Ngủ giữa khói hương bài
Dư chợt thức giấc. Gió từ dưới sông Sò tràn lên mặt Dư rồi luồn vào mát rượi từng chân tóc. Dư hít căng một lồng ngực ngát hương hoa bài. Bây giờ thì Dư đã tỉnh hẳn ngồi trông ra sông Sò. Sông Sò làm bao xanh thắt ngang lưng làng Hoành Nha như cô đào chín Hoành Nha. Nhìn dòng nước trong mát, Dư cởi phăng cái áo chúc bâu chua lòm mồ hôi, cái quần chéo go khét lẹt mùi nắng mà ùa xuống sông Sò để tắm.
Làng Hoành Nha có nghề làm hương bài truyền thống. Từ nhỏ Dư đã thấy nhà mình, nhà hàng xóm, rồi các nhà ở thôn Thượng và cả làng Hoành Nha đều làm hương bài. Nhưng hương bài thơm nhất phải là hương bài thôn Thượng. Người ta đi chợ muốn mua hương bài, phải mua cho bằng được đúng thứ hương bài thôn Thượng. Thế mới đáng đồng tiền, bát gạo bỏ ra, dù rằng giá cả như nhau, hai mươi ngàn một chục, bao năm rồi vẫn thế chứ không hơn.
Dư sinh ra và lớn lên giữa khói hương bài. Mùi hương bài quen thuộc như dòng sông Sò Dư đã tắm mỗi chiều, như cánh đồng Diệc Mạ Dư từng bắt cào cào, châu chấu mỗi vụ chiêm mùa, như cây gạo cổng chùa Thượng Dư vẫn trèo lên hái hoa cho cái Rằm mỗi độ tháng ba, như chợ Hoành Nha Dư thường theo mẹ đi chợ tết bán bưởi chín để được mua cái áo chúc bâu, cái quần chéo go. Mùi hương bài quen thuộc đến nỗi, có khi Dư không nhận ra.
Có lần, thằng Trưởng ở làng Hoành Sơn theo Dư về nhà xin quả bưởi non làm bóng đá, đến đầu làng nó hỏi "Mùi gì thơm thế Dư nhỉ". Dư hít một hơi căng cả lồng ngực rồi bảo "Mùi cá trê kho lá gừng đấy" nhưng thằng Trưởng bảo "Không phải, thơm kiểu khác cơ, lạ lắm". Dư sực nghĩ ra liền nói "À mùi hương bài, thế mà mày cũng không biết à". "Thì mày cũng có biết đâu", thằng Trưởng cười như nắc nẻ.
Dư sống trong không khí tràn ngập khói hương bài mà lại vô tình quên mất. Thế nên sau này Dư cũng chẳng trách được bố, bố đi tìm hạnh phúc mới mà quên mất mẹ con Dư đang sống trong ngôi nhà ba gian ở thôn Thượng, trước sân còn phơi kín những mẹt hương bài. Những mẹt hương bài làm thơm gió sớm mai, thơm nắng ban trưa, thơm ráng hoàng hôn, thơm trăng đêm tối.
*
Một buổi chiều Dư đi thả trâu. Con trâu sừng cong như hai mảnh trăng khuyết và mông to như hai cái thúng lau là cả cơ nghiệp nhà Dư. Dư định buộc nó vào bụi tre gai thì cơn buồn ngủ từ đâu kéo đến. Dư thấy đầu nặng dần và mí mắt sắp sửa rơi xuống. Bóng con trâu như mờ dần trong sương nhưng Dư vẫn nghe thấy tiếng hót ríu ran của đàn sáo bay lượn trên lưng trâu. Dư nằm cạnh những bụi hương bài mọc bên sông Sò. Những bụi hương bài như nhà ai phơi lụa thiên thanh trải dài ra tận cuối trời. Mùa hè những bụi hương bài trổ hoa tím nhạt như khói. Bà bảo người làng gọi cây hương bài là cây yên hoa, vì hoa của nó tím như khói.
