Màu của tình yêu
Đầu đường bên kia, Thư mặc chiếc váy lụa trắng muốt đang hướng mắt nhìn về phía những cô gái đang tạo dáng chụp ảnh. Thư xinh đẹp và dịu dàng, nhưng đôi mắt Thư buồn thăm thẳm. Nam cố đi về phía Thư nhưng mặt đất níu chặt lấy chân anh như đang buộc tạ. Nam gào lên nhưng không ra âm thanh gì cả, không khí loãng ra rồi đặc lại, Nam đưa tay lên vẫy, nhưng đến cả cánh tay anh cũng không thể nhấc lên. Cả người anh căng cứng, nặng trịch.
“Dạo này body chuẩn đấy! Cơ bụng cuồn cuộn như múi sầu riêng thế này cơ mà!”. Tùng nháy mắt Minh cố ý trêu đùa Nam. “Chả trách em Thư say như điếu đổ!”. “Chẳng đẹp mà giữa hàng chục sinh viên Cảnh sát điển trai, em Thư chỉ nắm mỗi tay cậu ấy!”. Cả phòng tập cười vang, Nam đỏ mặt lấy khăn lau vội mồ hôi trên tóc, mồ hôi thấm qua lớp khăn, lấp lánh dưới tia nắng chiếu qua ô kính cửa sổ, nắng men theo tiếng cười nhỏ dần rồi mấp mô như những con sóng trên mặt nước xanh biếc. Nắng bị mặt sóng hắt ngược trở lên, chạm vào cánh chim đang chao lượn rồi mất hút sau bãi ngô đang mùa trổ cờ.
Những cánh chim nhấp nhô chao liệng trên cánh đồng ngô ra phía bên kia bờ sông, chạm vào thân cây cổ thụ rồi tan biến giữa không trung. Gió đang thổi tốc đám mây mỏng manh như đang đùa giỡn với con diều xanh đỏ đuôi dài của những đứa trẻ đang chạy dọc bãi cát trắng. “Chú Nam ơi con diều của cháu còn bay cao hơn cả mây này!”. Cậu bé đầu để kiểu tóc bờm ngựa vừa chạy vừa gọi tên Nam, mái tóc cứ hất lên rồi xẹp xuống trông cực kì đáng yêu. Nam ngước nhìn lên nhưng không thể nhìn thấy đuôi diều, cánh diều cứ chao đảo rồi mất hút sau đám mây.
Đám mây tan ra, phía sau đám mây là thành phố. Giữa thành phố ngổn ngang xe cộ, có tiếng ồn ào của động cơ, tiếng còi xe và tiếng gió, tiếng cười của những cô gái tuổi “teen” đang đứng chụp ảnh cho nhau bên ngoài tòa nhà mới xây trong dự án khu đô thị mới. Tiếng cười trong trẻo pha lẫn những câu đùa bỡn kiểu trào lưu của những cô gái mới lớn.
Đầu đường bên kia, Thư mặc chiếc váy lụa trắng muốt đang hướng mắt nhìn về phía những cô gái đang tạo dáng chụp ảnh. Thư xinh đẹp và dịu dàng, nhưng đôi mắt Thư buồn thăm thẳm. Nam cố đi về phía Thư nhưng mặt đất níu chặt lấy chân anh như đang buộc tạ. Nam gào lên nhưng không ra âm thanh gì cả, không khí loãng ra rồi đặc lại, Nam đưa tay lên vẫy, nhưng đến cả cánh tay anh cũng không thể nhấc lên. Cả người anh căng cứng, nặng trịch. Trước mắt Nam, Thư cứ mờ dần rồi đột nhiên biến mất.
