Hoa rừng Cửa Cải

Thứ Năm, 08/09/2022, 08:00

Tiếng khèn lá lại vang lên, Duy trở về men theo lối cũ. Bàn tay ai đó đang nắm chặt lấy tay cậu: “Duy, em ổn chứ!”. Duy tỉnh dậy trong mơ màng, anh Tuấn Trưởng Công an xã đang ở bên cạnh cậu. “Em nhiễm COVID-19 và sốc phản vệ, mê man đã mấy hôm ròng, chị lo quá” - Tiếng chị Liên dịu dàng.Thì ra Duy mê sảng, cậu vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh, một giấc mơ kì lạ.

Chớp lửa lóe lên giữa áng mây kéo dài trên nền trời phía tây đỏ ửng. Mây mù kéo từ đông sang tây. Gió từng đợt từng đợt thổi qua mang bụi nước se lạnh. Mùi âm ẩm choán đầy bầu không khí cuối thu báo hiệu cho một cơn mưa đầu mùa đang chực kéo tới.

Từng đợt gió ùa về khẽ lùa trên mái tóc Duy khiến cậu gờn gợn trong lòng. Hôm nay là ngày đầu tiên cậu đến Cửa Cải công tác, mảnh đất vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc. Tuổi hai mươi hai với bao nhiêu ước mơ, hoài bão. Từ lâu Duy luôn ấp ủ giấc mơ được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân nay đã trở thành hiện thực.

Tiết lập thu - trời nổi gió, cậu sinh viên năm nào giờ khoác trên mình bộ quân phục của một chiến sĩ Công an xã. Hôm nay, Duy vui lắm, biết bao bí mật đang chờ đón cậu. Trong lòng vui thế nhưng dường như khuôn mặt Duy lại thoáng buồn.

Cậu chợt nhớ tiếng mẹ dặn dò trước khi lên đường công tác, nhớ cha buộc vội túm lạc luộc còn ấm cất trong chiếc ba lô con cóc màu xanh. Cậu nhớ đến thắt lòng một ngày vô cùng quan trọng. Năm nay, cậu không được cùng mẹ sửa soạn mâm cơm cúng như thường lệ, không được cùng cha vót đôi đũa lóng tre dâng lên ông bà. Hôm nay là ngày giỗ ông nội.

Ông nội của Duy là một chiến sĩ Công an, người vun đắp giấc mơ và mong muốn cháu trai tiếp nối truyền thống gia đình. Ông là Trưởng Công an xã. Trong những năm cuối đời, di chứng của chiến tranh biên giới đã khiến ông tổn hại sức khoẻ rất nhiều. Cậu tự hào vì ông là một người hùng bước ra từ Tiểu đoàn D978, những người con gan dạ của đất mẹ Hoàng Liên đã anh dũng chiến đấu, giữ lấy từng con nước cửa rừng nơi mảnh đất biên thuỳ.

*

Mưa rào từng hạt trút xuống mái hiên tí tách. Duy chìa tay đón lấy cơn mưa đầu mùa, có hạt lạnh buốt rơi vào kẽ tay khiến cậu giật mình, bất chợt hơi lạnh thấm sâu vào da thịt, từng giọt nối tiếp nhau rơi xuống rồi tan ra trên nền đất ướt. Nước mưa ánh trên mũi giày sĩ quan còn mới. Hạt này rồi hạt kia kéo theo những nỗi buồn đâu đó còn vương trong tâm hồn cậu. Chàng trai nhìn xa xăm vào khoảng không vô định, tia chớp loé lên để lộ cánh rừng trước mặt, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ sáng bừng trên gương mặt thanh xuân, ánh sáng chói chang rực lên hiện rõ trong đôi mắt trong veo của Duy.