Dư chợt thức giấc. Gió từ dưới sông Sò tràn lên mặt Dư rồi luồn vào mát rượi từng chân tóc. Dư hít căng một lồng ngực ngát hương hoa bài. Bây giờ thì Dư đã tỉnh hẳn ngồi trông ra sông Sò. Sông Sò làm bao xanh thắt ngang lưng làng Hoành Nha như cô đào chín Hoành Nha. Nhìn dòng nước trong mát, Dư cởi phăng cái áo chúc bâu chua lòm mồ hôi, cái quần chéo go khét lẹt mùi nắng mà ùa xuống sông Sò để tắm.
Không biết bao nhiêu người làng Hoành Nha đã tắm trên sông Sò. Và bao nhiêu thế hệ đã tắm trên dòng thời gian. Dư nhớ ai đó đã nói không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Vẫn dòng sông đấy thôi, nhưng nước thì đã trôi chảy đi rồi. Còn Dư cũng không đếm được mình đã ngồi bao nhiêu lần dưới bến sông, và tắm bao nhiêu lần trên sông Sò. Dư chỉ biết rằng da thịt Dư tỏa ra mùi của hương bài, của đất, của gió, của dòng sông, của quê hương này.
*
Dư đã khảnh ăn lại còn hay dỗi. Mỗi sớm mai, bà thường dậy trước tiếng gà để luộc vài củ khoai, củ sắn hay xáo cơm cho Dư ăn chắc dạ để đi học. Dư nằm trên giường nhưng vẫn nghe tiếng bà cầm gáo dừa múc nước mưa trong vại sành da lươn, tiếng lửa nuốt rơm cháy bập bùng trong căn bếp bám đen bồ hóng. Sang tháng năm hoa cau rụng đầy vại sành như sao sa, hương bay tràn ba gian nhà vắng. Những sợi rơm sót từ tháng mười vẫn vàng óng như tơ tằm, bà đun dè sẻn để chờ rơm vụ chiêm thơm thảo tay người.
Cơm xáo là thứ cơm nguội từ bữa trước đảo với nước mưa cho khỏi bén chảo rồi cho vài hạt muối để dễ nuốt. Dư ăn mãi nên chán, mấy lần bị nghẹn lồi cả mắt. Dư đã xuống vại nước rửa mặt. Bà bảo nhanh cái tay lên rồi ăn cơm xáo. Dư đang cầm khăn bỗng xị mặt xuống nói cháu không ăn đâu, bà lúc nào cũng cơm xáo, cơm xáo. Dư vứt cái khăn mặt rách tàng xuống cái thau đồng khiến nước bắn lên tung tóe ướt cả cái áo chúc bâu. Dư vào nhà lấy cặp sách đeo lên vai rồi chạy nhanh ra ngõ. Dư vừa chạy vừa khóc mặc kệ bà chạy theo và gọi ở phía sau lưng.
Bà cứ tưởng Dư dỗi, nhưng Dư chẳng dỗi đâu bà ơi. Nhà Dư nghèo quá. Nếu Dư nhịn không ăn cơm xáo thì bà còn được ăn. Dư khóc to thành tiếng như mưa rào đầu hạ. Ngày bà mất Dư cũng khóc như hồi đi học dỗi không ăn cơm xáo. Từ ngày bà cưỡi hạc lên cõi Phật, vẫn căn nhà ba gian mà Dư thấy rộng ra thành sáu gian. Ba gian nhà vắng vẻ và ba gian lòng Dư trống trải. Ba gian nhà đầy gió còn ba gian lòng Dư tràn ngập nỗi buồn. Dư chạm đâu cũng thấy bà. Dư chạm vào cơi trầu trên nóc tủ, cơi trầu buốt nhói ngón tay. Dư chạm vào bình vôi dưới chân giường, bình vôi trống rỗng tâm hồn.
Những lúc nhớ bà quá, Dư chạy ngay ra giàn trầu, tưởng như dáng bà lưng còng mặc áo sồi nâu đang hái mấy làn hương thơm ngát, nhưng chỉ còn đàn chim sẻ từ ngoài sông Sò ríu rít rủ nhau bay về, không thấy người cũ, chúng lại ngơ ngác bay đi, để lại tiếng kêu như than, như khóc đọng thành từng giọt sương trong veo trên những lá trầu xanh tươi như muôn nghìn con mắt. Mắt trầu chớp mi trong gió sông Sò mát rượi. Thế là từ nay, vào mỗi đêm trăng sáng, bà không còn kê chõng tre dưới gốc cau ngoài sân gạch, tay cầm quạt mo mà hát cho Dư nghe làn điệu "Sử chuyện" hay "Duyên phận phải chiều". Làn điệu chèo vấn vít tơ vương như ruột tằm đã xe duyên nàng Thị Kính cho chàng Thiện Sĩ trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính". Làn điệu chèo phơi phới bay lên trong đêm hè mênh mang châu thổ.