Trong tiếng gió lồng lộng, Nam nghe như có tiếng Tùng, Minh và những đồng đội đang gọi tên anh sau lưng, tiếng gọi cứ vang vọng như trong thung lũng. Bên kia thung lũng, thấp thoáng màu áo xanh. “Bố ơi!” Nam gọi nhưng chỉ có tiếng của chính anh vọng lại. Nam nhìn thấy bóng ông lão tóc hoa râm đang cầm chiếc gậy đứng trên sườn đồi. Ông lão giơ tay lên vẫy, mỉm cười với Nam, bóng ông mờ dần, rồi tất cả trở nên trắng xóa.
- Đưa bệnh nhân vào trong, chuẩn bị phẫu thuật!
*
Nam từ nhỏ đã sống xa bố. Bố chẳng mấy khi ở nhà, bởi đơn vị bố ở xa và ông phải thường xuyên theo những chuyên án ma túy dọc vùng biên giới, nhưng không phải vì thế mà Nam quên đi quãng thời gian hạnh phúc nhất đời mình. Nam có mẹ là cô giáo dạy giỏi của trường, còn bố là Công an, người vẫn được ví như “vị anh hùng áo xanh với đôi mắt sâu ấm áp” mà bọn trẻ con hàng xóm ai cũng ngưỡng mộ.
Bố thi thoảng ghé về nhà mang về cân quả tươi để cạnh trang giáo án của mẹ. Mẹ hiểu và yêu tất thảy những gì thuộc về bố, bà vẫn bảo, đó là sự đồng điệu về tâm hồn. Lúc ấy, Nam còn quá nhỏ. Ngay cả đến lúc mẹ mất vì ngưng tim đột ngột, chẳng kịp trăng trối điều gì cùng người chồng đang ở xa, Nam vẫn chưa thể hiểu hết được tình yêu và sự bao dung của bà. Nam được bố gửi cho ông nội chăm sóc chỉ sau lễ tang của mẹ vài tháng.
Ông Đà - ông nội của Nam - có chiếc gậy gốc mây nhẵn thín màu nâu sẫm, không chạm trổ cầu kì. Ông thường để cây gậy lên sập tủ, nhắc nhở Nam rằng đó là cây gậy ông đã dùng để dạy bảo con trai, sau này sẽ dạy bảo cháu nội. Nói thì vậy, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ ông đánh Nam, nóng giận lắm ông cũng chỉ gõ mạnh cây gậy xuống nền nhà. Có lẽ chính sự nghiêm nghị của ông đã rèn cho Nam tính kỷ luật và không ngừng cố gắng.
Sau này, khi Nam trưởng thành, ông Đà có lần kể với anh, lúc mẹ Nam mất, bố Nam có cơ hội được lựa chọn để được chuyển công tác về một đơn vị khối hành chính để có điều kiện chăm sóc cho Nam, nhưng bố anh đã từ chối. Vì quyết định đó của bố Nam, ông Đà đã rất giận. Ông không nói chuyện với con trai suốt một tuần. Đến khi bố Nam thuyết phục bố bằng sự quyết tâm, nhiệt huyết và chân thành, ngỏ lời muốn gửi gắm Nam cho ông nội, đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự bảo ban ông sẽ dành cho cháu mình, ông lại mềm lòng. Ông Đà đã đón lấy tay Nam, trao chiếc ba lô cho bố Nam và chỉ nói một câu rất gọn “anh đi đi và làm những gì anh tin là đúng đắn!”.
Những chuyến đi vội vã cứ thế đều đặn hàng tuần, thậm chí hàng tháng, cho đến một ngày bố Nam không thể tránh được viên đạn nghiệt ngã từ những kẻ thồ ma túy xâm nhập biên giới. Khi loạt đạn chớp trời báo hiệu một trận đánh ác liệt cũng là lúc bố gục ngã, bố đã nằm lại giữa những tán cây rừng và không thể gượng dậy để trở về. Khoảnh khắc nghe tin bố hy sinh Nam như chết lặng, ông Đà cầm chiếc gậy đặt lên bàn thờ lẩm nhẩm khấn điều gì Nam không nghe rõ, Nam chỉ thấy đôi vai ông run lên bần bật.
