Xóm Liễu

Thứ Năm, 17/02/2022, 09:55

Chúng tôi vội vã “hành quân thần tốc”. Khi tới chòm cây liễu thì dừng lại. Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm bởi bức tranh thanh bình trước mặt. Không phải chỉ có mấy lều mà có hàng chục chiếc lán nhỏ nằm ẩn khuất theo ven rừng chồi cặp theo bàu nước. Vượt qua khu đất trồng đồ hàng bông, chúng tôi vững tâm tiến vào. Tới lán đầu “xóm”, tiếp xúc người đầu tiên, đó là một ông già quắc thước, tuổi chừng hơn bảy chục với mái tóc bạc phơ. Ông già nhíu đôi lông mày lưỡi mác lướt qua từng người chúng tôi với gương mặt cảnh giác.

Xóm có tên đầy đủ là xóm bàu cây liễu. Ở xứ này, người ta đặt tên cho xóm, ấp thường dựa vào đặc trưng nơi đó. Tỷ như vùng Long Nguyên có 3 bàu nước. Mùa khô, nước cạn kiệt, bỏ lại giữa bàu một vùng bùn non rộng vài ba công đất. Dân trong vùng rủ nhau ra bắt cá. Cái bàu lớn phía xa rất nhiều cá, mà chủ yếu là cá lóc, nên người ta đặt tên cho nó là “bàu cá lóc”. Cái bàu thứ hai, phía bên phải, cá rô nhiều vô kể nên nó được mang tên “bàu cá rô”. Còn cái bàu nhỏ phía bên trái, rộng chừng một mẫu tây, có chòm cây liễu, nên nó được mang tên “bàu cây liễu” là vậy.

Trong 3 cái bàu ấy, chỉ duy nhất bàu cây liễu được gắn thêm cái mác “xóm” – “xóm bàu cây liễu” – bởi ở đó có sự sống của con người. Đó là một số gia đình không chịu cảnh "cá chậu chim lồng" đã trốn khỏi "ấp chiến lược" về đây khai hoang trồng tỉa sống đắp đổi qua ngày.

*

Đơn vị chúng tôi xây dựng căn cứ bám trụ tại rừng Vĩnh Lợi được 3 năm. Chuẩn bị đón Tết Bính Ngọ, thì trưa ngày 28 Tết, căn cứ bị bom dịch tàn phá. Lãnh đạo đơn vị và cấp ủy họp, quyết định sẽ di chuyển ngay trong đêm hôm đó, hướng về vùng Long Nguyên. Theo bản đồ khu vực thì đó là cánh rừng phía bên trong 3 bàu cỏ chừng 2 cây số.

Cuộc hành quân chuyển cứ hoàn tất vào 6 giờ sáng ngày 29 Tết, cả đơn vị tập trung xây dựng căn cứ. Tổ trưởng trinh sát Tư Thành cử thêm 3 trinh sát địa bàn, trong đó có tôi, tháp tùng cùng anh đi khảo sát địa hình khu vực quốc lộ, kiêm thêm nhiệm vụ mua lương thực, thực phẩm phục vụ mấy ngày tết. Tư Thành trầm tính, ít nói, thường dùng ánh mắt thay lời. Dân miền Tây xịn. To cao lực lưỡng, da bánh ích, mái tóc xanh dày với lượn sóng tự nhiên, mang bóng dáng một tài tử ci-nê. Tuổi ngoài “băm”, hơn tôi và cánh trinh sát tới nửa con giáp. Tổ trưởng là dân võ nghệ, cánh trinh sát nể phục, thường kêu anh là “huynh” hoặc “sư phụ” và xưng là “đệ”. Lúc vui đùa, cao hứng, anh em lại kêu là “Tư cô đơn” vì kẻng trai vậy, tuổi “băm” rồi mà chưa có một “mảnh tình vắt vai”.

