Chứng nhận
Buổi chiều trước khi cơn giông ập đến, nền trời đang trong xanh bỗng chuyển sang một màu đỏ như màu máu. Những đám mây tích tụ thành những ụ lớn nặng nề treo lơ lửng trên tầng không. Người già nén từng tiếng thở dài tựa hồ như trong một buổi tế sống. Một điều bất thường đang xảy ra dù không ai biết đó là điều gì. Người già nhất làng chắp tay lên ngực miệng lẩm bẩm những lời cầu khẩn.
1. Cơn giông bất ngờ đổ bộ vào chiều qua khiến ngôi làng trở lên xác xơ, những gốc cây cổ thụ bật gốc nằm ngổn ngang. Con đường vào làng mất hút trong đám bạt ngàn cành gẫy và lá rụng tả tơi. Đó không phải là một cơn giông bình thường mà là một cơn siêu giông bất ngờ ập đến.
Buổi chiều trước khi cơn giông ập đến, nền trời đang trong xanh bỗng chuyển sang một màu đỏ như màu máu. Những đám mây tích tụ thành những ụ lớn nặng nề treo lơ lửng trên tầng không. Người già nén từng tiếng thở dài tựa hồ như trong một buổi tế sống. Một điều bất thường đang xảy ra dù không ai biết đó là điều gì. Người già nhất làng chắp tay lên ngực miệng lẩm bẩm những lời cầu khẩn.
Bình minh ló rạng trên lối vào làng còn ngổn ngang. Thật kỳ diệu, trận giông hãi hùng đã không gây thiệt hại về người. Cơn cuồng phong chỉ dập dình trong không gian bên ngoài làng mà không chạm vào ngưỡng cửa của những ngôi nhà.
Ngày dần hiện hình. Ngôi làng bỗng nhiên bị phát quang phơi trần trước ánh sáng của buổi bình minh. Một vài sự ngỡ ngàng. Những dấu tích tưởng chừng đã bị chôn vùi bỗng nhiên nhờ cơn giông gió được khai quật. Tiếng đồn thổi bắt đầu ầm ĩ hệt như lúc trận cuồng phong dội vào làng. Người làng không thể kìm nén nổi sự tò mò.
2. Buổi sáng, sau khi những cành cây to được dọn bỏ, con đường trở lên quang đãng, ngôi nhà lộ diện.
Ngôi nhà làm toàn bộ từ gỗ mít và xoan rừng, nằm trên quả đồi ngự trị ngôi làng, được dựng trên thế đất "cưỡi sườn, vờn mây". Những ngày mây mù, nhìn từ xa ngôi nhà cuộn mình vào trong tầng mây. Xung quanh vườn có nhiều cây sấu cổ hàng trăm năm tuổi phủ bóng xuống ngôi nhà tạo nên một không gian u tịch khiến không một người nào dám bước chân vào, kể cả những kẻ thường ngày quen ăn to nói lớn. Ngôi nhà trở thành mảnh đất cấm địa của ngôi làng.
Vậy mà cơn giông gió chiều qua đã khơi quật lại tất cả. Những điều tưởng chừng đã bị lãng quên bỗng nhiên được phơi bày trước ánh sáng ban ngày.
Hơn một trăm năm trôi qua, ngôi nhà đã có ít nhiều thay đổi. Mái ngói vẩy cá bằng đất nung đã bạc đi màu son đỏ chuyển sang màu rêu. Những cánh cửa sổ bằng gỗ đã mục rỗng. Hai cánh cửa phía trước hiên rơi khỏi bản lề để trơ lại chiếc khung cửa mốc rêu. Bốn chiếc cột gỗ xoan ở gian chính diện bị mối ăn mòn phần chân chỉ còn lại phần lõi. Những phiên liếp ở hiên nhà đã rơi ra để lại một khoảng trống phía trước cửa vào nhà.
