Dấu chân thầm lặng

Thứ Năm, 30/03/2023, 18:00

Thêm mùa sen nữa trôi qua. Bà Tịnh nhấp chén trà thoảng hương mơ hồ. Nhớ bố mẹ. Thấy mình trở về cô bé sáu, bảy tuổi, thỏa thuê lăn tròn trên thảm cánh sen mướt mềm, dịu êm mẹ vừa bứt ra để lấy gạo ướp trà. Khoảnh khắc hiếm hoi bố không bận rộn, cười ấm áp ngắm con gái áp má, vùi mặt, rúc đầu vào thảm hoa. Ngắm hai mẹ con thong dong ngồi lấy gạo sen, ngắm những búp chè Hà Giang cong cong móc câu ôm lấy gạo sen, ngấm sâu, ắp đầy, quyến luyến… tâm trí bố vẫn phảng phất bao ngẫm ngợi.

Bố thường căn dặn, làm bất cứ việc gì, ngoài sự hiểu biết còn là cả một nghệ thuật. Khi châm điếu thuốc cho người khác, phải khum tay bật lửa từ phía xa, thấy ngọn lửa chuyển màu xanh, không còn khói, ưng ý rồi mới đưa sát vào. Bố luôn đặt công việc của người lính Cảnh vệ ở vị trí kính cẩn và quan trọng nhất.

"Mẹ sao thế mẹ?", tiếng nàng dâu cả khiến bà choàng khỏi cơn mộng mị. "Mẹ đừng đổi ý nhé, đi nghỉ cũng là giúp chúng con trông nom bọn trẻ, không có mẹ, con biết trông cậy vào đâu?", giọng nói dịu dàng, cũng đầy sốt sắng. Vợ chồng cậu cả muốn bà cùng đi nghỉ mát chuyến này, theo lời mời của đối tác. Việc đã được bàn bạc vào bữa cơm cuối tuần.

"Mẹ dạo này hay đau ốm, vào đấy gió biển lồng lộng…", ông Nam từ tốn phân tích. "Bố cứ lo xa, thay đổi không khí, mẹ khỏe hơn, hay bố đi cùng, có ông có bà, phấn khởi!", cậu cả nói xong, cậu út tiếp lời: "Bố đau khớp, đi lại bất tiện, thôi mẹ cố gắng. Anh chị phải lo công việc, giao đãi, thời gian đâu trông nom trẻ con". "Bà đi chơi với cháu đi bà,…", cu Bi níu tay bà nội nũng nịu, em Bo hùa theo: "Đi bà, đi mà...", bà Tịnh chỉ còn biết cười trừ mà trong lòng trăm mối băn khoăn.

*

"Chắc lần này tôi phải đi cùng đám trẻ thật ông ạ! Nhà cửa có gì ông bà qua lại trông nom giúp", bà Tịnh mở lời với người đồng đội, vẫn không giấu nổi vẻ nể nang, ngần ngại. "Bà cứ cả nghĩ, có gì mà lo, bọn tôi ở nhà cơ mà", ông Biền khích lệ. "Mà kể cũng lạ, xưa xông xáo bạo gan nhất đám, giờ đụng gì cũng ngại. Vui lên cho con cháu được nhờ. Đấy, cười thế chẳng phải tốt hơn sao…". ông Biền sang sảng, không quên nhắc bà dành phần cho mình mấy gói trà sen tự ướp.

Cuối những năm tám mươi, vợ Biền đang làm trong một xí nghiệp giao thông phải "về một cục", cơm áo gạo tiền càng nặng gánh, quẩn quanh. Vợ chồng Tịnh Nam công tác trong ngành còn đỡ, chứ nhà Biền, đêm đến, trằn trọc mãi trong căn phòng chưa quá mười mét vuông, vợ chồng mỗi người xoay một hướng, cố nén tiếng thở dài.

