Én ơi hãy về đi

Thứ Sáu, 25/02/2022, 19:49

Hoa xoan rụng tím lối đi. Người đàn bà cúi mặt lầm lụi đi cấy thuê trên cánh đồng hun hút gió. Đôi bàn tay trắng như sắn bóc của con gái xứ Quảng ngày nào nứt nẻ bết vôi vữa phụ hồ. Da trắng tóc dài, xinh như hoa đồng nội giờ héo hắt úa tàn, mà vẫn không thoát được lời cợt đùa của những gã đàn ông lối xóm. Nước mắt tủi hờn luôn ứa ra khi gặp cái nguýt ngao bóng gió của nhiều mụ đàn bà lắm lời. Bao lời thêu dệt đơm đặt trút xuống vai góa phụ.

Trưa tĩnh lặng. Nắng đổ lửa xuống con đường quê. Người ta tránh COVID - 19 trong nhà, tránh nắng nóng nên con đường đã vắng lại càng vắng hơn. Thảng có vài người đeo khẩu trang kín mít trên xe máy vụt qua đường rồi mất hút. Bỗng tiếng đập phá loảng xoảng từ một ngôi nhà ven đường cất lên. Tiếng chửi bới inh ỏi hòa cùng đay nghiến:

- Bố tiên sư nó chứ! Anh với em mà ăn ở bạc bẽo. Khi nó đói nghèo túng bấn thì lê đến nhà mình vay mượn đồng tiền bát gạo, chị chị em em. Ấy vậy mà vừa có đồng tiền thì đã trở mặt như trở bàn tay. Để rồi mày xem vênh vang được mấy bữa mà tinh vi. Tao cấm mẹ con nhà mày từ nay không được qua lại với nhà nó nữa nghe không? 

Người đàn ông chửi xong liền vác con dao ra cổng chém mạnh rồi buông lời cay nghiệt:

- Tao thề là vết chém này bao giờ liền lại thì nhà tao với nhà mày mới thân thiết như xưa nhé!

Tiếng chửi bới huyên náo một góc đường. Một vài nhà mở cửa đứng xem từ xa. Chẳng ai bắt lời hay khuyên can gì cả. Chỉ một thoáng họ lại đóng cửa mặc kệ kẻ đang chửi bới ngoài kia. Chửi chán mỏi mồm không thấy ai lên tiếng, hắn bực bội vào nhà vì không chịu được cái nóng như hun lửa của trưa hè.

*

Người đàn bà tái xanh như cọng cải héo, tháo đôi gang tay phụ hồ vứt xuống chái bếp, gỡ chiếc nón rách treo vào móc cột, nước mắt giàn giụa khi tiếng chửi như róc thịt róc da của người anh họ hàng xóm vẫn vọng lại. Run rẩy lẩy bẩy chị với tay lấy bao nhang trên bàn thờ rút ra ba nén châm lửa cắm vào bát nhang. Nhìn di ảnh chồng chị bật khóc:

- Mình sống khôn chết thiêng xin phù hộ độ trì cho mẹ con em. Mình vắn số đi trước để mẹ con em khổ thế này mình ơi! Em xin mình dẹp âm dẹp dương dẹp đường dẹp lối, đừng để người ta chửi rủa em tội lắm. Em có làm gì nên tội mà người ta nguyền rủa em. Vì thương con mà em phải bán nhà đi nơi khác. Em cũng đau lòng lắm. Em cũng chỉ muốn theo mình cho xong.

Giọt mồ hôi bò trên khuôn mặt gầy gò xanh xao, nước mắt như quả chanh đang vắt ướt đầm gò má. Tiếng khóc uất nghẹn bật ra từ lồng ngực yếu ớt. Người đàn bà mệt mỏi ngồi bệt xuống nền nhà. Nỗi tủi hờn như bão lũ từ đâu ùa về trong tâm trí chị.

