Tần số cô độc
Một vài ngư dân nhận ra Mi, cất tiếng chào, Mi cũng đáp lại với một cái gật đầu và một nụ cười xã giao được tôi luyện sẵn sau nhiều năm làm việc ngoài kia - trên đất liền.
Làn da trần phơi nắng dần tê rát, Mi đành phải ngừng chân lại bên cạnh đường, bật ô lên, song gió lại thổi mạnh vụt cuốn cái ô đơn đi mất. Mi vừa kéo va li vừa chạy theo chiếc ô, gió tạt mang theo hơi muối làm Mi nhanh chóng cảm thấy chân tay nhơm nhớp. Có lẽ vì lâu rồi không về nhà, Mi thành ra trở thành người xa lạ ở đây, xạ lạ với nắng, và gió.
Chiếc ô bị vướng vào một bờ đá, Mi chụp lấy cán ô, cúi mình thở dốc. Vị mặn đọng trên đầu lưỡi, đã lâu rồi Mi không còn bắt được lại cảm giác này nữa.
Mở rộng tầm mắt phóng về nơi xa, thấp thoáng thấy được cổng trời, mỏm đá nhô lên từ biển bị thiên nhiên mài giũa trổ một lỗ hổng thu hút nhiều khách qua lại ấy tồn tại tự bao giờ chẳng hay. Chỉ biết rằng Mi đã được chiêm ngưỡng nó từ lúc còn nhỏ. Khi ánh sáng ban mai rọi qua cổng, lọt xuống mặt biển, bấy giờ nước trong thấy được cả san hô và rong rêu dưới đáy.
Bên chỗ Mi đứng có ai đó xếp chồng những viên đá tròn lên với nhau tạo thế cân bằng, Mi tìm xung quanh, kiếm một hòn sỏi nhỏ đặt lên phía trên đó. Tòa tháp đá lập tức tách nhau, văng ra xa, một số chìm nghỉm xuống nước như chưa hề xuất hiện nơi bờ biển.
Minh họa: Đỗ Dũng |
Đường vắng, Mi chần chừ đứng trước cánh cửa nhà sơn trắng một lúc lâu, bỗng trông thấy vết cào cửa của con mèo tam thể gia đình mình nuôi nhiều năm trước. Con mèo ấy đã chết, Mi chôn nó ngay trong vườn, dưới một bụi cây không tên, đánh dấu bằng một viên đá to tròn. Mi thoáng liếc vào vị trí đó nhưng viên đá đã mất tích, thay vào đó đám cỏ dại mọc tràn lên, hòng chiếm cả vị trí của những loài cây khác.
Mi nao núng bấm chuông. Mi quên mất chuông nhà đã hỏng, ngón tay chỉ như chạm vào thinh không. Chẳng rõ vì sao, Mi lại thấy nhẹ nhõm khi tiếng chuông không vang lên. Mi co ngón tay gõ cửa, một lần, hai lần rồi ba lần. Trời nóng, Mi lau mồ hôi trên trán, chốc chốc lại ngó nghiêng ra ngoài đường như thể nếu cửa không mở ra, Mi sẽ rời đi.
Có tiếng bước chân và tiếng lạch cạch vọng ra từ bên trong, tiếng lách cách vang lên, cánh cửa hé mở để lộ gương mặt của một người đàn ông già nua. Nhìn thấy Mi, ông chững lại, ánh mắt chuyển từ kinh ngạc sang lo sợ, rồi lập tức trở lại bình thường.
- Vào đi - Ông nói với chất giọng khàn khàn, lạo xạo như cát, đẩy cửa rộng ra rồi chống nạng quay vào - Nhớ đóng cửa.
Mi không đáp lời ông, chỉ hắng giọng rồi theo vào. Cánh cửa đóng lại sau lưng, Mi đột nhiên thấy đau đầu chóng mặt, căn nhà như quay cuồng trước mắt, mất khoảng hai ba phút Mi mới định thần lại được.
