Chiếc hòm gỗ nổi trên mặt nước

Thứ Sáu, 18/03/2022, 12:09

Vào thời Càn Long nhà Thanh, một buổi sáng khi Tri huyện Tĩnh Hưng đang bận việc thì đột nhiên tiếng trống kêu oan trước cửa nha môn vang lên, ông vội sai nha dịch dẫn người đánh trống kêu oan vào công đường.   

Một lúc sau, một người đàn ông trạc 60 tuổi được đưa đến. Ông ta khóc lóc thảm thiết: "Tri huyện đại nhân, con trai tiểu nhân bị kẻ ác giết hại, quan lớn giải nỗi oan cho con trai của tiểu nhân". Tri huyện vội hỏi người đó đầu đuôi sự việc ra sao? 

Hóa ra ông lão họ Lư nhà ở phía Tây huyện lỵ có một người con tên là Lư Sinh sống bằng nghề đánh cá. Hôm nay như thường lệ Lư Sinh dậy sớm mang cá ra chợ bán, không ngờ một người hàng xóm đi chợ phát hiện Lư Sinh bị giết trong một con ngõ hẻo lánh gần chợ. Người hàng xóm vội báo tin cho ông lão họ Lư.  Khi ông lão đến nơi nhìn thấy con trai bị chết thì ngất xỉu, tỉnh dậy vội vã đến nha môn đánh trống kêu oan.

Sau khi nghe ông lão nói tình hình, Tri huyện dẫn ngay mấy nha dịch đến hiện trường thì thấy một người đàn ông trạc 30 tuổi nằm trên mặt đất, ở cổ có vết cắt rất sâu. Nạn nhân đã chết lâu rồi, bên cạnh nạn nhân có đôi quang gánh và hai cái rổ không.

Chiếc hòm gỗ nổi trên mặt nước -0
Minh họa: Phạm Minh Hải

Ông lão vừa khóc vừa nói: "Tri huyện đại nhân, nó là con trai tiểu nhân ...". Sau khi kiểm tra rất kỹ thi thể nạn nhân, Tri huyện thấy rằng ngoài vết cắt trên cổ thì trên người nạn nhân không có vết thương nào nữa và cũng không có dấu vết vật lộn ở hiện trường. Điều này chứng tỏ nạn nhân không nhận ra mối nguy hiểm trước khi chết nên khi hung thủ ra tay nạn nhân không có sự phòng bị nào.

Tri huyện chau mày suy nghĩ: Hung thủ ra tay rất tàn độc, không biết đây là giết người cướp của hay trả thù? Lúc này, ông chú ý thấy tay phải của nạn nhân nắm chặt vào cạp quần như đang giữ vật gì đó. Ông vội cạy tay của nạn nhân thấy trong cạp quần có một túi vải nhỏ, trong túi có mấy miếng bạc vụn và một số đồng tiền bằng đồng, đây chắc là tiền bán cá buổi sáng của nạn nhân.

Từ phát hiện này, Tri huyện cho rằng hung thủ giết người không phải để cướp tiền mà là một nguyên nhân khác. Nhưng khi bị giết do phản ứng tự nhiên nạn nhân đã đưa tay giữ chặt cái túi tiền. Tri huyện suy nghĩ hồi lâu rồi hỏi lão Lư xem con ông có thù oán với ai không?

Lão Lư nói rằng con trai là người trung thực, hàng ngày đánh cá và đi bán không tranh chấp thù oán với ai. Sau đó lão Lư cùng mấy người hàng xóm mang thi thể con trai về nhà làm lễ an táng.

Tri huyện dẫn mấy nha dịch vào trong chợ để dò tìm manh mối phá án nhưng đến chiều vẫn không tìm thấy manh mối gì cả. Khi Tri huyện đang cảm thấy thất vọng thì một người hàng xóm của nhà họ Lư đột nhiên báo với ông rằng, anh ta nhớ ra cách đây hơn một năm, nạn nhân có cãi nhau một trận kịch liệt với Thôi Căn - một người sống ở gần khu chợ. 

