Nhận chân nền thơ đương đại

Thứ Năm, 09/03/2023, 14:38

LTS: Nhà văn Nguyễn Hiếu là cộng tác viên thân thiết của ấn phẩm Văn nghệ Công an. Được tin ông đột ngột qua đời, chúng tôi rất lấy làm thương tiếc ông. Đây là bài viết cuối cùng ông vừa gửi cộng tác với Văn nghệ Công an trước khi mất mấy ngày. Xin được đăng bài viết cuối của ông như một nén tâm hương tiễn ông về cõi vĩnh hằng.

Cũng cần phải nói thêm, ở số trước chúng tôi có đề cập đến chủ đề “Thơ có cần thiết cho đời sống?”. Bài viết này của nhà văn Nguyễn Hiếu góp thêm một ý kiến đa chiều về thơ đương đại hôm nay, và những lí giải vì sao người yêu thơ, làm thơ vẫn nhiều nhưng độc giả bây giờ ít mua thơ, và sách thơ thường in ra không bán được. Trân trọng!

Tôi còn nhớ cách đây xấp xỉ nửa thế kỉ, khi tôi đã đi làm được ba năm nhưng vốn vừa tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp nên tôi rất mê các tác phẩm văn học trong đó có thơ. Tôi ra hiệu sách ở phố Tràng Tiền tìm mua hai tập thơ mới phát hành của hai nhà thơ có tiếng là Hoàng Trung Thông và Phạm Hổ.

Cho đến bây giờ quả tình tôi chỉ còn nhớ nhan đề tập thơ của Hoàng Trung Thông là “Xa khơi” bởi nó trùng với ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ do ca sĩ Tân Nhân trình bày rất hay. Còn tập thơ của Phạm Hổ thì ngay cả đầu đề tôi cũng quên mà tôi chỉ nhớ câu thơ ca ngợi N.Khơ rút xốp “Áo như trời xanh, tay như bồ câu” vì sự dị dị của nó.

Ngay cả hai tập thơ theo tôi có thể xem là không hay đó mà bán rất chạy, bởi ngay hôm sau tôi mua, cô bán hàng thông báo đã bán hết. Những tập thơ chất lượng bình thường như thế vào những năm đầu của thập niên 70 của thế kỉ trước còn hút được độc giả như vậy thì các tập thơ danh tiếng như “Ánh sáng và phù sa”, “Bài thơ cuộc đời”, “Gió lộng “… sẽ tạo ra sức tiêu thụ đến thế nào.

nhà thơ chế lan viên với những tác phẩm có giá trị.jpg -0
Nhà thơ Chế Lan Viên và những cuốn sách quý của ông.

Nhìn chung thơ tự in bây giờ có hình thức bắt mắt hơn, đó là chưa kể không ít tập thơ lại có những bài bình mà đa phần là tán của không ít các nhà phê bình, các nhà thơ có danh. Cũng phải công nhận là nhiều tập đạt mức trung bình trở lên. Nhưng tại sao thơ trước kia có sức hấp dẫn với bạn đọc còn thơ bây giờ bị thờ ơ trên kệ sách bán.

Thời kì thơ còn hấp dẫn người đọc chính là những tháng năm đất nước ta vừa dành độc lập sau cuộc kháng chiến vệ quốc lần thứ nhất, chuyển sang giai đoạn hòa bình xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước, rồi chẳng bao lâu cả hai miền đều lao vào cuộc chiến tranh. Miền Bắc vừa chi viện cho miền Nam “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” lại phải gồng mình chống chiến tranh phá hoại bằng không tặc của Mỹ. Ở miền Nam cuộc chiến tranh chống Mỹ và bè lũ tay sai dần dần ác liệt. Đó là chưa kể suốt những tháng năm dài dằng dặc đó nền kinh tế và đời sống của nhân dân ta vừa san sẻ cho miền Nam ruột thịt lại vừa bị chế độ bao cấp buộc thít.

