Vàm Cỏ Đông đẹp như trong tiếng hát

Thứ Năm, 25/05/2023, 08:44

Cảng Bến Kéo trên sông Vàm Cỏ Đông cách thành phố Tây Ninh 5km. Những kênh rạch vào thành phố Tây Ninh bắt nguồn từ cửa sông này.

Nhưng đầu nguồn nước Vàm Cỏ Đông lại từ sông Prek Kamprong Spean (Campuchia) chảy sang. Dòng sông Vàm Cỏ Đông chảy qua 5 huyện của Tây Ninh (dài 100km) rồi tràn về Long An (dài 86km) và hợp nhất với dòng Vàm Cỏ Tây (phân lưu sông Tiền Giang) thành sông Vàm Cỏ. Sau đó dòng nước Vàm Cỏ (Long An) đổ vào sông Soài Rạp (Cần Giờ - Sài Gòn) trôi ra biển Đông.

Sông Mây bồng bềnh điệu hát "Lên ngàn"

Tôi đứng trên cửa sông Bến Kéo thật ngỡ ngàng trước mặt nước mênh mang hiền dịu. Những con thuyền trôi từ phía xa vọng lên những câu hát của một thuở khói bom. Giai điệu mang âm hưởng dân gian của nhạc sĩ Trương Quang Lục như ru lòng người qua câu hát: "Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi tấm lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông…" (Lời thơ Hoài Vũ). 

1-ngã năm trung tâm thành phố tây ninh.jpg -0
Ngã năm trung tâm thành phố Tây Ninh.

Đầu nguồn sông chạy dọc biên giới vào đất Tây Ninh còn được gọi là sông Suối Mây. Dải sông này có phần chảy ngang qua vườn quốc gia Xa Mát - Lò Gò. Đây chính là khu di tích "Trung ương Cục Miền Nam". Cánh rừng nguyên sinh nơi đây rộn ràng chim ca tỏa bóng cây xanh đến mê tơi bên dòng sông Vảm Cỏ Đông. Hình ảnh hậu phương của những chiến sĩ giải phóng quân năm xưa ghi dấu lại trong giai điệu da diết: "Hò ơ dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi/ Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng/ Nước ngược dòng hò ơ/ Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Còng/ Cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con…" (Lên ngàn - Hoàng Việt). Đây là khúc tráng ca về hình ảnh người phụ nữ thời chiến. Đồng thời sông Vàm Cỏ Đông gắn bó với đời sống chiến sĩ miền Nam trong những ngày chiến đấu quyết liệt với giặc xâm lược Pháp và Mỹ một thời sinh tử.

Trong những bài hát phổ cập ở Tây Ninh, dòng sông Vàm Cỏ Đông còn hiện lên thật mơ mộng qua âm điệu của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Hình ảnh chiến khu cùng trảng nước sông Vàm Cỏ Đông lấp lánh hiện về trong lời ca: "Đêm Xa Mát gió đùa qua Trảng Lớn/ Nhớ Tua Hai công đầu sáng niềm tin…/ Đường năm xưa đã in dấu chân em." (Vì ngày mai Tây Ninh). Riêng với nhạc sĩ Xuân Hồng người con của đất Tây Ninh thể hiện cảm xúc với dòng Vàm Cỏ Đông thật lạc quan đằm thắm. Với tiết tấu vui tươi nhạc sĩ đã dẫn dắt người nghe bằng con thuyền trên dòng sông yêu thương. Bài hát có đoạn tự sự hiện lên như một bức tranh: "Người quen mến khách/ Đón anh đến Tầm Long/ Vàm Cỏ Đông đẹp như tiếng hát/ Xuôi con nước ta xuống Bến Cầu/ Qua Gò Dầu đến Vàm Trảng nước sâu". Bài hát như một khúc đồng dao trong giai điệu dân gian kỳ thú.