Không ai bảo ai, tất thảy người già của làng đều có mặt đầy đủ, tập trung ở trong sân của ngôi nhà, khăn mũ chỉnh tề chuẩn bị buổi tế lễ. Không khí trang nghiêm của buổi sớm sau cơn cuồng giông khiến những nét căng thẳng hằn lên trên những khuôn mặt già nua. Cụ Hồng đầu đội khăn vấn, bước lên trước. Ở tuổi cửu thập, cụ Hồng là cây cao bóng cả của làng, là nơi lưu giữ ký ức của làng. Mọi câu chuyện liên quan đến làng được cụ ghi nhớ đến từng chi tiết. Cụ Hồng chỉnh lại áo dài, chống gậy tiến về phía gian giữa nơi có án hương. Phía sau cụ Hồng, những người già còn lại của làng xếp thành hai hàng, cụ Hồng trịnh trọng tiến hành buổi lễ: "Chúng con ở đây, hôm nay ngày 27 tháng 6 năm … một trăm mười năm ngày các chí sĩ yêu nước thực hiện kế hoạch "Hà Thành đầu độc" bị hành quyết, dâng hương tưởng lễ các bậc anh hùng".
Ngoài ngõ người làng kéo đến ngày một đông. Con đường lên đồi dẫn vào ngôi nhà mọc lên vô số những bát hương. Những người trẻ tuổi sì sụp khấn vái. Họ khấn vái ai, chưa chắc họ đã biết chính xác. Nhưng sự khẩn cầu thành tâm vẫn khiến người ta vững tin và an lòng hơn sau những gì diễn ra chiều hôm qua.
Chiếc xe chở Biên và Toàn cùng vô số dụng cụ ghi hình dừng lại ở cổng làng. Đống đá tổ ong xây cổng làng đổ từ chiều qua nằm ngổn ngang chặn lối ra vào làng. Hì hục một lúc, mỗi người cũng vác theo được dụng cụ cần thiết nhất. Họ lặng lẽ bước theo trục đường chính, rồi từ đó men theo con đường lên đồi. Quang cảnh tiêu điều dường như cũng dịu xuống cùng với không khí trong lành của buổi sáng sớm. Biên khẽ hít thở như trút được những nỗi lo âu. Thật may điều tệ hại đã không xảy ra.
Chiều qua khi Biên và Toàn đang ngồi bàn về kế hoạch xây dựng một chương trình truyền hình sắp tới thì cụ cố Hồng gọi điện, cụ cố Hồng là cụ thân sinh ra ông nội của Biên. Cụ bảo Biên về ngay, điều bất thường đang xảy ra ở làng. Cả đêm qua Biên trằn trọc không ngủ.
3. Làng Cao Xá Trung nằm ngoại thành Hà Tây sáng nay chộn rộn những tiếng rì rầm. Mặc kệ công việc dọn dẹp sau giông, người làng đổ về phía ngôi nhà cổ bỏ hoang từ lâu chứng kiến buổi tế lễ.
Mười giờ sáng, khi những nghi lễ kết thúc, một chiếc chiếu hoa mới trải ra giữa sân cho các cụ cao niên ngồi. Cụ Hồng ngồi ở giữa mặc phục lễ, râu tóc bạc phơ. Biên lặng lẽ rẽ đám đông cùng Toàn bước vào, mọi dụng cụ đã sẵn sàng cho một buổi ghi hình. Cụ Hồng ngồi lặng im, mắt dõi về phía xa. Sân nhà nằm chênh vênh bên sườn đồi, từ chỗ ngồi của cụ, làng Cao Xá Trung thoai thoải hiện ra trong tầm mắt. Ngoài đường, người đến nghe mỗi lúc một đông hơn nhưng tuyệt nhiên không có sự lộn xộn. Tiếng của cụ Hồng mỗi lúc một trở lên xa xôi.
Ở chính nơi này, cách đây tròn một trăm mười năm đã diễn ra một cuộc trả thù đẫm máu của chính quyền thực dân đối với một chí sĩ yêu nước, người tham gia cuộc "Hà Thành đầu độc" diễn ra năm 1908.