Tư Thành là con thứ ba trong gia đình. Hai chị gái đã lấy chồng. Sau Thành còn một em gái. Trước khi theo cậu ruột vào chiến khu tham gia Cách mạng, Thành đã ấp ủ một mối tình với cô nữ sinh trường Bồ Đề học sau Thành 2 lớp. Mối tình nảy nở từ sự giao kết giữa hai gia đình khi hai nhà gắn bó với nhau nơi phố huyện. Dường như có sự sắp xếp của số phận – ước nguyện của đấng sinh thành lại phù hợp với tình yêu đôi lứa. Cô gái tên là Tuyết với vẻ đẹp nền nã của một cô gái miệt vườn, giản dị bởi độc mốt áo bà ba càng tôn thêm nước da trắng hồng, đôi mắt bồ câu đen tròn cùng nét cười thật duyên thay cho lời chào mỗi lần gặp Thành.

Mối tình thầm kín nơi phố huyện đẹp như trong mơ thì sự cố xảy ra đối với gia đình Thành khi anh đang học dở tú tài. Cha anh bị chính quyền Ngô Đình Diệm xử lý trong chiến dịch diệt cộng đợt 2 ở địa phương. Mẹ con Thành phải rời phố huyện trở về ấp cũ sinh sống nhờ mấy công vườn của ông bà để lại, đồng thời Thành phải xếp bút nghiên từ đó để lao động kiếm tiền phụ với mẹ nuôi em ăn học. Một buổi chiều đi làm về, thấy Năm Thanh ngồi buồn so trên cái vạt tre ở góc hè, Thành hỏi nguyên nhân, em gái nghẹn ngào, nức nở:

- Ba chị Bảy bắt chỉ thôi học để đi lấy chồng…

Tư Thành lặng đi trước sự việc không ngờ ấy. Gió vườn dừa xào xạc đưa anh trở về với kỷ niệm vừa diễn ra vài tuần trước đó. Chiều chủ nhật, Tuyết đạp xe về ấp thăm gia đình Thành. Hôm ấy, Tư Thành rủ em gái và Tuyết ra vườn hái dâu, gọi là có chút quà quê nhờ Tuyết đem về gia đình và cũng là để thông báo riêng với Tuyết về việc anh sẽ theo cậu vào cứ tham gia Cách mạng. Hẳn Tuyết sẽ buồn. Sẽ lựa lời động viên cô ấy.

Xóm Liễu -0
Minh họa: Lê Hùng

Năm ngày sau, có người ở cứ về đón Thành đi. Đó là ngày chính thức anh lên đường tòng quân. Ở tỉnh đội được 3 tháng thì anh được cấp trên đưa vào danh sách tăng cường cho bộ đội chủ lực miền. Trước lúc đi xa, anh được cấp trên cho về thăm nhà mấy tiếng đồng hồ. Đó là một buổi tối sau tết nguyên đán. Mẹ và em gái mừng rơi nước mắt bởi thấy anh khỏe mạnh, chững chạc trong bộ đồ quân Giải phóng.

Năm Thanh tiễn anh ra tới ngõ mới dám mở lời:

- Anh Tư! Có chuyện buồn ngoài nhà chị Bảy, em báo để anh hay. Trước tết hai nhà đã mần đám cưới. Nhưng kỳ lạ thay, ngày hôm sau nhà trai sẽ rước dâu, thì chiều hôm trước cô dâu đã trốn khỏi nhà. Em nghe một chị bạn thân của Bảy nói chỉ trốn ra một gia đình bà con bên ngoại mãi ngoài Vũng Tàu lận.

Về “R”, Tư Thành được biên chế về đơn vị quân báo B2, sau 6 tháng huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành, anh được điều về đơn vị chúng tôi, hoạt động tại chiến trường Đông Bắc Sài Gòn.

*

Tổ khảo sát địa bàn cửa ngõ chúng tôi từ căn cứ theo đường mòn ra tới khu rừng chồi vào lúc hơn 3 giờ chiều thì được một ông già làm rẫy cho biết: “Bữa nay tụi lính rằn ri về đông nghẹt, nằm vạ hai bên lộ. Sau Tết mới rút quân”.