Thôi Căn ngang tuổi với Lư Sinh, kiếm sống bằng nghề lái đò chở khách trên sông. Vì cả hai cùng kiếm sống bằng nghề sông nước nên họ có mối quan hệ thân thiết với nhau. Một ngày cách đây hơn một năm, một nhà buôn tên là Mã Lập đi thuyền của Thôi Căn lên Huyện Thành, không ngờ khi thuyền ra giữa sông thì gặp dòng nước xiết, thuyền chao đảo, chòng chành hất 4 chiếc hòm gỗ của nhà buôn xuống sông.

Thôi Căn thấy vậy vội liều chết nhảy xuống sông vớt những chiếc hòm gỗ lên thuyền. Để tỏ lòng cảm ơn Thôi Căn, nhà buôn đưa cho Thôi Căn 50 lạng bạc. Khi sự việc xảy ra, Lư Sinh đang đánh cá gần đó biết hết đầu đuôi sự việc. 

Thôi Căn thường trò chuyện với mọi người rằng anh ta đã rất cố gắng để vớt những chiếc hòm gỗ đựng đầy bạc của Mã Lập. Còn Lư Sinh thì nói với mọi người rằng những chiếc hòm gỗ đó không nặng lắm vì khi rơi xuống sông nó nửa nổi nửa chìm, nếu đựng đầy bạc thì những chiếc hòm đó đã chìm ngay khi bị rơi xuống sông. 

Một hôm Thôi Căn đang thao thao bất tuyệt với mọi người về việc mình liều chết vớt những những chiếc hòm gỗ đựng đầy bạc thì Lư Sinh đi đến. Lư Sinh nói thẳng quan điểm của mình về những chiếc hòm gỗ nên hai người xảy ra mâu thuẫn rồi cãi vã nhau kịch liệt. May mà mọi người can ngăn nếu không sẽ dẫn đến thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Từ bữa đó hai người không quan hệ với nhau còn Thôi Căn thì lại rất thân thiết với Mã Lập, thường đến cửa hàng của ông ta chơi ...

Sau khi nghe người hàng xóm nói tình hình, Tri huyện nghĩ: Chả nhẽ chỉ vì mâu thuẫn nhỏ hơn một năm trước mà Thôi Căn đã sinh thù oán giết Lư Sinh?

Nghĩ đến đây, Tri huyện lệnh cho nha dịch đi bắt Thôi Căn về nha môn đồng thời điều tra tung tích của Thôi Căn trong buổi sáng ngày xảy ra án mạng. Khi thăng đường xét xử, Thôi Căn một mực phủ nhận việc mình giết Lư Sinh, Thôi Căn nói rằng đã hơn một năm nay anh ta cắt dứt mọi quan hệ với Lư Sinh.

Thấy cuộc thẩm vấn không có kết quả, Tri huyện có phần nào tin vào lời nói của Thôi Căn. Đúng lúc này, nha dịch đi điều tra tung tích của Thôi Căn báo rằng hàng ngày khi mặt trời nhô ra khỏi núi là Thôi Căn đi ra bến sông chở khách. Hôm xảy ra vụ án cũng vậy, có người vẫn nhìn thấy anh ta có mặt ở bến sông đúng giờ như mọi ngày.

Nghe xong tình hình, Tri huyện vẫy tay cho Thôi Căn rời khỏi Nha môn tiếp tục về bến sông chở khách. Nhìn theo hình bóng của Thôi Căn, Tri huyện thấy rằng xem ra không phải anh ta là hung thủ. Vậy cuối cùng hung thủ là ai? Có lẽ vụ án này trở thành vụ án treo? 

Hơn ba tháng trôi qua, Tri huyện vẫn không tìm ra manh mối để phá án. Một ngày trong lòng cảm thấy buồn bực nên ông mặc thường phục đi dạo trên phố. Khi đang bước đi, ông đột nhiên nhìn thấy Thôi Căn bước ra từ một cửa hàng có tên "Hoàng Ký Tiền Trang", đây là cửa hàng của nhà buôn Mã Lập.