Câu chuyện này Biên đã nghe kể nhiều lần, nhưng với anh đó là một câu chuyện của quá khứ. Nó không còn dính dáng tới cuộc sống hiện tại của anh. Đứng phía sau Biên, Toàn tỏ ra phấn khích, hơi thở hừng hực phả vào gáy Biên. Là đồng sự thân cận, Biên đoán rõ ý nghĩ lúc này của Toàn.
Toàn là cánh tay phải đắc lực của Biên ở khâu biên tập của những chương trình tạp kỹ của đài truyền hình. Cậu ta luôn biết cách dàn dựng để biến những câu nói của các khách mời tưởng chừng như vô hại bỗng trở lên giật gân, thậm chí là trở thành trào lưu cho giới trẻ. Điển hình như cách đây vài tháng, câu nói của diễn viên A được Toàn biên tập lại và chỉ trong vài giờ câu nói trở thành trào lưu trên khắp các mạng xã hội của giới trẻ, thậm chí trong ca khúc của ca sĩ B có mượn lại câu nói của diễn viên A.
Khả năng thiên biến của Toàn vừa khiến Biên nể phục vừa làm anh lo lắng. Mấy lần Toàn đưa ra ý kiến cho Biên hòng đẩy kịch tính của chương trình, nhưng mọi ý nghĩ của Toàn đều bị Biên gạt đi. Biên làm nghề bằng tâm huyết, không muốn sử dụng thủ đoạn để tạo dựng danh tiếng cho chương trình. Khán giả bây giờ khôn lắm, Biên vẫn tự nhủ, sớm muộn gì thì những thủ đoạn cũng sẽ bị lột trần. Biên không muốn đánh mất lương tâm nghề nghiệp vì những toan tính tầm thường. Nhưng liệu bây giờ anh còn sự lựa chọn khác? Nhà đài đang hối thúc họ về một kế hoạch cho một chương trình mới. Chỗ đứng của anh và của Toàn ở đài phụ thuộc vào bản kế hoạch này. Hoặc là họ thành công viết kịch bản mới, hoặc họ sẽ bị sa thải.
Ngồi ở giữa chiếu, tiếng cụ Hồng vẫn đều đều. Vụ "Hà Thành đầu độc" là vụ mưu sát và binh biến do hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội khởi nghĩa cùng với sự tiếp ứng và chỉ đạo từ bên ngoài của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, và sự giúp đỡ của Phan Bội Châu trong việc vạch định kế hoạch. Người bác ruột của tôi, tên húy là Liêm hay còn gọi là cụ Cả Liêm, cụ Hồng dừng lại một vài giây, đôi mắt trắng đục của cụ hướng về phía chân đồi, là một trong những chí sĩ tham gia vào sự kiện đó.
Cụ Cả Liêm vốn là thầy đồ trong làng, có chút hiểu biết nên sớm nhận ra được hiện thực, nhất là từ sau những thất bại của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Cụ Cả Liêm rời làng xuống Hà Nội để tham gia phong trào, cụ trà trộn vào dân chúng dưới danh nghĩa thầy coi tướng đi vào các đền thờ để thực hiện bói toán cầu cơ, xen lồng với việc tuyên truyền khởi nghĩa. Đối tượng chính mà cụ nhắm đến là binh lính, cai đội, đầu bếp, những người bán hàng rong. Qua nhiều lần tiếp xúc, cụ Cả Liêm đã tạo dựng được mối quan hệ thân mật với một số binh lính thuộc pháo đội công vụ. Lúc này các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám phát triển rất mạnh.
Đêm 27 tháng 6 năm 1908, vụ "Hà Thành đầu độc" chính thức nổ ra ngay trong doanh trại quân đội Pháp ở thành Hà Nội. Theo như lời của ông tôi kể lại, nếu vụ ấy thành công, rất có thể Hà Nội đã lật đổ được chính quyền thực dân. Nhưng thật không may, trước đó đã có người để lộ bí mật nên phong trào đã không thất bại. Trong vòng hơn một tháng sau sự việc, một cuộc săn lùng người có quy mô lớn đã diễn ra khắp Hà Thành và các vùng lân cận. Tất cả những người cầm đầu phong trào đều bị bắt giữ. Mười ba người cả thảy. Họ bị đưa ra chặt đầu.
