Bạn tôi

Thứ Năm, 09/12/2021, 14:33

Nhi còn nhớ mãi một kỷ niệm buồn hồi mới cưới. Cường hứa với vợ sẽ xin nghỉ phép một tuần để cùng nhau hưởng “tuần trăng mật” trên Sa Pa, nhưng rồi lại lỡ hẹn do đơn vị đang tập trung triển khai tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các doanh nghiệp. Tuy buồn nhưng Nhi không hề phàn nàn, trách móc chồng, bởi ngay từ khi mới yêu nhau, Nhi đã xác định lấy chồng Công an phải chấp nhận nhiều thiệt thòi. Hãnh diện đấy nhưng cũng phải chịu không ít những hy sinh.

Vừa bước ra khỏi cầu thang máy, cô bạn cùng phòng làm việc với tôi đã vội “khoe”:

- Anh Quang ơi, sáng sớm nay mới xảy ra vụ cháy lớn quá anh ạ.

- Cháy ở đâu?

- Dạ, cháy ngôi nhà năm tầng của một hộ dân trên phố Thụy Phong.

Nói rồi cô gái mở màn hình điện thoại đưa cho tôi: “Đây, anh xem đi”. Tôi chợt giật mình khi thấy phía dưới dòng chữ in đậm: “Chiến sỹ trẻ băng mình qua biển lửa cứu sống bé trai bảy tuổi” là hình ảnh người cảnh sát trẻ, mặt mũi lấm lem khói bụi, quần áo loang lổ vết xém, hai tay ôm em bé lao ra từ khói lửa của ngôi nhà năm tầng đang hừng hực cháy, tôi nhận ra Thiếu úy Đinh Việt Cường, người bạn thân nhất của tôi. Tôi vội phóng xe đến trụ sở cơ quan của Cường, mới hay chuyện khủng khiếp vừa xảy ra ban sáng…

Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Trung đầy nắng và gió, mười tám tuổi, Việt Cường được tuyển nghĩa vụ Công an, rồi được điều động về phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh. Như bao đồng nghiệp trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết, Cường rất đỗi tự hào khi được khoác lên người bộ quân phục màu xanh, được đứng trên chiếc xe màu lửa, giữ cho cuộc sống bình yên. Đạt thành tích cao trong chuyên môn, nghiệp vụ và huấn luyện, lại có năng khiếu thể thao, nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Việt Cường được đơn vị đặc cách giữ lại.

Đặc biệt, Cường có năng khiếu môn bóng bàn, từng đoạt giải Nhất tại giải thi đấu bóng bàn do Thành đoàn tổ chức. Trong cuộc thi ấy, tôi là đối thủ của Cường bị thua cuộc, chấp nhận giải Nhì. Kể từ đó, chúng tôi thường xuyên giao lưu mỗi khi có điều kiện, vì nhà tôi chỉ cách chỗ Cường ở có một con phố. Thế là hai chúng tôi trở thành đôi bạn thân lúc nào không biết…

Bạn tôi -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nghe tin Cường đang phải cấp cứu, tôi liền phóng xe vào bệnh viện. Vừa nhìn thấy tôi, Cường đã nhanh nhảu:

- Ơ Quang, sao cậu biết tớ ở đây?

- Cậu chưa biết sao? Ảnh cậu ôm đứa bé thoát ra khỏi đám cháy đang tràn khắp trên mạng. Đây cậu xem đi.

Vừa nói, tôi vừa mở điện thoại đưa cho Cường xem. Nó thản nhiên:

- Việc dập lửa, cứu người, cứu tài sản là “chuyện thường ngày” của lính cứu hỏa, cứu nạn, cứu hộ thôi mà, có gì đâu chứ.

- Ơ, bất chấp hiểm nguy, lao vào lửa cứu người, đó là hành động anh hùng, cậu phải tự hào chứ?