Tịnh, Nam thân thiết với Biền từ lúc anh chưa vợ. Ngày Biền cưới, Tịnh tự tay nấu cỗ, vun vén cho tổ ấm của đồng đội. Thành hai gia đình, càng thêm gắn bó. Những ngày sau đó, hết ca trực là Tịnh xăm xắn đến nhà, rủ rỉ động viên, bàn bạc rồi đèo vợ Biền trên xe đạp, lên chợ Bưởi sắm đôi thúng, vỉ buồm, vải bao bột mì, rẽ sang mấy con phố khác mua nguyên liệu… chuẩn bị cho những ngày sau đó, vợ Biền sẽ ngồi vỉa hè bán xôi, bán chè.

Cô từ tốn hướng dẫn vợ Biền từ cách cho vải vào nước sôi luộc khử trùng đến trao truyền bí quyết đồ xôi ngon, các bước làm xôi vò, nấu chè. Xôi ngô thì bung từ hạt ngô nếp khô lúc nào cũng sẵn, xôi gấc lại phải chờ đúng mùa. Mùa đông, bán chè nhớ nấu thêm cả xôi vò nữa vì khách rất chuộng cốc chè nóng hổi cho thêm muôi nhỏ xôi vò, thức quà xa xỉ ấy sẽ xoa cái dạ dày đang cồn cào quãng xế chiều. "Cậu gắng lên, có tớ rồi, biết đâu sau này cậu thành bà chủ lớn ấy chứ", Tịnh nắm bàn tay gầy mòn xanh xao của vợ bạn động viên.

83979f2e49769528cc67.jpg -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

*

Đối tác bố trí cho gia đình con trai bà Tịnh căn biệt thự sang trọng. Người phục vụ tận tụy chuyển va-li khỏi xe, cúi đầu chào lịch thiệp. Bỗng đâu, một con chó béc-giê dữ tợn từ bên trong xồ ra khiến con dâu và hai đứa cháu bà rúm ró, thét lên kinh hãi. Nhanh như cắt, bà đứng trước che chắn, đối diện với nó bằng ánh mắt thân thiện nhưng kiên quyết. Tay bà vẫn nắm chặt tay cháu nhỏ như trấn an trong khi đôi chân đã mạnh mẽ dấn lên. Lạ thay, bà bước một bước, con chó hung dữ lại lùi một bước rồi cúp đuôi, chui tọt trong chiếc chuồng kiên cố.

Bối cảnh hiện tại khiến bà nhớ ngày còn công tác ở Phòng Kỹ thuật bảo vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Có lần, kiểm tra phòng hội đàm lần cuối, trước giờ diễn ra một hội nghị quốc tế, tình hình ổn thỏa, đang định rời đi thì cửa chính mở ra, hai con chó nghiệp vụ được đặc vụ dắt vào. Trước đó, các văn bản thỏa thuận đều quy định lực lượng an ninh phía bạn chỉ được sử dụng chó nghiệp vụ phục vụ công tác đảm bảo an ninh tại nơi lưu trú. Tịnh cùng các đồng nghiệp nam bước tới, ngăn chặn và nghiêm túc nhắc lại yêu cầu.

Một đặc vụ nói bằng tiếng Anh: "Hai con chó này rất dữ, nếu các ông bà tiếp tục chặn đường, chúng tôi không thể đảm bảo điều gì sẽ xảy ra". Người vừa dứt lời, Tịnh liếc thấy những bàn tay nắm dây đai hơi nới lỏng chút và chó nhích lên, tiến sát hơn. Tịnh bình tĩnh, nhìn thẳng vào mắt những người đối diện, đáp: "An ninh Việt Nam cũng sử dụng chó nghiệp vụ và tôi rất yêu thích công việc này. Tôi cũng hiểu rằng, những con chó chỉ hành động theo sự điều khiển của chủ nên chúng tôi chắc chắn sẽ đảm bảo mọi vấn đề về chó nghiệp vụ ở đây". Những con chó dữ tợn, đứng gần tới mức Tịnh ngửi được cả thứ mùi đặc trưng gây gây, găn gắt. Nói xong, Tịnh nhìn thẳng và dấn một bước, những bàn tay cầm dây đai kín đáo thu lại phía sau một chút. Không cách nào khác, đặc vụ đành dắt chó trở ra xe.

