Vẻ đẹp phố cổ trong ký ức một danh thủ bóng đá

Thứ Năm, 06/04/2023, 10:18

Phố Hàng Bột là một con phố nhỏ của Hà Nội. Phố Hàng Bột nuôi nấng và chở che bao nhiêu con người lớn lên, trong đó có tác giả Hồ Công Thiết. Vì vậy, những ký ức về phố Hàng Bột được tác giả Hồ Công Thiết trình bày một cách xúc động trong cuốn sách "Phố Hàng Bột chuyện tầm phào mà nhớ" do Chibooks và NXB Lao động, ấn hành năm 2023.

Tác giả Hồ Công Thiết sinh năm 1952 tại phố Hàng Bột. Ông đã dành nhiều thời gian để gom góp những hoài niệm mà viết về phố Hàng Bột và hoàn thành bản thảo cách đây không lâu. Đáng tiếc, tác giả Hồ Công Thiết đã qua đời vào ngày 22/1/2023, không kịp nhìn thấy cuốn sách "Phố Hàng Bột chuyện tầm phào mà nhớ" đến tay bạn đọc khắp nơi.

1 tác giả hồ công thiết.jpg -0
Tác giả Hồ Công Thiết.

Tuy gọi là "chuyện tầm phào", nhưng những dòng hồi tưởng của tác giả Hồ Công Thiết chứa đựng nhiều thông tin bổ ích: "Cốc bia hồi đấy to hơn bây giờ, đựng được nửa lít bia. Ở ngõ Thông Phong thuộc Hàng Bột có xưởng thủy tinh của ông Ích, sát với bờ hồ Văn của Văn Miếu, nằm ngay sau lưng khách sạn Sao Mai bây giờ, cũng tham gia sản xuất cốc uống bia. Nguyên liệu là những chai lọ mua gom khắp thành phố do các bà đồng nát mang đến, được đập vụn rồi đổ vào chiếc lò đang đỏ lửa. Các ông thợ cầm chiếc ống dài, gạt lớp thủy tinh mới đổ để cuốn một cục thủy tinh đã nóng chảy vào đầu ống, lôi ra chiếc khuôn đặt bên cạnh rồi thổi.

Vừa thổi vừa xoay. Thủy tinh đang chờ nguội, các ông đã bẻ ngang đầu ống và thợ phụ dùng con dao dài gọt sát mép khuôn cho tròn thành cốc, rồi tách khuôn dỡ chiếc cốc đã định hình. Ánh lửa lò và có thể thủy tinh vẫn đang nóng rực nên những chiếc cốc lôi ra khỏi khuôn vẫn đỏ rực. Có chiếc lôi ra sớm nên bẹp và méo liền bị quẳng ngay vào đống thủy tinh đang chờ vào lò. Cốc đựng bia hồi đó làm bằng thủy tinh sơ chế thủ công nên có màu sáng bàng bạc vì vẫn còn đầy bọt khí lẫn trong thành cốc. Tận bây giờ, cốc bia hơi dù có loại 330ml hay có hàng ăn gian thửa loại 300ml, họ vẫn yêu cầu chiếc cốc vẫn phải có những bọt khí lẫn trong thành cốc như xưa. Làm được vậy phải có lò thủ công vì lò hiện đại có thiết bị quấy tự động tách hết được bọt khí khỏi thủy tinh nóng chảy".

Tác giả Hồ Công Thiết từng là cầu thủ bóng đá của Đội Công an Hà Nội. Ông đã xuất bản vài cuốn sách như "Kim Sơn - Điệp viên lãng tử" hoặc "Tản mạn bóng đá Hà thành" trước khi có "Phố Hàng Bột chuyện tầm phào mà nhớ". Là một đứa con của phố Hàng Bột, tác giả Hồ Công Thiết cũng là một chứng nhân cho những đổi thay của phố Hàng Bột. Từng gương mặt bạn bè, từng quán ăn nhộn nhịp, từng trò chơi tuổi nhỏ... được xuất hiện trong "Phố Hàng Bột chuyện tầm phào mà nhớ" giống như những thước phim quay chậm và sắc nét.

