Huyền tích nơi cùng cốc

Thứ Ba, 22/10/2024, 17:36

Anh lách mái chèo, con thuyền độc mộc ý tứ, nhẹ nhàng lướt qua cột đá đen trũi, đầu nhọn hoắt như những cái mỏ con ngốc. Nước từ dưới đáy sông sủi bọt lục bục như trong một chảo nước sôi khổng lồ. Tôi có cảm giác chỉ cần lỡ chân sa xuống, sẽ chìm nghỉm tận Thủy Cung như một viên cuội. Nhưng tôi không sợ, vì bên tôi đã có anh.

Suốt nửa tháng trời, tôi cứ đắm mình trong những câu chuyện vừa hư, vừa thực của anh. Anh là trưởng bản Cùng Cốc, còn tôi, một cô gái trẻ, sinh viên khoa Văn hóa dân tộc thiểu số ngành văn hóa du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sự nghiệp của tôi không hề dính dáng đến cái bản Mường nơi sơn cùng thủy tận có tên gọi là Cùng Cốc này. Tôi chỉ cần “khai thác” anh để phục vụ cho đề tài luận văn tốt nghiệp của tôi mà thôi…

*

Xuống xe khách, nhìn đồng hồ đã hơn bốn giờ chiều, đeo chiếc ba lô “lữ hành”, tôi vào thẳng phòng văn hóa huyện. Vừa đặt vấn đề với anh chàng trưởng phòng cổ cao như cổ ngỗng, anh đã hồ hởi:“May cho cô rồi! Hôm nay huyện tổ chức “Hội nghị già làng trưởng bản”. Có một chàng trai Mường vốn là lính đảo Trường Sa trở về, hiện là trưởng bản Cùng Cốc, trong đầu chứa đầy huyền tích, truyền thuyết, dân gian Mường đang dự cuộc họp ở đây. Nhất định anh ấy sẽ giúp được nhiều cho công việc của cô”.

Sau những lời giới thiệu của trưởng phòng Văn hóa huyện, tôi đi theo anh trưởng bản, trong lòng vẫn gợn lên chút e ngại về người con trai mới quen biết này. Bến sông là nơi anh buộc con thuyền độc mộc vào gốc cây ngơn có bộ rễ màu nâu đen trồi lên mặt đất, giống như rễ cây đước mọc nơi miền đất mũi Cà Mau.

Trời đã về chiều. Trước mắt tôi hiện lên một khung cảnh thật huyền ảo. Những đám mây trắng bồng bềnh trôi vùn vụt qua đỉnh núi cao, án ngữ một nửa tầng trời, vách đá dựng đứng như bức tường thành. Đàn chim sáo sà vào những cành cây mọc xiên ngang, kêu váng tai, váng óc. Những cái miệng hang đen ngòm ở lưng chừng núi, đầy bí ẩn. Lẳng lặng lồng vòng dây lèo vào cái cọc gỗ phía đuôi con thuyền độc mộc, anh nhẹ nhàng chèo ra giữa sông.

Anh đứng chênh vênh phía đuôi thuyền, dáng người mềm mại, hai tay rắn chắc, mái tóc bị gió hất ngược ra sau, trông thật hoang dã. Dưới chân núi là cả một vùng nước sông rộng lớn, sóng dập dềnh theo từng đợt gió chiều, sâu thẳm và bí ẩn như mặt hồ Núi Cốc. Tôi chợt nhớ tới lời giới thiệu của gã trưởng phòng văn hóa, anh vốn là lính đảo Trường Sa xuất ngũ. Đã qua đời lính, giữa muôn trùng sóng gió biển khơi, còn chẳng ăn nhằm gì, chứ xá gì con sông nhỏ hẹp này. Ra đến giữa sông, anh chỉ tay lên đỉnh núi cao ngất:

d887a38fc91a7044290b12.jpg -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