Én ơi hãy về đi -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Quê chị mãi miền Trung gió Lào cát trắng. Đôi mắt bồ câu làm anh chao đảo, suối tóc dài mê mải làm anh xốn xang, cái đằm thắm dịu dàng làm anh phải lòng. Anh lính trẻ đẹp trai xứ biển theo đơn vị đóng quân nơi đây gặp chị là đã thương ngay. Họ nhanh chóng bén duyên nhau. Chị theo chồng về làm dâu xứ biển. Hết nghĩa vụ, nhờ người quen giúp đỡ anh đi hợp tác lao động ở nước ngoài. Chịu khó làm ăn tích cóp, những kiện hàng và tiền thi thoảng anh gửi về cho vợ. Những ngày nhận được quà của chồng thì nhà chị tấp nập như nhà có tiệc. Mấy bà cô em chồng xúm xít vào đòi chia của anh chúng gửi về. Cô em chồng chả bao giờ thấy cháu ốm cho một quả cam hay một lời hỏi thăm, ấy vậy mà nghe tin anh trai gửi tiền về cho chị dâu thì đã có mặt từ sớm. Lời nói ngọt như mía lùi:

- Chị ơi! Anh đợt này gửi về nhiều không? Em túng quá lại muốn sửa cái nhà mới cho cháu bác có chỗ chui ra chui vào. Chị giúp em trăm triệu nhé!

Vừa nói xong, cô ta bật khóc nức nở như oan uổng ai đè hầu cướp bóc gì mình. Chị chết điếng người với số tiền cô ấy hỏi xin. Chính mẹ con chị cũng chưa có nhà ở mà còn phải chui trong căn buồng tăm tối của nhà nội. Chị bối rối không biết làm sao để đẹp lòng nhà chồng. Nếu đưa hết ra thì công sức kiếm ăn xứ người của chồng mình sẽ đổ xuống sông xuống biển.  Ông anh chồng lúc nào cũng bóng gió:

- Này thím, đàn bà con gái thím giữ tiền nhiều trong nhà làm gì. Thím cứ đưa đây tôi kinh doanh hộ. Lãi mẹ đẻ lãi con, sau này chú về tôi cộng tất tần tật thanh toán hết cho thím. Chả đi đâu mà thiệt em ạ!

Ngọt ngon không xong thì hấm hứ giận hờn. Đang yên lành mỗi lần nhận quà chồng gửi về là nhà chị lại như có chiến tranh. Chỉ khi chị chia ra biếu hậu hĩnh thì mọi người mới tươi tỉnh ra về. Thương chồng vất vả nơi xứ người lại chả muốn anh bận lòng thêm nên chị không dám kể. Nhưng mà anh vẫn biết khi anh điện về hỏi thăm ông Trưởng tộc. Thế là từ đấy anh chuyển tiền về nhờ ông Trưởng tộc uy tín đứng đắn nhất dòng họ mua giúp mảnh đất ven đường để dựng nhà.

Số tiền lão anh chồng mượn để kinh doanh cũng không bao giờ lấy được. Bởi mụ vợ lão ranh ma đã cuỗm sạch cho con gái mua nhà Hà Nội. Mỗi lần em trai từ nước ngoài điện về nhắc chuyển tiền cho em dâu xây nhà, lão cứ lờ tít như chưa hề vay mượn. Rồi lão còn chủ động chặn điện thoại của em. Mười năm xa chồng biền biệt, người đàn bà đó bao lần khóc thầm nuốt nước mắt ôm con để gia đình êm thấm. 

Đêm đông lạnh giá, mưa đìu hiu mái tranh, ba mẹ con ôm nhau trong gian buồng mờ mờ ánh sáng. Cơn buồn ngủ sau một ngày lao động vất vả vội vã đến với chị. Bỗng chị thấy hiện lên một người đàn bà khăn chầu áo ngự, cổ đeo vòng bạc, tay đầy vòng xuyến nhưng khuôn mặt buồn bã tiến gần lại phía chị:

- Ta thấy mẹ con ngươi thật tội nghiệp. Hồng nhan thì bạc phận con ạ! Cố mà sống để vượt qua vận hạn này nhé!

Nói xong rồi người đó thở dài và ra đến khu miếu thờ giữa xóm thì biến mất. Chị sợ hãi giật mình tỉnh dậy, người nóng ran và tim thì đập mạnh như vừa đi trên mây xuống.

Ngẫm giấc mơ chị sợ hãi ôm chặt con vào lòng. Đứa bé thấy mẹ ôm chặt quá liền gỡ tay mẹ ra, rồi thì thào:

- Mẹ bị làm sao vậy? Để nguyên cho con ngủ nào....