- Đừng bật điện - Bố nói ngay khi thấy Mi định chạm vào công tắc, sau đó ông ngồi xuống chiếc ghế đơn phủ thảm lông mềm và nhắm mắt lại.
Mi vẫn không lên tiếng, im lặng đi lên tầng. Vẫn căn phòng ấy, cái căn phòng mà Mi đã gắn bảng "cấm" vào thời niên thiếu nổi loạn và bốc đồng. Cánh cửa khẽ kêu lên một tiếng, một lớp bụi mỏng tràn xuống. Mi khua khoắng trong không khí để bụi tan bớt, bật chiếc đèn vàng bên cạnh lên. Mọi thứ vẫn như xưa khi Mi rời đi, từ vị trí của giường, bàn ghế, tranh treo, bức phù điêu hình đại bàng, và chiếc nhẫn ngà voi đặt bên cửa sổ.
Như một nơi ma quái, thời gian đọng lại, quánh và tối. Mi vội vàng kéo tung rèm cửa, mở cửa chớp rồi cố gắng thở. Mi sợ sẽ bị căn phòng bóp nghẹt.
Mi đi vào giấc ngủ không mộng mị, chỉ đơn giản là chìm sâu vào một cái hố không đáy, Mi cứ rơi mãi, chân hụt hẫng. Bầu trời ngoài cửa sổ dần xuống màu, một con mòng biển kêu lên khiến Mi giật mình, hé mắt, chỉ thấy nó đang đứng nghiêng đầu bên bệ cửa, mắt chăm chắm nhìn cái nhẫn ngà. Mi vội chụp lấy đồ vật của mình theo bản năng và xỏ vào tay.
Dưới nhà vang lên tạp âm, tiếng lạch cạch của nạng gỗ, tiếng bật bếp gas, tiếng dao cắt xuống mặt thớt, tiếng thức ăn sôi trong nồi và theo sau đó là mùi hương thảo cuộn dọc theo cầu thang, bay tới phòng Mi. Mi chợt thấy đói, rửa qua mặt mũi cho tỉnh táo và xuống nhà. Mi vịn dọc tường vì trong nhà rất tối, rốt cuộc không đừng được mà phải bật ngọn đèn ngủ vàng vọt âm âm lên.
Bố múc súp ra từng bát, đặt xuống bàn ăn, trong giỏ có đôi ba lát bánh mì nướng giòn, đó là loại bánh mì vừng đặc trưng của thị trấn S.
- Cà phê không? - Bố Mi cất giọng hỏi.
Phải nói thêm, người địa phương có thể uống cà phê bất cứ lúc nào trong ngày, cà phê đen thêm đôi ba hạt muối, đó là dòng năng lượng duy trì cuộc sống hằng ngày của họ. Dù Mi đã dứt bỏ thị trấn này nhưng lại không dứt bỏ được nguồn gốc căn nền nơi mình sinh ra và lớn lên. Mi không đáp lời bố, chỉ chìa cái cốc ra. Chất lỏng nâu cánh gián rót xuống, đôi ba giọt văng ra ngoài, Mi bèn lấy ngón tay lau đi.
Mi đói nhưng lại không thấy ngon miệng, cố ăn hết bát súp và một lát bánh, Mi uống cạn cốc cà phê. Trong suốt bữa ăn, họ không nói gì với nhau. Bố ăn chậm, âm thanh lách tách thảng hoặc lại vang lên khi ông cắn bánh mì, tiếng húp nước xúp, tiếng nhai nuốt, tất thảy đều nổi bật lên trong không gian hẹp tối này. Kể từ khi nhận thức được về thế giới, Mi chưa từng thấy căn nhà đủ ánh sáng. Cơ hồ ánh sáng không thể tồn tại được ở đây, dù có thắp bao nhiêu đèn thì nó cũng bị hút mất, chỉ còn lại hai thứ màu đen trắng khiến người ta có cảm giác mơ hồ.