“Cô có biết vì sao núi này gọi là núi Cửa Hà không? Ở giữa sông có cái vụng sâu hun hút không chút gợn sóng kia, là đường dẫn tới “cửa sông” đấy. Mấy trăm năm trước, cụ cố kỵ dòng họ Hà làm mo ậu ở bản Cùng Cốc tìm thấy nhờ trông theo bóng của cái đầu trâu trên đỉnh núi chiếu xuống, in trên mặt sông. Tôi đã từng chèo con thuyền độc mộc này đi mãi vào trong hang nửa ngày trời mà vẫn chưa đến đáy. Trong hang đá tối và lạnh lắm! Có những con dơi to như thời tiền sử, treo lủng lẳng trên nóc hang, nghiến răng ken két. Cô có muốn vào hang xem thử một lần không?”.

Tôi giả vờ rùng mình như sợ hãi bởi hình ảnh đàn dơi thời tiền sử nghiến răng ken két ấy. Anh có vẻ thích thú, nở nụ cười thật hiền. Tôi nhận ra anh là một chàng trai Mường vui tính, thật thà và cởi mở, khác xa vẻ mặt nghiêm nghị khi mới gặp ở Phòng Văn hóa huyện.

“Đi gần đến đáy hang sẽ gặp một nhánh rẽ ngang, đó là lối dẫn sang miền Đá Rỗ. Tên địa danh Đá Rỗ cũng do người xưa đặt. Có đến ngàn vạn tảng đá liền nhau, rỗ chằng rỗ chịt, lồi lõm trông rất kỳ dị. Có thể hơn triệu triệu năm về trước, vùng núi này là đáy của biển sâu, cho nên đá bị những con hà biển bám vào bào mòn. Trong nhiều hang động, người ta còn thấy dấu tích cả đống vỏ hà, vỏ sò…”.

Tôi cứ nghệt mặt nghe anh nói, thực sự bị cuốn hút theo câu chuyện của người trai Mường, trưởng bản Cùng Cốc này.

- Cô có biết vì sao bản tôi có tên là Cùng Cốc không?

- Em làm sao mà biết được ạ!

- Rồi cô sẽ biết! Tất cả tên con suối, khúc sông, nương cao, ruộng thấp đều có ngọn nguồn của nó cả đấy!

Tôi mừng thầm! “Mối quan hệ biện chứng giữa địa lý vùng miền với tên đất và các truyền thuyết dân gian trong đời sống dân tộc thiểu số”, đúng yêu cầu cho đề tài luận văn tốt nghiệp của tôi rồi… Tôi thầm cảm ơn số phận đã gặp được chàng trai Mường tốt bụng, hiểu biết này…

Khi về đến ngôi nhà sàn nhỏ nép dưới chân núi của mẹ con anh thì trời đã mờ tối. Anh nhanh nhẹn cùng với mẹ vào lo cơm đãi khách. Tôi đang vén tay áo vào giúp sức để phô diễn tài bếp núc của mình thì anh gạt đi: “Cô ra bờ suối sau nhà ấy mà tắm, đi cả ngày đường rồi!”.

Sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc, tôi nghe bên tai ríu rít tiếng chim. Tiếng chào mào lẫn với giọng véo von của đôi chim chèo bẻo làm cho không gian vui nhộn và sinh động hẳn lên. Chỉ có tiếng bìm bịp kéo dài và âm thanh nặng nhọc cất lên từ phía bờ suối, mới nhắc cho tôi nhớ, đây là một bản Mường nơi rừng núi. Bà mẹ anh đã trở dậy từ lúc nào, đang “hông” xôi chuẩn bị bữa sáng.