Trong lễ truy điệu bố, Nam nấp vào sau vạt áo của ông, len lén nhìn lá cờ đỏ thắm quàng trên linh cữu, cắn chặt môi để kìm lại những cơn nấc nghẹn ngào. Nhiều đêm liền, cậu bé con chỉ mới lên mười tuổi không dám khóc, không dám ngủ, cậu sợ khóc ông nội sẽ buồn, sợ ngủ thì khi tỉnh dậy ông sẽ không còn ngồi bên cạnh mình nữa.
Bầu trời của Nam dường như chỉ còn ông nội, Nam vẫn nhớ cảm giác cánh tay thô ráp, gồ ghề của ông nội làm gối kê cho mình ngủ, vừa khe khẽ hát ru, vỗ về. Từ ngày đó, hình ảnh của bố chỉ còn chập chờn trong giấc mơ của Nam, khuôn mặt bố đã nhạt nhòa, nhưng màu áo xanh của bố thì lại rõ ràng và đẹp lắm, sắc xanh lấp đầy những khoảng trống trong giấc mơ trưa. Sắc xanh ấy đẹp đến nỗi, nó đã dai dẳng theo Nam suốt quãng niên thiếu và thôi thúc anh thi vào trường Cảnh sát nhân dân, trở thành người chiến sĩ Công an ở chính vùng biên giới xa xôi nơi bố anh đã nằm lại.
*
Nam ghé qua phòng dạy học của Thư. Trước mắt anh, Thư đang ngồi nhìn ngắm bức tranh với nét vẽ ngây thơ đơn giản của bọn trẻ. Thư giơ bức tranh lên trước ngực, nũng nịu:
- Đố anh tìm thấy em trong bức tranh này đấy!
Nam nhìn kỹ bức tranh. Anh cảm nhận được đó là những nét đẹp của rừng, của núi, của dòng sông hiền hòa với những gợn sóng cong vút rẽ ngang cánh rừng, chỉ là nét vẽ còn thô kệch.
- Làm gì có em ở đấy! Hay là em đã hóa thành con tắc kè đang nấp ở trên cây?
Nam trêu Thư rồi phá lên cười! Thư làm mặt giận dỗi, đặt nhẹ bức tranh xuống bàn, cầm lấy tay Nam:
- Anh không cảm nhận được tình yêu của em ở trong đó sao! Vì yêu vùng đất này nên em mới quyết định về đây trải nghiệm bằng việc mở lớp dạy vẽ cho bọn trẻ, nếu không, em đã ở lại thành phố rồi!
- Chỉ vì yêu vùng đất này thôi á! Không còn gì nữa sao?
Thư đỏ mặt đứng dậy đi qua giá sách. Vẻ bẽn lẽn, ấm áp của Thư khiến Nam xao xuyến. Trong mắt Nam, Thư vẫn thế, vẫn hồn nhiên, đáng yêu và rất đỗi dịu dàng như ấn tượng đầu tiên lúc anh gặp cô trong buổi giao lưu giữa sinh viên Trường Cảnh sát và Trường Mỹ thuật những ngày anh đang thực tập ở Vũng Tàu.
- Vậy ý em là anh phải nhìn thấy tình yêu của em trong bức tranh sao? Tình yêu của em màu gì thế, để anh nhìn lại, đâu nào, chỗ nào nào?
Nam cầm bức tranh lên. Thư vội vàng giật lấy, “Thôi, anh chẳng tìm ra đâu! Nhưng…! - Thư ngập ngừng - Có lần anh bảo em rằng cánh rừng già đang bị người ta chặt phá, e rằng sẽ đến lúc bọn trẻ và cả em sẽ chẳng còn gì để vẽ nữa! Kể ra thật tiếc nếu không còn cánh rừng đó. Mà thôi không sao, không còn rừng, em vẫn còn có anh mà, nhỉ!”.
