Bình dị Đại tá… giao thông
- Thiếu tá Hoàng Ngọc Quang: Cái duyên với những lần truy tìm thiếu nữ bị mua bán
- Khi đất lạ hóa quê hương…
- Khi Cảnh sát giao thông làm thơ và viết nhạc
Tôi gặp Đại tá Trần Sơn (nguyên Cục phó Cục Cảnh sát giao thông Đường sắt), vào một sáng sớm đầu Đông tại quán cafe trong một ngõ nhỏ ở Hà Nội. Công tác gần 40 năm trong lực lượng Công an, theo đánh giá của nhiều người, Đại tá Trần Sơn được xếp hạng "cây đa, cây đề" về sự am hiểu, tâm huyết cũng như những đóng góp đối với lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT) Việt Nam.
Không những vậy, ông còn được biết tới là một nhà báo, một chuyên gia giàu kinh nghiệm. Khi gọi điện đề nghị được gặp và phỏng vấn, quả thực tôi còn e ngại bởi tâm lý của một người viết báo trẻ tuổi, còn non nớt trong cả nghiệp báo lẫn trường đời. Dù vậy, tâm lý đó đã nhanh chóng biến mất bởi sự trẻ trung, giản dị và hồn hậu của Đại tá Trần Sơn.
Nhấp một ngụm cafe, ông chia sẻ: "Từ ngày nghỉ hưu đến nay đã gần 2 năm nhưng vẫn chưa quen, rảnh rỗi quá nên đôi khi cuồng hết cả chân tay. Sáng nào cũng đi bộ, ăn sáng, uống cafe với mấy ông bạn cùng hội hưu trí. Thời gian khác trong ngày, lúc thì viết sách, viết báo, khi lại sưu tầm tư liệu, cập nhật thông tin... Con người của công việc là vậy đó".
Đại tá Trần Sơn là con thứ tư trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Nam Định. Nhà ông ở bên dòng sông Đáy trữ tình, ký ức tuổi thơ ngập tràn màu xanh của ruộng đồng, những lũy tre xanh ngát, con đê uốn lượn.
Ông nhớ lại: "Từ khi còn nhỏ đến tuổi thanh niên, tôi và các anh chị em vừa phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, chăn nuôi, vừa động viên nhau cố gắng học tập, trở thành người có ích. Việc thi đỗ vào trường Đại học Giao thông Sắt - Bộ Hà Nội (nay là Đại học Giao thông Vận tải) chuyên ngành Kỹ sư khai thác vận tải đường sắt quả thực như một giấc mơ. Khi còn sinh viên, học kỹ thuật nhưng tôi lại rất thích nghề báo, từng ấp ủ cháy bỏng được trở thành nhà báo. Nhưng hình như số phận đã sắp đặt, nghề chọn mình chứ mình chẳng chọn được nghề.
Sau khi ra trường năm 1979, tôi được tuyển vào công tác trong lực lượng Công an, làm việc tại Ty Công an Đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông Đường sắt (nay là Cục Cảnh sát giao thông). Nhưng niềm đam mê viết báo thì chưa bao giờ tắt.
Năm 1991, tôi có một bài báo ngắn đăng trên tờ báo chuyên ngành và gây được chú ý của dư luận. Điều đó càng khích lệ tôi thêm quyết tâm trau dồi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để thực sự hiểu và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực an toàn giao thông".
Trong suốt quá trình công tác, dù đứng trước bất cứ vấn đề nan giải nào thuộc phạm vi nhiệm vụ, Đại tá Trần Sơn luôn nỗ lực bằng hết khả năng và phát huy tinh thần sáng tạo nhằm đưa ra giải pháp tối ưu. Mỗi sự việc lại gắn với những kỷ niệm sâu sắc.
Ông kể, giai đoạn đất nước đổi mới, hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là tuyến đường sắt Thống Nhất đi từ Hà Nội vào miền Trung và tuyến Hà Nội - Lào Cai, tai nạn xảy ra liên tục. Những năm 1983 - 1985, ông Trần Sơn khi đó giữ chức vụ Đội trưởng đội điều tra tai nạn được Cục Cảnh sát giao thông Đường sắt tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp phối hợp với lực lượng Công an địa phương tìm ra nguyên nhân các vụ tai nạn và đưa ra phương án xử lý.
Đích thân ông cùng đồng đội kiểm tra từng đầu máy, từng toa xe, rà soát hệ thống đường ray, thông tin tín hiệu... Ban ngày, ông đi kiểm tra an toàn giao thông, tối đến, lại thắp đèn măng sông phân tích trình tự khám nghiệm hiện trường cho các chiến sỹ Cảnh sát giao thông địa phương, hướng dẫn họ các phương án xử lý tai nạn, khắc phục sự cố.
Cũng nhờ những kiến thức, kinh nghiệm quý giá đó mà sau này nhiều cán bộ Công an và ngành đường sắt địa phương vận dụng, thực hành hiệu quả, góp phần đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Nhớ lại thời kỳ gian nan đó, người cựu Đại tá không khỏi bồi hồi: "Công việc khi ấy vất vả lắm, đến miếng cơm còn phải ăn độn, nhưng chúng tôi luôn làm việc đầy nhiệt huyết và trách nhiệm. Có thể nói chính hoàn cảnh khó khăn khi đó là sợi dây thắt chặt tình đồng đội, đồng chí giữa cán bộ, chiến sỹ Công an các cấp cũng như tình đooàn kết với các ban, ngành, quần chúng nhân dân địa phương". Đến tận bây giờ, mỗi khi có dịp gặp lại, mỗi người trong họ đều trao cho ông Sơn những cái ôm, cái bắt tay thắm thiết.