Những ngày sau đó mới là những ngày tuyệt vời. Bà mẹ anh bảo rằng, cụ cố nội anh đã làm “lang cun”, một chức vụ cũng như trưởng bản bây giờ. Ông nội làm Chủ nhiệm, rồi cha anh cũng thế. Đến đời anh, lại làm trưởng bản. Anh mang cho tôi xem sổ điền địa ghi tên các xứ đồng từ thời cố nội. Bao nhiêu đời trôi qua, làng bản, người ta thay đổi gì thì thay, riêng tên các xứ đồng thì không! Không phải người Mường mà các dân tộc khác cũng thế. Tên các xứ đồng từ khi khai thiên lập địa, tổ tiên dựa vào đặc điểm của từng nơi mà đặt tên. Cái tên xứ đồng ấy cứ lưu truyền hết đời này đến đời khác. Vô hình trung, tên các xứ đồng trong các cộng đồng dân cư Việt vẫn giữ nguyên tính bản địa của nó từ mấy ngàn năm trước.

Tôi thực sự xúc động và nghệt mặt trước những phát hiện bất ngờ của anh. Tôi mừng quýnh, tưởng như anh như một vỉa quặng mà tôi vừa chạm tới. Tay run run, tôi ghi lại tên từng xứ đồng và nguồn gốc của cái tên ấy. Một cảm giác thiêng liêng dâng trào trong tôi khi tôi biết tôi đang chạm vào cái tên mà tổ tiên người Việt đã đặt từ mấy thế kỷ trước. Tôi không quên “chua” những đặc điểm, vị trí có liên quan đến tên gọi của từng vùng đất. Tôi làm việc miệt mài và say mê như một nhà khoa học thực thụ. Ngoài việc chính là lý giải “mối quan hệ biện chứng giữa đặc điểm địa lý vùng miền với tên gọi”, tôi tìm hiểu kho tàng văn nghệ dân gian rất phong phú còn lưu giữ nơi đây làm tài liệu bổ sung cho bản luận văn tốt nghiệp của tôi.

Có một hôm anh đưa tôi lên gặp một trưởng bản phía trên, bên bờ dòng sông chảy qua chân núi Cửa Hà. Một bản làng thật yên ả, gối đầu lên bãi đá ngầm của dòng sông mùa cạn. Tôi nhìn xuống lòng sông, trải dài đến cả ngàn mét, miên man, nhấp nhô hàng ngàn vạn tảng đá nhọn đầu, đen sì. Anh bảo, cô có tin không? Nơi khúc sông này, gần sáu trăm năm về trước đã diễn ra một trận đánh vô cùng ác liệt giữa nghĩa quân Lam Sơn với giặc Minh. Khi ấy người chết trận nhiều vô kể, cả trên cạn lẫn dưới sông. Xác chết chồng chất lên nhau, không thể chôn cất được. Các tử thi để lâu, hóa dòi bọ, mùi hôi thối, tanh tưởi bao trùm cả một vùng. Dân làng Gầm, làng Bến, làng Dòn phải bỏ làng, chạy vào chân núi để ở.

Mấy năm sau, đợi hết mùi tanh hôi mới dám quay về nơi ở cũ sinh sống. Cũng từ đây bến đò làng Gầm có tên là bến Đò Dòi. Dân làng trở về, tưởng yên ổn, nhưng hằng đêm, mỗi khi trời trở tiết, tiếng oan hồn thường khóc than rên rỉ. Cả bản lúc này bàn nhau dựng một cái miếu để thờ tự vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng. Từ đó, cứ đến mùng 9 tháng Giêng hàng năm, dân mấy làng lại lo sắm lễ lớn, cúng vái cho các vong hồn tử trận và tự hình thành một cái chợ có tên là “Chợ Ma”, đông vui nhộn nhịp khắp các vùng Mường cả trong và ngoài tỉnh. Đến năm 1957, không hiểu lý do gì, Chợ Ma kết thúc. Cái bến khi nãy ta vừa qua là bến Đò Dòi đấy!

