Văn Đắc yêu
Nhà thơ Văn Đắc sinh năm 1942 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Như vậy, năm nay anh đã tròn trặn bước vào tuổi 80, vào cái tuổi thuộc lớp người "xưa nay hiếm". Xuất phát từ một nhà giáo, đến nay anh đã có trên mười tập thơ và nhiều giải thưởng cống hiến cho bạn đọc.
Thơ anh dù buồn hay vui, đọc xong vẫn thấy như làn mây không bọng nước mát lành vắt qua những trưa nắng tròn trặn. Đặc biệt khi anh viết về tình yêu, dù bất cứ ở tình huống hiển nhiên nào, khi đắm đuối cuồng nhiệt hay khi hờn ghen cô độc... ta vẫn thấy lấp lánh phía sau con chữ, trên những tán lá non phủ kín mặt hồ lấp ló những đóa súng đóa sen tinh khiết, ngọt lạnh sương đêm, cố gắng điểm tô cho không gian đa dạng quanh mình đang sống, những ánh nhìn non dại, đắm say. Hãy cùng anh thưởng thức thử bài thơ "ÁO TÍM" để thấy cái cách mà Văn Đắc bung biêng:
Xa thì không xa
Mất thì không mất
Khuất thì chẳng khuất bóng cây
Em như lá ngửa bàn tay cuối mùa
Nói thật thì cũng thật
Nói đùa thì cũng đùa
Lòng vòng theo bong bóng mưa
Em như thuyền giấy buộc hờ vào tôi.
Rơi thì không rơi
Vỡ thì không vỡ
Phai thì lặng lẽ mà phai
Tím như áo tím phơi ngoài chiêm bao.
Có hai cảm giác khi đọc xong bài thơ này. Ở nghĩa cạn: Thứ nhất, nói áo tím mà cả bài chỉ một lần nhắc đến từ áo tím! Ấy vậy mà, cả không gian cứ loang tím một màu huyền thoại. Gần gũi, thân mật, ám vào bao tao nhân mặc khách biến họ thành ngơ ngẩn, ngẩn ngơ, thành cái sự "dở người" không thể không có trong vô vàn câu chuyện tình xưa nay của nhân loại.
Thứ hai, là cách yêu có vẻ hơi cổ điển, tồn tại ở thế kỷ trước - Cái thời thanh niên của Văn Đắc hơn là thời 4G, 5G ngày nay. Chậm rãi, xa vắng hơn; nhường nhịn, yếm thế hơn. Ngôn ngữ "nghĩ" lấn át ngôn ngữ "thở", mơ mộng mà kín đáo, bay lên che đi phần bản năng vốn dĩ vẫn là đích đến của tình yêu. Nó làm sống lại sự tinh tế, riêng tư hơn là lẫn lộn vào câu chuyện tình muôn thuở.
Ở nghĩa rộng: Màu tím là sự kết hợp hoàn hảo từ màu đỏ mạnh mẽ và màu xanh dương nhẹ nhàng, nó biểu tượng cho sự sang trọng, quyền quý. Không chỉ có vậy, màu tím cũng gắn liền với hình ảnh ma mị, những câu chuyện ma thuật đầy bí ẩn. Trong tình yêu màu tím thể hiện cho sự quyến rũ, nồng cháy. Đối với phụ nữ màu tím tượng trưng cho sự thủy chung, sắt son, màu của sự chờ đợi. Ẩn sâu trong màu sắc đó như một lời ước nguyện về sự thủy chung, bền vững, sóng gió vẫn bên nhau. Tuy nhiên, những người khi yêu cực kỳ nhạy cảm với màu tím. Họ rất dễ bị tổn thương trước sự thay đổi dù nhỏ nhất trong chuyện tình cảm của riêng mình. Văn Đắc khai thác vỉa quặng nhiều tầng của sắc thái ấy mà gợi mở lòng mình. Bài thơ hay cả về mặt cấu tứ lẫn cách mà ngôn ngữ thấy được giới hạn của mình, hay nói một cách khác ngôn ngữ thơ đã kích hoạt một vụ nổ cảm xúc với vô vàn các sóng xung kích:
Lòng vòng theo bong bóng mưa
Em như thuyền giấy buộc hờ vào tôi.
