Miếu Bạch Dương
Dưới chân núi Mẹ có một ngôi miếu thờ thần dê trắng, gọi là miếu Bạch Dương. Bà nội bảo ngôi miếu này có từ bao giờ không ai nhớ nữa. Lúc bà còn bé đã theo cụ lên miếu xem dân bản làm lễ cúng thần núi. Bà còn kể chuyện sự tích thần dê trắng ở miếu Bạch Dương cho Phà nghe vào một đêm hè trăng sáng trên chõng tre ngoài sân gạch. Phà kể lại cho Pú nghe trên đường đi học về. Pú thích lắm.
Chuyện kể rằng, có một anh tiều phu sống một mình trong túp lều ở cuối bản Đá Đinh. Cứ mỗi sáng tinh mơ anh tiều phu trở dậy vác rìu vào rừng đốn củi rồi đốt thành than, đem xuống chợ Hợp Thành bán. Một hôm, anh đang đi thì nhìn thấy phía trước mặt, dưới gốc cây lim cổ thụ có một con dê trắng đang thung thăng gặm cỏ. Anh tiều phu kinh ngạc vì chưa bao giờ nhìn thấy một con dê to và đẹp đến thế. Bộ lông của nó trắng muốt như tuyết phủ, đôi mắt trong veo như sương mai và cặp sừng cong vút như mảnh trăng hạ huyền.
Anh ta nhón gót nấp sau bụi lau để rình xem con dê không biết từ đâu đến. Bỗng anh tiều phu giẫm phải một cành lim khô làm phát ra tiếng động khiến con dê giật mình bỏ chạy. Khi chạy bốn chân nó vững chãi như bốn cột sàn làm bộ lông trắng cuộn lên như sóng và bộ râu dài như bông lau tung bay trong gió. Anh đuổi theo đến một cái hang lớn thì không thấy con dê đâu nữa. Bỗng một ông già chống gậy trúc bước ra. Tóc ông bạc như sương, râu trắng như khói, áo lụa bạch như mây, khuôn mặt hồng như hoa đào và trên đầu tỏa ánh hào quang như cầu vồng.
Ông già bảo anh tiều phu, giọng vang rền như sấm, ngươi đừng đi chặt cây trong rừng này nữa vì đây là rừng thiêng do ta cai quản. Ta cho ngươi viên ngọc về mà kiếm nghề khác để làm ăn. Nói rồi cụ già đưa cho anh ta một viên ngọc trắng phau như mỡ đông và tròn xoe như mắt trẻ. Anh tiều phu mải ngắm viên ngọc, khi ngẩng lên thì không thấy ông già đâu nữa. Chỉ còn sương bay, khói tỏa và tiếng chân dê gõ móng trên nền đá như tiếng ngựa phi nước đại dặm trường.
Anh tiều phu dụi mắt vì tưởng mình đang mơ, rồi cắn vào tay thấy đau anh mới biết là tỉnh. Viên ngọc vẫn đang nằm trong tay anh ta, mát lịm và sáng lấp lánh. Anh tiều phu vung rìu chặt thử vào một gốc cây thì kì lạ thay, khi nhấc rìu ra, vết chặt tự liền lại như chưa hề có lưỡi rìu nào chạm đến. Anh kể với dân bản về sự khác thường nhưng nhiều người lại chê cười anh phét lác hoặc bị dính phải bùa ngải mà bị điên khùng. Đến khi tận mắt nhìn thấy, họ mới tin những lời anh tiều phu nói là sự thật. Từ đó, dân bản lập miếu thờ thần dê trắng, hay thần núi gọi là miếu Bạch Dương. Trong miếu có tượng thần dê trắng làm bằng đá mã não lấy trên núi Mẹ. Miệng tượng thần dê trắng ngậm viên ngọc mà thần núi đã trao cho anh tiều phu năm nào.
*
Mỗi năm, Phà lại theo bà lên miếu Bạch Dương cùng dân bản cúng thần núi vào ngày mùng ba tháng ba và ngày mùng sáu tháng sáu âm lịch. Trong quan niệm của người Giáy ở bản Đá Đinh thì vạn vật hữu linh, núi có thần núi, rừng có thần rừng, sông có thần sông, suối có thần suối. Thần núi là đấng linh thiêng tối cao nhất trong đời sống tâm linh của dân bản. Cúng thần núi để cầu mong cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, vật nuôi sinh sôi, dân bản khỏe mạnh.