Một hôm anh bảo tôi: “Tôi chưa lý giải với cô cái tên bản Cùng Cốc này! Hôm nào tôi sẽ dẫn cô đi, cô sẽ thấy. Ở bản Cùng Cốc, ba bề bốn bên là núi đá cao dựng đứng, chỉ có một con đường duy nhất mà hôm tôi với anh đi từ phía bờ sông vào bản. Cùng Cốc là nơi sơn cùng thủy tận nhưng chưa cùng đường. Tôi đã phát hiện ra một hệ thống hang động, dài hàng cây số nối đến các vùng lân cận. Có những hang tuyệt đẹp như cung điện vua Thủy tề. Đây là tiềm năng du lịch rất lớn, nếu biết khai thác. Cô có dám đi thám hiểm một lần cho biết không?”. Ồ! Trời ơi, sao tôi lại không đi nhỉ? Tôi nhận lời. Phải đi cho biết chứ! Có anh bên cạnh, tôi không sợ gì cả…

Cuối cùng rồi tôi cũng phải chia tay với anh, với bản Cùng Cốc. Cũng con thuyền độc mộc hôm anh đưa tôi về bản thì hôm nay, anh lại đưa tôi trở về trường. Lựa mái chèo cho con thuyền đưa tôi vượt Chảy Ngốc sang bờ bên kia phía thị trấn, anh vừa kể:

“Ngày xưa, ở bản Cùng Cốc có một chàng trai Mường làm mo ậu rất giỏi cúng ma, trừ tà, không bệnh nào thầy cúng không khỏi, không con ma nào thầy không trị được. Tin đồn thầy mo Mường giỏi đến tai vua Thủy Tề. Một đêm trời mưa to gió lớn, sạt đường, lở núi, nước suối réo ầm ầm, chàng trai mo Mường đang nằm thiu thiu thì bỗng dưng thấy một người thân hình quắc thước, hai mắt tròn có viền vàng, mình dát vảy vàng óng như vây cá chép, đội mũ miện vàng tự xưng là vua Thủy Tề đến mời thầy mo xuống thủy cung cúng ma chữa bệnh cho con gái út của đức vua. Con gái út xinh đẹp của đức vua đang bị con ma Mường trên trần thế “ếm”. Bao nhiêu thầy mo ậu của vua Thủy Tề đành chịu bó tay.

Người đó có nói rằng: “Nếu nhà ngươi đuổi được con ma Mường ấy, ta sẽ gả con gái út và nhận ngươi là phò mã”. Chàng trai mo Mường nói: “Tôi rất sẵn lòng cứu giúp con gái của Đức vua, nhưng đường xuống Thuỷ cung kín như bưng giữa mặt sông lặng sóng, tôi làm sao biết?”. Vua Thủy Tề liền truyền rằng: “Đêm mai, nhằm giờ sửu, nhà ngươi hãy ra đầu Chảy Ngốc. Đợi khi có đàn trâu bạc bơi qua sông, ngươi đừng sợ, hãy nhảy lên lưng con trâu đầu đàn, chờ cho nó nhô lưng khỏi mặt nước thì dùng dao rựa thật sắc, chặt đứt phăng cổ nó, mang cái đầu đặt lên ngọn núi trước mặt, đợi đến giờ Thìn, khi có luồng ánh sáng xanh soi từ trên đỉnh núi xuống, thấy trên mặt sông, bóng đầu trâu in ở đâu, thì đó là cửa sông đấy!”.

Chàng mo Mường thực hiện y như lời phán truyền của đức vua Thủy Tề. Chàng đã xách chiếc đầu trâu bạc đặt trên đỉnh núi Cửa Hà rồi nhìn theo bóng của nó chiếu trên mặt sông, trầm mình lặn vào sóng nước. Không biết chàng mo Mường xuống thủy cung có chữa khỏi được bệnh cho con gái vua Thủy Tề hay không, chỉ biết chàng đi từ đầu mùa đông năm trước đến cuối mùa xuân năm sau rồi đến các mùa xuân năm khác nữa cũng không trở về bản Cùng Cốc. Người đời sau đặt tên cho ngọn núi có cái đầu trâu trên ngọn là núi Cửa Hà. Bây giờ, trên đỉnh núi Cửa Hà vẫn còn cái đầu trâu bạc bằng đá trắng, hai cái sừng nhọn hoắt. Không tin, lần sau, có dịp, tôi sẽ đưa cô lên tận đỉnh núi mà xem có đúng không”.

