Võng điều em trải chiếu hoa

Chủ Nhật, 30/07/2023, 11:43

Hàng Chiếu (phường Đồng Xuân - quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) là con phố đầy kỷ niệm với tôi một thời trai trẻ. Nơi đây tôi khá thân với cố thi sĩ Tạ Vũ (1935-2014) ở ngay đầu phố (số 3).

Ông thường dẫn tôi đi xem múa rối ở rạp Long Biên số nhà 76 Hàng Chiếu. Đặc biệt, món bún ốc nguội ở ngay dưới nhà ông luôn làm tôi cay sè mũi và hắt hơi liên tục. Ăn mỗi con ốc ông tợp một ngụm rượu rồi khà khà khoái trá. Sau đó chúng tôi sang đường uống trà chén bên thềm cổng Ô Quan Chưởng (xây năm 1749).

Những mảnh phố trầm luân

Theo như nhà thơ Tạ Vũ kể, Ô Quan Chưởng còn khá nguyên vẹn kiến trúc được sửa lại năm 1817. Ông được sinh ra trên con phố này và thường leo lên nóc cổng Ô nghe chim hót. Từ thời Lê-Trịnh phố dài hơn 300 mét chỉ bán chiếu trơn và chiếu hoa. Sau mới bị cắt thành hai phố Ô Quan Chưởng (từ bờ sông đi vào mặt cổng Ô phía trước). Còn phố Hàng Chiếu từ mặt cổng sau kéo tới ngã tư Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Mã.

Có lần nhà thơ cho tôi xem ảnh phố xưa rặt những kẻ chợ từ Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa và Ninh Bình tới mở cửa hàng bán chiếu. Phố Hàng Chiếu bên bờ hữu sông Tô chạy song song với Hàng Buồm phía bên kia. Cánh thương hồ thường giao lưu hai bên phố sau khi nghỉ ngơi. Câu ca dao hay nhất về yêu đương đã ra đời trên sông Tô ngày ấy rằng: “Ước gì sông hẹp một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”.

Hàng Buồm lợi thế ở ngay đầu cửa bến chợ Gạo, nơi sông Hồng chảy vào. Nhưng phố Hàng Chiếu lại là bờ sông rộng hơn và bến đò Ngang lên cổng Ô Quan Chưởng có lính canh cẩn trọng. Kẻ chợ tứ phương xuôi sông Hồng về tới bến đò Ngang không thể không qua cổng Ô Quan Chưởng để đưa hàng vào phố. Tại đây dân thương hồ vẫn còn truyền tai nhau câu dân gian: “Đường thủy có bến đò Ngang/ Qua Ô Quan Chưởng xem hàng chiếu tăm/ Giúp em đôi chiếu em nằm/ Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo”.

Võng điều em trải chiếu hoa -0
Góc phố bán chiếu.

Có lần nhà thơ Tạ Vũ cam đoan với tôi rằng trước kia danh nhân Nguyễn Trãi (1380-1442) đã gặp người đẹp Nguyễn Thị Lộ (1400-1442) ở tại con phố này. Nguyễn Trãi bị giặc nhà Minh (đô hộ từ 1414-1427) quản thúc tại Đông Quan. Ông về mở lớp dậy học ở vùng Khuyến Lương - Thanh Trì và thường đi thuyền vào thành nghe ngóng tin tức.

Chuyện Nguyễn Trãi gặp cô bán chiếu 18 tuổi ngỡ như huyền thoại nhưng đã diễn ra ngay tại con phố này. Thế rồi nhà thơ Tạ Vũ vừa uống rượu, vừa ngâm nga câu thơ của Nguyễn Trãi: “Ả ở nơi nào bán chiếu gon?/ Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?/ Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?/ Đã có chồng chưa được mấy con?”. Bốn câu hỏi tình tứ này được ông ngâm điệu mưỡu (hát nói trong ca trù) thật điệu đà. Nhưng sau đó Tạ Vũ ngồi im lặng với đôi mắt đục mờ. Ông gõ ngón tay vào tường thành cổng ô rồi ứa nước mắt. Có lẽ ông đã khóc cho nhân tình thế thái một thuở oan nghiệt của cuộc đời Nguyễn Trãi sau đó.

Những mảnh đời dang dở của những người bán chiếu trên phố còn kéo dài đau khổ sau khi giặc Pháp thống trị. Chúng lấp sông Tô và gây ra những đám cháy dẫy quán lá rồi đuổi dân nghèo đi (1889). Con phố Tây đầu tiên của Hà Nội được mọc lên từ đây. Họ chiếm đoạt bến bãi và xây xưởng dệt vào kinh doanh đủ ngành nghề và đặt tên phố là “Jean Dupuis”. Nhưng vì đây là tên của một thương nhân kiêm gián điệp cho Pháp đánh chiếm Hà Nội nên mọi người không phục mà chỉ gọi là “Phố Mới”. Trong ca dao Thăng Long xưa vẫn còn ghi: “Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than/ Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đào…”. Mãi sau năm 1945 phố được đổi tên lại như xưa -Hàng Chiếu.

Vì ở cạnh chợ Đồng Xuân và nối với đê sông Hồng và bến cảng nên phố Hàng Chiếu trở thành vùng đất phức tạp nhất khi đó. Đặc biệt, ngôi nhà số góc phố Hàng Chiếu và Hàng Giầy chính là xưởng cắt may quân phục một thời của Pháp. Sau họ bỏ đi rồi cho người Hoa thuê để làm nhà cầm đồ Vạn Bảo và cho vay nặng lãi. Biết bao mảnh đời đói rách đã mất mạng từ ngôi nhà này. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết chuyện của chính người nhà mình đi cầm đồ ở đây. Những đoàn người vật vã kêu khóc vì mất nhà cửa, ruộng vườn vì lãi suất cắt cổ. Họ lê từng bước trên phố như những bóng ma hiện hồn trong đêm tối tuyệt vọng. Ngôi nhà Vạn Bảo ấy sau này trở thành cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh (vẫn còn biển hiệu ghi lại).

