Những vạt hoa màu tím
Họ ngượng ngùng những lúc tình cờ gặp gỡ, vội vã trao cho nhau ánh mắt làm xuyến xao đối phương rồi vờ đi như hai kẻ bình thường. Trông họ như một chuyện tình “vụng trộm”. Thứ gì lén lút lại càng trở nên hấp dẫn. Tiếng hát của anh xưa đã ngọt, nay có thêm chút hương vị của đôi lứa, lại càng ngọt ngào và tha thiết.
Nàng hăm ba. Chính xác là hăm mốt tuổi mấy tháng, cuối năm mới đầy hăm hai tính theo dương lịch. Ấy vậy mà ông thầy bói cứ quả quyết hăm ba. Ngày nào má cũng hối chuyện lấy chồng, vì lứa như nàng đứa chồng, đứa con, tay bồng tay bế. Rõ khổ! Lấy ai? Ai lấy? Nàng không biết. Má chắc chắn lại càng mơ hồ. Má đâu hiểu rằng trái tim nàng từ lâu đã phong kín bởi những đóa đậu biếc khô… Phải rất lâu nữa những đóa đậu biếc này mới rụng xuống để cho trái tim những nhịp đập hồi sinh.
Nghĩ cũng lạ. Hồi mới ngấp nghé tuổi mười bảy, cũng nhiều chàng để ý, “liếc mắt đưa tình”. Nhưng liếc dọc, liếc nghiêng nàng cũng kệ, không hồi âm, động đậy. Có lý do hết. Nàng phải lòng anh, một chàng cán bộ máu nghệ sĩ, ban ngày quân phục chỉnh tề, tối ôm đàn hát hò, viết nhạc, làm thơ. Người ta ghẹo, ông cán bộ mà bay bổng dữ - nghề tay phải, tay trái, gái nào không mê. Phải. Mê nhất là nàng. “Fan cứng” nhà ở kế bên, bước qua giàn hoa đậu biếc ngăn cách nhà anh với nàng, âm thầm tím rực bất kể nắng mưa, tháng ngày.
Dạo trước, má thấy trong người hay lo âu, mất ngủ. Nghe đâu trên “gu gồ” có phương thuốc uống trà nấu từ hoa đậu biếc giúp giảm căng thẳng, bớt mệt mỏi mà còn tăng cường sức khỏe. “Buồn ngủ gặp được chiếu manh” ngay bên hàng rào một loài dây leo, thân thảo mang công dụng má cần. Vậy là chiều chiều nàng đều dành một khoảng thời gian để hái “dược liệu” cho má.
Anh hơn nàng nhiều tuổi. Họ gọi nhau bằng chú xưng em. Thường ngày, khi xóm vắng bắt đầu lên đèn, mới nghe anh tằng hắng lấy giọng “Thức trọn đêm nay để nhớ thương em…”. Bữa nọ ngày nghỉ, không quân phục lên cơ quan nên mặt trời vừa gác núi, đã nghe tiếng anh đàn. Oái oăm, tiếng đàn hôm nay tự dưng phát ra ngay dưới giàn đậu biếc thay vì văng vẳng xa xa như ngày thường. Bên kia hàng rào, nàng đang thong thả đón những vạt hoa màu tím đựng trong cái rổ con con bỗng giật mình trước tiếng hát “ngọt như mía lùi”. Mọi hôm chỉ thưởng thức tiếng được tiếng mất, nay tận tai nuốt trọn từng lời sao mà không giật mình cho được. “Ước gì mình đừng ngăn cách/ Ước gì nhà mình chung vách/ Hai đứa mình thức trắng đêm nay”. Những ngón tay anh điêu luyện trên dây đàn, hòa với lời ca của tuyệt phẩm, trông anh như gửi vào đó bao nỗi niềm, ký ức. Nhạc sĩ Giao Tiên chứng kiến được khoảnh khắc này có khi phải vỗ tay tấm tắc hài lòng. Mải mê hết “bài ruột”, anh không để ý đến cô nàng nhà bên từ nãy ngẩn ngơ bay bổng. Cho đến khi tiếng vỗ tay như quán tính cất lên, anh mới ngại ngùng gãi đầu.
- Ủa, em đứng đây lâu chưa?
- Từ khi chú thức trọn đêm nào đó để nhớ thương em…
Nàng cũng tinh quái, biết nói giỡn làm anh càng thêm ngại ngùng.
- Vào nấu cơm để má la đó cô!
Để giấu cái má đỏ ửng như vừa được đánh má hồng, anh cười nhắc nàng kheo khéo. Tay vẫn không ngớt gãi đầu.
- Chú hát hay vậy, phải làm ca sĩ mới phải. Mai chú lại ra đây hát nữa nha!
Không đợi anh trả lời, nàng vội vã trở vào nhà với cái rổ con con đầy những hoa tím. Hoa đậu biếc không có mùi hương đặc trưng như hoa hồng nhưng sao nàng nghe thơm lựng một mùi ngọt ngào, say đắm.