Mi dọn dẹp xong rồi lên phòng, trước khi bước lên cầu thang, bố ngồi trên ghế như dợm nói gì đó. Mi ngừng chân một lúc, chờ đợi, song bố vẫn lặng im.
Những ngập ngừng chen vào giữa họ, dù có đối diện cũng cảm thấy ngại ngần, rốt cuộc thì Mi không rõ mục đích mình trở về có đúng đắn hay không. Bật nước xối sạch làn da ám mồ hôi đường dài và muối biển, Mi bần thần một lúc lâu. Bước vào bồn tắm, nước ấm tràn khắp làm giãn các cơ đau nhức, Mi thở phào nhẹ nhõm, hơi nước phủ mờ tầm nhìn khiến mi như chìm vào lớp sương dày. Mi nín thở, duỗi người để cho toàn bộ cơ thể chìm nghỉm trong nước.
Cảm giác đó lại ập tới, cái cảm giác suýt chết đuối thời thơ ấu.
Hôm diễn ra lễ hội săn cá voi, mọi người trong thị trấn đều tủa ra đường. Nhìn từ trên cao, nom họ như những đàn kiến nhỏ đương kiếm mồi. Mặt trời tạo quầng khiến Mi thấy nhức mắt. Chân đi ủng, Mi lúc đó hãy còn là một cậu bé niên thiếu, uống cạn cốc cà phê muối mặn hơn lệ thường mà bố đưa cho, vì uống từ nhỏ nên Mi đã quen vị của nó. Mi chỉ hơi nhăn mặt một chút, sau đó xách cái xô đỏ đi theo bố.
Mẹ đứng trong nhà nhìn ra bằng ánh mắt vô định, không ai biết khi đó bà đang nghĩ điều gì, rồi bà đi vào trong, đóng sập cửa lại. Con mèo đen chạy ra dụi vào chân Mi, nằm xoải ra con đường gạch để tắm nắng. Bố và mẹ đã cãi nhau vào sáng hôm đó vì mẹ không mài rửa mønustingari (một loại dụng cụ săn cá voi), bố vừa cằn nhằn vừa dùng giẻ tẩm rượu lau qua loa dụng cụ một chút do thời gian chẳng còn kịp nữa. Mi chưa từng thấy mẹ to tiếng với bố, nhưng hễ tới lễ săn cá voi thì bà lại phản kháng - cho dù đó là sự phản kháng yếu ớt vô cùng. Mi đã gặp nhiều người phụ nữ như vậy ở phương Đông, nơi mà Mi bắt đầu cuộc hành trình đơn độc suốt nhiều năm.
Mi từng sống trong một căn lán nhỏ ở Campuchia, nơi đấy gần rừng, ẩm ướt và nhiều muỗi. Nhiều người tị nạn, những kẻ trốn tù và dân bản địa sống tụ tập lại với nhau. Khi Mi mới đến, hàng chục con mắt đổ dồn như muốn xỏ lên Mi mấy lỗ, nếu không có sự bảo hộ của địa phương, Mi tin chắc rằng mình đã mất mạng và bị vứt xác ở đâu đó.
Hằng ngày, Mi lang thang khắp nơi để chụp ảnh, ghi chép và chắp thành những bài bút ký du lịch, đó là công việc giúp Mi duy trì sinh hoạt. Không màu mè tô vẽ, thứ Mi đưa tới trong những bài báo phóng sự, ghi chép là sự chân thực. Đó cũng là lí do Mi cảm thấy mình gặp khó khăn khi viết tiểu thuyết hay những văn bản cần nhiều tình cảm. Có lẽ Mi được kế thừa sự lãnh đạm và lạnh nhạt từ mẹ mình.
"Chúng ta sẽ phải ở ngoài biển hai ngày", bố nói.
"Vâng", Mi gật đầu.