- Chừ tôi tính vầy. Vừa rồi quan sát phía bàu nước, tôi phát hiện có mấy lều, dạng lều chăn vịt. Chắc chắn sẽ có dân ở đó -Tư Thành  trấn tĩnh

Chúng tôi vội vã “hành quân thần tốc”. Khi tới chòm cây liễu thì dừng lại. Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm bởi bức tranh thanh bình trước mặt. Không phải chỉ có mấy lều mà có hàng chục chiếc lán nhỏ nằm ẩn khuất theo ven rừng chồi cặp theo bàu nước. Vượt qua khu đất trồng đồ hàng bông, chúng tôi vững tâm tiến vào. Tới lán đầu “xóm”, tiếp xúc người đầu tiên, đó là một ông già quắc thước, tuổi chừng hơn bảy chục với mái tóc bạc phơ. Ông già nhíu đôi lông mày lưỡi mác lướt qua từng người chúng tôi với gương mặt cảnh giác. Tư Thành mở lời:

- Xin chào bác Hai! Chúng con ở một đơn vị quân Giải phóng. Đóng quân dưới Vĩnh Lợi. Trưa qua, bom Mỹ oanh tạc trúng căn cứ. Cả đơn vị phải hành quân sáng đêm về tạm lánh trên này. Chiều nay con đưa mấy chú em ra lộ mua lương thực, thực phẩm về cứu đói đơn vị. Ngặt nỗi, bà con ngoải cho hay lính về ém quân đông nghẹt. Nghe như sau tết mới rút. May mắn gặp được Hai, cậy bác chỉ giùm, còn nơi nào con có thể tới mua đồ được.

- Cha! Kẹt quá ta! Tội nghiệp hôn! Hèn chi, trưa qua tui thấy bom nổ ỳ đùng dưới đó, khói đen từng đụn bốc lên – ông già trầm ngâm giây lát, vỗ vỗ nhẹ bàn tay lên trán, và tiếp lời – Rồi, để tui tính coi… Chừ mấy chú theo tui vô quán con Tám Liễu xem sao. Nè, tui kêu là quán nhưng hổng phải quán đâu nghen. Nó là anh em bà con bên bà xã tui. Cũng không chịu cảnh cá chậu chim lồng mà nằng nặc đòi theo bà con bỏ ấp chiến lược dạt zề đây.

Chúng tôi theo ông già lướt qua “phố lán”, gần tới lán trong cùng, ông gọi vô:

- Tám ơi! Tám à…

Có tiếng con nít vọng ra:

- Má ơi… má! Ông ngoại kêu má đó.

- Dạ, con đây! Có chi vậy cậu Hai?

Một phụ nữ chừng gần ba chục tuổi, áo bà ba đen, mái tóc đen búi tròn sau gáy, xuất hiện trước khuôn cửa có mái lán thấp tè, với gương mặt ngỡ ngàng.

Ông già trấn an cô chủ lán về lý do chúng tôi có mặt ở “xóm” vào một ngày cận tết. Trong khi Tư Thành đứng như trời trồng ngoài cùng, đôi mắt như thôi miên cô chủ lán. Mãi tới khi tôi cất tiếng gọi: “Anh Tư vô trong này đi chớ. Bác Hai kêu anh vô đó” Tư Thành mới vội đi vô. Ông già chỉ anh và day sang cô gái:

- Đây là chú chỉ huy. Bay xem lương thực, thực phẩm trong nhà còn bao nhiêu thì nhín bớt cho anh em. Cứ giao cho chú này nghen. Chừ… qua phải tới các nhà vận động bà con, chút xíu qua sẽ trở lại.

Ông già đi rồi, cô gái trở nên bối rối. Cô nhìn Tư Thành, ngập ngừng:

- Xin… xin mời anh Tư và mấy cậu vô nhà uống nước. Đứng… đứng hoài mỏi chưn.