- Khi người dân gặp sự cố, giữa sự sống và cái chết chỉ được tính bằng giây. Việc giành lại sự sống cho họ là công việc đương nhiên, là tình cảm và trách nhiệm của người chiến sỹ Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ. Ai trong tình thế này cũng sẽ làm như vậy - Cường cười hồn hậu.

Nhìn đoạn băng trắng toát quấn xung quanh đùi, tôi ái ngại hỏi Cường:

- Làm sao mà bị thương thế này?

- À, là do thanh sắt quật vào, lúc tớ cùng đồng đội đang phá khóa cửa ở tầng một, chợt mái hiên phụ bị sập xuống.

- Thế xương có bị sao không?

- Không sao cả, cậu yên tâm. Chỉ rách một đoạn phần mềm dài bằng ngón tay thôi. Lúc bác sỹ khâu vết thương, tớ chẳng biết gì. Hơn tiếng sau tỉnh lại, được tiếp nước và ăn tô phở, sức khỏe lại bình thường. - Cường cười vô tư nói.

Tôi biết Cường rất đau, nhưng Cường chịu đựng giỏi và gan lắm. Nhiều lần sau khi đi chữa cháy về, trên người bị trầy xước toạc cả da thịt, hoặc bị vết bỏng to bằng cái miệng bát, nhưng Cường cũng không chịu đi thăm khám. Nó bảo: “Da tớ chóng lành lắm, chỉ rắc ít thuốc bột lên vết thương hay bôi tí thuốc mỡ lên vết bỏng vài lần là khỏi ngay”. Nó còn tếu táo: “Mà không có những vết tích trên thân thể thì không phải là lính cứu hỏa và cứu nạn, cứu hộ rồi”.

Tôi thầm khen thằng bạn dũng cảm, gan dạ mà khiêm tốn.

Thấy tôi sốt ruột, muốn biết tường tận về vụ cháy lúc rạng sáng, Cường thong thả kể:

- Khoảng bốn giờ sáng nay, khi tớ đang định dắt xe máy ra để về quê thì chợt nghe  tiếng “Keng…Keng…Keng…”. Đã thành thói quen, khi nghe hiệu lệnh báo cháy, trong vòng một phút, mọi chiến sỹ trong ca trực chiến đều phải có mặt trên xe để xuất phát. Tớ vội chạy vào nhà mặc bộ quần áo bảo hộ rồi ào lên xe, lúc đó mới kịp đội mũ bảo hộ và xỏ ủng. Ba phút sau, đoàn xe đã tiếp cận được hiện trường là ngôi nhà năm tầng trên phố Thụy Phong đang hừng hực cháy. Ngay lập tức, mọi người leo thang lên các tầng, phá cửa và đưa lăng vào chữa cháy. Tớ cùng một đồng đội cầm lăng đi lên tầng trên theo lối cầu thang. Vừa qua cầu thang tầng một thì bị ngọn lửa “liếm” vào bả vai, làm cháy xém một mảng áo. Cùng lúc đó có tiếng kêu cứu thất thanh: “Vẫn còn người mắc kẹt trong nhà”. Quên cả bỏng rát, tớ vọt lên tầng ba, thấy một bé trai chừng bảy tuổi nằm sấp dưới gầm giường đang thoi thóp thở, có lẽ do bị ngạt khói. Trong tích tắc, tớ lôi được thằng bé ra, bế lên rồi lấy hết sức bình sinh, chạy một mạch xuống tầng một thoát ra ngoài trong khói lửa mịt mù. Thằng bé được đồng đội sơ cứu rồi đưa lên xe chỉ huy chữa cháy, chạy thẳng vào bệnh viện cấp cứu.

- To khỏe như cậu mới có sức chịu đựng và can đảm cứu nổi, chứ như tớ mà chạy vào cứu, có khi lại trở thành nạn nhân.