Đó là cách dân gian vẫn thường dùng, gọi là nói sẵng. Giận nhau, hờn nhau, vùng vằng nhau một tí, (là cơn ghen lên ấy mà): Lời em như bong bóng mưa thôi nên dễ tan lắm. Tình em đối với anh như con thuyền giấy thôi - nhẹ lắm. Đã nhẹ rồi, còn buộc hờ nữa thì có gì cột chặt, gắn bó, nặng nợ nhau đâu - dễ trôi lắm, dễ xa nhau lắm. Yêu nhau, hờn nhau đến độ buột ra những lời nói sẵng, tôi đồ rằng tình yêu đã sâu sắc lắm rồi! Khó xa cách lắm rồi! Chọn ngôn ngữ để phơi sáng sắc màu, đẩy cảm xúc đến tới hạn thăng hoa, đó là cách mà Văn Đắc có được trong bài thơ này.
Ở một góc khuất khác của tình yêu, Văn Đắc viết về nỗi buồn, về sự cô đơn, trống vắng - vì một lý do nào đó không thuộc về em! Ông viết như không, mà buồn thăm thẳm! Một chút xót xa, một chút tự trách mình, một chút hờn giận... đó là một trong số hàng loạt những sắc tố tình cảm, là những dư vị không thể thiếu; là "muối", là "ớt"… không thể không có của tình yêu. Cả bài thơ không đả động một từ buồn nào mà sao heo hắt thế, xa xôi thế, cô tẻ thế:
Vào tuổi ấy, cây vẫn còn lực lưỡng
Bầy chim đi làm tổ thật thà chưa
Gió rộn cả lên đùa giỡn
Lá già làm vẻ non tơ
Sẽ đến lúc mùa đông rụng hết
Ta như cây thưa thớt lá trong đời
Cánh chim xé đường đi xao xác
Em có chờ vun gốc mảnh trời rơi.
Ta nhận ra em nhìn nửa mắt sau vai
Con chim hót nửa chiều mây líu ríu
Nắng tắt và em ngoảnh mặt
Một mình ta đập vỡ tiếng ta cười.
(Xa xôi buồn).
Có một điều đặc biệt làm tôi chú ý mỗi khi đọc thơ Văn Đắc là những câu cuối của mỗi khổ thơ, bài thơ, thường mở ra những điểm nhấn có tính khái quát. Biên độ của liên tưởng không nằm theo trục tĩnh nữa, mà có sự rung lắc, bung tỏa ra theo nhiều chiều kích, tựa hồ như có một sự va đập, một sự tán sắc của ánh sáng. Chỉ có rung cảm thật nhạy bén mới đủ năng lượng cảm nhận được hết sắc màu của nó. Bung mà chụm; bay bổng mà lắng sâu. Nó nói lên khả năng truyền tải của tư duy, khả năng tạo ra yếu tố bất ngờ của một người trải đời như Văn Đắc và vì thế có thể nói thơ Văn Đắc thường rất cô đặc về tứ.
Khi Văn Đắc viết về vị ngọt của tình yêu, về sự ngờ nghệch, về bản năng, về một khả dĩ nào đó mà khi yêu cần có. Một sự ngây ngô, đần ngố; một sự thật giả, ỡm ờ... tất cả vẫn chộn rộn, nồng nàn, vẫn say đắm, cuồng nhiệt, không để thời gian làm già đi sự non nớt, xanh ngọt của tình yêu:
Nếu anh không mang tình yêu đến cho em
Thì em để tóc bạc
Em không ngồi một mình vuốt lá cỏ xanh
(Nếu anh)
Hay:
Anh không có cách nào nuôi em như nuôi cá vàng
Chẳng lẽ vì thế, anh thành người bị sỉ nhục
Em không dám nằm trong lòng trai hóa ngọc
Thì anh đành cạn biển mặn riêng anh.