Tới lúc này Tư Thành mới mở lời:

- Rất cám ơn cô Tám! Bộ đội tụi tôi có đôi chân vạn dặm, không sợ mỏi đâu.

Tiếng cười rộ lên làm cô chủ nhà mắc cỡ, hai má ửng hồng như thoa phấn. Tất cả chúng tôi theo cô gái vào lán. Chủ nhà vừa rót nước vào mấy chiếc ca nhựa mời khách, vừa kể về hành trình những ngày cuối năm.

- Nói cả nhà hay, anh Tư thiệt hên đó, hôm qua từ lộ về, nhẹ tênh. Các gia đình đã giao cho mua từ mấy ngày trước rồi. Không cho đôi vai nhàn rỗi, tui mua một số đồ phòng hờ trong mấy ngày tết ai thiếu thì có ngay.

Chủ nhà vội đứng dậy, quay vào vách phía sau xách ra 2 bịch nặng trịch: “Bịch này là hai chục ký gạo. Bịch này là đồ hộp, thịt kho tàu và cá mòi, mỗi thứ 10 hộp, ba ký khô cá muồng và hai ký tép khô. Còn bịch trong vách kia là thập cẩm ngũ vị, đường và muối mỗi thứ hai ký, ba chai nước mắm, ba chai nước tương, ba chai dầu ăn, năm hũ chao, một hũ mắm tép.

Có tiếng người lao xao ngoài sân cùng tiếng vịt kêu quạc quạc. Tất cả chạy vội ra. Bốn anh em chúng tôi đứng lặng người trước cảnh gần chục bà con tay xách tay mang đứng trước sân nhà Tám Liễu. Riêng ông già Hai, ngoài bịch gạo chừng năm ký, còn kèm theo cái lồng nhốt hai con vịt xiêm (ngan). Ông thay mặt bà con nói:

- Bà con lối xóm hay tin mấy chú Giải phóng zìa, ai cũng mừng zui. Biết anh em đang gặp khó khăn nên bà con tới tặng anh em mấy thứ “cây nhà lá vườn”. Mong mấy chú nhận cho.

Tư Thành bước lên phía trước, hai mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào:

- Kính thưa bác Hai và bà con cô bác! Thay mặt Cách mạng và anh em đơn vị, con xin chân thành cám ơn lòng tốt của bà con. Cách mạng còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đủ sức nuôi quân. Hàng tháng chúng con vẫn được cấp tiền để mua lương thực, thực phẩm. Vì vậy, chúng con xin nhận số đồ hàng bông, còn gạo và thực phẩm, cho chúng con được gởi tiền lại để sau tết bà con cô bác mua bổ sung giùm. Nếu không, anh em đem đồ về mà tiền vẫn còn nguyên giao cho quản lý thì sẽ bị thủ trưởng đơn vị phê bình. Kính mong bà con thông cảm cho.

Ông già Hai đáp lời:

- E hèm… Chừ tui tính vầy, con Tám đâu, bay gom gạo của bà con lại rồi tính tiền với anh em. Còn mấy con zịt, đích thị là của nhà mần ra, không được tính tiền nghen.

Pháo tay nổi lên cùng tiếng reo hò tán thưởng.

Chúng tôi tạm biệt bà con xóm bàu cây liễu trong niềm vui ngập tràn tình nghĩa quân dân. Tiếp tục “hành quân thần tốc”. 8 giờ tối đã có mặt tại căn cứ. Cả đơn vị tập trung tại lán “hội trường” chào đón chúng tôi như đoàn quân chiến thắng trở về. Sau khi nghe Tư Thành báo cáo tóm tắt tình tiết sự việc, cụm trưởng cười lớn:

- Giỏi, thiệt không ngờ! Thay mặt lãnh đạo, tôi biểu dương nhóm "tứ mã". Các cậu đã làm nên cái tết cho anh em đó.

