Nhà thơ Gia Dũng: Một chút thu dìu dịu

Thứ Sáu, 30/12/2022, 18:41

Nhà thơ Gia Dũng tên đầy đủ là Đỗ Gia Dũng (1940 - 2019) quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Gia Dũng là tác giả "Bài ca Trường Sơn", được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc. Nhạc phẩm "Bài ca Trường Sơn" đã trở thành "Bài ca đi cùng năm tháng", sẽ còn vang mãi trong tâm hồn các thế hệ thanh niên Việt Nam.

Tuy nhiên, Gia Dũng còn là tác giả của một số bài thơ trữ tình vào loại hay. Ví như bài "Hàn Mặc Tử", hay như bài "Chừng nao em về làng Đót" chẳng hạn. Thơ Gia Dũng ngôn ngữ thuần phác, nhẹ nhàng, đôn hậu, mà tình điệu sâu lắng. Ông là một thi sĩ đích thực.

Mấy chục năm cuối đời, nhà thơ Gia Dũng tập trung sức lực vào việc tìm kiếm thơ ca, nhất là những thi phẩm hay còn khuất lấp đâu đó trong bề rộng đời thường. Được một số bạn văn gần gũi giúp đỡ, Gia Dũng đã biên soạn được một số bộ sách tuyển thơ có giá trị. Sinh năm 1940, nhà thơ Gia Dũng rời cõi tạm cũng đã gần 4 năm rồi.

Nhà thơ Gia Dũng: Một chút thu dìu dịu -0

CHỪNG NAO EM MỚI VỀ LÀNG ĐÓT

Chừng nao em mới về làng Đót?
Dòng Sa Lung nay khác xưa rồi
Thi thoảng có người qua bến cũ
Nhưng mà ít lắm, thoảng thi thôi!

Chiều không đổ bóng trên lưng mẹ
Xóm xưa buồn mẹ có còn đâu
Ngõ nhỏ ngày xưa tôi ngóng mãi
Hắt hiu chỉ gặp hắt hiu sầu

Chiều qua chợt thấy trời se lạnh
Hình như chim nhạn gọi thu sang
Chắc em không nhớ mùa thu nhỉ
Thu chỉ đồng quê, chỉ xóm làng!

Chừng nao em mới về làng Đót
Hỏi xong tôi chợt thấy thẹn lời
Làng Đót xưa em về có mẹ
Bây giờ làng Đót mấy xa xôi…

Với thi nhân, trong thất tình (bảy thứ tình cảm thường có của con người) thì hình như nỗi buồn thường chiếm tỷ lệ cao hơn các thứ tình cảm khác. Âu cũng là một sự thường tình. Khi ở cái tuổi "Thất thập cổ lai hy", nhà thơ Gia Dũng cho xuất bản tập thơ "Cuối trời mây trắng bay" bài nào cũng thấy man mác buồn. Dẫu cung bậc những nỗi niềm mỗi bài có khác nhau, nhưng đều thấy hiện lên một nỗi cô đơn, đôi khi xa xót. Bài thơ "Chừng nao em mới về làng Đót" cũng man mác buồn, trong một hoàn cảnh cụ thể, phổ biến, nhưng mà cũng ít nhiều phảng phất một chút riêng tư…

Ấy chính là một địa chỉ cụ thể, cái làng Đót xưa và bây giờ. Làng Đót xưa có em và có mẹ, còn bây giờ thì không, không tất cả. Cảnh vật cũng đã phai màu xưa cũ. Đó chính là duyên cớ để khơi lên những kỷ niệm, xới lên những nỗi niềm xao xuyến trong lòng thi nhân:

Chừng nao em mới về làng Đót?
Dòng Sa Lung nay khác xưa rồi
Thi thoảng có người qua bến cũ
Nhưng mà ít lắm, thoảng thi thôi!

Cái làng Đót quê nghèo xưa của "tôi" và "em", của chúng ta, bây giờ vẫn còn đấy, nhưng "nay khác xưa rồi"! Dòng Sa Lung thân quen vẫn chảy, nhưng có thể đã không còn rộng rãi như xưa. Còn cái bến đò xưa bên dòng sông thơ, đông đúc người qua lại, giờ đây vẫn có người lại qua, "nhưng mà ít lắm", thi thoảng thôi, và cũng "thoảng thi thôi"!...

Đấy là chấm phá mấy nét về cái làng Đót quê tôi và cũng là quê em. Tác giả như đang vẽ lên hình ảnh quê hương, thủ thỉ tâm sự với người xa quê, xa đã lâu lắm chưa thấy trở về, rằng "chừng nao em mới về làng Đót"? Bao giờ, khi nào thì em mới trở lại làng quê cũ, nơi mà chúng mình đã được sinh ra và lớn lên, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ yêu dấu?...