Hai tay tôi bám chặt hai mạn của con thuyền độc mộc. Thuyền đã ra đến đầu dòng Chảy Ngốc. Nước réo ào ào như muốn nhấn chìm cả anh và tôi cùng với con thuyền mỏng manh như chiếc lá xuống thủy cung như trong câu chuyện anh kể về chàng trai mo Mường. Ngọn nước lao xuống mặt sông phẳng lặng, năng lượng dòng chảy bị tiêu hao, không thể chạm đáy vì áp lực nước cản, nên chỉ tạo thành một vùng bong bóng sủi lên, trong văn vắt. Anh lách nhanh mũi thuyền một cách điệu nghệ cho song song với dòng chảy, không còn lực nước tác động vào mạn thuyền, thuyền hết chòng chành. Tôi lại ngồi yên, mắt buồn đăm đăm nhìn những gợn nước kéo dài phía sau con thuyền, vạch trên mặt sông như những cái đuôi con chim bìm bịp.

- Cô có biết tại sao người ta gọi đoạn nước xiết có nhiều tảng đá nhô lên đen sì này là Chảy Ngốc không?

- Đó là nơi vua Thủy Tề thả đàn ngỗng trời. Dân vùng này quen gọi là con ngốc. Con chim ngốc lông đen như than củi rừng. Những đêm trăng, từng đàn ngốc đập cánh, bơi lội tung tăng, ngụp lặn thỏa thích làm nước bắn tung tóe khắp cả một khúc sông, nhưng đến gần sáng, chúng lại biến thành đá, cổ nhô cao trên mặt sông như một bãi chông, sóng nước réo ào ào. Những cái đầu ngốc tưởng như lúc ngoi lên, lúc thụt xuống lập lờ dưới dòng nước chảy. Thuyền bè trôi qua đoạn sông này, gặp tay chèo kém, va vào những cái cổ ngốc ấy, coi như toi đời. Mùa nước cạn, hàng trăm hàng ngàn cái cổ ngốc đá đen sì nhấp nhô nổi hẳn trên mặt sông là nỗi ám ảnh, lo sợ cho những tay chèo bè và người làm nghề trên sông nước. Chỗ khúc sông mà hôm nọ tôi đã đưa cô đến, là nơi xảy ra trận thủy chiến giữa nghĩa quân Lê Lợi với giặc Minh đấy! Mấy trăm năm trôi qua, chảy Ngốc nhan nhản những linh hồn lính chết trận, đêm đêm gào lên âm thanh “Trảo Trảo”, rất lạ, giống như giọng của người Tàu, đã dìm xuống đáy sông bao nhiêu là thuyền bè, bao nhiêu mạng người vô tội”.

Anh lách mái chèo, con thuyền độc mộc ý tứ, nhẹ nhàng lướt qua cột đá đen trũi, đầu nhọn hoắt như những cái mỏ con ngốc. Nước từ dưới đáy sông sủi bọt lục bục như trong một chảo nước sôi khổng lồ. Tôi có cảm giác chỉ cần lỡ chân sa xuống, sẽ chìm nghỉm tận Thủy Cung như một viên cuội. Nhưng tôi không sợ, vì bên tôi đã có anh. Tôi hình dung anh chính là chàng trai mo Mường nổi tiếng từ mấy trăm năm trước thuộc dòng dõi họ Hà đã cúng ma trừ tà, chữa bệnh cho con gái vua Thủy Tề, giờ đây anh hiện thành chàng trai Trưởng bản để giúp đỡ tôi hoàn thành sự nghiệp của mình. Tôi chỉ muốn ở lại bên anh để mãi được nghe những câu chuyện như thế. Nhưng hôm nay tôi phải tạm biệt bản Cùng Cốc, tạm biệt anh để về trường đại học. Còn biết bao công việc tôi phải hoàn thành cho đến khi được cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay.