Hoa cau rụng xuống chõng tre bóng loáng, rụng xuống sân gạch đỏ au, rụng xuống câu chèo ngọt lịm, rụng xuống giấc mơ say nồng. Dư gối đầu lên chân bà. Bà ngồi hát và Dư nằm ngủ. Bà ru bằng những làn điệu chèo của nguồn cội, xứ sở đưa Dư vào giấc mơ tuổi nhỏ. Trong giấc mơ Dư thấy mình bay lên trên chõng tre bóng loáng, trên sân gạch đỏ au, trên câu chèo ngọt lịm, trên giấc mơ say nồng. Dư đang bay lên mặt trăng. Mặt trăng như cái mâm đồng vàng óng bà thường phơi cau dự trữ ngày đông.
Bà ơi, nhiều hoa cau rụng lắm, một vùng trắng ngần đang tỏa hương thơm ngát bà ạ. Cháu nhặt hoa cau bà nhé. Dư xòe tay nhặt một bông hoa cau. Hoa cau sáng lấp lánh soi tỏ khuôn mặt Dư bầu bĩnh. Ôi, không phải hoa cau mà là vì sao đấy. Dư bay cao quá, hình như đã đến sông Ngân Hà. Qua sông Ngân Hà sẽ đến cung Quảng Hàn. Bà kể cho Dư nghe và Dư vẫn nhớ. Bà còn kể nhiều chuyện lắm, nào là "Tấm Cám", "Thạch Sanh", "Ăn khế trả vàng", "Cây tre trăm đốt". Bao giờ cuối cùng người hiền lành cũng thắng kẻ độc ác. Những câu chuyện cổ của bà như phù sa sông Sò bồi đắp bến bãi tâm hồn Dư thêm nhân hậu, thảo thơm. Dư thích lắm và suốt đời không bao giờ quên được.
*
Học xong cấp ba, Dư thi trượt đại học. Đã nộp hồ sơ thi vào trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Dư muốn làm một cậu giáo trường làng để đỡ đần gia đình. Đến ngày thi thì Dư trốn ra sông Sò ngồi giữa những bụi hương bài. Dư ngồi mãi tận trưa, đến chiều lại ra ngồi giả vờ như đi thi. Tối Dư về, mẹ hỏi có làm được bài không con. Dư bảo con không mẹ ạ rồi đi thẳng vào nhà để tránh ánh mắt buồn bã của mẹ, ánh mắt mà lúc nào Dư nhìn vào cũng thấy buồn bã như thế. Dư không nhìn thấy, nhưng Dư vẫn nghe thấy sau lưng, tiếng thở dài thườn thượt của mẹ. Dư muốn khóc quá mà Dư không dám khóc, mẹ ạ.
Bên kia sông Sò là làng Xuân Phú. Làng có nghề mộc truyền thống nức tiếng một vùng. Đồ mộc do thợ làng làm ra vừa bền, vừa đẹp. Người mua nô nức như trảy hội. Ông Phó Bách là thợ mộc nổi danh nhất làng. Mỗi mặt hàng nhà ông là một tác phẩm nghệ thuật, và ông là một người nghệ nhân tài hoa bậc nhất. Dư tìm đến xin học nghề. Nhà ông Phó Bách rất giàu, có của ăn của để nhưng ông lại có ba cô con gái, chẳng có con trai nối dõi tông đường và giữ gìn nghề gia truyền nên ông lấy làm buồn phiền lắm.
Cô cả, cô hai đã yên bề gia thất, còn cô út đến tuổi cập kê vừa tròn mười tám. Ông cũng muốn kén chỗ môn đăng hộ đối mà gả nốt cho duyên phận phải chiều. Cô út tên Quỳnh. Chẳng hiểu sao ông lại đặt cho con gái tên ấy. Bà Dư bảo, con gái tên Quỳnh tính lẳng lơ vì hoa quỳnh chỉ nở về khuya, trong những đêm rằm trăng tỏ. Cô Quỳnh da trắng muốt như hoa quỳnh và mắt trong veo như giọt sương. Còn làn môi cô chẳng đánh son mà đỏ chót như phẩm nhuộm tăm hương bài.