Phía giữa phố còn có chợ người nữa mới ghê (hình thành từ đầu thập niên 3 thế kỷ XX). Nhà thơ Tạ Vũ nhớ, từ bé ông đã chứng kiến hàng chục đàn bà con gái chờ kẻ mối lái đưa đi làm con sen, con ở nhà giầu hay quan tây. Thậm chí còn những kẻ dẫn mối lừa các cô ở quê đi làm gái nữa. Chợ người ở ngay đầu ngõ nối sang chợ Đồng Xuân (nay gọi là ngõ Đồng Xuân).

Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã từng tới đây trải nghiệm thực tế dài ngày để viết thiên phóng sự “Cơm thầy cơm cô” đẫm nước mắt về thân phận người nghèo. Nhà văn cũng phải kiếm ăn từng bữa trong đói rách nên thấu hiểu cảnh trầm luân kiếp người. Những bài phóng sự của Vũ Trọng Phụng đã gây chấn động xã hội năm 1936. Mãi cho tới những thập niên 60 thế kỷ XX, phố Hàng Chiếu vẫn còn những cảnh chợ người này. Một số người mù ngồi lang thang bán thuốc lậu cho người qua đường.

Một thời oanh liệt cửa Ô

Ô Quan Chưởng xưa có tên là Thanh Hà Môn là một trong những cửa ô chính của thành Đại La. Phố Hàng Chiếu được hình thành trên đất thôn Thanh Hà, huyện Thọ Xương xưa. Giặc Pháp đánh chiếm Hà Nội đã điều quân qua Đông Hà Môn để đánh tập kích vào phía Nam Thành (năm 1873). Tại đây đội quân nhà Nguyễn dưới sự chỉ huy của viên Chưởng Cơ đã chiến đấu đánh chặn quyết liệt. Hàng chục lính Pháp đã chết ngay trên bến sông Tô. Viên Chưởng Cơ cũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và gục ngã cùng đồng đội dưới lá cờ dân tộc. Chính vì thế sau này Thanh Hà Môn đã được đổi tên là Ô Quan Chưởng để tưởng nhớ đến những người anh hùng này.

Võng điều em trải chiếu hoa -1
Phố Mới 1906.

Cửa Ô sừng sững hiên ngang còn là minh chứng cho cuộc chiến đấu mãnh liệt của những chiến sĩ trung đoàn Thủ đô vào ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Cuộc chiến đấu kéo dài tới 17/2/1947. Đây là một công sự quan trọng của mặt trận Đồng Xuân (Liên khu I). Các chiến sĩ tại Ô Quan Chưởng có nhiệm vụ đánh chặn những cánh quân giặc Pháp tiến vào phía sau chợ Đồng Xuân. Ngày 14/2/1947, mặt trận chợ Đồng Xuân trở thành trọng điểm tấn công của quân viễn chinh Pháp. Chúng dùng xe tăng và máy bay yểm trợ để xông vào trận địa. Các chiến sĩ ở Ô Quan Chưởng đã lập chiến hào, dũng cảm quyết chiến, tiêu diệt nhiều lính Pháp. Sau đó chính Ô Quan Chưởng là một trong những tuyến đường rút lui của trung đoàn Thủ đô. Các chiến sĩ cảm tử vượt đê, qua gầm cầu Long Biên để sang bãi giữa lên chiến khu.

Nhà thơ Tạ Vũ nhớ lại một thuở chói chang của lịch sử Ô Quan Chưởng và coi đó là niềm tự hào của tuổi thơ mình trong những ngày binh lửa. Mọi người trong những khu nhà đã đem hết giường tủ và bàn ghế cùng những bao cát chồng lên tạo công sự chiến đấu. Ông nhớ khi đoàn quân rút đi dưới lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trên cửa Ô. Lời bài hát "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi vang lên từ loa phố tạo nên âm hưởng hùng tráng: “Này lớp lớp người đi ánh sao tưng bừng chói lói lòng ta/ Mai này lớp lớp người đi thét vang trời khải hoàn/ Nhìn đây máu chúng ta tưới bao nhiêu đất này ta tưới ngày mai vút lên…”.

Hồn xưa phố mới

Hàng Chiếu là một trong số ít phố còn bán hàng truyền thống theo tên phố từ những ngày đầu tiên. Vậy là đã mấy trăm năm qua những tấm chiếu hoa, chiếu cưới vẫn được bày bán như ngày nào. Cho dù phố đã có nhiều đổi thay về các mặt hàng nhưng dẫy bán chiếu luôn đầy ắp duyên nợ ba sinh với thế gian. Màu sắc Thăng Long - Hà Nội được tô điểm với sự bền bỉ qua những tấm chiếu đồng quê. Con phố gắn bó với hình ảnh dân gian: “Chiếu hoa giàn mặt giải đàng/ Giải hết các ngõ nhà nàng đến nhà anh”. Bỗng dưng tôi lại nhớ tới ngôi nhà ba tầng của thi sĩ Tạ Vũ ngày nào luôn có chiếc võng được trải chiếu nằm trên. Bao giờ ông cũng mời chào mỗi khi có khách tới chơi bằng câu ca dao: “Mấy khi bạn đến chơi nhà/ Võng điều ra rước chiếu hoa trải ngồi”. Nghe thật xao xuyến tấm lòng. Phố Hàng Chiếu thân thương.

Vương Tâm
.
.