Vai phố em trĩu lời đưa đón

Thứ Hai, 06/11/2023, 11:32

Thật khó hình dung xưa có một bến sông ở ngay đầu phố Hàng Khoai. Đó là bến Hàng Nâu nằm đúng vòng xoay ở chân dốc cầu Long Biên đổ xuống. Ngày ấy nước sông Hồng còn tràn vào tận mép đường Trần Nhật Duật. Tàu thuyền đậu bến Hàng Nâu chở đầy các loại hàng củ như vỏ, nâu, khoai, sắn, dong riềng, củ từ. Hàng chất lên bến rồi từ đó thuê người gánh vào phố. Kẻ chợ Hàng Khoai hình thành nối đuôi nhau bên sông kéo dài 360m tới tận phố Hàng Lược.

Ta còn em khuya phố mênh mông

Thấy tôi đứng liều lĩnh giữa phố chụp ảnh nhiều người la lên hoảng sợ. Tôi già lụ khụ như một bao tải khoai mà họ vẫn hình dung hồi nào. Ai cũng lo bởi xe cộ đổ dốc bên chân cầu Long Biên hệt như nước cuốn. Tôi bỗng nghĩ nếu phố Hàng Đậu được coi là cuống họng ngã 6 từ Hàng Cót và Phan Đình Phùng đi lên cầu Long Biên, thì phố Hàng Khoai cũng xô dạt chả kém, đúng là yết hầu của những đoàn xe từ trên cầu xuống chợ Đồng Xuân.

Tôi gan lì đứng chụp cho được cảnh ào ào xe cộ vào phố Hàng Khoai. Nhìn những người gánh hàng rong nem nép đi vào phố tôi bỗng nhớ tới ấn tượng qua những câu thơ của Phan Vũ: "Buổi chợ chiều trên phố vừa tan/ Chợ đêm giữa kinh đô họp muộn/ Những kẻ nghèo khuya thức/ Đợi tinh mơ lại mở chợ ngày" (Em ơi! Hà Nội - phố). Ấy là hình ảnh lam lũ kẻ chợ thời nào. Vậy mà nay vẫn thế.

5-tượng chiến sĩ bên góc chợ đồng xuân-hàng khoai.jpg -1
Bức phù điêu “Hà Nội mùa đông 1946'' bên góc chợ Đồng Xuân - Hàng Khoai.

Hàng Khoai là con đường nhưng thực chất chính là phố chợ bởi lẽ một nửa chợ Đồng Xuân thuộc về phố này. Chợ vừa tan chiều tối thì đêm đến hàng chục đoàn xe thồ, ô tô chở rau, củ quả hối hả tới họp bày hàng ra bán. Đèn sáng lung linh như sao sa trên phố. Tiếng ồn ào sôi động không khác gì chợ ban ngày. Tờ mờ sáng các chủ quầy rau củ rồng rắn tới gom hàng đem đi các chợ vùng xa. Cứ thế tiền trao cháo múc. Lại nữa dân kẻ chợ hẹn hò đặt cọc, cãi vã cứ rầm rầm suốt cho đến sáng. Phiên chợ rau củ đêm kéo kịch tới 7 giờ sáng là tan. Các chủ hàng nhanh tay quét dọn tinh tươm rồi mới hú nhau rời chợ. Phố Hàng Khoai rũ tay ngái ngủ với gương mặt ngập ngụa bình minh. Các cửa hàng trên phố lúc này mới bày những đồ hàng xếp như trò chơi "đô mi nô" vậy. Nào hàng điện máy tới hàng thủy tinh pha lê và sành sứ. Thậm chí hiện Hàng Khoai vẫn bán đồ mây tre đan như chổi tre, phất trần, bị cói hoặc kể cả hương trầm. Đó là dãy bên số chẵn (từ số 2 tới 88).

Còn phía bên lẻ gồm chợ Đồng Xuân thì phố Hàng Khoai là đầu mối đi vào cổng giữa chất hàng. Còi xe inh ỏi suốt ngày. Vậy mà xưa, theo nghệ nhân ưu tú đúc đồng Lê Khang ở số nhà 82 kể, cứ lửng trưa cánh hát xẩm theo tàu điện lên chợ Đồng Xuân tìm chỗ trải chiếu kéo nhị. Ông kể, bài "Vui nhất có chợ Đồng Xuân" mà ông nghe đã đời từ hồi bé mãi đến nay vẫn không thấy chán. Bài hát kể lại các mặt hàng được tiếp thị qua lời ca chỉ dẫn mua bán. Câu ca vui đáo để. Ông ngẫu hứng hát lại vài câu: "Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân í a/ Mùa nào thức nấy a xa gần đến í mua…". Thật thú vị, đầu ngã tư Hàng Khoai và Hàng Giấy đường phố được mở rộng tới 25 mét nên nhìn như một quảng trường trước cửa chợ Đồng Xuân. Góc phố Hàng Khoai tập trung bán những đồ pha lê và inox sáng choang, tạo nên không gian lung linh rộng lớn. Phố được coi là đầu mối giao thông tứ xứ kéo vào thành phố. Sự hối hả của dân kẻ chợ ngỡ như nghẹt thở tại đầu phố Hàng Khoai.