"Mẹ tài thật đấy, con sợ quá!", lời con dâu vẫn còn run sợ. Sau bữa tối, bà định ra bờ biển dạo mát, nhưng vừa bước khỏi cửa đã nghe tiếng người đi thể dục í ới gọi nhau quay về, gió đổi chiều, biển động mạnh, tin bão ngoài xa. Về thôi chứ biết làm thế nào. Chưa kịp bấm chuông, chợt nghe tiếng con dâu: "Ngay từ đầu em đã không đồng ý việc này. Trước là đối thủ, nay là đối tác, sao chuyển hướng nhanh hơn cả bão thế?". Con trai bà từ tốn: "Trong làm ăn, việc đó rất bình thường". Con dâu không để yên, tiếp tục truy vấn: "Bình thường thật, hay là do anh còn lưu luyến tình xưa? Giờ cô ta là vợ đối tác đấy…". "Em đừng chuyện nọ xọ chuyện kia rồi suy đoán linh tinh. Thêm nữa, không được để mẹ biết, mẹ suy nghĩ là mất hay".

Đầu óc bà Tịnh chợt hoang mang. Sao thế được, đúng là trái đất tròn. Cô bạn gái đầy táo bạo, tham vọng ngày xưa của con bà, nay bỗng thành vợ đối thủ, rồi chuyển từ đối thủ sang đối tác. Mà chuyện đâu chỉ có thế… Cứ quẩn quanh, rắc rối thế nào ấy. Cứ thấy sai sai thế nào ấy. Bà chợt giật mình bởi một giọng nói oang oang nhưng ngô ngọng: "Lảo đảo! lảo đảo!". Rồi lao xao tiếng con cái và đám trẻ. "Ông ta nói gì? Đả đảo hay lảo đảo?", vợ chồng con trai hỏi nhau. "Ông già làm vườn đấy!", "Ông già bị điên mẹ ơi!", "Bi, Bo, mẹ cấm các con nói người khác thế!"…

*

"Ở nhà ổn cả chứ ông?", bà gọi điện hỏi chồng, giọng đầy tình cảm. "Ổn cả, bà đừng lo, ông Biền vừa qua đây, ông ấy hỏi xin cái máy khâu cũ nhà mình làm kỷ niệm. Tôi bảo để hỏi ý kiến bà, nhưng chờ bà về mình mang qua nhà bên ấy nhé!", "Vâng, mang chứ…". Ông Biền không còn giữ được chiếc máy khâu cùng thời bởi có lần con cái đã mang bán cho đồng nát. Ông vốn quý kỷ vật thuở hàn vi, xin bạn bè nhượng lại cũng là điều dễ hiểu.

Thuở ấy, dù mức lương trong lực lượng có nhỉnh hơn mặt bằng chung đôi chút, nhưng những cán bộ Cảnh vệ đều cố làm thêm một số công việc phù hợp vào lúc rảnh rỗi để tăng thu nhập. Trẻ con nhà này nhà nọ nối tiếp nhau ra đời rồi quanh năm suốt tháng nheo nhóc. Mỗi ngày, Tịnh hối hả đạp xe nhận cả chục bó quần áo đã cắt sẵn về may gia công. Bao giờ Tịnh cũng chia cho nhà Biền đôi ba bó. Đặc thù công việc, có nhiều nghề Tịnh và đồng đội không được phép làm thêm nên chủ yếu chỉ có thể làm các việc gia công tại nhà.

Mỗi lúc xong việc, Biền cẩn thận xem lại đồ mình và vợ may trước khi chuyển Tịnh giao lại cho chủ. Người vợ quanh năm nấu xôi, bán chè, làm sữa chua… tất thảy mọi người xuýt xoa khen ngợi nhưng đường máy chẳng đều đặn chút nào. Chê, sợ vợ mất lòng. Biền luôn lặng lẽ tháo ra sửa. Có hôm, bó nào còn sót, Tịnh lại tháo ra, sửa giúp. Hết gia công quần áo thì may màn, đan len, thêu thùa... Tối đến, Tịnh luôn tay đan lát, mắt dõi đứa lớn chăm chỉ ngồi học bài, đứa nhỏ tha thẩn chơi trong cũi.