Đám đông nín lặng. Không khí trong lành của buổi sáng lặng xuống. Chiếc camera trong tay Biên nặng trĩu. Thêm một cơn gió thoảng qua. Cụ tiếp tục câu chuyện bằng giọng trầm buồn.
Cụ Cả Liêm đã may mắn thoát được cuộc săn lùng đó. Nhưng cuộc trốn chạy đã không kéo dài được lâu. Quân Pháp tìm về nhà của Cả Liêm. Chính là ngôi nhà này. Chúng đã bắt tất cả già trẻ trai gái tập trung ngoài sân rồi ra lệnh, nội trong hai mươi tư giờ phải tìm ra Cả Liêm bằng không họ sẽ lần lượt chém đầu những người thân của ông, người đầu tiên họ nêu tên là cha tôi. Khi đó cha tôi còn bé lắm, chưa hiểu hết chuyện. Cả Liêm từ chỗ lẩn trốn nghe rõ từng lời. Buổi chiều khi quân Pháp rút lui, Cả Liêm trở về nhà. Ở đây dân làng cũng tập trung đông đủ như hôm nay. Họ làm lễ tế sống người anh hùng trước khi Cả Liêm ra trình diện nhận án.
Trong trí nhớ non nớt, cha tôi nhớ rằng buổi chiều hôm đó, lễ tế sống vừa kết thúc, trời bỗng nổi giông. Một cơn cuồng phong đã nổi lên đánh đổ cây sấu ở bên trái nhà. Cả Liêm quỳ lậy dân làng lần cuối cùng. Ngay ngày hôm đó, Cả Liêm bị đưa ra chặt đầu. Bọn Pháp đã chọn chính nơi tôi đang ngồi. Cả Liêm đứng giữa sân, mặt nhìn về phía ban thờ tổ tông, đầu ngẩng cao. Thái độ bình tĩnh của Cả Liêm khiến bọn Pháp không dám trói ông, chúng để ông đứng tự do giữa trời đất.
Sau khi hành quyết, bọn lính Pháp chỉ lấy đầu của Cả Liêm mang đi và để lại thân thể của ông. Không ai biết chúng mang đầu đi đâu. Có người bảo rằng chúng mang biêu ở Hà Nội ngoài Cửa Nam, có người lại bảo chúng biêu ở chỗ công viên Lê-Nin bây giờ. Từ đó đến nay gia đình tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc tìm kiếm nhưng những thông tin về vụ "Hà Thành đầu độc" cứ thưa dần rồi chìm hẳn, các nhân chứng của vụ việc năm nào dường như đã thất lạc hết. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa tìm được đầu của cụ Cả Liêm.
Cụ Hồng cúi đầu hướng về phía làng. Đứng cạnh Biên, chiếc micro trên tay Toàn khe khẽ rung. Trên ban thờ, những nén hương mới thắp bỗng bùng cháy. Mọi người ồ lên vẻ hốt hoảng và kinh ngạc, cụ Hồng cúi đầu khấn lạy. Khi những tàn hương dịu xuống, cụ tiếp tục câu chuyện.
Cha tôi kể rằng, máu của cụ chảy xuống phía làng nhuộm đỏ vạt đồi khiến bọn Pháp thất kinh bỏ chạy. Người nhà chúng tôi sau khi an táng xong cho Cả Liêm cũng không ai dám đến ở, thành ra ngôi nhà bị bỏ hoang. Những cây sấu già che chắn cho ngôi nhà khỏi sự tò mò bên ngoài. Từ khi còn nhỏ tôi đã nghe các bậc cao niên trong làng đồn rằng, vì chưa tìm được đầu nên hồn của Cả Liêm vẫn quanh quẩn trong làng. Vào những đêm rằm, có người nhìn thấy cụ Cả ngồi ở giữa sân, hướng về phía làng. Người ta chắc chắn đấy là cụ Cả Liêm vì đó là một hồn ma không đầu.