Trong những giai điệu dậy sóng Vàm Cỏ Đông hàng chục nhạc sĩ đã có những ca khúc thể hiện tình cảm sâu nặng với Tây Ninh. Một trong những người con của Tây Ninh là cố nhạc sĩ kiêm nhà văn Vân An (1925-2005). Ông là một trong những Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên ở Tây Ninh và là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Nhà văn, nhạc sĩ Vân An từng làm Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình và Tổng Biên tập Báo Tây Ninh.

Đầu tiên phải kể đến bài hát "Về giữa đôi dòng sông vàng" và "Chiến thắng Bùng Binh" của Vân An. Với tâm hồn phơi phới của tuổi trẻ vác ba lô lên đường, nhạc sĩ luôn nhớ về quê hương cách mạng. Người chiến sĩ hát vang lời ca từ trái tim: "Mặt trời lên từ trên dòng sông Sài Gòn rợp cây xanh uốn quanh Vàm Cỏ Đông nước trong…". Đặc biệt, bài "Chiến thắng Bùng Binh" của ông được chọn làm nhạc hiệu Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh từ năm 1977 cho tới nay. Bài hát ca ngợi chiến thắng vang dội của quân và dân ta tại Bùng Binh, một trận địa tại Trảng Bàng, nơi có dòng sông Vàm Cỏ Đông chảy qua trước khi xuôi về Long An.

Lấp lánh những dấu tích xưa

Thật may sao tôi được gặp lại họa sĩ Võ Đồng Minh (ở huyện Tân Biên) trong đợt xuôi thuyền về khu rừng Lò Gò-Xa Mát. Ông là chiến sĩ cảm tử vừa cầm súng vừa cầm cọ trên chiến hào trong chiến dịch Joncson City (1967) kéo dài 82 ngày đêm. Khi đó quân Mỹ đổ bộ và đánh vào Trung ương Cục Miền Nam, trung tâm đầu não của Mặt trận Giải phóng Miền Nam nhưng chúng đã thất bại thảm hại.

Họa sĩ cho biết dòng sông Suối Mây không chỉ là biên giới hữu nghị giữa hai nước mà còn là dấu ấn minh chứng cho sự đoàn kết của hai dân tộc. Hàng nghìn bà con Khmer đùm bọc, bảo vệ quân giải phóng và còn đóng góp xây dựng căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Cũng chính dòng sông này lại chở che cho những người Khmer chạy nạn diệt chủng của bọn Pôn Pôt sống yên ổn bên biên giới Việt Nam.

Họa sĩ còn kể người dân sống bên sông Vàm Cỏ Đông tại huyện Hòa Thành luôn say mê với điệu múa Trống Chhay-đăm (di sản phi vật thể quốc gia). Họ múa trống như trình diễn võ thuật minh họa cho đời sống săn bắt, hái lượm của người Khmer Tây Ninh thuở khai thiên lập địa. Trong dân gian vẫn truyền tụng: "Hãy vỗ Chhay-đăm vang dội rừng xanh/ Trống dồn dập săn con nai con hoẵng/ Vàm Cỏ Đông mênh mông đồng lau trắng/ Mây chập chờn bay trên đỉnh Bà Đen".

5-sông vàm cỏ đông.jpg -1
Sông Vàm Cỏ Đông.

Dòng sông lung linh huyền thoại ẩn giấu những chứng tích ngàn năm. Đúng như lời thơ Hoài Vũ cất tiếng yêu thương: "Đây con sông như dòng sữa mẹ/ Nước về xanh ruộng lúa vườn cây/ Và ấm áp như lòng người mẹ/ Chở tình thương trên sóng nước chơi vơi" (Vàm Cỏ Đông). Họa sĩ Võ Đồng Minh kể thêm, các di tích đậm dấu ấn văn hóa Óc Eo (muộn) ở Tây Ninh (khoảng 1200 năm) được phân bố phần lớn thuộc vùng cận kề sông Vàm Cỏ Đông. Rải rác trên các huyện như Tân Biên, Châu Thành, Gò Dầu và Trảng Bàng. Riêng ở Tân Biên nơi họa sĩ sinh sống hiện nay vẫn còn di tích tháp Chót Mạt. Điều kỳ lạ cuộc chiến tranh khốc liệt đã xảy ra quanh khu vực này cận kề chiến khu nhưng ngôi tháp này vẫn được bà con Khmer  bảo vệ giữ nguyên khá hoàn chỉnh. Những vần thơ còn khắc ghi bên tháp cổ ngàn năm luôn vang vọng hồn thiêng sông núi bao đời nay,