(Vô đề)
Và đây nữa:
Nếu em không đến với anh
Thì anh đành hóa đá
Mặc cho biển ứa tràn
Trăng trên đầu ướt đẫm
Cát vỡ nát dưới chân
Nhưng không phải dễ đâu
Anh phải tập im lặng
Tập chết đi dần dần.
(Hóa đá)
"Anh đành hóa đá, tập chết đi dần dần". Ai mà tin cơ chứ! - Chỉ có nụ hôn và ánh nhìn trìu mến may ra mới "hoảng sợ" thôi. Tôi đồ chắc chắn rằng Văn Đắc si thật và dày dạn lắm, nên mới dùng sách dọa hóa đá, dọa chết để nạt tình. Dọa mà để cho đối tượng biết mình dọa mới cao cơ; để mở cửa lòng người, tạo cớ cho tình yêu có cớ; để rồi quên đi những ngăn cách không cần thiết, cùng nắm tay, dắt nhau vào miền ấm nóng, mà hưởng lạc, mà khám phá mọi ngõ ngách rồ dại của tình yêu. Văn Đắc nghĩ vậy, yêu vậy, viết vậy!
Thích thật!… Chả thế mà anh rất thật thà:
Những người đàn ông thích làm trẻ
Hay thỏ thẻ và hay than thở
Đến tìm
Có thể vô tình
Trắng trong
Và
Nhớ mong
(Gửi những người đàn bà)
Khi Văn Đắc viết về vợ ngoài sự yêu bay bổng mà tình yêu vốn có, còn có những đặc thù gấm vóc. Một tập hợp gien cho sự khác biệt, không lẫn lộn, để nó khác với cái khác. Nhiều bài thơ anh viết về một bông hoa, một sắc xuân nào đó nhưng đọc lên vẫn thấm đẫm gương mặt người vợ mà anh yêu quý dù rằng có thể anh không có ý thức như vậy:
Em ơi, mùa xuân
Biển biếc ngàn năm em cũng không ngờ
Cứ xanh thế để sóng làm con trẻ
Để ngọn gió về bờ em đậu ngủ
Mặt trời lên như quả chín cây buồm
Ngọn núi hóa măng non
Mái chùa thành búp lá
Miếng trầu vườn hai họ hẹn trao duyên
(Lại đến mùa xuân)
Nhưng khi cảm xúc hướng ào ạt về vợ thì mạch lạc, rạch ròi, có một sự khác biệt. Sự khác biệt đó cụ thể, không nhầm lẫn với các lứa đôi khác:
Khi anh đang mải nhìn cỏ may
Lả tay với gió
Thì tay em đang sàng gạo
Khi anh đang nhấp chén trà như nhấp mật ong
Thì em mồ hôi ướt hai đầu vú...
(Chấp nhận)
Cả khi không cần mượn "tây nói ta", mọi sự cũng ngăn nắp, rõ ràng:
Mơ màng lạc đến cõi thơ
Ngu ngơ thì đã ngu ngơ mất rồi
Ngẫm mình nhớ ngược mong xuôi
Chẳng nơi nào được như nơi em chờ
Lấy thơ làm của trong nhà
Buồn vui sướng khổ chia ra cùng người.
(Bài thơ tặng vợ)
Văn Đắc sống với tình yêu như vậy cả lúc còn trai trẻ lẫn đến tuổi đã bát tuần chẳng khác gì mấy. Thơ anh vời vợi. Đàn bà, con gái đọc thơ anh vời vợi. Tôi đọc, khám phá thơ anh như cách mà cỏ cây dâng mật:
Ai bảo em kể lể
Chuyện chúng mình yêu nhau
Để bao nhiêu loài cỏ
Nhớ em không bạc đầu.