Ngày lại ngày, hôm sớm hôm tối, tiếng hát không còn văng vẳng xa xa mà đều đặn cất lên đúng cái bờ rào phủ phê leo trèo của giàn hoa đậu biếc.
- Sao chú cứ hát mãi cái bài “Nhớ người yêu” ấy. Chán phèo! Nhớ thì đến gặp cho xong.
Nàng thắc mắc, gương mặt thanh tú của cô thiếu nữ tuổi mười tám ngây ngô, tinh nghịch với đôi mắt hai mí tròn xoe giữa đôi hàng mi đen dày. Hình ảnh ấy vấn vương trong tâm trí anh, bất kể đêm ngày, bất kể trong mơ hay đời thực những ngày tháng về sau. Những lúc anh đi làm nhiệm vụ, hình bóng kia lại xuất hiện để cổ vũ anh, để anh an lòng vì một hậu phương mong ngóng. Trái tim anh chính thức ra lệnh: Anh đã yêu nàng!
Má dần dần cũng khỏi. Số lần nàng đi hái “dược liệu” giảm dần, nhưng tần suất nàng đến bên giàn hoa đậu biếc vẫn trung thành như trước. Ngày nghỉ, có khi lại nhiều hơn. Rồi anh chủ động những tin nhắn cho nàng. Thoạt tiên là những dự định tương lai, dần dà đến chuyện cuộc sống, rồi thì những lời yêu thương chớm nụ bắt đầu và tăng lên như màu hoa đậu biếc điểm tô trên giàn. Họ đổi danh xưng như mấy cặp tình nhân khi nào, bất ngờ không ai biết. Từ ngày làm cầu nối cho mối lương duyên, giàn đậu biếc như mừng vui bung nở. Hoa mới nở màu xanh dương đậm, dần dần ngả sang tím như đôi trai gái khẽ khàng đắm mình trong thứ tình cảm gọi là tình yêu. Giàn hoa trông vô tri mà “tội tày trời”.
Họ ngượng ngùng những lúc tình cờ gặp gỡ, vội vã trao cho nhau ánh mắt làm xuyến xao đối phương rồi vờ đi như hai kẻ bình thường. Trông họ như một chuyện tình “vụng trộm”. Thứ gì lén lút lại càng trở nên hấp dẫn. Tiếng hát của anh xưa đã ngọt, nay có thêm chút hương vị của đôi lứa, lại càng ngọt ngào và tha thiết. Hoa đậu biếc làm cầu nối, tiếng hát, tiếng đàn nuôi lớn tình cảm lứa đôi, còn phương tiện chính để gửi trao những lời thương nơi đáy lòng chính nhờ vào chiếc điện thoại. Họ đang “ngụy trang” trước những “ong ve” nơi xóm giềng và sợ, sợ đối diện với vô vàn những “chất vấn” xung quanh, nhất là má của nàng.
- Con với nó có gì không?
- Gì là gì hở má?
“Ngụy trang” đến mấy cũng khó qua mắt được má. Làm sao má không nghi ngờ, theo dõi khi đứa con gái đang tuổi đẹp như trăng tròn ngày ngày ra giàn đậu biếc, say sưa nghe ông chú bên kia ca mãi một bài “Nhớ người yêu”. Sao không bị khả nghi mỗi lần lén lút nhắn tin rồi cười tủm tỉm với cái màn hình điện thoại. Ấy thế là má biết chuyện. Má cấm. Cấm tuyệt đối. Lý do khiến ai cũng khó chấp nhận chứ huống chi một đứa bướng bỉnh như nàng.
- Nhà người ta giàu có, công việc đàng hoàng, mình không xứng. Con lại còn nhỏ, sắp tới phải lo học hành sao cho tử tế, kiếm cơm no đủ hãy tính.
- Thời buổi nào mà còn cái “môn đăng hộ đối” đó nữa, má ơi?
- Má nói không là không. Cãi má hối hận không kịp.
Sau những nhiệm vụ ở cơ quan, anh vẫn đều đặn đàn hát. Những đóa đậu biếc vẫn lặng lẽ nở nhưng người đắm say chẳng còn đứng đó. Một ngày, hai ngày rồi lại ba… Nàng mất tăm khó hiểu. Tin nhắn chỉ “send” âm thầm không chút hồi âm. Anh khổ sở, lo lắng, lục tung mọi ngóc ngách tìm nàng. Một tuần trôi qua, nàng buồn, buồn nhiều và dữ dội, giam hẳn mình trong nhà. Nàng soạn một tin nhắn thật dài, lấy hết can đảm mà bấm “send”. Trên màn hình, chiếc “avatar” tròn của anh rơi xuống thể hiện trạng thái đã xem. Bên kia, anh đang soạn tin nhắn, soạn rất lâu nhưng những ngày về sau, nàng vẫn không nhận được hồi âm. Anh viết gì, sao anh chẳng gửi? Câu hỏi day dứt, trở đi trở lại trong lòng nàng. Tiếng đàn hát cũng không còn thiết tha văng vẳng. Hoa đậu biếc vẫn nở nhưng trông nó cứ buồn buồn, rũ rượi.