Thuyền họ đi lẫn vào trong đêm, cái bóng đêm dấp dính muối, có mưa nhỏ. Nước thấm qua áo quần và tóc khiến Mi cảm thấy lạnh giá, co mình vào tấm chăn mỏng bố mang theo, Mi ngước mắt lên nhìn vào khoảng không vô tận. Bố đang ở chỗ nào? Mi cũng chẳng rõ, ở đây chỉ có một màu đen, chẳng lẽ mưa đã làm Mi mù ư? Xung quanh vang lên vài tiếng động, sóng như chồm lên khỏi màn đêm, muốn nhào ra tựa quái thú ăn thịt.
Mỗi tối, khi mẹ đọc truyện cho Mi trước khi đi ngủ, Mi sẽ lại được nghe câu chuyện về con bạch tuộc khổng lồ luôn tìm cách dìm thuyền của thủy thủ. Nghĩ tới đó, Mi vừa sợ vừa hưng phấn. Nỗi sợ khiến con người hưng phấn, càng sợ hãi, càng vô định, Mi càng muốn dấn sâu vào bóng tối, Mi chồm người ra đối diện với ngọn sóng như cố lục tìm được điều gì trong đó, dù cho trong mắt Mi giờ là đêm đen dày đặc, như thể giữa cái màu u ám đó, một cái vòi bạch tuộc sáng rực sẽ vươn ra kéo Mi xuống biển.
"Ngồi im!", tiếng bố ồm ồm vang lên, giọng ông khản đi vì rét. Mi nghe thấy tiếng vặn nắp bình, mùi rượu cay sực tỏa ra - đó là thứ rượu trắng của phương Đông, nặng và nóng hơn rượu địa phương, bố mua được từ các thương nhân, chuyên mang theo bên mình khi ra biển. Có lẽ bố đã uống một ngụm rượu để cho ấm người, Mi đoán vậy. Bây giờ, Mi chỉ có thể tưởng tượng và đoán định mà thôi. Một thứ gì đó trơn lạnh trườn bên mặt Mi, những ngón tay chai sần của bố, ông nhét một nắp nhỏ rượu vào miệng Mi. Mi thấy hơi chuếnh choáng, cơn say đầu đời đó bất giác cân bằng lại cảm giác chòng chành của thuyền.
Mắt Mi nặng, giấc ngủ kéo tới.
Chồm khỏi bồn tắm, Mi chống tay vào đôi bên thành mà thở. Cơn đau thắt co rút lan khắp lồng ngực, đầu Mi đau buốt, tai ù đi.
Lê mình và vật xuống giường một cách nặng nề, Mi nhìn chằm chằm vào cái đèn trần tỏa ánh vàng, trên đó treo thêm hình một con mòng biển nhựa chỉ nhỏ bằng móng tay, mỗi khi bắt sáng, bóng của nó như nở ra, giương cánh choán gần hết căn phòng.
Ánh hải đăng chao qua chao lại trên biển là nơi bấu víu cuối cùng của các con thuyền đang lênh đênh trong giông bão và bóng tối, Mi co thân mình, nước vẫn không ngừng trào vào miệng và mũi, sắc buốt, tựa hồ như đó không phải nước mà là hàng trăm vạn lưỡi đao đang cứa nát nội tạng và da thịt.
Áp lực của biển cả đè Mi xuống, đâu đó trong thinh không, Mi nghe thấy tiếng bố gọi mình. Mi cố gắng vươn tay. Cánh tay trẻ con mảnh khảnh trồi lên phía trên mặt biển như một cành cây khô cứng. Ý thức của Mi ngày càng hỗn loạn, chợt bên mình xuất hiện cảm giác nhão nhớt và lạnh lẽo, kèm theo đó Mi thấy mình bị nhấc lên cao. Trời đã ngớt mưa, tóc ướt chọc vào mắt khiến Mi khó chịu, nhưng chí ít hiện tại Mi đã thở được.
Vòi bạch tuộc. Mi hoảng sợ nhìn vật đang cuốn trên bụng mình, đó là một cái vòi bạch tuộc khổng lồ, tỏa ra ánh sáng xanh, thứ ánh sáng đó đã khiến cho Mi nhìn được một vài thứ bên cạnh mình. Mi cất tiếng gọi bố, song cổ họng như bị thứ gì đó chặn lấy, Mi không thốt lên được một từ, có thể là vì sợ hãi, hoặc vì bị con quái vật lấy đi tiếng nói.
