn vỡ toang. Thơm quay ngoắt người bước lên gác, mặc cho anh rể đứng choáng váng, như một thân cây bị phạt trụi lá. Một hồi, ông Kiên như chợt tỉnh, cúi xuống nhặt mảnh ly vỡ. Căn bếp lại chìm trong bầu không khí nóng ẩm thiếu ánh sáng kinh niên và sự yên lặng đến ngộp thở.

Bà Nụ nghe bước chân em gái rón rén đi lên lầu nhưng không quay mặt lại. Giọng bà dịu dàng và như phân trần:

- Nhà chị quen ngủ sớm. Thức khuya ông Kiên mệt, không có sức phục vụ chị. Em cũng ngủ đi cho khỏe.

- Dạ. Em ngủ đây. Mấy hôm ở trong ấy, hôm nào cũng thức khuya.

Thơm nói rồi nằm xuống chiếc nệm trải trên sàn nhà, nhìn chị gái từ phía sau. Người bà Nụ nhỏ thó, mái tóc cắt ngắn lơ xơ sợi đen, sợi trắng. Thơm xót xa nghĩ. Thời gian quá khắc nghiệt. Nó đã biến đổi hoàn toàn chị gái của Thơm. Chẳng còn chút dấu vết nào của người thiếu phụ xinh đẹp, có cặp mắt to đượm buồn, đêm nào cũng thức quạt cho cô em nhỏ ngủ say rồi mới ngả lưng trên chiếc giường đơn, suốt đêm chịu đựng những cú đạp ngủ mớ của cô em bé.

Ngày Thơm ra Hà Nội học để đỡ gánh nặng cho bố mẹ, chị Nụ mới ngoài hai mươi. Hai chị em chỉ có một suất rưỡi cơm - tiêu chuẩn thời chiến, chị Nụ hay nhường em gái những miếng thịt mỏng dính hiếm hoi. Chị cắt sửa quần áo mình và cả quần áo bạn bè cho thành những bộ đồ nhỏ cho Thơm mặc. Ban ngày chị đi làm, lên chốt trực chiến, mặt sạm đi vì nắng gió. Có lần Thơm chợt thức dậy trong đêm và thấy chị gái khóc thầm, vai rung bần bật. Thơm đoán, chị Nụ nhớ người chồng đẹp trai của chị.

Anh Phong có hoa tay, vẽ rất đẹp. Thời anh còn đóng quân ở Hòa Bình, chị Nụ đã đưa anh về ra mắt bố mẹ. Anh Phong đã dạy anh em Thơm tập bơi, đánh bóng bàn, vui nhất là anh nhảy xuống ao đuổi bắt con vịt cắt tiết không chết, cứ bơi nhớn nhác, mồm kêu quàng quạc. Sau đám cưới vài ngày, anh Phong đi B. Chị Nụ đem treo lên tường nhà những tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh và bức sơn dầu vẽ chân dung chị. Trong tranh, người thiếu phụ mặc áo dài màu hoa cúc có cặp mắt to đượm buồn. Anh Phong đi B chỉ hơn một năm thì hy sinh, gần chục năm sau mới có giấy báo tử. Bức chân dung chị Nụ trở thành kỷ vật quý của anh, mỗi lần nhìn tranh, bố mẹ Thơm lại thở dài…

- Chị mày đẹp cho ai chứ có đẹp cho tao đâu - Ông anh rể mới giận dữ nói khi Thơm hồn nhiên khoe tấm ảnh chị Nụ tươi rói giữa đội văn nghệ. Anh rể Thơm cao ráo sáng sủa và dẫu khi ở trời Tây cũng "dung dăng dung dẻ" với đôi ba cô gái da trắng da vàng nhưng trên danh nghĩa vẫn là "trai tân". Bạn bè trầm trồ chị Nụ tốt số. Chẳng ai ngờ, ngay từ khi về thăm nhà bạn gái lần đầu, ông Kiên đã cảm thấy bức bối. Trong nhà Thơm ngập tràn những kỷ niệm về người con rể cũ. Sự đố kỵ của ông lên đỉnh điểm khi ông tình cờ phát hiện ra cả một "kho" kỷ vật mà anh Phong để lại. Những tấm bưu thiếp do anh tự thiết kế. Chiếc túi du lịch có tên Phong bằng sơn xanh. Những bức ảnh trắng đen chụp đôi tình nhân trẻ hạnh phúc rạng ngời.

Trong sâu kín cõi lòng, ông Kiên coi việc lấy "gái hóa" làm vợ là sự dũng cảm và cũng là thua thiệt của ông, vì vậy ông có quyền đòi vợ xóa bỏ quá khứ, xóa tất tần tật, không để lại chút gì. Chị Nụ không dám léo hánh đến nhà chồng cũ, ngay cả khi bố mẹ anh Phong mất, chị cũng chỉ giấu chồng gửi hoa viếng chứ không về dự đám tang. Dẫu vậy, cả nhà Thơm vẫn biết ơn anh rể. Mọi người tránh nhắc đến những gì nhạy cảm khiến ông Kiên không hài lòng. Nhưng Thơm vẫn mắc sai lầm. Trong một lần say sưa tranh luận với ông Kiên về chuyện gì đó, nàng đã buột miệng nhắc đến anh rể cũ.

- Nếu không có chiến tranh thì có lẽ tôi đã khỏi phải trở thành anh rể của dì rồi - Ông Kiên nói, cố rặn ra nụ cười nhưng chỉ thấy cặp môi dày run lên vì nén giận. Âm sắc chua cay trong giọng nói của ông khiến Thơm bừng tỉnh…

*

Chiều hôm sau, Thơm sang lớp học. Khi nàng vào bếp chào anh rể, ông Kiên đang gọt khoai tây, trên người khoác chiếc tạp dề. Đêm qua, ông gần như thức trắng. Xấu hổ, hối tiếc và buồn bực vì hành động của mình. Ông nhìn Thơm bằng cặp mắt khô khốc và thở dài:

- Chuyện hôm qua, chắc dì giận tôi. Thành thật xin lỗi dì. Chẳng qua… tôi quá ngu.

- Em có… nghĩ gì đâu - Thơm bối rối nói, cảm thấy mi mắt nong nóng. Đêm qua nàng cũng gần như thức trắng vì những cảm xúc trái ngược, giận, rồi lại xuê xoa cho anh rể. Nàng thấy mình mắc kẹt trong những phức tạp rối rắm của quan hệ gia đình. 

Tắc xi lượn qua khúc cua rồi đỗ xịch. Bà Nụ và ông Kiên ra ngõ tiễn cô em. Nhìn dáng nhỏ bé liêu xiêu của chị gái và nét mặt u uẩn của ông anh rể, lòng Thơm chợt chùng xuống. Có cái gì đó thật buồn và cô đơn của cả hai khiến nàng muốn òa khóc. Nhưng Thơm chỉ hít một hơi mạnh, lấy lại vẻ bình thản rồi giơ tay chào trước khi chui vào tắc xi. Cửa xe sập lại. Qua lớp kính, Thơm thấy chị gái đưa tay vẫy, bàn tay trắng nhợt, cặp môi cũng trắng nhợt. Bên cạnh bà Nụ, ông Kiên cười gượng gạo.

Trên cao, bầu trời mùa thu xanh vời vợi.

Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Điệp
.
.