- Thú thật với cậu, lúc ôm được thằng bé thoát ra khỏi ngôi nhà vẫn ngùn ngụt cháy, tớ sung sướng đến chảy cả nước mắt, chẳng biết đói khát, đau đớn, mệt nhọc là gì. Khi trấn tĩnh lại, tớ mới cảm thấy đau rát ở bả vai. Bên đùi trái máu chảy ướt sũng ống quần. Lúc này, đồng đội xúm lại băng bó vết thương rồi đưa tớ vào viện.

Thấy Cường hào hứng kể, tôi động viên:

- Có lẽ vụ cháy này để lại cho cậu nhiều kỷ niệm nhất?

- Chuyện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì nhiều lắm, không sao kể hết. Như trận lũ quét hồi tháng bảy năm Đinh Dậu, hai người dân xã Tà Lĩnh bị nước cuốn trôi, tớ phải ngụp lặn dưới dòng nước đen kịt do ô nhiễm nặng để tìm kiếm. Sau hơn hai ngày kiên trì rà soát, tớ là người “may mắn” hơn hai đồng đội khác cũng đang thực thi nhiệm vụ trên khúc sông này, đã “mò” thấy một nạn nhân là phụ nữ bị phủ lớp dày bùn đất dưới đáy sông. Lúc đưa nạn nhân lên ngang mặt nước để cho vào bờ, mùi bùn đất lẫn mùi thi thể tanh nồng, khăn khẳn xộc vào mũi, đến giờ vẫn còn ám ảnh.

Chợt Cường ghé gần sát tai tôi, vẻ nghiêm trọng:

- Nhưng làm tớ thót tim nhất là vụ chữa cháy ở cây xăng Phú Bình Hưng. Cậu biết không, lần đầu tiên tớ nghe rõ tiếng xăng sôi khủng khiếp, người yếu bóng vía chắc ngất xỉu. Chỉ chậm một phút thì toàn bộ bình chứa xăng, xe bồn sẽ nổ tung, hậu quả không biết đâu mà lường, vì gần đó có một chợ dân sinh, bao nhiêu người. Thế nên từ Chỉ huy đến chiến sỹ quyết tâm xung trận. Tớ cùng một số anh em phải đứng rất gần với vật cháy, trực tiếp cầm lăng phun bọt để ngăn xăng tiếp cận với ô xy, mặc cho sức nóng tỏa ra vây ráp cơ thể. Chỉ một lát sau, đám cháy được dập tắt, toàn bộ bình chứa xăng, xe bồn được bảo toàn, mọi người thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân.

Nghe Cường nói mà tôi cũng rủn cả người, lòng thán phục tinh thần quả cảm của Cường và những người lính cứu hỏa. Tuy say sưa kể, nhưng trong đôi mắt Cường không giấu được nỗi buồn man mác… Tôi tò mò hỏi:

-Thế cậu về quê có việc gì mà định đi sớm vậy?

 Giọng Cường trùng xuống:

- Trong niềm vui khi cứu được đứa bé thoát khỏi lưỡi hái tử thần, tớ có điều băn khoăn, day dứt. Giá như không bị thương thì công tư trọn vẹn, tớ vẫn làm tròn bổn phận của người lính cứu hỏa trong vụ cháy, mà còn kịp về quê làm tròn chữ “hiếu” với trách nhiệm như người con trai bên gia đình nhà vợ. - Giọng Cường nghẹn lại:

- Chả giấu gì cậu, bố vợ tớ mới mất lúc ba rưỡi sáng do bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Nhận được tin báo của bà xã, tớ liền chạy sang gặp anh Sang - Chỉ huy ca trực. Anh ấy đồng ý cho nghỉ hai ngày. Nào ngờ, chưa kịp dắt xe ra thì hiệu lệnh kẻng báo cháy, lúc ấy quên hết mọi chuyện riêng tư, tớ vơ vội bộ quần áo bảo hộ khoác vào người rồi chạy lên xe đi làm nhiệm vụ.