Trong truyện cổ có chi tiết mụ phù thủy với tiền thân là bạch tuộc quỷ đã trao đổi giọng hát nàng tiên cá với đôi chân. Mi không phải nàng tiên cá, nhưng Mi là một con người có chân tay và giọng nói. Nếu biển cả cần giọng nói của con người, rất có thể con người sẽ bị tước đi một trong hai thứ. Đôi mắt Mi thất thần, không tiêu cự, chờ đợi cảnh mình bị siết gãy đôi, thế nhưng Mi chờ mãi cũng không thấy vòi bạch tuộc làm gì cả.
Nước đẫm trên mặt khiến Mi không phân biệt được là nước mưa hay nước mắt, không cảm nhận được gì nữa, không suy nghĩ được gì nữa, Mi như thể đã chết. Bạch tuộc dần nới lỏng vòng cuốn, Mi ho ra một tiếng và thở lấy thở để. Rốt cuộc, Mi quyết định ngất đi, nếu đã chẳng thể làm gì…
Vẫn là cơn ác mộng ấy, cơn ác mộng đeo đẳng Mi hằng đêm, khiến cho mi chẳng dám chợp mắt. Mi nhấc tấm thân đau nhức lên. Bọt nắng lấm tấm đổ trên nền gạch mang họa tiết thược dược do mẹ nung và vẽ. Mi nhớ vào những ngày quang ráo, mẹ thường loay hoay ngoài vườn hoặc trong nhà kho để nặn tượng hoặc vẽ một thứ gì đó. Tranh của bà thường bị từng mảng màu cắt ngang sổ dọc, Mi không hiểu được chúng, mẹ vĩnh viễn là một khoảng trống mơ hồ và mông lung, nhưng khoảng trống đấy lại gần gũi trong lòng Mi, là sự liên kết bí ẩn bền chắc.
Mi cảm thấy khát. Với tay lấy cốc nước để trên bàn, cảm giác lạnh khi tiếp xúc với thủy tinh khiến Mi cảm thấy an lòng đôi chút, nhưng rồi Mi hụt tay, chiếc cốc thủy tinh rơi xuống, vỡ tan. Từng mảnh li ti lấp lánh vung lên, cắt ngang vào ánh nhìn, cắt ngang qua cơn thảng thốt, cũng cắt ngang qua từng lát của quá khứ Mi.
Nước lại trào vào miệng, mắt và mũi Mi. Vị mặn quen thuộc ấy làm cho Mi cảm thấy tuyệt vọng. Mi dập dềnh trên biển, tay chân chùng nặng, chìm dần xuống. Nhưng Mi vẫn có thể thở được, lạ thay. Hoặc có lẽ Mi đã chết rồi chăng? Bong bóng phiêu lãng trong lòng nước, Mi vô thức vươn tay với lấy một cái, nó liền nở to ra và trùm lấy thân hình Mi. Trong bong bóng đó có không khí khiến Mi cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút.
Nếu đã ở trong giấc mơ, vậy thì hãy để cho giấc mơ dẫn dắt con đường mà con sẽ đi. - Mẹ từng nói.
- Vì sao mẹ lại mất? - Mi hỏi bố.
Bố Mi bảo, rằng mẹ mất vì một cái xương cá, đi khám chụp thì thấy mảnh xương đâm lên tim. Mi bật cười, tiếng cười mỗi lúc một to và hụt hơi, Mi lau lệ vương trên khóe mắt. Bố không thấy vô lí sao? - Mi nói, nom sắc mặt của bố lạnh đi, ánh mắt ông đanh lại: Đấy là vì bà ta không chịu lau rửa mønustingari. Người đảo đời đời săn và ăn thịt cá voi, điều ấy giúp chúng ta duy trì sự sống và huyết thống, nếu ngừng, nếu ngừng, giọng bố run lên, mắt như mất đi ánh sáng, kết cục sẽ giống như mẹ con. Mi định trông chờ vào điều gì đây? Bố loạng choạng bám vào thành ghế cao để lấy cái nạng, trỏ vào một bên chân cụt của mình, hoặc như ta, cái chân này mất vì bảo vệ một con cá voi, từ đấy, ta chỉ nhận được sự trừng phạt của ông trời.