Không gian văn hóa Óc Eo được khảo sát qua nhiều vỉa tầng đất đá bên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông. Cũng như tháp Chót Mạt ở Tân Biên, ta có thể ngắm nhìn tháp Bình Thạnh (Trảng Bàng) lấp lánh hồng tươi trong lớp lớp rêu phong. Còn nữa, trong quần thể khu di tích Cổ Lâm (Châu Thành) lồ lộ ngổn ngang những phế tích kiến trúc đền tháp được xây bằng gạch cổ. Rải rác hiện còn những đầu tượng, thân tượng cùng những di vật như Yoni, Linga. Đây chính là một trung tâm thờ các vị thần Vishnu và Shiva, hiển hiện bóng dáng của một thời huy hoàng của đế chế Vương quốc Phù Nam. Một mảnh eo vũ nữ Apsara còn dính trên bức tường đổ vỡ. Sự níu kéo thời gian gấp gáp bên sông Vàm Cỏ. Lời thơ của Ngọc Apsara thật đam mê: "Em là đá, là mây hay lửa/ Ngàn năm xưa bất chợt hiện về/ Mặc ma hời than khóc u mê/ Vũ điệu nõn nà bên tường đá" (Vũ điệu Khmer).

Dòng sông thương nhớ

Biết bao ký ức chiến tranh khốc liệt một thuở đã được họa sĩ Võ Đồng Minh thể hiện trên những bức tranh còn ám mùi khói đạn. Ông đã vẽ hàng trăm ký họa chiến sĩ anh dũng chiến đấu và hy sinh trên các mặt trận. Đặc biệt, tác phẩm "Vàm Cỏ Đông quyết giữ" của ông vẫn còn dính vết máu của đồng đội. Đó là những tác phẩm thấm đẫm hơi thở chiến trường, trong thời kỳ tổng tiến công năm 1968 ở Tây Ninh. Ông còn nhớ khi nghe tin Bác Hồ mất cả đơn vị đã phải vượt qua sông Suối Mây để tổ chức lễ truy điệu. Giai điệu "Hồn tử sĩ" đã vang lên trong nỗi xúc động đẫm nước mắt của mọi người.

Một âm hưởng xao động trong tâm hồn tôi qua câu chuyện của họa sĩ Võ Đồng Minh. Lúc này đây, đứng trên ngã ba sông đổ vào thành phố tôi bồi hồi ngắm Cầu Quan vượt kênh Tây Ninh (phụ lưu sông Vàm Cỏ Đông) nhộn nhịp tàu xe. Cụm tượng đài chiến thắng soi bóng xuống dòng sông trong xanh như một lời nhắn nhủ: "Vàm Cỏ Đông ghi chiến công chói sáng/ Ngọt phù sa thơm hương lúa xuôi dòng" (Đan Thụy). Phía xa kia những con thuyền đang tung lưới trên sóng nước. Một giọng hò trong trẻo vang lên từ rặng dừa ngả bóng nghiêng soi: "Sông Vàm Cỏ quê hương ta đó/ Hoàng hôn về sắc đỏ trên sông/ Thuyền ai rẽ nước xuôi dòng/ Ngân nga điệu hát cho lòng vấn vương" (Hồng Cẩm).

Vương Tâm
.
.