4. Chiếc sập gụ ở phía dưới án hương được dọn dẹp sạch sẽ, Toàn và Biên đã xin phép cụ Hồng được ở lại ngôi nhà thêm một thời gian.
Buổi chiều khi buổi lễ kết thúc, dân làng ra về. Sau khi dọn dẹp tạm ổn ngôi nhà, cụ Hồng cho gọi Biên về. Trong câu chuyện của cụ những yếu tố lịch sử tưởng chừng như rõ ràng bỗng trở lên huyền bí.
- Anh Biên này - cụ Hồng chậm rãi nói - anh có nghĩ trận giông gió hôm nay là một điềm báo không?
- Cháu không hiểu ý cụ?
- Tôi thì nghĩ rằng kị Cả Liêm của anh đang về báo mộng. Mấy hôm nay tôi thường nằm mơ… Mà hình như anh duy vật nhỉ?
Biên khẽ cười. Thực ra từ khi hợp tác với Toàn, Biên đã thay đổi nhiều. Toàn tuy còn trẻ nhưng ở cậu ta có một điều gì đó gây cho Biên một sự tò mò nhất định. Có lẽ do cậu ta ma lanh, luôn biết cách gây sự chú ý của người khác. Có lần Toàn bảo Biên "Em được thừa hưởng từ ông nội em khả năng ngoại cảm". Lần đó Biên vừa nhấp một ngụm bia nên suýt bị sặc. Vậy mà hai tuần sau, trong một cuộc ghi hình, một vị khách mời đã thách đố Toàn tìm được phần mộ của người thân với rất ít thông tin. Toàn lặng im. Cuối buổi ghi hình, Toàn gặp riêng vị khách mời để đưa ra những chỉ dẫn về mộ phần. Câu chuyện diễn biến sau đó như thế nào thì Biên không quan tâm lắm. Nhưng từ đó, Biên nhìn Toàn khác trước.
- Cháu không chắc là người hoàn toàn duy vật.
- Câu chuyện tôi sắp kể cho anh nghe không phải là mê tín, cụ Hồng cất giọng trầm trầm của tuổi xưa nay hiếm nói với Biên, mấy hôm nay tôi thường mơ về một dáng người đàn ông, người đó có cùng dáng hình với cha tôi, một người đàn ông còn trẻ về tận đầu giường của tôi nói chuyện. Tôi cố nhìn để nhận mặt, rồi phát hiện ra là người đó không có đầu, máu cứ chảy dầm dề từ cổ ra. Ban đầu tôi cứ ngỡ là mệnh của tôi đã hết, nhưng khi tỉnh dậy tôi mới hiểu ra, đó là một sự báo mộng. Cụ Hồng ngừng lời. Anh hiểu lời tôi chứ?
Biên khẽ gật đầu.
- Vâng!
Thực ra Biên không hiểu lắm những điều mà cụ nội anh muốn nhắn nhủ với anh. Có thể tuổi già đang bào mòn sự minh mẫn cuối cùng của cụ cố.
Buổi tối, trên chiếc chiếu hồi sáng ở giữa sân, Toàn hí hoáy kiểm tra lại hệ thống ghi hình đã cài đặt ở mọi nơi trong ngôi nhà. Toàn bảo Biên "Nếu câu chuyện của cụ cố nhà anh không phải là mê tín thì hồn ma là có thật". Biên nhìn Toàn ngạc nhiên "Là dân ngoại cảm, cậu tin vào hồn ma không?". Toàn không trả lời, chỉ nở một nụ cười khó hiểu nhìn Biên. Rồi không để Biên có thời gian suy ngẫm, Toàn nói tiếp "Muốn biết hồn ma của cụ Cả Liêm có thật hay không thì chỉ có một cách. Chúng ta có thể đặt máy quay tia hồng ngoại. Hôm nay mười ba, mai mười tư, kia sẽ là mười rằm trăng tròn. Nếu trận giông gió hôm qua là một điềm báo thì nhất định cụ Cả Liêm sẽ xuất hiện. Anh có muốn chúng ta quay phim để minh chứng cho cụ cố nhà anh không? Có vẻ như cụ cố đang rất mong mỏi hoàn thành sứ mệnh của gia đình anh".