Thơ là thể loại trữ tình tự bạch về trạng thái tâm hồn mình trước sự vật, xã hội, con người xã hội…. Nhưng ý thức công dân trong giai đoạn đó đều trở thành tâm sự thường trực trong mỗi nhà thơ nên dường như tất cả các sáng tác thơ giai đoạn này đều mang cái chung của người Việt Nam với tâm cảm của dân tộc đang vượt khó xây dựng đất nước, và vì miền Nam ruột thịt. Không ít bài thơ đã nhẩy từ lãnh địa của thể loại trữ tình sang lãnh địa của thể loại tự sự kiểu như bài “Anh Tài Lạc” của Huy Cận, và ngay trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng” thì tác giả “Lửa thiêng” cũng có nhiều bài thơ tự sự tương tự. Những yếu tố cá nhân trong thơ giai đoạn này bị lấp khuất sau cảm hứng công dân kiểu như câu thơ của Chế Lan Viên viết về Hồ Chủ Tịch:

Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp
Có hay đâu hang Pắc Pó gió lùa
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ.

Thơ dạo đó đẩy cảm hứng cá nhân lùi sau những bức xúc, mối quan tâm đến cuộc sống, xã hội. Hay nói đúng hơn cảm xúc cộng đồng hòa cùng với cảm xúc riêng của nhà thơ. Trong khi dân ta đa phần là những người quan tâm đến thời cuộc, đến cái chung. Thêm vào đó các tác phẩm thơ dạo đó lại thường được các cơ quan ngôn luận trong đó phải kể đến Đài Tiếng nói Việt Nam với tiết mục Tiếng thơ hàng đêm với giọng ngâm tha thiết của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm… đã khiến thơ được chú ý và người yêu thơ càng nhiều.

Giai đoạn đó không ít nhà thơ đã từng nổi danh về chất công dân như Chế Lan Viên với các bài thơ trăn trở về Bác kính yêu được tập hợp trong tập “Ánh sáng và phù sa”, hay từng được mệnh danh là thi sĩ của đường Trường Sơn như Phạm Tiến Duật với hàng loạt bài thơ nổi tiếng như “Tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Nghe em hát trong rừng”… In trong tập “Vầng trăng quầng lửa”.

Ngay đến các thi sĩ chuyên thơ tình trong thời kì thơ mới giai đoạn đó cũng ít nhiều từ bỏ sở trường thơ của mình để đến với các đề tài mang nặng chất hiện thực cuộc sống. Xuân Diệu dừng “thơ thơ”,”Gửi hương cho gió" để đến với “Dưới sao vàng”, “Ngôi sao”, “Cầm tay”, “Riêng chung” …để viết những bài thơ “Em đi tuyến lửa”, “Gửi Nam bộ mến yêu “Ngói mới”, “Cao”, “Trước cổng nhà máy xay”… Huy Cận xa rời “Lửa thiêng” ,”Vũ trụ ca”… đến với “Trời mỗi ngày lại sáng”, “Đất nở hoa”, “Bài thơ cuộc đời”… để viết “Đoàn thuyền đánh cá”, “Các vị La hán chùa Tây Phương”, “Ta viết bài thơ gọi biển về”, “Nhớ mẹ năm lụt”, “Anh Tài Lạc”…với những cảm xúc cùng những câu thơ chan chứa hiện thực và cuộc sống quần chúng - cái chung như thế nên thơ thế hệ cũ, giai đoạn trước ba thập niên trên tạo được lòng mến mộ của quần chúng . Còn thơ hiện nay?