Có năm, vừa sáng mồng bốn Tết, ông chủ đã gấp gáp tới tận nhà gọi cửa, chúc Tết xong thì thông báo ngày mai sẽ mở hàng và cần người "nhẹ vía" như Tịnh may đồ. Vừa sợ chối từ sẽ mất mối làm thêm, vừa ngẫm nghĩ, lại một năm mới, có bao nhiêu việc cần trang trải, Tịnh quay mặt vào tường, chân đạp máy, tay đẩy vải. Vừa máy đến cái áo thứ hai, đúng chỗ vải gấp nhiều, đột nhiên kim gẫy, đầu kim bắn thẳng vào mắt. Tịnh hốt hoảng, nhắm tịt mắt kêu to. Từng dòng nước lành lạnh ứa ra. Ngỡ máu, ngỡ một bên mắt đã hỏng hẳn rồi, Tịnh càng hốt hoảng.

Nam tức tốc chạy ra, gỡ tay vợ, kiểm tra kỹ và an ủi: "Chỉ là nước mắt thôi, bình tĩnh, cái đầu kim đây rồi, nó cắm vào mi". Anh cẩn trọng gỡ đầu kim bé tí. Trong nhà, tiếng mẹ Tịnh vẳng ra, cũng ứa đầy nước mắt: "Làm lấy sống hay lấy chết hả con, đang Tết nhất cơ mà?". Chỉ lát sau, trấn tĩnh lại, Tịnh vẫn quay mặt vào tường may quần áo.

Những năm tám mươi, bộ phận Cảnh vệ luân phiên công tác sang Campuchia hỗ trợ nước bạn. Nam và Biền đều đi đến ba năm. Tịnh sao quên được gương mặt thất thần, trĩu nặng của vợ Biền cạnh thúng xôi buổi sáng, khách gọi cả chục lần không đáp. Nam đã có Tịnh, vừa là đồng đội vừa là hậu phương vững vàng. Còn vợ chồng Biền, mọi thứ chông chênh, cơ cực quá. Trong những bức thư gửi cho chồng, Tịnh hỏi Nam về tâm lý của Biền, không quên dặn chồng động viên đồng đội, rằng ở nhà những người phụ nữ luôn bên nhau, chia sẻ mọi nỗi niềm.

Nước bạn vẫn như chiến trường. Đêm đêm, tàn quân vẫn vào trong thành phố. Khu vực các anh ở an ninh có tốt hơn nhưng không cố định và phải thường xuyên cùng các đối tượng Cảnh vệ đi công tác địa phương. Khi đã về nước, có thêm thời gian chăm sóc gia đình, những người lính vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, eo hẹp. Mỗi chuyến công tác xa, có cơ hội mua được đôi ba cân gạo ngon hơn gạo mậu dịch, bột mì… họ đều lặng lẽ gói ghém mang về xay bột, làm quà cho con.

*

Bà Tịnh hay nhắc với chồng hình ảnh những người lính Cảnh vệ mỗi khi xong nhiệm vụ thường chơi thể thao cùng nhau. Đôi khi, trong những trận đá bóng, đánh bóng chuyền còn có cả những đối tượng Cảnh vệ cùng tham gia. Ông Nam thì hỏi lại, bà còn nhớ cô Diên khu mình không, những năm bảy mươi, bảy mốt, đúng giao thừa còn đi tháp tùng nguyên thủ nước bạn vào thắp hương ở đền Ngọc Sơn. Rồi cả hai cùng bồi hồi, hóa ra tuổi tác, sức khỏe chưa khiến họ lãng quên bất cứ chuyện gì.

Và mỗi khi vợ chồng trò chuyện, vẫn cứ thấy ngong ngóng ông bà Biền sang góp chuyện. Ngày chưa lấy vợ, ông Biền sống trong căn hộ tập thể ở khu nhà này. Phải nghe ông Biền kể chuyện, từ thuở dưới sân còn cây hoa ngọc lan tán lá vươn đến tận cửa sổ những nhà tầng hai. Phải nghe ông Biền kể chuyện trồng chuối sát tường, xiên ra ngoài cổng, rồi những dãy rau tươi tốt, rất nhiều hoa ngâu, trắc bách diệp tỏa hương. Rồi ký ức về đám trẻ con đi sơ tán được trở về chơi trốn tìm giữa những giây phút hiếm hoi khi ngừng bắn.