Tri huyện thuận chân bước vào cửa hàng hỏi Mã Lập xem Thôi Căn đến đây có việc gì thì Mã Lập nói rằng Thôi Căn đến để gửi 50 lạng bạc.   

Tri huyện lại hỏi hiện tại Thôi Căn gửi ở đây bao nhiêu lạng bạc, chủ tiệm mở sổ nói rằng Thôi Căn gửi ở đây hai món, một món gửi hơn một năm trước 50 lạng và món gửi hôm nay là 50 lạng.

Nghe Mã Lập nói mắt Tri huyện sáng lên, ông vội trở về huyện sai người đi bắt ngay Thôi Căn và ông chủ Mã Lập cùng toàn bộ sổ sách của cửa hàng mang về nha môn.

Sau khi đọc xong sổ sách của cửa hàng, Tri huyện ra lệnh thăng đường xét xử vụ án.

Thôi Căn được đưa ra công đường trước, Tri huyện đập "Kinh đường mộc" hỏi Thôi Căn nguồn gốc 100 lạng bạc gửi trong cửa hàng "Hoàng Ký Tiền Trang" thì Thôi Căn ngây người một lúc mới trả lời: "Tri huyện đại nhân, hơn một năm trước vì tiểu nhân vớt 4 cái hòm cho Mã Lập nên ông ta cho tiểu nhân 50 lạng và tiểu nhân đã gửi 50 lạng này vào cửa hàng, hôm tiểu nhân gửi tiếp 50 lạng là do tiểu nhân tích cóp được".

Tri huyện hỏi: "Ngươi nói láo! Ba tháng trước, ta cho người đi điều tra biết được ngươi làm nghề lái đò cũng chỉ đủ ăn làm gì mà tích cóp được 50 lạng bạc? Ngươi chơi thân với Mã Lập từ lâu rồi sao không gửi vào cửa hàng ngay. Bản quan đã xem kỹ sổ sách của cửa hàng thấy vốn của cửa hàng rất ít sao ngươi lại nói là 4 cái hòm gỗ của Mã Lập đựng đầy bạc?".

Trước hàng loạt câu hỏi của Tri huyện, Thôi Căn toát mồ hôi đành phải khai rằng Mã Lập đã thuê anh ta giết Lư Sinh và 50 lạng bạc mới gửi là tiền công Mã Lập trả.  

Mã Lập là người buôn bán dược liệu ở Lô Châu vì làm ăn thua lỗ nên đã chuyển sang kinh doanh ngân hàng để sinh lời nhanh nhưng do ít vốn không được người ta tín nhiệm nên đã chuẩn bị 4 hòm gỗ to bên trong đựng những đồ vớ vẩn và cố ý làm cho 4 hòm gỗ rớt xuống sông để vớt lên. Sau đó qua miệng Thôi Căn tung tin khắp nơi là 4 hòm đựng đầy bạc để tạo lòng tin với mọi người là hắn có nhiều vốn, việc này Mã Lập đã trả cho Thôi Căn 50 lạng bạc.   

Mã Lập và Thôi Căn tưởng rằng việc họ làm che mắt được thiên hạ nhưng không ngờ Lư Sinh dựa vào kinh nghiệm của mình đã khẳng định rằng 4 cái hòm gỗ nổi trên mặt nước không phải đựng bạc, sự việc này đã sinh ra trận cãi cọ giữa hai người.

Sau khi Mã Lập mở ngân hàng, Lư Sinh biết hắn không có nhiều vốn nên khuyên mọi người không nên gửi tiền vào ngân hàng của Mã Lập nên việc làm ăn của hắn không phát đạt. Với mối hận này, hắn đã thuê Thôi Căn giết Lư Sinh với tiền công 50 lạng bạc. Hôm đó Thôi Căn dậy sớm đón lõng Lư Sinh trong con ngõ và giết Lư Sinh, khi gây án xong hắn vẫn có mặt đúng giờ ở bến sông ...

Nguyễn Thiêm (dịch)

Khảo Vi (Trung Quốc)
.
.