Nguyên nhân sự quay lưng với thơ của người đọc bắt đầu từ việc suy sụp của văn hóa đọc không đủ sức cạnh tranh với các phương tiện giải trí, truyền thông hiện đại. Thứ hai thơ giai đoạn này đa phần là những cảm xúc riêng tư với những đề tài quá cũ, không gắn bó gì đến suy nghĩ, tâm tư của con người trong giai đoạn kinh tế thị trường, trong thời buổi xã hội có nhiều biến động. Một vài nhà thơ tìm đến những đề tài lớn như tình yêu Tổ quốc, nhưng lại tạo ra các bài thơ với những câu từ sáo rỗng gần giống như khẩu hiệu. Về nghệ thuật thì hơn ba thập kỉ nay chưa có sáng tạo nào mới, chưa có nhà thơ nào nổi trội. Các nhà thơ, kể cả các nhà thơ có tiếng đều dường như chưa tạo ra phong cách riêng, họ viết ra những bài thơ từa tựa nhau “giống như người lính nhìn từ đằng sau” từ cảm hứng, tứ thơ, cách chọn từ, đặt câu, cấu trúc… Hiện tượng thơ “lẫn”, thơ “giống nhau” ngày càng phổ biến.

Chính các nhà thơ cũng nhận ra sự nhàm chán bởi sự lẫn, cũ và xuống cấp trong thơ nên không ít nhà thơ đi tìm sự thay đổi, dị biệt cho thơ mình từ việc mô phỏng lại cách viết trong thể phú ở văn học cổ điển (thơ văn xuôi), đến việc nghĩ ra các thể thơ lạ như thơ “năm câu, sáu câu, đa thanh”. Nhưng họ quên một điều, thể thơ không phải do nhà thơ nghĩ ra mà nó hình thành từ thực trạng, thể chế xã hội.

Một trật tự đỉnh cao của phong kiến thời nhà Đường mới tạo nên thể thơ Đường luật. Một sự thắng thế của phái võ sĩ đạo mới tạo ra thể thơ Haiku. Một nền văn hóa lúa nước và đặc trưng ngôn ngữ Việt Nam mới sinh ra thơ lục bát. Cũng cần kể thêm nguyên nhân làm thơ bị độc giả quay lưng vì nền phê bình văn học nói chung và phê bình thơ nói riêng hầu hết các bài phê bình thơ hiện nay là những bài giới thiệu sách, nặng về tán tụng, vuốt ve mà thiếu hẳn sự mổ xẻ, phân tích thấu đáo, hai chiều.

Trong khi gần hết các nhà thơ lặn ngụp trong các đề tài riêng tư, thậm chí khi viết về những đề tài lớn thì đa phần vẫn không thoát khỏi sự phô diễn những trăn trở cá nhân không gắn gì với suy tư, sự quan tâm của quần thể xã hội, nỗi bức xúc của con người trước thực tế, đặc biệt là những ngang trái, bất công ngược với lòng người. Chính sự ẩn mình quá sâu trong sự riêng tư này nên hầu hết các nhà thơ luôn vuốt ve, đánh bóng cảm xúc của mình bằng những vần thơ, câu chữ vô hại chỉ để phản ảnh mặt đẹp, mặt thuận chiều của cuộc sống, của xã hội. Điều này không chỉ ở thơ mà ở nhiều thể loại khác của văn học nước ta ba thập niên qua.

Trong khi sự vật bao giờ cũng hai chiều, nhiều chiều. Sự đơn điệu né tránh sự phức tạp của đối tượng phản ảnh đã khiến văn chương nước ta không có được những tác phẩm lớn, trong đó thơ lại càng bị độc giả chối từ. Hai cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta không có những tác phẩm lớn, hoặc những tác phẩm lớn chưa được phát hiện cũng vì điều này. Sau chiến tranh, độc giả thế giới rất muốn biết thực tế xã hội ta ra sao, tâm trạng người Việt với những vết lằn của chiến cuộc ra sao cũng không được mô tả đầy đủ, thuyết phục. Tác phẩm văn chương nước ta trong đó có thơ không tạo ra được những tác phẩm xứng đáng với thời đại, con người Việt Nam chính vì lẽ đó. Đó chính là nguyên nhân khái quát khiến thơ nguội lạnh trong lòng người đọc.

Quỳnh Mai - Chèm tháng 1/2023

Nguyễn Hiếu
.
.