Hôm Dư đến học việc, Dư thấy cô Quỳnh ngồi nấu cơm trong bếp mà chốc lại ngó ra liếc trộm Dư như cô Mầu liếc trộm tiểu Kính, hai con mắt đưa đi đưa lại rất tình. Dư thấy trong người râm ran như kiến đốt khi Dư ngẩng lên bắt gặp đôi mắt cô Quỳnh đang nhìn mình. Bất chợt Dư thấy mặt nóng bừng lên, không biết mặt Dư có đỏ chót như môi cô Quỳnh, như tăm hương bài không. Lần đầu tiên trong đời, Dư biết rung động trước một người con gái, cảm giác khó tả lắm, ngường ngượng mà thinh thích.
Cô Quỳnh được ông Phó Bách gả cho cậu giáo Song ở làng Thọ Nghiệp. Cậu giáo là người giỏi văn chương, chữ nghĩa, nghe đâu đã có thơ đăng trên báo tỉnh. Cậu giáo lại là con độc đinh một nhà nề nếp, gia phong tam đại đồng đường. Ông Phó Bách không gả đấy còn gả đâu hơn nữa. Cô Quỳnh làm dâu nhà ấy khác gì cây quỳnh trồng giữa vườn giao. Dư mơ thế thôi chứ mới hẹn cầm tay cô Quỳnh sau miếu cậu Bơ giữa tối hôm rằm. Đến nụ hôn còn chưa dám trao thì làm sao lời yêu dám ngỏ.
Ngày rước dâu cô Quỳnh, Dư dự định giả vờ xin ông Phó Bách về nhà ăn giỗ rồi nghỉ làm luôn. Dư đi tắt qua đường đồng để tránh đám rước dâu đi giữa đường thôn. Mưa phùn bay trắng đồng. Có hạt mưa đậu vào mắt Dư. Mắt Dư nặng trĩu nhưng tai vẫn nghe thấy tiếng pháo nổ đì đoàng và tiếng guốc mộc lộc cộc của quan viên hai họ. Tiếng pháo làm hoa đào tháng giêng giật mình nở ra trong gió. Dư có cảm tưởng từng đôi guốc mộc của những người trong đám rước dâu giẫm lên xác pháo trên đường thôn như đang giày xéo ruột gan mình. Người ta nói cô dâu trước khi rước dâu về nhà chồng thường khóc. Dư tự hỏi không biết cô Quỳnh có khóc không, và có giọt nước mắt nào dành cho Dư không.
*
Dư ra phố huyện làm phụ hồ để quên đi nỗi buồn đầu đời. Nỗi buồn ấy như hoa quỳnh tàn úa mỗi sớm mai rụng cánh xuống tâm hồn Dư buốt nhói. Ngày thứ ba đi làm, Dư trèo lên giàn giáo để trát vữa. Xô vữa nặng trịch trượt khỏi tay kéo theo Dư nhào ngã xuống đống gạch ngổn ngang. Dư ngất lịm không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, Dư thấy mình đang nằm giữa những bụi hương bài mọc bên sông Sò. Những bụi hương bài lá xòe rộng như bà nội phơi chân hương vào mấy ngày cuối chạp. Mùa đông những bụi hương bài hoa đã tàn hết. Dư vẫn nghe thấy một làn hương thương mến đang dâng lên lan tỏa khắp không gian.
Tự nhiên Dư thấy đói bụng quá. Dư đứng lên và đi về phía cánh đồng Diệc Mạ. Cánh đồng trải ra bát ngát cuối trời. Trời màu tro xám và sà thấp xuống mặt ruộng sau vụ gặt. Gió bấc chơi trốn tìm bên gốc rạ. Tiếng cu cườm khảm khắc giữa màn sương giăng mùng. Nhưng mắt Dư tinh hơn, tai thính hơn mọi khi. Những quán chợ ở xa Dư trông rõ rệt thật gần. Tiếng cu cườm trong vắt như hạt mưa đọng trên cỏ mật, cỏ gà. Những ngọn cỏ mật, cỏ gà đâm nhói bàn chân theo mỗi bước đi của Dư.