Tác giả Hồ Công Thiết viết về nghề khắc bút và bơm mực bút bi ở phố Hàng Bột gắn liền với thời học trò: "Những ngày đầu thằng Nam mới có thêm nghề bơm mực bút bi, lũ chúng tôi thỉnh thoảng phải chạy ra, đứng hậu thuẫn đằng sau như bảo vệ để khách không… đánh nó. Vì thi thoảng, cũng có khách đến bắt đền, cầm theo chiếc bút chảy nhoe nhoét mực hoặc có khi còn mặc nguyên chiếc áo dính đầy mực. Do mực bơm là mực in thải loại nên loãng toẹt, cứ chảy dần trong bút, thấm cả ra ngoài. Khi đấy, thằng Nam chưa có kinh nghiệm nên chưa biết cách bơm keo vào ống đựng mực của bút bi. Gọi là keo cho oai chứ thực ra, nó được mách nước là lấy bột nếp quấy thành hồ rồi bơm vào đít ống mực. Có loại keo đấy ngăn lại, mực hết chảy và uy tín của nó lại lên vù vù".

Ở phố Hàng Bột cũng có nhiều đặc sản khó quên, mà tác giả Hồ Công Thiết ghi chép tỉ mỉ: "Tổ sản xuất mì sợi tọa lạc ở khoảng đất trống cuối ngõ Văn Chương. Gọi "tổ" cho oai, chứ nơi sản xuất chỉ là cái lán được dựng bằng tre nứa, chính giữa đặt chiếc máy cán mì sợi nhỏ tí. Bột mì được nhào rồi cán đi cán lại tới mỏng tang, sau đó, được xén thành những tấm dài, bề ngang vừa với khuôn khổ máy cắt. Mấy anh thanh niên làm thuê cho tổ cứ tuần tự người quay máy cắt, người đưa những miếng bột mì đã cán mỏng vào máy. Mẹ tôi thì đón những sợi mì tuôn ra từ máy cắt, tãi bông lên những chiếc mẹt tre đan thưa, rồi chuyển tới bếp lò than hừng hực lửa ở cuối lán. Từng mẹt mì được xếp chồng lên nhau, cho vào chiếc nồi hấp rất to đặt trên bếp lửa, úp lại bằng cái vỏ thùng phuy to tướng, và hơi nước nóng sẽ làm chín sợi mì".

1 bia sach.jpg -0
Cuốn sách thú vị của tác giả Hồ Công Thiết.

Cố nhân phố Hàng Bột gây ấn tượng mạnh mẽ với tác giả Hồ Công Thiết là ông thợ cắt tóc xứng đáng xưng tụng "đệ nhất kéo" với những thao tác điêu luyện: "Dũi xong mấy đường cơ bản, ông dùng kéo tỉa tót, bấm tanh tách quanh vành tai rồi mấy chỗ tóc lờm xờm quanh đỉnh đầu khách. Nhiều người muốn cho nhẹ đầu còn nhờ ông tỉa tóc thật mỏng. Lúc đấy, ông dùng chiếc kéo như hai cái lược bắt chéo nhau để tỉa ngắn tóc cho đều. Thường khách đến cắt tóc không dặn ông cắt kiểu gì. Ông nhìn khuôn mặt, dáng tóc cũ là biết phải cắt như thế nào…

Có mấy ông, nhà ở làng pháo Bình Đà cũng hay đến. Chưa tới kỳ cắt tóc thì nhờ bấm tỉa. Họ khoái nhất là lúc được cạo mặt và lấy ráy tai. Nhúng chiếc chổi lông tròn xoe vào cái bát nhựa nông thành trôn rộng, ông quét nước xà phòng loãng lên mặt, lên vành tai khách rồi cạo. Những nhát dao khoáng đạt, dứt khoát. Trông thấy ghê mà chưa có ai bị sứt sát vành tai. Bây giờ, ra hiệu cắt tóc, thợ không dùng dao cạo loại cũ mà bẻ đôi lưỡi dao lam, gài vào thành dao cạo. Lưỡi dao mới sắc và cạo rất êm nhưng động tác cẩn thận, chậm rãi của họ khiến tôi càng thán phục những động tác xưa của ông Bảo Toàn - rất nhanh, dứt khoát và vô cùng êm ái. Ông cạo mà như múa trên khuôn mặt người khách".

