Vụ trộm ở kho bạc triều Thanh

Thứ Sáu, 27/01/2023, 22:32

Vào năm Đạo Quang thứ 23, triều Thanh, lúc này vị Hoàng đế đã 62 tuổi. Công việc nhiều làm ông già đi nhanh chóng. Vị Hoàng đế cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon ngủ không yên, hình như ông cũng cảm thấy rằng triều đại nhà Thanh sắp kết thúc vì những rắc rối hết sức nguy cấp cả bên ngoài và bên trong.

Lúc này nỗi lo lớn nhất mà vị Hoàng đế phải đối mặt là vấn đề tài chính. Cuộc chiến tranh nha phiến kéo dài đã làm cạn kiệt 30 triệu lạng bạc cộng với những khoản bồi thường sau chiến tranh làm cho tình hình tài chính của nhà Thanh càng thêm tồi tệ. Nói tóm lại, trong mấy năm qua, tổng chi tiêu cho chiến tranh, bồi thường và quản lý sông ngòi là gần 70 triệu lượng bạc, trong khi đó tổng thu nhập hàng năm của cả nước chỉ có hơn 40 triệu lượng. Vào thời điểm đó, lượng bạc tồn kho của Bộ Hộ chỉ có hơn 10 triệu lượng một chút, đây là giá trị thấp nhất kể từ khi nhà Thanh thành lập. Dù thế nào đi nữa, số tiền ít ỏi này cũng không thể động đến được nữa, một quốc gia lớn như vậy, nhất định phải có một ít tiền dự trữ.

Vụ trộm ở kho bạc triều Thanh -0
Minh họa: Lê Tâm

Nhưng Hoàng đế Đạo Quang nằm mơ cũng không nghĩ đến là ngân khố thực chất đã trống rỗng, 10 triệu lạng bạc chỉ là con số ghi trong sổ sách, sau khi tổng kiểm tra thì mới phát hiện số bạc trên sổ sách và số bạc thực tế tồn kho thiếu hụt quá nhiều, lên tới 9.252.000 lượng. 

Nghe tin này, Hoàng đế Đạo Quang vô cùng kinh hãi, ông trách các quan đại thần: “Việc thất thoát số bạc đến hơn 9 triệu lượng là chuyện chưa từng xảy ra. Bạc của nhà nước như tiền ở trong nhà mình nếu tự ý chiếm đoạt là phản nghịch...”. Đồng thời, ông ra lệnh cho Bộ Hình điều tra vụ án đến cùng. 

Số lượng bạc bị mất là vô cùng lớn, nếu 9,25 triệu lượng bạc này được vận chuyển bằng một chiếc xe tải loại 4 tấn hiện đại thì cũng phải mất gần một trăm xe, vậy người ta có dám chở nhiều bạc như vậy ở một nơi được canh gác rất cẩn mật không? Sau khi điều tra sơ bộ, các quan chức Bộ Hình đã thống nhất kết luận là: Số lượng bạc bị trộm do rất nhiều người tham gia và xảy ra trong một thời gian rất dài, những người phạm tội đều là quan quân trong Bộ ngân khố.

Số lượng bạc nhiều như vậy được cất ở đâu? Nó bị đánh cắp như thế nào?

Vào thời điểm đó, ở Bắc Kinh có mười kho lớn gồm kho lương thực, kho tiền, kho châu báu, kho vải v.v… Trong đó kho tiền có 3 kho: Kho thứ nhất là kho trong Tử Cấm Thành, kho này có 1,2 triệu lượng bạc là tiền dự phòng chi tiêu của Hoàng đế, kho này không dễ bị trộm và các quan cũng không kiểm tra kho này. Kho thứ 2 là kho của Bộ Nội vụ, tuy tên là kho bạc nhưng thực tế là kho vàng bạc châu báu, kho này không to nên dễ quản lý. Kho thứ ba là của Bộ Tài chính, tức là Quốc khố, kho này cất giữ rất nhiều bạc trắng, hầu như ngày nào cũng có khoản thu, chi nên hàng ngày bạc được chuyển ra, chuyển vào nên công việc ở đây rất bận rộn.

Để đảm bảo an toàn cho tiền vốn của nhà nước, nhà Thanh đã có một quy chế quản lý rất nghiêm ngặt, viên quan đứng đầu quản lý kho là Thượng thư Bộ Hộ, bên dưới là một loạt các quan nhỏ, dưới nữa là các nhân viên quản lý sổ sách nhưng những người này không có quyền vào kho, chỉ có khố binh mới được vào kho.

Nếu một khố binh muốn vào kho bạc thì bất kể là mùa đông giá lạnh cũng phải cởi hết quần áo, sau khi vào trong kho mặc quần áo lót của kho, làm việc xong cởi bỏ quần áo ra bên ngoài đứng trên tấm phản gỗ, vỗ tay lên trời hét một tiếng “ra ngoài”, sau đó mặc lại quần áo của mình và đi về nhà. Khố binh vỗ tay, hét lên chứng tỏ trong cơ thể, trong miệng, trong nách và trong tay không có bạc.

Từ các quy định đó cho thấy hệ thống giám sát quản lý kho bạc là vô cùng nghiêm ngặt, nên khố binh không thể có cơ hội lấy trộm được bạc. Kỳ thực không phải như vậy, khố binh vẫn có thể lấy cắp được bạc.