Chị nới lỏng vòng tay ôm con và thao thức đếm mưa rơi cho đến sáng.

Hôm sau chị có kể lại giấc mơ của mình cho bà lão hàng xóm nghe. Bà ăn trầu bỏm bẻm nghe xong dựng tóc gáy liền bảo:

- Mẹ mày hợp bóng với Đức Chúa Thổ trong miếu thờ giữa làng mình rồi đấy! Ngài đã báo mộng thì phải cẩn thận nhé! Ngài rất linh thiêng, mai mẹ mày mua vàng hương hoa quả vào miếu mà lễ tạ đi con ạ! Bà sống từng này tuổi bà nghiệm nhiều điều rồi.

Chị chưa kịp mua đồ lễ vào miếu thắp hương thì tin sét đánh ngang tai. Anh ở nước ngoài đã chuẩn bị lên máy bay về nước thì bị cướp. Người và tài sản đều không còn nữa. Số tiền anh tích cóp đem về để khánh thành nhà mới cũng bị cướp đi. Và đau đớn nhất anh vĩnh viễn không bao giờ được trở về với vợ và hai con nữa.

Chị gục xuống mê man, ốm lăn lóc héo như cái cây bị đốn gốc.

Nước mắt chiều đông đẫm gò má thiếu phụ. Nước mắt chan trong bữa cơm. Phận số và dông gió đè nặng lên vai người đàn bà miền Trung xa xứ.

Những chiều mưa, chị lại lầm lụi thân cò kiếm ăn nuôi con. Vét sạch những đồng tiền cuối cùng trong nhà mới đổ xong cái mái bằng. Căn nhà trống huơ trống hoác, thiếu hơi ấm đàn ông, thiếu cả đồ dùng vật dụng giờ bơ vơ mẹ con chị.

Hoa xoan rụng tím lối đi. Người đàn bà cúi mặt lầm lụi đi cấy thuê trên cánh đồng hun hút gió. Đôi bàn tay trắng như sắn bóc của con gái xứ Quảng ngày nào nứt nẻ bết vôi vữa phụ hồ. Da trắng tóc dài, xinh như hoa đồng nội giờ héo hắt úa tàn, mà vẫn không thoát được lời cợt đùa của những gã đàn ông lối xóm. Nước mắt tủi hờn luôn ứa ra khi gặp cái nguýt ngao bóng gió của nhiều mụ đàn bà lắm lời. Bao lời thêu dệt đơm đặt trút xuống vai góa phụ.

Chị cắn răng mà chịu, thắt cả niềm đau đẫm nước mắt nuôi con. Nhưng chị không thể chịu được khi thấy con mình không có tương lai nếu học hành dở dang. Sau tuần hương xin phép chồng, chị quyết định bán nhà mặt đường để vào xóm mua căn nhà nhỏ ở tạm lấy tiền lo cho con cái. Ấy vậy mà người ta vẫn xúm tới đòi vay tiền chị... Rồi chửi bới như cái trưa nắng đang đổ lửa này.

Gió heo may ùa về ngõ nhỏ, lúa trên đồng cũng đã đỏ đuôi. Người ta chuẩn bị liềm lạt để vào mùa gặt thì cuối làng người đàn bà miền trong cũng đang hì hụi đào cuốc dựng tạm cái lán nhỏ trên mảnh đất bỏ hoang đã lâu mà giờ mẹ con chị mua được. Chị chuẩn bị dựng căn nhà nhỏ để che mưa che nắng cho con. Thằng bé mười ba tuổi gầy nhỏ nhưng chững chạc hơn nhiều. Ai cũng bảo nó già, khôn sắt lại và thương mẹ. Hôm rời nhà, thấy mẹ cứ ngơ ngẩn nhìn căn nhà cũ mà nước mắt ngắn dài nó nắm tay mẹ kiên quyết:

- Đi thôi mẹ! Mình về nơi ở mới con sẽ xây nhà to hơn cho mẹ. Con sẽ cố gắng đỡ đần mẹ. Chúng ta sẽ không khổ nữa.

Thằng bé mím môi. Chạy vào bếp tìm cái ống câu, cần câu cùng lưới đánh cá bó gọn vào rồi đem theo. Ngơ ngẩn một chút, nó chạy vào nhặt thêm cái diều sáo cũ kĩ đen bồ hóng bếp, rồi cầm tay mẹ dắt đi trên con đường làng đầy lá rụng.