Tôi thực sự xúc động, kêu lên:

- Trời ơi, sao cậu không nói cho tớ biết? Mà cậu hâm quá, Sếp đã đồng ý cho nghỉ rồi thì cứ việc về, sao phải ở lại đi chữa cháy?

- Đành rằng là vậy, nhưng tác phong người lính cứu hỏa đã thành nếp quen rồi. Một khi nghe thấy hiệu lệnh kẻng báo cháy thì dù đang làm bất cứ việc gì đều phải dừng lại và chạy ngay ra xe. Nhiều khi đang tắm, nghe thấy tiếng kẻng báo cháy, người còn đầy xà bông mà tớ cũng chẳng kịp xối nước, chỉ mặc vội bộ quần áo rồi chạy ra xe đang đợi sẵn trước cổng đơn vị. - Ngừng giây lát, Cường nhìn tôi nói tiếp:

- Lần đơn vị tổ chức liên hoan cuối năm và đón nhận danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” cũng thế, lúc cả khách và chủ chuẩn bị nâng ly thì có tiếng kẻng báo cháy, thế là tất cả anh em chạy hết lên xe đi chữa cháy, chỉ còn khách ở lại ngơ ngác nhìn nhau.

- Tớ chịu cậu, chỉ tội cho cái Nhi. Cùng lúc bố đẻ mất, chồng lại bị thương phải nằm viện, không biết nó có chịu đựng nổi không?

Nói thì nói vậy, chứ trong thâm tâm tôi cũng rất cảm thông cho hoàn cảnh của Cường, một người hùng thầm lặng trong bão lửa, bất chấp gian khổ, hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân mà hy sinh quyền lợi cá nhân. Nhìn nét mặt đăm chiêu, tôi dịu giọng động viên Cường:

- Này nhé, cậu cứ yên tâm ở đây điều trị, tớ sẽ về thay cậu cùng gia đình lo tang lễ cho “ông già”.

Cường nắm chặt bàn tay tôi lắc mạnh, mắt rưng rưng:

- Cảm ơn cậu nhiều lắm. Có cậu về thì vợ tớ cũng an tâm được phần nào.

- Cậu đừng khách sáo thế. Thôi tớ về đây, từ đây về quê chắc chỉ hơn tiếng đồng hồ…

Trên xe taxi về nhà Nhi, tôi cứ miên man suy nghĩ về hoàn cảnh gia đình cô. Là giáo viên mầm non với đồng lương khiêm tốn, Nhi vẫn phải tranh thủ thời gian nhận hàng về may để kiếm thêm thu nhập, chăm nuôi hai đứa con thơ và mẹ chồng già yếu. Hoàn cảnh gia đình bố mẹ đẻ Nhi cũng chẳng khá giả gì. Bố mẹ sinh được hai anh em, năm hai mốt tuổi, anh Nhi đột ngột ra đi trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Mẹ Nhi ngất lên ngất xuống mấy lần, sau đó mắc bệnh trầm cảm, sức khỏe giảm sút, chẳng làm lụng được gì. Sinh hoạt hằng ngày dựa vào đồng lương hưu và trợ cấp thương binh của bố.

Gần đây bố lại bị lâm bệnh nặng nên cũng cực lắm, cũng may Nhi lấy chồng cùng xã nên việc đi lại thăm nom bố mẹ được thuận tiện hơn. Lấy Cường, Nhi hy vọng là điểm tựa vững chắc, chăm lo giúp đỡ cho gia đình nhà ngoại mỗi khi có “công to việc lớn”. Nhưng cuộc sống không được đáp ứng như nàng kỳ vọng. Nghề phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đâu có phải lúc nào cũng chủ động được. Có những việc hệ trọng trong gia đình cần sự có mặt của chồng thì Cường lại vắng mặt do công việc đột xuất. Ấy là chưa kể những ngày lễ tết, người người, nhà nhà sum vầy, quây quần bên gia đình thì Cường phải cùng đồng đội trực chiến để xử lý tình huống lỡ xảy ra sự cố. Nhiều khi cả tháng Cường mới về thăm mẹ và vợ con được một ngày rồi lại đi ngay.