“Duy à!”. Tiếng ai đó đang gọi cậu, ánh đèn leo lét hắt ra từ nhà văn hóa thôn Cửa Cải, ánh sáng vàng vọt mờ nhạt ấy không đủ để cậu nhận ra bóng người đang tiến đến. Đưa tay dụi mắt, Duy thốt lên: “À! anh Đức, anh Đức đấy phải không? Sao anh không ở đơn vị mà còn lên đây giờ này”. Đức bước lại gần, đôi mắt mở to như khoảng trời xa xôi, khi cười để lộ hàm răng đều hơn ngô nếp đầu mùa: “Khẽ chứ! Nghe bảo Thào A Vu, đối tượng giết người vẫn đang lẩn trốn ở thôn này, anh đi trinh sát, trời nổi gió, tiện ghé đây trú mưa”.

b3c43a007150b50eec41.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Dân thôn Cửa Cải vẫn không khỏi xôn xao về vụ án giết người đầy man rợ xảy ra hai năm trước, người trong thôn vẫn truyền tai nhau về một câu chuyện kinh hoàng. Vụ án dù đã xác định được rõ đối tượng nhưng hung thủ đã bỏ sang bên kia biên giới biệt tích, biệt tăm.

Theo lời kể của Đức, Thào A Vu là con trai bà cụ Pết, người già nhất thôn Cửa Cải. Người trong bản quen với hình ảnh bà cụ hay ngồi tựa đầu vào liếp nhà nhìn ra phía cổng, đôi mắt xa xăm, đau đáu chìm vào hư không. Bà có một người con trai duy nhất. Trong mắt người mẹ, thằng Vu vốn là đứa con hiếu thảo. Bóng ma “thuốc phiện” cướp lấy nó từ vòng tay bà. Từ khi nó bỏ trốn, bà sống một mình, mấy mùa gió độc đau ốm tưởng rằng không qua khỏi, đôi mắt tuổi già lòa dần theo năm tháng. Đêm đến, hễ nghe tiếng chó sủa vang lên trong sương, bà lại mường tượng con trai mình trở về để trộm cắp, dòng nước mắt bà cứ thế lăn dài trên gò má hao gầy rồi rơi vào bóng tối. Dân bản thương bà lắm. Bà sống bằng tình thương của bản, khi bữa rau, bữa cháo, lúc củ sắn, củ khoai.

Xong câu chuyện, Duy và Đức lặng lẽ ngồi xuống bàn, hai anh em rót cốc nước từ chiếc phích Rạng Đông đã cũ. Nước vừa đun hãy còn nóng. Hai tay Đức cầm chặt lấy chiếc cốc, hơi nước bốc lên ngùn ngụt xua đi nỗi trống vắng, bầu không khí dần trở nên ấm áp. Bóng hai người thanh niên in dài trên bức tường đất nứt nẻ. Ngoài kia tiếng tu hú kêu vang một góc rừng cô quạnh, gió rít từng cơn lùa qua những nan cửa gầy guộc, thỉnh thoảng lũ chuột đuổi nhau trên nóc nhà đủ khiến những ai yếu bóng vía đều không khỏi giật mình.

*

Trời tảng sáng, tiếng gà rừng phía xa vọng lại. Duy nghe thấy tiếng nước chảy ngoài suối róc rách, tiếng chẻ củi đầu hồi lạch cạch, tiếng đàn lợn trong chuồng tru tréo đòi ăn. Bóng những người phụ nữ Mông lam lũ thấp thoáng bên bếp lửa hồng rực. Người ta dậy cho con gà, con lợn ăn sớm còn kịp buổi lên nương. Con chim pitta đậu trên cây sơn tra già nghiêng cái đầu cất tiếng hót lảnh lót. Mặt trời hiện ra sau vạt mây đầu núi ửng hồng, gió thổi ngang cánh rừng quyện hương hoa ngào ngạt. Trời đã bắt đầu hửng sáng.

Chẳng biết tự bao giờ, người dân trong thôn Cửa Cải đã thân thuộc với bóng dáng của những chiến sĩ Công an xã. Chiến sĩ Công an cũng là người thân trong gia đình. Đề án Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã đã đưa lực lượng Công an đến gần hơn với thôn bản và nhân dân. Người dân ở thôn Cửa Cải này yêu quý Công an nhiều lắm đấy.

Tinh mơ, chú Pao vác cày lên nương đi ngang qua nhìn Duy nở nụ cười hào sảng. Thằng Tả ngồi vắt vẻo trên lưng trâu tay cầm cành mây khua lảo đảo, miệng còn dở cái ngô gặm nham nhở, khuôn mặt nhem nhuốc với đôi má ửng hồng trông lại rõ đáng yêu, nó ngoảnh lại nhìn Duy tò mò.