Khổ thơ tiếp theo, tả làng Đót ở góc độ gần hơn:

"Chiều không đổ bóng trên lưng mẹ,
Xóm xưa buồn mẹ có còn đâu
Ngõ nhỏ ngày xưa tôi ngóng mãi
Hắt hiu chỉ gặp hắt hiu sầu
".

Người xưa trở lại quê xưa, chợt bâng khuâng bao nỗi niềm khó tả. Làng cũ không còn mẹ, không còn cảnh "nắng chiều đổ bóng trên lưng mẹ", mà em thì xa tắp tận chân trời. Cảnh tình trở nên vắng vẻ hắt hiu, hiu hắt. Nỗi buồn len vào ngõ nhỏ, lan toả khắp đó đây, tràn ngập tâm hồn thi nhân. "Ngõ nhỏ ngày xưa tôi ngóng mãi", trông mãi một người, đó chính là "em", giờ đây vẫn đang ngóng trông đấy, nhưng mà vô vọng, nên nỗi buồn mới thấm đẫm cả cỏ cây, tím sẫm cả chiều buồn… Từ "ngóng" - ngóng trông - chính là tâm điểm của khổ thơ này. Nó diễn đạt đầy đủ một nỗi nhớ, một niềm khắc khoải, đau đáu khôn nguôi.

Rồi "Chiều qua chợt thấy trời se lạnh/ Hình như chim nhạn gọi thu sang/ Chắc em không nhớ mùa thu nhỉ/ Thu chỉ đồng quê, chỉ xóm làng"

Vẫn là cái giọng thầm thì tâm sự với "em", nhưng giọng thơ, tình thơ, ý thơ đã có phần chuyển đổi. Một chút trách móc, một chút giận hờn tui tủi, rằng thu đã sang rồi đấy, thu của ngày xửa ngày xưa, thu của một xứ quê nghèo ấm áp tình quê, bây giờ chắc em đã quên thật rồi ư? Không nhớ thật rồi ư? Em bây giờ có lẽ đang vui vầy với nắng ấm phương Nam, hoặc cũng có thể vì một lý do bất khả kháng nào đó, chắc cũng không còn nhớ mùa thu quê nhà nữa, bởi đó chỉ là thu đồng quê, "thu chỉ đồng quê, chỉ xóm làng"! Một lời trách khéo, nhẹ như làn gió thu, mà thâm trầm sâu sắc, như cứa vào lòng người xa xứ...

Rất nhiều nhớ thương, trách móc giận hờn, buồn tủi. Cuối cùng, chỉ có thể làm tăng lên nữa, đầy thêm nữa cái tình tôi với em, không sao nguôi ngoai cho được. Một câu hỏi, đúng hơn là một tiếng gọi thiết tha lại vang lên ở khổ thơ cuối bài: "Chừng nao em mới về làng Đót?" Hỏi đấy, gọi đấy, nhưng rồi lại tủi thân tự vấn tự trách mình, thấy "thẹn lời", bởi vì tiếng gọi của tôi, câu hỏi của tôi, chắc gì em nghe thấy, chắc gì em muốn nghe, chắc gì em để tâm tới, nên mới "thẹn" với chính mình. Có thể có một lý do đơn giản, vì làng Đót của em "bây giờ không còn mẹ", thì em về thăm ai? Còn như những kỷ niệm của "tôi" và "em", của làng Đót quê nghèo, bây giờ chắc đã trở thành sương khói... Bởi vậy, trong em, "bây giờ làng Đót mấy xa xôi"…

Một câu hỏi được lặp lại tới hai lần, lại được lấy làm tựa đề bài thơ, cho thấy chủ ý của tác giả. Nhân vật trữ tình "tôi" tự giãi bày, tự biểu hiện cái "tình yêu đơn phương", biết bao cung bậc nỗi niềm. Âm điệu thơ trầm lắng, điệp mãi lên một tiếng lòng khắc khoải.

Có hơi hướng của hương vị Thơ mới ở cách phô diễn, ở lối dẫn dắt vào tứ thơ, ở nhịp điệu uyển chuyển, nhưng không hoàn toàn phải vậy, bởi tâm cảnh khác, thời thế cũng khác xa rồi. Chỉ có cái tình của muôn đời thi sĩ là không bao giờ đổi khác.

Một bài thơ được viết theo thể thất ngôn truyền thống, câu chữ lại không mới, không gia công gọt đẽo khó nhọc gì nhiều, nhưng đọc thấy rưng rưng xao xuyến, bởi tình thơ chân thật, nồng ấm và trong trẻo. Những chữ đảo chiều (thi thoảng, thoảng thi; hắt hiu, hiu hắt) không gia tăng thêm ngữ nghĩa, nhưng có giá trị bồi đắp thêm cho nhạc điệu thơ. Người đọc dường như vẫn nghe vang vọng đâu đây một tiếng gọi đò, một tiếng gọi tình, một tiếng gọi người thiết tha, da diết, gần lắm, nhưng mà xa xôi lắm!

Vũ Bình Lục
.
.