Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Thứ Sáu, 18/11/2022, 11:11

Trong một buổi sáng mùa thu Sài Gòn tuyệt đẹp, hương thu ngan ngát hương tràm, cánh văn chương chúng tôi ngồi đàm đạo cùng nhà thơ Hoài Vũ - tác giả của những "Vàm Cỏ Đông"; "Anh ở đầu sông em cuối sông"; "Đi trong hương tràm"; "Hoàng hôn lặng lẽ"… vang danh từ buổi tôi còn chưa được sinh ra. Vậy mà ông thật trẻ, thật hiền từ và lãng mạn.

Ly rượu đế nâng lên cay mắt lá mùa thu xào xạc hương tràm. Tại sao lại hương tràm cay mắt? Tại sao Hoài Vũ đã ngót nghét chín mươi vẫn trẻ trung như lời bài hát "Anh ở đầu sông em cuối sông"? Kể cũng thật lạ lùng. Thơ ông đã vậy, còn văn xuôi cũng thuộc hàng đai đẳng lắm. Các tập truyện "Tiếng sáo trúc"; "Rừng dừa xào xạc"; "Quê chồng"; "Bông sứ trắng"; "Bên sông Vàm Cỏ"; "Vườn ổi"… đậm đặc chất văn xuôi Nam bộ. Lại thêm mảng dịch thuật cũng vô cùng dày dặn. Đó là "Người đàn bà bất hạnh"; "Nữ điền chủ cuối cùng"; "Hồn ma"; "A-sư-ma bé bỏng"… đã làm nên một Hoài Vũ phong phú, đa tầng, một tên tuổi không thể vắng thiếu của nền văn nghệ cách mạng, nhất là với vùng đất phương Nam.

image001.jpg -0
Nhà thơ Hoài Vũ.

Nào mấy ai biết cuộc đời của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biền kháng chiến chống Mỹ. Ông đảm đương các cương vị: Ủy viên Tiểu ban văn nghệ khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; Ủy viên Thường trực Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam; Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Giải phóng và sau này có tới mười năm làm Thư ký cho Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Trần Chí.

Mà những ngày ấy cũng đã xa rồi.

Xa rồi sao vẫn quanh quất nơi đây như hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông sóng sánh trong đáy chén? Tôi bỗng chốc nhớ lại câu thơ của chính mình: "Lấm bụi giang hồ kinh giấc mộng/ Ngựa xe thành lũy cũng hoang tàn/ Ta về cúi trước hai vầng cỏ/ Thăm thẳm cao xanh lệ ứ tràn", ngày từng thi thố tứ tuyệt được nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm khen, còn khuyên tôi hãy chỉ để im ở trong lòng bởi song thân còn sống không thể nào nhận thưởng mà chi.

Ừ thì cuộc đời có khác gì giấc mộng như Hoài Vũ kia từng viết về hoàng hôn: "Anh phải về thôi xa em thôi/ Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng nên môi". Sau này, nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ thành bài hát "Chia tay hoàng hôn" tuyệt hay mà Hoài Vũ chưa bao giờ nhắc về tác quyền lời thơ của mình. Nhạc sĩ Thuận Yến từng gửi một bức thư xin lỗi Hoài Vũ vì trong các bản nhạc hoặc chương trình giao lưu văn nghệ, người đời trong đó có cả Thuận Yến nhiều khi quên nhắc tác giả phần lời. Hoài Vũ cười thật hiền và luôn miệng cảm ơn nhạc sĩ.

Cái chất cách mạng của Hoài Vũ cũng rất lạ lùng. Như là hương tràm thơm thảo vậy: "Dù đi đâu và dù xa cách bao lâu/ Dù gió mây kia đổi hướng thay màu/ Dù trái tim em không trao anh nữa/ Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau". Thơ Hoài Vũ là vậy, giản dị tới mênh mông, cứ tự nhiên dài rộng, thanh thoát như hương tràm, như nước sông Vàm Cỏ. Ngồi trò chuyện với ông sao mà thoải mái quá chừng.

Chúng tôi mấy lần từ ngạc nhiên đã đột ngột bất bình khi mọi người nhắc ông vẫn chưa hề được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật dù quá xứng đáng. Như thế là như thế nào nhỉ? Chả nhẽ một người theo cách mạng từ tấm bé, đảm đương nhiều cương vị phụ trách văn nghệ miền Nam, nhất là những sáng tác có sự đóng góp không thể thiếu, góp phần làm nền tảng, làm trụ cột, là những dư vị lắng sâu đến bản chất của con người, của cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta thì phải bằng mọi cách đặt những giá trị ấy đúng với tầm vóc của chủ nhân mới là lẽ công bằng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật càng những đợt về sau càng có sự non lép đáng tiếc. Vậy mà nhà thơ Hoài Vũ, có lẽ nào chúng ta lại lãng quên?

Hoài Vũ vẫn ngồi kia, cười hiền hậu mà chúng tôi thì rơi nước mắt. Ông nhất định bảo chúng tôi hãy gọi ông bằng anh thôi, như hương tràm, như nước sông Vàm Cỏ kể chi tuổi tác. Chúng tôi, tất cả lại bồng bột theo ông nói về thơ ca, về cách mạng, nhất là những hy sinh vô bờ bến của nhân dân, của trí thức chúng ta, trong đó có các văn nghệ sĩ.