Nàng sắp rời quê, đến một thành phố xa hơn 500km để học tập. Trước ngày lên đường nàng một lần nữa giật mình bất chợt “Em ơi đừng bao giờ nói chia lìa/ Sẽ làm tội nghiệp anh lắm/ Đã thương nhau chớ phụ tình nhau”. Anh. Giọng hát mà dù có đứng giữa đại dương ngàn trùng nàng vẫn có thể nhận ra, không lẫn vào đâu được. Cái bài “Nhớ người yêu” ngày nào nàng phát chán mỗi khi anh nhai đi nhai lại đã bắt nàng trả giá. Làm sao chạy đến bên giàn hoa đậu biếc? Không, nàng muốn chạy thẳng đến bên anh, ôm chầm lấy anh, để nói cho anh biết nàng yêu anh đến nhường nào. Lòng nàng cũng chẳng muốn rời xa anh. Nhưng thực tại lúc nào cũng phũ phàng. Mẹ nàng đang loay hoay chuẩn bị hành lý. Bà căn dặn đứa con gái bé nhỏ đủ điều.
- Con còn nhỏ, phải học hành cho xong có công ăn việc làm ổn định đã. Rồi con sẽ gặp được người xứng đáng với mình!
Một ngàn lẻ một kế sách chạy quanh trong tâm trí nàng chỉ để gặp được anh, nhìn thấy bóng dáng người con trai hết mực quan tâm nàng. Nhưng tất cả đều đầu hàng số phận, đành ngậm ngùi, giả vờ mặc kệ. Mặc kệ cái chàng trai trồng cây si. Thế là nàng đi. Nụ cười, tiếng hát, tiếng đàn của anh cũng đi cùng nàng trong tâm trí.
Ba năm trôi qua. Nàng vẫn miệt mài sách vở nơi phố thị, anh vẫn lặng lẽ cống hiến trước những nhiệm vụ thiêng liêng. Anh vẫn hỏi han nàng qua từng tin nhắn nhưng đáp lại là sự dửng dưng ngoài ý muốn nhưng có lý do của nàng. Những hồi âm cứ thế ít dần, dòng thư thoại trở nên cụt ngủn. Mọi thứ xung quanh vẫn diễn ra theo đúng quỹ đạo, chỉ có hai ta đã lệch nhịp một chút.
Trên Facebook cá nhân, chiếc “avatar” bóng lưng chàng trai nhìn xa xăm khi hoàng hôn vừa gác núi đã mấy năm nay của anh đổi hẳn sang ảnh chàng trai nhìn thẳng vào ống kính, tay mân mê chiếc cà vạt trên cổ. Điều khiến nàng dừng lại thật lâu là đôi mắt anh, đôi mắt có chút buồn buồn dù nụ cười tươi tắn trên môi. Lòng nàng thắt lại, anh thật đẹp trong bộ quần áo chú rể lịch lãm đượm một chút phong trần. Quán tính lướt điện thoại vô thức trước những “tin lá cải” xưa nay của nàng biến mất, còn lại đó một vết xước thật đau bên ngực trái.
Anh kết hôn. Vợ anh lớn hơn anh hai tuổi, là cô giáo trong huyện. Nhận được tin từ má, không quá bất ngờ, vì nàng như vừa rơi xuống vực thẳm sâu hút, chưa hoàn hồn. Bài “Nhớ người yêu” da diết, văng vẳng bên tai. Ngày đám cưới anh, giàn đậu biếc ủ rũ dù mới được tắm mát bằng những giọt mưa đầu mùa. Giọt sương vẫn còn đọng lại, vấn vương trên từng nụ hoa héo úa như giọt lệ trớ trêu trên đôi má nào. Nàng thả xuống một dòng bình luận bên dưới chiếc “avatar”: Chúc mừng anh, thật hạnh phúc anh nhé! Đôi khi tình yêu là đứng đó nhìn người mình yêu hạnh phúc, trạng thái ấy ngấu nghiến tâm can nàng.
Mấy tháng sau ngày anh cưới, nàng tốt nghiệp rồi về nhà. Giàn đậu biếc năm nào đã thay bằng sắc tím của những đóa bằng lăng. Nàng bước đến bên những nhánh hoa thủy chung, lòng hoài niệm day dứt về những vạt hoa màu tím, về bài hát “Nhớ người yêu” và những lời thương xưa cũ. Tình yêu nàng dành cho anh vẫn lảng vảng đâu đó trong sâu thẳm đáy lòng. Đúng là “Sự đời nước mắt soi gương/ Càng yêu nhau lắm, càng thương nhớ nhiều”.
Bờ rào được giăng bằng lưới sắt kiên cố. Bên kia nhà, qua những kẽ lá, một gia đình nho nhỏ vui cười trong tiếng bập bẹ của trẻ thơ. Trên những đóa bằng lăng, con bươm bướm đơn độc đập cánh liên hồi tìm mùi thơm hoa đậu biếc. Quay gót chân vào trong, lòng nàng xao xác. Bên lưng đồi, nắng đã dần buông…