Thư cười dịu dàng. Nam rơi vào trầm mặc. Anh khẽ thở dài, chăm chú nhìn bức tranh đã được bọn trẻ điểm tô những cỏ cây hoa lá, nhưng dường như bức tranh vẫn chưa đủ màu xanh. Sau những nét xanh mảnh khảnh là những khoảng trắng trống trải.
Nam bất chợt nghĩ tới cánh rừng bên sông, ở đó, những cây cổ thụ, cây rừng nhiều năm tuổi cứ lần lượt bị đốn hạ bởi những nhóm bốn, năm người từ nơi khác đến. Cây gỗ được vận chuyển ra khỏi nơi vốn dĩ của nó bằng những chiếc xe đầu kéo mù mịt khói không chỉ gây lo ngại cho chính quyền và người dân, mà còn là nỗi trăn trở của Nam và đồng đội. Rừng vẫn cứ chảy máu, từ rừng, gỗ được kết thành bè và dập dềnh mặt nước trên những khoanh ruột lốp ô tô chảy xuống hạ nguồn.
Anh chỉ huy của Nam từng bảo, dọc bờ sông sẽ có những kẻ giả làm dân đi bắt ếch, đi hái thuốc trong đêm để sẵn sàng đón gỗ ở đâu đó bên bờ sông. Nam có cảm giác, những kẻ phá rừng cứ rình rập trong bóng tối, trong khi Nam và đồng đội vẫn đang lặn lội lần tìm ngoài ánh sáng. Và một khi từ ngoài sáng nhìn vào bóng đêm, chỉ có thể thấy khoảng không tối đen và đâu đó là sự mất mát, trống trải, hụt hẫng đến thảng thốt.
- Không có rừng thì sẽ có phố, chẳng lẽ con gái bố định ở mãi chỗ khỉ ho cò gáy này sao!
Giọng nói sang sảng của ông Bình, bố Thư khiến Nam giật mình.
- Cái Thư nó bỏ cả cơ hội ở thành phố về đây thế này là biết hai đứa như thế nào rồi! Cậu Nam về bảo bố mẹ qua gặp bác, bác ủng hộ, bác cho chúng mày cưới nhau rồi chúng mày về trên thành phố để mà phát triển, ai lại cứ ru rú mãi xó này! Thôi cái Thư mang số giấy tờ này qua cửa hàng cho bố, bố nói chuyện với cậu Nam một chút.
Thư nhận tập giấy đựng sẵn trong cái bì nhựa từ tay ông Bình, khẽ đưa ánh mắt dịu dàng qua Nam rồi rời đi. Lúc này trước mặt Nam chỉ còn người đàn ông cao lớn, nước da ngăm, mái tóc xoăn với chùm râu xòe ra từ cái nốt ruồi to như hạt hướng dương dính ở cổ. Ông Bình có công ty kinh doanh vật liệu xây dựng, vốn chỉ khai thác đá và cát từ vùng khác, nhưng dạo gần đây lại lấn sân sang việc nhập khẩu gỗ châu Phi và Lào để cung cấp cho các xưởng mỹ nghệ.
Nam chưa có dịp trò chuyện trực tiếp với ông Bình về góc độ công việc làm ăn của ông, chỉ mới chào hỏi xã giao trong buổi gặp mặt nhân dịp Thư khai giảng lớp dạy vẽ. Nhưng vẻ ngoài bụi bặm, thô kệch và cách nói năng tự mãn, khinh khỉnh ra mặt của ông Bình đã ít nhiều để lại cho Nam ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp.
Lần này, việc ông Bình xuất hiện đột ngột tại phòng dạy vẽ của con gái khiến Nam bất ngờ, bởi từ trước tới nay, theo như Thư kể, ông chưa bao giờ đến vì ông vốn không thích sự nhốn nháo của trẻ con. Nam quan sát người đàn ông trước mặt, anh chào hỏi rồi tranh thủ vào thẳng vấn đề:
- Chú Bình hình như dạo này không thường xuyên ở nhà thì phải, cháu có ghé mấy lần đều không gặp chú! Thật tốt quá vì hôm nay cháu được gặp chú ở đây!