Dư đi mỏi chân thì gặp một cây cầu. Cây cầu cong như chiếc lược ngà bắc qua dòng sông tuôn dài như mái tóc thiếu nữ. Gió bấc nổi lên và mưa phùn đã dần nặng hạt. Dư rét run trong manh áo mỏng và đầu ướt đẫm. Mưa rỏ từng giọt từ trên đầu Dư xuống vai áo chúc bâu. Không một bóng người. Dư bước nhanh qua cầu. Dư rẽ vào một ngôi nhà mái rạ bên đường.
Trời bắt đầu tối rất nhanh. Dư dụi mắt mấy cái để trông rõ đường cho khỏi vấp. Đàn đom đóm thắp đèn hoa đăng bay từ dưới ao bèo lên ngõ giậu cúc tần. Dư đi theo ánh sáng của hàng trăm, hàng nghìn ngọn đèn đom đóm dẫn đường đông như trảy hội vào giữa sân gạch. Ngoài sân kê một cái chõng tre đã lên nước bóng loáng như bôi quang dầu. Bà nội từ trong nhà bước ra. Bà vấn khăn vành dây, mặc áo sồi nâu với quần lĩnh đen và chân xỏ guốc mộc nhuộm son.
Thấy Dư, bà nở nụ cười môi trầu cắn chỉ đỏ thắm để lộ ra hàm răng nhuộm sơn ta, cánh kiến đen nhức như hạt na. Bà bảo thằng Dư đói lắm rồi phải không, để bà dọn cơm ăn nào. Rồi bà xuống bếp bưng mâm cơm lên. Dư thấy có đĩa cá trê kho lá gừng và bát chiết yêu canh cua nấu mồng tơi đặt trên mâm gỗ. Dư cũng theo bà vào bếp để bê nồi cơm vừa vùi trong tro ấm. Cơm tám xoan nấu nồi đất tỏa hương ngào ngạt. Hai bà cháu ngồi ăn trên chõng tre giữa sân gạch.
Bà ăn thong thả và luôn tay xới cơm, gắp thức ăn cho Dư. Những khúc cá trê béo mẫm và căng tròn đầy trứng. Bà chan canh cua cho Dư ăn dễ nuốt. Canh cua ngọt lừ chan với cơm gạo dẻo quánh. Dư ăn không biết no. Dư ăn bảy bát thì no quá. Bụng như muốn nứt ra dưới tà áo chúc bâu. Trời rét mà mồ hôi trên trán Dư vã ra đầm đìa. Bà cầm mo cau quạt cho Dư. Gió mát rượi từ cánh đồng Diệc Mạ bay về hây hẩy trên tay bà.
Bà ơi, bà hát chèo cho cháu nghe đi, Dư nũng nịu như ngày còn thơ bé. Thế cháu muốn nghe làn điệu gì nào, bà mỉm cười âu yếm. Bà hát "Chinh phụ" đi bà, tiếng Dư nhỏ dần. Bà bắt đầu hát. Giọng bà trong và sáng quá. Mưa phùn đã tạnh hẳn và trăng rằm sắp lên cao. Trăng soi vằng vặc in bóng ba gian mái rạ trên sân gạch. Hàng cau liên phòng đón ngọn đông phong cúi đầu lặng yên nghe bà hát. Đàn đom đóm từ ngoài ngõ rủ nhau bay vào thắp làn điệu chèo của bà sáng lên lấp lánh. Dư nằm gối đầu lên đùi bà lắng nghe.
Dư thấy dáng bà, dáng mẹ và dáng những người đàn bà làng Hoành Nha hiện lên chập chờn trong kí ức. Bà đã tiễn ông ra chiến trường. Ông hi sinh. Mẹ đã tiễn bố lên tỉnh. Bố không về. Có biết bao người đàn bà làng Hoành Nha đã tiễn chồng đi xa. Những người đàn ông chưa một lần trở lại. Những người đàn bà làng Hoành Nha suốt đời chờ đợi mòn mỏi trong làn điệu ''Chinh phụ'' khắc khoải, ai oán bà hát đêm rằm. Dư thấy mí mắt sắp rơi xuống còn linh hồn đang bay lên trên những ngọn cau chĩa thẳng lên trời như lưỡi mác, trên những làn điệu chèo múa lượn như dải thắt lưng xanh của cô đào lệch. Mắt Dư đã nhắm tai vẫn nghe rất rõ những vang, rền, nền, nảy của bà.