Những ngày nghỉ tết, cả đơn vị vẫn tưng bừng dồn sức xây dựng căn cứ. Riêng bộ phận điện đài không khí trầm buồn. Tôi được Đài trưởng Tư Huỳnh cho biết:

- Máy quay điện hỏng nặng do bị chấn động bom. Phập phù lúc được lúc không. Lãnh đạo đồng ý cho mua pin thay thế. Nhưng thời buổi này đào đâu ra.

- Phải bao nhiêu pin mới đủ công suất?

- Một trăm cục pin đại, đấu nối tiếp mới được.

- Kẹt nhỉ! Để em bàn với anh Tư Thành xem sao.

*

Theo kế hoạch, chiều mùng 3 Tết, nhóm “tứ mã” chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ khảo sát địa bàn. Xuất quân sớm hơn hôm trước một giờ. Tạt vào xóm chúc tết, cảm ơn bà con và nắm tình hình rồi mới ra lộ. Tới nhà Tám Liễu, sau lời cảm ơn, chúc tết, Tư Thành vô luôn chuyện mua pin đèn, "đơn vị ở rừng, dùng đèn pin nhiều nên em mua giùm mấy chục cục pin đại. Cái này hơi khó đó. Nghe như quốc gia quản lý thuốc tây và cả pin đèn, đề phòng cung cấp cho “Việt Cộng”.

- Anh Tư khỏi lo đi. Ziệc này Tám mần được mừa. Tám có chiếc đèn pin đem theo, bỏ pin vô đèn, mua thêm mấy cặp là xong. Tới tiệm nào cũng mần zậy, ai nghi kỵ gì mà lo.

- Hay! Hay thiệt! Chị Tám tui thông minh như Gia Cát Lượng – “Hài lém” Kha đỡ lời, tiếng cười rộ lên khiến gương mặt chủ nhà thêm bừng đỏ.

Ra tới gần lộ đá, Tư Thành giao cho Kha tờ giấy của quản lý ghi số lượng lương thực, thực phẩm cần mua và phân công nhiệm vụ:

- Công việc trước tiên của ba đồng chí là mua pin đèn. Việc tiếp theo là mua hàng. Mình tôi sẽ đi khảo sát địa bàn. Nếu quá giờ hẹn mà tôi chưa tới, hãy ráng chờ.

Nói vậy nhưng anh còn có mặt trước giờ hẹn. Nhìn gương mặt tươi tỉnh của anh, tôi thầm nghĩ chắc là công việc suôn sẻ. Đêm đó, Thành đem võng nằm kế tôi. Giọng xởi lởi, anh nghiêng về phía tôi: “Ba Thái à! Chuyến xuất hành đầu năm của anh em mình hôm nay thiệt tuyệt vời. Hy zọng là ta có thể bám trụ lâu dài ở đây”. Cũng day sang phía Tư Thành, tôi hỏi vui: “Nè, anh Tư! Sao hai lần vô “xóm liễu” anh cứ như người mất hồn vậy? Vướng sợi tơ tình rồi phải không?”. “Nè, đừng có nghĩ tầm bậy”, rồi anh hạ thấp giọng: “Lạ lắm chú em ạ. Sao lại có cảnh người giống nhau đến vậy. Từ gương mặt, giọng nói y trang cô Tuyết. Có khác chăng là cổ không có núm đồng tiền trên má. Như chiều nay, cổ vận bộ đồ màu boóc-đô, cũng đúng là màu Bảy Tuyết hay dùng. Chú em có thấy kỳ lạ không?”.

Một buổi tối vào mùa mưa năm sau, Bí thư Chi bộ mời tôi sang lán ông trao đổi công việc. Sau một tuần nước trà pha vào chiếc cốc inox, ông nhìn tôi, hỏi:

- Ba Thái có biết xóm bàu cây liễu không nhỉ?