Lễ vật cúng thần núi có thịt lợn, thịt gà luộc thái miếng to bằng bàn tay bày trên lá dong riềng, đĩa gạo, muối đầy có ngọn, chai rượu ngô nút lá chuối, tiền vàng cắt bằng giấy màu và nhất là không thể thiếu một xiên nướng gồm tim, gan, phèo, phổi, mật của con lợn vừa mổ, phải đủ năm bộ phận theo ngũ hành. Các nhà trong bản đến dự lễ tự mang theo cơm, rượu, bát đũa để ăn uống tại sân miếu.
Phà lớn rồi nên không theo bà đi ăn nữa. Ăn xong đến lớp các bạn xúm vào trêu thì ngượng lắm. Cúng xong còn có màn hát dân ca đối đáp giao duyên trai gái và thi giã bánh giầy giữa các bản. Chú Dín lấy được thím Sắm vì chú thổi kèn pí lè hay nhất bản Đá Đinh mới làm xiêu lòng thím Sắm xinh nhất bản Phời có bao người con trai theo đuổi. Lúc ưng nhau rồi thì thím mới chịu giã bánh giầy chung một máng loỏng. Năm nay bố đi dự về bảo, lúc cúng xong, thầy Phù đã xem chân gà rồi thở dài, nhìn mọi người không nói gì. Mọi người không ai nói ra nhưng đều cảm thấy lo lắng.
Ba hôm sau, đúng là xảy ra chuyện chẳng lành thật. Đó là chuyện miếu Bạch Dương bị kẻ gian lấy trộm viên ngọc trong miệng tượng thần dê trắng, cả tiền trong hòm công đức cũng không cánh mà bay. Phà nghe tin dữ, đang ăn dở bát cơm cũng bỏ đấy, tức tốc chạy ngay đến nhà Pú để rủ Pú đến hiện trường điều tra vụ việc. Pú đang học thuộc lòng bài thơ cô giáo Thìn giao về nhà mà mãi không thuộc, cũng bỏ đấy nốt.
Hai đứa chạy thật nhanh về phía miếu Bạch Dương. Hoàng hôn đang buông tím mờ trên đỉnh núi Mẹ cúi đầu ủ rũ trong gió lạnh. Đã sang tháng ba rồi mà trời vẫn còn rét. Bà bảo “rét tháng ba bà già chết cóng”. Bao giờ cây gạo giữa cánh đồng Tòng Láo rụng xuống từng bông đỏ ối như phẩm thì bà sẽ đem chăn bông ra phơi trên sào còn mẹ sẽ đem hạt vừng ra tra ngoài bãi. Hai đứa nóng bừng nhưng tay vẫn lạnh buốt.
*
Phà và Pú vừa đến thì thấy chú Cường, Trưởng Công an xã và một chú công an viên đang làm việc. Chú Cường đang khám nghiệm hiện trường còn chú công an viên đang lấy lời khai của bà Nải là người từ miếu. Mỗi năm dân bản cắt cử một nhà giữ chìa khóa để trông coi và quét dọn miếu. Năm nay đến lượt nhà bà Nải. Bà ngoài năm mươi tuổi, góa chồng, có một con trai, nhà ở giữa bản, cách miếu vài phút đi xe đạp.
Phà bảo để các chú công an về đã rồi mới đến lượt mình tiến hành điều tra. Pú kéo tay Phà ra phía sau miếu để các chú không nhìn thấy. Các chú vừa lên xe máy đi xuống dốc thì bà Nải chuẩn bị khóa cửa về nhà. Phà giả vờ hỏi, bà Nải cho cháu mượn chìa khóa một lúc, bà cháu đang đội lễ lên cúng thần núi. Đúng đấy bà ạ, bà nội Phà giờ chắc đi đến hàng xoan rồi đấy, Pú tiếp lời.