Chia tay anh, tôi cứ đứng mãi nơi bờ sóng, có cảm giác như ngọn gió từ ngàn xưa đang thổi lại. Trước mắt tôi, từng ngọn núi, khúc sông, bãi bờ, hang động, tên bản, tên làng, tên sông, tên suối… đâu đâu ông cha cũng để lại dấu tích của một nền văn hóa bản địa, đậm bản sắc Lạc Việt từ thuở sơ khai. Chỉ chừng ấy thời gian ở bên chàng trai trưởng bản, đi sâu vào một vùng quê Mường, có cái tên là bản Cùng Cốc, cái tên lắng sâu, được đặt từ thuở xa xưa, đã tích hợp trong đầu tôi biết bao vốn kiến thức. Tôi bước lên bờ, vẫy tay tạm biệt anh, cảm giác như chiếc ba lô lữ hành đang đeo trên vai dần nặng trĩu những trở trăn về nguồn cội. Tôi nhận ra sứ mệnh của mình, những người làm khoa học, là phải làm sống lại những gì của Tổ tiên gửi lại, không để trôi vào miền vô tăm tích.

Chia tay anh, nhưng tôi biết, khó mà xa anh, xa bản Cùng Cốc, xa một vùng quê đầy ắp các giá trị văn hóa và lịch sử này. Hèn chi có lần anh tâm sự: “Cô có biết không? Tôi đã có hơn hai năm bồng súng đứng gác trên đảo Trường Sa. Giữa mênh mông trời biển, cảm nhận được vị mặn mòi của từng làn gió biển thổi táp vào mặt, càng thấy cái tên Tổ quốc hiện lên, thiêng liêng và gần gũi làm sao! Nhưng mà cô ạ! Không có đêm nào tôi khôn nguôi nhớ quê, lòng luôn hướng về bản Cùng Cốc, vùng đất chứa đầy huyền tích, dân gian Mường, nơi có người mẹ hiền, nguồn cội sinh ra dòng họ Hà của tôi…”.

Có lẽ một ngày nào đó, tôi cũng không thể định trước, khi đã trở thành nhà nghiên cứu văn hóa Mường, tôi sẽ trở lại với anh, với khu du lịch dưới chân núi Cửa Hà, nối con đường dẫn vào hệ thống hang động lung linh sắc màu huyền thoại với các nhũ đá đủ mọi hình thù kỳ ảo kia. Và còn trách nhiệm với vùng quê anh nữa chứ! Là dựng lại lễ hội Chợ Ma như lời các cụ cao niên đã kể, đó là một lễ hội giàu giá trị nhân văn, tâm linh và lịch sử…

Không ngờ hai tháng sau, anh báo tin, là đã làm tờ trình, xin lập dự án xây dựng “Khu du lịch hang Cùng Cốc” và hỏi tôi là “em có ý định quay lại với chàng trai mo Mường trong chuyện cổ tích để cùng tham gia không?”. Tôi hình dung như anh đang đứng trước mặt trên con thuyền độc mộc, hai tay cầm lái, dưới chân núi Cửa Hà, nơi có đường xuống Thủy Cung, mái tóc đen nhánh bị gió hất ngược ra phía sau, trông rất “hoang dã”. Tôi trả lời anh: “Em đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp một các xuất sắc và làm sao em lại dại dột từ chối cơ hội trở thành “con gái út của vua Thủy Tề cơ chứ!”.

Đêm hôm ấy, tôi thức rất khuya để viết những dòng này. Trời đã sang thu, gió đêm lành lạnh. Tôi kéo chiếc mền mỏng đắp ngang khuôn ngực của mình, chợt thấy con tim thổn thức...

2024

Truyện ngắn của Trịnh Tuyên
.
.