Voi - Biểu tượng thiêng!
Đồng bào Tây Nguyên xưa coi voi vừa là vật thiêng (làm lễ cúng sức khỏe voi), vừa là vật nuôi để chuyển gỗ, hàng hóa… Nhưng nơi voi được “thiêng hóa” hơn cả là Ấn Độ. Trong Ấn Độ giáo, biểu tượng voi có rất nhiều lớp mã văn hóa mà có lẽ bóc mãi vẫn chưa đi tới cuối cùng. Là vật cưỡi của vị thần tối cao Inđra, voi xuất hiện vô cùng đa dạng về hình vẻ, phong phú về tâm trạng, giàu có về ý nghĩa trong các loại hình nghệ thuật, đặc biệt trong kiến trúc.
Ngày trước khi mà đất đai rộng rãi, nguồn thức ăn cây cỏ còn dồi dào, thì voi là vật nuôi, tuy không phổ biến như trâu bò nhưng cũng gần gũi với con người. Truyện “Thầy bói xem voi” kể bốn thầy bói nhân ngày ít khách bèn hùn tiền để “xem voi”. Thầy này nhận xét con voi như cái đòn càn. Thầy kia nói con voi như cái chổi xể… Thầy nào cũng “đúng” cả vì “thầy” chỉ “trực quan” một bộ phận.
Ngụ ngôn thâm thúy dạy ta khi đánh giá sự vật, hiện tượng nào đều phải đặt vào tính hệ thống, còn tách rời ra thì sai bét cả. Câu chuyện còn cho thấy con voi thời đó đến “người mù” còn “biết”, tức là rất thường gặp. Thế nên có nhiều thành ngữ dân gian mượn “voi” để ngụ ý, như “khỏe như voi” ý nói rất khỏe. “Được voi đòi tiên” ngoài sự cho thấy voi là “vật quý” còn để chỉ sự tham lam, đã được cái quý rồi lại còn đòi hỏi cái quý hơn. “Mười voi không được bát nước xáo” chỉ những người khoác lác, “phổi bò”, không thực chất. “Đầu voi đuôi chuột” nói về sự việc mang tính khoa trương, lúc đầu “to đùng”, về sau “bé tẹo”… Đại để những thành ngữ như vậy mang nội dung giáo huấn, giáo lý, còn nói về một thực tế: voi luôn có mặt trong đời sống.
Những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong sách giáo khoa lớp 9 phổ thông có in bài “Con voi ở công viên Thủ Lệ” của nhà văn Ngô Văn Phú kể về nhân vật con voi A Khâm từng là “chiến sĩ” trên chiến trường, hòa bình voi phải về công viên “làm cảnh” cho người đời xem. Câu chuyện toát ra bài học biết ơn, nhớ ơn thấm thía, xúc động. Không chỉ con người mới biết nhớ ơn nhau mà còn phải biết ơn tự nhiên, các động vật, sinh vật đã cùng mình tồn tại, nuôi sống mình… Hình như điều ấy ở các nước láng giềng gần gũi như Lào, Thái Lan… chú ý hơn nên số lượng voi vẫn còn nhiều. Ở ta thì ít hẳn, cả voi nhà lẫn tự nhiên đều giảm đến mức báo động.
Ở châu Á từ lâu đã biết sử dụng voi phục vụ cho đời sống, đặc biệt là trong việc quân sự. Nhìn vào bàn cờ tướng - một mô hình tối giản của nhà nước phong kiến xưa thì “tịnh/tượng” (voi) luôn bên cạnh (để bảo vệ) “tướng” (vua), chỉ sau “sĩ” (bộ phận tham mưu). Truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh” kể, để cầu hôn được Mỵ Nương, người đó phải có sính lễ, đủ “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” đem dâng vua Hùng.