Dư không biết đã ngủ bao lâu thì nghe tiếng bà gọi. Dậy thôi Dư ơi, gà sắp gáy canh ba rồi. Bà để cháu ngủ thêm một lúc nữa đi bà, Dư nói giọng còn ngái ngủ. Không được đâu cháu ơi, cháu phải về kịp trước lúc gà gáy canh ba, nếu không cháu phải ở đây với bà đấy, còn mẹ mày nữa, ai nuôi. Giọng bà lạc hẳn đi. Dư thấy bà nâng vạt áo cánh sồi lên chấm đôi mắt đã nhoèn nước. Dư nghe bà nói đến mẹ thì tỉnh hẳn liền ngồi nhổm dậy. Ơ, mà mẹ Dư đi đâu nhỉ, từ lúc Dư đến đây đã không thấy mẹ đâu. Dư mải ăn, mải ngủ mà quên cả mẹ. Dư hư thật đấy.
Dư định hỏi thì bà lại giục, thôi dậy mà về với mẹ cháu Dư ơi. Bà đã bảo thằng Đủ cưỡi ngựa đưa cháu đi cho chóng. Dư trông ra ngoài ngõ thì thấy một con ngựa bạch đã thắng yên cương buộc dưới gốc cây hòe đang nở hoa trắng xóa dưới trăng rằm. Nó gõ móng liên hồi xuống nền gạch có vẻ như sốt ruột lắm. Rồi anh Đủ từ trong nhà ngang đi ra. Anh Đủ là con cả bác Nhạ, anh ruột bố Dư. Bác Nhạ đặt tên là Dư theo tên anh Đủ với mong ước sau này Dư được ấm no, giàu có.
Anh Đủ mất khi mười bảy tuổi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu vì căn bệnh ung thư máu quái ác. Năm anh mất, Dư lên năm tuổi. Dư thập thò ở cửa buồng lúc người ta vừa thay xong quần áo cho anh. Anh Đủ da trắng, tay đeo vòng bạc, mặc bộ quần áo lụa mỡ gà, chân xỏ văn hài. Anh nằm trên giường, mắt khép hờ, hai tay đặt lên bụng như đang ngủ say. Lâu lắm rồi Dư mới gặp anh. Anh Đủ trông vẫn thư sinh và nho nhã như thế. Anh nhìn Dư nở một nụ cười trìu mến rồi hỏi Dư xuống chơi đấy à. Dư đáp vâng và cười với anh, và Dư thấy mắt anh cũng cười.
Ở nơi này hình như không còn nỗi buồn hay cơn đau nào hết. Anh Đủ tháo dây buộc ngựa. Hoa hòe rơi xuống vai anh mơ hồ từng loạt một như muôn nghìn giọt trăng. Anh Đủ cưỡi ngựa chở Dư ngồi sau. Ngựa phi nhanh như bay. Bỏ lại sau lưng bóng bà nội ra tận ngoài ngõ tiễn Dư trở về. Dư hỏi anh Đủ câu gì đó nhưng ngựa phi nước đại nên anh không nghe rõ. Dư cũng không hỏi nữa. Ngựa phi trong sương. Sương từ trong lòng đất ùa ra vón lại thành từng cục chẳng biết là mây hay là khói. Hơi sương từ người anh Đủ tỏa lạnh buốt.
Ngựa bay trong trăng. Vầng trăng sáng tỏ góc trời như chiếc mâm bạc khổng lồ. Ánh trăng bị vó ngựa giày xéo ra hàng trăm mảnh theo gió cuốn tung lên thành bụi mù mịt. Có lúc sương nhiều quá che khuất cả vầng trăng góc trời, nhưng có khi gió thổi sương tan đi, Dư vẫn thấy dòng sông hiện ra trước mặt. Không gian nửa mờ nửa tỏ, nửa hư nửa thực nhưng thời gian thì như ngừng lại. Dư chẳng thấy sốt ruột vì không có cảm giác về thời gian. Ngựa đi mãi cũng đến cây cầu cong như chiếc lược ngà.