- Dạ, biết quá đi chứ. Ra tới hai lần. Lần đầu, ngay từ ngày mình chuyển cứ về đây. Bây giờ anh em trinh sát vẫn gọi tắt là xóm Liễu.

- Ừa, thế thì tốt rồi. Có một việc cần xác minh. Để đảm bảo tính khách quan nên tôi cử đồng chí là đảng viên, đi xác minh về lai lịch cô Liễu ở xóm này. Trọng tâm là chuyện chồng con và về lý do cổ về xóm Liễu.

- Chuyện dễ ẹc. Khi nào thì tôi đi?

- Ngay ngày mai. Lưu ý, chuyện này không được cho ai biết.

*

Tôi quyết định đi bàu liễu vào buổi chiều cho an toàn.

Khoảng hơn 3 giờ chiều tôi đã tới xóm, giữa lúc ông già Hai đang chăm sóc vườn rau. Một thoáng ngỡ ngàng rồi ông già khẽ reo lên:

- Chu cha… Chú Giải phóng! Sao lâu rồi không thấy ghé? Chỉ có Ba Bớt tuần nào cũng tới chỗ con Tám nhận hàng.

- Con mắc công chuyện nên bữa nay mới ra thăm bác được. Hai bác vẫn khỏe chứ ạ! Giờ con vô thăm chị Tám. Chút xíu ra hầu chuyện bác.

Gặp tôi, chị Tám Liễu mừng vui như gặp được người thân đi xa trở về:

- Trời đất! Cậu Ba đi đâu mà biệt tăm zậy? Cả anh Tư và cậu gì zui tính đó? Mấy tháng rày hổng ló dạng. Em ghé cậu Hai chưa?

- Dạ rồi! Mới chào hỏi mấy câu, rồi em vô đây liền.

Tôi trở về nhà ông Hai Hoàng, đã thấy ông ngồi bên bàn trà, vẻ mong chờ. Tôi mở đầu câu chuyện về việc vô thăm nhà chị Tám Liễu: “Con vô trỏng mới hay chị Tám vừa ngoài lộ về, đang chăm sóc vườn rau. Mà bác ơi, mấy lần con tới đều không thấy chồng chị Tám. Công việc mình chỉ lo, vất vả quá”. “Chú nói chồng con Liễu hả?”, trầm ngâm giây lát, ông hạ thấp giọng: “Nó là lính Cộng hòa, chết trận từ khi con bé Hoa chưa ra đời. Tội nghiệp lắm! Hồi còn ở zườn cũ, nhà gần bốt bảo an, tối ngày tụi nó vô ve vãn, tán tỉnh. Má nó thấy zậy, thương con, bắt nó lấy chồng, gả cho thằng nhỏ chạy xe lam. Sáng, chở bà con lên chợ huyện, chiều lại chở về. Chưa hết tuần trăng mật, bị bắt vô lính, mới hơn một tháng, tụi nó đẩy ra trận rồi chết ở mạn Tây Ninh. Chị em tới gần chục đứa. Mấy đứa chết từ nhỏ. Mấy đứa chết do bom đạn và ca-nông Mỹ. Còn lại ba chị em. Con Hai lấy chồng dưới Mỹ Tho. Con Tư lấy chồng ngoài Long Hải. Bà già ở với nó. Ngày mới bị ép vô ấp chiến lược, chị Hai nó về rước bả về dưới đó. Chờ êm êm rồi sẽ rước mẹ con nó. Đúng dịp bọn tui bỏ ấp ra đi, nó bế con sang năn nỉ bà xã tui, khóc sướt mướt, xin được đi theo. Thiệt không ngờ, những ngày mới zìa đây cực lắm, khó khăn zất zả lắm mà nó chịu được, rồi trở thành chỗ dựa của bà con”.

Tôi vội chia tay gia đình để về đơn vị. Cỡ 7 giờ tối đã có mặt tại căn cứ, liền tới thẳng lán của Bí thư. Ông ngỡ ngàng nhìn tôi: “Ủa, xong việc chưa mà về sớm vậy?”. “Dạ, xong rồi”.