Hiện ở làng Cam Lâm (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) gần lăng Ngô Quyền vẫn còn rặng duối, theo các nhà khoa học thì có tuổi thọ tới ngàn năm. Điều này phù hợp với truyền thuyết đây là nơi Ngô Quyền từng buộc voi chiến, ngựa chiến trong sự nghiệp lẫy lừng đánh đuổi quân Nam Hán. Tranh dân gian minh họa Hai Bà Trưng đánh giặc luôn vẽ Hai Bà cưỡi trên lưng voi. Ngày nay đền Hai Bà Trưng (Mê Linh – Hà Nội), tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng, theo truyền thuyết, khu đất này có hình dáng giống một con voi trắng đang uống nước. Trong sân đền vẫn còn một hồ nước đầy, dân gian gọi là hồ Mắt Voi. Tại sao lại là “voi trắng”? Rất có thể là “phái sinh” từ một huyền tích Phật giáo!
Chỉ bằng hai câu lục bát nhưng ca dao đã tạc vào lịch sử anh hùng của dân tộc hình ảnh Bà Triệu đuổi giặc: “Muốn coi lên núi mà coi/ Có Bà Triệu Ẩu cưỡi voi, đánh cồng”. Lịch sử thời Trần đánh giặc Nguyên ghi công Dã Tượng (từ Hán Việt nghĩa là “voi rừng”) là một trong 5 mãnh tướng của Trần Hưng Đạo, có tài thuần phục, huấn luyện, chỉ huy đội tượng binh gồm những thớt voi chiến hùng mạnh đã đánh tan những đội kỵ binh quân Nguyên thiện chiến.
Dã sử kể, một lần trên đường hành quân, con voi chở Hưng Đạo Đại vương bị sa lầy, chìm dần xuống bùn, biết không thể đi tiếp con voi vươn vòi về phía trước ý nói Đại vương đi trước còn mình chịu chết chìm ở đây. Sau chiến thắng, Hưng Đạo vương sai người lập miếu thờ con voi dũng cảm và ân nghĩa ấy. Cũng là cách giáo dục con cháu phải biết kính trọng cả những con vật, rất đúng với tinh thần của “Phê bình sinh thái” mà cả thế giới hiện đang hưởng ứng.
Hình tượng voi cũng góp vào sự tô thắm thêm chiến công mang tính huyền thoại của Anh hùng Quang Trung. Truyền thuyết kể, Nguyễn Huệ được tặng một con voi đực dữ, rất thông minh, nhiều quản tượng giỏi vẫn không thể leo lên lưng nó. Đến khi nữ tướng Bùi Thị Xuân huấn luyện, nó ngoan ngoãn trở thành con voi thiện chiến nhất trực tiếp phục vụ Chủ tướng Nguyễn Huệ. Với cặp ngà to dài, trắng bóng, nhọn hoắt, mỗi lần ra trận voi rống vang, xông lên, cùng người anh hùng lập bao chiến công, đuổi quân Thanh, dẹp quân Xiêm... Nghĩa quân gọi voi là “ông Ầm”. Quân thù cứ nghe tiếng “ông Ầm” là đã kinh hồn bạt vía. Vua Quang Trung chẳng may mất sớm, “ông Ầm” bỏ ăn, buồn bã. Sau ngày theo đoàn cấm binh đưa nhà vua về nơi an nghỉ, “ông Ầm” bỏ đi vào núi...
Là con vật có ích, tình cảm, thông minh nên từ lâu voi đi vào các loại hình nghệ thuật dân gian để trở thành một hình tượng gần gũi, quen thuộc. Nước bạn Lào coi voi là “linh vật”, lấy voi làm tên nước (Triệu Voi, Vạn Tượng). Đất nước Thái Lan coi voi là biểu tượng cho tôn giáo, dân tộc và hoàng gia, còn là biểu tượng cho sức mạnh, sự thịnh vượng và hạnh phúc. Voi được tôn sùng đến mức hình ảnh voi trắng xuất hiện trên quốc kỳ Thái Lan (đầu thế kỷ XX).