Sáng nay có đoàn công tác lưu động của trạm y tế xã lên tiêm vắc xin. Dịch bệnh COVID–19 về tới bản trong nỗi lo âu của bà con. Chị Liên, Trạm trưởng y tế cho mọi người tập trung trước sân điểm trường để tiêm mũi đầu. Mũi tiêm này được ưu tiên cho những cán bộ làm công tác phòng, chống dịch.

Duy ngồi cạnh ông Chúng - Trưởng thôn. Đã hơn ba mươi năm ông mang trên mình trọng trách mà dân bản gửi gắm. Ông có cái mũ nồi nửa Tây, tấm lưng đã gù lại thêm dáng đi chấm phẩy khập khiễng trông chẳng lẫn vào đâu được. Ông gần gũi, thân thiện. Người trong thôn đều kính trọng ông.

Ngồi bên ông, Duy vô tình nghe được câu chuyện thì thầm nhỏ to, chẳng là ông đang nằn nì xin với đoàn công tác ưu tiên cho một người già yếu, người đó chẳng phải ai khác chính bà cụ Pết mẹ đẻ của Thào A Vu.

Trời về trưa dần đứng bóng. Gió thổi nhẹ khẽ đẩy mặt trời lên cao. Nắng nhuộm vàng mái gianh lợp trên mấy vách đất liêu xiêu của lớp học. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa màu xanh biếc mênh mông của đại ngàn. Đoàn công tác giờ đây đã thấm mệt, mấy anh chị y tế bắt đầu thu dọn đồ đạc, đợi đến khi buổi tiêm kết thúc.

“Duy! Đến lượt em đấy, mũi tiêm cuối cùng!”. Chị Nhẫn nhân viên y tế đập nhẹ vào vai Duy khiến cậu giật mình. “Ơ, tới lượt em rồi hả chị”.Chị Nhẫn cười tươi, trêu chọc: “Thế cậu có định cho các chị về ăn trưa không?”. Duy bối rối lại gần.

Nhớ đến câu chuyện ban nãy ngồi bên ông Chúng, Duy trầm ngâm suy nghĩ, cậu đưa mắt hướng về phía bục giảng. Duy chăm chú ngắm tấm hình của Bác, bức hình thân thương được treo ngay ngắn, trang nghiêm giữa lớp học. Ánh nhìn của Bác trìu mến quá, Duy ngỡ như Bác đang mỉm cười với cậu. Cậu nhớ về lời dặn dò của cha mẹ trước khi lên đường công tác. Nhớ những sớm mai xếp hàng chào cờ dưới mái trường C500. Nhớ con đường luồn dưới những tán xà cừ râm mát, xanh mượt. Nhớ từng lời thề danh dự của người chiến sĩ Công an nhân dân được cất lên trang nghiêm, dõng dạc mỗi buổi chào cờ.

Rụt tay lại, Duy cất lời đề nghị: “Em muốn nhường mũi tiêm của mình cho cụ Pết”. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía cậu. Chị Liên cau mày lắc đầu nhìn Duy nghiêm nghị: “Nếu không tiêm, em biết mình sẽ đối mặt với điều gì chứ?!”. Chẳng chút do dự, Duy đáp: “Em chấp nhận”. Nói rồi cậu chạy đi cùng Đức tới nhà bà Pết.

Mũi tiêm cuối cùng cũng được tiêm cho bà cụ. Đoàn công tác sau nửa ngày đã trở về. Duy thấy trong lòng mình vui lắm, cậu đã làm được một việc tốt, đối với cậu như vậy là mãn nguyện. Cậu nhớ đến lời ông răn dạy: “Phải sống sao như biển rộng, sông dài, cháu ạ”. Đây cũng là điều mà cậu luôn tâm niệm.

*

Cuối năm ấy, dịch bệnh cũng về tới bản làng. Con chim lợn đậu trên cành samu đêm trăng nào cũng cất tiếng kêu thảm thiết. Duy thao thức không ngủ. Cậu từ từ bước ra phía cửa, ngước lên nhìn bầu trời. Từng vì sao lấp lánh, nhấp nháy trong đôi mắt trong trẻo, hồn nhiên của cậu. Bầu trời sao dày đặc chi chít, cậu chắc mẩn những vì sao trên cao ấy cũng chẳng khi nào cô đơn, giống như cậu đang sống giữa tình thương, sự chở che của người dân thôn Cửa Cải, của núi rừng Tây Bắc này. Trăng hôm nay sáng thế.