Nhưng vẫn chưa hết, lại nhớ phố được lập trên nền đất của làng Huyền Thiên (tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương) nên ngôi chùa cổ Huyền Thiên vẫn còn giữ cho tới nay (số nhà 54). Gọi là chùa làng nhưng đây lại là một địa chỉ bị biến động theo thời cuộc giao thương nơi bến sông kẻ chợ. Giai đoạn sớm nhất, chùa đã được nhập dòng tu hành của các đạo sĩ (đạo giáo) nên được đúc chữ "Huyền Thiên đạo quán" cách đây hơn 600 năm. Sau này đạo giáo bị mất đi, chùa Huyền Thiên còn được dựng đền thờ thánh (Trấn Vũ Huyền Thiên), một vị thần chuyên trừ yêu quái, trị thủy bảo hộ cuộc sống con người bên vùng sông Hồng. Cuối cùng ngoài thờ Phật, chùa Huyền Thiên còn bổ sung đền thờ thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian (theo bia giữ từ năm 1668). Vậy là chùa Huyền Thiên trở thành điểm nhấn tâm linh cho những phường kẻ chợ quanh vùng Đồng Xuân gần 400 năm qua. Tôi ngẩn ngơ đứng trước tán cây xum xuê bỗng lại nhớ tới những hình ảnh qua thơ Phan Vũ: "Em ơi! Hà Nội-phố/ Ta còn em đường lượn mái cong/ Ngôi chùa cổ/ Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương/ Ai còn ngồi bên gốc đại già?" (Em ơi! Hà Nội - phố) 

Tài hoa phố chợ

Sau khi dẫn tôi đi một vòng phố Hàng Khoai, Nghệ nhân Ưu tú Lê Khang mệt nhoài. Ông đưa tôi về nhà uống nước và tham quan bảo tàng tượng đồng tại gia. Tôi thật sự ngạc nhiên với những mẫu tượng và tác phẩm của nghệ nhân Lê Khang. Gia đình ông sống ở số nhà 1 ngõ 82 phố Hàng Khoai từ thuở 1945. Ông có biệt tài gò tranh đồng với những ngón bí truyền trong dân gian. Bộ tranh tứ quý do ông thúc trên các mâm đồng tam khí quả là của quý hiếm.

Ông giải thích về nghệ thuật thúc đồng là một trong những kỹ năng tài hoa của ông cha xưa. Muốn làm nổi hình trên mặt tranh đồng thường nghệ nhân phải thúc lá đồng phía sau để tạo hình. Đây là một cảm giác tinh tế khi gò lõm phía sau mặt tranh. Tất cả phải vừa đủ để hình nổi theo mẫu đã vẽ cùng với độ dầy của bức tranh. Đồng thời đường thúc phải ngọt về nét, mịn về độ cong dáng hình. Có thể nói đây là trò chơi ú tim khi bị bịt mắt dò đường với chiếc búa nhỏ, cuối cùng phải bắt được hình nổi lên phía trước. Chả thế cánh thợ thúc đồng có câu: "Thúc lõm cánh chìm trong bóng tối/ Để hoa em xòe cánh vầng dương".

1-tấp nập phố hàng khoai.jpg -0
Tấp nập phố Hàng Khoai.

Nhưng có lẽ hàng trăm tác phẩm đúc tượng chân dung bằng đồng của nghệ nhân Lê Khang mới là tuyệt đỉnh. Đúc chân dung luôn đòi hỏi tay nghề cao cùng với nghệ thuật thể hiện nổi bật thần thái nhân vật. Ông có hàng trăm mẫu chân dung các nhân vật lịch sử và văn nghệ sĩ nổi tiếng. Đó là các bức chân dung nổi bật như Lý Công Uẩn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Võ Nguyên Giáp, Tôn Thất Tùng… Đặc biệt bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng của nghệ nhân Lê Khang hiện đặt tại Văn phòng Chính phủ. Bức tượng bán thân cao 1,6m, được coi là đẹp và lớn nhất hiện nay. Cùng với đó 20 pho tượng nhân vật nổi tiếng của ông đã được lưu trữ và trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Thật đúng là tài hoa phố cổ, nghệ nhân Lê Khang một đời lầm lũi tìm ra con đường của mình trong thế giới xô bồ bon chen kẻ chợ. Hiện ông đã truyền nghề cho con trai đồng hành trên con đường sáng tạo. Bộ sưu tập mẫu tượng đồng của ông thật quý hiếm. Đó là những năm tháng tận tụy bất chấp những hiểm họa để dâng hiến cho nghệ thuật. Nay đã ngoài 80 tuổi, nghệ nhân Lê Khang vẫn đam mê công việc như thuở còn trai trẻ. Thật đúng là "Ngơ ngẩn bao chàng trai kẻ chợ/ Cơn say quá dài thành một cơn mê" (Em ơi! Hà Nội - phố).

Thế rồi xẩm chợ đêm

Hàng Khoai như dải lụa ánh sáng trong khu chợ đêm. Dưới chân phù điêu ''Hà Nội mùa đông 1946'' đầu ngã tư Hàng Khoai và Đồng Xuân một không khí khác lạ đang diễn ra. Đây là con đường đi bộ cuối tuần và sân khấu xẩm đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách. Chả mấy chốc tiếng nhị, tiếng phách đã rung rinh đầu phố. Bức tượng đồng các chiến sĩ Thủ đô ngày nào bỗng hiện lên không gian như vỡ òa trong âm vang hành khúc "Người Hà Nội". Nhịp phố như trào lên cùng tiếng quân reo: "Hà Nội vui sao/ Những cửa đầu ô/ Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền/ Làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm…".

Thế rồi xẩm chợ đêm bắt đầu. Giọng nghệ sĩ Thanh Ngoan cùng dàn nhạc tấu lên rộn ràng. Tiếng ca hóm hỉnh vui tươi như những đốm sao bay rung rinh trong giai điệu thân thương: "Cổng giữa có chị hàng dừa/ Hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng/ Ai ơi đứng đợi mà trông/ Hàng vóc, hàng nhiễu thong dong mượt mà". Cứ thế, phố Hàng Khoai mê man trong đàn ca sáo nhị cùng gió thổi dào dạt cho tới sáng.

Vương Tâm
.
.