Nhờ đám phụ hồ quen biết, căn nhà nhỏ của mẹ con chị cũng được dựng lên. Mái ngói đỏ, tường vôi trắng, bậc thềm cao, khoảng sân rộng, nụ cười vồn vã của hàng xóm mới đã làm chị yên lòng.

Ngoài giờ học, thằng bé thường vác cần câu cắm dọc con sông quê. Nó đã quen với tiếng cồng cồng đuổi cá của người đàn ông gầy gò mặc áo lính bạc màu. Người đàn ông nở nụ cười ấm áp mỗi khi nhìn thấy nó. Ông còn xoa đầu nó và bày cho nó cách thả cần câu để cá dễ cắn câu. Mẻ thính rang thơm phức được ông thả vào vó câu, tép đồng hám mồi vào đầy vó. Thằng bé bện ông những ngày chủ nhật. Có một chút gì gần gụi đầy thương mến dấy lên trong lòng của hai kẻ đánh bắt cá trên sông. Thằng bé chỉ mỉm cười mắt sáng lên khi nghe mẹ hỏi:

- Sao dạo này con đánh bắt được nhiều tôm cá thế? Nhà ăn không hết mẹ còn đem ra chợ bán đấy.

Thằng bé cười đầy tự hào nói với mẹ:

- Con nhờ bác ấy bày cho đấy! Bác ấy là người đánh cá siêu nhất vùng này mẹ ạ!

- Bác ấy là ai thế?

Người mẹ ngơ ngác hỏi dồn con. Thằng bé chỉ cười chạy vào bàn học. Từ ngày bố mất nó lao đầu vào học. Nó học ngày học đêm và trời không phụ lòng người, kết quả học tập của nó lúc nào cũng nhất khối. Nhìn giọt nước mắt rơi trên gò má hốc hác của mẹ, nó càng nhủ lòng phải chăm học hơn để mẹ được vui lòng.

Giờ thì chị biết rồi. Người đàn ông đánh cồng cồng mỗi sớm mai chủ nhật trên sông chính là người làm công việc coi trường học gần nhà chị. Người ấy từ chiến trường trở về với cái thẻ thương binh và căn bệnh nhiễm chất độc màu da cam. Ông lặng lẽ sống một mình trên mảnh đất cha mẹ để lại. Và ngày ngày đến trường làm công việc bảo vệ. Nhìn đàn trẻ con, lòng ông như vợi đi nỗi đau. Đôi mắt thăm thẳm buồn của đứa trẻ câu cá trên sông mỗi sáng chủ nhật làm ông nao lòng. Ông thương thằng bé mồ côi và đã luôn quan tâm đến nó.

Mái ngói đỏ tươi của ngôi nhà mới giờ đã ngả màu theo thời gian. Thằng bé vụt lớn lên và giờ đã vào đại học. Bữa cơm mừng con vào đại học người đàn ông cũng được mời tới. Cầm món quà ông trao, thằng bé ứa nước mắt nhìn mẹ. Có chút gì ân tình ấm áp đã nhen lên trong tim nó. Như chợt nhớ ra điều gì, thằng bé bảo mẹ:

- Mẹ ơi! Vài hôm nữa con đi. Con muốn cuốc mảnh đất cuối vườn xây cho mẹ cái chuồng gà chắc chắn để mẹ nuôi thêm gà có trứng mà ăn. Tết này con về nhà mình có nhiều gà ăn Tết. Mà chiều nay mẹ mua hoa quả đến miếu làng mình kêu xin cho con may mắn nhé!

Chị mừng mừng tủi tủi thấy con mình đã thực sự lớn khôn biết chu toàn mọi việc kể cả tâm linh.

Chiều ấy, xách làn hương hoa, chị bước vào miếu sắm lễ và kêu xin thành kính. Bát hương trên bàn thờ Chúa Bà bỗng dưng bốc cháy. Đài âm dương gieo quẻ xoay tít. Chỉ một đài âm dương kêu xin là được ngay.

