Cổ đại kỳ án
Vào thời Càn Long triều đại nhà Thanh, có một viên quan họ Tống ở trấn Thanh Long, gia tộc của ông ta có hàng nghìn hecta đất đai màu mỡ, trước cửa có la và ngựa xếp hàng dài. Ông không chỉ quản lý việc đồng áng mà còn điều hành cả việc kinh doanh tơ lụa nên trong nhà có của ăn của để nức tiếng gần xa.
Tống viên ngoại kết hôn với Diêu Thị, là một mối hôn sự môn đăng hậu đối. Diêu Thị khôn khéo xinh đẹp, hai người tâm đầu ý hợp, tình cảm vợ chồng vô cùng khăng khít bền chặt.
Thế nhưng, Diêu Thị được gả tới Tống gia chớp mắt đã mười năm mà vẫn chưa có thai. Vì chuyện nối dõi tông đường mà Tống viên ngoại vô cùng sầu não, Tống lão thái thái càng nôn nóng bất an, luôn thở dài bi thương, cứ thế mà bệnh liệt giường.
Để làm tròn chữ hiếu, càng vì lo cơ nghiệp Tống gia không có người kế thừa, Tống viên ngoại bèn lựa lời an ủi Diêu Thị nói rằng bản thân mình vì bất đắc dĩ mới phải nạp thêm thiếp.
Diêu Thị tuy không cam lòng, nhưng thấy mẹ già vì chuyện nối dõi tông đường mà sinh bệnh, lại thầm trách bản thân mình đã lâu không thể khai chi tán diệp cho nhà họ Tống, nên đành phải đồng ý.
Vào mùa đông năm đó, Tống viên ngoại nạp thêm người thiếp tên Giảo Giảo, Giảo Giảo vừa tròn 18 tuổi, xuất thân từ một gia đình nông thôn nghèo.
Giảo Giảo không phụ lòng Tống gia kỳ vọng, gả tới chưa đầy 3 tháng, nàng đã mang thai. Nhưng mà để Tống gia từ trên xuống dưới càng thêm vui mừng chính là Diêu Thị gả tới 10 năm không mang thai, thế nhưng cùng thời điểm đó lại có thai, đúng thật là song hỉ lâm môn.
Không biết có phải vì muốn sớm ngày được ôm cháu trên tay hay không mà Tống lão thái thái bệnh tình dần dần chuyển biến tốt hơn, có thể xuống giường. Về phần Tống viên ngoại, cả hai vị phu nhân đều có tin vui, nhân khẩu ngày một đông đúc, trong lòng ông ta tất nhiên vô cùng vui vẻ.
Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi đi, cho tới mùa hè năm sau, lúc này cả hai người vợ của Tống viên ngoại đã sắp tới ngày dự sinh, vì có công việc kinh doanh tơ lụa quan trọng cần phải làm, sau khi sắp xếp mọi việc trong nhà chu toàn, ông ta mới yên tâm đến Hàng Châu.
Cứ thế thấm thoát đã đến ngày 15 tháng 8 âm lịch. Tối hôm đó, hai người vợ đồng loạt đau bụng và sinh gần như cùng lúc. Tống lão phu nhân nghe tin trong lòng vui mừng khôn xiết vội vàng sai người hầu mau mau đem hai đứa trẻ mới sinh để bà được ngắm cho thỏa niềm mong mỏi.
Lão phu nhân đã chuẩn bị sẵn hai chiếc mền hoa giống hệt nhau (mền quấn trẻ sơ sinh người Trung Quốc thường dùng), khi vú em bế hai đứa bé đến, Tống phu nhân vội vàng thay chăn cho hai đứa bé, lúc này mới biết hai đứa bé là một trai một gái. Bà đặt tên cho bé trai là Vân Long và bé gái là Thái Phượng.
Tiếp nhận đứa trẻ trên tay người hầu sau khi từ chỗ Tống lão thái thái trở về, Giảo Giảo cho đứa trẻ bú, nhưng nàng lập tức cảm nhận có điều gì đó không đúng, bèn vội vàng mở chăn ra thì lập tức ngất xỉu bởi vì đứa bé của nàng thế nào lại trở thành bé gái.