Theo lời khai thì các khố binh thường lấy cắp bạc theo hai cách:

Thứ nhất là giấu bạc trong hậu môn, dùng mỡ lợn bọc bạc bôi một ít thuốc làm mềm xương sau đó nhét vào hậu môn, như vậy một lần khố binh có thể nhét được một lượng bạc đáng kể và chịu đựng được khoảng 30 phút. Cách làm này cũng phải được rèn luyện nhưng có sự hạn chế là người lớn tuổi khó làm và chỉ làm được vào mùa hè, không làm được vào mùa đông. Vậy mùa đông khố binh lấy trộm bạc bằng cách nào?

Cách thứ hai là dùng ấm trà mang bạc ra ngoài: Nấu bạc chảy đổ vào ấm trà cho bạc đông cứng ở đáy ấm nên khi ra khỏi kho mở nắp dốc ngược bình trà bạc cũng không rơi ra ngoài,

Đây là hai cách lấy cắp bạc trong kho, vụ trộm bạc xảy ra trong một thời gian rất dài với rất nhiều người tham gia, theo thời gian tích tiểu thành đại hơn 9 triệu lượng bạc trong kho đã bị lấy cắp. Tại sao vụ trộm đến bây giờ mới bị phát hiện? 

Đến thời điểm nhà Thanh kiểm tra bạc tồn kho với quy mô lớn đã là 43 năm. Vào năm Gia Khánh (năm 1800) kho bạc đã được kiểm tra quy mô và sau đó mỗi năm chỉ tiến hành kiểm tra một lần, theo thông lệ các quan đại thần đến kiểm tra xem sổ sách, đứng ngoài nhìn vào kho qua cửa sổ, sau đó kiểm tra chế độ quản lý,   dặn dò quan coi kho vài câu rồi đi.  

Sau khi vụ trộm bạc được phát hiện, một số khố binh nghe tin đã nhanh chóng xa chạy cao bay. Hoàng đế Đạo Quang tức giận ra lệnh cho vị tướng thống lĩnh nha môn phải nghiêm trị vụ án này. Cuối cùng đại bộ phận khố binh bị khống chế, nhiều người bị bắt nhưng xử lý họ thế nào lại là một vấn đề lớn, không những số người rất đông liên quan đến nhiều địa bàn mà còn rất khó lấy được bằng chứng. Mặt khác đây là một tội lỗi tập thể diễn ra hàng chục năm, có thể nói tất cả các quan lại ở Bộ ngân khố đều có liên quan, vụ trộm này còn liên quan đến những sai sót của hệ thống quản lý nên Hoàng đế Đạo Quang không biết nên kết tội này cho ai? 

Được các đại thần khuyên nhủ, Hoàng đế Đạo quang dần dần nguôi cơn giận vì ông cũng biết rằng điều tra ra ngọn nguồn của vụ việc là không thể. Ngoại trừ một số đã có bằng chứng hoàn toàn xác thực và phạm tội nặng nên một số khố binh bị kết án tử hình, lưu đày và ngồi tù thì về cơ bản các quan chức không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây không phải là một sự khoan hồng đối với họ mà là Hoàng đế có cách xử lý riêng, vì lúc này nhà nước đang rất cần tiền nên ngoài xử lý hành chính thì một điều rất quan trọng là các viên quan phạm tội phải bồi thường tổn thất cho ngân khố và nhà nước cố gắng thu hồi được càng nhiều thì càng tốt. 

 Hoàng đế Đạo Quang đã ra Thánh chỉ truy cứu trách nhiệm bồi thường kinh tế đối với những quan viên Bộ Ngân khố trong 5 năm và chia khoản bồi thường theo thời hạn nhiệm kỳ ngắn dài của các vị quan lại. Theo đó, quan ngự sử kiểm tra ngân khố mỗi tháng bồi thường 1.200 lượng, quan đại thần quản ngân khố mỗi tháng bồi thường 500 lượng, quan đại thần kiểm tra ngân khố mỗi tháng bồi thường 400 lượng. Với cách làm này, số quan viên bị tử hình giảm đi một nửa vì số tiền bồi thường do con cháu tiếp tục chi trả. 

Ngay sau đó Hoàng đế Đạo Quang lập một thời gian biểu cho việc thanh toán bồi thường. Nếu những ai không chịu bồi thường sẽ bị tống giam và khi có tiền bồi thường sẽ được thả, nếu hết thời gian quy định mà không bồi thường sẽ bị xử lý hình sự. Do số tiền quá lớn và hiệu suất hoạt động của bộ máy nhà nước lúc đó rất thấp nên kết quả thu hồi không được đạt được như ý của vị Hoàng đế.

Vụ mất hơn 9 triệu lượng bạc là một đòn giáng mạnh đối với vị Hoàng đế Đạo Quang. Vị Hoàng đế trị vì hơn 20 năm, mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng vị Hoàng đế vẫn không làm được điều gì to tát cả. Thời kỳ đầu ông ta đã thất bại trong cuộc chiến tranh nha phiến, sau đó lại đến vụ án mất 9 triệu lượng bạc, các thất bại nối tiếp nhau và việc chính sự lại càng tồi tệ. Lúc này vị Hoàng đế đã hơn lục tuần nên thể lực và tinh lực dần dần suy yếu, tham vọng của vị Hoàng đế cũng hết, ông trở nên lười biếng, mệt mỏi, nản lòng nhụt chí, bắt đầu trốn tránh những mâu thuẫn thực tế, đây có lẽ là những dấu hiệu báo trước sự suy tàn của triều đại nhà Thanh. 

 Nguyễn Thiêm (dịch)

Khảo Vi (Trung Quốc)
.
.