Gió thu lạnh bên thềm. Đêm chìm vào tĩnh lặng. Trên chiếc giường đơn, chị miên man nghĩ tới người chồng quá cố mà nước mắt trào ra. Nghĩ tới con sắp lên trường lòng chị đầy âu lo. Giấc ngủ muộn phiền rồi cũng đến cùng chị. Vừa chợp mắt, chị bỗng thấy hiện lên người đàn bà áo tràm vòng bạc sáng lấp lánh. Khuôn mặt tươi rói như hoa anh đào trong sớm mai, mỉm cười nhìn chị mà nói rằng:

- Từ nay gia chủ hết khổ rồi nhé! Cố mà tu nhân tích đức.

Làn hương hoa thơm ngát dâng lên trong không gian. Nụ cười tươi, bóng áo chàm biến mất. Chị sợ hãi bừng tỉnh miệng luôn niệm "Nam mô a di đà Phật". Lòng lo sợ hoài nghi và chợt nhớ tới người đàn bà rất giống với bức tượng Bà Chúa thờ trên miếu mà chiều nay chị vào dâng lễ.

Nắng thu dịu dàng buông lụa lên cây lá vườn. Thằng bé hăm hở vác cuốc đào cái hố thật sâu cuối vườn. Nó vui vẻ vì được bác đánh cồng cồng thâm giao với nó bao năm nay giúp sức. Hai bác cháu người bổ, người cuốc, muốn chôn cái cọc bê tông thật sâu cho vững chắc. Nhưng càng bổ đất càng rắn, bỗng chiếc xà beng của người đàn ông đánh cá chạm vào vật rắn cứng không bẩy lên được. Thằng bé cố sức cuốc bới cùng người đàn ông. Sau lớp đất nâu sâu thẳm cuốc va vào vật sành. Hai bác cháu hì hụi bới đào thấy một cái lọ gắn kín. Nó bối rối cầm lên. Người đàn ông nhanh trí chạy vội ra khép cổng. Chiếc lọ được bưng vào buồng tối và bật nắp. Thằng bé ngơ ngác, người đàn bà run rẩy lẩm bẩm:

- Bác ơi! Em sợ lắm... nhỡ cái lọ này đựng cốt người thì sao?

Người đàn ông nghiêm mặt bình tĩnh trấn an:

- Mẹ con cô đừng sợ. Có tôi đây rồi mà. Cái lọ này nhỏ làm gì có cốt người ta cứ mở ra xem sao.

Nói rồi ông nhẹ nhàng lấy dao khui lớp keo gắn chặt trên lắp lọ gốm có chữ nho. Một tiếng "tách" nắp lọ bật ra. Một lớp gấm đỏ bọc kín, lớp gấm được bàn tay khéo léo của người đàn ông gỡ bỏ. Trời ơi! Những thỏi vàng óng ánh lộ ra. Đứa bé ngây nhìn. Người đàn bà tái xanh run lập cập. Người đàn ông bình tĩnh an ủi:

- Trời Phật phù hộ ban lộc cho mẹ con cô rồi. Từ nay cháu và mẹ sẽ được sung sướng. Nhưng bây giờ phải hết sức bí mật không có mẹ con cô sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng có tôi ở đây hai mẹ con cứ yên tâm nhé.

Ông nhanh chóng giục thằng bé xuống bếp lấy cái vó rách và cái giỏ đựng cá to mang lên. Ông nhặt những thỏi vàng cuộn chặt vào vó cho vào giỏ. Giục thằng bé dắt xe đạp chở ông ra đường. Người đàn bà qua ngõ thấy thế liền mau mồm:

- Gớm, hai cha con ông nay đi đánh cá ở sông trên hay sao mà đi xe đạp.

Bà ta cười toe toét trước cách gán ghép bông đùa những tưởng có duyên của mình. Ông lặng lẽ buông một tiếng "vâng". Xe đạp quay vòng tít. Ngân hàng huyện hiện ra. Ông thở phào khi những thỏi vàng đã được gửi vào nơi an toàn với cái sổ gửi mang tên thằng bé.

Đêm ấy. Đèn vẫn sáng dịu dàng. Người đàn bà, người đàn ông ngồi bên nhau. Thằng bé lên tiếng:

- Bác ơi! Trời cho lộc mẹ con cháu và bác. Cháu muốn bác nhận lấy một nửa số vàng trong hũ sáng nay. Cháu sẽ ra ngân hàng chuyển một nửa sang tên bác.