Bà Nải chẳng nghi ngờ gì, gật đầu đáp, ừ, tí mang chìa khóa về nhà trả bà nhé. Có viên ngọc quý nhất với tiền công đức thì trộm lấy mất rồi còn đâu, mặt bà buồn rười rượi. Bà đội nón rồi lên xe đạp đi vào bóng tối. Đàn đom đóm giữa cánh đồng Tòng Xiếng đốt đuốc lập lòe như những đốm ma trơi. Khói đốt đống rấm của các nhà đi tảo mộ bay lên chập chờn trong hư ảo.
Phà lấy từ trong túi áo khoác ra gói bột nhọ nồi và cây cọ trang điểm của chị Khuyến đã chuẩn bị trước ở nhà, còn Pú cũng cầm sẵn trên tay cuộn băng dính mượn của mẹ và tờ giấy trắng xé trong vở nháp. Phà cầm cây cọ chấm vào bột nhọ nồi rồi quét đều khắp một lượt lên mặt hòm công đức làm bằng kính. Hòm công đức có một khóa nhỏ, đã bị kẻ gian bẻ mất. Các chú công an đã thu giữ vật chứng nên khóa không móc ở đấy nữa. Phà chắp tay cúng ba cái rồi quét lên miệng tượng thần dê trắng. Quét đến đâu thì dấu vân tay hiện lên đến đấy. Pú xé từng mảnh băng dính dán vào những dấu vân tay rồi bóc ra thật khẽ, dán lên tờ giấy. Trong lúc Pú cẩn thận đánh số cho từng dấu vân tay thu được thì Phà đi một vòng gian miếu để quan sát.
Miếu có một gian, chính giữa xây bệ đặt tượng thần dê trắng. Phà ngó vào miệng tượng, miệng trống hoác như cửa hang, viên ngọc đã không còn ở đó. Trước pho tượng đặt một bát hương cắm ba nén hương còn đang cháy dở, khói bay ra cửa sổ bên trái mở ra phía cánh đồng Tòng Xiếng để đón gió. Trên bệ có đĩa gỗ sơn son, thếp vàng đựng mấy quả cam, hình như ai vừa mới cúng. Trên xà ngang treo một trống cái và một chiêng đồng, chỉ già bản đánh vào ngày cúng thần núi, hôm trước Phà ngồi học bài ở nhà còn nghe thấy tiếng trống, tiếng chiêng vọng vào bàn học.
Cửa tiền và cửa hậu làm bằng gỗ xoan đào, một chìa do bà Nải giữ, còn một chìa do cụ Khảm là già làng cất. Chìa của cụ Khảm chẳng mấy khi dùng đến. Nhà cụ ở đầu bản, con cháu đề huề, có của ăn của để. Con trai cả, trai thứ đều làm cán bộ trên tỉnh. Cụ ở cùng con trai út trong ngôi nhà tường gạch, mái bằng to nhất bản. Cửa không có dấu hiệu bị cạy phá, mái ngói cũng không bị tháo dỡ. Xong đâu đấy, Phà lấy giẻ lau sạch nhọ nồi trên pho tượng và hòm công đức rồi khóa cửa, còn lắc xem móc khóa đã vào ổ chắc chắn chưa. Trăng đã mọc trên mái miếu, to như cái mâm đồng bà thường đội lễ. Phà hít căng lồng ngực, hương hoa xoan bay trong gió thơm ngát. Một cánh xoan rơi xuống vai áo Pú, nhỏ li ti như một vì sao xa xôi vừa thắp cuối trời.
*
Tin anh Mìn con bà Nải bị công an xã bắt làm dân bản thở phào nhẹ nhõm. Ai cũng khen các chú công an xã giỏi quá, đã làm sáng tỏ sự việc trong thời gian ngắn, trả lại sự linh thiêng cho ngôi miếu và sự bình yên cho dân bản. Nhờ có dấu vân tay thu được tại hiện trường nên công an xã đã tra cứu và đấu tranh để tìm ra thủ phạm. Mấy hôm trước, chú Cường, Trưởng Công an xã tiếp nhận dấu vân tay do Phà và Pú mang đến đã khen ngợi hai đứa khá đấy, nhưng lần sau phải báo cáo các chú, không được tự ý điều tra độc lập đâu nhé, hai điều tra viên tí hon. Còn nhiều việc tôi muốn giao cho hai đồng chí đây.