Chúng tôi ngồi lặng đi hàng phút. Tôi nhiều lúc còn không hiểu nổi tại sao lại như thế. Nhưng giây phút này đây, ngồi bên nhà thơ Hoài Vũ, tôi dường như đã tìm được câu trả lời mà trĩu nặng, vân vi. Chắc chắn người đi làm cách mạng trước hết phải biết quên mình, phải biết phụng sự nhân dân và Tổ quốc. Còn những thứ khác ư? Nhà cửa ư? Giải thưởng ư? Có cần thiết phải kiếm tìm chúng, phải nhắc nhở về chúng, dù chỉ là thực hiện một lẽ công bằng?

img-8538.jpg -0
Tác giả bài viết (thứ 2 từ phải sang) cùng nhà thơ Hoài Vũ và các bạn văn.

Ngồi bên cạnh, nhà thơ Phan Hoàng cũng không biết nói gì bởi thực ra mọi lời nói có lúc đã là thừa. Thật may thay, lúc đó lại văng vẳng lời thơ: "Đây con sông như dòng sữa mẹ/ Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây/ Và ăm ắp như lòng người mẹ/ Chở tình thương trang trải đêm ngày... Ơi Vàm Cỏ Đông! Ơi con sông/ Nước xanh biêng biếc chẳng thay dòng/ Đuổi Pháp đi rồi, nay đuổi Mỹ/ Giặc đi đời giặc, sông càng trong... Ở tận sông Hồng, em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!".

Thơ ơi! Những lúc này thơ chính là lẽ sống, là niềm tin, là sự công bằng. Thơ công bằng lắm! Những thứ thấp kém làm sao trà trộn được vào thơ? Thời gian và thơ luôn song hành và công bằng biết mấy. Một Hoài Vũ với những câu thơ ân tình với chính mình mà như nói hộ biết bao người: "Anh như cơn gió bay khắp chốn/ Để lại em với ruộng, với vườn/ Mồ hôi đổ giữa ngày mùa bận rộn/ Nước mắt trào lạnh buốt những đêm sương..." vừa giản dị mùa màng mà đằm đẵm nỗi người vấn vít quê hương nguồn cội.

Chỉ có Hoài Vũ mới viết rằng: "Đất quê ta xanh xanh triền lá/ Giặc nhảy vào lá hóa rừng chông/ Nước quê ta dập dềnh tôm cá/ Giặc lội vào, nước dựng thành đồng...". Thơ đã như thế thì con người làm sao mà không hiền hậu được? Càng làm sao uốn éo với xung quanh? Như bông lúa mẩy chỉ biết cúi đầu im lặng, dâng hạt gạo thơm cho đất nước, nhân dân. "Từ buổi có em, anh thêm yêu đất/ Quý gạo Nàng Thơm, thương cá bống kèo/ Một tiếng ầu ơ cũng đầm nước mắt/ Anh đi rồi miền hạ nhớ mang theo…".

Hoài Vũ là như vậy đấy. Thơ của ông, văn xuôi của ông, những tác phẩm ông dịch thuật chính là những viên gạch vững chắc góp phần xây nên nền văn học nghệ thuật của chúng ta. Dù cố dằn lòng, lớp trẻ chúng tôi vẫn trào lên một điều gì ứ nghẹn. Có lẽ nào chúng ta quên Hoài Vũ? Lỗi này bởi do đâu? Hôm tôi dự buổi trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi thấy Hữu Thỉnh đứng sừng sững, lồng lộng dưới tiếng hát Quốc ca, trang nghiêm đón nhận tấm Huân chương từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Hữu Thỉnh rất xứng đáng. Mọi thứ rất công bằng với nhà thơ Hữu Thỉnh. Còn Hoài Vũ? Còn nhiều người xứng đáng khác, chúng ta phải làm sao đây để không trở thành kẻ vô ơn? Câu hỏi này chúng tôi nghĩ rằng chính mình phải là người trả lời mới là đạo lý.

Sau phút trầm sâu, người cất tiếng cười trong sáng đầu tiên lại chính là Hoài Vũ, một vị lão trượng trong làng văn tuổi ngót chín mươi mà nụ cười hiền sáng lắm. Hoài Vũ thao thao nói về lịch sử, còn thuộc những gì tôi viết, còn động viên và chia sẻ, thậm chí chỉ ra những bất cập trong sáng tác văn chương. Và ông luôn miệng khen tiết trời mùa thu thật đẹp, ông bảo mùa thu mới là mùa khởi đầu, mùa dẫn nhịp cuộc đời. Mùa thu đi ngoài kia trong hương tràm, trong nước sông Vàm Cỏ. Khi chúng tôi trở về bờ bãi sông Hồng, vẫn còn nằng nặng hương tràm trong sắc nước mùa thu thơm buốt Vàm Cỏ Đông.

Phùng Văn Khai
.
.