Nam ngồi thẳng lưng, hai bàn tay đan chéo vào nhau đặt lên bàn, nhìn thẳng vào ông Bình chờ đợi. Ông Bình yên lặng cho đến khi chắc chắn Thư đã rời đi mới trả lời Nam bằng một thái độ khác hẳn với nụ cười nửa miệng:
- Cậu tìm tôi làm gì! Chắc không phải để hỏi thăm sức khỏe nhỉ!
Nam hơi giật mình vì câu hỏi có tính khiêu khích của ông Bình, nhưng câu chuyện không vì thế mà dừng lại.
- Ngoài để thăm hỏi, cháu cần tham khảo thêm kinh nghiệm kinh doanh gỗ nhập từ chú để làm rõ một số thủ đoạn khai thác, vận chuyển gỗ từ cánh rừng già phía Bắc của tỉnh. Chắc hẳn, là doanh nghiệp kinh doanh gỗ nhập, chú cũng không đồng tình với việc ai đó lấy mác gỗ nhập để lưu hành gỗ địa phương, phải không ạ?
Như chạm phải nọc, ông Bình đứng phắt dậy, câu hỏi thẳng thừng của Nam khiến ông ta sầm mặt.
- Tôi biết dạo này cậu và đồng nghiệp của cậu thường xuyên tiếp cận hỏi thông tin từ mấy đứa nhân viên cửa hàng. Tôi bận làm ăn, tôi có các mối quan hệ xã hội của tôi, tôi đi đâu làm gì không nhất thiết tôi phải báo cáo cậu. Tôi thực lòng muốn tác hợp cho cậu với cái Thư, đổi lại, cậu đừng soi mói nữa, nếu không, tôi sẽ phải cân nhắc lại chuyện tình cảm của cậu và con gái tôi! - Dừng lại giây lát để quan sát xung quanh, ông Bình ghé vào tai Nam, hạ giọng - Cậu còn trẻ tuổi, đừng hiếu thắng, cậu hãy quan sát và hình dung xem tôi chơi với ai, qua lại với ai, tôi nói thế cho cậu hiểu, cẩn thận kẻo thành trò cười của thiên hạ!
Nam sững lại vài giây, anh nhìn thẳng vào ông ta, nhìn thẳng vào đôi mắt xắt xéo của ông ta đang nhắm vào mình. Anh đột nhiên nghĩ tới Thư. Một cô gái trong sáng, hiền lành như cô lại có thể là con của gã đàn ông kệch cỡm cả về ngoại hình lẫn tính cách như thế này sao? Nam lại nghĩ tới ông nội. Đã nhiều lần ông nội mang chiếc gậy ra để giảng giải cho Nam về thiện, ác và đạo lý, Nam không gặp khó khăn khi quyết định vấn đề gì. Lần này, Nam chột dạ! Một khi đã lật bài ngửa thế này, chắc hẳn ông ta đã có sự chuẩn bị và không hề có ý thăm dò anh. Phải chăng, ông đang đánh liều, có ý muốn dùng chuyện tình cảm của Nam với Thư để uy hiếp anh, hay ông ta đang có điểm tựa nào đó đủ mạnh để có thể cao ngạo dằn mặt anh?
- Cháu là bạn của Thư, cháu nghĩ, nếu chú không thoải mái khi trao đổi về công việc với cơ quan chức năng, thì chú vẫn sẵn lòng hỗ trợ thông tin cho bạn của con gái mình chứ ạ?