Nói rồi, chú xoa đầu Phà một cái làm Phà vui quá, tim đập rộn ràng như trống miếu khai lễ cúng thần núi. Pú cũng cười toét miệng, khoe hàm răng sún. Rồi chú bảo hai đứa vào phòng làm việc vì đây là nhiệm vụ quan trọng. Dặn xong, chú bảo thế nhé. Hai đứa gật đầu lia lịa, mắt sáng lên như sao Hôm, sao Mai ý muốn nói rằng, chú cứ tin tưởng ở chúng cháu.
Tiền công đức được hơn một triệu bạc thì anh Mìn đã mua ma túy để sử dụng vì anh là người nghiện. Bà Nải vô ý treo chìa khóa ở cây đinh trên cột nhà nên để anh Mìn đi sao chép chìa, mở cửa miếu lấy trộm viên ngọc và tiền công đức. Bà đã bồi thường thiệt hại số tiền công đức và xin trả lại chìa khóa cho dân bản vì xấu hổ quá. Còn viên ngọc, anh Mìn khai với các chú công an, anh lấy xong bỏ vào túi quần định mang ra cửa hàng vàng bạc để bán thì rơi mất dọc đường. Các chú công an kiểm tra thấy túi quần bên phải của anh thủng một lỗ thật. Các chú đã tìm kiếm nhưng không phát hiện viên ngọc đâu cả. Bắt được thủ phạm rồi mà nỗi lo lắng còn chưa hết.
Phà và Pú phán đoán và đưa ra giả thuyết anh Mìn đi tắt qua bờ ao của các nhà nuôi cá ở cuối bản thì có thể viên ngọc bị rơi xuống ao. Rơi xuống đấy thì chỉ chờ các nhà tát ao bắt cá rồi xuống mò. Viên ngọc bé thế thì mò được cũng khó khăn, nhưng vất vả thì cũng phải tìm, vì đây là viên ngọc trong miệng tượng thần dê trắng thờ ở miếu Bạch Dương. Hai đứa đã đi tìm dọc bờ ao, lật từng ngọn cỏ gà, cỏ mật suốt một buổi chiều mà không thấy. Ai cũng sợ không tìm thấy viên ngọc quý của bản thì tượng thần dê trắng mất hồn vía, miếu Bạch Dương vì thế mà hết linh thiêng, chỉ riêng bà nội thủng thẳng quết trầu đỏ lòe bên khóe miệng rồi bảo, ngọc khắc tìm chủ, các cụ dạy thế, mất đi đâu được mà lo, đấy rồi xem.
*
Hôm nay nhà Phà tát ao cá. Cuối tháng ba rồi. Bố bảo cuối năm tát ao nhà chú Dín, còn để dành ra Giêng mới tát ao nhà mình. Bố thả cá muộn, lại gặp đợt rét đậm nên cá chậm lớn, tát sớm thì cá còn bé, bán không được giá, chẳng đủ tiền cám với công đi cắt cỏ voi. Một ít cá để ăn, một ít biếu họ hàng, một ít thì trả cho nhà chú Dín vì bố đã vay ăn Tết, một ít thì gọi lái buôn vào mua, còn những con cá nhỏ mẹ đem ra chợ Hợp Thành ngồi bán, thêm thắt vào tháng ba ngày tám. Sắp mùa giáp hạt rồi.
Bà kể ngày xưa mùa giáp hạt đói deo đói dắt, đói quay đói quắt đến vàng cả mắt, phải ăn cơm độn ngô, độn khoai. Rồi ngô, khoai cũng chẳng có mà ăn, có nhà trong bản phải ăn cả sung luộc, cháo cám. Bố và chú Dín vác thuổng lên rừng đào củ mài, cây măng. Chú Dín đang đào thì bị ngất, ngã lăn ra dưới hố vì đói. Bố lấy củ mài xuống suối rửa sạch, nhai ra bón cho chú Dín nuốt từng miếng, chú ấy mới tỉnh. Lúc bà kể, Phà thấy mắt bà rơm rớm. Phà hỏi bà khóc đấy à. Bà đáp, bà khóc đâu, khói đấy mà.