Đức hôm nay không lên bản nữa, Duy vắng một người bạn hằng ngày vẫn dốc bầu tâm sự. Trời lặng gió, Duy bỗng thấy ớn lạnh, cậu ngỡ như mình bị cảm. Từ trong balô con cóc, chàng trai lấy ra hộp cao Sao vàng rồi xoa nhẹ lên trán. Mùi dầu cao tỏa ra thơm dìu dịu, cậu ngả mình xuống chiếc giường lắng nghe từng hơi thở của gió khuya. Tiếng sương đêm lác đác rơi trên mái nhà đọng lại kêu lộp bộp. Hương hoa hòe thoảng nhẹ trong gió quấn lấy ánh trăng. Bản hòa tấu không lời của của lũ dế râm ran từng hồi chợt tan dần trong bóng tối miên man. Duy thả mình trôi theo lời ru trong trẻo của núi rừng. Tiếng khèn lá kéo Duy dạo chơi qua những vạt rừng nở bạt ngàn bao nhiêu là hoa dại.

Trời tranh tối tranh sáng, Duy chợt nghe thấy tiếng ai đó vừa thân thương mà rất đỗi quen thuộc. Ông nội đứng chờ cậu ở đầu cầu phía bên kia sông, bóng hình ông còn đó như mới hôm nào. Ông mặc áo bu dông xanh, đội chiếc mũ cối có gắn Công an hiệu lấp lánh như một ngôi sao.

“Mau trở về để thực hiện sứ mệnh! Ông luôn dõi theo từng dấu chân con bước, những chặng đường con qua. Con phải sống như biển rộng, sông dài”. Tiến lại gần vỗ lên vai Duy thay cho lời tạm biệt, ông nội gửi lại cho Duy một cây bút nước màu xanh thật đẹp, trên chiếc bút khắc hai từ “Trung - Hiếu”. Một quầng mây ngũ sắc xuất hiện xung quanh Duy, trước mắt cậu là một màu trắng xóa mây bay, khói tỏa. Cậu gọi ông trong vô vọng, cơ thể cậu nóng dần lên như có lửa thiêu đốt, một cảm giác khác thường khiến cậu toát mồ hôi ớn lạnh.

Tiếng khèn lá lại vang lên, Duy trở về men theo lối cũ. Bàn tay ai đó đang nắm chặt lấy tay cậu: “Duy, em ổn chứ!”. Duy tỉnh dậy trong mơ màng, anh Tuấn Trưởng Công an xã đang ở bên cạnh cậu. “Em nhiễm COVID-19 và sốc phản vệ, mê man đã mấy hôm ròng, chị lo quá” - Tiếng chị Liên dịu dàng.Thì ra Duy mê sảng, cậu vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh, một giấc mơ kì lạ. Duy gượng dậy, lần tìm chiếc bút gài trong túi áo. Chiếc bút này ba năm trước ông đã tặng cho cậu. Nắm chặt cây bút, Duy nhớ lại giấc mơ cậu vừa trải qua.

Năm đó, dân làng Cửa Cải nhiều người đã bỏ mạng vì đại dịch tai ác. Từ đầu bản đến cuối bản, nhà nào cũng cắm cành nêu trắng. Vì dịch bệnh nên đám ma chẳng còn trống kèn, cỗ bàn linh đình như trước. Người ta bỏ quên tục lệ giết mổ trâu bò để cúng tế thần linh, bỏ quên những tiếng súng nổ váng trời để tiễn biệt người âm vào khu rừng mả để về với cõi vĩnh hằng. Chỉ còn khóm trúc nhỏ buộc lại bên những cột nhà, đám ma đơn giản, nhanh gọn như cách mà đại dịch ập đến. Gió đông năm nay rét hơn năm trước, cái lạnh căm căm đến từ trống vắng lòng người.

*

Vài tháng sau đợt dịch, bản làngnhư bớt dần u uất, mặt trời lên cao sưởi ấm đất thôn Cửa Cải. Gió núi đi qua mang hương lúa non thổi vào thung lũng một mùi hương no ấm, trù phú. Đàn chim chích tập chuyền cành rìu rít bay lượn. Bầy trẻ đùa nghịch chạy lăng xăng, tiếng cười nở trên đường thôn. Người lớn cũng tất tả bắt tay vào vụ mùa mới. Thôn Cửa Cải rũ mình vươn dậy sau những tháng ngày chìm trong tăm tối, đau thương.