Ở ta, hình ảnh voi có trên mặt trống đồng Đông Sơn, trên dao găm đồng… Di chỉ khảo cổ Làng Vạc (Nghệ An) tìm thấy cây đèn cổ (cách nay trên dưới 2.500 năm) có đế là một tượng voi. Trong văn hóa thời Lý - Trần, voi xuất hiện nhiều trên các đồ gốm, đồng, đá… Trong các truyện cổ tích Việt, các chú voi to lớn, khỏe mạnh, tốt bụng có phần vô tâm, ngờ nghệch… Lý giải voi là thú hoang dã, dễ thuần hóa để thành con vật có ích, kho tàng cổ tích Tây Nguyên kể, tận xa xưa voi vốn là người. Một lần dân bản nọ tát cái đầm trong rừng sâu bắt cá, không biết đấy là cá thần, họ bèn nướng lên ăn mà biến thành voi…
Rất nhiều cổ tích trên thế giới chung môtip ngụ ngôn “kiến và voi” kể voi cậy mình to khỏe nên kiêu ngạo coi thường mọi vật. Lần ấy gặp đàn kiến không chịu tránh, voi liền lấy chân giẫm kiến. Kiến liền tản ra leo lên người, chui vào tai voi mà cắn, mà đốt… Cuối cùng, voi đành quỳ xuống chịu thua kiến. Từ đó voi sợ, trước khi ăn bất cứ thứ gì, phải lấy vòi rũ kỹ, sợ trong đó có kiến. Câu chuyện răn dạy người ta phải biết khiêm tốn, biết mình biết người, thấy người nhỏ yếu mà bắt nạt sẽ dễ gặp hậu quả khôn lường…
Là động vật trên cạn lớn nhất thế giới hiện nay còn sống, voi châu Phi có thể cao tới 3m, nặng trên dưới 5 tấn. Voi châu Á nhỏ hơn, cao dưới 3m, nặng 3, 4 tấn. Có nhận thức giống như con người, nhớ rất rõ bạn bè cũng như kẻ thù, sống theo tập quán mẫu hệ, có tính xã hội cao, theo các nhà nghiên cứu, voi cũng có lòng vị tha và lòng trắc ẩn. Trong đàn có một con buồn, những con khác sẽ đáp lại bằng những tiếng gọi, mục đích để an ủi, chia sẻ. Voi có ngôn ngữ, ký hiệu riêng, “giọng nói” riêng với những âm thanh trầm, bổng khác nhau, giao tiếp với nhau bằng các chuyển động cơ thể và các cử chỉ. Khi cảm thấy lo lắng, bồn chồn, voi sẽ dùng vòi chạm vào tai, chà xát vào ngà để giữ bình tĩnh…
Đồng bào Tây Nguyên xưa coi voi vừa là vật thiêng (làm lễ cúng sức khỏe voi), vừa là vật nuôi để chuyển gỗ, hàng hóa… Nhưng nơi voi được “thiêng hóa” hơn cả là Ấn Độ. Trong Ấn Độ giáo, biểu tượng voi có rất nhiều lớp mã văn hóa mà có lẽ bóc mãi vẫn chưa đi tới cuối cùng. Là vật cưỡi của vị thần tối cao Inđra (thần Sấm sét, thần Chiến tranh, thần Hộ mệnh), voi xuất hiện vô cùng đa dạng về hình vẻ, phong phú về tâm trạng, giàu có về ý nghĩa trong các loại hình nghệ thuật, đặc biệt trong kiến trúc. Hình ảnh vị thần Ganesha đầu voi mình người mời gọi cả thế giới chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Hình bóng con voi Ấn Độ giáo lan sang văn hóa Chăm (Việt Nam) in đậm dấu ấn vào kiến trúc chùa chiền, tượng, phù điêu, đất nung…
Truyền thuyết Phật kể hoàng hậu Mada nằm mơ một “thớt” voi trắng trên trời bay vào bụng, từ đó bà đậu thai. Truyền thuyết này cắt nghĩa voi là biểu tượng cho quá trình “tâm thức”: khởi đầu tu tập như chú voi xám hoang dã. Khi hoàn thành tốt việc tu tập, đã “tỉnh thức”, được tượng trưng bằng một con voi trắng mạnh mẽ, trí tuệ. Với tầm ý nghĩa phổ quát, biểu tượng vươn ra ngoài mảnh đất văn hóa xã hội để chỉ con người nói chung cần biết khắc phục, loại bỏ những gì non dại, yếu kém để vươn tới sự minh triết sáng láng.