"Tôi chẳng hiểu nổi ông Biền. Ông ấy chỉ có đồng đội, cái gì cũng đồng đội". Lời bà Biền nhẹ nhàng mà như vết cứa. Quá nửa đời người, vợ đồng đội vẫn vừa biết ơn, vừa hờn dỗi. Hồi trẻ, khi vợ dậy sớm soạn hàng, không ngớt miệng ca thán chồng giờ này mới dậy, con cái vô tâm chẳng biết mẹ cực nhọc thế nào, có lần Biền nhỡ miệng nói rằng, các đồng nghiệp nữ của anh cũng ra khỏi nhà từ bốn giờ sáng đi lấy mẫu thực phẩm ở cửa hàng cung cấp trên Tôn Đản về kiểm tra. Con cái họ cũng nheo nhóc đòi mẹ, khóc um dưới sân vì nhà trẻ chưa đến giờ mở cửa. Vậy mà, họ không hề than vãn, kêu ca. Mỏi mệt, Biền từng tâm sự với vợ chồng Nam Tịnh, Tịnh nhẹ nhàng xoa dịu: "Nghề lính là vậy. Chúng mình còn có đồng đội ở bên, còn vợ lính, nhiều nỗi gian truân không dễ gì ai biết".

Biền từng chứng kiến, một người vợ của đồng đội sụt sịt khóc lóc, ca thán và nhắc đi nhắc lại chuyện sẽ ra tòa. Rằng không thể ở với nhau được nữa. Rằng mọi chuyện quá sức chịu đựng rồi. Ở cùng khu tập thể, Nam hiểu nhà bên ấy không ngày nào không căng thẳng. Con cái lêu lổng, không lo làm ăn, vợ đổ tại chồng đi công tác suốt, chẳng quan tâm, nhìn ngó tới chúng từ thuở còn bé dại. Bao nhiêu chuyện, bao nhiêu lý do, lời qua tiếng lại, đụng đâu cũng hờn trách, cãi vã được. Tất nhiên, đấy là phía người vợ, còn người chồng chỉ im lặng. Không im lặng, biết phải làm gì. Biền chợt nhớ, cũng trong nỗi im lặng nghèn nghẹn, anh từng có cảm giác mình vừa có lỗi, mình vừa bất lực, mình vừa không nỡ làm gì khiến mọi chuyện trở nên rắc rối hơn. Thế rồi, tự xốc mình lên, để cố gắng từng giây phút.

*

Bão chuyển hướng, cả nhà thở phào, hòa giữa dòng người đang háo hức ào ra bờ cát. "Ôi, con quên khăn choàng cho trẻ đỡ gió, để con về lấy", "Thôi, để mẹ!", mẹ chồng nàng dâu lúc nào cũng vui vầy hòa thuận. Vừa mở cửa phòng con, bỗng ánh mắt bà Tịnh khựng lại. Bên tủ quần áo là cửa sổ, cạnh đó là chậu hoa nhài đang chi chít nụ. Cả khoảng ký ức bà từng vượt qua, từng quên lãng chợt ùa về như mới hôm qua. Mùi hương nhắc nhớ đã lâu bà không lên phố Hàng Khoai đặt hoa về ướp trà. Người đàn ông thuở ấy từng nói, sau này sẽ chẳng mấy ai ướp trà kiểu cổ truyền như nhà Tịnh nữa. Nhá nhem tối, lúc nụ nhài sắp nở, anh nhẫn nại chờ để đón Tịnh nơi ngã ba phố đi mua nụ "bộp". Về nhà, Tịnh sẽ đợi đến gần nửa đêm, hoa bừng giấc mãn khai, lúc đó mới đem ướp trà...

Đang bâng khuâng khỏa vào dòng ký ức lan man, bối cảnh hiện tại khiến bà sực tỉnh. Khóm nhài thật đẹp, mùi hương thật thơm, lại đúng loài hoa con dâu thích. Nhưng ai biết được sở thích này? Đến con trai bà còn chưa chắc. Chỉ những lần ướp trà một mình, thấy con dâu từ phòng trong bước ra, hít hà hương hoa và nhiệt tình phụ mẹ chồng, bà mới ngầm đoán. Quan sát kỹ, bà thấy khóm hoa này đúng là rất đặc biệt. Nó khiến bà nhớ tới một tình huống nghiệp vụ, khi ông Biền sang nước ngoài công tác. Ngoài đảm bảo kiểm tra các vấn đề về an toàn thực phẩm, cán bộ kỹ thuật bảo vệ còn phải phát hiện các nguy cơ mất an toàn về chất nổ, chất phóng xạ...