Tôi báo cáo với ông toàn bộ sự việc. Ông lấy sổ tay tỉ mỉ ghi chép, mái tóc hớt cua thi thoảng lại gật gật tỏ vẻ ưng ý. Trước lúc tôi trở về lán của mình, ông ngước nhìn tôi: “Đồng chí hoàn thành nhiệm vụ rất tốt. Ngày mai họp chi bộ định kỳ tháng. Nhớ 2 giờ chiều có mặt tại lán hội trường”.

Chi bộ có 8 đảng viên, chiếm một phần ba quân số đơn vị. Đúng giờ họp, mọi người có mặt đông đủ. Sau khi thông qua bản báo cáo kết quả công tác tháng và chương trình công tác tháng sau, Bí thư đề nghị tham gia ý kiến. Pháo tay nổi lên, biểu thị sự tán đồng. Bí thư khẽ e hèm, ông đứng lên với nét mặt nghiêm nghị: “Thưa các đồng chí! Nội dung chính đã xong. Còn một việc, phụ thôi, nhưng rất nghiêm trọng, cần thông báo các đồng chí về quan hệ nam nữ của đồng chí Tư Thành. Theo thông tin chúng tôi được biết, ngay từ ngày mới về đây, đồng chí Tư Thành đã có quan hệ với một phụ nữ ở xóm Liễu. Hình như đó là xóm bàu cây liễu. Vậy mà không hề có báo cáo đơn vị. Việc này, đồng chí Tư Thành phải….

Hai tai tôi nóng bừng, vội đứng dậy, giơ tay xin phát biểu, ngắt lời Bí thư: Thưa các đồng chí! Quả là chuyện bất ngờ. Việc này chắc có ai trong nội bộ ta báo cáo không chính xác với Bí thư. Việc quan hệ với bà con xóm Liễu không phải chỉ có đồng chí Thành mà là cả 4 người trong tổ khảo sát địa bàn chúng tôi. Các đồng chí nhớ không, cái tết mà mình chạy bom lên đây, “gia tài” khánh kiệt. Ngoài lộ, địch ém quân không vô được. Tư Thành leo cây quan sát mới phát hiện ở xóm bàu cây liễu có một số lán ở. Vô đó mới biết đó là một xóm dân bỏ ấp chiến lược về đây. Nhờ ông già Hai và chị Tám Liễu vận động bà con nhượng bớt lương thực, thực phẩm, cho một ít đồ hàng bông để chúng ta đắp đổi qua mấy ngày tết. Việc kiếm tìm mua pin đèn phục vụ cho tổ điện đài lúc đó và cho tới nay chủ yếu do chị Tám Liễu tìm mua giúp. Thiết nghĩ, đó là quan hệ quân dân bình thường. Có gì đâu!”.

Bí thư đứng dậy, nhịp nhịp tay, nghiêm giọng: “Đề nghị đồng chí Ba Thái ngồi xuống. Tôi đã nói hết đâu. Thật là hữu khuynh, mất quan điểm lập trường, mất cảnh giác cách mạng. Đồng chí có biết cái cô Tám đó là người thế nào không? Vợ một tên lính chết trận. Thế mà quan hệ bình thường sao?”.