Ao nhà Phà to nhì bản, chỉ thua ao nhà cụ Khảm nên bố thả nhiều loại cá. Những con cá trê đầu bẹp như va vào đá. Những con cá chày mắt đỏ như mới khóc xong. Những con cá trắm thân chắc như đô vật bản. Những con cá chim xòe vây như muốn bay lên. Những con cá chép tung đuôi như muốn hóa rồng. Những con cá rô ngạnh sắc như dao bổ cau. Những con cá mè vảy trắng như ai dát bạc. Ao to, cá nhiều nên bố phải nhờ các chú, các anh trong bản đến làm giúp. Tháo cống xong rồi mới dùng lưới kéo cá.
Lúc xuống ao, mỗi người uống một ngụm nước mắm để chống rét, khi lên bờ thì sà ngay vào đống lửa để sưởi ấm. Ai cũng lấm bùn từ đầu đến chân, chỉ có đôi mắt sáng rực như nắng và nụ cười trắng lóa như mây. Cuối xuân rồi mà trời vẫn còn rét lắm. Tiếng chim bắt cô trói cột trong rừng sâu vọng về như tiếc mùa xuân sắp cạn. Gió từ cánh đồng Tòng Láo thổi vào ngăn ngắt. Phà với Pù cầm giỏ lội bùn đi mót con cua, con ốc còn sót lại. Hai đứa nghe rõ tiếng hai hàm răng của những người bắt cá va vào nhau lạch cạch.
Bà sai chú Dín chọn một con cá chép to nhất, đẹp nhất để bà dâng cúng thần dê trắng trên miếu Bạch Dương. Bà bảo Phà tí đi với bà. Bố nhỡ miệng nói, tượng thần dê trắng còn ngậm hạt ngọc đâu mà bà cúng ạ. Bà gắt, phỉ phui cái mồm nhà anh, chuyện thờ cúng, thần linh không nói bừa được đâu. Bố biết lỗi, không dám nói thêm câu nào, sợ bà lại giận. Lúc chú Dín mổ cá ngoài máng nước, thấy cái gì cộm lên trong ruột cá, sờ vào tròn xoe đã thấy lạ rồi. Moi ra thấy đúng là viên ngọc ngậm trong miệng thần dê trắng trên miếu Bạch Dương bị anh Mìn lấy trộm.
Cả nhà chạy ra xem, ai nấy đều ngạc nhiên không hiểu vì sao viên ngọc lại nằm trong bụng cá chép và mừng rỡ vì đã tìm thấy viên ngọc quý. Phà bảo, anh Mìn lấy trộm viên ngọc, đi qua bờ ao đánh rơi xuống nước nên cá chép nuốt được. Bố bảo Phà đi mời chú Cường, Trưởng Công an xã đến ăn cơm vì hôm nay nhà tát ao, rồi bàn giao viên ngọc cho công an xã để thông báo với dân bản rồi trả lại cho miếu Bạch Dương, đặt vào miệng thần dê trắng như trước. Cụ Khảm sẽ nhờ thầy then chọn ngày lành và làm đúng nghi lễ.
Phà chạy nhanh như bay, gió thổi khô mồ hôi làm mát rượi từng chân tóc. Phà sẽ rẽ qua nhà Pú rủ Pú lên trụ sở công an xã. Phà vui quá vì đã tìm thấy viên ngọc. Trong đầu Phà chợt vang lên câu nói của bà, ngọc đi tìm chủ. Sao ngọc lại biết đi tìm chủ nhỉ, ngọc làm gì có chân để đi, có mắt để nhìn đâu. Thật là lạ quá, khó hiểu quá. Pú sẽ hỏi bà, bà già rồi, cái gì bà cũng biết, như sự tích viên ngọc trong miệng thần dê trắng bà đã kể cho Phà nghe, nếu bà không biết thì Phà sẽ hỏi cụ Khảm, cụ Khảm là người sống lâu nhất thôn Đá Đinh. Phía trước mặt Phà, con đường trải ra tít tắp như tấm lanh bà mới nhuộm chàm đem phơi, dưới chân núi Mẹ, gió xuân vẫn thổi lá cờ ngũ sắc bay phấp phới trên sân miếu Bạch Dương.