Anh Tuấn, Trưởng Công an xã hớt hải chạy về bảo: “Từ nay Đức còi không phải vất vả nữa rồi!”. Nói rồi anh liếc nhìn Duy cười híp mắt. Cậu ngơ ngác vẫn chưa hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện.

Chẳng là Thào A Vu đã ra đầu thú, hắn nghe được câu chuyện một chiến sĩ Công an xã đã cứu giúp mẹ mình. Đợt dịch vừa qua, những tưởng mẹ hắn không thể qua khỏi. Trong những ngày tháng đó, hắn âu sầu, phiền não. Đối với hắn chẳng có gì quan trọng bằng được nhìn thấy mẹ. Hắn thèm gọi một tiếng mẹ lâu lắm rồi. Giống như con ong khoái nhớ tổ, con dê non khát sữa, con chim sâu theo bóng mẹ chuyền cành. Hắn mong ngóng tìm về với hơi ấm mẹ hiền.             

Bước vào nhà văn hóa thôn, Duy bắt gặp Thào A Vu trong bộ dạng lếch thếch, bộ quần áo hôi hám, luộm thuộm. Mái tóc đen dài hơi rối, làn da sậm màu mật ong, người hắn gầy gò, dáng ngồi liêu xiêu như sắp đổ. Gặp được ân nhân cứu mẹ, hắn bật khóc nức nở. Thì ra kẻ sát nhân với bản lĩnh ngang tàng đến mấy cũng có lúc thật yếu đuối, cần một góc nhỏ bình yên để trở về.

Duy được anh Tuấn giao nhiệm vụ ghi lời khai ban đầu. Cậu rút ra từ túi áo ngực, đặt lên bàn chiếc bút nước màu xanh. Chiếc bút quý giá nhất trong cuộc đời cậu. Hai chữ “Trung - Hiếu” trên thân bút nhắc cho cậu phải giữ gìn một phẩm chất đầy cao cả “Trung với Đảng - Hiếu với Dân”. Mỗi khi khoác lên mình bộ quân phục của lực lượng Công an nhân dân vinh quang, anh hùng, cậu tâm niệm phải giữ vững lời thề với tâm niệm đinh ninh như vàng đá “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Tại nơi căn phòng trống tăm tối, Vu ngồi đối diện Duy bên chiếc bàn gỗ cũ kĩ, khô mọt. Chiếc đèn chụp buộc trên xà nhà buông thõng đong đưa với ánh sáng dìu dịu, quầng sáng mờ ảo tỏa ra làm hiện rõ bức tường quét vôi đang nổi mốc loang lổ.

- Tên cậu? - Duy hỏi.

- Thưa cán bộ, Thào A Vu.

Vu lần lượt trả lời những câu hỏi của Duy đầy thành khẩn, tôn trọng. Trong suốt buổi làm việc, hắn thừa nhận việc dùng dao phát chém vào nạn nhân rồi bỏ trốn. Con dao mới được ông Páo làm lễ “Khờ Chan”, trên thân dao còn quấn cái giấy tiền từ những ngày trước Tết. Vu tiếp tục khai nhận: “Thưa cán bộ, mình có nghiện ma túy, nhưng ngày giết ông Páo, mình chỉ trộm chút gạo mang về nấu cháo cho mẹ. Lúc phát hiện, ông Páo say rượu chửi bới mình thậm tệ, vì cái bực trong lòng, mình đã làm điều có lỗi, mình ân hận lắm!”.

Duy hỏi:

- Làm hại người khác, liệu cậu có được gặp mẹ nữa?

Vu nhìn lên xà nhà, mắt hắn dần ươn ướt, ánh đèn nhòe đi trong bóng tối cô quạnh, căn phòng bỗng hẹp lại theo những tiếng thở dài bập bõm. Tiếng mọt kêu cọt kẹt từng hồi từ chiếc bàn trước mặt, từng tiếng lặp đi lặp lại như vòng xoáy không ngừng quấn chặt tâm trí hắn, còn lại trong căn phòng là những hối hận muộn màng, những dằn vặt khiến hắn chẳng thể thoát ra.