Sau khi tỉnh lại, dù thân thể vẫn còn yếu ớt do vừa trải qua sinh nở, Giảo Giảo vẫn không ngừng khóc lóc kêu gào cho rằng con trai của mình đã bị tráo đổi, trong khi Diêu Thị một mực khẳng định mình sinh con trai, tất nhiên không muốn đổi lại đứa bé cho Giảo Giảo. Về phần Tống lão phu nhân, cả hai đứa trẻ đều là cháu nội của bà, bà đều yêu thương hai đứa cháu nội này và tất nhiên bà không quan tâm ai sinh con trai con gái, bởi hai đứa trẻ đều là con cháu họ Tống.
Ngay cả những người hầu thân cận dù có biết vấn đề nội tình, nhưng vì ai cũng muốn trung thành với chủ nhân của mình nên đôi bên cãi cự lời qua tiếng lại, ai cũng cho là mình có lý. Kết quả là, phủ Tống gia ầm ĩ một phen gà bay chó sủa đến mức Tống lão phu nhân không còn cách nào khác bèn sai người hầu cho gọi con trai về để đứng ra làm chủ.
Tống viên ngoại hay tin bèn lập tức gói gém đồ trở về quê nhà, trong khi đó Giảo Giảo gửi con cho bảo mẫu, còn mình thì trở về nhà mẹ đẻ đồng thời cùng người nhà đi đến công đường đánh trống kêu oan.
Ngày hôm đó, Đường huyện lệnh truyền Tống viên ngoại mang theo hai vị phu nhân cùng với hai đứa trẻ mới chào đời đến huyện nha chờ đợi thẩm tra. Sau khi người đã đến đông đủ, Đường huyện lệnh thay vì theo thông lệ thẩm tra ngay tại công đường, ông cho mời những người có liên quan tới hậu hoa viên bên hồ nước. Tống viên ngoại cùng gia quyến tuân mệnh dắt nhau tới hậu hoa viên, trên đường đi trong lòng ông không khỏi băn khoăn suy nghĩ, thoáng chốc đã tới nơi, nhác thấy bóng dáng uy nghiêm ngồi ngay ngắn trên ghế bành, Tống viên ngoại vội vàng quỳ xuống. Đường huyện lệnh cho người mang hai đứa trẻ mới sinh nhà Tống viên ngoại đến, quan sát hồi lâu, rồi cất giọng hỏi Giảo Giảo:
- Đứa trẻ nào là do ngươi sinh?
Giảo Giảo dập đầu khóc lóc kể lể:
- Thanh Thiên đại lão gia, thề có Trời đất chứng giám, Vân Long là do tôi sinh.
Đường huyện lệnh hỏi:
- Chứng cứ gì để xác minh đứa trẻ này do ngươi sinh?
Giảo Giảo đáp:
- Khi Vân Long được sinh ra, mặc dù cơ thể của tôi mệt mỏi, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, tất nhiên sẽ phân biệt được đó là bé trai hay bé gái, hơn nữa tôi trẻ tuổi hơn so với chị Diêu, sinh ra Vân Long mập mạp hơn, Thải Phượng gầy gò ốm yếu.
Đường Huyện lệnh nghe xong bèn quay sang hỏi Diêu Thị, Diêu Thị rơm rớm nước mắt nói: "Vân Long đích thực do tôi sinh ra, không tin mọi người có thể kiểm tra, trên đầu gối bên trái của thằng bé có một nốt ruồi to bằng hạt đậu, xin báo huyện quan được biết".
Quan huyện nghe xong sai người hầu đi kiểm tra, quả nhiên đúng như vậy.
Giảo Giảo dập đầu khóc lóc: "Ngay khi Vân Long được sinh ra, tôi đã ẵm thằng bé đến thăm bà nội, những ngày này chị Diêu cũng có thể trông thấy nốt ruồi ở chân thằng bé, việc này khó mà xác minh được đứa trẻ có phải con của chị ta sinh ra hay không, xin Đường huyện lệnh minh xét".
Lúc này, xung quanh bỗng dưng nhốn nháo ồn ào hẳn, ai cũng cho lời của hai người phụ nữ này có ý đúng. Quan huyện bèn gõ bàn hô "Trật tự", rồi ra lệnh cho người hầu mang Vân Long đến, sau đó quay sang trách mắng Tống viên ngoại: "Là chủ gia đình, hai người vợ sẽ sinh con cùng một lúc, nhưng ngươi lại không có mặt ở nhà, xảy nên cơ sự này thân làm chồng, làm cha có thấy bản thân mình có lỗi hay không?".