Ông nhớ mãi vụ lật tàu ở khu vực đèo Khe Nét thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Vụ việc gây ra thiệt hại rất lớn về cả người và tài sản. Bởi tính chất nghiêm trọng đó, ông Trần Sơn cùng một đồng chí lãnh đạo Cục lập tức đi ô tô tới tỉnh Quảng Bình ngay trong ngày.
Địa bàn xảy ra tai nạn hết sức hiểm trở, các phương tiện giao thông đường bộ trở nên vô dụng khiến công tác điều tra hết sức khó khăn. Bằng kinh nghiệm của bản thân, ông Sơn nhận định, để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn cần tìm ra hai điểm mấu chốt chính là thời điểm tàu trật bánh và trục toa xe trật bánh đầu tiên. Lực lượng cảnh sát giao thông và cán bộ ngành đường sắt địa phương được huy động tối đa để tìm khởi điểm trật bánh nhưng đến khi trời đã gần tối mà vẫn không có kết quả.
Giữa hiện trường ngổn ngang, ông Sơn một mình đi ngược lại hướng tàu chạy và phát hiện ra được một vết hằn rất mờ ở má đường ray. Ông khẳng định đây chính là điểm khiến đoàn tàu trật bánh. Mọi người đều trầm trồ khâm phục kinh nghiệm của "Chuyên gia đường sắt". Có người nói vui: "Nên phong cho anh Sơn hàm Đại tá của ngành đường sắt!".
Đại tá Trần Sơn và cuốn sách “Hỏi đáp về luật” mà anh yêu thích. |
Gần cả đời người gắn bó với lĩnh vực an toàn giao thông, với ông Sơn, niềm vui nhiều nhưng nỗi buồn cũng không ít. Sự việc đọng lại trong ông nhiều nỗi niềm nhất là vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở tỉnh Bình Thuận năm 1987.
Thời điểm đó, tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh chạy qua nhiều khu vực rừng núi hẻo lánh, hiểm trở. Có những đoạn cả chục cây số một bên là vách núi, một bên là vực sâu hoặc rừng cây rậm rạp, hoàn toàn không có đường bộ dành cho các phương tiện giao thông khác. Vì vậy, người dân đã tự chế một phương tiện di chuyển thô sơ tên gọi là Goòng. Nó có hình dáng giống chiếc xe đẩy hàng, có bánh xe bám vào đường ray đường sắt, lợi dụng lực quán tính để di chuyển.
Trong một khoảng thời gian dài, người dân dùng Goòng để chở người, vận chuyển hàng hóa một cách phổ biến mà không quan tâm tới yếu tố nguy hiểm, mất an toàn. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, trong đó có vụ hai chị em gái (một người đang mang thai) dùng Goòng để đi chợ bị tàu đâm dẫn tới cả hai đều thiệt mạng.
Khi hay tin, ông Trần Sơn cùng đại diện ngành đường sắt đã tới đám tang chia buồn với gia đình. Ngay bên cạnh hai chiếc quan tài, ông nói chuyện, phân tích cho thân nhân người gặp nạn cùng quần chúng nhân dân những nguy cơ mất an toàn của việc sử dụng Goòng, những nội dung cơ bản cần biết về Luật ATGT. Phần lớn mọi người hiểu, đồng tình ủng hộ và càng xót thương cho hai cô gái. "Đó là buổi tuyên truyền cảm động, nhiều nước mắt và đặc biệt nhất trong suốt quá trình công tác của tôi", Đại tá Trần Sơn tâm sự.
Bằng những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sự say mê tìm tòi, sáng tạo, Đại tá Trần Sơn đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt phối hợp với các ngành chức năng trong cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân chấp hành pháp luật về ATGT với nhiều nội dung phong phú. Đại tá Trần Sơn chính là người tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải đưa ra Quy định "Bắt buộc trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm" hay chương trình "Đổi mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn giao thông lấy mũ đạt chuẩn an toàn kỹ thuật"...
Những ý tưởng đó đã đi vào cuộc sống và được cộng đồng đánh giá cao. Không những vậy, ông thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức các chương trình tuyên truyền về trật tự ATGT. Là người trực tiếp biên soạn nội dung chương trình hướng dẫn pháp luật về ATGT đường bộ - đường sắt trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đến nay, ông đã đạt hơn 20 giải thưởng về ATGT do Ủy ban ATGT Quốc gia trao tặng. Trong nghề báo (ông chính thức trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam năm 2001), Đại tá Trần Sơn đã xuất bản hơn 30 đầu sách về chủ đề ATGT, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Khi chia tay, Đại tá Trần Sơn nói với tôi: "Mong muốn lớn nhất trong cuộc đời tôi là được góp sức mình hạn chế, đẩy lùi tai nạn giao thông, đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình. Chỉ cần còn sức khỏe thì tôi sẽ còn không ngừng nghỉ". Nhìn vào đôi mắt kiên định và đầy nhiệt huyết của ông, tôi vững tin vào lời hứa đó.