Duy đọc lại biên bản một lần cuối rồi kí xác nhận vào từng trang giấy nhỏ. Chữ hắn cũng đẹp đấy chứ. Nhìn chữ viết này, chắc hắn không phải là một người cẩu thả. Bóng ma thuốc phiện đã chiếm lấy hắn, chất độc hại ấy đã làm cho con người ta mất dần nhân tính, mất đi những người yêu thương đang sống xung quanh mình...

*

Trước khi được dẫn giải về nơi giam giữ, Vu nóng lòng được nhìn mẹ lần cuối, hắn kéo từng bước chân nặng nề. Thời gian bên mẹ giờ đây không còn nhiều, bước thêm vài bước hắn lại hỏi “Mấy giờ rồi anh Đức?”. Đức không nói gì, chỉ khẽ lắc đầu. Vu tranh thủ hái tặng mẹ những nhánh hoa mà hắn bắt gặp ven đường. Trên tay hắn nào dẻ rừng, cỏ may, dã quỳ… những cánh hoa dại mọc đầy hai bên vạt rừng ở đất Cửa Cải lắm gió, nhiều sương.

Bà cụ Pết được dân bản đưa ra đoạn đường nối sang nhà văn hóa thôn để tạm biệt con lần cuối. Bà vẫn giữ dáng vẻ điềm tĩnh, chầm chậm bước từng bước một chờ giây phút gặp lại con trai.

Nhìn thấy mẹ từ xa, Vu òa khóc như một đứa trẻ. Vu nhanh chóng nhận ra dáng vẻ người đã vất vả nuôi mình khôn lớn, người đã đánh chừa hòn đá cuội khi hắn lững chững tập đi, người đã nấu cho nó ăn món mèn mén ngon nhất trên đời, cũng là người duy nhất mà hắn có thể cất tiếng gọi thân thương trìu mến trong vô tư lự: “Nả!”

Bà Pết cầm đóa hoa mà đứa con trai dúi vào tay thật vội. Hôm nay, nước mắt bà không còn lăn trên gò má, hai tay bà run run khẽ ôm bó hoa nhỏ vào lòng rồi vuốt nhẹ từng cánh nắng mong manh. Vu dần nhận ra những lầm lỗi đã khiến mẹ khóc cạn nước mắt. Đôi mắt của mẹ năm nào giờ đây chẳng thể nhìn thấy đóa hoa mà Vu hái tặng. Làn hương thoang thoảng từ những cánh hoa nhỏ khiến bà cụ thầm xót xa cho đứa con trai mà bà thương nó hơn cả cuộc đời mình. Bà nhớ những lời ru từng hát cho nó nghe từ thuở lọt lòng: “Con phải nhớ ngoan để mẹ đi làm nương, mẹ sẽ hái cho con thật nhiều thảo quả, mẹ sẽ hái cành hoa rừng lúc trở về, con phải thật ngoan, nghe chưa”.

Bà Pết vốn là người hiểu chuyện, bà mong muốn cái đúng phải được bảo vệ, sẽ chẳng gì có thể dung tha cho những tội ác mà con bà phạm phải. Bà nghĩ về câu chuyện người Công an trẻ đã nhường cho bà một mũi tiêm tình nghĩa, nhớ đến tấm lòng thơm thảo mà dân thôn Cửa Cải đã dành cho bà.

Bà gửi lại đóa hoa rừng cho Đức và dặn nhớ phải trao đến tận tay cho Duy. Đối với bà, đóa hoa đó là món quà quý giá nhất mà đứa con trai sau ba mươi năm nuôi lớn dành tặng, cũng là kỉ vật trong buổi gặp cuối cùng của hai mẹ con bà. Đóa hoa thay cho những giọt nước mắt mừng tủi đắng cay. Từ trong sâu thẳm lòng bà, tấm lòng của người chiến sĩ đã cứu giúp bà giống như một đóa hoa rừng đang tỏa hương ở núi rừng Cửa Cải.

Vu bước lên xe, hắn ngoảnh lại nhìn mẹ mình lần cuối. Hôm nay thời gian vuột nhanh hơn mọi ngày. Hắn đưa tay gạt đi giọt nước mắt, trong lòng nghẹn đắng vì chiếc còng bạc trơ lạnh khiến một cái ôm đối với mẹ cũng trở nên xa vời. Xe đã bắt đầu lăn bánh, Vu nhìn về đám đông đến khi bóng người khuất hẳn. Gió hiu hiu thổi lau khô giọt nước mắt, phút chia xa khiến nỗi buồn trong lòng Vu còn mãi.