Tống viên ngoại cúi đầu hổ thẹn nói: "Tiểu nhân chỉ lo làm ăn mà thiếu đi trách nhiệm làm cha, làm chồng, là lỗi của tiểu nhân".
Đường huyện lệnh bèn hỏi ông ta:
- Theo ý kiến của ngươi, chuyện này chúng ta nên xử lý như thế nào.
Tống viên ngoại trả lời:
- Vân Long, Thái Phượng đều là con ruột của tôi, nhưng tôi không có ở nhà, thật sự rất khó xác định ai là mẹ ruột của Vân Long.
Đường huyện lệnh bèn nghiêm giọng khiển trách:
- Diêu Thị cùng Giảo Giảo, nhất định có một người nói dối, đến phu quân của hai ngươi cũng không phân xử được, vậy thì ta chỉ còn một cách này thôi.
Tống viên ngoại lo lắng nói:
- Dạ thưa, xin ngài cứ nói.
Đường huyện lệnh bèn cười đáp:
- Nếu như Vân Long còn ở trong gia đình Tống gia, thì gia đình vĩnh viễn sẽ không hòa thuận, dù sao các người cũng đang còn trẻ, vẫn có thể tiếp tục sinh con, ta thấy nên diệt trừ mầm mống tai họa này đi thì hơn.
Tống viên ngoại, Diêu Thị, Giảo Giảo đồng loạt kêu gào khóc lóc thảm thiết, thế nhưng Đường huyện lệnh hoàn toàn không hề để ý đến, hướng về phía đám sai nha đang ẵm đứa bé rồi hét lớn: "Ném tên tiểu tử đó xuống ao cho ta". Nghe tiếng quan huyện ra lệnh, người này ngay lập tức đi về phía ao trong hậu hoa viên, không một chút mảy may xúc động ném Vân Long đang bọc chăn hoa xuống nước.
Khoảnh khắc Vân Long bị ném xuống ao rồi chìm nghỉm, Tống viên ngoại bất tỉnh, Diêu Thị chỉ biết quỳ ở đó, chỉ có Giảo Giảo đột ngột đứng dậy, vừa gọi vừa hét lớn, cố gắng lao về phía ao.
Mấy người hầu ở gần đó tiến lên ngăn cản nhưng không được, không biết sức lực của thị ở đâu bỗng trở nên vô cùng khỏe, Giảo Giảo nhảy xuống ao lao theo đứa con mà Đường huyện lệnh vừa ném xuống nước.
May mắn thay, hai người hầu của nha môn đã nhảy xuống cứu được Giảo Giảo sau khi đã uống vài ngụm nước. Vừa được cứu lên bờ, vị thiếu phu nhân trẻ tuổi bằng tất cả sức lực và sự căm phẫn của người mẹ, cô ta lao tới Đường huyện lệnh bất chấp tội bất kính với quan trên rồi hét lên:
- Viên quan ngu ngốc nhà ngươi, mau trả lại con trai cho tôi, tôi sẽ không tha cho các người...
Quan huyện lệnh bình tĩnh hạ lệnh:
- Mang Vân Long ra ngoài đây cho ta.
Trong nháy mắt, người hầu đã bế một đứa bé được bọc trong chiếc chăn màu đỏ từ phía hậu viện bước ra. Lúc này, Tống viên ngoại đã tỉnh lại, Giảo Giảo đang ồn ào la hét nhất thời bối rối, chỉ còn Diêu Thị quỳ trên mặt đất với vẻ mặt bàng hoàng.
- Giảo Giảo, cô là mẹ ruột của đứa bé này, cô nhìn xem đây có phải Vân Long không?
Quan huyện lệnh đưa đứa bé từ trong tay người hầu, nói với Giảo Giảo. Giảo Giảo không quan tâm đến cả người ướt sũng nhếch nhác thảm hại, ôm lấy đứa bé nhìn đi nhìn lại, sau đó hôn đứa bé trong nước mắt, mừng rỡ vừa khóc vừa nói:
- Con trai của tôi, Vân Long của tôi đã trở lại.
Thấy Vân Long chưa bị ném xuống nước, Tống viên ngoại vui mừng khôn xiết, cả nhà vội vã dập đầu lạy tạ quan huyện lệnh rồi dắt nhau ra về.
Hóa ra, thứ được bọc trong tấm chăn hoa là một con cá chép nặng khoảng 5 cân...
Tạ Thị Ngọc (dịch)