Phản ứng từ các bên xung quanh cuộc đàm phán Mỹ-Nga
Các quan chức cấp cao Mỹ và Nga ngày 18/2 gặp trực tiếp tại Riyadh, Arab Saudi, để bàn hướng đi kết thúc chiến sự Ukraine. Đây là cuộc họp cấp cao đáng chú ý đầu tiên giữa hai bên kể từ khi cuộc chiến bùng nổ và đã đem lại một số tín hiệu tích cực.
Cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ và Nga diễn ra tại Cung điện Diriyah của hoàng gia Arab Saudi. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát tháng 2/2022 và diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tuần trước.

Phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán có Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff. Trong khi đó, phía Nga có Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin, Yuri Ushakov và Giám đốc Quỹ Đầu tư Quốc gia Nga (RDIF) Kirill Dmitriev. Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal bin Farhan và Cố vấn an ninh quốc gia Musaad bin Mohammad al-Aiban là hai quan chức đại diện nước chủ nhà dự phiên mở đầu đàm phán.
Sau cuộc gặp kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phát biểu với báo giới rằng hai bên đã nhất trí bắt đầu làm việc về lộ trình hướng đến giải pháp hòa bình cho chiến sự Ukraine và khám phá "những cơ hội đáng kinh ngạc hiện hữu để hợp tác với Nga", cả về địa chính trị lẫn kinh tế. Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington và Moscow đã đạt đồng thuận về các nguyên tắc, bao gồm: khôi phục chức năng của các phái đoàn ngoại giao tại Washington và Moscow; chỉ định một đội ngũ cấp cao để giúp đàm phán kết thúc xung đột ở Ukraine một cách bền vững và có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên tham gia; bắt đầu thảo luận, cân nhắc và xem xét cả hợp tác địa chính trị và kinh tế có thể phát sinh từ việc kết thúc xung đột ở Ukraine, và cuối cùng, những người có mặt tại cuộc đàm phán ở Arab Saudi ngày 18/2 sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình đối thoại này để đảm bảo rằng nó tiến triển theo một cách có hiệu quả, Reuters đưa tin.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ sau cuộc gặp: "Tôi tin rằng cuộc đàm phán rất hữu ích. Chúng tôi đã lắng nghe nhau và tôi có lý do để tin rằng phía Mỹ đã hiểu rõ hơn lập trường của chúng tôi". Hai bên đã đạt được một số thỏa thuận, trong đó cấp bách nhất và tương đối đơn giản là đảm bảo bổ nhiệm nhanh chóng các đại sứ của Nga tại Mỹ và của Mỹ tại Nga, theo ông Lavrov. Ngoài ra, hai bên đã nhất trí "quy trình giải quyết vấn đề Ukraine" sẽ sớm được khởi xướng. "Phía Mỹ sẽ thông báo cho chúng tôi biết ai sẽ đại diện cho Washington trong nỗ lực này. Sau khi biết được tên và chức vụ của đại diện được chỉ định của phía Mỹ, chúng tôi sẽ ngay lập tức chỉ định người tham gia", Bộ Ngoại giao Nga thông báo.
Trong khi đó, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho rằng Moscow và Washington đã đồng ý "xem xét lợi ích của nhau". Khi được hỏi về kết quả cuộc đàm phán với giới chức Mỹ, ông Ushakov trả lời: "Không tồi". Cố vấn của Tổng thống Nga cho biết thêm, rất khó để nói các lập trường của Nga và Mỹ đang xích lại gần nhau hơn nhưng hai nước đã thảo luận về vấn đề này tại Riyadh. Ngày 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, tuyên bố cuộc đàm phán Nga-Mỹ ở thủ đô Riyadh của Arab Saudi là "khúc dạo đầu" đặt nền móng cho nỗ lực đầy hứa hẹn nhằm khôi phục quan hệ song phương cũng như giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Một vấn đề khác cũng được giới chuyên gia quan tâm, đó là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz, hiện ngày giờ cụ thể của cuộc gặp này vẫn chưa được ấn định. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ rằng cuộc gặp với người đồng cấp Nga có thể diễn ra trong tháng 2 mà không nói thời gian cụ thể.
Đáng chú ý, sự kiện tại Arab Saudi không có sự tham gia của đại diện nào từ Ukraine hay các nước châu Âu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố không chấp nhận bất cứ kết quả nào từ cuộc đàm phán bởi Kiev không có mặt, và hoãn kế hoạch thăm Arab Saudi ngày 19/2 sang tháng 3. Châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ bị loại sang một bên.
Tại cuộc họp báo ở Helsinki ngày 18/2, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo khẳng định bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cho Ukraine cũng sẽ không được làm thay đổi cấu trúc an ninh của châu Âu và châu lục này có lợi ích then chốt trong các cuộc đàm phán cũng như trong thỏa thuận đạt được, bởi kết quả đàm phán không chỉ tác động đến toàn bộ châu Âu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh của Phần Lan. Thủ tướng Orpo cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ quốc gia Đông Âu trong cuộc xung đột hiện nay.
Cùng ngày, tại Stockholm, Ngoại trưởng Thụy Điển Maria Stenergard bày tỏ quan ngại tương tự khi cho rằng không thể tiến hành đàm phán về xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của chính nước này. Bà Maria Stenergard cũng khẳng định vị trí của châu Âu trong các cuộc đàm phán, đồng thời cảnh báo rằng các cuộc gặp Nga-Mỹ mà không có sự tham gia của Ukraine sẽ đưa đến kết quả có thể tác động lâu dài đến an ninh của châu Âu.