Anh Đủ không phi ngựa sang bên kia mà buộc ngựa vào gốc cây ngô đồng phía bên này cầu rồi dắt Dư sang. Gió từ dưới sông thổi lên làm những chiếc lá ngô đồng vàng óng như giấy trang kim reo lên như hát. Đến giữa cầu, anh đẩy khẽ lưng Dư một cái rồi bảo, em đi qua cầu kia sẽ trở về nhà. Dư bỗng thấy nhớ bà nội quá, liền hỏi anh cho em ở lại đây được không. Anh Đủ hốt hoảng, không được đâu, em phải về, mẹ em đang mong em lắm đấy. Anh cho em ở đây đi mà, Dư cố nài.
Đã bảo không được rồi, anh Đủ nghiêm nét mặt, nhíu cặp lông mày như nét vẽ sát vào nhau tỏ vẻ không bằng lòng. Anh không cho em ở lại thì em cứ ngồi đây, tí em sẽ đi bộ về nhà bà, Dư hờn dỗi rồi ngồi phệt xuống giữa cầu một cách gan lì. Tao sẽ lấy đá chắn cầu lại, mày có giỏi thì sang. Mày mất dạy lắm. Mất dạy hơn cả tao, mày đã báo hiếu mẹ mày được ngày nào mà đòi về đây hả thằng kia. Đôi mắt anh đen láy như hạt nhãn xếch lên giận dữ trên khuôn mặt bạch diện trắng toát.
Nhìn anh, Dư sực nhớ tới những hình nhân thế mạng bà nội vẫn đốt trong đêm rằm tháng bảy. Những hình nhân mặc áo xanh, áo đỏ bị đốt thành tro tàn bay như lân tinh trong đêm mưa ngâu. Nhưng bây giờ Dư không thấy sợ như ngày thơ bé. Dư mải nghĩ, lúc ngẩng lên đã thấy một tảng đá chắn giữa cây cầu, tảng đá to thế chắc phải nặng lắm, không hiểu sao anh Đủ thư sinh trói gà không chặt lại một mình bê được. Trên tảng đá xám có khắc ba chữ nho mực tàu, Dư chẳng biết là chữ gì. Trong lòng Dư cũng mọc lên một tảng đá, nặng trĩu những nỗi buồn. Bỗng có tiếng gà gáy cất lên. Đó là tiếng gà gáy canh ba như lời bà nói. Dư vừa chớp mắt một cái, thì không thấy anh Đủ và con ngựa bạch đâu nữa. Nhưng tảng đá xám ngoét thì vẫn đứng đó im lìm như một lời thách thức, như một lời đe dọa.
Dư cứ đi lang thang trên cánh đồng Diệc Mạ từ sáng đến tối. Bàn chân bé nhỏ in lên những bờ vùng, bờ thửa chằng chịt như mê cung. Dư muốn về nhà nhưng bờ vùng này lại nối với bờ thửa khác hơn ma trận khiến cho Dư chẳng tìm thấy lối ra. Dư vừa đi vừa khóc trong nỗi tuyệt vọng ghê gớm.
Lúc tuyệt vọng nhất, Dư nghe thấy tiếng mẹ gọi. Tiếng nhỏ và thưa, rồi rõ dần và mau hơn. Dư ơi, con ở đâu, về nhà với mẹ đi con. Đúng là tiếng mẹ thật, thân thương và ấm áp vô cùng. Tiếng mẹ như dòng nước trong ngần và mát rượi chảy qua khiến cho tảng đá đang đè nặng trong lòng Dư bỗng chốc nứt ra và tan đi. Mẹ ơi, con ở đây, Dư đáp thật rành rọt, mạnh mẽ. Dư đã nhận ra con đường dẫn về làng Hoành Nha. Cuối năm, những bụi hương bài ven sông Sò lá xòe như dẻ quạt trong mưa phùn, gió bấc. Dư không thể nhầm được. Dư chạy thật nhanh về làng, ở đó có mẹ.
Khi Dư mở mắt ra, Dư thấy khuôn mặt âu lo của mẹ vừa tỏ lên như trăng rằm và khắp không gian bỗng tràn ngập mùi khói hương bài ngan ngát…