Mặt trời xuống núi, bà cụ được đưa trở lại nhà. Ngày mai, người dân thôn Cửa Cải sẽ không còn thấy hình ảnh bà cụ trông ngóng xa xăm nhìn ra phía cổng. Riêng bà sẽ chẳng còn nỗi lo mỗi khi có tiếng chó sủa trong đêm, lo sợ con trai bà trở về làm điều gì có lỗi với dân làng.

*

Trời nhá nhem tối. Bếp lửa ấm dần bên mỗi nếp nhà. Khói bếp xông lên phủ màn sương trắng mờ, hư ảo. Mùi xôi nếp ai đơm còn nóng tỏa hương thơm nhè nhẹ trong gió. Ánh sáng đèn điện chập chờn thoát ra từ ô cửa nhỏ của nhà văn hóa thôn. Bản làng chìm sâu trong không khí yên bình. Trời tối hẳn. Đêm nay, Duy cùng Đức lại làm nhiệm vụ tuần tra, họ đi bộ qua những con đường đất quanh bản.

“Hy vọng Vu sẽ cải tạo tốt anh nhỉ!” - Duy khẽ nói. “Hắn là người hiếu thảo, chắc chắn sẽ cải tạo tốt để trở về với mẹ” - Đức đáp lời. Những người chiến sĩ cứ thế trò chuyện vui vẻ. Ánh trăng dẫn họ bước tiếp con đường. Xa xa, tiếng đánh vần học chữ ê a của bọn trẻ nhỏ vang lên. Duy thầm mong bầy trẻ sẽ có một tương lai tươi sáng, sáng như ánh mặt trời mỗi sớm mọc lên ở núi rừng Tây Bắc này.

Vài năm sau, bà cụ Pết qua đời. Người dân thôn Cửa Cải chẳng ai bảo ai tìm đến lo đám ma bà cụ. Tang lễ thật buồn vì chẳng có lấy một người chống gậy. Từ phía bàn vong, ánh nến hắt hiu soi tỏ khuôn mặt bà cụ thật phúc hậu. Nhìn trong di ảnh ngỡ như bà cụ đang nở một nụ cười mãn nguyện. Bà đã sống một đời cô độc, sự ra đi ấy có lẽ sẽ giúp bà thấy nhẹ nhõm trong lòng.

Người ta chôn bà ở cánh rừng hoa mua phía bên kia chân núi. Chỉ mấy ngày sau đám, những nhánh hoa rừng mọc đầy bên trên mộ. Nào dẻ rừng, cỏ may, dã quỳ… những loài hoa dại đẹp tươi dưới nắng khoe sắc màu rực rỡ. Ở đất Cửa Cải này, chẳng có gì đẹp hơn là tình người thơm thảo, những đóa hoa rừng nở ra từ chính lẽ sống chân thành, lòng trắc ẩn và sự đồng điệu từ đáy tâm hồn.

Hôm nay, Duy phải trở về thị trấn Nông trường nhận nhiệm vụ công tác mới. Cậu không quên tạm biệt dân bản. Ngày mai khi thức dậy, cậu sẽ nhớ lắm, nhớ tiếng gà rừng vang vang buổi sáng, nhớ những con người tần tảo sớm hôm, nhớ cánh ruộng bậc thang đương vào mùa lúa chín, nhớ những kỷ niệm còn đó sẽ theo mãi cuộc đời của cậu.

Xe nổ máy, Duy đưa mắt hướng về phía cánh rừng hoa mua lần cuối. Từ hai bên đường, những nhánh hoa rừng đung đưa vẫy tay tạm biệt người chiến sĩ Công an trẻ. Chim rừng nhớ ai mà bặt tiếng lặng im. Gió núi vẫn miệt mài gánh hương hoa đổ về thôn Cửa Cải. Và tiếng thác chảy ầm ào như lời hát của đại ngàn hùng vĩ cứ nhỏ dần sau lưng Duy, nhưng mặt trời thì vẫn ở phía trước mặt, thật rực rỡ…

Truyện ngắn của Lê Minh Thành
.
.