Biên gật đầu đồng ý với ý kiến của Toàn. Toàn nói đúng về mong ước của cụ cố. Từ khi anh còn nhỏ, anh vẫn thường nghe cụ cố nhắc nhiều lần đến việc tìm kiếm thông tin về phần thi thể khuyết thiếu của cụ Cả Liêm. Cha anh đã dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin về những người đã chứng kiến cuộc hành quyết những chí sĩ yêu nước của cuộc "Hà Thành đầu độc" với hi vọng tìm ra manh mối nơi bọn Pháp ném chiếc đầu. Nhưng thời gian cứ trôi, những chứng nhân của lịch sử cứ dần biến mất. Những gì cha anh tìm được thì những nhà sử học cũng tìm ra, tuyệt nhiên không có thông tin về nơi chôn cất phần đầu của Cả Liêm.
Mười giờ đêm. Trăng đêm mười ba khuyết một mảnh chênh chếch ở phía cuối sân trên nền trời trong veo, gió từ làng thổi vào sườn đồi dịu nhẹ. Toàn thì thầm như nói một mình "Thật kỳ diệu, ngôi nhà này bỏ hoang hơn một trăm năm mà không hôi hám, quang cảnh vẫn như có người ở". Biên gật đầu. Mọi suy nghĩ của Biên trở lên hỗn loạn. Gần ba mươi năm sống trên đời, Biên đã đọc rất nhiều sách, hiểu tường tận lịch sử của đất nước nhưng những câu chuyện anh hùng dù bi hùng đến đâu đối với anh thật xa xôi, dường như nó chỉ tồn tại trên giấy mực không liên can gì đến cuộc sống của anh. Vậy mà hôm nay, những câu chuyện đó đang trở thành câu chuyện thật của gia đình anh.
Trời về đêm. Toàn bảo "Em tính sẽ biên tập câu chuyện này thành một dị truyện, anh nghĩ sao? Chúng ta sẽ xây dựng một kịch bản với những yếu tố tâm linh...". Toàn bỏ lửng câu nói. Biên nén tiếng thở dài. Có khi nào Toàn không duy tâm như Biên nghĩ. Câu chuyện ngoại cảm của cậu ta chỉ là một trong những chiêu trò gây chú ý như cậu ta vẫn thường dùng để biên tập lại chương tình nhằm tạo tính giật gân.
5. Buổi đêm cứ thế trôi qua, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ rồi ngủ quên ngay trên nền chiếc chiếu mới.
Đêm ngày mười ba, rồi đêm ngày mười tư của tháng… Sau mỗi đêm, mặt trăng tròn hơn, sáng hơn. Lúc đi qua án thờ để tìm bật lửa, Biên khẽ rùng mình. Không gian trở nên tĩnh mịch. Ngôi nhà u tịch cuộn mình vào những tán sấu già. Toàn bắt đầu mất kiên trì: "Anh có tin rằng cụ anh không kể chuyện mê tín chứ?". Biên cố trấn an Toàn: "Sao cậu hỏi tôi? Cậu vốn là nhà ngoại cảm thì cậu phải cảm nhận rõ hơn tôi". Toàn im lặng ngửa cổ ngắm trăng. Một lúc cậu ta tiếp tục bảo: "Đêm mai là rằm. Nếu không có chuyện gì bất thường xảy ra, chúng ta sẽ trở lại Hà Nội. Thời gian không còn nhiều, chúng ta cần phải viết kịch bản mới cho chương trình nếu không chúng ta sẽ thất nghiệp". Biên thủng thẳng đáp: "Ừ, có lẽ phải thế".
Buổi chiều cụ Hồng gọi Biên về đưa cho anh ít hương hoa dặn thắp hương ngày rằm. Biên chần chừ một lúc rồi hỏi.