Vốn đã nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, tính lại tỉ mỉ cẩn thận, Biền phát hiện chậu cây đặt trong phòng ở của thủ trưởng có tín hiệu lạ từ thiết bị kiểm tra. Vận dụng kinh nghiệm và các biện pháp nghiệp vụ để phân tích rồi tiếp tục sử dụng thêm thiết bị khác để kiểm tra một lần nữa, Biền vẫn chưa giải thích được nguyên nhân của những bất thường đó.

Trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi, Biền phải lựa chọn giải pháp nhanh chóng nhất là báo cáo lên thủ trưởng phụ trách an ninh của đoàn và đề xuất thông qua lễ tân, yêu cầu bộ phận phục vụ chuyển chậu cây ra khỏi căn phòng với lý do thủ trưởng bị dị ứng với loài cây này. Bất kỳ tình huống nào, sự an toàn của thủ trưởng vẫn là trên hết. Nhưng người lính Cảnh vệ còn phải đảm bảo sự hài hòa trên lĩnh vực lễ tân, ngoại giao, không để xảy ra bất cứ sai sót nào, dù nhỏ nhất.

Nhìn chậu cây, bà chợt nhớ cuộc đối thoại của vợ chồng con trai, nhớ khoảnh khắc con trai dẫn bạn gái về ra mắt. Sau tất cả, lại thấy gờn gợn trước những tiếng hô ngô ngọng mà vẫn phảng phất sự quen quen nào đó... Linh tính nghề nghiệp, nhưng không thể nói với các con đây là loài cây gây dị ứng. Còn nếu nói với chồng, có khi ông Nam cũng trêu chọc: "Lại bệnh nghề nghiệp rồi".

*

"Vào hồi 18 giờ 15 phút, theo tin báo, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy-Công an quận X phối hợp với các lực lượng có liên quan kiểm tra biệt thự Hoa Đỗ Quyên có địa chỉ tại số… đường… phường… thành phố Y đã phát hiện, thu giữ nhiều gói nhỏ ma túy. Đối tượng nghi vấn là Nguyễn Đình T. 72 tuổi, trú tại… Sự việc tiếp tục được điều tra mở rộng".

Bản tin cuối ngày trên sóng truyền hình địa phương gây xôn xao dư luận, đặc biệt trong giới doanh nhân. Bà Tịnh và vợ chồng con cái cậu cả được lực lượng chức năng hỗ trợ chuyển nơi lưu trú sau khi phối hợp khai báo thông tin. Trong khi con trai, con dâu bàng hoàng chưa hiểu kẻ nào định vu oan giá họa với ma túy giấu dưới chậu hoa nhài thì bà chợt bừng tỉnh sau tiếng gọi: "Thủ trưởng, em đây! Chị và các cháu bình yên chứ?". Người đàn ông luống tuổi vui vẻ chìa tay về phía bà Tịnh. "Ồ, cậu… cậu Trung", bà reo khẽ.

Ký ức như thước phim quay chậm, như một màn sương từ từ tan loãng, ùa về. Nhớ những ngày cùng nhau lên Đền Hùng làm nhiệm vụ, Trung quản lý chú chó nghiệp vụ giống Tây Ban Nha để phục vụ công tác kiểm tra an ninh. Sau chặng đường dài di chuyển, chó say xe, lử đử, nằm co ro một góc. Trung dỗ dành, chăm lo. Chó ăn xong, người mới ăn. Chó ngủ xong, người mới ngủ. Sáng sớm, hành quân người không lên đỉnh núi đã thở không ra hơi, Trung đã bế chó trên tay, Tịnh thương lắm, muốn đỡ cũng không được vì chó chỉ quen chủ.