- Bỏ qua chuyện bạn bè của cậu đi! Cậu là Cảnh sát môi trường, cậu cứ làm việc của cậu, nhưng nên nhớ, đừng có xen vào việc của tôi! Có thể một vài thanh gỗ không rõ nguồn gốc, tôi sẽ bị xử phạt hành chính, nhưng đừng có quan trọng hóa vấn đề lên, đừng săm soi vào mỗi tôi, việc bọn cậu cứ lởn vởn khiến tôi cảm thấy phiền! Làm gì có khách hàng nào muốn làm ăn với một công ty suốt ngày bị Công an hỏi thăm, dòm ngó! Cậu hãy để cho người dân chúng tôi được làm ăn, cậu Cảnh sát ạ!
- Cháu thấy chú không được bình tĩnh. Để lúc khác, chú cháu mình nói chuyện.
Những câu từ hằn học và khuôn mặt đỏ ngầu của ông Bình khiến Nam ngột ngạt. Lẽ ra, anh sẽ thanh minh vài điều, khuyên nhủ vài điều, hoặc chí ít, sẽ xoa dịu cuộc trò chuyện để cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng anh chủ động dừng lại và rời đi. Anh sải bước bên bờ sông, ngắm những khoảng lặng trên mặt nước để tìm và định hình lại khoảng lặng trong lòng mình, anh đã có được những thông tin mình cần, nhưng sao anh thấy chông chênh đến lạ. Thằng bé với mái tóc bờm ngựa chạy loanh quanh thả diều trên bãi, nó vừa chạy một vòng rồi tiến lại ngồi cạnh Nam. Nó nhìn mặt Nam rồi chun mũi lại, cười khúc khích.
- Sao đấy! Sao lại nhìn chú như thế cậu nhóc!
Thằng bé ngồi bệt xuống bãi cỏ, cuộn dây diều, vừa nói vừa thở:
- Con nhìn là biết thừa chú đang thất tình!
Nam bật cười. Thằng bé tiếp tục hăng hái thể hiện:
- Thì chỉ có thất tình mới ra bờ sông đứng cho muỗi nó chích lúc trời sắp tối lại còn sắp mưa như vậy á! Mà kỳ lạ ghê, chú thì ra bờ sông ngồi, còn mấy ông kia thì lại mò vô rừng, không sợ ma rừng hay sao mà đi vậy chi không biết!
Cuộc trò chuyện đầy ngẫu hứng với cậu bé tóc bờm ngựa về những kẻ cậu gọi là “không sợ ma rừng” đã cho Nam mảnh ghép cuối cùng để có thể xâu chuỗi các thông tin anh có từ trước. Đứng cạnh bờ sông, trước mặt là khu rừng xanh mướt, bất chợt nghĩ tới bố, Nam đã khẳng định được đâu là lựa chọn của mình. Đêm đó, với các nguồn tin trinh sát và phương án đã được xác lập, Nam và đồng đội đã phối hợp với kiểm lâm triển khai một tổ tuần tra xuyên rừng.
Đúng như cậu bé dự đoán, đêm ấy trời mưa thật. Càng về khuya mưa càng nặng hạt. Giữa rừng sâu và bóng đêm thăm thẳm, khi những bước chân nặng nề trĩu mưa và tiếng sấm rền không thể át đi tiếng gầm rú của những chiếc xe tải chất đầy gỗ đang cố vượt qua vũng lầy trơn trượt, đó cũng là lúc tổ công tác đối mặt với những kẻ không sợ ma rừng.
Có tiếng nhao nhác hò hét của những gã đàn ông mang theo dao, rựa trong những chiếc áo mưa sẫm màu, tiếng hiệu lệnh qua chiếc loa cầm tay của người chỉ huy, tiếng súng chỉ thiên, tiếng hô thị uy của lực lượng Công an để khống chế và đánh bắt. Tưởng chừng như tất cả sẽ dừng lại ở một trận đánh với thắng lợi nhanh chóng và gọn gàng, thì đột nhiên có kẻ nhẫn tâm chặt đứt sợi dây thừng neo gỗ, hàng loạt gỗ đổ ập xuống, một cây gỗ lớn đè thẳng lên lưng Nam. Có tiếng gọi thất thanh nhưng Nam không thể trả lời, anh lịm dần giữa vòng tay đồng đội.