- Cụ có tin vào hồn ma không?
Cụ Hồng ngước đôi mắt đục ngầu nhìn Biên.
- Ở tuổi này rồi thì tôi chỉ tin vào những điều mắt thấy tai nghe thôi.
Trở lại ngôi nhà cổ, Biên lau chùi án hương, sắp xếp lại ban thờ và bày hương hoa. Chai rượu mua từ Hà Nội mang về được Biên rót vào hai chiếc nậm to đặt hai bên ban thờ. Toàn một mình lắp hệ thống camera xung quanh ngôi nhà.
Mười giờ tối. Ánh trăng rọi xuống sân nhà in hình của Toàn và Biên lên chiếc chiếu mới. Hai nậm rượu thờ được đưa xuống đã vơi gần hết, Toàn cầm lên định rót chén cuối cùng khi cơn gió táp vào ngọn đồi. Chiếc nậm rượu trên tay của Toàn rơi xuống chiếu lăn về phía sườn dốc. Biên đứng lên chạy theo nhặt chiếc nậm, nhưng rồi bàn chân bỗng trở lên quýnh quáng, thiếu chút nữa thì Biên hét to. Toàn ngước nhìn Biên. Hai khuôn mặt đồng thời trở nên méo mó. Sự hoảng hốt hiển hiện trên từng nét mặt. Đồng loạt những ánh đèn tự động của camera bật lên báo hiệu một sự ghi hình bắt đầu.
Trong không gian u tịch của ban thờ, ánh trăng rọi xuống lờ nhờ. Trên bức vách phía sau án thờ chập chờn một chiếc bóng. Biên không chắc. Toàn cũng không đủ tự tin đó có phải là bóng người không. Họ đứng chôn chân ngay tại sân. Sự lanh lợi của những biên tập viên truyền hình, những người có thói quen diễn thuyết dường như biến mất.
Chiếc bóng đung đưa đối diện với họ như thế một lúc.
Biên khẽ rùng mình, nắm chặt bàn tay để không quỵ ngã.
Cơn gió tiếp theo dội vào ngọn đồi. Cây sấu già trước thềm rụng lá ào ào đổ xuống sân tạo thành thứ âm thanh hỗn tạp, kỳ quái trong không gian tĩnh mịch.
Chiếc bóng chùng chình trên bức vách, bước ra khỏi án thờ và di chuyển về cửa sổ ở gian bên cạnh rồi đột nhiên biến mất.
Toàn ú ớ một vài từ trước khi thả người ngồi phịch xuống chiếu. Cơn gió cuối cùng quất vào ngọn đồi rồi dừng hẳn. Cây sấu già dừng đung đưa. Đêm sâu thẳm. Ánh trăng mờ dần trước khi khuất hẳn sau đám mây. Ánh đèn tự động của những chiếc camera đã tắt từ lâu. Toàn và Biên ngồi bất động rất lâu trên chiếc chiếu.
Mọi suy nghĩ của Biên dường như trở nên hỗn độn hơn lúc nào hết. Anh đã uống quá chén hay đó chính thực là hồn ma?
Toàn lật bật mở lại camera. Hình ảnh trên những thước phim ghi được chỉ lờ mờ. Rõ ràng hồi chiều, Toàn và Biên đã điều chỉnh rất cẩn thận từng chiếc. Hay là những cơn gió mạnh đã khiến những chiếc camera bị rung hình? Dù đã cố gắng hết sức để chỉnh sửa nhưng những hình ảnh thu được vẫn chỉ là một vệt mờ không thể phân định.
6. Năm giờ sáng. Không gian tĩnh mịch như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cây sấu già vẫn vươn những cành chắc khỏe cuộn ngôi nhà vào màn đêm. Toàn và Biên thu dọn đồ đạc trở lại Hà Nội. Họ còn nhiều thứ để làm.