Nhi còn nhớ mãi một kỷ niệm buồn hồi mới cưới. Cường hứa với vợ sẽ xin nghỉ phép một tuần để cùng nhau hưởng “tuần trăng mật” trên Sa Pa, nhưng rồi lại lỡ hẹn do đơn vị đang tập trung triển khai tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các doanh nghiệp. Tuy buồn nhưng Nhi không hề phàn nàn, trách móc chồng, bởi ngay từ khi mới yêu nhau, Nhi đã xác định lấy chồng Công an phải chấp nhận nhiều thiệt thòi. Hãnh diện đấy nhưng cũng phải chịu không ít những hy sinh. Nhi còn nhớ như in lần Cường đưa cô về nhà mình “ra mắt” cô dâu tương lai, Cường nhìn nàng âu yếm:

- Cái nghề của lính cứu hỏa, khi có cháy thì người ta chạy ra để tránh ngọn lửa hung tàn, còn lính cứu hỏa lại chạy vào “giáp lá cà” với giặc lửa để cứu người, cứu tài sản. Em yêu anh có sợ nguy hiểm không?

Liếc mắt nhìn người yêu, Nhi cười tươi:

- Em chẳng sợ gì cả, chỉ lo nhất là anh không chung thủy với em thôi…

Lần đầu tiên Nhi phải lo một việc hệ trọng. Nhà neo người, họ hàng ruột thịt chỉ còn bà bác tuổi cũng gần tám mươi. Giờ này chắc Nhi đang tất bật cậy nhờ anh em họ hàng xa, bà con lối xóm lo thủ tục mai táng, tiếp khách…, chẳng có thời gian ngồi khóc than, tiếc thương người cha thân yêu đã khuất. Giá như lúc này có Cường ở nhà thì Nhi đỡ vất vả và yên tâm biết bao nhiêu…

Vừa nhìn thấy tôi, Nhi đã vội chạy ra nói trong tiếng nấc:

- Chào anh Quang, tình hình sức khỏe chồng em thế nào?

- Em yên tâm, Cường bị thương nhẹ ở đùi, chỉ vài ba ngày vết thương ổn định là ra viện thôi.

- Khổ thân em quá, có lẽ phải lo cúng ba ngày cho bố em xong mới lên thăm anh ấy được…

Chưa nói hết câu, Nhi đã òa khóc nức nở. Tôi thực sự xúc động và thương Nhi đã chịu thiệt thòi nhiều quá mà cũng chẳng giúp được gì ngoài những lời động viên, an ủi. Tôi bất giác nhớ lại lần tham gia đoàn nhà trai mang lễ đi “ăn hỏi” bên nhà Nhi. Theo kế hoạch, sáng hôm ấy Cường về sớm để tổ chức cho đoàn đi lúc mười giờ. Nào ngờ, buổi tối hôm trước có lệnh đột xuất của cấp trên, một trăm phần trăm quân số trong đơn vị được huy động đi chữa cháy rừng thâu đêm, suốt sáng. Gia đình họ nhà trai và họ nhà gái vẫn tiến hành nghi lễ ăn hỏi mà không có mặt chú rể, vì đã xem “ngày lành tháng tốt”…

Chiều hôm ấy, trong các đoàn đến viếng, tôi thấy có một đoàn khoảng hơn chục người trong trang phục chỉnh tề bước đều vào sân. Sau lời giới thiệu của Ban tổ chức lễ tang, tôi mới hay là đoàn đại diện cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh do Đại tá, Giám đốc Quách Hữu Đông làm trưởng đoàn. Trong tiếng nhạc trầm buồn, mọi người im lặng hướng về trước gian phòng đặt linh cữu, nơi đoàn đang đứng nghiêm trang, thành kính cúi đầu mặc niệm người quá cố.

Truyện ngắn của Trần Phúc Dương
.
.