Khi mưa tạnh hẳn cũng là lúc những kẻ không sợ ma rừng bị tóm gọn. Trước cơ quan Công an, họ khai ra được ông Bình thuê với giá cao và hứa hẹn bảo lãnh nếu bị bắt, không thể ngờ rằng chỉ vài giờ sau họ đã gặp ông Bình trong cảnh chẳng khá khẩm gì hơn. Đối mặt với pháp luật, tất cả những chiêu trò lợi dụng mối quan hệ quen biết xã giao với lãnh đạo cấp cao nhằm tạo áp lực với chính quyền và lực lượng chức năng địa phương của ông Bình đều bị vạch trần.
Trước điều tra viên, ông ta nhắc đến và ngỏ ý muốn gặp Nam. Có lẽ ông ta vẫn còn chút hi vọng mong manh về sự hỗ trợ của cậu bạn trai dành cho bố của bạn gái mình khi ông ấy gặp nạn. Nhưng khi nghe tin Nam đã bị thương nặng trong trận đánh ấy, ông ta hoàn toàn suy sụp bởi biết mình đã phá hỏng tất cả.
*
Ông Đà lặn lội về huyện biên giới nơi Nam làm việc để tận mắt nhìn thấy khu rừng, dòng sông thơ mộng mà cháu mình vẫn kể mỗi khi nó về nhà. Sau những trận mưa đầu mùa, nước dâng cao và đục. Ông nắm chặt cây gậy, gió thổi thốc vào mái tóc hoa râm của ông lão. Chưa bao giờ ông hối hận vì đã để cho bố Nam lựa chọn sự nghiệp cũng như khi ông để cho Nam được tự do quyết định theo nghiệp bố, nhưng đối mặt với sự mất mát, ông cảm thấy sợ hãi và nghi hoặc với chính bản thân mình. Nước mắt tưởng chừng đã khô cạn của ông lão lại đua nhau rơi xuống gò má nhăn nheo lốm đốm đồi mồi.
Ông chầm chậm tiến đến sát bờ sông, ném cây gậy xuống nước. Nhưng cây gậy chẳng dễ dàng trôi đi mà vướng lại ở mõm đá gần bờ. Ông Đà dò từng bước chân dẫm lên đá, với tay nhặt lấy cây gậy. Nước loang lổ lăn trên thân gậy bóng nhẫy rồi rơi xuống. Cây gậy không bị ngấm nước, nó không ướt. Cây gậy vẫn còn nguyên giá trị của nó. Ông Đà cảm nhận lòng mình dường như đã ấm lại, ông nắm chặt chiếc gậy trong tay vội vã trở về bệnh viện.
Sau gần hai tuần hôn mê, Nam đã tỉnh lại giữa căn phòng trắng toát, anh nhận ra ông nội và những người đồng đội đã đợi ở đó từ bao giờ. Nam mấp máy môi dường như định hỏi điều gì, nhưng lại thôi, đôi mắt anh chùng xuống, ngân ngấn nước. Ông Đà ngồi xuống cạnh giường nắm chặt tay Nam, bàn tay thô ráp, nhăn nheo dường như vẫn vẹn nguyên những yêu thương và ấm áp: “Ta đã già, chẳng thể ở cạnh lo lắng cho con được lâu nữa. Nhưng ta mừng vì con đã đủ trưởng thành và lựa chọn được con đường đi lý tưởng của đời mình, ta tin con đã lựa chọn bằng cả trái tim và bản lĩnh”.
Nam giữ tay mình trong bàn tay ông nội, hướng mắt nhìn qua cửa sổ, chợt nhận ra chiếc gậy gốc mây ông nội đã đặt ở đó. Ngoài kia, mặt trời đã lên cao lắm, những đám mây trôi nhè nhẹ về phía cánh rừng già.