Tôi đứng phắt dậy. Mũi cay cay, hai tai nóng ran: “Đề nghị đồng chí không chụp mũ như vậy. Ba Thái này không hữu khuynh, không mất quan điểm lập trường, không mất cảnh giác. Lính Sài Gòn cũng năm bảy đường lính. Kẻ hăng hái vào lính với mục đích chống Cộng, đương nhiên là phản động; người miễn cưỡng vào lính bởi sợ cầm tù; rồi người bị cưỡng bức vào lính thì khác chớ. Như anh lính chồng chị Tám, vừa cưới vợ xong thì bị bắt đi lính rồi chúng đẩy ra trận, tử vong khi chưa được hai tháng tuổi quân. Rồi nữa, đối với dân sống trong vùng địch tạm thời kiểm soát, vì miếng cơm manh áo mà phải làm việc cho chính quyền. Nếu chúng ta đều xa lánh họ, thử hỏi, ta sắm ra công tác binh địch vận, công tác dân vận làm gì. Xét ngay trong mạng lưới cơ sở bí mật của đơn vị ta, có không ít người là sĩ quan cao cấp của quân đội Sài Gòn, là công chức tầm cỡ trong bộ máy hành chính của Nguyễn Văn Thiệu đó thì sao. Rõ ràng họ sống trong sào huyệt địch mà lòng hướng về cách mạng, đâu phải ngẫu nhiên mà có. Xin lỗi Bí thư, xin lỗi chi bộ, tôi có đôi lời như vậy, nếu có gì không phải xin các đồng chí thứ lỗi cho”.

Nhiều người nhìn tôi vẻ tán đồng, nhưng cũng có người không giấu nổi sự ái ngại. Đó đây rì rầm bàn tán khiến Bí thư phải vỗ tay dẹp trật tự: “Đề nghị đồng chí Ba Thái bình tĩnh. Việc này tôi chỉ nêu vấn đề vậy thôi chớ đã kết luận gì đâu. Giờ, đề nghị đồng chí Tư Thành có ý kiến”.

Tư Thành đứng dậy, lâu lắm mới cất thành lời: “Việc này… thiệt tình tôi không ngờ tới. Tình tiết như đồng chí Ba Thái đã phát biểu. Tôi ra bàu liễu chỉ 3 lần từ ngày mới về đây. Đi cùng tổ khảo sát. Sau này, tôi giao cho quần chúng Ba Bớt đặc trách, mỗi tuần ra một lần, chủ yếu là nhận pin đèn và lương thực vì tôi nhờ cô Tám Liễu thường xuyên mua giúp. Ngoài ra, không có chuyện chi hết. Tôi xin hết ý kiến”.

Cuộc họp bế mạc trong không khí tẻ nhạt. Đêm đó tôi trằn trọc mãi không ngủ được bởi day dứt cõi lòng trước nhân tình thế thái. “Thủ phạm” vụ này trăm phần trăm là thằng Ba Bớt. Nguyên nhân nảy sinh là từ vụ bình bầu thi đua năm trước. Tổ trinh sát suy tôn Ba Bớt là chiến sĩ thi đua cơ sở trong khi Tư Thành phủ quyết với lý do: “Đồng chí Ba Bớt thiếu tinh thần trách nhiệm, đã bỏ lỡ chuyến đón giao thông viên từ thành về. Bữa đó làm gì có lĩnh ém quân ngoài lộ. Chỉ có 3 chiếc cam nhông chở lính chạy qua thôi. Làm gì có chuyện ém quân”. Vì vậy mà hắn thù Tư Thành. Chính hắn là người khơi mào: “Dấn tới đi anh Tư. “Mỏng mày hay hạt”. Tậu trâu lại được cả nghé. Còn chần chừ chi nữa”. Vậy mà…

Chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn ngày càng căng thẳng. Hai tháng sau, tôi nhận được quyết định của cấp trên tới nhận nhiệm vụ tại Cụm H, căn cứ bám trụ tại “chảo lửa” mật khu Bời Lời. Ngày chia tay, hai khóe mắt Tư Thành đỏ hoe. Anh khoác vào cổ tôi tấm vải dù ngụy trang rồi ôm chầm lấy tôi: “Ra đi mạnh giỏi, an lành”. Tôi nghẹn ngào nói trong hơi thở: “Cho em gửi lời thăm già Hai, chị Tám và bà con cô bác xóm Liễu”.

Tôi bước đi theo tổ giao liên trong ráng chiều nhuộm tím rừng Long Nguyên.

Hà Nội, tiết Xuân 2022

Truyện ngắn của Khổng Minh Dụ
.
.