Cùng trải qua những năm tháng thơ mộng ở Hà Nội với tác giả Hồ Công Thiết, nhà văn Châu La Việt đánh giá về cuốn sách "Phố Hàng Bột chuyện tầm phào mà nhớ" của bạn mình: "Tác phẩm đưa ta khám phá lược sử Hàng Bột, món ngon Hàng Bột, con người Hàng Bột với một thời bao cấp muôn nghề mưu sinh, trò chơi của con trẻ xưa ở phố Hàng Bột. Tức là, những gì đặc trưng nhất của Hàng Bột đều có trong tập sách, từ dư địa chí, phong tục tập quán, tầng tầng lớp lớp người với người, người với cảnh và người với việc. Tác giả Hồ Công Thiết gắn bó suốt từ tuổi thơ với Hàng Bột, yêu con phố ấy đến mê man từng nóc nhà, từng ngõ hẻm để viết nên tập sách này. Anh hiểu về Hà Nội rất chi tiết, kỹ càng, và viết ra cũng chi tiết, kỹ càng, cuốn hút, ăm ắp những điều ai cũng yêu thích, cũng tò mò mà chưa mấy người viết ra".

Thật vậy, cuốn sách "Phố Hàng Bột chuyện tầm phào mà nhớ" chỉ vỏn vẹn 200 trang, nhưng lại khơi dậy cả một miền ký ức về Hà Nội. Bởi lẽ, từ phố Hàng Bột ấu thơ, danh thủ bóng đá Hồ Công Thiết gợi nhớ nhiều vẻ đẹp Hà Nội xưa, mà tàu điện là một ví dụ. Từ hoài niệm của tác giả, công chúng hiểu thêm về một đặc sản Hà Nội.

Từ tháng 5/1890 đã có Nhà máy xe điện được xây dựng ở đất làng Thụy Khuê. Sau đấy lại xây tiếp nhà điều hành hình tròn, nay bị phá để xây tòa nhà Hàm cá mập ngay góc Đinh Tiên Hoàng - Cầu Gỗ. Tàu điện chạy trên đường ray như xe lửa, thường có hai toa. Toa kéo có hai ghế điều khiển đặt ở hai đầu, mỗi khi xoay chiều chạy, ông lái tàu lại nhấc chiếc cần lái bằng đồng sáng loáng hình chữ Z khỏi cái chốt dẫn động hình vuông to đùng trên bàn lái, mang đến đầu bàn lái bên kia. Ông phụ lái nhảy khỏi tàu, túm dây kéo chiếc cần vẹt đặt giữa nóc tàu, xoay đủ 180 độ rồi ướm đặt cần vẹt tiếp xúc với hàng dây điện bên trên để đảo chiều dòng điện. Những đêm tối trời, có khi ông phải nhấp hai ba lần mới đặt được cái bánh xe tròn đầu cần vẹt áp vào với dây. Những lúc đấy, điện phóng sáng rực như sét đang đánh xuống toa xe điện, trông rất sợ.

Ngày 13/9/1900, tàu điện chính thức chạy trên tuyến Bờ Hồ - Thụy Khuê. Năm sau, có thêm tuyến Bờ Hồ - Ấp Thái Hà, rồi đến năm 1915, tuyến này được kéo dài đến tận bến xe Hà Đông. Năm 1906, khai trương tiếp tuyến Bờ Hồ - Chợ Mơ. Tàu điện dùng nguồn từ ba máy phát điện chạy bằng hơi nước nhãn hiệu Alioth Buise có công suất 250 mã lực. Năm 1925, Nhà máy điện Yên Phụ khánh thành, tàu điện chuyển sang dùng điện lưới và Công ty Xe điện lần lượt mở thêm các tuyến Bờ Hồ - Đại Cồ Việt năm 1929 (năm 1943, tuyến này được kéo dài tới cổng Bệnh viện Bạch Mai), rồi tiếp đến tuyến từ Bờ Hồ đến Yên Phụ, Bưởi, Cầu Giấy".

Tuy Hòa
.
.