Người đàn bà cũng năn nỉ:

- Bao năm nay bác thương cháu như con, xin bác chấp nhận những điều cháu vừa nói.

Người đàn ông mỉm cười từ chối:

- Lộc bất tận hưởng, nhưng tôi không nhận đâu, của đào được trên đất mẹ con cô, vả lại tôi đã có lương hưu và lương thương binh. Tôi ăn cũng có nhiều đâu, thôi cô cứ giữ lấy mà lo cho cháu. Mẹ con cô cũng khổ nhiều rồi.

Nước mắt lưng tròng, thiếu phụ khóc. Thằng bé khóc. Mẹ con họ nhớ lại những ngày họ bị nhà nội và hàng xóm xúm vào đòi tiền và xỉa xói vì họ không có cho mượn. Họ khóc vì sự rộng lượng của người đàn ông. Họ vẫn quyết chia số vàng làm hai phần, ép mãi người đàn ông mới nhận một phần ba số đó.

Biệt thự xinh đẹp mọc lên trên nền đất cũ, xe hơi được sắm mới tinh. Thằng bé học xong và mở được công ty. Ngôi miếu Chúa Bà được trùng tu đẹp đẽ. Mọi người ngơ ngác thấy mẹ con người đàn bà miền Trung đã thay đổi số phận. Thằng bé về làng trên ô tô đẹp, nó đem tiền giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi. Nó rót tiền về trùng tu nhà thờ dòng họ và giúp đỡ anh em.

Chiều nay, hoa đào chúm chím trong vườn đông. Khói ấm loang ngõ nhỏ. Người ta gói bánh chưng đón Tết, tiếng lợn kêu eng éc trong mỗi sân nhà. Hương bài thơm ngan ngát, cây nêu ngày Tết phần phật cờ ngũ sắc bay trong gió bấc. Thắp một nén nhang lên bàn thờ cha mình, thằng bé ngùi ngùi. Nó chợt nhớ tới người đàn ông đánh cá cùng nó bởi lâu rồi  bận bịu cũng không có dịp gặp ông.

Ngõ nhỏ. Ngôi nhà bạc phếch gió bấc. Tất cả vắng lặng buồn buồn. Nhà xưa không có gì thay đổi, vẫn bộ bàn ghế cũ kĩ. Chiếc võng dù mắc bên trái thềm. Chả có chút Tết nào trong căn nhà đó cả. Nó chạy ra vườn thấy ông trong chiếc áo bông ho lụ sụ. Ông đang hái quả bưởi trong vườn nhà đặt lên bàn thờ. Ông nở nụ cười mừng rỡ khi nhìn thấy thằng bé.

- Cháu về ăn Tết với mẹ à? Ui cháu bác ra dáng ông chủ lắm rồi.

Thằng bé ái ngại rồi không kiềm được nó buột miệng:

- Sao bác lại để nhà cửa thế này? Số vàng bác để đâu mà không hưởng thụ.

Ông mỉm cười nhìn thằng bé rồi nói khẽ:

- Bác ăn gì nhiều đâu. Bác đã gửi hết vào quỹ ủng hộ trẻ mồ côi bị chất độc màu da cam rồi. Tiền bạc nhiều bác để làm gì ...

Thằng bé đờ người, ứa nước mắt. Cái đầu nó gật gật thương cảm. Nó vào nhà vơ mấy bộ quần áo của ông xếp vào chiếc ba lô và tự tay khóa cửa trong ánh nhìn ngơ ngác của ông.

- Tết này bác phải sang ăn Tết với cháu cho ấm áp. Chả mấy khi cháu  được về nhà lâu thế này.

Rồi không để cho ông lắc đầu từ chối. Nó liền kéo ông đi về phía ngôi biệt thự sang trọng giữa làng.

Ngõ vào biệt thự ngan ngát hương thơm. Người đàn bà đằm thắm nở nụ cười ấm áp khi thấy ông:

- Mau vào ăn cơm thôi. Em chờ hai bác cháu lâu lắm rồi...

Người đàn ông ngỡ ngàng thấy tim mình ấm lại. Mùa xuân đang mỉm cười ngoài kia. Vườn đông khoe sắc thắm. Én ơi hãy về đi sau những ngày giá buốt.

Truyện ngắn của Lê Hà Ngân
.
.