Biên tìm gặp những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tâm linh để giải tỏa sự tò mò. Nhưng dường như mọi câu giải thích đều không thỏa đáng với anh. Những hình ảnh đó không nói lên được điều gì to tát. Nó có thể là khúc xạ của ánh trăng rằm, theo giải thích của một nhà vật lý học, ánh trăng rằm có độ sáng lớn dễ gây khúc xạ và tạo ảo giác hình ảnh, nhất là vào những đêm gió mạnh, vạn vật chuyển động. Toàn gật gù tỏ ra tin những lời giải thích đó. Nhưng Biên thì không tin. Anh muốn tìm ra lời giải đáp thực sự.
Sau một tuần làm việc căng thẳng, từ những thước phim ghi được và câu chuyện của chính gia đình mình cùng những gì đã diễn ra tại làng Cao Xá Trung, Biên đã biên tập thành công chương trình "Chứng nhân lịch sử". Mục đích ban đầu mà Toàn đưa ra là đánh vào tâm lý tín ngưỡng của khán giả để gây chú ý đã bị Biên loại bỏ. Biên không muốn lợi dụng văn hóa duy tâm của họ, anh chỉ muốn tìm được nhân chứng giúp anh dựng lại những câu chuyện lịch sử bi hùng của một thời đại.
Đó là một chương trình trực tiếp. Ba mươi phút sau khi bắt đầu phát sóng, điện thoại của ban biên tập không ngừng đổ chuông. Có rất nhiều những hậu duệ của các chí sĩ đã bị hành quyết đã gọi đến khi nhận ra câu chuyện của gia đình mình trong đó, họ muốn kể thêm cho Biên nhiều chi tiết, nhiều câu chuyện nhưng tuyệt nhiên không có chút thông tin về phần khuyết thiếu của cụ Cả Liêm.
Buổi tối khi trở về nhà, Biên gọi điện xin lỗi cụ cố vì không thể thực hiện được ước nguyện của cụ. Thời gian đã trôi qua lâu, những nhân chứng của sự kiện cũng đã về với cát bụi, việc tìm lại phần thi thể khuyết thiếu có lẽ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Đợi Biên nói xong, cụ cố cười lớn hỏi anh.
- Anh Biên này, anh có tin vào hồn ma không?
- Sao cụ lại hỏi con như thế?
- Vì nếu anh tin thì tại sao anh còn tìm nhân chứng? Người ta chỉ tìm nhân chứng khi họ duy vật. Những người duy tâm không cần nhân chứng. Nếu anh tin hồn ma thì anh đừng mất công tìm nhân chứng nữa, anh sẽ không thấy đâu.
Cụ Hồng dừng lại vài giây.
- Anh giống ta, chúng ta đều là những người duy vật, chỉ tin vào những điều mắt thấy tai nghe.
- Còn buổi tế lễ? Tại sao…
- Ta đã già rồi, nếu ta không kể bây giờ thì ai sẽ là người ghi nhớ ký ức của làng? Không có ký ức làng thì hồn ma cũng biến mất, sẽ không ai biết câu chuyện mà đồn đại.
Lời của cụ Hồng cũng chính là suy nghĩ của anh khi biên tập chương trình. Toàn bảo: "Anh quá mạo hiểm, anh không sợ bị mất việc sao? Khán giả bây giờ khôn lắm họ chỉ chọn xem những chương trình đáp ứng được sự tò mò của họ thôi. Ngày nay còn mấy ai quan tâm đến quá khứ". Biên cười: "Tôi sợ nếu không mạo hiểm bây giờ thì sẽ muộn mất. Rất nhiều chứng nhân đã ra đi".
Hai tuần sau cuộc điện thoại với cụ Hồng, đích thân Tổng giám đốc của nhà đài gọi Biên lên giao cho anh phải khẩn trương làm thêm những số mới. Khán giả từ khắp nơi gọi về, họ muốn kể ra những câu chuyện của gia đình mình, muốn Biên giúp họ tìm kiếm nhân chứng làm sống lại những hồn ma. Toàn ngơ ngác còn Biên thì bất ngờ. Hóa ra khán giả bây giờ khôn thật.