- Không! Mi lắc đầu, bố bị thần biển phạt, bố bị phạt vì đã giết hại những đứa con của họ. Con về để đưa mẹ đi, lên đất liền, hoặc đi tới một nơi nào đó, cách xa chốn này, mẹ đã bị giam trên đảo cả đời. Một người phụ nữ hiền lành, xinh đẹp đã bị bố giày vò tới chết.
Bong bóng đẩy Mi chìm dần xuống đáy biển, Mi nhìn thấy bên trong mỗi bong bóng khổng lồ đang nổi trôi là một Mi khác, Mi của từng độ tuổi, của từng thời đoạn, trong đó có cả hình ảnh của mẹ và của bố.
Bong bóng chạm đáy biển. Mẹ đứng bên cạnh xác của một con cá voi. Khi những con cá voi chết đi, xác chúng chìm xuống, trở thành một thế giới khác lí tưởng nuôi dưỡng những sinh vật còn lại của biển khơi. Nó có một cái tên, là Kình Lạc. Chợt có bóng người vươn ra từ trong vùng nước sâu thẳm tối tăm. Mẹ cầm trên tay chiếc vỏ ốc khổng lồ, thổi một hơi, âm thanh trầm vọng vang đi, lan lộng nơi mà áp suất nước có thể đập vỡ nội tạng một con người. Rồi có một tiếng kêu khác, đồng vọng với tiếng vỏ ốc, tấm thân cá voi khổng lồ lướt xuống thong dong như một vũ công nhảy điệu truyền thống phương Đông hướng về nơi có mẹ Mi.
Mi áp về phía trước, cố gắng quan sát, dùng ý chí của chính mình để kêu gọi bong bóng tiến gần hơn, mặt biển gồ ghề dưới chân chưa bao giờ trở nên chân thực đến thế. Mi muốn cất tiếng gọi nhưng chẳng thể phát ra âm thanh nào. Khi xưa mẹ hay ôm Mi ngồi trên mỏm đá vươn ra biển, dạy Mi thổi vỏ ốc, dòng âm thanh đó lăn tăn gợn, loang lổ, dào dạt, và chìm vào thinh không.
Mi chưa bao giờ thổi được một khúc nào thành công cả, âm thanh của Mi chỉ như tiếng thở dài khe khẽ, hơi ngân rung ở nốt đầu và cuối cùng cũng lịm tắt như ánh sáng lóe lên cuối cùng của ngôi sao vỡ. Những đêm đó thường có một âm thanh khác vọng về từ đằng xa, một âm trầm hơn, vang hơn, Mi có thể loáng thoáng trông thấy được đuôi cá voi khổng lồ đó. Mi còn quá nhỏ để nhớ được, Mi còn quá nhỏ để quên được.
Bong bóng vỡ tan, Mi bị đẩy ngược lại lên mặt biển. Chới với, cánh tay Mi cố vươn ra để nắm lấy gấu váy mẹ, nhưng rồi cũng vuột mất. Tiếng gọi của bố vọng về. Mi chợt thấy mình nằm trên lưng của con cá voi đó, con cá voi với tần số đơn độc của mình, đồng loại chưa từng nghe thấy tiếng nó, chỉ có mẹ Mi với chiếc vỏ ốc có thể bắt được sóng âm này. Mi nắm chặt lấy chiếc nhẫn ngà. Mi rờ nhẹ lên lưng cá voi, ngẩng đầu hớp không khí, cảm nhận lớp da nham nhám - Mi đoán. Có thể đây chỉ là một giấc mơ cũ với những ký ức do Mi hoang tưởng dựng lên mà thôi.