Biết người em đồng đội thân thiết sau khi nghỉ hưu đã cùng vợ con chuyển tới sống ở thành phố xa xôi này, bà chủ động gọi điện và tâm sự về những nghi ngờ của mình. Ông Trung nói ngắn gọn: "Chị ơi! Việc này để em lo". Các con ông đều là Cảnh sát điều tra tội phạm. Ở tình huống cấp bách, khó xử nhất, bà không cô đơn, bởi còn đồng đội. Nguồn tin ban đầu có phần mong manh, qua khâu khớp nối và hỗ trợ từ Cảnh sát địa phương, hung thủ cuối cùng cũng lộ mặt. Một ông già vẻ ngoài lẩm cẩm, luôn miệng "đả đảo" hay "lảo đảo". Một người tưởng xa mà vốn dĩ không xa…

"Ngày đó, mọi người đều nói chị chia tay bởi câu chuyện chế độ. Ngay đến việc tình cờ, ngang trái là thằng cả nhà chị yêu con gái ông ấy cũng có lời ra tiếng vào, cho rằng chị ngăn cấm bởi không muốn giáp mặt tình xưa. Chỉ đồng đội hiểu vì sao ngay thuở ban đầu, dù có tình yêu, ông ấy vẫn không thể đặt chân vào cuộc đời của chị…", ông Trung chậm rãi buông từng lời. "Cậu nhớ dai thế, bốn chữ thôi…", bà Tịnh trìu mến nhìn người em. Ông đáp chậm, rõ ràng: "Ai bảo vệ ai?".

Bà Tịnh gật đầu, mắt dõi xa xăm, ngân ngấn nước, tim nhói lên. Bà nhớ, mình từng đau đớn thế nào sau buổi đưa người yêu về nhà ra mắt bố mẹ. Nhìn bức ảnh treo trang trọng trên tường, người đàn ông bà vốn yêu thương, tin tưởng đã bật ra một nụ cười khẩy: "Thế này chẳng biết là ai bảo vệ ai…". Bà không nói với người ấy rằng bố mình chính là nhân vật trong ảnh, mặc áo đại cán, ngồi phía đuôi thuyền, trước mặt là các đối tượng Cảnh vệ đặc biệt. "Ăn mặc oách thế thì bảo vệ được ai?".

Câu bông đùa khiến bà chợt nhận ra, với công việc này, nhiều khi người ta thường chỉ nhìn và phán xét những gì mắt thấy mà không thể thấu hiểu câu chuyện tầng sâu sau những dấu chân lặng lẽ. Ngay cả, nếu bà quyết định vượt mọi rào cản để đến với người đàn ông kia, thì chắc gì người ấy đã hiểu, đã tin công việc mà bà theo đuổi cả cuộc đời. Quyết định chia tay đến rất nhanh, kèm theo lời tự nhủ sẽ không bao giờ đối diện.

"Một chuyến đi dài bà nhỉ, về nhà tôi đồ xôi gấc cho ăn, mùa gấc rồi đấy", bà Biền chuyện trò rôm rả trên chuyến xe từ sân bay đón bà Tịnh và con cháu về nhà. Ông Biền nháy mắt hóm hỉnh nhìn sang ông Nam: "Quả là một chuyến đi dài, thế mới thấy, bà ấy ngầu chẳng kém ngày xưa, ông nhỉ?". Ông Nam chậm rãi gật đầu, mắt ánh lên niềm mến thương, tự hào về người vợ - người đồng đội.

"Mẹ ơi! mấy chậu cúc chi vàng nhà mình đã chi chít nụ. Về nhà mấy mẹ con bác cháu mình ướp trà mẹ nhé!" - giọng nàng dâu khiến câu chuyện ngày trở về thêm phần dịu ngọt, lắng sâu. Qua kính xe, nắng thủy tinh trong veo, bừng tỏa. Nắng như màu hoa, màu áo, màu ký ức những năm tháng chưa xa. Bà thấy từ phía ấy hiện ra những dấu chân thầm lặng, mơ hồ mà gần gụi. Những dấu chân tỏa hương sen thơm, hương lá già, lá non quyện trong bùn đất thật nồng ấm.

Truyện ngắn của Lữ Mai
.
.