Mi cố động đậy các ngón tay, để cho mình tỉnh lại, để cho vòng lặp đó thôi cuốn mình vào hết lần này đến lần khác.
- Bỏ thằng bé ra! - Cánh tay của bố, cánh tay sạm đen vì nắng, gió và muối biển, cánh tay vẫn cầm mønustingari quặp chặt vào sườn của con thú đương cõng Mi trên lưng.
Ông không biết được rằng con cá đã cứu Mi, con cá cũng không hiểu rằng ông muốn cứu Mi - cứu lấy cậu bé đã thổi chiếc vỏ ốc để giao tiếp với nó suốt những tháng ngày lang thang đơn độc. Cứ vậy, đôi bên làm tổn thương lẫn nhau. Con cá gắng gượng đẩy Mi vào bờ. Xác bố trôi trên mặt biển, còn con cá voi thì chìm xuống, máu loang hòa vào nước dào vào mí mắt, Mi đã chẳng còn sức để mà gào khóc, cũng không còn sức để nói.
Cho tới khi tỉnh lại thì Mi đã nằm trong bệnh viện duy nhất của thị trấn đảo. Mẹ rũ đầu ngồi bên ghế, mùi thuốc sát trùng, mùi những cơ thể người chua và sống động khiến Mi an tâm phần nào. Mắt mẹ ráo hoảnh, chỉ có đôi quầng thâm xanh đen dưới mắt đã nói lên một đêm khó khăn của bà. Mi hỏi mẹ rằng bố đâu, mẹ chỉ im lặng. Có lẽ ông đang đứng ở bên ngoài và hút thuốc, tật hút thuốc lá mà ông chẳng bao giờ bỏ được. Thân xác rã rời, Mi bèn nhắm mắt lại, tiếp tục ngủ, khi còn nhỏ, người ta không hãi sợ thần chết cũng không bao giờ cảm thấy may mắn khi mình trở về từ bàn tay tử thần.
Sau tai nạn suýt chết của con trai và của chồng, mọi thứ đã nuốt chửng lấy mẹ của Mi. Bà ngồi lì trong phòng vẽ và các bức tranh giam bà vào thế giới riêng. Ba tháng sau tai nạn của con trai và chồng, mẹ cũng qua đời trong phòng vẽ. Bà được tìm thấy với tư thế nằm toài ra để với lấy cây cọ vẽ nhúng màu xanh nước biển, bức tranh về chú cá voi khổng lồ còn dang dở vĩnh viễn chẳng bao giờ hoàn thành. Người ta nói bà bị đột quỵ, cơn đau tim ập tới, không kịp trở tay, song Mi biết rằng bà tự sát.
Mi gằn giọng gào trong mơ, quờ mạnh tay, cuối cùng chỉ quơ được chiếc cốc thủy tinh mà Mi đã từng tưởng mình đánh vỡ. Mảnh thủy tinh bắn lên, một mảnh cứa vào tay Mi, những mảnh còn lại thay nhau rạch không gian, cởi bỏ tấm màn dối trá được dệt nên nhờ lí trí. Bụi đen và mạng nhện dần hiện ra, thay nhau chiếm lấy từng ngóc ngách.
Mi trờ lấy lọ thuốc nhựa dưới gối, dốc vào miệng. Mồ hôi túa đẫm lưng, Mi đưa mắt nhìn ngoài cửa sổ, con mòng biển kêu lên một tiếng chói tai và bay mất. Mi vùng dậy, chạy đi. Cánh cửa chính ố nham nhở rêu đóng lại sau lưng. Căn nhà chìm vào im lặng, như cách nó đã im lặng hàng thập kỷ. Và Mi lại nghe thấy tiếng lạch cạch sau lưng, ngoảnh đầu, chỉ thấy bố đang đứng bên cửa sổ kéo rèm, tay nâng cốc cà phê muối, nhoẻn miệng cười.